Cội Rễ

Chương 111

Tận khuya đêm hôm ấy, trong căn nhà gỗ thắp đèn sáng, lần thứ hai, Tôm đến ngồi bên giường đưa tay cho Airin nắm chặt lấy trong cơn quằn quại và khi nghe những tiếng rền rĩ và đau đẻ của chị đột ngột ré lên thành một tiếng thét chói tai, anh liền lao ra ngoài đi tìm mẹ. Nhưng mặc dầu đã khuya, Matilđa tuân theo linh tính, vẫn chưa ngủ và cũng nghe thấy tiếng thét ấy. Anh gặp bà lúc ấy đã ra khỏi lều mình, còn ngoái lại lớn tiếng dặn với Meri và Kitzi-bé, mắt giương lên thao láo: “Nấu mấy siêu nước, mang nhanh lại cho mẹ!”. Trong vòng mấy phút sau, những người lớn khác của gia đình cũng nhô ra khỏi lều và năm anh em trai của Tôm hòa cùng anh bồn chồn dạo bước đi đi lại lại, nhăn nhăn nhó nhó trong khi những tiếng kêu đau đớn của Airin vẫn tiếp tục. Trong những tia sáng đầu tiên của rạng đông, khi tiếng khóc the thé của một đứa hài nhi vang lên, các anh em trai của Tôm ùa đến anh, đấm thùm thụp vào lưng, bắt tay rối rít – kể cả Asfođ – rồi lát sau, bà Matilđa cười toe toét bước qua cửa lều, kêu to: “Tôm, con lại có một tí gái nữa!”

Một lúc sau, trong buổi sớm mai rạng dần, đầu tiên là Tôm rồi đến số còn lại trong gia đình biến thành một đám rước nối nhau tiến vào thăm Airin xanh nhợt nhạt nhưng tươi cười và đứa bé da nâu mặt nhăn nhúm. Matilđa đã đưa tin vào đại sảnh, ở đó bà vội vã nấu bữa điểm tâm, và ngay sau khi ông bà Marê ăn xong, họ cũng tới xóm nô, vui sướng xem đứa hài nhi mới đẻ trong quyền sở hữu của họ. Tôm đồng ý ngay với mong muốn của Airin lấy tên mẹ mình là: “Ilơu” đặt cho đứa con gái thứ hai này. Anh quá mừng về việc lại được làm cha lần nữa, đến nỗi mãi về sau mới nhớ ra là mình đã mong một đứa con trai biết nhường nào.

Matilđa đợi đến chiều hôm sau mới ghé qua lò rèn. “Nầy Tôm, anh có biết mẹ đang nghĩ gì không?” bà hỏi. Mỉm cười với mẹ. Tôm nói: “Mẹ nghĩ muộn đấy, mẹ ạ. Con đã nói mấy mọi người – và đang định nói mấy mẹ nữa – là đêm thứ bảy tới, hãy đến ngồi chật căn lều và con sẽ kể cho cháu bé này nghe câu chuyện gia tộc y dư con đã kể cho Marya khi nó mới đẻ”. Như đã dự định, gia đình họp lại và Tôm tiếp tục cái truyền thống đã được lưu truyền từ Bà Nội Kitzi quá cố và Joóc-Gà; Và sau đó, có nhiều câu đùa rằng nếu thảng hoặc có ai trong bọn lơ là không kể lại câu chuyện biên niên sử gia tộc cho bất cứ đứa trẻ nào mới ra đời, người đó hãy giờ hồn với vong linh Bà Nội Kitzi.

Nhưng ngay cả niềm phấn khởi về đứa con thứ hai của Tôm và Airin cũng mau chóng giảm sút khi những sự kiện dồn dập của chiến tranh tăng tốc. Trong lúc bận bịu đóng móng cho ngựa, la và làm hoặc chữa các dụng cụ, Tôm vẫn dỏng tai nghe ngóng mọi mẩu chuyện trao đổi giữa các khách hàng da trắng tụ tập trước cửa hiệu của anh. Và anh nhăn nhó thất vọng thấy họ liên tiếp kể lại một cách hoan hỉ những chiến thắng của “Liên Minh”. Đặc biệt, một trận mà người da trắng gọi là “Bul Răn” đã khiến họ reo hò, vỗ lưng nhau và vừa tung mũ lên vừa hét những câu đại loại như sau: “Bọn Yanki đứa nào chưa ngoẻo hay bị thương đều chạy bán sống bán chết!” hoặc “Bọn Yanki vừa nghe thấy quân ta đến, đã quay đít chuồn!”. Niềm hoan lạc ấy được lặp lại nhân một thất bại lớn của quân Yanki tại “Thung Uynxơn” bang Mixuri, rồi sau đó không lâu, lại nổi lên khi ở một nơi trong bang Vơjiniơ, hàng trăm quân Yanki bị giết, trong đó có cả một viên tướng mình lỗ chỗ đạn, người đã từng là bạn gần gũi của chính Tổng thống Lincôn. “ Đám da trắng í nhảy cỡn cả lên và cười ầm ĩ, bỉu là Tổng thống Lincôn nghe tin, khóc dư đứa trẻ con”, Tôm kể lại với gia đình. Cuối năm 1861 – khi quận Alơmenx đã phái mười hai đại đội tham gia nhiều trận chiến đấu khác nhau – anh đâm chán, chỉ thuật lại một phần nhỏ những gì anh tiếp tục nghe thấy, vì những điều đó chỉ làm sâu sắc thêm nỗi buồn rầu của gia đình cũng như của bản thân anh mà thôi. “Chúa biết rành là cứ cái nước nầy thì xem ra chúng ta chưa hòng gì được tự do!”. Matilđa nói, đảo mắt nhìn những bộ mặt ủ rũ xúm quanh thành nửa vòng tròn, một buổi chiều tà chủ nhật. Hồi lâu, không ai bình luận câu nào; rồi Lili Xiu vừa chăm sóc đứa con trai Iuriơ bị ốm vừa nói: “Chuyện hão về tự do suốt! con rành thôi chả hy vọng gì nữa đâu!”.

