Từ ngày được Barras và nhiều nhân vật quan trọng khác của chế độ tin dùng, nghĩa là sau khi dẹp xong cuộc phiến loạn của bọn quân chủ vào ngày 13 Tháng Hái Nho, Bonaparte cố gắng thuyết phục những nhân vật ấy về sự cần thiết phải ngăn ngừa một cuộc liên minh mới của các cường quốc chống lại nước Pháp, phải mở một cuộc tiến công và ở nước Áo và đồng minh của Áo là nước Ý, và muốn thế, phải xâm chiếm miền Bắc nước Ý. Thật ra, đó không phải là một Khối Liên Minh mới mà vẫn là Khối Liên Minh cũ thành lập từ năm 1792, và năm 1795, nước Phổ đã rút khỏi Khối Liên Minh ấy sau khi đã ký một hòa ước riêng với nước Pháp ở Basle. Nhưng vẫn còn lại các nước Áo, Anh, Nga, vương quốc Sardegna, hai vương quốc Sicilia và một số các quốc gia Đức là Württemberg, Bavaria, Baden. Vì toàn thể Châu Âu lúc bấy giờ có thái độ thù địch với Viện Đốc Chính, nên Viện Đốc Chính cho rằng chiến trường chính của chiến dịch sắp tới, vào mùa xuân và mùa hạ năm 1796, phải là miền Tây và Tây Nam nước Đức và qua những miền đó, người Pháp sẽ cố gắng tiến vào những vùng thực sự là đất Áo. Viện Đốc Chính đã chuẩn bị cho chiến dịch này những đội quân tinh nhuệ nhất do những nhà chiến lược lỗi lạc nhất chỉ huy, đứng đầu là tướng tổng chỉ huy Moreau. Đối với đạo quân này, người ta không tiếc một thứ gì, trang bị của nó được tổ chức thật tuyệt vời và chính phủ Pháp tin cậy trước nhất vào nó.
Đối với những đề nghị khẩn khoản của tướng Bonaparte về việc xâm chiếm miền Bắc nước Ý bằng con đường từ các tỉnh Pháp giáp phía Nam, Viện Đốc Chính tỏ ra không tán thành mấy kế hoạch đó. Nhưng dầu sao người ta cũng phải nhận rằng như vậy sẽ có tác dụng nghi binh, buộc triều đình Vienna phải phân tán lực lượng và không chú ý tới chiến trường chính của cuộc chiến tranh sắp diễn ra. Để đạt mục đích ấy, người ta đã quyết định dùng mấy chục nghìn quân đóng ở phía Nam làm cho quân Áo và đồng minh của Áo, vua Sardegna, phải lo lắng.
Khi đặt ra vấn đề ai sẽ là chỉ huy trưởng ở mặt trận thứ yếu đó, thì Carnot (không phải là Barras như bấy lâu người ta vẫn khẳng định) chỉ định Bonaparte. Những vị đốc chính đều đồng ý ngay, vì các vị tướng có tiếng tăm nhất và có địa vị nhất chẳng ai màng đến chức trách đó. Quyết định bổ nhiệm Bonaparte làm chỉ huy trưởng đạo quân đi đánh nước Ý ký ngày 23 tháng 2 năm 1796 và ngày 11 tháng 3, vị tướng tổng chỉ huy mới đi nhận nhiệm vụ.
Trong lịch sử của Napoléon, cuộc chiến tranh đầu tiên này, do Napoléon điều khiển, bao giờ cũng vẫn chói lọi. Năm 1796, tên tuổi của Napoléon đã bay đi khắp Châu Âu, để rồi từ đó không bao giờ rời vũ đài lịch sử nữa. “Gã này còn đi xa, đã đến lúc cần phải chặn hắn lại”, đó là lời của Suvorov nói vào giữa lúc chiến dịch nước Ý của Bonaparte đang diễn ra ác liệt. Suvorov đã là một trong những người đầu tiên phát hiện cơn giông tố làm cho Châu Âu phải điêu đứng trong một thời gian rất dài vì những sấm sét của nó.
Tới đơn vị, qua kiểm tra, Bonaparte biết ngay tại sao những viên tướng có thế lực nhất của nền Cộng Hòa Pháp lại tỏ ra không thiết tha gì lắm với chức chỉ huy này. Quân đội ở vào tình trạng đến nỗi trông không khác gì một đám đói rách. Chưa bao giờ người ta thấy cái tệ bóc lột và ăn hối lộ dưới đủ mọi hình thức lại hoành hành quá dữ dội như vậy và điều đó cũng chưa bao giờ thấy xảy ra trong ngành hậu cần Pháp trong những năm cuối cùng của Hội Nghị Quốc Ước Tháng Nóng và dưới thời của Viện Đốc Chính. Đúng là Paris cung cấp rất ít cho đạo quân này, nhưng ngay “cái ít đó” cũng lại bị tham ô một cách nhanh chóng và trắng trợn. Người ta không biết 43.000 quân đóng ở Nice hoặc ở những vùng lân cận đã ăn và mặc ra sao. Vừa mới đến, Bonaparte đã được báo cáo là ngày hôm trước có một tiểu đoàn không chấp hành lệnh di chuyển vì không ai có giày. Đạo quân bị bỏ quên và bị bỏ rơi không những bị suy nhược về thể chất lại còn đèo thêm cả một sự lỏng lẻo về kỷ luật. Binh lính chẳng còn ngờ vực gì nữa, chính mặt họ đã trông thấy ở chỗ nào cũng có tệ ăn cắp gây ra cho họ biết bao đau khổ.
Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất đang đợi Bonaparte. Đối với Bonaparte, cái khó không những là phải lo giải quyết quần áo, giày dép, kỷ luật cho quân sĩ, mà là phải lo giải quyết những vấn đề đó ở dọc đường, sau khi đã bước vào hoạt động rồi và giữa hai đợt chiến dịch. Hoàn cảnh của Bonaparte có thể trở lên khó khăn thêm vì những va chạm với những cấp chỉ huy của đạo quân này, là cấp dưới của Bonaparte, như: Augereau, Berthier, Masséna, Sérurier. Họ có thể sẵn sàng phục tùng một viên tướng thâm niên hoặc có nhiều thành tích hơn (chẳng hạn như Moreau, chỉ huy trưởng đạo quân mặt trận Tây Đức), nhưng hình như họ lại lấy làm nhục khi phải nhận mệnh lệnh của một cấp trên mới 27 tuổi như Bonaparte. Có thể xảy ra những mâu thuẫn và tiếng đồn của hàng trăm cửa miệng trong các trại lính truyền đi, nhắc đi nhắc lại, bóp méo và thêu dệt mãi về vấn đề ấy. Thí dụ người ta truyền đi câu chuyện, không biết ai đã tung ra, là trong một cuộc cãi lộn gay go, Bonaparte, thân hình bé nhỏ, ngước nhìn Augereau cao lớn từ đầu đến chân và chắc là đã nói rằng: “Anh đã nói những lời phản nghịch, hãy coi chừng, đừng để tôi phải làm bổn phận của tôi. Cái thân hình to lớn của anh cũng không tránh cho anh khỏi bị xử bắn ngay bây giờ đâu”. Thực tế là ngay từ đầu, Bonaparte đã làm cho mọi người hiểu rằng Bonaparte không thể chịu được sự chống đối lại trong đơn vị mình và Bonaparte sẽ đập tan tất cả những kẻ nào cưỡng lại mình, dù kẻ đó ở cấp bậc nào. “Ở đây, phải đốt, phải bắn”, Bonaparte đã báo cáo đại khái như vậy và không giải thích thêm gì với Viện Đốc Chính ở Paris.
Bonaparte lập tức tiến hành một cuộc đấu tranh kiên quyết chống lại nạn trộm cắp đang hoành hành dữ dội. Binh lính đã chú ý ngay đến việc đó và nó đã góp phần vào việc khôi phục kỷ luật hơn hẳn cả những ban chuyên môn đi xử bắn. Nhưng trong hoàn cảnh của Bonaparte lúc ấy, trì hoãn các cuộc hành binh đến khi trang bị xong bộ đội thì thực tế chẳng khác gì thôi không mở chiến dịch năm 1796. Bonaparte đã hạ quyết tâm và đã nói rõ điều đó trong lời tuyên bố của mình với binh sĩ. Người ta đã tranh luận rất nhiều để tìm xem bản tuyên bố được đưa vào sử sách ấy đã được viết xong đúng vào lúc nào và ngày nay, những nhà viết tiểu sử của Napoléon khẳng định rằng chỉ có những câu đầu tiên mới đúng là của Napoléon, còn hầu hết phần sau chỉ là đoạn văn sau này người ta thêm thắt vào. Tôi nhận thấy ngay cả những câu đầu người ta cũng chỉ có thể bảo đảm chúng là của Napoléon về ý nghĩa chung nhiều hơn là về từng chữ một: “Hỡi các binh sĩ, các người không đủ cơm ăn, không đủ áo mặc... Ta sẽ đưa các người đến những cánh đồng phì nhiêu nhất thế giới”.
