Dù đã trình bày rất nhiều cú hích, nhưng chúng tôi tin rằng còn vô số những cú hích khác cũng đáng được nêu ra. Sau đây là mười cú hích mi-ni, nếu bạn muốn tiếp tục tìm hiểu. Nếu bạn từng tạo ra hay biết đến những cú hích hiệu quả, xin mời bạn chia sẻ cùng chúng tôi tại trang web: www.nudges.org
Nhiều người có tính từ thiện bốc đồng và chúng tôi nghi ngờ rằng do trì trệ mà họ cho ít hơn so với số tiền (hay quà) mà họ thực sự muốn tặng. Tư duy phản xạ của họ muốn cho đi, nhưng tư duy trực giác của họ lại không muốn làm điều đó. Đã bao nhiêu lần bạn nghĩ mình phải giúp đỡ một ai đó, nhưng rồi bạn không làm vì giây phút đó qua đi và bạn tập trung vào những việc khác?
Một cú hích đơn giản là chương trình “Ngày mai còn cho đi nhiều hơn”. Ý tưởng chính của chương trình này là hỏi những người xung quanh xem họ có sẵn lòng hiến tặng một khoản tiền nào đó trong tương lai gần hay không, và cam kết tăng dần số tiền đó sau mỗi năm. Nếu quyết định tham gia, họ chỉ việc gọi điện hoặc gửi một email ngắn gọn đến cho chương trình vào bất cứ lúc nào. Ai mà không vui lòng đăng ký tham gia một chương trình như thế?
Anna Bremen (2006) đã thí điểm ý tưởng này với sự cộng tác của một tổ chức từ thiện lớn. Các nhà hảo tâm đang đóng góp hàng tháng được mời gọi tăng thêm số tiền từ thiện của họ ngay lập tức, hoặc bắt đầu sau hai tháng nữa. Nhóm chọn phương án thứ hai đã tăng tiền từ thiện của họ thêm 32%. Chúng tôi cũng tham gia một số thí nghiệm khác với sự hỗ trợ của trường đại học của chúng tôi, và kết quả ban đầu cũng rất khả quan. Nếu mục tiêu là tăng tiền từ thiện thì đây là một cách dễ làm. Trên thực tế, chương trình “Ngày mai còn cho đi nhiều hơn” đã mang đến nhiều tiền hơn cho những người cần giúp đỡ, trong khi lại làm vui lòng các nhà hảo tâm có thiện chí nhưng hay quên, những người rất muốn cho đi, nhưng rồi lại bị trì kéo vào những chuyện riêng tư khác.
Nói đến vấn đề thuế và việc xử lý thủ tục tự động, không một nhà kiến trúc lựa chọn nào có thể thiết kế được hệ thống thuế thu nhập hiện hành như của Hoa Kỳ, vốn nổi tiếng vì sự phức tạp. Việc khấu trừ thuế tại nguồn là tiến bộ lớn giúp đơn giản hóa cuộc sống của mọi người.
Người dân và Cục Thuế Liên bang Mỹ đều được hưởng lợi nhiều hơn, nếu quy trình thu nộp và hoàn thuế được tự động hóa. Nhà kinh tế học Austan Goolsbee (2006) đề xuất một giải pháp đơn giản gọi là Hoàn thuế tự động. Theo đó, bất kỳ ai không kê khai các khoản khấu trừ và không có thu nhập không thường xuyên (tiền thưởng chẳng hạn) với Cục Thuế Liên bang thì sẽ được hoàn thuế đúng số tiền họ đã kê khai. Để kê khai thu nhập, người nộp thuế chỉ cần ký tên vào tờ khai và gửi đến văn phòng Cục Thuế Liên bang (hoặc đăng nhập vào trang web của Cục Thuế Liên bang để kê khai trực tuyến). Tất nhiên, người nộp thuế phải kê khai lại, nếu có thay đổi tình trạng thu nhập, hoặc bắt đầu nhận những khoản thu nhập mới mà họ chưa kê khai trước đó.
Goolsbee ước tính cú hích này có thể tiết kiệm cho người nộp thuế Hoa Kỳ đến 225 triệu giờ chuẩn bị thủ tục giấy tờ và hơn 2 tỉ đô-la chi phí thuê dịch vụ kê khai thuế một năm.
Nhiều người rất cần sự hỗ trợ để đạt được các mục tiêu hay kỳ vọng của họ. Tự cam kết bằng một hành động cụ thể là một trong những cách tăng khả năng thành công. Đôi khi thực hiện một cam kết là điều khá dễ dàng, nhưng nhiều lúc quả thật rất khó khăn. Bạn còn nhớ câu chuyện về cuộc đánh cược giảm cân giữa hai sinh viên đại học ở Chương 2 chứ? Vâng, một người trong số họ, Dean Karlan, giờ đây đã là giáo sư kinh tế của Đại học Yale, đã lập nhóm cùng cộng sự Ian Ayres và thành lập một doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến từ khái niệm “hỗ trợ thực hiện cam kết” nói trên qua trang web stickk.com.