Rồi một buổi chiều mùa xuân 1862, một người cưỡi ngựa phóng nước kiệu nhỏ theo đường xe chạy trong đồn điền Marê; y vận bộ đồng phục màu xám của sĩ quan “Liên Minh”, còn cách khá xa, Tôm đã thấy hơi quen quen. Khi người đó đến gần hơn, Tôm choáng người nhận ra đó là lão cựu quận trưởng cảnh sát Kêitz, chủ hiệu thực phẩm, người đã khuyên mexừ Marê buộc Joóc-Gà phải rời bang này. Mỗi lúc một thêm bồn chồn, Tôm trông thấy Kêitz xuống ngựa và biến vào trong đại sảnh; rồi không bao lâu, Matilđa hớt hơ hớt hải đến lò rèn, trán hằn những vết nhăn lo âu: “Ông chủ muốn gặp con, Tôm ạ. Ông í đang nói chuện mấy cái mexừ Kêitz bất hảo, chủ hiệu đồ ăn. Con cho rằng họ muốn gì?”.

Từ nãy đến giờ, đầu óc Tôm đã quay cuồng nghĩ đến nhiều khả năng, kể cả việc anh đã nghe đám khách hàng nói rằng nhiều điền chủ đã đem theo nô lệ cùng đi chiến đấu với họ và một số khác thì tình nguyện đóng góp vào các dịch vụ chiến tranh những nô lệ biết nghề, đặc biệt các loại chuyên môn như mộc, thuộc da và rèn. Nhưng anh nói, cố gằng bình tĩnh hết sức mình. “Quả tình con không biết, mẹ ạ. Con nghĩ, tốt nhất là cứ đến xem sao”. Lấy tư thế thật đĩnh đạc, Tôm mạnh mẽ bước vào phía đại sảnh.

Mexừ Marê nói: “Tôm, anh biết thiếu tá Kêitz chứ”.

“Thưa vâng”, Tôm không nhìn Kêitz mà vẫn cảm thấy lão ngó chằm chằm vào mình.

“Thiếu tá Kêitz cho ta biết ông chỉ huy một đội kỵ binh mới đang được huấn luyện ở khu cơ xưởng của công ty Hỏa xa và họ cần anh để đóng móng ngựa cho họ”.

Tôm cảm thấy nghèn nghẹn. Anh nghe thấy lời mình thốt ra với một âm thanh rỗng huếch: “Thưa ông chủ, có nghĩa là tui ra trận à?”.

Chính Kêitz trả lời, giọng khinh miệt: “Ta chả vạ gì mà cho tên nhọ nào đến chỗ ta chiến đấu để nó vừa nghe thấy tiếng đạn đã chạy mất! Ta chỉ cần mi đóng móng ngựa ở chỗ chúng ta luyện tập thôi”.

Tôm nhẹ cả người nhưng cố tự kiềm chế không để lộ: “Thưa vâng”.

“Thiếu tá và tôi đã bàn chuyện này”, mexừ Marê nói. “Anh sẽ làm một tuần cho đội kỵ binh của ông, rồi lại một tuần ở đây cho tôi, trong suốt thời gian chiến tranh, mà xem chừng chiến tranh sẽ không lâu đâu”. Mexừ Marê nhìn thiếu tá Kêitz. “Ông muốn hắn bắt đầu từ bao giờ?”.

“Sáng mai, nếu có thể được, thưa ông Marê”.

“Ồ, nhất định là được chứ, đó là bổn phận của chúng tôi đối với miền Nam mà!” mexừ Marê nhanh nhảu nói, coi bộ hài lòng vì có dịp góp phần vào cố gắng chiến tranh.

“Tôi hy vọng tên nhọ hiểu rõ vị trí của nó”, Kêitz nói “Quân sự không phải là đồn điền của ai”.

“Tôm biết cách cư xử, tôi biết chắc thế” mexừ Marê nhìn Tôm đầy vẻ tin cẩn. “Đêm nay tôi sẽ viết một tấm giấy thông hành và để cho Tôm lấy một con la của tôi đến trình diện ông vào sáng mai”.

