Tháng Bảy, chúng tôi rời khỏi Pittsburgh, và đã có lúc cuộc sống hạnh phúc của chúng tôi trở lại. Mẹ tôi trở thành giáo viên lớp Một tại một trường học Hồi giáo ở thành phố Jersey. Cha tôi không tìm được việc về thiết kế trang sức nữa, thay vào đó ông làm việc tại một công ty chuyên lắp đặt đèn sân khấu, và ngày càng trở nên mập mạp hơn nhờ tài nấu nướng của mẹ tôi. Tình cảm giữa cha mẹ ngày càng khăng khít. Ở thành phố này, sự tồn tại của cộng đồng người Ai Cập thật kỳ diệu: những cửa hàng Ả Rập ở khắp nơi, những người đàn ông mặc áo chẽn và những người phụ nữ choàng những chiếc khăn hijab đi lại nhộn nhịp trên phố. Thánh đường mới của chúng tôi, Masjid Al-Shams, không tổ chức nhiều hoạt động cho phụ nữ và gia đình như ở Pittsburgh, song chúng tôi vẫn thường xuyên đến đó cầu nguyện. (Tên của nhà thờ đã được thay đổi nhằm thể hiện sự tôn trọng với những hoạt động tôn giáo hiện tại của nơi này.) Sau khi kết thúc công việc, cha tôi sẽ cùng cả nhà đi dã ngoại ở công viên. Cha hay chơi bóng đá và bóng chày cùng tôi trên khoảnh sân của trường mẫu giáo. Cuộc sống vui vẻ, bình yên trôi qua cho đến một ngày, hiệu trưởng trường tiểu học nơi mẹ tôi làm việc mời bà đến văn phòng. Ông ta cố gắng trấn an mẹ tôi trước khi thông báo rằng ông ta vừa nhận một cuộc điện thoại báo rằng: Cha tôi đã gặp tai nạn tại nơi làm việc. Ông hiện đã được chuyển đến bệnh viện St.Vincent ở New York.
Cha tôi bị điện giật. Hiện tại ông đã an toàn, song cú giật đã đốt cháy bàn tay cầm tuốc nơ vít của ông, hất ông ngã khỏi thang, và khiến ông bất tỉnh. Ông đã được phẫu thuật. Các bác sĩ đã loại bỏ lớp da cháy xém khỏi bàn tay và lấy một phần da từ đùi của ông để cấy vào đó. Họ cũng hướng dẫn cha tôi cách chăm sóc vết bỏng, sau đó cho phép ông xuất viện với hàng đống đơn thuốc, bao gồm cả một liều thuốc mạnh chống suy nhược đột ngột. Cha tôi không thể làm việc. Mà đối với một người đàn ông, đặc biệt là một người theo đạo Hồi, việc nuôi sống gia đình có ý nghĩa rất quan trọng.