Stickk đề xuất hai cách tạo cam kết: tài chính và phi tài chính. Với cam kết tài chính, người tham gia sẽ đóng một khoản tiền và đồng ý hoàn thành một mục tiêu vào một ngày nhất định trong tương lai (xa hoặc gần tùy theo mục tiêu dài hay ngắn). Họ cũng phải định nghĩa rõ thế nào gọi là hoàn thành mục tiêu. Ví dụ, họ có thể cam kết giảm cân sau hai tháng và kết quả phải được bác sĩ kiểm tra và xác nhận tại phòng khám; hay họ cam kết bỏ thuốc lá sau một tháng và phải được kiểm tra tại bệnh viện. Nếu đạt được mục tiêu, họ có thể nhận lại tiền; nếu không đạt, tiền “ký quỹ” của họ sẽ được chuyển vào một quỹ từ thiện. Cam kết phi tài chính gồm áp lực ngang hàng (gửi email thông báo cho gia đình hay bạn bè biết bạn thành công hay thất bại) và tự theo dõi tiến trình hoàn thành mục tiêu của bạn trên blog cá nhân.
Mục tiêu của người tham gia có thể là giảm cân, bỏ thuốc lá, luyện tập thể dục thể thao nhiều hơn, cải thiện điểm số... Thậm chí, họ có thể đặt ra những mục tiêu tưởng chừng rất viển vông như chinh phục đỉnh Kilimanjaro ở châu Phi vào mùa tuyết phủ (chứng minh bằng ảnh chụp), khám phá thảo nguyên bao la của Mông Cổ (dấu thị thực nhập cảnh), tung hứng bảy quả cam và một trái dưa hấu cùng lúc (băng video), chạy ma-ra-tông, tiết kiệm tiền, giảm sử dụng gas, điện (dù không sáng tạo lắm, nhưng cũng đáng khuyến khích)… hay bất cứ mục tiêu nào mà họ có thể đưa lên một trang web.
Nhiều tổ chức đã ra đời chỉ để giúp người khác lập cam kết và hoàn thành cam kết của họ. Tổ chức Hành động theo Cam kết để Giảm và Xóa bỏ Hút thuốc lá (Committed Action to Reduce and End Smoking – CARES) là một chương trình tiết kiệm được Green Bank of Caraga ở Mindanao, Philippines chủ trương. Người muốn bỏ hút thuốc lá sẽ mở một tài khoản với số dư ban đầu tối thiểu một đô-la Mỹ. Trong sáu tháng sau đó, họ sẽ bỏ vào tài khoản số tiền mà họ lẽ ra đã sử dụng để mua thuốc lá. Hết sáu tháng, chủ tài khoản sẽ làm xét nghiệm nước tiểu để xác nhận rằng họ không còn hút thuốc tại thời điểm đó. Nếu thành công, họ nhận lại cả gốc lẫn lãi; ngược lại, tiền của họ sẽ được chuyển vào tài khoản của một tổ chức từ thiện.
Chương trình này khá thành công tại Philippines khi có đến 53% số người tham gia đạt được mục tiêu của họ. Không một mưu mẹo chống hút thuốc nào, cũng không một miếng dán cai thuốc nào có thể thành công như thế!
Bài bạc gây ra nhiều hệ lụy và có thể nói rằng nếu chúng tôi là nhà nước, chúng tôi sẽ không độc quyền kiểm soát các công ty xổ số vốn chỉ trả cho người may mắn trên dưới 50% số tiền họ trúng thưởng. Nếu bạn muốn chơi trò đỏ đen, hãy cá cược bóng đá với bạn bè của bạn. Tuy nhiên, những người ham mê cờ bạc quanh ta khá nhiều, và họ thực sự cần được giúp đỡ để thoát ra.
Và đây là một cú hích hết sức khéo léo. Hơn một thập kỷ qua, một số bang của Hoa Kỳ trong đó có Illinois, Indiana và Missouri đã ban hành nhiều đạo luật khuyến khích những người ham mê cờ bạc đăng ký vào một danh sách tự cấm mình bước vào các sòng bạc hay nhận tiền thắng bạc. Ý tưởng chính là nếu một người nào đó có vấn đề về tự kiểm soát bản thân, họ sẽ cảnh giác về những khiếm khuyết của mình và sẽ muốn dùng tư duy phản xạ để chế ngự tư duy trực giác. Tuy nhiên, những tay mê cờ bạc nặng cần tranh thủ sự trợ giúp của nhà nước để “cai nghiện”. Chúng tôi nghĩ nên nghiên cứu sâu hơn cú hích tự cấm này để áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác.