“Tốt lắm!” Kêitz nói rồi y đưa mắt nhìn Tôm. “Chúng ta đã có móng ngựa, nhưng mi phải mang đồ nghề đến và ta phải nói ngay với mi rằng chúng ta cần làm nhanh, làm tốt. Chúng ta không có thì giờ để phí phạm!”.

“Thưa vâng”.

Mang một bộ đồ đóng móng ngựa thu thập vội vàng trên lưng la, khi đến gần xưởng sửa chữa ở khu cơ xưởng của Công ty Hỏa xa, Tôm trông thấy mấy mẫu đất xung quanh trước đây loáng thoáng cây cối, giờ rải rác những lều vải nhỏ sắp thành từng dãy dài, ngay ngắn. Tới gần nữa anh nghe thấy tiếng kèn đồng rúc và súng hỏa mai bắn lẹt đẹt; rồi anh căng cả người khi trông thấy một lính gác phóng ngựa về phía mình. “Mi không trông thấy đây là quân sự ư, nhọ? Mi ngỡ mi là mi đang đi tới đâu?” gã lính hỏi.

“Thiếu tá Kêitz đã biểu tôi đến đây đóng móng ngựa”. Tôm lo sợ nói.

“A, kỵ binh ở đằng kia”... tên lính gác chỉ. “Xéo nhanh kẻo ăn đạn bây giờ!”.

Thúc ủng giục la đi khỏi, một chốc Tôm tới một cái gò nhỏ và trông thấy bốn hàng ngang kỵ binh đang thao diễn và lập đội hình; đằng sau các sĩ quan hò hét ra lệnh, anh nhận ra thiếu tá Kêitz vênh vênh váo váo xoay lượn trên lưng ngựa. Anh nhận biết lúc lão thiếu tá trông thấy anh trên lưng la và khoát tay ra hiệu cho một lính kỵ mã phóng ngựa về phía anh... Tôm ghìm cương và đợi.

“Mi là tên nhọ thợ rèn?”.

“Vâng”.

Gã lính gác chỉ về phía một cụm lều vải. “Mi sẽ ở và làm việc ở cạnh những lều chứa rác kia. Chừng nào mi thu xếp xong, chúng ta sẽ cho ngựa đến.

Suốt tuần đầu Tôm phục vụ ở đội kỵ binh của “Liên Minh”, lũ ngựa cần thay móng sắt ùn ùn đến không ngớt, và từ tinh mơ đến tối mịt, anh đóng móng cho chúng kỳ tới khi phía dưới những vó ngựa dường như biến thành một vệt nhoa nhóa trong đầu anh. Tất cả những điều anh nghe lỏm bọn kỵ binh trẻ nói, càng gây cảm giác chắc chắn là quân Yanki đang đại bại trong mọi trận giáp chiến, và kẻ trở về để ở một tuần phục vụ các khách hàng thường xuyên của mexừ Marê là một gã Tôm mỏi mệt, chán ngán, thất vọng khôn bề an ủi.

Anh thấy đám phụ nữ ở xóm nô trong một trạng thái nháo nhác ghê gớm. Suốt đêm hôm trước và sáng nay, đứa con trai ốm yếu của Lili Xiu, Iuriơ, tưởng đã đi đứt. Trước lúc Tôm trở về không bao lâu, Matilđa, trong khi quét cổng trước đã nghe thấy những tiếng động kỳ lạ và, xục tìm, bà thấy thằng bé nước mắt ròng ròng, bụng đói, trốn dưới đại sảnh. “Con chỉ tìm cách nghe xem ông chủ, bà chủ lói gì về chuện cho dân nhọ ta tự do thôi, dưng mà ở dưới lày, con chả nghe thấy gì sất”, Iuriơ đã nói vậy và giờ đây cả Matilđa và Airin đang cố an ủi Lili Xiu ruột gan rối bời về nỗi thằng con kỳ dị luôn luôn gây những chấn động như vậy. Tôm cũng góp sức dỗ chị bình tĩnh lại, rồi thuật cho gia đình nghe những điều mình đã trải trong tuần qua. “Dững điều tui thấy hay nghe được, chả có gì khả quan cả”, anh kết luận. Airin cố gắng vô hiệu để làm cho mọi người chí ít cũng cảm thấy đỡ xìu hơn một chút. “Ta chưa bao giờ được tự do, cho nên dù sao ta cũng chả mất mát gì”, chị nói. Nhưng Matilđa bảo: “Nói thật mấy các con, mẹ chỉ sợ cuối cùng rồi chúng mình còn điêu đứng hơn trước”.

