Ông lão cam tâm mất ngựa, lại chịu cả cái tiếng “ngu” là ý lão nghĩ gặp phải thời buổi người trên tham nhũng, kẻ dưới hung nghịch, đành chịu để êm chuyện đi, còn hơn dở khôn đi kiện, chẳng những mất ngựa mà có khi lại mất cả bò và bao nhiêu tiền của, thời giờ vào đấy nữa. Hoàn Công thấy chuyện mà lưu tâm đến, thế là ông vua có bụng với dân. Quản Trọng nghe chuyện mà biết nhận ngay cái lỗi ấy tại mình, thế cũng là hai bậc minh quân, lương tướng hiểu rõ cái trách nhiệm chăn dân của mình.
Vua Hoàn Công nước Tề đi săn, đuổi con hươu chạy vào trong cái hang, thấy có một ông lão, bèn hỏi rằng: “Hang này tên gọi là hang gì?”.
Ông lão thưa: “Tên là hang Ngu Công”.
- Tại làm sao mà đặt tên như thế?
- Tại kẻ hạ thần đây mới thành có tên ấy.
- Coi hình dáng lão không phải là người ngu, cớ gì lại đặt cái tên như thế?
- Để hạ thần xin nói: Nguyên hạ thần có con bò cái đẻ được một con. Khi bò con đã lớn, hạ thần đưa đi bán, rồi lấy tiền mua một con ngựa con đem về cùng nuôi với bò cái. Một hôm, có một chàng thiếu niên đến lấy lý “Bò không đẻ ra được ngựa”, bèn bắt con ngựa con đem đi. Tôi chịu mất, không cãi được. Vì thế xa gần đâu cũng cho tôi là ngu mới gọi hang tôi ở đây là hang Ngu Công.
Hoàn Công nói: “Lão thế thì ngu thật!”.
Buổi chầu hôm sau, Hoàn Công đem câu chuyện kể lại cho Quản Trọng nghe.
Quản Trọng nói: “Đó chính là cái ngu của Di Ngô này. Nếu được vua giỏi như vua Nghiêu, bầy tôi minh như Cao Dao, thì khi nào lại có kẻ dám ngỗ ngược, lấy không ngựa của người ta như vậy. Ngu Công mà đành để mất ngựa, chắc là biết rõ hình pháp ngày nay không ra gì. Xin nhà vua kịp chỉnh đốn các chính sách lại. Khổng Tử nghe thấy nói:
- Đệ tử ta đâu, ghi lấy việc ấy! Hoàn Công là bá quân. Quản Trọng là hiền thần. Tuy đã vào bậc khôn ngoan, mà còn tự cho là ngu dại.
Khổng Tử Tập Ngữ
Lời bàn:
Ông lão cam tâm mất ngựa, lại chịu cả cái tiếng “ngu” là ý lão nghĩ gặp phải thời buổi người trên tham nhũng, kẻ dưới hung nghịch, đành chịu để êm chuyện đi, còn hơn dở khôn đi kiện, chẳng những mất ngựa mà có khi lại mất cả bò và bao nhiêu tiền của, thời giờ vào đấy nữa. Hoàn Công thấy chuyện mà lưu tâm đến, thế là ông vua có bụng với dân. Quản Trọng nghe chuyện mà biết nhận ngay cái lỗi ấy tại mình, thế cũng là hai bậc minh quân, lương tướng hiểu rõ cái trách nhiệm chăn dân của mình. Nên Khổng Tử có lời khen thực là đáng lắm. Vì rằng giữ vận mệnh một dân tộc mà không hiểu thấu ẩn tính của dân thì tuy có lòng thương dân, dân vẫn khổ và nước vẫn không yên được.