Con gái thầy lang

Thay lời kết

Lại là ngày 12 tháng Tám và Ruth lại ngồi trong cái buồng xép của mình, im lặng. Còi báo sương vẩng lên trong đêm đón chào những con tàu về bến.

Ruth vẫn không bị mất tiếng. Khả năng nói của cô không bị chi phối bởi lời nguyền hay sao băng hay bệnh tật nữa. Bây giờ cô biết chắc về điều đó. Nhưng giờ đây cô cũng chẳng cần lên tiếng. Cô có thể viết. Trước đây cô không có lý do viết cho mình, chỉ có lý do viết cho người khác. Bây giờ thì cô có.

Bức ảnh của bà ngoại đặt trước mặt cô. Ruth ngắm nhìn nó hàng ngày. Qua nó cô có thể nhìn thấy quá khứ soi mình rõ ràng trong hiện tại. Có bao giờ bà ngoại cô lại tưởng tượng mình có một đứa cháu ngoại như cô không? Một phụ nữ được chồng yêu thương, được hai cô con gái tôn thờ, có một ngôi nhà đồng sở hữu, bạn bè quý mến, một cuộc sống chỉ có những mối lo thông thường về hao điện hay là tổng số calories trong mỗi bữa ăn.

Ruth nhớ lại việc mẹ cô quen nói về cái chết, do lời nguyền hay bằng bàn tay của chính mình, như thế nào. Bà không bao giờ không cảm thấy sự thôi thúc ấy cho đến khi bà mất trí, cái mạng lưới nhằng nhịt của ký ức đã nhốt cái nỗi thống khổ của bà lại. Và dù mẹ cô vẫn nhớ những gì xảy ra trong quá khứ bà đã bắt đầu thay đổi nó. Bà không điểm lại những sự kiện đau lòng nữa. Bà chỉ nhớ những gì được yêu thương trìu mến. Bà nhớ rằng đối với dì Báu, bà đã là động lực sống của người.

Một hôm mẹ  Ruth gọi cô. Bà nói với giọng ngày xưa sợ hãi và cáu bẳn "Luyi" bà gọi và chuyển sang nói thật nhanh bằng tiếng Hoa "Mẹ sợ rằng mẹ đã làm những điều kinh khủng đối với con ngày con còn bé, rằng mẹ đã làm con đau đớn rất nhiều. Nhưng mẹ chịu không nhớ ra được là mình đã làm gì…"

"Chẳng có gì cả" Ruth đáp.

"Mẹ chỉ muốn nói rằng mẹ hy vọng là con có thể quên như là mẹ đã quên. Mẹ hy vọng con có thể tha thứ cho mẹ,  bởi vì nếu mẹ làm tổn thương đến con thì mẹ cũng rất buồn".

Sau khi họ gác máy, Ruth đã ngồi khóc cả tiếng đồng hồ vì hạnh phúc. Chẳng bao giờ là  trễ  với mẹ con họ cái việc người này tha thứ cho người kia và cho nhau. Bây giờ khi Ruth ngồi nhìn vào tấm chân dung, cô nghĩ  về mẹ cô hồi còn bé, về bà ngoại cô ngày còn trẻ. Đây là hai người đàn bà đã tạo nên cuộc đời cô, những người trong cốt cách cô. Họ làm cho cô đặt ra câu hỏi liệu những trật tự và mất trật tự trong đời cô có phải là do sự may rủi, do sự tự khẳng định của cô hay là do hành động những người xung quanh. Họ dạy cô lo lắng. Nhưng cô cũng học được rằng những điều cảnh báo này sớm qua đi, nó không chỉ đơn giản làm cô sợ hãi, mà còn  buộc cô tránh những bước đi sai lầm của họ để hy vọng vào một điều gì tốt đẹp hơn. Họ muốn cô xóa bỏ hẳn những lời nguyền.

Trong phòng làm việc của mình, Ruth quay về quá khứ. Chiếc máy tính cá nhân trở thành cái khay cát. Ruth lại là đứa bé con sáu tuổi, cái tay bị gẫy đã lành, bàn tay kia cô cầm một chiếc đũa sẵn sàng đoán từ. Dì Báu đến, như thường lệ ngồi xuống bên cô. Khuôn mặt yêu kiều, cũng xinh đẹp hệt như trong tấm hình, bà mài mực vào nghiên mực đoản.

"Hãy nghĩ về dự định của con" dì Báu nói. "Cái gì ở trong tim con, cái gì con muốn truyền vào lòng người". Và bên nhau, Ruth và bà ngoại cô bắt đầu. Chữ nghĩa tuôn ra. Họ trở thành một người, sáu tuổi, mười sáu tuổi, 46 tuổi, 82 tuổi. Họ viết về những điều đã xảy ra, tại sao nó lại xảy ra, họ có thể làm những điều khác xảyra như thế nào. Họ viết về những chuyện lẽ ra không nên xảy ra nhưng vẫn xảy ra. Họ viết về những chuyện đã qua và những chuyện có thể diễn ra. Họ viết về quá khứ có thể phải thay đổi. Sau cùng dì Báu nói, đó là quá khứ nhưng chúng ta sẽ chọn cái gì để ghi nhớ đây? Họ có thể quyết định không giấu giếm điêu gì, gắn lại những gì đã đổ vỡ, đau lại nỗi đau đã qua và biết rằng nó sẽ lành. Họ biết hạnh phúc nằm ở đâu. Không phải trong một cái hang hay trên một đất nước, mà trong tình yêu và sự tự do được cho và nhận cái đã xảy ra muôn đời nay. Ruth nhớ lại điều này khi cô viết một câu chuyện. Đó là câu chuyện dành cho bà ngoại cô, cho cô và cho cô gái nhỏ đã trở thành mẹ cô.

 

HẾT