Cùng một dự cảm ấy thấm sâu vào Tôm khi anh bắt đầu tuần thứ hai đóng móng ngựa cho đội kỵ binh của “Liên Minh”. Đêm thứ ba, đang nằm thao thức ngẫm nghĩ, anh nghe thấy một tiếng động hình như từ phía một lều chứa rác bên cạnh. Hồi hộp, Tôm sờ soạng và nắm lấy chiếc búa rèn. Anh rón rén bước ra ngoài, dưới ánh trăng yếu ớt, để dò xét. Anh đã sắp kết luận rằng đó là tiếng xục xạo của một con vật nhỏ nào đó thì bỗng thấy một bóng người từ lều rác lùi ra, tay cầm một cái gì bắt đầu đưa lên miệng ăn. Nhón chân lại gần hơn, Tôm bắt quả tang một thanh niên da trắng gày gò mặt hốc hác. Dưới ánh trăng họ trân trân nhìn nhau khoảng một giây trước khi gã thanh niên da trắng đâm đầu chạy. Nhưng cách chưa đầy mươi mét, cái bóng người trốn chạy ấy vấp phải một vật gì kêu loảng xoảng, rồi gã lấy lại thăng bằng và biến mất trong đêm tối. Thế rồi lính gác mang súng hỏa mai và xách đèn ồ tới thấy Tôm đứng đó tay cầm chiếc búa.

“Mày ăn cắp cái gì, đồ nhọ?”.

Tôm lập tức cảm thấy mình mắc vào chuyện rầy rà. Bác bỏ thẳng thừng lời kết tội cũng bằng gọi một người da trắng là kẻ nói dối – lại càng nguy hiểm hơn là ăn cắp. Gấp gáp nhận thức rằng cần làm cho bọn này tin lời mình, Tôm gần như lắp bắp: “Thưa ông, tui nghe thấy có cái gì, ra xem thì thấy một người da trắng ở lều rác và hắn ta vùng ra chạy mất”.

Nhìn nhau tỏ vẻ không tin, hai tên lính gác phá lên cười giễu cợt: “Mày coi chúng tao ngờ nghệch đến thế kia ư, đồ nhọ?” một tên hỏi vậy. “Thiếu tá Kêitz bảo phải đặc biệt để mắt đến mày! Mày sẽ gặp ông ấy vào sáng sớm, khi ông trở dậy, con ạ!”. Mắt vẫn nhìn Tôm chòng chọc, hai tên gác rì rầm bàn bạc với nhau.

Tên lính gác thứ hai nói: “Bồi, bỏ cái búa xuống!” Một cách bản năng, tay Tôm riết chặt lấy cán búa tiến lên một bước, tên lính gác chĩa cây súng hỏa mai vào bụng Tôm. “Bỏ nó xuống!”.

Ngón tay Tôm buông ra và anh nghe thấy chiếc búa rơi đánh thịch xuống đất. Bọn lính gác ra hiệu cho anh đi lên phía trước chúng một quãng khá xa, rồi hạ lệnh cho anh dừng lại ở một khoảng trống nhỏ, trước một cái lều vải lớn có một tên lính vũ trang khác đứng canh: “Chúng tôi đi tuần tra và bắt được một tên nhọ này đang ăn cắp”, một trong hai tên kia nói và hất hàm về phía chiếc lều vải lớn. “Đáng lẽ bọn tôi xử trí với nó, nhưng thiếu tá đã bảo chúng tôi canh chừng nó và có chuyện gì thì báo cáo với chính thiếu tá. Khi nào thiếu tá dậy, bọn tôi sẽ quay lại”.

Hai tên lính gác để Tôm lại cho tên mới, tên này gườm gườm nhìn anh và gắt gỏng bảo: “Nằm áp lưng xuống đất, nhọ. Mày mà động đậy là chết liền”. Tôm nằm xuống theo y lệnh. Mặt đất lạnh. Anh suy đoán những gì có thể xảy đến, cân nhắc những khả năng trốn thoát rồi những hậu quả nếu anh làm thế. Anh ngắm rạng đông hừng lên; rồi hai tên lính gác lúc đầu trở lại khi những tiếng động trong lều cho biết thiếu tá Kêitz đã dậy. Một tên gọi: “Xin phép được gặp ngài, thưa thiếu tá!”.

“Về chuyện gì đấy?” Tôm nghe thấy giọng lão càu nhàu bên trong lều.

“Đêm qua, chúng tôi bắt được tên nhọ thợ rèn đang ăn cắp, thưa ngài!”.

Một quãng ngừng. “Bây giờ nó đâu rồi?”.

“Chúng tôi giữ nó ngay ở ngoài này, thưa ngài!”.

“Ta ra ngay đây!”.

Sau một phút nữa, vạt cửa lều mở và thiếu tá Kêitz bước ra đứng nhìn Tôm như con mèo nhìn một chú chim. “Hừ thằng nhọ huênh hoang, kể tau nghe mày ăn cắp ra sao! Mà biết trong quân đội chúng tao coi chuyện này như thế nào chứ?”.

“Mexừ...” Tôm sôi nổi kể lại sự thật về điều đã xảy ra và kết thúc.

“Mexừ, anh ta đói thật là đói, phải moi cả rác”.

