Giờ đây, anh và mexừ Liơ đi đâu bất kể xa, gần, cũng nghe thấy chuyện chống đối người da trắng mỗi ngày một thêm gay gắt. Trong chuyến đi gần đây nhất, một người da đen tự do đã kể với Joóc về Ôxkêôla, thủ lĩnh của bộ tộc da đỏ Xêminôn ở một bang gọi là Florida. Khi người da trắng bắt lại được người vợ da đen của Ôxkêôla một nữ nô lệ chạy trốn, anh đã tổ chức một chiến đoàn gồm hai nghìn người Xêminôn và nô lệ da đen chạy trốn, để truy lùng và phục kích một chi đội của quân đội Mỹ. Theo lời kể, trên một trăm lính đã bị giết và một lực lượng quân đội lớn hơn nhiều hiện ráo riết truy kích quân của Ôxkêôla đang chạy trốn, vừa ẩn náu vừa bắn tỉa từ những đường mòn và ngóc ngách trong vùng đầm lầy của bang Florida.
Và mùa chọi gà năm 1836 kết thúc chưa được bao lâu thì Joóc-Gà nghe nói là ở một nơi nào đó gọi là “Alamô”, một toán người Mêhicô đã tàn sát một trại lính da trắng Tếchxơx, kể cả một nhân viên lâm nghiệp tên là Đêvi Crôckét vốn nổi tiếng là một người bạn và bảo vệ của dân da đỏ. Sau đó, cũng trong năm ấy, anh nghe nói người da trắng lại bị những tổn thất lớn hơn trước sự tấn công của quân Mêhicô dưới quyền chỉ huy của tướng Xanta Anna; người ta nói rằng ông này tự xưng là tay gà cự phách nhất thế giới; nếu đúng thế, Joóc tự hỏi tại sao cho đến nay, anh chưa hề nghe nhắc đến ông ta.
Mùa xuân năm sau, từ một chuyến đi trở về, Joóc kể cho xóm nô một tin kỳ lạ nữa. “Tui nghe tay nhọ gác cổng tòa án ở quận lị biểu rằng cái ông tổng thống mới Van Bureni đã hạ lệnh cho quân đội dồn hết quân da đỏ về phía Tây sông Mitxixipi!”
“Đấy là cái gì dân da đỏ thu được trước tiên vì đã để cho người da trắng vào đất nước này”, bác Pompi nói. “Hàng đống người, kể cả tôi trước khi lớn, không biết rằng thoạt kỳ thủy, ở đất nước nầy, không có ai khác ngoài dân da đỏ, họ đánh cá, săn bắn và choảng nhau, lo liệu lấy công việc của mình. Thế rồi có cái tầu cũ kỹ đầy người da trắng đến vẫy vẫy và nhăn nhở cười: “Ê, bọn đỏ các người! Có bằng lòng để chúng tớ đến chén một miếng và chợp một giấc và chúng ta đánh bạn mấy nhau đi!” Hừ! Tôi cuộc là bi giờ người da đỏ đang ước là giá biết thế, họ cứ bắn tên chi chít vào cái thuyền í, biến nó thành con dím có hơn không!”
Sau khi chở ông chủ dự cuộc họp điền chủ quận Caxuel Joóc-Gà trở về với những tin thêm về người da đỏ. “Nghe nói có một ông tướng Uynfild Xcốt kiểng cáo rằng người da trắng là tín đồ cơ đốc, không muốn làm đổ máu người da đỏ thêm nữa, cho nên kẻ nào biết điều thì hãy mau mau di chuyển đi! Nghe nói hễ người da đỏ nào chỉ cần có vẻ muốn chống lại là bọn lính bắn bỏ liền! Rồi thì quân đội bắt đầu dồn hàng nghìn người da đỏ về nơi nào đó gọi là Ôklahôma. Thấy biểu không biết bao nhiêu người đã bị giết hoặc đâm ốm mà chết dọc đường”.
“Thật độc ác, độc ác!” Matilđa kêu lên.