Ngay từ những bước đầu, Bonaparte đã cho rằng chiến tranh phải nuôi chiến tranh, rằng mỗi binh sĩ phải tự mình thấy gắn bó với chiến dịch sắp mở ra ở miền Bắc nước Ý và cần phải chỉ cho binh sĩ biết rằng không cần phải đợi người ta cung cấp cho những thứ cần thiết, mà chính là mình phải lấy của địch tất cả những gì mình cần đến và hơn thế nữa. Nói chuyện với ba quân lần ấy, người tướng trẻ chỉ phát biểu chỉ có vậy. Bonaparte luôn luôn biết tạo nên, tăng cường và nuôi dưỡng uy tín và quyền hành của cá nhân mình trong tâm hồn người chiến sĩ. Những chuyện dông dài nói “tình thương yêu” của Napoléon đối với binh sĩ, những người mà trong những phút sống thật thà nhất đối với cõi lòng của mình, Napoléon đã gọi là “bia đỡ đạn”, đều là những chuyện không có ý nghĩa gì hết. “Thương yêu binh sĩ”, không thể có chuyện ấy ở Napoléon, nhưng Napoléon rất chăm lo đến binh sĩ. Napoléon đã khéo làm việc ấy, khiến cho binh sĩ bề ngoài thấy là họ đã được cấp trên chú ý đến cá nhân họ nhưng thực ra Napoléon chỉ lo làm sao có trong tay một công cụ thật tốt và có năng lực chiến đấu.
Tháng 4 năm 1796, trong giai đoạn đầu của chiến dịch đầu tiên của Bonaparte, dưới con mắt của binh sĩ, Bonaparte chỉ là một pháo thủ có năng lực, là người mà hơn hai năm trước đây đã chiến đấu tốt trong cuộc vây thành Toulon, là một viên tướng đã nã súng vào bọn phiến loạn đang tiến công Hội Nghị Quốc Ước vào ngày 13 Tháng Hái Nho, và đã được nhận chức chỉ huy đạo quân miền Nam nước Pháp, ngoài ra chẳng có gì hơn nữa. Lúc bấy giờ, Bonaparte còn chưa có uy tín và chưa nắm chắc được binh sĩ. Vì vậy, Bonaparte quyết định tác động vào người lính bằng cách duy nhất là vạch ra trực tiếp, cụ thể và thiết thực cho họ thấy rằng những của cải vật chất đang chờ đợi họ ở nước Ý.
Ngày 9 tháng 4 năm 1796, Bonaparte quyết định vượt qua núi Apls cùng với quân đội.
Tướng Jomini, người Thụy Sĩ, nhà bác học về chiến lược chiến thuật, tác giả nổi tiếng của một quyển sử dày nói về chiến dịch của Napoléon, lúc đầu làm việc dưới quyền của Napoléon, sau chạy sang hàng ngũ người Nga, có nhận xét rằng ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chỉ huy đầu tiên, Bonaparte đã tỏ ra can đảm đến liều lĩnh và coi thường cả nguy hiểm đối với bản thân: Bonaparte đã cùng với bộ tham mưu của mình chọn con đường nguy hiểm nhất, nhưng ngắn nhất, qua con đường Corniche nổi tiếng chạy dọc theo dãy núi Apls giáp biển, luôn nằm phơi dưới tầm hỏa lực của pháo trên chiến thuyền Anh đi tuần phòng ở gần bờ. Đây là lần đầu tiên mà một trong những đặc điểm của Napoléon đã được biểu lộ: Một mặt, so với những người đồng thời cùng có những đặc điểm gan góc, lì lợm, can đảm, dũng mãnh như Napoléon, thí dụ như các Thống Chế Lannes, Murat, Ney, tướng Miloradovich[17], hoặc như Skobelev trong số những tướng tá của thời kỳ gần đây hơn, thì Napoléon đã không hề được nổi tiếng về những đặc điểm ấy. Bao giờ Napoléon cũng cho rằng nếu không thật cần thiết và không tuyệt đối cần thiết thì người chỉ huy trong thời chiến không được liều thân vào nơi nguy hiểm, bởi vì chỉ cái chết của người đó cũng đã đủ gây hoang mang, hốt hoảng, thất bại cho trận đánh, thậm chí cho cả toàn bộ cuộc chiến tranh. Nhưng mặt khác, Napoléon cho rằng nếu tình thế đòi hỏi mình phải gương mẫu thì người chỉ huy phải xông vào lửa đạn, không được do dự.
Cuộc hành quân vượt qua đường Corniche được tiến hành thuận lợi từ ngày 3 đến ngày 9 tháng 4 năm 1796; khi đã tới được nước Ý, Bonaparte lập tức hạ quyết tâm chiến đấu ngay. Đối diện với Bonaparte là quân đội của nước Áo và Piedmont phối hợp lại, chia thành ba cụm, bảo vệ các con đường đi Piedmont và đi Genoa. Trận đầu tiên đánh với quân đoàn áo của tướng Argenteau diễn ra ở trung tâm vùng Montenotte. Tập trung tất cả lực lượng thành một khối mạnh và đánh lừa được quân cảnh giới của tướng tổng chỉ huy áo Beaulieu lúc đó đang ở quá phía Nam trên đường đi Genoa, Bonaparte thọc mạnh vào trung tâm quân địch. Chỉ vài giờ sau, quân Áo bị thua. Nhưng đó mới chỉ là một bộ phận của đội Quân Áo. Chỉ cho binh sĩ của mình nghỉ ngơi trong một thời gian ngắn, Bonaparte lại tiến quân ngay. Hai ngày sau, quân đội Piedmont bị đánh thua liểng xiểng ở gần vùng Millesimo phải rời bỏ chiến địa đầy thương binh tử sĩ, mất 13 cỗ pháo, năm tiểu đoàn hạ khí giới đầu hàng với số còn lại bỏ chạy: Đó là kết quả cuộc chiến đấu của quân Liên Minh. Bonaparte lập tức truy kích, không cho quân địch có thời gian củng cố lại hàng ngũ.
Những nhà viết sử quân sự coi những trận chiến đấu đầu tiên của Bonaparte - “sáu thắng lợi trong sáu ngày” - chỉ là một trận đánh và một trận đánh lớn. Nguyên tắc chiến đấu cơ bản của Napoléon trong những ngày ấy đã biểu hiện đầy đủ: Nhanh chóng tập hợp lực lượng lớn thành một khối mạnh, đánh hết mục tiêu chiến lược này đến mục tiêu chiến lược khác, không dùng đến những cuộc điều quân quá phức tạp, và chia cắt địch ra mà đánh.
Một trong những nét đặc biệt khác của Napoléon cũng đã được biểu hiện, đó là khả năng giải quyết vấn đề chính trị và chiến lược như là một thể thống nhất không tách rời nhau được; trong suốt tuần lễ của tháng 4 năm 1796, tuy đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhưng không lúc nào Bonaparte quên rằng phải làm sao buộc nước Piedmont (vương quốc Sardegna) ký thật sớm hiệp ước riêng, để cho trước mặt mình chỉ còn quân Áo.
Sau khi quân Pháp chiến thắng quân Piedmont ở Mondovi và thành phố này đầu hàng Bonaparte, thì viên tướng Piedmont là Colli đi vào đàm phán hòa bình, và hiệp ước đình chiến với Piedmont được ký kết ngày 28 tháng 4. Những điều kiện cực kỳ nặng nề đã đè lên kẻ chiến bại: Vua Piedmont, Victor Amadeus, phải giao cho Napoléon hai pháo đài tốt nhất của mình và nhiều địa phương khác nữa. Hòa ước chính thức ký với quốc gia này ở Paris vào ngày 15 tháng 5 năm 1796. Nước Piedmont chính thức cam kết không để quân đội của một nước nào đi qua lãnh thổ Piedmont, trừ quân đội của nước Pháp và từ nay trở đi không liên minh với bất cứ một nước nào. Nước Piedmont nhượng lại cho nước Pháp lãnh địa Nice và toàn bộ vùng Savoy. Ngoài ra, biên giới nước Pháp và nước Piedmont được “điều chỉnh lại” một cách rất có lợi cho nước Pháp. Nước Piedmont còn cam kết cung cấp lương thực cần thiết cho quân đội Pháp.
