Cô Gái Thứ Ba

CHƯƠNG 11

Andrew Restarick đang viết một tấm séc... Bộ mặt của ông hơi nhăn lại.

Phòng làm việc của ông thật rộng rãi, với vẻ sang trọng tế nhị của những nhà kinh doanh đã thành đạt. Đồ dùng và các vật trang trí trước đây thuộc về Simon, người anh của ông, và ông đã chấp nhận chúng một cách bình thản, chỉ sửa đổi cách thức xếp đặt một chút thôi, chỉ thay thế hai bức hình chụp chính bản thân ông đưa từ nông thôn tới và một bức họa về cảnh Núi Bàn.

Andrew Restarick là một người đàn ông giữa hai lứa tuổi và tuy ông đã phát phì lên, ông không khác xa với hình ảnh của ông mười lăm năm về trước, nếu người ta so sánh ông hiện nay với hình ảnh của ông trên tấm hình đặt phía sau lưng ông. Cũng cái cằm kiên quyết ấy, cặp môi mỏng và đôi lông mày vòng cung kỳ cục buồn cười. Một người đàn ông không gây chú ý, có phần tầm thường và, trong lúc này đó là một người không được hạnh phúc lắm.

Cô thư ký của ông hiện ra và chờ ông ngước mắt lên mới bước tới.

- Một ông tên là Hercule Poirot đã đến đây. Ông khẳng định rằng đã được hẹn... nhưng tôi đã không thấy tên ông ta trong sổ của tôi.

- Poirot ư? Cái tên xem ra quen thuộc với ông Restarick, nhưng ông không xác định được. Ông gật đầu. Tôi nhớ là mình không biết ông này, nhưng hình như đã có nghe cái tên này ở đâu rồi. Ông ta ra làm sao?

- Rất nhỏ con... một người lạ mặt, một người Pháp, theo ý tôi... với bộ ria to đùng...

- À phải rồi! Mary đã kể lại tôi nghe về ông này vừa qua! Ông ta có tới thăm chú Roddy già. Nhưng cái câu chuyện hẹn này là gì vậy cà?

- Ông ấy nói rằng ông có gửi cho ông ấy một bức thư.

- Ha? Tôi không nhớ chút nào tới việc này cả. Có khả năng là tôi đã quên mất rồi. Có thể đó là Mary, tự cô ta... Không sao cả, mời ông ấy vào.

Một lát sau, Claudia Reece-Holland hướng dẫn một người đàn ông có cái đầu quả trứng, với bộ ria bự, đôi giày mũi nhọn đánh bóng véc ni, và có dáng vẻ như hài lòng với mình vào. Một người có hình dạng đúng như bà Restarick đã mô tả.

- Quí ông Hercule Poirot, cô nữ thư ký tuyên bố.

Và lánh mình khi người khách bước tới.

Restarick đứng dậy.

- Ông Restarick? Tôi là Hercule Poirot, để phục vụ quí ông.

- Bà vợ tôi đã thông báo cho tôi về cuộc viếng thăm của ông, hay nói đúng hơn là ông đã tới thăm ông chú tôi. Tôi có thể giúp gì được ông?

- Tôi đến để trả lời bức thư của quí ông.

- Bức thư nào? Thưa ông, tôi không tin rằng mình đã viết gì cho ông cả.

Poirot nhìn ông này, ngạc nhiên và rút từ túi ra một tờ giấy mà ông mở ra trước khi trao nó qua mặt bàn, nghiêng mình.

- Thưa ông, xin ông đọc.

Restarick đọc thông điệp có mang tên công ty và chữ ký của ông.

Ông Poirot thân mến,

Tôi rất hân hạnh được tiếp ông tại địa chỉ nêu ở trên, càng sớm càng tốt. Theo lời của bà vợ tôi và theo một vài nguồn tin, tôi nghĩ là ông sẽ là một người mà người ta có thể đặt niềm tin cậy hoàn toàn một khi mà ông đã nhận lời phụ trách một công việc đòi hỏi cần phải kín tiếng.