Dù gia đình tôi vẫn có thể sống nhờ đồng lương giáo viên của mẹ tôi và đống tem phiếu thực phẩm, song sự mặc cảm và xấu hổ vẫn âm thầm dằn vặt cha tôi. Mẹ tôi hiểu được những gì cha tôi phải chịu đựng, nhưng bà cũng bất lực trong việc khuyên nhủ ông. Tôi cảm thấy hành vi của cha thời điểm này chính xác là những gì mà ông đã thể hiện trong suốt khoảng thời gian bị vu oan cưỡng bức Barbara. Thời gian này, mặc dù cha tôi không chăm chăm cầu nguyện một cách ám ảnh, song lúc nào ông cũng nhìn đăm đăm vào cuốn kinh Qur’an. Thậm chí ngay cả khi có thể quay lại làm việc (ông phụ trách sửa chữa, bảo hành hệ thống sưởi và điều hòa tại tòa án quận Manhattan) cha tôi cũng trở thành một người sống nội tâm hơn bao giờ hết. Cha liên tục đến Masjid Al-Shams để cầu nguyện, nghe giảng đạo và tham dự những buổi họp mặt bí mật. Masjid Al-Shams ban đầu dường như là một nhà thờ nhỏ, danh tiếng khá khiêm tốn, nhưng sau đó dần trở thành một trong những biểu tượng cho tôn giáo chính thống tại thành phố này. Điều này lý giải vì sao, là một người phụ nữ, mẹ tôi cảm thấy không được chào đón ở đây, và vì sao bầu không khí ở đây lúc nào cũng tràn ngập một cảm giác phẫn nộ mà chúng tôi chưa từng trải nghiệm. Đồng thời, đó cũng là lý do tại sao cha tôi ngày càng trở nên ít bao dung hơn với những người không theo đạo Hồi. Mẹ tôi đưa chị gái tôi, em trai tôi và tôi đến tham dự những hoạt động gia đình tại trung tâm Hồi giáo ở trường của chị tôi, nhưng cha tôi không bao giờ đi cùng chúng tôi: ông đột nhiên không thích thầy tế ở đó. Ở nhà, cha vẫn dành thời gian vui chơi với chúng tôi, song những khoảnh khắc ông nhìn xuyên qua chúng tôi, thay vì nhìn vào chúng tôi, xuất hiện ngày một nhiều, lúc đó ông giống như một người khác vậy, lướt qua chúng tôi, dán mắt vào cuốn kinh Qur’an. Một ngày nọ, tôi vô tư hỏi cha rằng từ khi nào mà cha trở thành một tín đồ đạo Hồi, và ông đáp lại tôi bằng một giọng nói tôi chưa từng thấy ở ông, “Khi ta đến đất nước này và nhận thấy mọi điều sai trái ở nơi đây.”
Rất nhiều năm về sau, trong các báo cáo của mình, FBI đã đặt cho Masjid Al-Shams một biệt danh đáng sợ: “Sào huyệt chiến tranh Hồi giáo vùng Jersey.”
***
Cuối thập niên 1980, đầu não của các tổ chức Hồi giáo tập trung ở Afghanistan. Liên Xô và Hoa Kỳ phát động Chiến tranh lạnh gần một thập kỷ. Vào năm 1979, chính phủ cộng sản Afghanistan yêu cầu quân đội Nga giúp đỡ họ chống lại cuộc nổi loạn của phiến quân Hồi giáo (một tổ chức lỏng lẻo gồm nhiều nhóm chống đối người Afghanistan). Đáp lại hành động đó, Hoa Kỳ và Ả Rập đã thiết lập đồng minh và bắt đầu rót hàng tỷ đô la vào vũ khí cung cấp cho những cuộc nổi loạn. Chiến tranh đã đến mức báo động, buộc một phần ba dân số Afghanistan phải bỏ trốn, chủ yếu di cư sang Pakistan.
Thánh đường của cha tôi chỉ là một ngôi nhà xám với những lớp sơn đang tróc dần, nằm ở tầng ba của một mặt tiền cửa hàng, dưới tầng là một cửa hàng ăn Trung Quốc và một tiệm trang sức. Tuy nhiên, Masjid Al-Shams vẫn có sức hấp dẫn đối với những vị thủ lĩnh và học giả từ khắp nơi trên thế giới, những người hô hào kêu gọi cha tôi và những người bạn của ông đến chi viện cho những người anh em đang tham gia những cuộc nổi loạn của họ. Đối với cha tôi và những thành viên bị tước quyền công dân, phải sống rất khó khăn khác trong thánh đường, mục đích của việc chi viện dễ dàng thuyết phục họ. Một trong những người phát ngôn đặc biệt cuốn hút cha tôi, đó là một kẻ chuyên kích động bạo động thuộc dòng Sunni từ Palestine, tên hắn là Abdullah Yusuf Azzam.