Thế là nhiệm vụ đầu tiên đã hoàn thành. Chỉ còn lại quân Áo. Bằng những thắng lợi mới, Bonaparte đã đẩy lùi quân Áo đến sông Po, bức quân Áo rút lui sang bờ sông phía Đông, rồi Bonaparte cũng vượt qua sông, tiếp tục truy kích. Hoảng hốt bao trùm lên tất cả triều đình Ý. Công tước xứ Parma, tuy thực tế không đánh nhau với nước Pháp, nhưng lại là một trong những nạn nhân đầu tiên; Bonaparte đã không tin những lời cam kết, không công nhận sự trung lập của xứ này, bắt Parma phải đóng góp một số tiền là hai triệu francs vàng và nộp 1.700 con ngựa. Bonaparte vẫn tiếp tục tiến quân, chẳng bao lâu đã tiến đến làng Lodi nhỏ bé và phải vượt qua sông Adda. Vị trí trọng yếu này do một binh đoàn 10.000 quân Áo phòng giữ.
Trận chiến đấu lừng danh Lodi diễn ra vào ngày 10 tháng 5. Lần này cũng như lần vượt qua Corniche, Bonaparte thấy cần thiết phải liều mạng: Lúc cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở đầu cầu thì Bonaparte, dẫn đầu một tiểu đoàn cận vệ, xông tới dưới làn mưa đạn, 20 khẩu pháo của quân Áo nhả đạn quét sạch cầu và lân cận. Lính cận vệ, do Bonaparte dẫn đầu, đã chiếm được cầu và đánh bật được quân Áo ra xa; quân Áo bỏ lại trên chiến trường 15 khẩu pháo và chừng 2.000 người vừa bị chết và bị thương. Bonaparte lập tức truy kích quân địch, và ngày 15 tiến vào Milan. Ngày hôm trước, 14 tháng 3 (ngày 26 Tháng Hoa), Bonaparte đã báo cáo về Viện Đốc Chính rằng từ nay miền Lombardia thuộc về nước Pháp.
Tháng 6, theo lệnh của Napoléon, một bộ phận quân Pháp do tướng Murat chỉ huy, đã chiếm được Leghorn, trong khi tướng Augereau chiếm được Bologna. Vào trung tuần tháng 6, Bonaparte thân hành đánh chiếm Modena, rồi đến lượt Tuscany, mặc dù công tước xứ này vẫn đứng trung lập trước cuộc chiến tranh Áo - Pháp. Bonaparte không đếm xỉa gì đến thái độ trung lập của các quốc gia Ý. Bonaparte vào các thành phố, làng mạc, trưng thu tất cả những gì cần thiết cho quân đội, nói chung là vơ vét tất cả những gì mà Bonaparte cho là đáng lấy, kể từ những cỗ pháo, khẩu súng, thuốc súng cho đến những bức tranh của các họa sĩ bậc thầy thời Phục hưng.
Bonaparte nhìn bằng con mắt đầy khoan dung những trò giải trí kiểu ấy, những trò mà lúc bấy giờ chiến binh của ông ta say sưa lao vào, đến nỗi nhân dân địa phương đã phải nổi dậy bạo động. Ở Pavia, nhiều lần nhân dân đã xông vào đánh binh lính Pháp. Ở Lugo (gần Ferrera) cũng vậy, nhân dân đã giết chết năm kỵ binh và sau đó thì thành phố bị xử theo quân lệnh: Vài trăm người bị chém đầu và binh lính được lệnh tàn phá, cướp bóc thành phố, chúng hạ sát tất cả những người dân nào bị chúng nghi là chống lại chúng. Nhiều nơi khác cũng phải chịu đựng những sự trừng phạt tàn bạo như vậy. Sau khi đã dùng pháo và đạn dược tước được của quân Áo hoặc của các quốc gia trung lập Ý để tăng cường, bổ sung đầy đủ cho đơn vị pháo binh của mình, Bonaparte tiến thẳng về pháo đài Mantua, một trong những pháo đài mạnh nhất Châu Âu do địa thế thiên nhiên cũng như do nghệ thuật kiến trúc hệ thống phòng ngự.
Vừa bắt đầu chính thức vây thành Mantua thì Bonaparte được tin một đạo quân Áo gồm 30.000 người được đặc biệt cấp tốc phái từ Tyrol đến để cứu nguy cho Mantua. Đạo binh ấy đặt dưới quyền chỉ huy của Wurmser, một viên tướng rất mẫn tiệp và có tài năng. Tin này đã cổ vũ mạnh mẽ tất cả những kẻ thù của nước Pháp. Hơn nữa, trong suốt mùa xuân và mùa hè năm 1796, hàng nghìn dân thành thị và nông thôn bị điêu đứng vì nạn cướp phá của quân đội tướng Bonaparte, đã nhập bọn với tăng lữ và bọn quý tộc nửa phong kiến miền Bắc nước Ý là những kẻ căm ghét cả đến những nguyên lý của cuộc cách mạng tư sản do quân đội Pháp mang vào nước Ý. Nước Piedmont, đã thua trận và buộc phải ký hòa ước, có thể nổi lên đánh vào hậu phương của Bonaparte và cắt đứt đường giao thông của Bonaparte với nước Pháp.
Bonaparte cắt 16.999 quân dùng vào việc vây thành Mantua, 29.000 quân còn lại làm đội dự bị, và chờ viện binh ở Pháp sang. Bonaparte cử Masséna, một trong những tướng giỏi nhất của Bonaparte, giao chiến với Wurmser. Nhưng Wurmser đã đánh tan quân Masséna, Bonaparte liền cử tướng Augereau, một tướng rất có năng lực và được phong cấp tướng trước Bonaparte. Augereau cũng lại bị Wurmser đánh lui nốt. Quân Pháp lâm vào tình thế tuyệt vọng, và lúc ấy Bonaparte đã tiến hành một cuộc hành binh mà theo ý kiến của những nhà lý luận quân sự trước đây cũng như hiện đại nhất đều cho rằng: Dù Bonaparte có bị tử trận ngay vào thời kỳ đó, vào buổi bình minh của sự nghiệp lâu dài của Bonaparte, thì chỉ một cuộc hành binh đó cũng đã đủ bảo đảm cho Bonaparte “một vinh quang bất diệt” (lời nói của Jomini). Tưởng rằng sắp thắng được địch thủ đáng gờm của mình, Wurmser cho kéo quân vào thành Mantua đang bị vây hãm, và như vậy là ông ta đã giải vây được, thì thình lình Wurmser được tin Bonaparte đang tập trung tất cả lực lượng tiến công vào một cánh quân Áo khác đang hoạt động trên các đường giao thông giữa Bonaparte với Milan và đã đánh cho cánh quân Áo ấy bị thua liền ba trận ở Lonato, Salo và ở Brescia. Được tin ấy, Wurmser dùng toàn bộ lực lượng rời khỏi Mantua, sau khi đánh tan được phòng tuyến quân Pháp án ngữ ở trước mặt do tướng Valette chỉ huy, và qua một loạt trận giao chiến đánh lùi được những cánh quân Pháp khác, cuối cùng đã vấp phải cánh quân do chính Bonaparte chỉ huy gần Castiglione, nơi đây Wurmser đã thất bại nặng vì một cuộc hành binh tài tình của Napoléon; nhờ cuộc hành binh ấy, một bộ phận quân Pháp vừa đánh tạt sườn vừa đánh tập hậu quân Áo.
Sau một loạt trận chiến đấu khác. Wurmser, cùng với tàn quân, lúc đầu đã chạy vòng quanh thượng lưu sông Adige, rồi sau rút vào thành Mantua. Bonaparte quay trở lại bao vây. Lần này, để ứng cứu không phải chỉ riêng cho Mantua mà còn cho cả chính Wurmser nữa, nước Áo đã tức tốc điều động một đạo quân mới do Alvinczi chỉ huy. Cũng như Wurmser và Đại Công Tước Chales, Alvinczi là một trong những tướng giỏi của đế quốc Áo. Bonaparte để lại 8.300 quân làm lực lượng vây thành Mantua và dẫn đầu 28.500 quân tiến đánh Alvinczi. Lực lượng dự bị của Bonaparte hầu như chẳng còn gì, chưa đầy 4.000 người. “Người tướng nào cố giữ lại những đội quân cho những trận đánh hôm sau thì hầu như bao giờ cũng bị thua”, Napoléon luôn nhắc lại như vậy mặc dầu ông không hề phủ nhận tầm quan trong to lớn của các lực lượng dự bị trong cuộc chiến tranh kéo dài. Về số lượng, quân Alvinczi đông gấp bội và đã giao chiến nhiều trận với quân đội Pháp. Hạ lệnh rút quân ra khỏi Vicenza và một vài vị trí khác, Bonaparte đã tập trung toàn bộ lực lượng để đánh một đòn quyết định.
