Người buồn phiền nhất là chị Hiền. Hạnh phúc vợ chồng, hạnh phúc gia đình chưa được bao lâu thì đã gặp điều bất hạnh này. Chị thui thủi một mình không muốn gặp ai, ra đồng tát nước trồng khoai chị tránh mặt bà con. Tối về cơm nước xong, cho lợn ăn, chị ngồi xo ro trong bếp khóc thút thít, cả đêm chị ngồi đến gần sáng rồi nằm ngủ ngay trên ổ rạ góc bếp. Chị không hề hé miệng nói nặng với anh một câu nào, và suốt thời gian dài chị im lặng nín nhịn nuốt nước mắt vào lòng.
Trong gia đình, gia tộc thì buồn thảm như vậy. Ngoài xã hội không khí căng thẳng, từ đầu làng đến cuối xóm người ta bàn tán đồn kháo và một đôi người nói những lời mỉa mai độc ác: “ông Hiền cưỡi ngựa chán bây giờ cưỡi người”, “ông Hiền phi ngựa giỏi mà phi người cũng giỏi”.
Chi bộ họp liên miên suốt mấy đêm để kiểm điểm anh. Một số Đảng viên phê phán và quy kết anh một cách nặng nề: nào là mất phẩm chất quân nhân, nào là làm hại đến uy tín của Đảng, nào là tự đánh mất lập trường giai cấp vô sản để choàng lên giai cấp tư sản… Đảng uỷ họp quyết định khai trừ anh ra khỏi Đảng, suốt thời gian ấy trong tất cả các cuộc họp anh không hề nói một câu nào, có người xỉ vả anh như tát nước vào mặt anh vẫn ngồi im. Anh im lặng nhận kỷ luật, không hề tỏ thái độ phản ứng.
Trong hàng ngũ huyện uỷ và Đảng uỷ có người lâu nay xem anh như cái gai mà chưa nhổ bật ra được thì đây là một dịp may hiếm có để nhổ cái gai “bướng bỉnh” và “coi thường cấp trên”, “để xem lão Hiền này lắm lý lẽ kiện cáo ra sao”. Có đồng chí nghĩ vậy và chuẩn bị sẵn mọi phương án để đối phó với việc anh Hiền kiện, nhưng rồi chờ mãi chẳng thấy anh Hiền kiện cáo gì cả. “Ông Hiền đi kháng chiến chín năm làm hết cấp chỉ huy này đến cấp chỉ huy khác, giải ngũ về làng xem như đổ nước xuống sông. Đổ nươc rồi còn một chút cặn là Đảng viên, bây giờ ông cũng dốc ngược bình đổ nốt.” Đi họp chi bộ, họp xóm họp làng, làm đồng, người ta đều bàn tán về anh như một đề tài thời sự nóng hổi.
Con đường tham gia công tác xã hội của anh xuống từng nấc thang: sĩ quan quân đội, cải cách ruộng đất, cán bộ thông tin xóm, Đảng viên trơn… và cuối cùng là phó thường dân! Anh vẫn lao động bình thường. Cày bừa, gặt hái làm vườn, tu sửa cửa nhà, nhưng anh ít nói hơn trước. Chỉ khi nào có khách khứa vào chơi anh mới nói dăm ba câu. Nếu có hai người khách nói chuyện với nhau thì anh không nói gì cả.
Về kỷ luật Đảng thì anh là người đầu tiên bị kỷ luật nặng nhất cho nên anh trở thành mục tiêu của mọi lời đàm tiếu. Anh cũng cảm thấy mình bị cô lập với án kỷ luật này. Nhưng rồi, bốn án kỷ luật tương tự khác xảy ra: ông Hoe Tại và o cu Tính và ả Định đều bị khai trừ Đảng.