Azzam đang khởi động một chiến dịch trên toàn nước Mỹ nhằm kêu gọi gây quỹ cho những cuộc nổi loạn. Hắn thường xuất hiện trước đám đông với khẩu lệnh mạnh mẽ: “Một lòng ủng hộ chiến tranh Hồi giáo và quân đội Hồi giáo: không thương lượng, không hội ý, và không đối thoại.” Hắn ta đã từng đóng vai trò cố vấn cho một sinh viên kinh tế trẻ đến từ Ả Rập, Osama bin Laden, và thuyết phục người này mang theo gia đình (và mang theo sổ chi phiếu của gia đình) đến Pakistan để hỗ trợ cho cuộc chiến tranh chống Nga. “Dù chiến tranh có kéo dài bao lâu đi chăng nữa, chúng ta vẫn nguyện chiến đấu hết mình,” Azzam tuyên bố với những chiến binh Hồi giáo gốc Mỹ, “cho đến hơi thở cuối cùng và cho đến khi trái tim ngừng đập.” Hắn ta truyền cảm hứng cho họ với những câu chuyện từ chiến trường đã được thần thánh hóa xa rời thực tế, những câu chuyện về những chiến binh thánh chiến mình đồng da sắt mà không một viên đạn nào của Liên Xô có thể xuyên thủng, tham chiến với sự hỗ trợ của những thiên sứ trên lưng ngựa và được bảo vệ khỏi bom đạn bởi những đội quân gồm hàng ngàn con chim.
Cha tôi gặp Azzam tại nhà thờ và trở về nhà mà như thể là một con người khác hẳn. Ông cảm thấy đã đến lúc thực hiện sứ mệnh của mình và đây cũng chính là minh chứng hùng hồn nhất, không thể chối cãi cho sự sùng bái của ông đối với Allah. Cha tôi và những người đàn ông khác từ nhà thờ bắt đầu gặp gỡ nhau tại căn hộ của chúng tôi, bàn luận một cách say mê về việc tiếp viện chiến tranh Hồi giáo ở Afghanistan. Họ mở một cửa hàng ngay dưới masjid, bày bán những tài liệu tôn giáo, tranh ảnh, và những cuốn băng cát-xét để kiếm tiền. Đó là một nơi tối tăm và không có cửa sổ. Sách ở khắp mọi nơi. Những bức tường được bao phủ bởi những bài giảng đạo từ kinh Qur’an viết bằng những ký tự lớn và có màu lấp lánh. Cha thường xuyên đưa tôi và em trai đến đó và chúng tôi cũng phụ giúp họ việc này việc kia. Mặc dù chúng tôi đều không ý thức được những gì cha đang làm, song tôi nhận thấy rõ ràng rằng cha tôi dường như đã sống lại.
Mẹ tôi cũng ủng hộ chiến tranh Hồi giáo của người Afghanistan - ở một chừng mực nào đó. Bà là một tín đồ Hồi giáo sùng đạo song đồng thời cũng là một người Mỹ yêu nước. Trong khi hai con người này thường xuyên mâu thuẫn nhau, thì việc lực lượng nổi loạn Hồi giáo liên minh với những người Mỹ ở Afghanistan là một ví dụ hiếm hoi cho thấy sự đồng thuận về mặt nào đó giữa những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị của bà. Trong lúc đó, cha tôi lao vào cuộc quá nhanh. Ông giờ đây đã là thuộc cấp trực tiếp của Azzam, kẻ mà ông luôn thần tượng. Cha tôi cùng những người đàn ông ở nhà thờ thường xuyên thực hiện những chuyến cắm trại để tôi luyện kỹ năng sinh tồn. Họ lái xe đến bãi tập bắn Calverton Shooting Range ở Long Island để luyện tập. Khi người phụ trách nhà thờ bày tỏ quan ngại về xu hướng cực đoan đang diễn ra ở đây, họ liền gạt ông ta khỏi vị trí của mình. Có thể nói rằng cha tôi lúc này không còn bất cứ thời gian rảnh rỗi nào dành cho mẹ con tôi nữa. Nên việc ông xuất hiện vào ngày đầu tiên tôi đến trường mới khiến mẹ tôi sốc. Trước đây không lâu, gia đình là mối quan tâm duy nhất và mãi mãi của cha; nhưng giờ đây chúng tôi phải cạnh tranh với tình yêu cha dành cho những tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới này.