Ngày 15 tháng 11 năm 1796, một trận kịch chiến đẫm máu đã bắt đầu ở gần Arcole và kết thúc vào buổi tối ngày 17 tháng 11. Cuối cùng, Alvinczi chạm trán với Bonaparte.
Quân Áo đông hơn nhiều và chiến đấu với một tinh thần ngoan cường phi thường, vì triều đình Hapsburg[18] đã phái đến những trung đoàn tinh nhuệ nhất. Một trong những cứ điểm trọng yếu và có tiếng nhất là cầu Arcole. Ba lần quân Pháp đã xung phong, đã đoạt được cầu, ba lần lại bị đánh lui và bị tổn thất nặng nề. Diễn lại đúng hệt chiến công ở Lodi mấy tháng trước đây, tướng tổng chỉ huy Bonaparte lại tay cầm cờ lao lên trước. Bên cạnh Bonaparte, nhiều binh lính và một số sĩ quan hầu cận bị giết chết. Trận đánh kéo dài ròng rã ba ngày, kể cả những lúc tạm ngừng ngắn ngủi. Alvinczi đã bị đánh bại và buộc phải lui.
Quân Áo phải mất một tháng rưỡi mới hàn gắn được những thua thiệt ở Arcole và chuẩn bị phục thù. Trận quyết định đã diễn ra vào trung tuần tháng 1 năm 1797. Lần này, quân đội Áo, noi gương nhà chiến lược trẻ tuổi người Pháp, cũng tập trung thành một khối lớn. Trong một trận đánh đẫm máu kéo dài ba ngày ở gần Bivoli, những ngày 14, 15, 16 tháng 1 năm 1797, tướng Bonaparte đã đánh tan tành toàn bộ quân đội Áo. Alvinczi, cùng với tàn binh chạy thoát, không còn nghĩ đến việc giải vây cho Mantua và đạo quân của Wurmser đang bị hãm trong đó được nữa. Sau trận Rivoli hai tuần rưỡi thì Mantua đầu hàng. Bonaparte đã đối xử với bại tướng Wurmser một cách khoan dung đại lượng nhất.
Chiếm xong Mantua, Bonaparte tiến quân lên phía Bắc, hiển nhiên ông ta đe dọa những vùng đất đai chiếm hữu cha truyền con nối của hoàng gia Áo. Sau khi Đại Công Tước Chales người mà hồi đầu mùa xuân năm 1797, được điều động vội vã sang chiến trường nước Ý - đã bị Bonaparte đánh bại trong nhiều trận và đã bị đuổi dồn về đèo Brenner và ở đó Đại Công Tước đã phải rút lui cùng với nhiều tổn thất nặng nề, thì tình hình thành Vienna trở lên nhốn nháo, hoảng hốt, trước hết là ở hoàng cung. Nhân dân kinh thành được biết rằng trong hoàng cung người ta đang vội vàng đóng gói vàng bạc, châu báu của hoàng gia cất giấu vào chỗ kín. Một cuộc xâm lược của quân đội Pháp đang đe dọa thủ đô nước Áo. “Tướng Hannibal đã đứng ở cổng rồi! Bonaparte đang ở Tyrol rồi! Ngày mai Bonaparte sẽ đến Vienna!”.
Những tin đồn loại ấy, những lời bàn tán, những tiếng than vãn như vậy còn âm vang mãi trong ký ức những người đương thời đã sống qua những giờ phút ấy ở cái thủ đô già nua và béo bở của đất nước quân chủ của dòng họ Habsburg. Những đội quân Áo tinh nhuệ nhất bị tiêu diệt, những tướng lĩnh thao lược và tài năng nhất bị đại bại, tất cả miền Bắc nước Ý bị mất, thủ đô nước Áo bị đe dọa trực tiếp, đó là thành tích cái chiến dịch một năm của Bonaparte bắt đầu vào cuối tháng 3 năm 1796, thời kỳ mà lần đầu tiên Bonaparte làm chỉ huy trưởng một đạo quân Pháp. Tên tuổi Bonaparte vang lừng khắp Châu Âu.
Sau những thất bại mới và cuộc tổng rút lui của Đại Công Tước Chales, triều đình Vienna đã nhận thấy nguy cơ nếu kéo dài chiến tranh. Trong những ngày đầu tháng 4 năm 1797, tướng Bonaparte được tin báo chính thức là Hoàng Đế Francis nước Áo đề nghị mở cuộc đàm phán hòa bình. Cũng cần chú ý rằng về phần Bonaparte, ông ta cũng cố gắng tìm mọi cách để chấm dứt chiến tranh với nước Áo vào một thời cơ thuận lợi nhất cho mình và trong khi Bonaparte tập trung mọi lực lượng để truy kích Đại Công Tước Chales đang vội vã rút lui thì đồng thời Bonaparte cũng báo tin cho Đại Công Tước Chales biết là mình sẵn sàng điều đình ngừng chiến. Người ta nhận thấy bức thư của Bonaparte thật là kỳ lạ: Trong thư, để không làm tổn thương lòng tự ái của kẻ bại trận, Bonaparte viết rằng nếu ký được hòa ước thì Bonaparte sẽ lấy làm tự hào hơn là “cái vinh quang đau thương cho những thắng lợi quân sự đem lại”. “Chúng ta đã giết hại mất khá nhiều sinh linh và đã phạm khá nhiều tội đối với nhân loại đau thương rồi!”. Bonaparte nói với Chales như vậy.
Viện Đốc Chính chấp thuận ký hòa ước, chỉ còn lo chưa biết chọn ai để đi đàm phán. Nhưng trong khi Viện Đốc Chính suy nghĩ và khi người được chọn là Cluke bắt đầu lên đường đến đại bản doanh của Bonaparte thì viên tướng chiến thắng ấy đã ký xong hiệp ước đình chiến Leoben.
Ngay từ buổi đầu của cuộc đàm phán Leoben, Bonaparte đã giải quyết xong với Roma. Giáo Hoàng Pius VI, kẻ thù điên cuồng của cách mạng Pháp, coi “viên tướng của Tháng Hái Nho” như một tên tay sai của địa ngục, vì Bonaparte đã được thăng làm tổng chỉ huy để thưởng công đã diệt trừ được bọn Bảo Hoàng sùng đạo ngày 13 Tháng Hái Nho và Giáo Hoàng đã hết sức giúp đỡ nước Áo trong cuộc chiến đấu gian khổ. Ngay sau khi Wurmser nộp thành Mantua cho người Pháp cùng với 13.000 quân và hàng trăm khẩu pháo, ngay sau khi Bonaparte có thể rút được số quân vây thành ra thì Bonaparte liền mở một cuộc tiến công vào đất đai của toà thánh.
Quân đội của Giáo Hoàng bị tan vỡ ngay từ trận đầu tiên và tháo chạy nhanh đến nỗi tướng Junot, do Bonaparte cử đi truy kích, đã phải mất hai giờ mới đuổi kịp: Junot chém giết ngay một phần và bắt số còn lại làm tù binh. Rồi các thành phố lần lượt đầu hàng Bonaparte không một chút kháng cự. Bonaparte cướp hết những gì có giá trị: Tiền bạc, kim cương, tranh, bát đĩa quí giá. Cũng như ở miền Bắc nước Ý, các thành phố, nhà tu, kho tàng của những ngôi nhà thờ cổ đã mang lại cho Bonaparte một nguồn chiến lợi phẩm lớn. Bọn nhà giàu và những nhân vật thuộc tầng lớp giáo sĩ cao cấp, lũ lượt từng đám rời bỏ thành Roma đầy khủng khiếp, trốn chạy về phía Naples.
Giáo Hoàng Pius VI, khiếp sợ rụng rời, đã viết một bức thư lời lẽ khẩn khoản giao cho cháu là Hồng Y giáo chủ Cardinal Mattei cùng đi với một phái đoàn mang đến Bonaparte để cầu hòa. Tướng Bonaparte chấp nhận lời cầu xin đó với thái độ kẻ cả và cũng cho biết ngay rằng Giáo Hoàng chỉ có thể đầu hàng hoàn toàn. Hòa ước được ký vào ngày 19 tháng 2 năm 1797 ở Torino với điều kiện là Giáo Hoàng phải nhường lại một bộ phận đất đai khá rộng và giàu có nhất, trả một khoản đảm phụ 30 triệu francs vàng, nộp những bức tranh và những pho tượng độc nhất trong các viện bảo tàng. Những vật phẩm nghệ thuật đó cùng những vật phẩm đã vơ vét được ở Milan, Bologna, Modena, Parma, Piacenza và sau này ở Venezia đều được Bonaparte gửi về Paris. Vì sợ hãi đến cực độ Pius VI đã nhận ngay tất cả những điều kiện đó, việc này đối với Giáo Hoàng cũng dễ dàng, vả lại Bonaparte cũng chẳng cần đếm xỉa đến sự ưng thuận của Giáo Hoàng nữa.
