Cội Rễ

Chương 116

“Mẹ!” Xinthiơ hổn hển gọi Airin “Uyl Palmơ ngỏ lời muốn đưa con từ nhà thờ về nhà chủ nhật tới”.

“Đích thị anh ta không phải người hấp tấp phải không? Ít ra đã hai năm nay, mẹ thấy anh ta chủ nhật nào cũng ngắm con...” Airin nói.

“Ai?” Tôm hỏi.

“Uyl Palmơ! Anh ta đưa Xinthiơ về nhà có được không?”.

Sau một hồi, Tôm nói, giọng khô khốc, “Để tui nghĩ đã”.

Xinthiơ đi ra, coi bộ như vừa bị dao đâm, để lại Airin nhìn chăm chú vào mặt ông chồng. “Tôm, nhẽ nào chả có ai xứng mấy các con gái ông. Ở tỉnh này, ai cũng biết cái gã trai trẻ Uyl sắp cai quản công ty gỗ cho ông già Jêimz say sưa tối ngày. Dân chúng ở khắp vùng Henninh đều thấy anh ta tự tay dỡ gỗ từ trên các xe lửa chở hàng, đích thân bán và giao gỗ, rồi biên hóa đơn, thu tền rồi lại đích thân đem tền gởi nhà băng. Lại còn làm cả dững việc mộc nho nhỏ mà khách hàng cần và không đòi thêm đồng nào. Ấy thế mà anh ta chả bao giờ nói đụng đến ông Jêimz một câu nào gọi là phạm tệ”.

“Cứ dư tui nhìn nhận thì nó làm tròn phận sự, không chõ vào việc người khác”, Tôm nói. “Tui cũng thấy nó trong nhà thờ, một nửa số con gái trong đấy cứ nhấm nha nhấm nháy dòm nó”.

“Cố nhiên rồi!” Airin nói. “Vì anh ta là đám tốt nhất ở Henninh nầy. Dưng mà anh ta chưa ngỏ lời đưa ai về nhà[1] hết”.

“Còn cái con Lulơ Catơ mà hồi nọ nó tặng hoa thì sao?”.

Ngạc nhiên thấy Tôm biết cả chuyện đó, Airin nói: “Đấy là hơn một năm trước, Tôm ạ, và nếu ông biết kỹ đến thế, thì chắc ông cũng biết là sau đấy con bé này cứ sùng sục dư điên, xun xoe quanh anh ta dư cái bóng, cuối cùng anh ta thôi hẳn không chuện trò gì mấy cô ả nữa”.

“Nó đã làm thế một lần, nó có thể làm lại lần nữa”.

“Nó không làm thế mấy Xinthiơ đâu, con nó khôn ngoan đáo để, lại xinh và có giáo dục. Nó biểu tui là mặc dầu nó rất thích Uyl, nó vẫn không bao giờ lộ cho anh ta biết tình cảm nó thế nào! Quá lắm là nó chỉ chào hỏi và mỉm cười đáp lại khi anh ta chào nó. Bất kể bao nhiêu con gái vo ve theo Uyl, ông có thấy anh ta vo ve theo đuổi ai không?”.

“Tui thấy là bà đã sắp đặt mọi sự đâu ra đấy”, Tôm nói.

Airin năn nỉ: “Ôi, Tôm, hãy để cho anh ta đưa con bé về nhà. Ít ra cũng để cho hai đứa gặp gỡ nhau. Còn ở mấy nhau hay không là chuện của chúng nó”.

“Thế còn tui!” Tôm nghiêm nghị nói. Ông không muốn tỏ ra dễ dãi với bất kỳ cô nào trong số con gái ông, cũng như với vợ nữa. Nhất là ông không muốn Airin biết trước đây ông đã thấy khả năng này, đã cân nhắc và hoàn toàn tán thành Uyl Palmơ nếu thời cơ đến. Vốn đã theo dõi gã trai trẻ Uyl từ khi anh ta đến Henninh, nhiều lần Tôm thầm ước giá một trong hai con trai mình có được nửa tài tháo vát của Uyl. Trên thực tế, anh chàng Uyl Palmơ nghiêm túc mà láu, nhiều tham vọng lại rất có bản lĩnh, khiến Tôm nhớ đến bản thân ông hồi còn trẻ.