Đỉnh điểm là khi cha tôi nói với mẹ rằng ông không muốn cứ mãi ở hậu phương ủng hộ đội quân thánh chiến nữa: Ông muốn đến Afghanistan và tham gia chiến đấu. Mẹ tôi khiếp sợ, bà cầu xin cha suy nghĩ lại nhưng cha vẫn kiên quyết làm theo ý mình. Hơn nữa, cha còn yêu cầu mẹ đưa chúng tôi đến Ai Cập và sống cùng ông nội ở đó trong thời gian ông đến Afghanistan. May mắn thay, ông nội tôi phản đối kế hoạch này. Ông nội cho rằng chỗ của cha tôi là ở bên gia đình, cho nên ông nội từ chối lời đề nghị của cha. Ông nội thậm chí còn cương quyết đe dọa cha tôi rằng nếu mẹ con tôi vẫn cứ đến Ai Cập, ông sẽ phớt lờ và để chúng tôi chết đói.
Cha tôi không phải thương tiếc cho giấc mơ thánh chiến của mình quá lâu. Vào năm 1989, một người (không bao giờ biết được là ai) cố gắng ám sát Azzam bằng một quả bom giấu dưới bục giảng kinh của ông ta tại Peshawar, Pakistan. Song quả bom không phát nổ. Tuy nhiên, vào ngày 24 tháng Mười một, khi Azzam cùng hai con trai đang ngồi trong một chiếc xe Jeep đến buổi cầu nguyện vào thứ Sáu thì một quả bom nổ dưới đường. Cả ba đều thiệt mạng. Không thể diễn tả bằng lời phản ứng của cha tôi trước cái tin Azzam bị ám sát. Cho đến hai mươi năm sau, khi hồi tưởng lại, mẹ tôi chỉ đơn giản đánh giá rằng đó là khoảnh khắc bà mất cha tôi mãi mãi.
Năm 1989, Xô Viết từ bỏ Afghanistan và rút lui. Trước tình hình đó, Hoa Kì cũng có động thái tương tự. Afghanistan trở thành một quốc gia của những góa phụ và trẻ mồ côi, con người, kinh tế, và cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng. Những chiến binh thánh chiến như cha tôi nóng lòng gây dựng một đế chế Hồi giáo thực sự trên thế giới này – một nhà nước được điều hành bởi luật pháp Hồi giáo, được biết đến với tên gọi Bộ luật Sharia. Năm 1990, một trong những đồng minh của Osama bin Laden, thủ lĩnh mù người Ai Cập, Omar Abdel-Rahman, đến Mỹ nhằm củng cố niềm tin cho cuộc chiến tranh Hồi giáo toàn cầu, cuộc chiến không chỉ hủy diệt Afghanistan mà còn bằng mọi phương thức cần thiết, chấm dứt những gì bọn họ mong muốn, ví dụ như sự chuyên chế của chính quyền Israel, được Mỹ hậu thuẫn, đối với Palestine. Thủ lĩnh mù đó có tên trong danh sách những kẻ khủng bố nguy hiểm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Ông ta đã bị bỏ tù tại Trung Đông vì đã tuyên bố một fatwa kêu gọi và dẫn đến vụ ám sát Thủ tướng Ai Cập Anwar Sadat. Tuy nhiên, Rahman vẫn xoay xở để có được thị thực du lịch Mỹ. Khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hủy bỏ thị thực, ông ta đã tìm cách thuyết phục Sở Di trú tại New Jersey cấp cho mình một tấm Thẻ xanh. Dường như những cơ quan Chính phủ này không thể thống nhất được biện pháp xử lý một tên khủng bố quốc tế, kẻ vốn là đồng minh của họ trong cuộc chiến chống Nga.