Tại sao lúc này Napoléon không làm những việc mà mấy năm sau đây Napoléon phải làm? Tại sao Napoléon không chiếm thành Roma và không bắt giữ Giáo Hoàng? Trước hết, vì việc đàm phán hòa bình với nước Áo còn đang tiến hành và nếu Napoléon xử trí quá nghiệt ngã với Giáo Hoàng thì sẽ có thể cho giáo dân ở miền trung và miền Nam nước Ý nổi dậy, như vậy sẽ gây nên tình hình rối loạn ở hậu phương của Napoléon. Vả lại, chúng ta cũng nên biết rằng trong quá trình của chiến dịch nước Ý đầu tiên lẫy lừng ấy, với sự chiến thắng liên tiếp nhiều đội quân hùng mạnh và đáng sợ của đế quốc Áo thời bấy giờ, viên tướng trẻ ấy đã thức một đêm trắng đi đi lại lại suy nghĩ trước lều, lần đầu tiên tự đặt cho mình có nên tiếp tục chiến thắng và chinh phục mãi các đất đai mới cho Viện Đốc Chính, cho “bọn luật sư” ấy hay không? Trước khi Bonaparte khám phá ra điều đó để rồi đêm ấy trầm ngâm suy tưởng thì năm tháng đã phải trôi qua một đận dài, sông nước chân cầu đã phải thay đi trăm dòng nghìn lớp và máu người đã phải đổ thành sông. Và đương nhiên câu trả lời mà bản thân Bonaparte tự đáp lại mình là: Không, không và không! Và năm 1797, con người đã chinh phục nước Ý ấy, tuổi vừa 28, đã biết nhìn thấy ở Pius VI không phải là một lão già suy nhược và sợ hãi rụng rời để Napoléon muốn làm gì cũng được; Napoléon coi Pius VI là thủ lĩnh tinh thần của bao nhiêu triệu con người, ngay cả trên đất Pháp và kẻ nào muốn dựa vào hàng triệu con người ấy để củng cố quyền lực của mình ắt phải tính đến lòng mê tín của họ. Napoléon đánh giá giáo hội với nghĩa rất đúng của nó: Một công cụ cảnh sát tinh thần, rất tiện lợi để điều khiển đông đảo quần chúng và về phương diện này, theo quan điểm của Napoléon, giáo hội Thiên Chúa Giáo có tác dụng đặc biệt, mặc dù điều không may là xưa nay nó đã và vẫn cứ tiếp tục mưu toan đóng một vai trò chính trị độc lập; sở dĩ như vậy chính vì nó có một tổ chức hoàn chỉnh và hoàn toàn phục tùng quyền lực Giáo Hoàng.
Ngay chính cả cái chức Giáo Hoàng, Napoléon cũng coi như là một trò hoàn toàn lừa bịp đã được xây dựng được thừa nhận qua gần 2000 năm lịch sử và do các giám mục thành Roma thời đó đã khôn khéo lợi dụng những điều kiện địa phương và lịch sử của đời sống trung cổ để bịa đặt ra. Nhưng một cái trò bịp bợm như vậy lại đã có thể tạo nên một lực lượng chính trị rất quan trọng. Napoléon hiểu rất rõ điều đó.
Bị trấn áp và bị mất những lãnh địa tốt đẹp nhất, Giáo Hoàng run sợ sống an toàn một thời gian trong lâu đài Vatican. Napoléon không vào thành Roma; khi vừa giải quyết xong công việc với Pius VI, Napoléon vội vàng trở lại Bắc Ý, ở đó Napoléon còn phải ký hòa ước với nước Áo bại trận.
Trước hết cần phải nói rằng trong cuộc đàm phán để ký hiệp ước đình chiến Leoben cũng như sau này ký Hòa Ước Campo Formio, hay nói chung trong tất cả các cuộc đàm phán ngoại giao, Bonaparte luôn luôn chỉ đạo với thói quen võ đoán thường ngày và ra điều kiện một cách độc đoán. Tại sao lại có thể như thế được? Tại sao Bonaparte lại có thể tự giải quyết dễ dàng như thế được? trước hết là do theo cái quy luật cũ quy định: “Không được phê bình những người chiến thắng”! Những tướng tá Cộng Hòa (những người giỏi nhất như Moreau chẳng hạn), cũng vào năm 1796 ấy và đầu năm 1797, đã bị kẻ địch đánh bại nhiều lần trên sông Rhine và đạo quân sông Rhine đã phải xin tiền chính phủ để sống, mặc dầu ngay từ đầu, đạo quân đó đã được trang bị rất đầy đủ. Còn Bonaparte, ông ta đã biến bầy người rách rưới và vô kỷ luật thành một đội quân đáng sợ và trung thành, không đòi hỏi chính phủ một chút gì; trái lại, còn gửi về Paris hàng triệu đồng tiền vàng, các tác phẩm nghệ thuật, đồng thời Bonaparte lại đã chinh phục được nước Ý, đã tiêu diệt hết đội quân này đến đội quân khác của nước Áo trong rất nhiều trận giao tranh và đã buộc nước Áo phải cầu hòa. Trận Rivoli, việc chiếm thành Mantua và việc chinh phục lãnh thổ của Giáo Hoàng - những chiến công ấy đã xác lập vững vàng uy tín của Bonaparte.
Leoben là một thành phố thuộc tỉnh Styria nước Áo, cách Vienna chừng 250km. Để bảo đảm quyền chiếm cứ đúng như thủ tục và vĩnh viễn tất cả những gì mà Bonaparte đã chinh phục được và còn muốn chinh phục thêm nữa ở miền Nam và hơn nữa, muốn dẫn người Áo đến chỗ bằng lòng cùng chịu đựng những hy sinh nặng nề trên chiến trường Tây Đức, nơi mà quân Pháp đang gặp nhiều khó khăn, thì dù sao cũng cần thiết phải bù lại chút ít cho nước Áo. Tuy tiền quân của Bonaparte đã tiến đến Leoben, nhưng Bonaparte cũng biết rằng nếu cứ đánh dồn Áo đến thế cùng, Áo có thể sẽ chống lại một cách điên cuồng và cũng đã đến lúc cần phải giải quyết cho xong việc nước Áo. Nhưng lấy ở đâu để bù lại cho Áo? Ở Venezia. Sự thật là nước Cộng Hòa Venezia giữ thái độ hoàn toàn trung lập và làm mọi cách để tránh khỏi bị xâm chiếm nhưng trong những trường hợp như vậy, không bao giờ Bonaparte một chút lúng túng. Chộp được bất cứ cớ nào, Bonaparte đã phái sang Venice một sư đoàn. Trước khi làm việc này, Bonaparte đã ký hiệp ước đình chiến Leoben với Áo theo những điều kiện sau đây: Áo nhường cho Pháp tả ngạn sông Rhine và tất cả những đất đai của họ trên đất Ý mà Bonaparte đã chiếm được; để bù lại, Pháp hứa đổi cho Áo xứ Venice.
Thực tế Bonaparte đã quyết định chia cắt Venice. Phần thành phố trên bãi biển sẽ thuộc về nước Áo, còn phần đất đai của Venice trên đất liền sẽ thuộc về nước “Cộng Hòa bên kia dãy núi Apls” (Cisalpine HA) mà Bonaparte quyết định sẽ thành lập cùng với toàn bộ đất đai của Ý mà Bonaparte đã chinh phục được. Đương nhiên trên thực tế nước “Cộng Hòa mới này” có gì khác hơn là một vùng đất đai mới của Pháp. Chỉ còn có một nghi thức nhỏ nữa là báo cho Thủ Tướng, cho Thượng Nghị Viện nước Cộng Hòa Venezia biết rằng quốc gia của họ, độc lập từ ngày khai quốc, vào giữa thế kỷ thứ V, đến nay đã không còn nữa, vì tướng Bonaparte muốn như vậy để những kế hoạch ngoại giao của ông ta được thành công tốt đẹp. Đối với ngay cả chính phủ Pháp, Bonaparte cũng chỉ báo cáo cho biết sau khi đã bắt tay vào thực hiện mưu đồ đó. Bonaparte viết cho Thủ Tướng nước Cộng Hòa Venezia đang cầu xin tha tội: “Ông tưởng rằng những binh đoàn Pháp ở Ý sẽ tha thứ cho ông cái tội tàn sát mà ông đã gây nên chăng? Máu của các bạn chiến đấu của chúng tôi sẽ được trả thù”. Những lời nói xa xôi ấy liên quan đến việc một viên đại uý Pháp đã bị giết ở vịnh Lido.