Nhưng cũng có tin tốt lành – có điều là lần này tin mừng chờ anh tại nhà khi anh trở về sau một chuyến đi vào năm 1837: đứa con trai thứ sáu, tiếp liền một mạch, ra đời. Matilđa đặt tên cho nó là Luyx nhưng sau khi phát hiện ra xuất xứ cái tên Jêimz lần trước, Joóc-Gà quyết định không cần tìm hiểu lý do tại sao nữa. Bớt hồ hởi náo nức hơn những lần sinh các đứa cháu nội trước, Kitzi nói: “Tui xem dư anh chị chả bao giờ có gì khác hơn là con giai!”
“Mẹ Kitzi, tệ hại thay, trong khi con nằm đây đau lịm thì mẹ lại ra cách chán ngán” từ trong giường, Matilđa tấm tức khóc.
“Tui cũng chả chán! Tui yêu các cháu giai tui như thế nào, anh chị biết đấy. Dưng mà tôi tưởng nhẽ ra anh chị có thể có một đứa con gái chớ!”
Joóc-Gà cười to: “Chúng con sẽ bắt tay vào đúc ngay một đứa con gái nhỏ cho mẹ, mẹ ạ!”
“Anh ra khỏi đây đi!” Matilđa kêu lên.
Nhưng chỉ vài tháng sau, thoáng nhìn Matilđa một cái cũng đủ thấy rõ là Joóc định bụng giữ lời hứa.
“Hừm! Rành khi nào cha nầy nó ở nhà đều đều là biết ngay!” Xerơ bình luận. “Tuồng dư nó hơn cả bọn gà sống!” Malizi tán thưởng.
Khi vợ đau đẻ một lần nữa, anh chàng Joóc, sau hồi lâu đi bách bộ, chờ đợi bên ngoài, bỗng nghe thấy - giữa những tiếng kêu rên đau đớn của Matilđa - tiếng mẹ mình reo lên: “Lạy Chúa Jêxu, tạ ơn người! Lạy Chúa Jêxu, tạ ơn người!” và không cần được thông báo gì thêm, anh cũng biết rằng mình đã là cha của một đứa con gái.
Ngay trước khi đứa bé được tắm rửa xong, Matilđa đã nói với mẹ chồng rằng chị và Joóc đã nhất trí từ mấy năm trước sẽ đặt tên cho đứa con gái đầu là Kitzi.
“Tôi đã không sống vô ích!” suốt ngày hôm ấy, chốc chốc người bà nội lại kêu lên như vậy. Bà cứ rối rít tít mù mãi đến chiều hôm sau, khi Joóc-Gà ở khu nuôi gà trở về, kể lại lần nữa câu chuyện về cụ tổ người Phi Kunta Kintê, với sáu đứa con trai và con bé Kitzi ẵm trong lòng.
Độ hai tháng sau, một đêm, khi lũ trẻ đã ngủ cả, Joóc hỏi: “Tilda nầy, chúng mình để dành được bao nhêu tiền rồi?”
Chị nhìn anh, ngạc nhiên: “Độ hơn trăm đôla một ít”.
“Thế thôi à?”
“Có thế thôi! Được ngần ấy cũng đã lạ rồi đấy! Suốt từng í năm tui đã chả biểu anh cứ tiêu pha dư vậy thì nói chuyện để dành làm gì cho nó mệt!”
“Thôi được, thôi được” anh nói, vẻ biết lỗi.
Nhưng Matilđa tiếp tục dồn: “Không kể dững món anh được cá, đem phung phí mà tui không bao giờ được nhìn thấy, đấy là việc riêng của anh, anh thử đoán xem từ khi chúng mình lấy nhau, anh đã đưa tôi bao nhêu tiền biểu để dành, sau đó lại vay lại?”
“Thôi đươc, bao nhêu?”
Matilđa ngừng lại để tạo hiệu quả: “Khoảng từ ba đến bốn nghìn đôla!”