Trong khoảng thời gian này chúng tôi chuyển từ thành phố Jersey đến Cliffside Park theo ý mẹ. Đó là vùng ngoại ô rậm rạp cây cối và yên tĩnh, gần giống như quê nhà của Tom Hanks trong bộ phim Big, và mẹ tôi hi vọng rằng khoảng cách này sẽ phá vỡ sự liên kết giữa cha tôi những phần tử cực đoan tại Masjid Al-Shams. Trên thực tế, điều đó chẳng thay đổi được gì. Mỗi sáng cha đều chửi mắng mẹ, trích ra những câu kinh Qur’an và từ những bài giảng của Muhammad trong Hadith (bản ghi chép lại lời nói, hành động, và thói quen của nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad). Đạo Hồi nói thế này, đạo Hồi nói thế kia. Cha tôi bỗng chốc trở thành người xa lạ với mẹ. Mỗi đêm sau khi kết thúc công việc, ông lái xe một chặng đường dài quay lại nhà thờ cũ của chúng tôi hoặc đến nhà thờ mới tại Brooklyn, nơi Thủ lĩnh mù đang củng cố lại niềm tin cho những tín đồ Hồi giáo. Cha tôi bị ám ảnh bởi sự khốn khổ của những tín đồ Hồi giáo ở Palestine, cũng nhiều như sự ghê tởm ông biểu hiện trước sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel. Và đương nhiên không chỉ mình cha tôi bị ám ảnh. Trong suốt cuộc đời mình, khi ở nhà thờ, trong phòng khách, lúc gây quỹ tại Hamas, người ta đều nói với tôi rằng Israel là kẻ thù của người Hồi giáo. Nhưng giờ đây, những từ ngữ mà họ dùng nặng nề hơn. Mẹ tôi luôn lo lắng rằng sẽ có những thảm kịch chờ đợi chúng tôi phía trước. Cuộc sống vẫn tiếp tục, sau này bà kể rằng lúc đó bà như một chiếc “máy bay lái theo chế độ tự động” vậy, máy móc sống và làm việc, hy sinh tất cả vì chúng tôi và chỉ cố gắng vượt qua khỏi những ngày tháng đen tối ấy.
Rất nhiều lần cha mang tôi đến những buổi giảng đạo của Thủ lĩnh mù. Lúc đó, vốn tiếng Ả Rập của tôi không đủ để giúp tôi hiểu hết những gì ông ta nói, có chăng chỉ là bắt được một số từ quen thuộc, song sự tàn bạo của ông ta khiến tôi sợ hãi. Khi cha tôi thúc giục tôi bắt tay với Rahman sau buổi giảng đạo của ông ta, tôi chỉ e dè gật đầu. Sau đó, họ đặt một tấm lót làm bằng chất dẻo xuống sàn và có những người đàn ông phục vụ chúng tôi món fatteh (bánh mì Pita và cơm được rưới nước sốt cừu) cho bữa tối. Trong vòng một giờ đồng hồ, âm thanh giọng nói của các bậc cha mẹ và những đứa trẻ ríu rít như những tiếng chim, khiến mọi thứ dường như trở nên ấm áp và bình thường trở lại, sau đó chúng tôi bắt đầu ăn.
Cha tôi trở nên thân thiết với Thủ lĩnh mù đó. Chúng tôi không hề biết rằng ông ta thúc giục cha tôi đặt cho mình một cái tên giả dùng cho nhiệm vụ đặc biệt sau này. Cha tôi cân nhắc về việc ám sát Thủ tướng Israel tương lai, Ariel Sharon, và sẵn sàng đi đến phá hủy khách sạn của ông ta. Cha tôi cuối cùng từ bỏ kế hoạch đó, song đối với một tín đồ Hồi giáo chính thống, người luôn tin tưởng triết lý mãnh liệt của Allah như cha tôi, thì mục tiêu tiềm năng có thể ở mọi nơi. Không lâu sau, cha tôi phát hiện ra rằng việc giết giáo sĩ Do Thái Kahane chính là sứ mệnh thực sự của mình.