Nhưng cũng chẳng cần viện đến bất cứ một cớ nào vì tất cả đều rõ ràng. Bonaparte đã ra lệnh cho tướng Baraguay D’Hilliers đánh chiếm Venice. Đến tháng 3 năm 1797, mọi việc đều xong xuôi; sau 13 thế kỷ lịch sử độc lập và có biết bao nhiêu sự kiện phong phú, nước Cộng Hòa buôn bán này đã không còn nữa. Món chiến lợi phẩm béo bở để chia nhau - món duy nhất mà Bonaparte còn thiếu để có thể ký với người Áo một hòa ước tối hậu và có lợi - đã rơi vào tay Bonaparte như vậy đó.
Nhưng việc đánh chiếm Venice lại giúp cho Bonaparte một việc khác, hoàn toàn bất ngờ. Vào một buổi tối tháng 5 năm 1797, một người đưa thư đã mang đến bản doanh của Tổng chỉ huy quân đội Pháp, tướng Bonaparte, đang ở Milan, một tin khẩn của tướng Bernadotte, cấp dưới của Bonaparte, báo rằng y vừa chiếm được Trieste. Vấn đề là ở chỗ đã lấy được một cái cặp trong tay một hầu tước d’Antraigues nào đó, một tên Bảo Hoàng và tay sai của bọn Bourbon. Để trốn quân Pháp, d’Antraigues đã từ Venice đến Triest, nhưng Bernadotte đã vào thành phố rồi và đã bắt được y. Chiếc cặp ấy chứa nhiều tài liệu lạ lùng.
Để có thể hiểu hết lợi hại của việc bắt được chiếc cặp ấy, cần nhắc qua sự việc đang xảy ra ở Paris hồi đó.
Giới tài chủ lớn, tư bản thương nghiệp và quý tộc địa chủ - hay có thể gọi được là cái chất nuôi dưỡng cuộc bạo động Tháng Hái Nho năm 1795 - chưa hề bị tiêu diệt và lại càng không hề bị đạn đại bác của Bonaparte tiêu diệt. Đại bác của Bonaparte chỉ tiêu diệt được bộ tham mưu của chúng, những phần tử cầm đầu các khu vực đã sát cánh với những tên Bảo Hoàng tích cực trong ngày hôm đó. Nhưng còn bộ phận trên đây của giai cấp tư sản, ngay cả sau Tháng Hái Nho, vẫn không ngừng ngấm ngầm chống lại Viện Đốc Chính.
Vào mùa xuân năm 1796, khi tổ chức cách mạng của Babeuf bị bại lộ và ám ảnh của một cuộc khởi nghĩa của giai cấp vô sản, nghĩa là của một Tháng Đồng Cỏ mới, bắt đầu gây hoảng hốt cho bọn hữu sản thành thị và nông thôn thì bọn Bảo Hoàng bị đánh bại trong cuộc bạo động Tháng Hái Nho đã lại hồi phục tinh thần và ngóc đầu dậy. Nhưng lần này nữa, chúng lại đã tính lầm, cũng như vào mùa hè năm 1795 ở Quiberon, và Tháng Hái Nho ở Paris. Lần này nữa, chúng lại đã không đếm xỉa đến một thực tế là: Nếu tầng lớp địa chủ mới muốn tạo nên một chính quyền mạnh mẽ vững chắc để bảo vệ tài sản của chúng; nếu giai cấp tư sản mới, làm giàu bằng cách bán tài sản của quốc gia, sẵn sàng thừa nhận một chế độ quân chủ, thậm chí một chế độ quân chủ độc đoán, thì chỉ có một số nhỏ xíu đại tư sản thành thị và nông thôn tán thành dòng họ Bourbon trở về, vì một tên Bourbon bao giờ cũng chỉ là vua của bọn quý tộc chứ không phải vua của giai cấp tư sản, và ắt chế độ phong kiến sẽ trở lại với tên vua đó, và bọn quý tộc lưu vong ắt sẽ kéo về đòi lại đất đai của chúng.
Tuy vậy, so với các nhóm phản cách mạng khác thì bọn Bảo Hoàng là có tổ chức nhất, nhất trí nhất, lại được sự giúp đỡ tích cực và sự viện trợ về vật chất của nước ngoài và được tầng lớp tăng lữ ủng hộ, cho nên vào mùa xuân và mùa hạ năm 1797, lại một lần nữa bọn chúng nắm vai trò lãnh đạo trong việc chuẩn bị lật đổ Viện Đốc Chính. Rốt cuộc, chính cái đó đã làm cho phong trào lần này cũng lại bị thất bại. Thực tế, mỗi một cuộc tuyển cử bộ phận vào Hạ Nghị Viện đều hiển nhiên có lợi cho các phần tử phản động, và đôi khi còn làm lợi rõ rệt cho bọn Bảo Hoàng. Ngay trong Viện Đốc Chính, đang bị phong trào phản cách mạng uy hiếp, cũng có những sự do dự. Barthélemy và Carnot phản đối mọi biện pháp kiên quyết, hơn nữa Barthélemy còn có cảm tình với phong trào đang tiến triển ấy về nhiều điểm. Ba vị đốc chính khác, Barras, Rewbell, La Révellière Lépeaux luôn luôn hội họp với nhau, nhưng lại không quyết định phải làm gì để ngăn ngừa cái âm mưu đang chuẩn bị ấy.
Khi Barras và hai đồng sự không muốn từ bỏ chính quyền và có lẽ không muốn từ bỏ cuộc đời mà không chiến đấu - đã quyết tâm chiến đấu bằng mọi cách thì một trong những trường hợp làm cho họ lo lắng quá đỗi là việc tướng Pichegru, người nổi tiếng vì chinh phục nước Hà Lan vào năm 1795, lại đứng về phía đối phương. Pichegru được bầu làm chủ tịch Hạ Nghị Viện, và do đó mà đứng đầu quyền lập pháp của Nhà Nước: Người ta đã dành cho Pichegru quyền chỉ đạo cuộc tiến công sắp tới vào “ba vị chấp chính” Cộng Hòa, người ta vẫn gọi ba vị đốc chính (Barras, La Révellière Lépeaux và Rewbell) như vậy.
Đó là tình hình nước Pháp vào mùa hạ năm 1797. Vừa chinh chiến ở Ý, Bonaparte vừa chăm chú theo dõi tình hình ở Paris. Bonaparte thấy rõ ràng là nền Cộng Hòa đang bị uy hiếp.
Cá nhân Bonaparte cũng không ưa gì nền Cộng Hòa mà không bao lâu nữa ông ta sẽ bóp nghẹt. Nhưng Bonaparte không có ý để cho việc đó xảy ra quá sớm và nhất là có lợi cho kẻ khác. Trong cái đêm thao thức không ngủ được ở nước Ý, Bonaparte đã tự trả lời là không hiến dâng mãi chiến công duy nhất cho quyền lợi của “bọn luật sư”. Nhưng Bonaparte lại càng không muốn chiến thắng vì quyền lợi của dòng họ Bourbon. Hệt như các viên đốc chính, Bonaparte cũng lo lắng khi thấy một viên tướng nổi tiếng như Pichegru đứng đầu bọn âm mưu. Vào giờ phút quyết định, kẻ ấy có thể làm cho binh lính lầm lạc, chỉ vì họ tin vào cái chủ nghĩa Cộng Hòa thật thà của Pichegru mà họ có thể theo Pichegru, không cần biết Pichegru sẽ dẫn họ đi đến đâu.
