Phòng xử án chia làm hai bên riêng biệt cho những người tin tưởng cha tôi và những người ủng hộ Kahane, trông giống như hai hàng khách mời ở đám cưới vậy. Giữa hai phe này đã xảy ra xô xát trong thời gian diễn ra phiên xử, thế nên trong phòng xử hôm nay, có đến ba mươi lăm cảnh sát được huy động. Đó là một ngày thứ Bảy. Bồi thẩm đoàn đã thảo luận kỹ lưỡng trong bốn ngày. Họ đã xem xét giả thuyết El-Sayyid Nosair là một kẻ sống dựa vào thù hận, cho nên thích hành động một mình. Họ dõi theo công tố viên trưởng một khẩu Magnum 0,357, nhìn chằm chằm vào cha tôi, rồi quay về phía họ và lên tiếng, “Khẩu súng này đã giết một người, làm bị thương hai người khác, và đe dọa hàng trăm con người. Anh có quyền lên tiếng: nhưng không phải ở đây, Nosair, không phải ở đây.”
Bồi thẩm đoàn cũng xem xét tranh luận của nhóm Kunstler rằng Kahane bị sát hại bởi những người thân cận của ông ta, và chúng đã đổ tội cho cha tôi bằng cách đặt khẩu súng gây án bên cạnh ông khi ông đang nằm trên vũng máu ở đại lộ Lexington. Họ liên tục nhấn mạnh rằng nhờ đống lộn xộn ở khách sạn Marriott mà không một nhân chứng nào nhớ rằng đã nhìn thấy cha tôi bắn Kahane.
Khi bồi thẩm đoàn trở lại để đọc lời tuyên án thì đã chiều muộn và chúng tôi đang ở nhà ở Jersey. Chuông điện thoại reo. Mẹ tôi nghe điện. Đó là vợ chú Ibrahim, thím Amina. Thím hét to đến mức tôi có thể nghe thấy tiếng bên kia đầu dây: “Anh ấy vô tội! Anh ấy vô tội!”
Phòng xử án dường như bùng nổ sau lời tuyên án. Có những tiếng hét giận dữ từ phía bên này căn phòng, xen lẫn những tiếng nức nở nhẹ nhõm từ phía bên kia căn phòng. Không khí giống như vạch ranh giới ngăn cách hai cơn bão đối lập vậy. Thẩm phán có phần hoảng sợ về lời tuyên án của bồi thẩm đoàn. Ông ta nói với họ rằng lời tuyên án ấy “hoàn toàn thiếu tính logic và hiểu biết cơ bản.” Sau đó, như thể sợ mình chưa nói rõ ràng, ông ta thêm vào, “Tôi tin rằng bị cáo đã điều khiển được toàn bộ đất nước này, toàn bộ Hiến pháp và luật pháp của chúng ta, và tất cả những con người khát khao chung sống hòa bình với nhau.”
Bồi thẩm đoàn cho rằng cha tôi phải chịu trách nhiệm cho những cáo buộc nhẹ nhàng hơn: sở hữu vũ khí trái phép, tấn công (nhân viên công ty Dịch vụ Bưu điện và một người đàn ông lớn tuổi) và đe dọa (cướp taxi). Thẩm phán tuyên bố hình phạt cao nhất theo luật pháp cho cha tôi là từ bảy cho đến hai mươi hai năm tù. Nhưng án phạt này không thể làm dịu đi bầu không khí sôi sục trong phòng xét xử. Một trong những người ủng hộ Kahane chỉ thẳng vào khu vực ghế ngồi của bồi thẩm đoàn (lúc này đã trống) và la hét, “Phán quyết không công bằng!” Sau đó càng nhiều tiếng hô vang, “Tử hình Nosair! Tử hình Nosair! Những con chó Ả Rập phải chết!”