***
Đây là một trong những ký ức cuối cùng của tôi về cha khi ông còn là một người tự do: Đó là một buổi sáng thứ Bảy ở Jersey. Cuối hè. Cha đánh thức tôi và em trai dậy sớm – sau buổi cầu nguyện trước khi mặt trời mọc chúng tôi đã buồn ngủ trở lại rồi – và bảo chúng tôi chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Chúng tôi mặc quần áo và đờ đẫn theo cha ra xe. Chúng tôi lái xe, lái xe và lái xe mãi: ra khỏi vùng ngoại ô xanh rì bóng cây, đi qua vùng Bronx đông nghịt người và căng thẳng, tiến về phía Long Island. Hai giờ trôi qua như gấp đôi đối với anh em tôi. Cuối cùng, chúng tôi đến một nơi có một tấm biển màu xanh da trời lớn: Bãi bắn CALVERTON SHOOTING RANGE.
Chúng tôi tiến vào một bãi cát, và tôi thấy chú Ammu Ibrahim đang đợi chúng tôi, cùng với một chiếc xe khác chở những người bạn của cha tôi. Chú tôi đứng dựa lưng vào chiếc xe trong khi những đứa con trai của chú thì chạy nhảy vui vẻ xung quanh, đá tung từng lớp cát. Chú mặc một chiếc áo phông in hình tấm bản đồ Afghanistan và một dòng khẩu hiệu: GIÚP ĐỠ LẪN NHAU BẰNG THIỆN CHÍ VÀ LÒNG TRUNG THÀNH. Những người đàn ông chào hỏi nhau và sau đó một trong những người bạn của cha mở nắp chiếc rương mà ông ta mang theo, chiếc rương đầy những khẩu súng lục và AK-47.
Điểm ngắm của họ là những hình người không mặt màu đen được dựng đối diện những bờ đất dốc. Trên đầu mỗi hình nhân có thắp một bóng đèn vàng, và trên đỉnh những ngọn đồi phía trên là một hàng thông. Thỉnh thoảng sẽ có một con thỏ lon ton chạy ra, hoảng hốt bởi tiếng đạn nổ, sau đó gấp gáp vọt trở lại.
Cha và chú Ammu bắn trước, sau đó đến những đứa trẻ chúng tôi. Chúng tôi thay phiên nhau bắn được một lúc. Tôi không hề biết rằng cha mình đã trở thành một tay thiện xạ từ lúc nào. Đối với tôi, khẩu súng trường này quá nặng, và tôi không hề có hứng thú tập bắn như những cậu em họ của mình, chúng luôn trêu chọc tôi mỗi lần tôi bắn trúng bờ đất thay vì mục tiêu, khiến viên đạn rạch trên nền cát một rãnh nhỏ.
Những đám mây là là bay ngang qua bãi bắn bao phủ hết mọi vật trong bóng râm. Một cơn mưa bóng mây chợt ập xuống. Trong lúc chúng tôi chuẩn bị kết thúc vào lượt bắn cuối cùng của tôi, thì một điều kỳ lạ bỗng xảy ra: Tôi vô tình bắn vỡ bóng đèn trên đầu một hình nộm khiến nó vỡ và nổ tung, hình nộm đó bốc cháy.
Tôi vội vã chạy về phía cha, cả người đông cứng lại trong nỗi sợ hãi rằng mình đã làm sai điều gì đó.
Lạ lùng thay, cha tôi bỗng nở nụ cười và gật đầu một cách hào hứng.
Bên cạnh ông, chú Ammu bật cười. Hai người họ là anh em thân thiết. Chú Ammu chắc hẳn biết về kế hoạch giết Kahane của cha tôi. “Ibn abu,” chú nói với một nụ cười tươi rói.
Tôi mất nhiều năm dằn vặt với nghĩa hàm ý của hai từ chú Ammu thốt ra lúc đó, cho tới tận khi tôi nhận ra rằng chú tôi đã đánh giá hoàn toàn sai lầm về tôi.
“Ibn abu.”
Cha nào con nấy.