Thưa các ngài, xưa nay tôi vẫn để tóc rẽ bên.
Vậy mà tháng trước đây, tôi đã phải nuôi tóc rõ dài cho sau đỉnh đầu tôi, tóc chấm xuống gáy... Rồi thì là hai bên tai tôi cũng có hai nắm tóc mắc lên trên như hai cái đuôi gà.
Thế nghĩa là tôi đã trang điểm cái đầu tôi cho nó theo mốt, cái mốt mà những người không biết gì vẫn gọi mơ hồ là mốt Phi - lu - dốp! Muốn nói cho người thượng lưu cũng hiểu nổi thì phải cắt nghĩa rằng: tôi đã có cái đầu "cơm thầy cơm cô".
Áo tôi là một cái áo mua có hào rưỡi ở hiệu bán vải Tây đen nhưng trông oai vô cùng. Màu hoa đào cụt tay. Quần tôi cũng là quần đen, nhưng mà bằng lĩnh cẩn thận.
Trong một thời gian khá dài, lúc nào tôi cũng đeo kính. Sáng sớm kính đen, giữa trưa kính đen, tối sẫm cũng kính đen. Tôi chỉ thiếu cái ngực hoặc hai cổ tay có trổ mặt hổ phù là bọn cơm thầy cơm cô phải tôn tôi lên bậc "anh chị".
Ấy thế là tôi cứ việc "rong chơi tuyết nguyệt" các hàng cơm, các đầu hè, các cửa rạp hát, các máy nước, đến nửa tháng trời. Tôi đã bờm xơm với ba bốn con nhãi, tôi đã bắt nhân tình với một vú em. Tôi đã kết bạn thân với mấy bác quít, gọi cái mụ vú già bây giờ làm nghề đưa người là mẹ nuôi, nhận mình là con của mụ nữa.
Rồi thì một mợ phán định nuôi tôi mỗi tháng 8 hào nhưng mà tôi không bằng lòng. Rồi thì một tiểu thư tân thời đã ngã giá với tôi mỗi năm 12 đồng, hai áo quần, một thắt lưng, về sau lại thôi, bởi chưng tôi có vẻ cấc lấc, không mánh khóe và lại hơi du côn.
Thế là con đường công danh của tôi, than ôi nó trắc trở quá! Thế là sau nửa tháng đi tìm việc, tôi lại hiện "nguyên hình" là thằng tôi. Thật vậy, tôi không có số đi ở.
Một thiên phóng sự về nghề cơm thầy cơm cô...
Sao lại không! Maryse Choisy mới năm ngoái đây cũng đã phải khoác áo con đòi. Mà thiên phóng sự " Carnet d une femme de chambre 1933" không phải là không có giá trị trước mắt nhà xã hội học.