Cô Gái Bất Khuất

Tiếng Chim Cu Gáy

Docsach24.com
ã từ rất lâu rồi tôi vẫn không biết được đích xác là tôi thích hay không thích tay nhà văn Peter Melrose. Anh ta đã xuất bản một cuốn tiểu thuyết và đã gây được vài sự chú ý đối với vài kẻ nhàm chán, nhưng đáng kính, luôn rình rập những tài năng trẻ. Những ông già suốt ngày chỉ có việc đi dự những bữa tiệc của giới thượng lưu sính giao thiệp đã ca ngợi anh ta hết lời còn những bà quý tộc yểu điệu không hạnh phúc trong gia đình, lại thấy anh ta đầy triển vọng. Tôi đã từng đọc vài bài phê bình, tất cả đều mâu thuẫn nhau. Một vài bài quả quyết rằng tác phẩm đầu tay này đã đưa tác giả của nó lên hàng những nhà văn bậc nhất nước Anh; các bài khác lại chê bai nó thậm tệ. Tôi đã quyết định không đọc nó vội. Theo kinh nghiệm của tôi, khi một cuốn tiểu thuyết gây dư luận thì tốt nhất nên để qua một năm rồi hãy đọc. Và kết quả là số sách không được đọc nhiều một cách đáng ngạc nhiên.

 

Nhưng một sự tình cờ đã làm cho tôi gặp Peter Melrose trong một buổi sherry party mà tôi đã nhận lời mời sau một hồi cân nhắc. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại tầng trên cùng một toà nhà mới xây lại tại khu Bloomsbury. Khi leo lên đến nơi, mệt gần đứt hơi, tôi được đón tiếp bởi hai người phụ nữ cao lớn quá mức bình thường. Đó là những phụ nữ có cá tính, mạnh mẽ nhưng lại vẫn đầy nữ tính. Phòng khách của họ, mà họ gọi là “xưởng” (mặc dù tài sản của họ có thể cho phép họ cả đời chẳng phải làm gì), rất rộng rãi nhưng chỉ có một vài cái ghế thép không gỉ, vài cái bàn mặt kính và một đi văng rộng phủ da ngựa vằn. Trên tường là các giá đầy sách và những bức tranh vẽ lại của các danh hoạ Cezanne, Braque và Picasso. Trên giá sách, ngoài một vài cuốn thuộc dòng “ý nhị” của văn học thế kỷ 18 (văn khiêu dâm quả là bất tử) còn thì toàn là những tác phẩm của tác giả đương thời, phần lớn là sách in lần thứ nhất, vả lại chính để ký một vài tiểu thuyết của mình mà tôi đã được mời đến cuộc chiêu đãi này.

Không khí rất thân mật. Chỉ có một người phụ nữ nữa, có vẻ là em út của hai chủ nhà vì mặc dù cũng khá to lớn và thân tình nhưng cô ta không cao bằng và không thân tình bằng hai người kia. Tôi không biết tên thật của cô ta nhưng cô ta tự xưng là Boofuls.

