Cổ học tinh hoa

Cách trị dân

Tử Sản[1] làm tướng nước Trịnh đã lâu năm, có lòng thương dân, lấy đạo khoan[2] mà trị dân.

Khi Tử Sản ốm nặng, gọi Tử Thái Túc đến bảo rằng:

- Ta chết, tất nhà ngươi làm tướng nước Trịnh. Người phải biết người có đức mới lấy đạo “Khoan” mà phục được dân, còn người thường phải lấy sách “nghiêm” mà trị dân mới được. Nay ví như lửa nóng, dân trông thấy mà sợ, cho nên chết vì lửa ít; nước mát, dân khinh mà nhờn, cho nên chết vì nước nhiều. Thế mới biết dùng khoan là khó.

Mấy tháng sau, Tử Sản mất, Thái Thúc thay làm tướng, không nỡ dùng nghiêm, e có mãnh liệt cứ lấy đạo khoan mà trị dân.

Không được bao lâu, trong nước sinh ra nhiều trộm cướp, thường núp náu ở các đầm lầy mà lấy của giết người nhũng nhiễu lương dân.

Tử Thái Thúc hối, lại nói rằng:

- Giá ta biết sớm theo lời Tử Sản thì đâu đến thế này!

Rồi liền đem quân đi đánh bắt bọn cướp ở đầm lầy mà giết hết. Từ đấy nước Trịnh mới bớt trộm cướp.

Khổng Tử nói rằng: “Được lắm! Chính sách khoan, thì dân nhờn, dân nhờn, thì lại phải dùng chính sách nghiêm, nghiêm tức là mãnh[3]; mãnh thì dân tàn, tàn lại phải dùng khoan; khoan giúp cho mãnh, mãnh giúp cho khoan, có thế thì chính sách mới hòa được.

Tả Khưu Minh

Lời bàn:

Tử Sản vốn là một người học rộng, chính trị giỏi, làm tướng nước Trịnh đã hơn 40 năm, đối với trong thì dân bình trị, đối với ngoài thì cá nước e nể, ông là một bậc quân tử có bốn điều hay: đối với mình thì tự trọng (cung), đối với người mà mình phụng sự thành kính, nuôi dân thì có ơn huệ, khiến dân thì có nghĩa lý.

Câu ông dặn Tử Thái Thúc đây thực có ý lắm. Mãnh mà khiến cho dân sợ dễ bao nhiêu, thì khoan mà cũng khiến cho dân sợ khó bấy nhiêu. Tuy cũng gọi là sợ, nhưng cái sợ trước không có giá, vì sợ bất đắc dĩ, sợ miễn cưỡng, sợ bề ngoài mà khinh trong bụng, cái sợ sau mới là cái sợ quý, vừa sợ, vừa yêu sợ mà kính phục, sợ như vui lòng mà sợ vậy. Nhưng muốn được cái sợ sau, tất cái đức phải to làm sao mới cảm hóa được nhân tâm đến bực ấy.

Còn thường thường, phép trị dân không thể cứ khoan mãi được, vì khoan thì dân nhờn. Lại cũng không thể cứ mãnh mãi được, vì mãnh thì dân oán. Dân oán, hay dân nhờn cũng đều có trở ngại đến việc nước cả. Cho nên phải có khoan, lại phải có mãnh đắp đổi đỡ đần cho nhau thì mới được. Bốn chữ “khoan mãnh tương tế” thực đáng làm cái phương châm cho cả những người cầm quyền trị dân vậy.


[1] Tử Sản: tên tự là Công Tôn Kiều, làm quan đại phu nước Trịnh thời Xuân Thu.

[2] Khoan: hòa hoãn nới rộng không cấp bách

[3] Mãnh: dữ dội, nghiêm khắc.