Không một công ty bảo hiểm nào thích thanh toán những hóa đơn y tế khổng lồ cho khách hàng. Đừng lo, vẫn có những cú hích rất sáng tạo dành cho họ. Hãy xem chương trình “Destiny Health Plan” đang được áp dụng tại bốn bang Illinois, Wisconsin, Michigan và Colorado của Mỹ. Chương trình này mang đến cho khách hàng một phúc lợi để giúp họ có những lựa chọn lành mạnh: Khách hàng nào thường xuyên tập thể dục hàng tuần tại một câu lạc bộ nào đó, có con đang tham gia một đội bóng, hoặc có kết quả đo huyết áp tốt sẽ được tặng điểm thưởng khi đi máy bay, ở khách sạn, mua hàng, đặt báo tháng… Như vậy, qua sinh hoạt lành mạnh mà khách hàng của các công ty bảo hiểm sẽ ít phải vào bệnh viện hơn, ít sử dụng thuốc men hơn và tất nhiên hóa đơn y tế của họ của giảm xuống.
Vào mùa nóng, người ta mở máy lạnh và vì thế tấm màng lọc của chúng mau bị bụi bám dày và cần được thay mới, nếu không, máy lạnh sẽ nhanh chóng bị đóng băng và ngừng hoạt động. Không may là chúng ta khó mà nhớ được khi nào cần thay lọc, và không ngạc nhiên lắm khi nhiều người trong chúng ta phải trả những hóa đơn tiền điện khổng lồ. Thực ra giải pháp rất đơn giản: chỉ cần một đèn cảnh báo màu đỏ nhỏ được thiết kế tại nơi dễ nhìn thấy trên bề mặt máy lạnh là đủ. Mỗi khi tấm lọc bị bám bẩn quá mức, đèn đỏ sẽ sáng lên và người ta biết rằng đã đến lúc phải thay lọc bụi. Ngày nay, nhiều loại xe hơi và tủ lạnh đời mới đang được áp dụng loại cú hích này để cảnh báo người dùng thay lọc nhớt hay lọc nước.
Tại sao không sản xuất một sản phẩm có tác dụng giúp người ta từ bỏ một thói quen xấu nào đó theo nguyên tắc cú hích? Khi đó, tư duy phản xạ sẽ ngăn chặn tư duy trực giác thông qua sản phẩm đó bằng một mệnh lệnh: “Dừng lại!”.
Ngày nay, nhiều sản phẩm đang được sản xuất ra để thực hiện đúng sứ mạng này. Những người muốn bỏ thói quen cắn móng tay giờ đây có thể mua loại sơn móng tay có vị đắng như Mavala hay Orly No Bite. Đối với những người nghiện rượu, các nhà bào chế thuốc đã cho ra đời Disulfiram (hay antabuse), là một hoạt chất có tác dụng làm cho người uống rượu phải nôn ra và tạo dư vị khó chịu trong cổ họng ngay khi họ dùng rượu trở lại. Disulfiram còn có tác dụng rất tích cực trong quá trình điều trị cai nghiện cho người nghiện rượu mãn tính.
Chúng tôi dành cú hích thú vị nhất này để trình bày cuối cùng. Cuộc sống hiện đại đôi khi bắt chúng ta phải chịu đựng những hành vi hay lối cư xử thiếu lịch sự của những người xung quanh. Từng ngày, từng giờ người ta gửi đi những bức email giận dữ để rồi họ hối hận ngay sau đó vì đã dùng những lời lẽ không hay hoặc xúc phạm người nhận (là những người họ quen biết, đối tác hoặc thậm chí là những người thân yêu nhất của họ). Vài người trong chúng ta đã học quy tắc đơn giản này: đừng gửi những lá thư thù hận hay nguyền rủa ai trong cơn nóng giận. Hãy giữ nó lại với bạn ít nhất một ngày trước khi bạn quyết định gửi đi. (Thực ra, ngày hôm sau khi bạn đã bình tĩnh trở lại, có lẽ bạn cũng không còn nhớ đến nó nữa, đừng nói đến chuyện gửi thư mắng mỏ người kia!). Tuy nhiên, nhiều người không biết hoặc không muốn theo nguyên tắc này. Chúng tôi nghĩ ở khía cạnh này, các chương trình phần mềm có thể giúp ích cho chúng ta rất nhiều.
Chúng tôi đề nghị cài đặt một phần mềm hay tính năng “Kiểm tra độ lịch sự” có thể cho biết một cách chính xác email bạn sắp gửi đi có chứa “thông điệp giận dữ” hay không bằng một cảnh báo: “LƯU Ý: ĐÂY LÀ MỘT EMAIL KHÔNG THÂN THIỆN. BẠN CÓ THỰC SỰ MUỐN GỬI NÓ ĐI KHÔNG?”; hoặc “LƯU Ý: ĐÂY RÕ RÀNG LÀ MỘT EMAIL KHÔNG THÂN THIỆN. NÓ SẼ ĐƯỢC GIỮ LẠI CHO TỚI KHI NÀO BẠN RA LỆNH “GỬI” KHÁC TRONG VÒNG 24 GIỜ TỚI”.
Tư duy phản xạ có thể thú vị hơn và thông minh hơn tư duy trực giác, mà đôi khi không cần phải thật thông minh mới được xem là thú vị. Chúng tôi nghĩ Con người sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, nếu họ nâng cao hơn nữa phẩm chất mà Abraham Lincohn gọi là “phần thánh thiện hơn trong tính người của chúng ta”.