Tôi xin quí ông nhận những tình cảm kính trọng của tôi.

Andrew Restarick.

Nhà kinh doanh hỏi một cách khô khan.

- Ông đã nhận được tờ giấy này khi nào?

- Ngay hồi sáng hôm nay. Không có việc gì quan trọng đang làm, tôi đã đi thẳng tới đây.

- Thật là một sự việc lạ kỳ. Tôi không hề viết bức thư này.

- Không viết bức thư này?

- Chữ ký cua tôi khác hẳn... Mời ông xem đây. Bàn tay của ông Restarick đi tìm một tài liệu và không suy nghĩ thêm, ông chìa ra cuốn sổ séc mà ông vừa ký tên.

- Đây... Chữ ký trên bức thư không hề giống chút nào.

- Lạ thật... thật là lạ. Ai có thể viết bức thư này?

- Tôi cũng đang tự hỏi như vậy!

- Không thể là... xin ông thứ lỗi... bà vợ của ông?

- Không, không. Mary không có sáng kiến như vậy đâu. Và, dù gì đi nữa, việc gì cô ta phải ký tên tôi? Vả lại, cô ấy phải thông báo cho tôi biết, báo trước về cuộc viếng thăm của ông chứ!

- Vậy là, qúi ông không thấy vì lý do gì một người khác đã viết cho tôi bức thư à?

- Dĩ nhiên là không rồi.

- Thưa ông Restarick, ông có một ánh sáng nào về cái đề tài mà ông có thể trao đổi với tôi, theo như bức thư này không?

- Vì sao tôi lại có thể được?

- Xin lỗi ông, nhưng ông đã không đọc tòan bộ bức thư. Ông để ý, ở phía dưới trang giấy, có khẩu hiệu t.s.v.p. (xin giở trang giấy - ND) viết bằng chữ nhỏ.

Restarick cầm lại tờ giấy, lật nó lại về trang bên kia và đọc một câu đánh máy:

Công việc mà tôi muốn tham khảo ý của ông liên quan với người con gái của tôi: Norma.

Bộ mặt của Restarick sa sầm xuống một cách đột ngột.

- Đó là cả một câu chuyện! Nhưng ai là người có thể biết được... ai đã tìm cách chen vào đời sống tư của tôi đây?

- Phải chăng, bằng cái mẹo này, ai đó đã muốn thúc đẩy ông tới chỗ hỏi tôi? Có thể, đó là những người bạn, có những ý đồ tốt đẹp… Ông không nghi ngờ một ai đó là tác giả bức thư sao?

- Không có chút nào!

- Và ông cũng không có một lo âu gì về một trong các cô con gái của ông... mang tên là Norma sao?

- Quả là tôi có một người con gái tên là Norma. Đứa con gái duy nhất của tôi.

Giọng nói của ông ta dịu đi khi thốt tới tên cô gái.

- Cô ấy có điều gì phiền muộn không... những khó khăn nào đó?

- Theo tôi hiểu thì không có - Restarick trả lời với một giọng nói kém tự tin.

Poirot nghiêng mình về phía ông.

- Ông Restarick, tôi tin không hẳn là như vậy. 

- Vì sao? 

Tôi căn cứ vào giọng nói của ông. Vào lúc này, có nhiều người - ông nói tiếp theo - có những điều lo âu về những người con gái của họ. Các cô gái hiện đang có tài tự chuốc lấy mọi điều khó khăn vào mình. Phải chăng cô gái của ông cũng như vậy?

Restarick giữ im lặng một lát, tay gõ nhè nhẹ lên mặt bàn làm việc. 

- Vậy thì! Đúng, tôi đang lo âu về Norma, ông ta rốt cuộc phải thú nhận. Đó là một đứa con khó tính, thần kinh không những bị suy nhược mà còn bị rối loạn nữa. Tôi... đáng tiếc là, không hiểu con mình cho rõ lắm.

