Hiển nhiên đó là sức mạnh của tình yêu, cú lao người ấy.
Tình yêu ban cho con người (và con chuột) một sức mạnh khôn lường, ngay cả khi người trong cuộc (và…chuột trong cuộc) còn chưa ý thức được tình yêu là gì.
Nếu loài chuột cũng có ngày Valentine như loài người thì con chuột nhắt có lẽ đã sớm hiểu được rằng nó đang yêu. Đằng này, ngay cả từ “bạn gái” mèo Gấu mớm cho Tí Hon, nó cũng hiểu rất mơ hồ.
Nhưng tình yêu là điều không cần hiểu. Vào lúc những con người (và những con chuột) đầu tiên trên trái đất đến với nhau, âu yếm nhau rồi thương nhớ nhau, có lẽ trong ngon ngữ loài người lẫn chuột đều chưa có từ “yêu”.
Bao giờ cuộc sống cũng đi trước, ngôn ngữ lò dò theo sau. Ngôn ngữ bám lấy đời sống, láo liên quan sát, hễ thấy đời sống nảy ra sự kiện gì chưa từng có trước đó, ngôn ngữ mới nghĩ ra từ thích hợp để mô ta và gọi tên cái sự kiện đó.
Chuột nhắt bên Anh cũng vậy thôi. Chúng yêu nhau và cùng nhau đẻ con rất lâu rồi mới biết nói câu “I love You”.
Điều quan trọng của tình yêu không phải là am hiểu mà là cảm nhận. Chính cảm xúc, chứ không phải sự phân tích về cảm xúc, làm nên tình yêu.
Tí Hon không biết mình đã yêu nàng chuột lang. Nhưng chú chuột nhắt cảm thấy êm đềm khi nằm cạnh nàng, cảm thấy hạnh phúc đến tức thở khi nàng bẽn lẽn tặng cho nó một hạt ngô, và vô cùng hãnh diện khi thủ thỉ bên tai nàng những câu thơ tình tứ chôm được của con mèo: “Mùa đông về tới cổng rào/ Nhớ tìm áo ấm mặc vào, Út Hoa!”
Và lần này, khi nàng chuột lang bị hành hạ và kêu lên trong sợ hãi, chú chuột nhắt quên mất mình là chuột nhắt.
Một thứ gì đó giống như mồi lửa cháy lên trong lòng nó làm nó bỏng rát, đau đớn và phẫn nộ.
Và nó lao đi, coi cái chết nhẹ tựa lông… chuột.
Đó là yêu.