“Huýt!” anh kinh ngạc huýt gió, “thật ư!”
Ngắm vẻ mặt anh thay đổi, chị cảm thấy mình chưa bao giờ quan sát thấy anh trở nên nghiêm túc hơn lúc này, trong suốt mười hai năm chung sống. “Bao lâu thui thủi một mình ở dưới kia”, cuối cùng anh nói: “anh đã gẫm về ối chuyện”… Anh ngừng lại một chút. Xem chừng điều anh sắp nói làm cho anh gần như bối rối, chị nghĩ thầm. “Anh gẫm một điều là anh dững năm tới đây, nếu chúng mình dành được đủ tền, có thể là chúng mình mua được tự do đấy”.
Matilđa sửng sốt không nói nên lời.
Anh sốt ruột khoát tay: “Anh muốn em lấy cái bút chì tính thử một tí xem, chứ đừng có giương mắt nhìn anh dư mất hồn í!”
Vẫn còn sững sờ, Matilđa lấy bút chì và một mẩu giấy, ngồi vào bàn.
“Nhưng mà rầy một nỗi là”, anh nói, “ta chỉ có thể phỏng đoán là ông chủ sẽ đòi bao nhêu cả nhà mình. Anh mấy em, mấy bọn trẻ. Bắt đầu tính từ em trước nhá. Quanh quẩn trên quận, anh được biết lực điền lền ông khoảng nghìn đôla một móng. Lền bà thì rẻ hơn, vậy nên cứ cho là em vào khoảng tám trăm đi…” Anh đứng dậy, cúi người kiểm tra cây bút chì trong tay Matilđa chuyển động trên mặt giấy, rồi lại ngồi xuống. “Thế rồi ví thử ông chủ để cho chúng mình được chuộc lại các con, cả tám đứa, mỗi đứa độ ba trăm…”
“Có bảy đứa thôi chứ?” Matilđa nói.
“Cả cái đứa mới mà em biểu lại bắt đầu đạp trong bụng em, là tám!”
“Ồ!” chị mỉm cười. Chị tính cụ thể: “Vậy là hai mươi bốn trăm…”
“Chỉ riêng bọn trẻ đã thế!” Giọng anh pha trộn ngờ vực với phẫn uất. Chị tính lại: “Tám ba hăm bốn. Cộng tám trăm phần em là đúng ba mươi trăm – hay ba nghìn cũng thế”.
“Huýt!”
“Đừng nóng vội, ông tướng ạ!” Chị nhìn anh. “Thế anh tính anh bao nhêu?”
Mặc dầu chuyện đang nghiêm túc, anh vẫn không thể không hỏi: “Em cho là anh đáng giá bao nhêu?”
“Nếu em biết thì chính em đã tìm cách mua anh ra khỏi tay ông chủ”. Cả hai cùng cười. “Joóc ạ, em không hiểu làm sao mà chúng mình lại trò chuyện dư thế này. Anh thừa biết là ông chủ chả đời nào bán anh”.
“Anh không trả lời ngay. Nhưng sau đó, anh nói: “Tilda ạ, anh chưa bao giờ nhắc đến chuyện này vì rằng anh biết là mới nói đến tên ông chủ, em đã không thích nghe rồi. Dưng mà anh cam đoan là có dễ đến hăm nhăm bận khác nhau, ông í đã biểu anh là khi nào ông í góp nhặt đủ tền để xây cái tòa đại sảnh đẹp dư ý ông, có sáu cây cột chạy ngang mặt trước, thì vợ chồng ông í có thể sống bằng hoa lợi cây trồng, và ông í sẽ giải nghệ chọi gà, ông í biểu là ông í ngày một già không thể cứ lo toan hoài mọi sự mãi được”.
“Chuyện í, em phải trông thấy mới tin được, anh Joóc ạ. Cả ông í lẫn anh đều không dứt được duyên nợ mấy gà đâu!”