Ngoài tôi ra chỉ duy nhất còn một khách mời nữa là Peter Melrose. Đó là một chàng trai rất trẻ, khoảng ngoài hai mươi tuổi, vóc người trung bình nhưng sự lóng ngóng và thái độ của anh ta làm cho anh ta có vẻ nhỏ con. Anh ta có nước da hồng hào, căng, mũi to và có vẻ của một người Xê-mít[9] mặc dù anh ta không phải là người Do thái. Anh ta có cặp mắt màu xanh rất linh hoạt dưới hàng lông mày rập, mái tóc nâu cắt ngắn và đầy gầu. Anh ta mặc một áo khoác ngắn và quần vải mềm như những sinh viên trường Mỹ thuật mà người ta vẫn thường thấy đi thơ thẩn, đầu trần, dọc phố King’s Road ở Chelsea. Nói tóm lại là một anh chàng thô kệch và chẳng có gì là dễ mến cả. Anh ta rất tự tin, luôn sẵn sàng cãi vã và có vẻ cố chấp. Anh ta rất khinh thường các đồng nghiệp của mình và thể hiện điều đó rất mạnh mẽ. Tôi cảm thấy vui vui khi nghe anh ta công kích không kiêng dè thanh danh của một số người mà chính tôi cũng cho rằng đã được tâng bốc thái quá nhưng chưa bao giờ dám nói ra nhưng tôi cũng chắc chắn rằng nếu tôi không có mặt ở đó thì thanh danh của tôi cũng bị bài xích không kém phần găy gắt. Anh ta nói rất hay. Những ý nghĩ của anh ta rất lạ và đôi khi hóm hỉnh. Những lời lẽ khéo chọn của anh ta lẽ ra đã làm tôi cười thoải mái hơn nếu như ba người phụ nữ đã không cười bò ra một cách thái quá. Họ luôn phá lên cười sau mỗi lời anh ta nói, dù hài hước hay ngớ ngẩn. Anh ta nói liên mồm, hầu hết là những điều ngớ ngẩn nhưng cũng có một vài nhận xét khá sắc sảo. Những ý kiến của anh ta đơn giản và không độc đáo như anh ta tưởng, tuy nhiên lại rất chân thành. Điều nổi bật nhất ở anh ta là sự sôi nổi, thậm chí hung hăng. Nó như một ngọn lửa thiêu đốt anh ta từ bên trong và thậm chí còn có xu hướng lây lan sang những người xung quanh. Ít ra anh ta cũng có nét độc đáo đó và tôi đã vừa bắt tay từ biệt anh ta vừa tò mò tự hỏi “Anh ta sẽ trở thành người như thế nào sau này nhỉ?”. Tôi thực sự không biết anh ta có tài hay không, có biết bao người trẻ tuổi, có khả năng viết một truyện hay như anh ta nhưng điều đó chưa nói lên gì cả. Nhưng về góc độ con người, tôi nghĩ anh ta là một người đặc biệt. Khi anh ta 30 tuổi, khi mà thời gian đã gọt giũa những góc cạnh của cá tính và cuộc đời đã cho anh ta ý thức được rằng anh ta không thực sự thông minh như anh ta tưởng, con người này sẽ trở thành một người thú vị. Tuy vậy tôi không nghĩ sẽ gặp lại anh ta.

Hai, ba ngày sau tôi rất ngạc nhiên khi nhận được một bản cuốn tiểu thuyết của anh ta với một lời đề tặng rất hay. Tôi đã đọc và nhận ngay ra rằng đó là một tự truyện. Câu chuyện xảy ra tại một thành phố nhỏ ở Sussex, kể về cuộc sống của những nhân vật thuộc dòng dõi tư sản cố gắng giữ sĩ diện của mình mặc dù khả năng tài chính không cho phép. Lời văn thô lỗ, tục tĩu và tôi có cảm giác khó chịu khi đọc nó vì thực tế phần lớn câu chuyện dành cho việc nhạo báng những người già và người nghèo. Peter Melrose không biết sự chịu đựng nỗi bất hạnh là khó khăn như thế nào và càng không hiểu được rằng những cố gắng chiến thắng bất hạnh đáng được thông cảm hơn là nhạo báng. Tuy nhiên có những đoạn văn tả khung cảnh trong nhà hay cảnh đồng quê rất hay. Người đọc cảm thấy tình yêu và vẻ đẹp tinh thần của những vật dụng vật chất. Lời văn trôi chảy, không kiểu cách nhưng mỗi từ ngữ như là một nốt nhạc. Nhưng theo tôi, điều khiến cho tiểu thuyết này được công chúng đón nhận nhiệt tình đó là sự nồng cháy trong câu chuyện tình – nội dung chính của tiểu thuyết. Cũng như mọi chuyện tình thời nay, câu chuyện hơi tầm thường, kết thúc không rõ ràng và không có kết quả gì cụ thể thậm chí mọi chuyện gần như chẳng có gì khác so với lúc bắt đầu nhưng nó lại có cái đặc sắc của một tình yêu tuổi trẻ, lý tưởng hoá nhưng lại rất cuồng nhiệt. Câu chuyện tình được kể lại một cách sâu sắc và dữ dội tới kỳ lạ như đã thổi hồn cuộc sống vào những trang giấy. Sự đam mê tột cùng. Chẳng có gì cảm động hơn thế.