- Những điều phiền muộn về một người con trai, tôi nói tóm tắt vậy, phải không?

- Trong một ý nghĩa nào đó, đúng, nhưng đó không phải là điều tôi lo âu nhất. Tôi nghĩ rằng... Ông nhìn kỹ Poirot với vẻ suy nghĩ. Ông Poirot, tôi có thê tin ông là một người kín đáo được chứ?

- Nếu không như vậy, tôi đã không có danh tiếng về nghề nghiệp như tôi đang có.

- Vấn đề là phải tìm cho ra con gái tôi.

- Hả?

- Cũng như vẫn thực hiện đều đặn từ trước tới giờ, nó đã về nghỉ trong những ngày cuối tuần với chúng tôi. Chúng tôi cứ tưởng rằng, vào tối chủ nhật, nó trở về căn về hộ mà nó thuê cùng với hai cô gái khác, nhưng tôi vừa được tin là nó đã không trở về đó. Có lẽ nó đã đi tới... nơi khác rồi.

- Nói tóm lại, cô ấy đã mất tích phải không?

- Mất tích, nói thấy có vẻ bi thảm quá, nhưng, có thể, nói như vậy cũng đúng. Có lẽ nó sẽ có một sự giải thích vớ vẩn nào đó… Tuy nhiên, là một người làm cha, tôi phải lo âu. Ông biết không, nó đã không gọi điện thoại về nhà, cũng không nhắn nhe gì với các bạn ở chung phòng cả.

- Họ cũng lo lắng sao?

- Không, tôi sẽ không nói là họ lo lắng. Tôi cho là họ xem sự việc này rất bình thường. Từ ngày tôi rời nước Anh tới nay, những cô gái đã thay đổi ghê quá, chỉ cách đây mới mười lăm năm mà thôi.

- Và về cái người con trai mà ông đã nhìn với con mắt không thiện cảm kia? Cậu ấy có chạy trốn với cô ta không?

- Tôi hy vọng rằng không! Có khả năng là như thế, tất nhiên rồi, nhưng tôi... bà vợ tôi không nghĩ như vậy. Ông đã gặp cậu ấy trong bữa tới thăm ông chú tôi phải không?

- Quả thế và tôi nghĩ rằng mình đã hiểu vấn đề gì đã xảy ra rồi. Một chàng trai rất là đẹp nhưng, nếu tôi cho phép mình có câu nhận xét thì, đó không phải là một loại chàng rể mà một người cha vợ mong muốn có. Tôi để ý rằng bà vợ của ông cũng không ưa anh ta lắm.

- Bà vợ của tôi tin chắc rằng hôm đó, nó đã muốn che giấu sự hiện diện của nó tại nhà tôi.

- Cậu ta biết là mình không phải là một người được hoan nghênh chăng?

- Hơn thế nữa! Ông Poirot, hắn đã biết như vậy mà!

- Ông cho rằng, trong trường hợp như vậy cô con gái của ông đã đi tới tìm cậu ấy một nơi nào đó chớ?

- Có khả năng... Tôi thú thật là ý nghĩ này không lảng vảng trong đầu tôi... ngay từ đầu.

- Ông dã báo cho cảnh sát rồi chớ?

- Không.

- Khi xảy ra vấn đề mất tích như vậy, báo cho nhà cầm quyền biết là điều tốt nhất. Cảnh sát họ đều kín đáo và có những phương tiện mà những người như tôi chẳng hạn, không thể có được.

- Tôi không muốn báo cho cảnh sát. Vấn đề liên quan tới con gái của tôi! Ông không hiểu sao? Nếu nó muốn biến mất trong vài ngày, thì đó là chuyện riêng của nó! Không nên nghĩ rằng nó đã sa vào một điều gì nguy hiểm cả. Tôi... tôi chỉ muốn biết nó hiện đang ở đâu để tôi được yên tâm mà thôi.

- Có khả năng, thưa ông Restarick, đó không phải là mối lo âu duy nhất của ông đối với con gái của ông?