Bây giờ thì ta có thể hiểu được dễ dàng tâm trạng của Bonaparte khi người ta tức tốc gửi từ Triest đến cho Bonaparte chiếc cặp to tướng, tước được trong tay hầu tước d’Antraigues, và trong đó Bonaparte đã tìm thấy những bằng chúng sờ sờ về tội phản bộ của Pichegru, về những cuộc thương lượng bí mật của Pichegru với Foche Borelle, một tên tay chân của hoàng thân Condé, những bằng chứng trực tiếp về hành vi phản bội đã lâu của hắn đối với nền Cộng Hòa mà hắn phục vụ. Có một việc phiền toái nhỏ đã làm cho việc gửi những giấy tờ ấy về Paris cho Barras phải chậm lại ít lâu. Ở một trong những giấy tờ đó (tài liệu chủ yếu để buộc tội Pichegru), có chép việc một tên tay sai khác của bọn Bourbon, Monheyar, thuật lại một trong nhiều việc khác là hắn đã được đến tổng hành dinh của Bonaparte ở Ý và cũng đã cố gắng thương lượng với Bonaparte. Mặc dầu tài liệu chẳng có gì, ngoài vài hàng chữ chẳng đáng kể ấy, mặc dầu thực tế là Monheyar có thể đã gặp Bonaparte với một cái cớ nào đó và dưới một cái tên giả mạo nào đó, nhưng Bonaparte thấy tốt hơn hết là thủ tiêu những dòng chữ ấy để khỏi làm giảm nhẹ vấn đề về Pichegru. Bonaparte hạ lệnh dẫn d’Antraigues đến và bắt hắn viết lại ngay tài liệu ấy, bỏ đoạn nói trên và ký vào đó, nếu không sẽ xử bắn. D’Antraigues tức khắc làm những điều mà người ta yêu cầu và sau đó ít lâu hắn được thả ra (dưới hình thức một “vụ vượt ngục” giả). Sau đó, các tài liệu được gửi tới cho Barras. Việc này làm cho “ba vị chấp chính” dễ bề hành động. Thoạt tiên họ không công bố các tài liệu đáng sợ mà Bonaparte đã gửi về. Họ điều về một số các sư đoàn được đặc biệt tin cậy, rồi đợi tướng Augereau do Bonaparte đã cấp tốc điều từ Ý về Paris để ứng cứu cho các vị đốc chính. Ngoài ra, Bonaparte còn hứa gửi về ba triệu francs vàng, kết quả của các cuộc trưng thu mới ở Ý, để bổ sung cho quỹ của Viện Đốc Chính giữa lúc đang nguy ngập.
Ba giờ sáng ngày 18 Tháng Quả (4 tháng 9 năm 1797), Barras hạ lệnh bắt giữ hai viên đốc chính bị tình nghi, vì thái độ ôn hòa của họ: Barthélemy bị bắt, còn Carnot đã trốn thoát. Hàng loạt những tên Bảo Hoàng bị bắt giữ, và người ta tiến hành thanh trừ Hạ và Thượng Nghị Viện. Sau các vụ bắt bớ ấy là các vụ đưa đi đày ở Guyana không cần xét xử (mà rất ít người được trở về), các tờ báo bị tình nghi là Bảo Hoàng bị đóng cửa, một đợt bắt bớ mới diễn ra ở Paris và ở các tỉnh. Sáng sớm ngày 18 Tháng Quả, nhiều áp phích lớn được dán lên khắp các tường: Đó là những bản sao các tài liệu mà Bonaparte đã gửi về rất đúng lúc cho Barras, Pichegru, chủ tịch Hạ Nghị Viện, bị bắt và lập tức bị đưa đi đày ở Guyana. Cuộc đảo chính ngày 18 Tháng Quả không gặp phải sức phản kháng nào. Quảng đại quần chúng lao động, căm thù chế độ quân chủ hơn Viện Đốc Chính, vô cùng hoan hỉ trước việc đập tan được bọn đồ đảng cố cựu của triều đại Bourbon. Và lần ấy “các khu vực giàu sang” đã không dám ló mặt ra đường vì chúng còn nhớ rất rõ sự trừng phạt khủng khiếp bằng đại bác mà Bonaparte đã giáng xuống chúng vào Tháng Hái Nho năm thứ IV. Viện Đốc Chính đã chiến thắng, nền Cộng Hòa thoát khỏi cơn nguy biến, và từ đại bản doanh xa xôi bên Ý, vị tướng chiến thắng Bonaparte đã nhiệt liệt chúc mừng Viện Đốc Chính (mà hai năm sau Bonaparte sẽ thủ tiêu) đã cứu vãn được nền Cộng Hòa (mà bảy năm sau Bonaparte cũng thủ tiêu nốt).
Bonaparte lấy làm hài lòng về sự biến ngày 18 Tháng Quả, cả về phương diện khác của nó. Hiệp ước Leoben, ký hồi tháng 5 năm 1797 với Áo, mới chỉ là một sự đình chiến. Vào mùa hạ, chính phủ Áo đột nhiên có những dấu hiệu táo bạo và gần như dọa nạt nữa. Còn Bonaparte thì đã biết rất rõ vấn đề: Lúc ấy, nước Áo cũng như cả Châu Âu quân chủ đã nín thở theo dõi ván bài đang diễn ra ở Paris. Ở Ý, người ta chờ đợi ngày này qua ngày khác sự sụp đổ của Viện Đốc Chính và của nền Cộng Hòa, chờ đợi việc quay trở lại của dòng họ Bourbon và theo sau đó, tất nhiên là việc thanh toán tất cả những đất đai mà quân Pháp đã chiếm được. Ngày 18 Tháng Quả, với sự thất bại của bọn Bảo Hoàng và việc công bố âm mưu phản bội của Pichegru, đã chấm dứt tất cả những hy vọng đó.
Từ nay, tướng Bonaparte tập trung cao độ vào việc ký hòa ước một cách nhanh chóng. Để đàm phán với Bonaparte, nước Áo cử nhà ngoại giao có tài là Cobenzl. Nhưng Cobenzl đã gặp phải một tay bậc thầy. Qua những cuộc thương lượng liên tục kéo dài và khó khăn, Cobenzl phàn nàn với chính phủ mình rằng ít khi gặp phải “một người hay sinh sự và nhẫn tâm” đến như tướng Bonaparte. Trong dịp này, tài ngoại giao của tướng Bonaparte đã bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết, và theo ý kiến của nhiều người được chứng kiến hồi bấy giờ, tài ngoại giao của Bonaparte cũng không kém gì tài chỉ huy quân sự. Hồi này, nóng giận còn là điều mới mẻ đối với Bonaparte, và ông ta chỉ bị những cơn điên khùng lôi cuốn có một lần, nhưng sau này, khi đã thấy mình là chủ tể cả Châu Âu, thì Bonaparte lại thường hay mắc phải. “Đế quốc của ngài là một con đĩ già quen thói hiến thân cho mọi người.... ngài quên rằng nước Pháp là kẻ chiến thắng, mà các ngài là những kẻ chiến bại... Ngài quên rằng ngài thương lượng với tôi ở đây, xung quanh có lính cận vệ của tôi...”, Bonaparte thịnh nộ hét lên như vậy và hất đổ cái bàn tròn trên đặt bộ đồ cà phê quý do Cobenzl mang tới, món quà của Hoàng Hậu nước Nga Catherine tặng nhà ngoại giao Áo. Bộ đồ vỡ tan ra từng mảnh. Cobenzl báo cáo rằng: “Bonaparte đã xử sự như một kẻ mất trí”. Cuối cùng hòa ước giữa nước Cộng Hòa Pháp và đế quốc Áo đã được ký kết ở cái tỉnh nhỏ Campo Formio ngày 17 tháng 10 năm 1797.
Hầu hết những điều Bonaparte yêu sách đều được thoả mãn ở Ý, nơi Bonaparte đã chiến thắng, cũng như ở Đức, nơi mà người Áo chưa bao giờ bị các tướng Pháp đánh bại. Như ý muốn của Bonaparte, xứ Venice đã được trao cho Áo để đền bù vào phần đất đai ở tả ngạn sông Rhine mà nước Áo đã nhượng cho Pháp.
Tin ký hòa ước làm Paris sôi nổi vui mừng. Nước Pháp chờ mong ở hòa bình sự phục hưng nền thương nghiệp và kỹ nghệ. Tên tuổi vị tướng có tài được tất cả mọi người nhắc nhở.
Mọi người đều thấy rõ rằng các tướng khác đều đã thua trận trên sông Rhine, chỉ riêng có Bonaparte đã thắng ở Ý và sông Rhine cũng đã được cứu thoát. Những lời ca ngợi chính thức, không chính thức và riêng tư đăng trên báo chí và thốt ra từ miệng mỗi người hòa thành một bản hợp tấu không ngừng không dứt để tán dương viên tướng chiến thắng, con người chinh phục nước Ý. Trong một bài diễn văn, viên đốc chính La Révellière Lépeaux thốt lên rằng: chỉ có tinh thần hùng cường của tư tưởng tự do mới có thể kích thích được quân đội ở Ý và Bonaparte. Ông ca ngợi hạnh phúc của nước Pháp.