Tôi đã viết cho Peter Melrose để nói những gì tôi nghĩ về cuốn sách của anh ta và đề nghị ăn trưa với anh ta. Anh ta đã gọi cho tôi ngay ngày hôm sau để ấn định một cuộc hẹn.

Ngồi trước mặt tôi, trong quán ăn, anh ta tỏ vẻ rụt rè một cách đáng ngạc nhiên. Anh ta nói liên tục nhưng rõ ràng là không được thoải mái cho lắm. Tôi có cảm giác rằng sự tự tin của anh ta chỉ là một cách để che giấu, có thể là với chính mình, một nỗi lo sợ nào đó đang làm cho anh ta bứt rứt. Cung cách của anh ta rất thô bạo và vụng về. Anh ta văng một câu tục tĩu rồi cười lớn để giấu đi sự ngượng ngùng. Mặc dù tự nhận là người tự tin nhưng anh ta lại luôn cần được an ủi. Anh ta chọc tức người đối thoại bằng những lời mà anh ta biết là sẽ làm người ta phật ý nhưng thực ra đó là anh ta đang cố gắng làm cho người ta thừa nhận, dù chỉ là thừa nhận ngầm, hình ảnh tuyệt vời mà anh ta tự gán cho mình. Anh ta muốn tỏ ra khinh thường ý kiến của người khác và điều đó có vẻ rất quan trọng đối với anh ta. Đó là một gã trai trẻ hơi kiêu căng nhưng điều đó hoàn toàn không làm tôi bận tâm. Đó cũng là lẽ thường đối với những tài năng trẻ. Họ ý thức được rằng họ có một tài năng gì đó mà họ còn chưa biết khai thác. Họ nổi dậy chống lại cái thế giới xung quanh không chịu thừa nhận giá trị của họ. Họ có rất nhiều để cho nhưng chẳng có bàn tay nào chìa ra đón nhận. Họ rất nóng lòng có được sự nổi tiếng mà họ coi như là đương nhiên họ phải có. Thực sự là tôi không có ác cảm với những người trẻ tuổi kiêu căng, chỉ trừ khi họ làm trò quá.

Peter Melrose rất khiêm tốn khi nói tới tác phẩm đầu tay của mình. Mặt anh ta, vốn đã hơi đỏ nay đỏ ửng lên khi tôi nói với anh ta tất cả những gì mà tôi đánh giá cao trong tiểu thuyết của anh ta và cũng chấp nhận những lời phê bình của tôi với một sự kiêm tốn gần như hơi thái quá. Cuốn tiểu thuyết đã không mang lại cho anh ta nhiều lắm và nhà xuất bản trả cho anh ta một khoản trợ cấp nhỏ hàng tháng với danh nghĩa ứng trước cho cuốn sách thứ hai mà anh ta vừa mới bắt đầu viết.

Peter Melrose muốn rời London đến một nơi bình yên để viết và khi biết tôi sống ở Côte d’Azur, anh ta đã hỏi tôi có biết chỗ nào yên tĩnh và không quá đắt không. Tôi đã nói anh ta có thể đến ở tạm nhà tôi một vài ngày trong lúc chờ đợi kiếm được một chỗ hợp với khả năng. Vừa nghe câu đó mắt anh ta sáng bừng lên và đỏ mặt:

— Tôi sẽ không làm phiền ông chứ?

— Không đâu. Tôi sẽ rất bận với công việc của tôi. Tôi chỉ có thể cho anh chỗ ở và ăn ngày 3 bữa thôi. Sẽ không có gì vui lắm nhưng ít ra anh sẽ được hoàn toàn tự do.