- Điều gì đã khiến ông suy nghĩ như vậy?

- Đơn giản là trong thời đại hiện nay của chúng ta, không có gì bất bình thường trong việc một cô gái bỏ đi trong một số ngày, không báo cho ai biết về ý đồ của mình. Việc ông lo âu về sự mất tích đột ngột này hẳn phải dính tới một việc khác nữa.

- Quả thật. Ông hoàn toàn có lý. Đó là... ông ta ngắm nhìn Poirot, tỏ ra lúng túng. Thật khó mà thổ lộ loại câu chuyện như vầy với một người lạ mặt.

-  Không hắn là như thế. Tôi cho rằng thổ lộ câu chuyện với một người không hề quen biết lại dễ dàng hơn là với một người quen. Ông Restarick, chắc ông cũng đồng ý như vậy chứ?

- Có lẽ, có lẽ. Tôi rất hiểu quan điểm của ông. Đúng, tôi công nhận là mình có lo âu về tình hình con đẻ của tôi. Ông thấy không, nó đã cư xử không giống những đứa con gái khác và đã xảy tới một việc khiến chúng tôi rất băn khoăn... vợ tôi và tôi ấy mà.

- Con gái của ông có thể đã ở vào một lứa tuổi khó khăn mà những người mới trưởng thành thường trải qua một giai đoạn dễ xúc cảm. Trong thời kỳ này, người ta thường không nên buộc họ phải chịu trách nhiệm gì về những hành động của mình. Xin ông chớ bực mình nếu tôi đề cập tới một giả thiết tế nhị... Cô con gái của ông có thể không hài lòng về bà mẹ ghẻ của mình chăng?

- Đúng là như thế đó, buồn thay. Và tuy vậy, thưa ông Poirot, tôi có thể cam đoan với ông rằng thái độ của nó thật là không đúng đắn. Không giống như lúc tôi vừa chia tay với mẹ đẻ nó. Sự việc đã xảy ra từ nhiều năm nay rồi... Tôi sẽ nói hết sự thực với ông. Cuối cùng rồi tôi cũng không giữ bí mật với ông bất cứ một điều gì. Bà vợ đầu của tôi và tôi chỉ đơn giản là sống không hợp nhau mà thôi. Không nên nhắc nhở nhiều đến quá khứ nữa. Tôi đã gặp một người khác, một người mà tôi đã mê say. Tôi đã rời nước Anh để đi cùng người đàn bà đó tới Nam Phi. Vợ tôi không đồng ý ly dị và tôi cũng không đề nghị điều đó. Tôi đã thu xếp để lại một khoản tiền đủ để trợ cấp cho gia đình... Vào thời đó, con gái tôi mới có năm tuổi...

Ông ngưng một chút rồi tiếp tục:

- Bây giờ nhìn lại quá khứ, tôi nhận thấy mình không hài lòng về cuộc đời của mình. Từ lâu rồi, tôi mong muốn đi xa. Tôi rất ghét mình bị buộc chân vào bàn làm việc. Anh tôi, người cùng tôi được thừa kế gia tài của cha mẹ, thường chê trách tôi đã không chịu quan tâm đến công việc chung, không chịu đóng góp những gì mà anh ấy mong đợi ở tôi. Nhưng cái lối sống đó không hấp dẫn tôi. Tôi khát khao phiêu lưu đi xa... Nói tóm lại, tôi đã đi sang Nam Phi và Louise đã đi với tôi. Tôi phải thừa nhận rằng việc làm đó không phải là một thành công. Dù yêu nhau, chúng tôi gây lộn luôn với nhau. Cô ấy không ưa phải sống cách xa các thủ đô như Luân Đôn, Paris... Tóm lại những nơi sống văn  minh. Sau khi tới Nam Phi được một năm, hai chúng tôi xa nhau - Ông thở dài - Có thể, tôi sẽ trở về cuộc sống gia đình vào lúc đó, một cuộc sống mà tôi không hề ưa thích! Tôi từ khước và mặt khác không biết bà vợ của tôi có nhận lại tôi hay không? Tôi vẫn nghĩ rằng bà ta luôn tự cho có nghĩa vụ đưa tôi trở về sống với gia đình. Không có ai hơn được bà ta trong việc hành động theo lương tâm của mình.