“Mày lại bắt được một người da trắng ăn rác cơ đấy! Mày quên mất là trước đây chúng ta đã gặp nhau, hơn nữa tao biết tỏng các loại chúng mày, nhọ ạ! Tao đã để ý đến cái tên nhọ tự do bất hảo là cha mày, nhưng chúng mày đã lọt lưới. Được, lần này tao vớ được mày, cứ luật lệ chiến tranh mà xử!”.

Với cặp mắt hoài nghi, Tôm nhìn Kêitz sải bước tới giật chiếc roi ngựa lủng lẳng ở núm yên ngựa treo ở đầu một cái cọc gần đấy. Tôm quắc mắt, cân nhắc chuyện chạy trốn, nhưng cả ba tên gác đều chĩa súng vào anh trong khi Kêitz tiến lại: mặt rúm lại, lão giơ cao chiếc roi bện và quất xuống vai Tôm rát như lửa, lần nữa, lần nữa, liên tục...

Khi Tôm loạng choạng đi về chỗ anh vẫn đóng móng ngựa, lòng đầy tủi nhục và phẫn nộ, anh vớ lấy bộ đồ nghề, nhảy lên lưng la, bất cần điều gì có thể xảy đến nếu bọn lính hô đứng lại, và phóng miết không dừng cho tới khi về tới đại sảnh. Mexừ Marê lắng nghe câu chuyện đã xảy ra và khi Tôm kể xong, mặt ông đỏ bừng vì tức giận. “Xin ông cứ mặc kệ, thưa ông chủ, tôi không trở lại đấy nữa đâu”.

“Bây giờ anh không sao chứ, Tôm?”.

“Tui không đau đâu cả, trừ ở trong lòng, nếu đấy là điều ông định hỏi, thưa ông”.

“Thôi được, ta hứa với anh thế này nhé. Nếu tay thiếu tá dương oai định gây sự lôi thôi, ta sẵn sàng đến chỗ ông thiếu tướng chỉ huy, nếu cần. Ta thực sự phiền lòng vì chuyện này đã xảy ra. Anh cứ trở về cửa hiệu lò rèn mà làm việc”. Mexừ ngập ngừng. “Tôm, ta biết anh không phải là con cả, nhưng bà Marê và ta vẫn coi anh là chủ gia đình anh. Và ta muốn anh nói với gia đình anh là vợ chồng ta hy vọng tất cả chúng ta cùng vui hưởng quãng đời còn lại khi đánh tan bọn Yanki. Bọn chúng chỉ là lũ quỷ mặt người, không có gì khác!”.

“Dạ”, Tôm nói. Anh nghĩ một ông chủ không thể nào hiểu được rằng, đã thuộc quyền sở hữu của một người nào thì làm sao mà vui thú cho được. Tuần nối tuần, bước sang mùa xuân năm 1862, Airin lại có mang và những tin tức Tôm nghe được hằng ngày từ miệng những khách hàng da trắng của anh ở địa phương, đem lại cho anh cái cảm giác rằng quận Alơmenx dường như nằm trong vùng trung tâm yên tĩnh của một cơn bão tố chiến tranh đang hoành hành ở những nơi khác. Anh nghe nói về một trận chiến đấu ở Sailô trong đó quân Yanki và quân “Liên minh” mỗi bên thương vong tới gần 4 vạn, đến nỗi những người sống sót phải lách lấy lối đi giữa những xác chết và số thương binh cần cưa cắt nhiều đến mức cả một đống tú ụ những chân, tay người ùn lên trong sân của bệnh viện gần nhất ở bang Mitxixipi. Trận ấy có vẻ như là hòa nhưng xem chừng rõ ràng là bên Yanki đang thua trong hầu hết các trận lớn. Gần cuối tháng tám, Tôm nghe thấy người ta hoan hỉ mô tả một trận “Bul Răn” thứ hai trong đó quân Yanki phải rút lui với hai viên tướng trong đám tử sĩ và nghe đồn hàng nghìn lính rải rác lê lết về Oasinhtơn, dân chúng bèn hoảng hốt xô nhau chạy trốn trong khi các nhân viên văn phòng dựng chướng ngại vật quanh các công sở và tiền của cả ngân khố lẫn các nhà băng đều được đưa xuống tàu chở đến Niu Yoóc đồng thời một pháo hạm mở máy trên sông Pôtômắc sẵn sàng di tản Tổng thống Lincôn cùng bộ tham mưu của ông. Rồi không đầy hai tuần sau, tại bến phà Hacpơ một lực lượng của “Liên minh” dưới sự chỉ huy của tướng Xtônuôn Jêchxơn lại bắt được mười một nghìn tù binh Yanki.

“Tôm ạ, em thật không muốn nghe gì về cuộc chiến tranh kinh khủng nầy nữa đâu” một buổi tối tháng chín Airin nói vậy khi họ ngồi đăm đăm nhìn vào bếp lửa sau khi anh kể cho chị nghe về hai toán quân dài tới ba dặm của bên “Liên Minh” và bên Yanki đụng độ, bắn giết lẫn nhau ở một nơi gọi là Entitơm. “Em ngồi đây, bụng đầy căng đứa con thứ ba của chúng ta mà tất cả chỉ dặt nói chuyện đánh nhau mấy giết nhau thì cách nào í, tuồng dư không phải lắm đâu...”.