O cu Tính sinh được một đứa con thì chồng chết. Lúc đó o mới hai mươi tuổi. O cắn răng ở vậy nuôi con, biết phận mình là người đàn bà goá chồng, o không hề sàm sỡ với người đàn ông nào. Nếu có anh chàng nào tỏ ý lả lơi chòng ghẹo o im lặng lảng tránh. Mấy bà hàng xóm kể lắm chuyện đáng khâm phục và đáng thương về o. Có đêm cơn thèm khát nhục dục bốc lên rừng rực o đổ thóc xay đến bã mồ hôi rồi nằm vật ra, nhưng làm gì có thóc để đêm nào cũng đổ ra xay, o bèn nghĩ ra một việc gì đó cho cơ thể bã bời. Có đêm o gánh đá từ ngoài cổng vào vườn, rồi lại gánh từ vườn ra cổng… cứ gánh ra gánh vào hàng chục lần cho đến lúc cơ bắp mệt nhoài. Có đêm o lội xuống ao để vớt bèo và ngâm mình trong nước hàng tiếng đồng hồ… Một hôm o làm cỏ khoai ở ngoài cánh đồng cống, vắng người, ông hàng chài dưới bến sông Bùng bước lên lân la gợi tình rồi ôm chặt lấy mông o, cái cu của ông cứng như cái chày nóng hổi áp sát vào mông. O bỏ chạy thục mạng như bị ma đuổi vậy mà cái buổi chiều lạnh lẽo ấy o nhờ ông Hoe Tại láng giềng sang bắt con lợn xổng chuồng mà sinh ra chuyện rầy rà. Ông Hoe Tại đang làm vườn thì nghe o gọi: “Nhờ ông sang bắt con lợn xổng cho tôi! Vốn liếng cả nhà chỉ có con lợn mà để xổng mất thì tôi trắng tay”. Ông Hoe Tại chạy sang đứng giữa sân không thấy người, không thấy lợn. Nghe tiếng o từ trong nhà vọng ra “lợn nó chạy vào đây rồi”, ông liền chạy vào thì ôi cha cha, o cu Tính đã nằm ngửa trên giường tuốt váy lên phơi “đồ lề” ra giữa thanh thiên bạch nhật! O là người lao động khoẻ mạnh, da đen. Sự kìm nén nhục dục của o đã quá mức, không tài nào chịu được nữa đành liều! Cau phơi tái, gái đoạn sung. Đối với o, thời gian đoạn sung đã gấp hai lần. Lửa tình rừng rực, o kéo ông Hoe Tại nằm xuống cái giường ọp ẹp… Mấy tháng sau o buộc chặt khăn thắt lưng. Nhưng cái khăn lưng càng ngày càng phải nới lỏng nút… Và chi bộ họp, o cu Tính và ông Hoe Tại nhận án kỷ luật bị khai trừ vĩnh viễn.
Ả Định mới hai mươi hai tuổi đã có ba đứa con, nhưng trông còn son lắm. Da trắng, má lúc nào cũng ửng hồng, ngực phây phây như cái thúng. Anh mất, ả nghĩ mình là người của Đoàn thể nên rất giữ gìn. Hơn nữa, gia đình ả có công với cách mạng từ lâu. Bác Hoe Chu, bố chồng, tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội từ năm 1927. Chồng của ả vào Đảng từ khi còn bóng tối. Về làm dâu, ả được bố chồng và chồng giác ngộ, cũng trở thành đảng viên… Không may giữa đường đứt gánh tương tư. Giữ nếp nhà, ả mặc áo sổ gấu, đội nón không vành. Nhưng sức lực càng ngày càng căng ra, ả xả hơi vào những trò đùa nghịch ngợm tục tĩu khiến các cô gái thẹn đỏ mặt. Dân làng đang đắp bờ đào ao, ả lấy đất bùn đắp hình cái âm hộ, nhổ nước trầu vào, rồi ả vắt đất thành hình cái dương vật thọc lên thọc xuống. Ả vừa cầm nắm đất làm động tác giao hợp vừa cười ngả ngớn, rồi ôm ông này ông kia. Những người lớn tuổi cười vỡ bụng, còn bọn con gái thì bỏ chạy… Tuy thế, ả vẫn tránh tất cả các trường hợp đàn ông cợt nhả khi gặp riêng trên đường làng… Rồi đến một hôm, trong cuộc họp, anh Cu Kình liếc mắt nhìn ả, ả quay mặt đi. Cứ quay mặt mãi cũng không tránh được cái vòng vây tình ái của anh Cu Kình. Đôi má của ả càng ngày càng đỏ au như con gái dậy thì khiến anh mê như điếu đổ. Anh đón gặp ả trên đường làng, gặp ngoài đồng, gặp ban ngày, gặp ban đêm. Rồi hai người hò hẹn nhau. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Và ả có thai sau bảy năm giữ gìn.
Đảng uỷ triệu tập ả lên trụ sở. Dẫu đã biết sự việc xảy ra như thế nào, đồng chí bí thư vẫn cật vấn cặn kẽ:
“Đồng chí quan hệ bất chính với ai?”