Poirot cảm thấy có vị cay đắng đằng sau những lời nói đó.

- Nhưng rốt cuộc, tôi đã nghĩ tới Norma nhiều hơn... Tôi biết rằng nó được an toàn bên người mẹ, và tôi tự bằng lòng bằng cách gởi cho nó một số quà. Tôi không có ý về thăm nó và về vấn đề này, tôi không đáng trách vì tôi e ngại nó sẽ đau khổ khi có một người cha thoắt hiện rồi thoắt đi. Cứ cho là tôi đã nghĩ ra cách hành động tốt nhất.

Đến lúc này, những tiếng nói cuốn vào nhau dồn dập. Dường như ông Restarick cảm thấy nhẹ mình khi kể lại câu chuyện này cho một người nghe đầy thông cảm như vậy: một thái độ mà Poirot luôn luôn biểu hiện.

- Ông không hề có ý định bỏ mọi việc để trở về nước?

- Không. Cuộc sống của tôi lúc đó đã cho tôi hoàn toàn vừa ý. Từ Nam Phi, tôi đã chuyển sang sống ở miền Đông Phi Châu. Về mặt tài chánh, tôi đã xoay sở rất khá, kinh doanh gì đều sinh lợi cả. Thông thường, tôi phiêu lưu trong rừng và tiến lên từng chặng. Cuối cùng, tôi đã thực hiện giấc mơ của mình ngày xưa. Tôi luôn luôn ưa thích cuộc sống trong bầu trời thoáng đãng, vì vậy khi cưới bà vợ thứ nhất, tôi cảm thấy như mình bị sa vào một cái bẫy, bị cầm tù. Nơi đây, tôi hoàn toàn được hưởng niềm tự do, không bao giờ nghĩ tới cuộc sống gò bó mà tôi đã bỏ lại sau lưng mình.

- Nhưng ông đã trở về từ bao giờ?

- Phải... tôi đã trở về... Quả thật, người ta già đi, rồi bị dính dáng tới một vụ làm ăn rắc rối mà tôi đã tiến hành chung với một người bạn và vì thế, cần phải chạy chọt tại Luân Đôn. Tôi định nhờ cậy anh tôi lo việc này, nhưng lại hay tin là anh ấy vừa mới chết. Tới lúc đó, tôi nghĩ là mình cần phải trở về để nắm lấy cái công ty của gia đình.

- Có thể là bà vợ của ông, bà vợ thứ hai của ông...

- Đúng thế, tôi vừa cưới Mary. Mặc dù quê gốc Nam Phi, nhưng cô ấy đã biết và yêu nước Anh. Cô ấy mơ mộng mình có được một mảnh vườn kiểu Anh! Và tôi, lần đầu tiên, tôi nghĩ rằng tôi cũng yêu thích cuộc sống kiểu Anh. Tôi nghĩ tới Norma mà mẹ cháu vừa mất được hai năm. Mary đồng ý sẽ giúp đỡ tôi xây dựng lại tổ ấm. Tương lai đã hứa hẹn tốt và... thế là tôi trở lại như thế này đây, ông ta kết luận, mỉm cười.

Poirot ngước mắt nhìn bức chân dung treo ở trên tường. Nó tỏ ra có giá trị ở đây hơn tại gia đình ở nông thôn. Người ta không ngập ngừng một giây khi nhận ra được con người ngồi tại cái bàn làm việc: cũng những nét đặc trưng như thế, cằm dô ra, chân mày vòng cung với một nét mà con người ngày nay đã thiếu: tính thanh niên!