***
Việc cha tôi được tuyên bố vô tội trong vụ ám sát Kahane đủ thắp lên hy vọng cho gia đình tôi để chấm dứt những tháng ngày đau đớn vừa qua. Những luật sư của cha tôi cố hết sức giúp cha kháng cáo. Lúc đó tôi đã tám tuổi, và tôi đã tin chắc rằng cha tôi sẽ bước qua cánh cửa kia vào bất cứ lúc nào, và cuộc sống của chúng tôi sẽ trở lại bình thường. Nhưng cha tôi không bao giờ xuất hiện. Từng ngày trôi qua, tôi dần trở nên ngày càng thu mình hơn.
Trong vòng một năm sau vụ xét xử cha tôi, số tiền quyên góp cho gia đình tôi không còn dư dả như trước, điều này khiến cuộc sống của chúng tôi khó khăn hơn. Những người bạn của cha tôi vẫn đối xử tốt với chúng tôi (có một người đàn ông làm nghề vận chuyển tên là Mohammed Salameh hứa sẽ cưới chị gái tôi khi chị ấy đủ tuổi), nhưng họ còn bận trung thành với đội quân thánh chiến của họ hơn (Salameh bị kết án 240 năm tù bởi có liên quan đến vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới trước khi chị tôi bước vào tuổi thiếu niên). Chúng tôi liên tục di chuyển qua lại giữa Jersey và Pennsylvania, bởi những lời đe dọa giết chóc. Cho đến lúc tôi rời trường trung học, gia đình tôi đã chuyển nhà khoảng hai mươi lần.
Chúng tôi luôn phải chung sống với những người hàng xóm nguy hiểm, không một ai trong số họ là người Hồi giáo. Tôi bị đánh ở trường bởi tôi là kẻ khác biệt, bởi tôi mập, lùn và ít nói. Người ta chế nhạo mẹ tôi khi thấy bà trên phố. Họ gọi mẹ tôi là quỷ và ninja bởi chiếc khăn trùm đầu và chiếc mạng che mặt của bà. Và không có gì là bí mật mãi mãi cả. Luôn có ai đó muốn tìm hiểu xem chúng tôi là ai. Tin đồn rằng chúng tôi là những người nhà Nosair bắt đầu lan truyền. Nỗi sợ hãi và tủi nhục lại kéo đến khiến chúng tôi phải chuyển nhà một lần nữa.
Giữa đống lộn xộn này, sự trống trải vì nhớ thương cha vẫn không thể nguôi ngoai. Sự vắng mặt của cha có ảnh hưởng ngày một rõ ràng hơn, cho đến khi trong não tôi không còn chỗ dành cho bất cứ thứ gì khác nữa. Cha không còn ở đó để chơi đá bóng với tôi. Cha không còn ở đó để dạy tôi cách không bị chúng bạn bắt nạt. Cha không còn ở đó để bảo vệ mẹ tôi khỏi những con người ác độc trên phố. Ông phải ở lại nhà tù Attica State ít nhất là cho đến khi tôi mười lăm tuổi, chắc có lẽ không đến năm tôi hai mươi tuổi đâu. (Tôi liên tục tính toán số năm trong đầu.) Tôi tự nói với bản thân mình rằng tôi không thể dựa vào cha được nữa. Nhưng bất cứ khi nào đến thăm cha, niềm hi vọng lại trở lại. Tất cả dường như đều có thể trở thành hiện thực mỗi khi thấy gia đình chúng tôi ở bên nhau, cho dù sự thật không phải vậy.