“Với anh Cu Kình”.
“Tại sao đồng chí là đảng viên mà cũng quan hệ bất chính?”
“Vì tôi… tôi… Anh Cu Kình tìm mọi cách gặp tôi…”
“Đồng chí nói như thế là chưa thành khẩn. Anh Cu Kình tìm mọi cách gặp, đồng chí không cho gặp thì thôi. Khi gặp như thế, đồng chí có nhớ cha chồng là người của Đảng, chồng cũng là người của Đảng?”
“Có nhớ…”
“Có nhớ sao đồng chí lại làm chuyện tình ái bất chính?”
“....”
“Đồng chí quan hệ bất chính với anh Cu Kình trong trường hợp nào?”
“Lúc nửa đêm, anh Cu Kình vào nhà tôi”.
“Thế các con của đồng chí không biết à?”
“Ba cháu đã ngủ say…”
“Ngủ say thì cái giường cọt kẹt, chẳng lẽ các cháu lại không biết…”
“Nằm dưới đất…”
Đồng chí bí thư hỏi chi li quá làm cho ả nhớ lại cái đêm ân ái hôm ấy. Sau khi anh Cu Kình nằm úp sấp lên bụng, ả chắt lưỡi, rồi đành liều đem cái “phẩm chất đảng viên ấy” đổi lấy cái phút khoái cảm nhục dục mà ả kìm nén suốt bảy năm trời… Ả chớp mắt, hơi nghiêng người, vòm ngực khẽ rung rinh. Đồng chí bí thư nuốt nước bọt, hai chân duỗi ra cho thoải mái bỗng chân phải bắt chéo lên đùi chân trái và hai cái đùi kẹp chặt vào nhau.
Khi nêu vấn đề khai trừ ả Định, có người gợi ý “chiếu cố quá trình tham gia cách mạng của gia đình”. Nhưng đồng chí bí thư diễn giải một cách kiên quyết: “Tội quan hệ tình ái bất chính là tội rất nặng. Hơn lúc nào hết, trong hoàn cảnh hoà bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, Đảng ta phải thật trong sạch. Đảng viên đi trước làng nước theo sau. Đảng viên chửa hoang để quần chúng theo sau chửa hoang cả lũ à… Người nào còn bao che cho cái tội quan hệ tình ái bất chính của anh Cu Kình và đồng chí Định tức là a dua theo cái xấu…”
°
Tâm trạng của những người đàn bà goá ấy không khổ vì bị khai trừ Đảng mà cảm thấy vô cùng xấu hổ vì thái độ khinh ghét của dân làng.
Càng ngày họ càng có nhiều “bạn đồng minh”. Cả một lớp đảng viên đầy nhiệt huyết trong kháng chiến chống Pháp dần dần vắng mặt trong các cuộc họp chi bộ. Họ chờ đợi những điều lạc quan mà chủ tịch huyện và bí thư đảng uỷ nói đã từ lâu mà chẳng thấy đến. Đời sống khốn khó cứ kéo dài triền miên năm này qua năm khác. Làng Hậu Luật là một làng có phong trào cách mạng từ thời Thanh niên cách mạng đồng chí hội, rồi khởi nghĩa tháng Tám cũng đựơc bác Chắt Kế tổ chức từ làng này đi cắm cờ sang khắp các làng nam Diễn Châu. Thế mà đến giờ vẫn đói. Chi bộ Đảng họp liên miên mà chẳng thấy lo thêm được chút nào.
Một số cặp vợ chồng, vợ là đảng viên, chồng phấn đấu mãi vẫn không được kết nạp chỉ vì cái tội “bướng bỉnh”. Đến nay, mỗi lần chi bộ họp thì bà vợ “xin cáo vì đang chạy gạo cho con”.
Vợ chồng bác Hoe, chồng là cán bộ xã chạy long tong suốt ngày suốt đêm. Ngày nào không phải họp hành gì thì vác cày ra đồng, chiều về lại sấp ngửa chạy công tác này công tác nọ. Bác say mê lo việc xã một cách chân thành, thường về nhà ăn cơm tối lúc mọi người đã đi ngủ. Bác gái bực mình, càu nhàu. Một hôm, như thường lệ, bác Hoe bước vào nhà rồi xuống bếp tự lấy bát đũa xới cơm ăn; nhưng khi mở vung ra thì chẳng thấy hột cơm nào mà thấy toàn giấy vụn. Bác ngạc nhiên, soi đèn. Hoá ra bác gái đã xé nát tất cả bằng khen giấy khen cho vào nồi! Bác đành thở dài, nuốt giận, xoa xoa hai bàn chân, lên giường nằm chèo khoeo… Lăn lóc việc làng việc xã đến vậy, thế mà bác Hoe cũng ngán ngẩm cái cảnh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, rút lui mọi chức vụ.