Một ý nghĩ khác thoáng qua trong đầu nhà thám tử. Vì sao Andrew Restarick đã đưa bức tranh ra khỏi cái chỗ nguyên thủy của nó? Hai chân dung, cái của bà vợ trước của ông ta và cái của bản thân ông ta đều được thực hiện cùng một thời kỳ, như vậy, tự nhiên là nên giữ cả hai cùng với nhau. Andrew Restarick đã đặt cái của mình trong phòng làm việc của ông vì niềm kiêu hãnh... vì lòng ham muốn tỏ ra ta đây là một nhà kinh doanh quan trọng chăng? Làm như vậy để giữ dưới mắt mình hình ảnh của một nhân vật đã được giới tài chánh ở Cité công nhận chăng? Nói tóm lại, phải chăng ông ta cần tự tin hơn?

“Có thể, Poirot thầm kết luận, đó chỉ đơn thuần là niềm kiêu căng của ông ta mà thôi. Ngay chính ông, Poirot thừa nhận trong một phút khiêm tốn bất thường, cũng có thể kiêu căng trong một vài trường hợp?”

Khoảnh khắc im lặng mà hai người đều đã không để ý tới, được Restarik phá vỡ khi ông ta nói với giọng ngượng ngùng:

- Ông Poirot, mong ông tha lỗi cho tôi vì đã làm ông buồn ngủ vì cái câu chuyện về cuộc đời tôi.

- Thưa ông Restarick, xin ông đừng nói thế. Ông chỉ kể lại đời mình trong trường hợp nó giúp tôi hiểu được về con gái ông mà thôi. Ông đã rất băn khoăn về cô ta. Nhưng, tôi cho rằng ông chưa trình bày lý do thật của nỗi băn khoăn đó. Ông có muốn tìm được con gái mình không?

- Càng nhanh càng tốt.

- Tốt… và ông muốn rằng tôi làm việc đó phải không? Mong ông đừng ngần ngại. Sự lễ phép là điều cần thiết cho nhiều trường hợp, nhưng, trong trường hợp này, nó là thừa. Ông hãy nghe đây, tôi, Hercule Poirot, khuyên ông hãy trình báo với cảnh sát. Tôi có thể cam đoan với ông rằng họ biết hành động một cách kín đáo.

- Tôi sẽ không báo với cảnh sát, trừ phi... ờ, trừ phi cần thiết lắm.

- Vậy ông muốn giao việc cho một thám tử?

- Và ông đã biết gì về tôi?

- Quả thật... tôi biết là ông đã giữ một chức vụ quan trọng trong Sở Mật vụ trong thời gian chiến  tranh, do ông chú của tôi đã ca ngợi ông. Đó là một sự kiện xác thực.

Cảm giác hơi châm biếm thóang hiện trên bộ mặt của Poirot đã không bị nhà kinh doanh để ý tới. Lẽ ra Restarick cần biết không nên tin cậy vào lời nhận xét của ông chú, ông ta đã có trí nhớ rất ngắn ngủi và cặp mắt đã yếu... Ông ta đã bị thu hút bởi câu chuyện do nhà thám tử dựng lên! Tuy rằng nhà thám tử vẫn rất kính nể ông cụ, nhưng điều này càng tăng thêm niềm tin cổ xưa của ông là không nên tin ngay vào những điều mà người ta kể nếu chưa kiểm tra lại. Nghi ngờ mọi người, đó là một khẩu hiệu của Poirot từ lâu, nếu không phải là mãi mãi.

- Xin phép cho tôi được trấn an ông, Poirot nói. Trong sự nghiệp lâu dài của đời tôi, tôi đã thu được nhiều thắng lợi trong các trận chiến đấu cho nền Công lý. Trên nhiều phương diện, tôi là một người không ai sánh bằng.

Restarick bắt đầu nghi ngại rằng đó không phải là sự thật. Đối với một người Anh, bất cứ ai khoe khoang các thành tích của mình đều khêu gợi sự nghi ngờ.

Ông hỏi:

- Thưa ông Poirot, theo ý ông, ông có thể tìm lại con gái tôi?

- Có lẽ không nhanh được bằng cảnh sát, nhưng dù sao tôi cũng sẽ tìm được.