***
Một dịp cuối tuần năm tôi chín tuổi, mẹ tôi lái xe đưa chúng tôi xuyên qua New York đến Attica, nơi nằm ở rìa phía xa nước Mỹ, gần Canada. Chiếc xe này vốn là một chiếc ô tô nhiều chỗ ngồi với những tấm gỗ giả được đóng vào bên hông xe. Mẹ tôi đã gập những chiếc ghế sau xuống để chúng tôi có thể nằm ngủ hoặc chơi hoặc lăn lộn đùa nghịch. Kể từ khi chúng tôi rời New Jersey, tôi lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng. Cuối tuần này chúng tôi không chỉ đến thăm cha trong một căn phòng lớn và nhàm chán, nơi chúng tôi chẳng có gì để làm ngoài chơi cờ đam Trung Quốc. Lần này chúng tôi đến để “sống” cùng với cha. Mẹ tôi đã cố gắng giải thích làm thế nào mà điều tuyệt vời này có thể xảy ra song tôi vẫn không thể tưởng tượng được. Dọc đường chúng tôi dừng lại để mua sắm một số thực phẩm, mẹ nói bà sẽ nấu cho tất cả chúng tôi. Mẹ còn cho phép tôi mua một hộp bánh quy rắc những hạt sô cô la loại mềm hiệu Entenmann. Khi chúng tôi quay lại xe, tôi dường như hào hứng gấp đôi so với trước khi khởi hành, vui sướng khi nghĩ đến việc được gặp cha và về cả những chiếc bánh quy nữa. Mẹ nhìn tôi qua gương chiếu hậu và mỉm cười. Có lẽ đó là lần cuối cùng bà thấy tôi hạnh phúc như vậy.
Attica là một nơi rộng lớn và ảm đạm – giống như một tòa lâu đài trị vì bởi một vị vua lúc nào cũng phiền muộn vậy. Chúng tôi đi qua những chốt an ninh. Những nhân viên bảo vệ kiểm tra mọi thứ, kể cả đống thực phẩm còn nguyên bao bì.
“Chúng ta có một chút rắc rối,” một nhân viên bảo vệ nói.
Ông ta giữ hộp bánh quy Entenmann của tôi. Có gì đó không ổn với chiếc hộp. Hóa ra là trên lớp giấy bóng kính bọc quanh chiếc hộp xuất hiện một lỗ nhỏ, vì vậy họ sẽ không cho phép tôi mang nó vào. Nước mắt tôi bỗng trào ra. Tôi biết rằng ngay khi chúng tôi đi vào bên trong, những tay bảo vệ này sẽ ăn bánh quy của tôi. Họ biết rằng chẳng có vấn đề gì với chúng cả.
Mẹ tôi đặt tay lên vai tôi và thì thầm, “Đoán thử xem”.
Nếu tôi trả lời mẹ, tôi sẽ không giữ được giọng nói như bình thường, và tôi không muốn tự bêu xấu mình trước mặt những nhân viên bảo vệ đó, vì vậy tôi chỉ ngước nhìn mẹ chờ đợi cho đến khi bà cúi xuống và thì thầm vào tai tôi những từ nhiệm màu: “Mẹ đã mua thêm một hộp bánh khác.”
Tôi vui vẻ chạy băng qua bãi cỏ tiến về phía cha tôi. Cha tôi cười thật tươi và vẫy tay với tôi để tôi chạy nhanh hơn nữa. Ông đứng trước một căn nhà một tầng màu trắng thường được thấy ở những vùng ngoại ô, bao quanh bởi những bức tường của nhà tù Attica, đây là nơi các gia đình giống như gia đình tôi có thể ở bên nhau vào mỗi dịp cuối tuần. Có một chiếc bàn dã ngoại, một chiếc xích đu, một bếp nướng ngoài trời. Tôi hụt hơi vì chạy quá nhanh. Tôi ôm lấy eo cha và đợi cha cúi xuống bế tôi lên. Cha tỏ ra khá vất vả để nâng một đứa trẻ lớn ngồng là tôi, nhưng thực chất tôi biết ông chỉ giả vờ mà thôi. “Lạy Đức Allah, Z ắt hẳn là tên rút gọn của cái tên Z-khổng-lồ rồi!” cha vui vẻ trêu tôi và nằm lăn ra bãi cỏ vừa mới được cắt tỉa. Chúng tôi vật lộn một lúc cho đến khi em trai tôi gọi với từ xích đu, “Đẩy cho con, cha ơi, đẩy cho con!”