— Tuyệt quá! Tôi sẽ viết cho ông sau khi tôi quyết định.

— Tất nhiên rồi.

Một hoặc hai tuần sau đó tôi trở về nhà, lúc đó đang là tháng năm. Đầu tháng sáu tôi nhận được một lá thư của Peter Melrose nhắc lại lời đề nghị của tôi và hỏi tôi liệu anh ta có thể đến ở nhờ nhà tôi vài ngày không và bao giờ thì có thể đến được. Khi đưa ra lời mời ấy tôi đã nói thật lòng nhưng giờ đây, một tháng sau, khi tôi nhớ lại hình ảnh một anh chàng kiêu căng, hỗn xược mà tôi mới chỉ gặp có hai lần và tôi cũng chẳng có cảm tình gì đặc biệt thì tôi lại chẳng còn muốn đón tiếp anh ta nữa. Tôi ưa cuộc sống yên tĩnh và rất ít khi tôi tiếp khách tại nhà. Tôi cũng e rằng anh ta sẽ làm tôi rất khó chịu nếu như anh ta vẫn tiếp tục ăn nói thô lỗ như mọi khi và như vậy có lẽ tôi sẽ chẳng chịu đựng anh ta được quá một nửa tiếng đồng hồ. Nhưng tôi đã trót hứa mất rồi và hơn nữa anh ta cần được giúp đỡ, vài ngày ở nhờ nhà tôi sẽ giúp anh ta tiết kiệm tiền ở và thay đổi không khí một chút, trong thư anh ta nói anh ta thực sự mệt mỏi và rất buồn. Tôi gửi một bức điện trả lời và vài ngày sau anh ta đến.

Khi mới đến bộ dạng anh ta rất luộm thuộm, quần thụng xám, áo vét nâu và có vẻ mệt mỏi nhưng sau khi tắm và diện bộ quần soóc trắng áo t-shirt thể thao thì anh ta lại có vẻ rất trẻ. Lần đầu tiên ra khỏi nước Anh, anh chàng không giấu được sự háo hức, niềm vui hiện rõ trên mặt. Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy anh ta như đã quên mất hình ảnh của mình để trở nên giản dị, khiếm tốn và thậm chí trẻ con. Một bất ngờ thú vị!

Buổi tối, sau bữa ăn, ngồi trong khu vườn tĩnh lặng, chỉ nghe có tiếng ếch kêu, Peter Melrose bắt đầu nói với tôi về cuốn tiểu thuyết anh ta đang viết. Đó là một câu chuyện tình lãng mạng giữa một nhà văn và một ca sĩ Opera. Tôi thực sự không ngờ một người cứng rắn như anh chàng này lại viết một tiểu thuyết theo kiểu của Ouida và điều đó đã khơi dậy trí tò mò của tôi. Và cũng thật là lạ, với vòng quay thời gian những thế hệ sau lại lặp lại những chủ đề mà thế hệ trước đã viêt. Tôi chắc rằng Peter Melrose sẽ viết một cách rất hiện đại nhưng tôi cũng tin chắc rằng sẽ lại vẫn là kiểu tiểu thuyết dài lê thê đã từng làm say mê những độc giả uỷ mị hồi cuối thể kỷ trước. Anh ta đặt câu chuyện vào khoảng đầu thời kỳ các vua Edouard vì đối với giới trẻ thì đó là thời kỳ thơ mộng nhất của thời cổ xưa. Anh ta nói khá hay, nói liên tục và không nhận ra rằng anh ta đang đưa vào câu chuyện những mộng tưởng của chính anh ta – những mộng tưởng ngớ ngẩn của một gã trai trẻ tầm thường, không có gì quyết rũ lại tưởng tượng ra mình được một phụ nữ tuyệt vời, nổi tiếng và rất đẹp yêu, trước sự ngưỡng mộ của cả thế giới. Tôi vốn rất thích những tiểu thuyết của Ouida và tôi thấy ý của Peter cũng không đến nỗi tồi. Với tài miêu tả, khả năng quan sát sắc sảo những đồ vật như vải, đồ đạc, cây cối, hoa và cách anh ta gợi lên sự đam mê cuộc sống, tình yêu, tôi nghĩ rằng anh ta rất có khả năng cho ra đời một tác phẩm siêu thực đầy chất thơ. Tôi hỏi Peter Melrose:

— Anh đã gặp một nữ ca sĩ opera nào chưa?

