Lần đầu tiên qua nhà bác Tám, tôi không dám đi một mình. Dì tôi phải dắt tôi qua. Đi theo hộ tống tôi, còn có nhỏ Lan Anh.
Bác Tám trai lớn tuổi hơn dượng tôi. Dượng tôi kêu bác bằng anh. Bác Tám gái lớn tuổi hơn dì tôi. Dì tôi kêu bác bằng chị.
Bác trai làm nghề mộc, đi làm thuê cho người ta là chính, nét mặt rắn rỏi, tay chân gân guốc. Bác trai ít gần gủi với con cái bằng gác gái. Bác gái lo bán buôn, chợ búa. Phần bếp núc giao cho Trâm và Quỳnh. Thằng Tạo còn nhỏ, được đi chơi thả dàn. Chị Kim đi làm, được miễn việc nhà, khi rảnh rỗi được quyền nằm đọc tiểu thuyết. Sự phân công trong nhà đại khái như vậy.
Hôm tôi qua, bác trai và bác gái tiếp đón niềm nở và thân mật. Sau khi hỏi chuyện học tập của tôi, và dặn tôi "thường xuyên qua chơi, muốn qua lúc nào cũng được", hai bác quay qua nói chuyện với dì tôi.
Chính thức đón tiếp tôi là những nhân vật bằng vai phải lứa. Ngồi quanh cái bàn bày sẵn kẹo đậu phộng là chị Kim, Trâm, Quỳnh và tôi. Lan Anh và thằng Tạo thì chạy tới chạy lui trong nhà, thỉng thoảng xề lại gần bàn nhón một miếng kẹo, miếng nào miếng nấy thật to, trông phát tức.
Dòm ba chị em, tôi âm thầm xếp hạng: Quỳnh số một, chị Kim số hai, Trâm số ba. Đó là căn cứ theo bề ngoài, còn bề trong thì tôi chưa biết. Nhưng theo nhận định "khách quan" của tôi, có lẽ Quỳnh vẫn chiếm số một. Tôi nhớ lại buổi trưa hôm trước, Trâm trù ẻo tôi thi rớt, còn Quỳnh bênh tôi chằm chặp. Vả lại, người có nụ cười dễ thương như Quỳnh thì xét bề trong bề ngoài, tứ bề tám hướng, bề nào cũng nhất.
Chị Kim hỏi tôi:
- Chương vô đây, tính thi vào trường nào chưa ?
- Dạ, em tính thi vào sư phạm.
- Chà, tính làm ông giáo hén! Chừng nào ra trường em về quê chị dạy đi! Quê chị thiếu thầy giáo dữ lắm!
Cái "quê chị" ở đây tức là Mỹ Tho, nơi bác gái vẫn đi đi về về buôn hột vịt. Gia đình bác Tám trước ở dưới, mới dời lên Sài Gòn được mười mấy năm nay. Họ hàng của bác ở Mỹ Tho còn khá đông.
Chị Kim kêu tôi về dưới quê chị dạy học, chắc là thuận miệng nói chơi thôi nhưng tôi lại nghĩ khác. Tôi nghĩ "sâu sắc hơn: về Mỹ Tho dạy học, đương nhiên là phải "làm rể" ở đó! Chứ tôi quê ngoài Trung tự nhiên đâm đầu xuống Mỹ Tho làm chi! Sung sướng với viễn cảnh đó, tôi gật đầu liền:
- Dạ, ra trường xong là em về đó liền!
Trâm ngồi bên cạnh tôi tằng hắng một tiếng làm tôi hết hồn. Tôi tưởng nó định nói "Chắc gì thằng chả thi đậu" như bữa trước. Nhưng không, lần này nó nói nhẹ hơn:
- Tướng anh làm thầy giáo, học trò sức mấy mà sợ!
Quỳnh từ nãy đến giờ lo ăn kẹo, không nói tiê"ng nào, thỉng thoảng cười với tôi một cái bằng... mắt, bây giờ thấy tính mạng tôi đang bị đe dọa, liền lên tiếng:
- Học trò dữ như chị mới không sợ thầy chứ học trò nào lại không sợ!