Những ngày cuối tuần này mới tuyệt làm sao, thậm chí những khoảnh khắc nhàm chán cũng trở nên hoàn hảo, bởi đó là những ngày cuối tuần bình thường. Chúng tôi cùng chơi bóng đá với nhà gia đình hàng xóm. Chúng tôi cùng ăn mỳ ống với thịt viên vào bữa tối, và tráng miệng bằng một đĩa đầy ắp bánh quy Entenmann. Sau đó cha mẹ tôi sẽ chúc chúng tôi ngủ ngon và biến mất sau cánh cửa phòng ngủ từ sớm. Chị tôi khuyên em trai tôi đi ngủ sớm nhưng nó nói nó chẳng mệt chút nào, thậm chí một xíu cảm giác mệt mỏi cũng không có, thế mà lại nhanh chóng lăn ra ngủ chỉ trong vòng 30 giây sau trên chiếc ghế bành bọc da đen ở phòng khách. Vì thế, hai chị em tôi chớp ngay lấy thời cơ này xem cuộn băng Cujo mà chúng tôi lén lấy rồi bỏ vào giỏ của mình từ thư viện của nhà tù. Cuộn băng nói về một chú chó giống Saint Bernard ngọt ngào ở Connecticut, không may bị cắn bởi một con dơi và mắc bệnh dại, thế rồi nó bắt đầu trở nên điên cuồng. Hai chị em tôi ngồi xích lại gần nhau trong lúc theo dõi bộ phim. Việc ý thức được rằng mẹ tôi cũng sẽ trở nên tức giận điên cuồng giống như vậy nếu phát hiện chúng tôi lén xem phim càng khiến chúng tôi cảm thấy kinh dị hơn.
Đó là những ngày cuối tuần mà chúng tôi sống như một gia đình thật sự, một gia đình mà cha tôi luôn hằng mơ ước. Mỗi tối, vào lúc sáu giờ, chuông điện thoại sẽ đều đặn vang lên, và cha tôi sẽ báo cáo đầy đủ tên họ và số nhận dạng tù nhân, cùng với một số thông tin khác nữa để chứng minh rằng ông không hề cố gắng tìm cách trốn thoát. Không những thế, bao chung quanh mảnh sân nhỏ của gia đình tôi là một hàng rào có gắn dây thép gai. Hơn nữa, bên ngoài là một bức tường màu xám đồ sộ, cao hơn 9m. Nhưng chỉ cần năm người chúng tôi ở bên nhau thì thế giới ngoài kia không có gì đáng sợ cả. Tôi cảm giác rằng bức tường lớn màu xám này, thay vì giam giữ cha tôi ở bên trong, nó có vẻ như đang bảo vệ chúng tôi, cách ly những người khác ở bên ngoài.
Nhưng lẽ đời luôn như vậy, hiểu biết của tôi chưa đủ để nhìn thấu sự thật. Cha tôi có thể là một chú cún Saint Bernard hiền lành khi bên cạnh chúng tôi, song khi chúng tôi rời đi, ông lại trở nên điên cuồng và hung bạo. Khi chúng tôi chất đồ đạc lên xe cho cuộc hành trình không hồi kết trở lại New Jersey, hãy còn nguyên cảm xúc ngạc nhiên và hạnh phúc và cả niềm hy vọng nguy hiểm đó, cha tôi được đưa trở lại buồng giam và bắt đầu huênh hoang về vị Thẩm phán người Do Thái, người đã tuyên bố bỏ tù cha tôi, và chỉ đạo những người từ thánh đường đến thăm giết vị Thẩm phán đó (“Tại sao tôi phải xót thương ông ta? Liệu ông ta có khoan dung cho tôi không?”). Khi kế hoạch đó thất bại, cha tôi lại bắt đầu chuyên tâm vào một âm mưu khác hèn hạ hơn. Trong lúc tôi đang đắm chìm trong niềm hạnh phúc của một gia đình thực sự, thì cha tôi lại đắm chìm trong kế hoạch đánh sập Tòa Tháp Đôi.