— Chưa. Nhưng tôi đã đọc tất cả những tự truyện và hồi ký mà tôi kiếm được và tôi đã nghiên cứu chúng thật kỹ càng. Không chỉ những ý chính thôi đâu, tôi đã tìm hiểu cả những khía cạnh không ngờ nhất, những chi tiết hay giai thoại có ý nghĩa nhất.

— Vậy là anh đã có tất cả những gì anh cần rồi?

— Tôi nghĩ vậy.

Và anh ta bắt đầu tả cho tôi về nhân vật ca sĩ của mình. Đó là một phụ nữ đặc biệt, trẻ, đẹp, bướng bỉnh, tính tình nóng nảy nhưng hào hiệp và rất yêu âm nhạc. Âm nhạc hiện diện trong giọng nói, trong từng cử chỉ và ngay cả trong những ý nghĩ thầm kín nhất của cô. Cô không có khái niệm về ham muốn và tình yêu nghệ thuật của cô mãnh liệt tới mức cô đã tha thứ cho một ca sĩ khác đã xúc phạm đến cô chỉ vì cô đã hát rất hay. Và cô hào phóng đến mức cho tất cả những gì mình có khi nghe câu chuyện về một người bất hạnh làm cho cô cảm động. Một người phụ nữ si tình sẵn sàng hy sinh tất cả cho người mình yêu. Thông minh, hiểu biết, dịu dàng, rộng lượng và không vụ lợi, đó là một mẫu hình quá hoàn hảo không thể có trong thực tế.

— Tôi nghĩ rằng anh cần gặp một ca sĩ thực thụ – tôi nói sau một hồi suy nghĩ.

— Nhưng tôi phải làm sao đây?

— Anh có biết La Falterona không?

— Dĩ nhiên. Tôi đã đọc những hồi ký của bà ấy.

— Bà ấy sống gần đây. Tôi sẽ gọi điện mời bà ấy ăn tối.

— Thật vậy sao? Thật là tuyệt vời!

— Nhưng đừng có kêu ca nếu như bà ấy không giống như những gì anh mong đợi đấy nhé.

— Điều tôi muốn biết là sự thật.

Ai cũng biết La Falterona, thậm chí bà ấy còn nổi tiếng hơn cả Melba. Bà ấy đã ngưng hát opera nhưng giọng vẫn rất hay và có nhiều người hâm mộ ở khắp nơi trên thế giới. Mùa đông bà đi lưu diễn và mùa hè nghỉ tại villa của mình cạnh bờ biển. Ở đây, trong vòng 50 kilomét người ta có thể coi nhau như là hàng xóm, vì vậy trong mấy năm ở đây tôi đã khá gần gũi với La Falterona. Đó là một người có cá tính và các câu chuyện về bà ấy cũng nổi tiếng chẳng kém gì giọng hát của bà. Bà thường dành ra hàng giờ kể cho tôi nghe về những cuộc phiêu lưu huyễn hoặc của mình với những kẻ vương giả si tình hay những tỉ phú. Bà luôn kể lại các câu chuyện này một cách hài hước - điểm mà tôi thấy nổi bật nhất ở La Falterona; tôi biết trong đó chỉ có một phần nhỏ là thật nhưng với tôi thế cũng là đủ rồi. Bà ấy đã có ba hay bốn đời chồng rồi, chẳng bao giờ được lâu, và một trong số đó là một hoàng tử xứ Naples. Vì nghĩ rằng La Falterona có tiếng hơn mọi phẩm tước, bà ấy vẫn giữ họ của mình chứ không lấy họ của vị hoàng tử nọ (thực ra thì bà ấy cũng chẳng có quyền giữ họ ấy vì bà ấy đã lấy người khác sau khi ly dị với hoàng tử). Thế nhưng bộ đồ ăn của bà, đĩa bạc, dao dĩa,… đều được trang trí một cách cầu kỳ và có cả hình vương miện rất nổi nữa và người làm của bà thì luôn gọi bà bằng “Công Chúa”. Bà ấy tự giới thệu mình là người Hungari nhưng tiếng Anh của bà rất chuẩn, chỉ có một chút giọng của người nước ngoài - khi bà ấy nhớ ra - nhưng là giọng của người Kansas. La Falterona giải thích rằng cha bà là một tù chính trị lưu vong ở Châu Mỹ khi bà ấy còn nhỏ: thế nhưng bà ấy thường không còn nhớ rõ lắm nữa những chuyện đã xảy ra thời kỳ đó như một nhà bác học đã bị xử tử vì những tư tưởng tự do của mình hay một người Hungari thuộc dòng dõi quý tộc đã bị triều đình trừng phạt vì đã quan hệ với một quận công. Tất cả tuỳ thuộc bà nói chuyện với những nghệ sĩ hay với những quý tộc.