Rồi cùng một lúc, cả hai ngoái lại nhìn về phía cửa lều vì nghe thấy một tiếng động rất nhẹ, nhẹ đến nỗi không ai buồn để ý thêm nữa. Nhưng khi lại thấy động, bây giờ rõ ràng là một tiếng gõ khe khẽ, thì Airin, ngồi gần hơn, đứng dậy ra mở cửa và Tôm rướn lông mày lên khi nghe thấy tiếng một người đàn ông da trắng van vỉ: “Xin lỗi anh chị có gì cho tui ăn được không? Tôi đang đói”. Quay hẳn người lại, Tôm suýt té nhào khỏi ghế khi nhận ra bộ mặt của gã thanh niên da trắng anh đã bất chợt thấy giữa những thùng chứa rác ở trại kỵ binh. Nhanh chóng trấn tĩnh lại và ngờ là có một thủ đoạn gì đây, Tôm ngồi ngay đuỗn, nghe thấy vợ mình hồn nhiên nói: “À, bầy tui chả có gì ngoài một tí bánh ngô nguội còn thừa sau bữa tối”.

“Tốt chán, hai hôm nay tôi chả được mấy tí vào bụng”.

Nhận định rằng đó chỉ một sự trùng hợp kỳ lạ, lúc này Tôm đứng lên khỏi ghế và đi ra cửa. “Một tháng nay cậu chỉ đi ăn xin phải không?”.

Khoảng nửa giây, gã trai trẻ nhìn Tôm, vẻ giễu cợt, rồi trợn tròn mắt, gã ù té biến mất nhanh đến nỗi Airin đứng ngây ra sửng sốt – và chị lại càng sửng sốt hơn khi Tôm nói cho chị biết người mà chị sắp cho ăn là ai.

Đêm hôm sau, trong cuộc họp gia đình có cả Tôm và Airin dự, khi toàn thể xóm nô đều đã biết cái sự kiện kỳ lạ ấy, thì Matilđa lại rêu rằng ngay sau bữa điểm tâm, “một anh cu da trắng cha căng chú kiết nào đó, gầy khẳng gầy khiu”, đột nhiên xuất hiện ở cửa che nhà bếp xin ăn, coi bộ thật thảm hại; bà đã cho gã một bát thịt hầm còn thừa nguội tanh nguội ngắt, khiến gã cám ơn rối rít trước khi biến mất, rồi sau đó, bà thấy cái bát đã rửa sạch đặt ngay ngắn trên bậc cửa nhà bếp. Sau khi nói cho mọi người biết gã thanh niên đó là ai. Tôm nói: “Một khi mà mẹ đã cho hắn ăn, con chắc hắn còn quanh quẩn ở đây. Có lẽ hắn ngủ đâu trong rừng cũng nên. Dù sao con cũng không tin hắn; đều trước hết ta biết, là có người lâm nạn”.

“Nói dư thật!” Matilđa thốt lên. “Thôi được, mẹ hiểu các con nầy, nếu hắn thò mặt ra nữa, mẹ sẽ đề nghị hắn chờ để hắn tin rằng mẹ đang sắp cho hắn món gì ăn, trong khi mẹ đi thưa ông chủ”.

Bẫy đã được dăng hoàn chỉnh khi gã trai trẻ lại xuất hiện vào sáng hôm sau. Được Matilđa báo động, mexừ Marê vội đi qua cửa trước và vòng mé cạnh nhà trong khi Matilđa hối hả trở về nhà bếp vừa kịp để nghe thấy gã thiếu niên đang đợi, bị chộp hoàn toàn bất ngờ. “Mày lởn vởn quanh đây làm gì?” mexừ Marê hỏi. Nhưng gã trai trẻ không hoảng sợ, thậm chí cũng không có vẻ gì là bối rối nữa. “Thưa ông, tôi thật quả đã kiệt sức vì đi đây đi đó hoài. Người ta không thể trách một kẻ bí thế và các gia nhân nhọ của ông đã đủ hảo tâm để đãi tôi một chút gì!”. Mexừ Marê ngập ngừng rồi nói: “Thôi được ta có thể thông cảm, song mầy phải hiểu thời buổi bây giờ khó khăn biết chừng nào, cho nên chúng ta không thể nuôi thêm những cái miệng dư thừa. Mày phải đi đi”. Rồi Matilđa nghe thấy giọng gã thiếu niên van vỉ một cách hèn mạt: “Thưa ông, xin ông cho con ở lại. Con không sợ công việc gì hết. Con chỉ không muốn chết đói thôi. Con sẽ làm bất cứ công việc gì ông cần”.

Mexừ Marê nói: “Ở đây không có việc gì cho mày làm cả. Làm đồng thì đã có cánh nhọ của ta  rồi”.