“Anh chỉ kể mấy em dững đều ông í nói thôi! Nghe hay không tùy em! Nầy bác Pompi biểu ông chủ bi giờ đã gần sáu mươi ba. Để đến khi ông í thêm năm, sáu tuổi nữa - dễ gì một ông cụ già cứ chạy ngược chạy xuôi đem gà đi chọi mãi được! Trước, anh cũng chả để ý mấy đến lời bác í, mãi sau anh mới nghĩ, ờ phải, rất có thể ông í để chúng mình tự chuộc lại thật, nhất là nếu chúng mình giả ông í đủ để thêm thắt cho ông í xây cái tòa đại sảnh dư ông í muốn”.
“Hừm”, Matilđa ậm ừ không tin. “Thôi được, ta cứ bàn xem. Anh ước ông í đòi giá anh bao nhêu nào?”
“À…” Vẻ mặt anh dường như pha trộn cả đau đớn lẫn tự hào với điều anh sắp nói ra. “À… gã nhọ lái xe của cái mexừ Juét giầu xụ, có một lần, đã thề sống thề chết mấy anh là đã nghe lỏm thấy ông chủ hắn kể mấy người nào đó rằng ông ta đã từng giả mexừ Liơ bốn nghìn đôla để mua anh…”
“Uuúííí!” Matilđa lặng người đi vì sửng sốt.
“Thấy không, em chưa bao giờ biết giá trị của anh chàng nhọ vẫn ngủ mấy em!” Song anh mau chóng trở lại nghiêm trang. “Anh không tin hẳn gã nhọ í, anh ngờ là hắn chỉ bịa thế để thử xem anh có ngốc đến mức dắm mắt tin bừa đi không. Dù sao, anh cũng cứ vào thời giá bi giờ với dân nhọ có tay nghề nhất, chả hạn thợ mộc và thợ rèn mấy lị tơng tợ dư thế. Đám í đáng giá từ hai đến ba nghìn, anh biết chắc thế… “ Anh ngừng một lát, nhìn cây bút chì đang chờ đợi của chị. “Cứ ghi là ba nghìn…” Anh ngừng lại. “Thế là bao nhêu?”
Matilđa tính. Rồi nói ước tính tổng số tiền để chuộc lại cả gia đình là sáu mươi hai trăm đôla. “Dưng còn mẹ Kitzi thì sao?”
“Anh đang sắp nói đến mẹ mà!” anh nói, vẻ sốt ruột. Anh ngẫm nghĩ.
“Mẹ bí giờ khá già rồi, có thể xuống giá…”
“Năm nay, mẹ năm mươi”, Matilđa nói.
“Cứ ghi là sáu trăm đôla”. Anh theo dõi cây bút chì chuyển động. Nào, bi giờ là bao nhêu?”
Mặt Matilđa căng thẳng vì tập trung. “Bi giờ là sáu mươi tám trăm đôla”.
“Úi! Thế mấy biết nhọ là tền là bạc cho người da trắng”. Joóc nói rất chậm rãi. “Dưng mà anh tuyên bố anh tin mình có thể chọi gà hạ cấp kiếm đủ số đó. Cố nhiên, có nghĩa là phải chờ đợi và dành dụm một thời gian dài…” Anh nhận thấy Matilđa có vẻ ỉu xìu. “Anh biết em đang nghĩ gì”, anh nói, “các cô bác Malizi, Xerơ và Pompi”.
Coi bộ Matilđa khoan khoái hẳn vì thấy chồng biết thế. Anh nói: “Các cô bác là người cùng gia đình mấy anh còn trước cả mấy em…”
“Lạy Chúa, Joóc!” chị thốt lên, “làm sao độc một người phải ráng sức chuộc lại tất cả mọi người, cái í không được, em biết thế, dưng mà rành là em không thể từ giã các cô bác mà bỏ đi!”
“Chúng mình có bao nhêu thời gian, Tilda ạ. Khi nào đến đó, ta hãy qua cầu”.
