Một bên vì cha mà báo thù, một bên vì nước mà báo thù, hai cái thù không đợi trời chung, mà dụng tâm theo đuổi đến báo kỳ được mới nghe thực là chính đáng, khiến ai nghe thấy cũng phải kính phục.
Nước Ngô, nước Việt đánh nhau.
Vua Ngô là Hạp Lư thua trận, bi quân Việt đâm chết. Con Hạp Lư là Phù Sai nối ngôi làm vua, thề thế nào cũng phục thù được cho cha mới nghe. Phù Sai bèn cho người đứng ở sân, mỗi khi mình ra vào, người ấy phải nói to lên rằng:
“Phù Sai kia! Nước Việt nó giết cha mày mà mày quên ư?” Phù Sai thưa rằng: “Dạ không dám quên”.
Ba năm sau, quả nhiên Phù Sai đánh được Việt, báo được thù cho cha.
Lúc nước Việt thua, vua Việt là Câu Tiễn sai sứ sang cầu hoà. Tuy rằng được hoà, nhưng đêm ngày âu sầu, lo nghĩ nát gan, tan ruột. Chất củi làm giường nằm, treo cái mật trước chỗ ngồi. Khi nằm thì trông cái mật; khi ăn thì nếm cái mật. Chính thân thì cày cuốc, vợ thì dệt vải làm ăn lao khổ như thường dân. Ai là bậc hiền tài, thì trọng dụng, ai là kẻ khốn khó thì cứu giúp. Hơn hai mươi năm trời, lúc nào cũng được như vậy. Sau Câu Tiễn xem chừng lòng dân đã khiến được, bấy giờ mới đem quân đánh Ngô, quả nhiên Ngô lại thua mà Việt được.
Lời bàn:
Một bên vì cha mà báo thù, một bên vì nước mà báo thù, hai cái thù không đợi trời chung, mà dụng tâm theo đuổi đến báo kỳ được mới nghe thực là chính đáng, khiến ai nghe thấy cũng phải kính phục. Nếu Phù Sai, Câu Tiễn gặp cái cảnh đau đớn như thế, mà cứ mặt dày mày dạn điềm nhiên như không, thì chẳng là đất đá, không biết nhục là cái gì ư! Có biết nhục, vậy sau mới rửa được nhục. Khi đã rửa được nhục, lại cần phải tu tỉnh luôn luôn và quí nhất là cảm hoá và nâng đỡ kẻ thù đã chịu lui bước hay đã đầu hàng để cho họ đỡ đau khổ, có địa vị, thì mới được yên lâu. Nếu rửa nhục xong mà kiêu căng, quên cả phòng bị thì chuốc lấy nhục mà oan oan tương báo, chỉ những tàn hại nhau hoài mà thôi!