“Con sinh ra và lớn lên trên đồng ruộng. Con sẽ làm cật lực hơn cánh nhọ của ông nữa kia, thưa ông – cốt sao được ăn đều đặn”, gã trai trẻ năn nỉ.

“Tên mày là gì và mày từ đâu tới đây?”.

“Joóc Jonxơn ạ. Từ Nam Carôlinơ tới, thưa ông. Chiến tranh đã làm tan nát nơi con sinh sống. Con đã tìm cách tòng quân nhưng họ bảo con còn bé quá. Con vừa mới tròn mười sáu tuổi. Chiến tranh tàn phá mùa màng chúng con, tàn phá tất cả mọi thứ, tệ hại quá, bộ như cả đến thỏ cùng không còn mống nào. Và con cũng bỏ đi, ngỡ rằng ở đâu đấy – bất cứ nơi nào khác – hẳn là phải khá hơn. Nhưng xem như thời buổi này, những người duy nhất cho con là cánh nhọ của ông”.

Matilđa có thể cảm thấy rằng câu chuyện của gã thiếu niên đã làm mexừ Marê xúc động. Rồi bà nghe thấy, nhưng không tin ở tai mình. “Anh có biết gì về công việc giám thị không?”.

“Con chưa bao giờ làm thứ công việc ấy”. Gã thiếu niên Joóc Jonxơn có vẻ sửng sốt. Rồi gã ngập ngừng nói: “Nhưng con đã nói với ông là con không từ nan việc gì”.

Thất kinh, Matilđa nhích gần hơn đến mép cửa che để nghe rõ hơn.

“Xưa nay ta vẫn thích có một giám thị, mặc dầu bọn nhọ của ta làm ăn tốt, chăm nom mùa màng, cấy hái đâu ra đấy. Ta muốn thử dùng anh, ban đầu thì chỉ chu cấp nơi ăn chốn ở thôi – để xem kết quả ra sao đã”.

“Thưa ông... ông... gì ạ?”.

“Marê” ông chủ nói.

“Vâng, vậy là ông đã có một giám thị đấy, thưa ông Marê”.

Matilđa nghe thấy ông chủ cười khẽ. Ông nói: “Có một gian trống ở đằng sau chuồng ngựa, anh có thể dọn vào đấy mà ở. Hành trang của anh đâu”.

“Thưa ông, có bao nhiêu hành trang con mặc trên người cả rồi”, Joóc Jonxơn nói.

Cái tin choáng người ấy lan khắp gia đình, dữ dội như một tiếng sét. “Quả thật mẹ không dám tin những điều mẹ nghe thấy!” Matilđa thốt lên, kết thúc bản tường trình lạ lùng của mình và mọi người trong gia đình đều công phẫn. “Hẳn ông chủ sắp điên đến nơi rồi!”... “Tự chúng ta đã chẳng trông nom cơ ngơi của ông í đến nơi đến chốn đấy sao?”... “Chỉ vì cả hai đều là da trắng, có thế thôi!”... “Rồi ông í sẽ nhìn cái tên cách cơ này khác đi, khi nào chúng ta liệu chiều để xảy kha khá sự trục trặc khiến công việc không chạy!”.

Nhưng mặc dù họ rất phẫn nộ, ngay từ lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên với gã mạo danh ở ngoài đồng vào sáng hôm sau, gã lập tức khiến cho cơn giận dữ của họ khó mà có thể tồn tại ở mức phát sốt phát cuồng. Khi Vơjơl dẫn mọi người ra tới đồng, gã Joóc Jonxơn khẳng khiu xanh xao đã có mặt ngoài đó và gã bước tới gặp họ. Bộ mặt gày gò của gã đỏ rừ lên và trái yết hầu cứ lên lên xuống xuống trong khi gã nói: “Tôi không thể trách các anh các chị đã ghét tôi, nhưng tôi có thể đề nghị các anh các chị chờ ít lâu xem tôi có hóa ra xấu như các anh các chị tưởng không. Các anh chị là những người da đen đầu tiên có quan hệ công việc với tôi song tôi nghĩ trời sinh các anh chị có màu da đen cũng như tôi có màu da trắng, và tôi xét mọi người ở hành động của họ. Tôi chỉ biết có một điều là các anh chị đã cho tôi ăn khi tôi đói và có ối người da trắng đã không làm thế. Giờ đây xem chừng ông Marê đã quyết tâm muốn có một giám thị, và tôi biết các anh các chị có thể khiến ông ấy thay tôi, song tôi nghĩ nếu các anh, chị làm thế, thì có cơ là kẻ thay thế tôi lại tệ hại gấp bội phần”.

Xem ra trong gia đình, không ai biết trả lời ra sao cả. Dường như không có cách chi khác ngoài việc tản ra và bắt tay vào lao động, cả bọn đều ngấm ngầm quan sát Joóc Jonxơn làm việc cũng miệt mài như họ, nếu không muốn nói là hơn – thực tế, gã có vẻ chú tâm chứng minh lòng chân thành của mình.