Không ai ngờ việc “tìm hiểu” phát triển mau thế. Mười tháng sau, tại “buồng khách” trong ngôi nhà mới bốn phòng của Tôm và Airin, Uyl ngỏ lời cầu hôn và Xinthiơ phái khó khăn lắm mới kìm được câu trả lời “Vâng!” cho đến khi anh nói xong. Ngày chủ nhật thứ ba, tính từ bữa ấy, họ làm lễ cưới tại Nhà Thờ Tân Giáo Giám Lý cho người da màu mang tên Niềm Hy Vọng Mới, có trên hai trăm người dự, trong đó gần một nửa đã đáp xe từ Bắc Carôlinơ tới, cùng với con cái họ – nay ở các trang trại rải rác khắp quận Laođơđêil.

Uyl tự tay, và với dụng cụ của mình, dựng lên ngôi nhà nhỏ, ở đó một năm sau, 1894, đứa con trai đầu lòng của vợ chồng anh ra đời và chết trong vòng mấy hôm sau. Dạo này, Uyl Palmơ không nghỉ việc được lấy một ngày, vì ông chủ bợm rượu của công ty gỗ cứ đắm vào hết be này đến be kia, thành thử thực tế là Uyl đang điều khiển toàn bộ công việc. Một buổi chiều thứ sáu mưa dông, kiểm tra lại sổ sách của công ty, Uyl phát hiện thấy một khoản phải nộp ngân hàng đến nay đã quá hạn. Anh phóng ngựa tám dặm đường dưới mưa tầm tã đến gõ cửa sau nhà ông chủ ngân hàng.

“Thưa ông Von”, anh nói, “ông Jêimz quên mất khoản này và tôi biết là ông ấy ắt không muốn để ông phải chờ đến tận thứ hai”.

Được mời vào trong nhà ngồi cho khô quần áo, anh nói: “Không dám, xin cảm ơn ông, Xinthiơ hẳn đang thắc mắc không biết tôi đi đâu”. Và sau khi chúc ông chủ nhà băng ngủ ngon, anh lại phóng ngựa lao vào mưa trở về.

Cảm kích sâu sắc, người chủ nhà băng kể lại sự kiện đó khắp thị xã.

Mùa thu năm 1893, có người đến báo Uyl là ở ngân hàng, người ta đang cần gặp anh. Suốt trong mấy phút đi bộ đến đó Uyl thắc mắc không hiểu chuyện gì; vào đến nơi, anh thấy mười nhà doanh nghiệp da trắng chủ chốt ở Henninh đang chờ mình, tất cả đều có vẻ bối rối, mặt đỏ rừ. Chủ nhà băng Von nói nhanh, giải thích rằng chủ công ty gỗ tuyên bố vỡ nợ và dự định chuyển cả gia đình đi nơi khác. “Henninh cần có công ty gỗ”, người chủ ngân hàng nói. “Tất cả chúng tôi đây đã bàn cãi hàng tuần là không thể nghĩ đến ai khác có khả năng điều khiển công ty này tốt hơn ông, Uyl ạ. Chúng tôi đã đồng ý cùng ký vào một ngân phiếu thanh toán mọi khoản nợ cho công ty để ông tiếp nhận nó với tư cách người chủ mới”.

 

Nước mắt ròng ròng trên má, Uyl Palmơ không nói nên lời, bước dọc theo hàng người da trắng. Mỗi lần anh riết chặt tay ai, người đó lại vội vàng ký vào tấm ngân phiếu và bỏ ra ngoài, thậm chí còn hấp tấp hơn lúc ký, mắt cũng rưng rưng lệ. Khi tất cả đã đi khỏi, Uyl xiết chặt tay người chủ ngân hàng hồi lâu: “Thưa ông Von, tôi còn muốn xin một ân huệ nữa. Chẳng hay ông có vui lòng nhận một nửa số tiền để dành của tôi làm một ngân phiếu cho ông Jêimz mà không để cho ông ấy biết do lai từ đâu tới?”.

Trong vòng một năm, phương châm của Uyl – cung cấp những hàng tốt nhất và phục vụ tốt nhất trong phạm vi khả năng với giá hạ nhất có thể được – đã lôi kéo khách hàng ở cả những thị xã lân cận, và những cỗ xe chở đầy người, phần lớn là da đen, ở tận Memphix – cách bốn mươi tám dặm Anh về phía Nam – đã tới để xem tận mắt cái cơ sở kinh doanh đầu tiên do người da đen làm chủ ở miền Tây Tennexi, nơi mà Xinthiơ đã treo những tấm rèm đăngten hồ bột ở cửa sổ và Uyl đã sơn tấm biển trước cửa nhà: “CÔNG TY GỖ UYL E. PALMƠ”.

Chú thích:

[1] Đưa một cô gái về nhà tức là có ý muốn cầu hôn