Chú Duận là em một gia đình cố nông. Cha chú tên là Cu Lùng. Hồi trước cách mạng, có nói một câu gì đó chạm đến cụ Hàn, bị lý trưởng nọc cổ giữa sân đình đánh chảy máu. Sau khi cướp chính quyền, chú thuộc diện bồi dưỡng cấp tốc để vào Đảng. Vợ chú cũng là đảng viên, con nhà cố nông. Cả làng nhìn vợ chồng chú với con mắt kính trọng: “Chẳng ai đựơc sung sướng như chú, vợ chồng đều là người của Đảng”. Năm năm sau, mười năm sau, mười lăm năm sau, vợ chú vẫn theo dấu chân của bà cụ lên Phủ Quỳ kiếm sống và tự rời hàng ngũ đảng lúc nào chẳng ai biết.Chú Duận đi bộ đội chống Pháp, rồi làm cán bộ trong Vinh. Lúc về hưu không chịu lấy giấy chuyển sinh hoạt về địa phương.
Người ta sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để phục vụ lợi ích của đảng khi Tổ quốc lâm nguy. Nhưng người ta không thể kéo lê thê việc hy sinh nguồn lợi cá nhân trong suốt những năm tháng Tổ quốc hoà bình. Điều lý giải thật là đơn giản. Thế mà mấy lần họp Đảng uỷ, họp chi bộ, đồng chí bí thư cứ phát ra những câu kết luận nặng nề: “ý chí phấn đấu của nhiều đảng viên đã giảm sút một cách nghiêm trọng. Lý tưởng Đảng đã bắt đầu mờ nhạt trong một số đồng chí”.
°
Từ khi anh Hiền ra khỏi tổ thông tin và bị khai trừ Đảng, bà con làng xóm đến chơi nhiều hơn. Hình như họ cảm thấy mủi lòng thương hại. Lúc anh Hiền đi vắng, họ pha trà uống và bàn tán với nhau:
“Chú Hiền mà không giải ngũ thì bây giờ làm cấp chỉ huy to”.
“Có khi được phong tướng rồi”.
“Tướng thì chưa biết, chứ đại tá là cái chắc”.
“Giả dụ chú cứ ra khỏi quân đội, đi học đại học nông nghiệp thì bây giờ đã làm kỹ sư, oách ra phết”.
Bá đến chơi nhiều nhất. Thường sau bữa cơm tối, Bá rủ vài đứa bạn đến ngồi tán chuyện gẫu cho tới tận khuya. Khi có dăm ba người nói chuyện với nhau thì anh Hiền ngồi im, chỉ đệm vào đôi câu cần thiết. Nghe người khác trò chuyện anh cũng cảm thấy khuây khoả. Anh có thể ngồi nghe như vậy đến vài ba tiếng đồng hồ.
Có mấy lần Bá nhờ anh viết khẩu hiệu. Nhưng anh từ chối: “Nhỡ may đứa nào nghịch ngợm sửa chữ nghèo nàn thành ngoèn nàn thì họ lại truy tôi”. Bá thật thà nói lại: “Không, tôi nhờ chú viết câu khác, không viết câu “Cương quyết tấn công vào nghèo nàn lạc hậu”. Thấy Bá hồn nhiên quá, anh mỉm cười: “Cái đứa đã nghịch thì câu khác nó cũng chữa được. Với lại, dạo này câu khẩu hiệu nào mà chẳng có chữ “tấn công vào nghèo nàn lạc hậu”. Nào là kẻ thù số một của chúng ta bây giờ là nghèo nàn lạc hậu. Nào là đảng viên đi trước làng nước theo sau, thanh niên dẫn đầu, cán bộ gương mẫu, tiến quân tiêu diệt tận gốc nghèo nàn lạc hậu…” Bá cũng cười theo: “Chú nói có lý. Lúc nào cũng ra rả nói chống nghèo nàn lạc hậu mà gạo không đủ ăn…”