- Nếu ông tìm được nó…

- Nhưng, thưa ông Restarick, nếu ông muốn cho tôi thành công thì ông phải cho tôi biết mọi chi tiết liên quan đến sự việc.

- Ông đã biết tất cả rồi: ngày giờ, địa điểm, nhà ở mà nó phải tới. Tôi còn có thể cung cấp cho ông danh sách về các người bạn của nó...

Poirot lắc đầu mạnh mẽ.

- Không, không, tôi chỉ gợi ý là ông cần nói hết sự thật.

- Vì sao mà ông tin rằng tôi còn giấu ông điều gì?

- Tôi tin chắc rằng ông đã chưa kể hết tất cả. Ông còn e ngại điều gì? Ông còn giấu những gì... mà tôi phải biết nếu muốn thành công? Cô con gái của ông không ưa bà dì ghẻ. Ờ, chẳng có gì ngạc nhiên cả. Một phản ứng rất tự nhiên. Có thể là cô ấy đã có một giấc mơ dài về ông trong nhiều năm qua. Điều này hay xảy ra khi một người trong gia đình đã rời tổ ấm và khi đứa trẻ đã phải chịu đựng nỗi chia ly. Đúng, đúng là tôi hoàn toàn biết rõ là mình đang nói những gì. Ông cho rằng trẻ em thì hay quên. Đúng như vậy. Cô con gái của ông có thể, theo cách đó, quên các hình nét của ông, giọng nói của ông. Chúng đã bị xóa nhòa đi trong ký ức của cô ta. Thay vào hình ảnh thực của ông, cô ấy đã dựng lên một hình ảnh tưởng tượng khác. Ông đã đi xa, cô ấy mong muốn ông trở về. Bà mẹ, không còn nghi ngờ gì nữa, luôn luôn từ chối nói về ông và có khả năng là tình trạng đó lại kích thích người con gái của ông cảm thấy rất gần gũi ông. Ông đã thắng cuộc chơi dưới mắt của con gái ông. Bà mẹ thì ở đó, cô trách bà về trách nhiệm để cô ta phải cam chịu sự thiếu thốn tình cảm. Cô ta có thể đã nói lên một điều gì đó đại loại “Cha rất yêu cơn. Chắc chắn chỉ có mẹ là cha không yêu thôi”. Và từ đó nảy ra một thứ lý tưởng hóa, một mối liên hệ thầm kín giữa ông và cô ấy. Điều đã xảy ra đó, không phải và cũng không hề là do lỗi của ông gây ra! Tôi có biết chút đỉnh về môn tâm lý học và có thể cam đoan với ông rằng các sự việc đã diễn ra như thế đó. Khi biết được ông trở về, nhiều kỷ niệm thực cũng như tưởng tượng, bị chôn vùi vào một góc cạnh nào đó của tiềm thức đã trỗi dậy. Cha của cô ấy đã trở về! Cô ta và ông sẽ sung sướng sống với nhau! Có thể cô ấy đã không nghĩ tới người dì ghẻ cho tới khi cô đã gặp bà và tỏ ra vô cùng căm ghét. Lại một phản ứng vô cùng tự nhiên nữa. Cô ấy căm ghét, một phần bởi vì cô nghĩ rằng bà Restarick mới này đã cướp vị trí của cô và mặt khác là bà vợ của ông lại xinh đẹp và duyên dáng. Đó là điều mà các cô gái trẻ rất không hài lòng vì các cô đã hoàn toàn không tự tin vào mình. Cô con gái của ông rất vụng về và có lẽ bị mặc cảm tự ty nữa. Vì vậy, có thể cô ấy lao vào ghét bà dì ghẻ ngay lập tức, với một cường độ mà chỉ những người trẻ tuổi mới có mà thôi.

- Quả thực đó là lời của ông bác sĩ mà chúng tôi đã hỏi ý kiến, cũng đã nói nhiều hay ít theo hướng này. Tôi muốn nói rằng...