Đứa con gái thứ ba của Tôm và Airin – Vaini – sinh vào cuối tuần đầu sau khi gã này đến. Giờ đây khi ở ngoài đồng Joóc Jonxơn đã mạnh dạn sà vào ngồi với các thành viên gia đình vào giờ ăn trưa, làm như không để ý thấy. Asfođ công nhiên đứng dậy, mặt sưng, mày sỉa, bỏ đi chỗ khác.  “Các anh, chị thấy là tôi chẳng biết gì về công việc giám thị cả, cho nên các anh, chị cần giúp tôi trót lọt”, Joóc Jonxơn thẳng thắn nói với họ. “Sẽ chẳng hay ho gì nếu để ông Marê ra đây và nghĩ rằng tôi không làm công việc ấy như ý ông muốn”.

Cái ý rèn cặp đào tạo kẻ giám sát mình khiến cho ngay cả Tôm bình thường vốn trang nghiêm, cũng thấy ngồ ngộ khi nó được đưa ra bàn bạc ở xóm nô đêm hôm ấy, và tất cả đều nhất trí rằng các trách nhiệm ấy thế tất thuộc về Vơjơl vì xưa nay bao giờ anh cũng vẫn điều khiển công việc đồng áng. “Đều đầu tiên” anh bảo Joóc Jonxơn, “cậu sẽ phải thay đổi hàng loạt cung cách thông thường của mình. Cố nhiên là với tất cả bọn tui luôn luôn trông chừng, thì ông chủ chả thể nào đến gần trước khi bọn tui kịp ra hiệu cho cậu. Thế rồi cậu phải nhanh chân tách ra để khỏi xoắn xuýt quá gần quanh bọn tui. Chắc cậu cũng biết người da trắng, nhất là cánh xú-ba-dăng không có được tỏ ra gần gũi mấy dân nhọ”.

“Ồ, ở Nam Carôlinơ quê tôi xem ra dân nhọ không bao giờ quá gần gũi với dân da trắng” Joóc Jonxơn nói.

“Ờ, dững tay nhọ í khôn ngoan đấy!” Vơjơl nói. “Đều tiếp theo là một ông chủ cần cảm thấy xú-ba-đăng của mình thúc đẩy đám nhọ làm việc hăng hơn trước khi có xú-ba-đăng. Cậu phải học quát tháo. “Làm đi, bọn nhọ chúng bay!” và dững câu đại loại dư thế. Và bất cứ lúc nào cậu ở bên ông chủ hoặc bất kỳ người da trắng nào nữa, cậu chớ có bao giờ gọi bọn tui bằng cái tên dư cậu vẫn thường gọi. Cậu phải học gầm gừ và chửi rủa và làm sao có vẻ thật bỉ ổi, để làm cho ông chủ cảm thấy cậu không quá dễ tính và thả lỏng bọn tui”.

Khi mexừ Marê ra thăm đồng lần sau, Joóc Jonxơn ra sức cố gắng quát tháo, chửi rủa, thậm chí còn đe dọa tất cả mọi người trên cánh đồng, từ Vơjơl trở xuống. “Thế nào, họ làm ăn ra sao?” mexừ Marê hỏi. “Đối với bọn nhọ được để cho làm tự ý mình, thì thế cũng kha khá”, Joóc Jonxơn kéo dài giọng, “nhưng con hy vọng một hay hai tuần nữa sẽ cho chúng vào khuôn phép đâu ra đấy”.

Đêm hôm ấy, cả gia đình cười lăn ra, bắt chước Joóc Jonxơn cùng với vẻ vui thích hiển nhiên của mexừ Marê. Sau đó khi qua đi hàng ngàn cơn vui, Joóc Jonxơn bình thản kể cho họ nghe cảnh nghèo rớt mồng tơi suốt quãng đời trước đây của mình, ngay cả trước khi gia đình gã tan tác với ruộng đồng bị chiến tranh hủy hoại, cho đến khi gã phải ra đi tìm một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. “Có lẽ cậu ta là người da trắng duy nhất mộc mạc trung thực về chính mình mà chúng ta từng gặp”. Vơjơl nói lên sự đánh giá tập thể của gia đình.

“Nói tình thật, tui thích nghe cậu ta nói chuyện”, Lili Xiu phát biểu và Joóc-con giễu: “Cậu ta nói chuyện thì cũng dư mọi cách-cơ khác thôi. Khác cái cậu ta là người đầu tiên tui thấy không làm ra vẻ ta đây. Phần lớn đều rất xấu hổ về thân phận của mình”. Meri cười: “Ờ, cậu này không xấu hổ, dám cả xin ăn nữa cơ mà”.

“Mẹ thấy tuồng dư các con đã thực sự thích cái lão Joóc rồi đấy”. Matilđa nói. Mọi người lại cười rộ khi nghe thấy cái biệt hiệu mới đặt cho gã giám thị cây nhà lá vườn của họ. “Lão Joóc”, vì “lão” trẻ một cách kỳ cục. Và Matilđa nói đúng: thật khá lạ lùng, họ đã đi đến chỗ thích gã một cách thực tình.