Giữa thời gian ấy, Napoléon gấp rút hoàn thành việc tổ chức nước Cộng Hòa chư hầu mới, nước “Cộng Hòa ở bên kia rặng núi Apls”, trong đó có một phần đất đai đã chiếm được, và trước hết là miền Lombardia. Một phần khác thì trực tiếp sáp nhập vào nước Pháp. Sau hết, phần còn lại, như thành Roma, lúc đó còn nằm trong tay vua chúa cũ của chúng, nhưng trên thực tế chúng nằm trong hệ thống chư hầu của nước Pháp. Bonaparte khéo léo tổ chức các nước “Cộng Hòa bên kia rặng núi Apls” dưới hình thức một Nghị Viện tư vấn gồm đại biểu của những tầng lớp giàu có trong nhân dân, nhưng mọi quyền hành đều lọt vào tay các nhà cầm quyền chiếm đóng Pháp và uỷ viên phái từ Paris sang. Luận điệu trống rỗng cổ truyền về vấn đề giải phóng các dân tộc, các nước Cộng Hòa anh em, v.v. chỉ gợi cho Napoléon một sự khinh bỉ ra mặt.
Không một phút nào Napoléon tin rằng lại đã có một số người, dù rằng rất ít, thấy hứng thú với cái tự do mà chính Napoléon đã nói trong những lời tuyên bố của ông ta với nhân dân các nước bị xâm chiếm.
Theo bản dịch chính thức được truyền đi khắp Châu Âu thì dân tộc Ý vĩ đại đã quẳng cái ách mê tín và áp bức đè nặng từ bao thế kỷ, đã cầm vũ khí để giúp đỡ những người Pháp giải phóng họ nhưng, thực ra, Bonaparte đã báo cáo mật với các vị đốc chính rằng các vị đã lầm khi cho rằng tư tưởng tự do sẽ có thể thúc đẩy được một dân tộc già nua mê tín, khiếp nhược và xảo quyệt làm nên đại sự. Trong quân đội của Bonaparte không hề có một người Ý, trừ phi người ta cho rằng một nghìn rưỡi kẻ lười biếng, đã nhặt nhạnh được ở ngoài phố, chỉ biết đi ăn cướp và chẳng làm được trò gì ấy cũng là quân đội. Bonaparte nói tiếp rằng chỉ có một cách duy nhất là cai trị khéo léo, dựa vào “kỷ luật nghiêm khắc” mới có thể nắm chắc được nước Ý. Và người Ý đã có dịp được biết Bonaparte quan niệm thế nào là kỷ luật nghiêm khắc. Bonaparte đã trừng phạt tàn nhẫn nhân dân thành phố Binatco và Pavia, cũng như một vài làng khác vì binh lính Pháp đã bị giết ở lân cận những làng ấy.
Trong mọi trường hợp, hành động của Bonaparte đều bắt nguồn từ một đường lối chính trị rõ ràng mà ông ta luôn luôn trung thành và giữ vững: không bao giờ nên tàn bạo vô ích, nhưng khi cần thiết để khuất phục nước bị chiếm thì phải khủng bố nặng nề và khốc liệt. Ở Ý, Napoléon đã thủ tiêu mọi dấu vết của luật lệ phong kiến ở bất kỳ nơi nào, và cấm giáo hội, nhà tu được quyền thu một vài khoản bổng cấp; trong một năm rưỡi ở Ý (từ mùa xuân năm 1796 đến cuối mùa thu năm 1797), Napoléon đã thành công trong việc ban bố một số đạo luật làm cho tình trạng xã hội và pháp chế miền Bắc Ý gần giống như tình trạng mà giai cấp tư sản đã lập nên ở Pháp. Để bù lại, Napoléon đã khai thác một cách có phương pháp tất cả những đất đai của Ý ở tất cả những nơi mà ông ta đã đặt chân tới. Napoléon đã gửi về cho Viện Đốc Chính hàng triệu đồng tiền vàng và hàng trăm tác phẩm nghệ thuật quý giá của các viện bảo tàng và các phòng triển lãm nghệ thuật ở Ý. Napoléon đã không quên bản thân ông ta cũng như các tướng lĩnh của ông ta: Sau chiến dịch ấy, khi trở về họ đều giàu có.
Tuy nhiên, trong khi bóc lột nước Ý thậm tệ như vậy, Napoléon nhận thấy rằng, theo ý ông ta tuy người Ý rất khiếp nhược nhưng chẳng có lý do gì khiến họ yêu mến người Pháp (họ phải nuôi dưỡng quân đội Pháp thường trực trên đất nước họ), và rồi có thể một ngày kia họ sẽ chẳng còn kiên trì nhẫn nhục được nữa. Vì vậy, đe dọa khủng bố bằng vũ lực là biện pháp hành động chủ yếu đối với người Ý để buộc họ tuân theo ý muốn của kẻ đi chinh phục.
Bonaparte còn muốn ở lại Ý, nhưng sau Hòa Ước Campo Formio, Viện Đốc Chính đã rất khéo léo song cố thiết triệu Bonaparte về Paris và bổ nhiệm là Tổng chỉ huy đội quân sẽ đi đánh nước Anh.
Đã từ lâu, Bonaparte cảm thấy Viện Đốc Chính đã bắt đầu sợ mình. “Họ ganh ghét tôi, tôi biết, mặc dầu họ xu nịnh tôi. Nhưng họ sẽ không thể làm rối trí tôi được. Họ vội vã bổ nhiệm tôi làm tướng đạo quân đi đánh nước Anh để rút tôi ra khỏi nước Ý, nơi mà tôi làm vua nhiều hơn là làm tướng”. Napoléon đã nhận xét việc bổ nhiệm của mình như vậy qua những lời trao đổi tâm sự riêng tư.
Ngày 7 tháng 12 năm 1797, Bonaparte có mặt ở Paris, tại đó, ngày mồng 10, toàn thể Viện Đốc Chính mở cuộc tiếp đón long trọng Bonaparte ở điện Luxembourg. Quần chúng đông nghịt đứng vây quanh cung điện, hò reo, vỗ tay như sấm dậy khi Bonaparte tới nơi. Đối với bài diễn văn của Barras, vị đốc chính thứ nhất, cũng như của các đồng sự của Barras, của Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Talleyrand, con người thông minh nhưng vụ lợi, có tài phán đoán về tương lai hơn ai hết, và những nhân vật khác trong chính phủ, cùng những lời hoan hô của đông đảo quần chúng trên quảng trường, viên tướng 28 tuổi đó đều tiếp nhận với một vẻ hoàn toàn bình thản, như đó là một việc tất nhiên và không hề làm cho Bonaparte ngạc nhiên. Trong thâm tâm, không bao giờ Bonaparte quý trọng những biểu thị nhiệt tình của quần chúng nhân dân. “Chà! Nếu tôi phải lên máy chém, hẳn họ cũng sẽ nô nức kéo đến đông như thế này trên con đường tôi đi”, sau những đợt sóng hoan hô ấy, Bonaparte đã nói như vậy (tất nhiên không nói công khai).
Vừa về tới Paris, Bonaparte đã cố sức làm cho Viện Đốc Chính chấp nhận kế hoạch một cuộc đại chiến mới: Với tư cách là người tướng được chỉ định để tiến hành những cuộc hành binh chống nước Anh, Bonaparte nhận định rằng có thể uy hiếp nước Anh, từ phía Ai Cập, như vậy sẽ dễ thắng lợi hơn là từ biển Manche, vì ở Manche hạm đội Anh mạnh hơn hạm đội Pháp. Bởi vậy, Bonaparte đề nghị chiếm Ai Cập để xây dựng ở Phương Đông những cứ điểm tiếp cận và những căn cứ quân sự nhằm uy hiếp nền thống trị của Anh ở Ấn Độ.
Mùa hạ năm 1798, ở Châu Âu, khi biết được tin ấy, nhiều người tự hỏi không hiểu sao Bonaparte có điên không, vì đến tận lúc đó kế hoạch mới và sự bàn bạc của Bonaparte trong các phiên họp của Viện Đốc Chính vào mùa xuân năm ấy vẫn còn giữ rất bí mật. Nhưng, cái mà bọn dông dài ngốc nghếch đứng tít đằng xa ngắm nghía cho là một sự phiêu lưu kỳ cục thì thực tế lại liên quan mật thiết đến nguyện vọng đã ấp ủ từ lâu của giai cấp tư sản cách mạng Pháp, cũng như của giai cấp tư sản nước Pháp trước cách mạng. Kế hoạch của Bonaparte đã được chấp thuận.