- A? Ông đã đi hỏi một bác sĩ rồi? Ông chắc hẳn đã có lý do rõ ràng để làm việc này chớ?

- Ờ! Gần như chẳng có gì cả!

- Cho phép tôi nghĩ ngược lại. Đó là một điều gì đó, chắc chắn là rất nghiêm trọng và tốt hơn hết là ông thông báo ngay cho tôi biết, vì nếu tôi nắm được điều gì đã diễn ra trong đầu óc của con gái ông, tôi sẽ dễ dàng kiếm ra được cô ấy.

Restarick im lặng một lúc lâu rồi mới nói:

- Ông Poirot, mọi việc sẽ được giữ kín giữa hai ta với nhau nhé! Ông có bảo đảm với tôi như vậy không?

- Tất nhiên rồi. Đã xảy ra điều gì?

- Tôi không chắc lắm...

- Cô con gái của ông đã tìm cách ám hại bà vợ của ông à? Một điều gì đó nghiêm trọng hơn là trò trẻ con phải không? Cô ấy, ờ... đã tấn công bà ấy về thể xác?

- Không, không phải là một vụ tấn công... một tấn công trực diện... và, lại một lần nữa, chẳng có gì để chứng minh cả.

- Đồng ý.

- Vợ tôi đã trải qua một thời kỳ mà bà ấy không ổn chút nào...

- Tôi thấy... Và thực chất của nỗi đau không nhận dạng được của bà là gì? Rối loạn đường tiêu hóa? Một cơn viêm ruột non?

- Ông Poirot, ông đi mau quá. Thật là mau. Đúng, quả là có vấn đề rối loạn đường tiêu hóa. Sự việc này khiến chúng tôi rất băn khoăn, vì Mary luôn luôn có sức khỏe rất tốt. Chúng tôi đã đưa cô ấy tới bệnh viện để theo dõi, như người ta thường nói.

- Và kết quả?

- Tôi nghĩ là bác sĩ đã không biết chính xác đó là bệnh gì… Tuy nhiên, cô ấy đã phục hồi sức khỏe và đã trở về nhà. Nhưng gần đây, cơn đau lại tái hiện. Dường như bà ấy bị đầu độc về ruột, nhưng không có chứng cứ rõ ràng. Chúng tôi kiểm tra các thức ăn mà bà ấy đã dùng và cho phân tích các mẫu. Người ta đã tìm ra có một chất gì đó được trộn vào đĩa thức ăn mà chỉ có một mình bà ấy ăn thôi.

- Tóm lại, có ai đó đã cho bà nhà ăn chất tín thạch phải không? Đúng vậy chớ?

- Đúng! Liều lượng rất ít nhưng lần sau tăng hơn lần trước…

- Ông đã nghi ngờ cho con gái mình?

- Không.

- Thưa ông Restarick, tôi nghĩ là có. Ông đâu có thể nghi cho ai khác?

Như rất tiếc, ông Restarick nói:

- Vâng… vậy đó. Phải!

 

*

Khi Poirot về tới nhà, Geroge báo cho ông:

- Thưa ông, có một cô tên Edith đã gọi điện tới.

- Edith à? Poirot nhíu đôi lông mày lại.

- Theo lời cô nói, cô làm việc cho quí bà Oliver. Cô ấy đã nhờ tôi thông báo cho ông rằng bà chủ của cô nằm ở bệnh viện Saint Giles.

- Bà ấy đã bị làm sao?

- Tôi hiểu là người ta đã... ờ... đánh một đòn lên đầu bà ta. George không nói gì thêm ngoài câu nhắn như sau: “Và nhờ ông nói lại rằng điều đã xảy ra hoàn toàn do lỗi của bà ta”.

Poirot tặc lưỡi.

- Tôi đã báo trước với bà ta rồi mà... Tôi đã nghi như vậy khi gọi điện thoại tới bà, hồi chiều hôm qua và tôi đã không được bà trả lời! Ôi! Đàn bà.