“Thật thế, anh có lý”. Chị nhìn xuống những con số mình vừa viết. “Joóc ạ, em quả khó tin rằng chúng mình đang nói chuyện về…” Chị cảm thấy mình bắt đầu dám tin điều đó, rằng lần đầu tiên, hai vợ chồng cùng nhau thực sự đi vào bàn bạc một vấn đề trọng đại của gia đình. Chị cảm thấy một thôi thúc mãnh liệt muốn bật dậy chạy quanh bàn tới ôm ghì lấy anh với hết sức mình. Nhưng chị xúc động quá không cử động được - thậm chí không nói được mất một lúc. Rồi chị hỏi: “Joóc, làm sao mà anh lại nghĩ đến chuyện í?”
Anh im lặng một lúc. “Tự anh nghĩ và xem ra anh còn phải gẫm lên thêm nữa, dư anh đã nói mấy em…”
“Phải”, chị dịu dàng nói, “rành là tốt đẹp”.
“Chúng mình chưa đạt tới đâu cả!” anh thốt lên. “Trước nay chúng mình chỉ độc làm cho ông chủ thành đạt thôi!” Matilđa cảm thấy muốn reo lên: “Sung sướng thay!” nhưng nén lại được. “Anh đã nói chuyện mấy các nhọ tự do khi đi mấy ông chủ đến các thành phố”. Joóc nói tiếp. “Họ biểu các nhọ tự do ở trên miền Bắc là khá giả nhất. Biểu là họ sống mấy nhau ở nhà riêng và kiếm được việc làm tốt. Phải, anh có thể kiếm được cho mình một việc làm, anh biết thế! Trên miền Bắc, người ta chọi gà nhều lắm! Anh còn nghe nói dững nhọ chơi gà nổi tiếng ở ngay thành phố Niu Yóc, một bác Bili Râugiơ, một bác Pitơ có cả một đàn gà lớn và một sòng bạc lớn, mấy lị một người nữa gọi là “Jêchxơn nhọ” mà họ biểu là không ai thắng được gà của y!” Anh càng làm cho Matilđa sững sờ thêm. “Một điều nữa: anh muốn thấy con cái mình được học hành, biết đọc biết viết dư em”.
“Lạy Chúa, hơn em chứ lị, em hy vọng thế!” Matilđa thốt lên, mắt sáng ngời.
“Và anh muốn chúng nó được học nghề”. Đột nhiên anh nhe răng cười, dừng lại để tạo hiệu quả. “Em thử tưởng tượng em ngồi trong nhà riêng của mình, giữa những bàn ghế đệm, đồ đạc của mình, với tất cả các thứ trang sức lặt vặt, lúc í trông em ra thế nào nhỉ? Thế này nữa: bà Tilda mời các phụ nữ nhọ tự do sang uống trà buổi sáng và tất cả các bà ngồi quanh bàn nói chuyện cắm hoa, mấy lị dững chuyện tơng tợ như vậy”.
Matilđa phá lên cười, gần như thét: “Lạy Chúa, ông tướng ạ, anh thật điên!” Dứt nhịp cười, chị càng cảm thấy yêu anh hơn bao giờ hết. “Em nghĩ đêm nay Thượng đế cho em cái gì em cần”. Nước mắt rưng rưng, chị đặt tay lên tay anh: “Anh thật sự nghĩ rằng chúng mình có thể làm thế được ư, Joóc?”.
“Vậy chớ em nghĩ anh ngồi đây nói chuyện tào lao chăng?”.
“Anh có nhớ cái đêm chúng mình đồng ý lấy nhau, em đã nói gì với anh không?” Vẻ mặt anh nói lên rằng anh không nhớ. “Em đã nói với anh một đều rút từ chương đầu sách Ruth. Em đã nói với anh: Người đi đâu, tui đi đấy, và người ở đâu, tui ở đấy, dân của người là dân của tui…” Anh không nhớ là em đã nói thế sao?”
“Ừ, có thế”.
“Này nhé, chưa bao giờ em thấm thía đều í hơn bi giờ”.