Trâm cười tỉnh:
- Mày đừng có nói oan cho tao! Tao mà dữ! Tao hiền thấy mồ!
Rồi Trâm quay qua tôi:
- Phải không anh Chương ?
Nó hỏi kiểu đó, tôi đành phải gật đầu.
Trâm ngó Quỳnh, cười hích hích:
- Thấy chưa!
Chị Kim nói:
- Con Trâm bắt chẹt người ta trắng trợn quá! Em phải cảnh giác với nó nghe Chương!
Tôi ngồi cười cười, không nói gì. Xa nhà, nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ bạn bè, bây giờ ngồi giữa một gia đình ấm cúng, nhìn mấy chị em cười đùa vui vẻ, lòng tôi cũng đỡ cô đơn.
Tôi ngồi nói chuyện với ba chị em Quỳnh khá lâu. Đến khi mấy dĩa bánh trên bàn đã hết sạch, cả bình trà cũng không còn một giọt, tôi đứng dậy cáo từ. Lúc này ba mẹ Quỳnh đã đi ngủ. Dì tôi và Lan Anh cũng đã về tự hồi nào.
Trâm và Quỳnh tiễn tôi ra tới tận chỗ cửa lưới. Khi Trâm vừa quay vào, Quỳnh đột ngột dúi vào tay tôi một gói giấy nhỏ:
- Cho anh đó !
Tôi sững sờ chưa kịp hỏi thì Quỳnh chạy vụt vào nhà. Có lẽ trong một thoáng, cô bé cảm thấy mắc cỡ về hành động của mình.
Gói giấy nóng hổi trong lòng tay tôi như một con chim non. Tôi đứng lặng trước hiên có đến mười phút để tận hưởng niềm vui bất ngờ đó.
Vào nhà, tôi rón rén tre1o lên gác và hồi hộp mở gói giấy ra. Một chiếc bánh. Một chiếc bánh xinh xắn. Chắc là hồi chiều đi ăn giỗ, Quỳnh đã thó chiếc bánh để dành tặng tôi.
Chiếc bánh xanh xanh đỏ đỏ nom thật hấp dẫn, nửa khuya đói bụng, tôi đã tính "giải quyết" gọn cho rồi nhưng cuối cùng tôi dằn lòng được. Đằng nào đây cũng là tặng vật của Quỳnh, cô bé phải cất công mang từ "phương xa" về cho tôi. Tôi phải coi nó như một món ăn... tình cảm chứ đâu có thể xơi tái nó như chiếc bánh mua ngoài chợ được.
Nghĩ vậy, tôi đành nuốt nược bọt đặt chiếc bánh trên giá sách, chỗ trang trọng nhất. Tôi sẽ không ăn, tôi sẽ bảo quản nó như bảo quản trái tim tôi, để mỗi ngày nhìn thấy nó, tôi sẽ nhớ đến Quỳnh và nhớ rằng Quỳnh luôn nghĩ đến tôi, kể cả lúc... ăn giỗ. Chiếc bánh sẽ nằm ở đó, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, trang trọng và thiêng liêng, bất diệt và gợi nhớ như một biểu tượng đầy ý nghĩa.
Tôi ngồi chiêm ngưỡng "món ăn tình cảm" của mình một cách ngây ngất, đầu óc tưởng tượng lung tung rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Sáng hôm sau, vừa mở mắt ra tôi đã ngóc đầu dậy dòm lên giá sách. "Kỷ vật" của Quỳnh chuột tha mất tiêu.
Tôi thẫn thờ suốt cả buổi sánh, trong lòng giận mấy con chuột kinh khủng. Nỡ nào thừa lúc tôi ngủ bọn chúng lại xơi mất "món ăn tình cảm" của tôi. Phải chi tôi có thể hóa thành mèo, tôi sẽ thộp cổ cái bọn vô giáo dục đó, dạy cho chúng biết rằng bánh không phải lúc nào cũng dùng để ăn mà có khi còn dùng để biểu lộ một tình cảm khó nói nào đó. Có phải vậy không Quỳnh ?