Với tôi thì La Falterona lại thật thà, thực ra điều đó với bà ấy là không thể có được, hay ít ra là thực thà hơn là đối với người khác. Bà ấy rất coi thường nghệ thuật vì coi đó là một trò lừa đảo khổng lồ và tỏ ra có chút cảm tình với những ai làm cho công chúng tin tưởng nghệ thuật. Tôi phải thừa nhận là tôi đã cười thầm trong lúc chờ đợi cuộc gặp gỡ giữa Peter Melrose và La Falerona.

Bà ấy rất thích ăn tối với tôi vì đồ ăn rất ngon. Bữa tối là bữa ăn duy nhất trong ngày của bà, La Falterona rất chú ý giữ gìn mình, thế nhưng lại thích ăn ngon và ăn nhiều.

Tôi đã mời bà ấy đến vào 9 giờ, vì biết rằng bà ấy ăn rất muộn, yêu cầu nhà bếp chuẩn bị bữa ăn cho 9 giờ 30. La Falterona đã đến lúc 10 giờ kém 15, bà mặc một chiếc váy dài màu xanh táo bằng vải sa tanh cổ sâu, lưng trần. Bà mang một vòng hạt cườm lớn, rất nhiều nhẫn quý, một hàng vòng kim cương và vòng ngọc trên cánh tay trái từ cổ đến tận khủy tay, ít ra cũng có vài ba chiếc là đồ thật, và trên mái tóc cánh quạ của bà gắn một mảnh kim cương. Có lẽ các quý bà ở cuộc khiêu vũ ở Stafford House ngày xưa cũng không lộng lẫy hơn thế! Phần chúng tôi, Peter Melrose và tôi diện bộ đồ trắng.

— Ô thật là lịch sự! Tôi nói, Tôi đã nói với bà rằng đây chỉ là một bữa tối thân mật thôi mà.

La Falterona liếc đôi mắt đen tuyệt đẹp sang phía Peter:

— Ồ không đâu. Chẳng phải là ông đã nói là bạn của ông là một nhà văn đại tài sao? Còn tôi chỉ là một diễn viên – bà lướt nhẹ tay trên dãy vòng lấp lánh - đây là cách của tôi thể hiện sự tôn trọng đối với tài năng sáng tạo.

Tôi đã phải kìm mình không bật ra một câu chửi thề và rót mời bà ta một ly cocktail mà bà vẫn thích. Tôi có được vinh dự được phép gọi bà ta bằng Maria nhưng bà ấy kiên quyết gọi tôi là Ngài vì hai lý do: một là điều đó làm cho tôi có vẻ rất ngớ ngẩn và hai là để chỉ rõ ra rằng bà ta và tôi thuộc hai thế hệ khác nhau, mặc dù rằng bà ấy chỉ kém tôi có hai hay ba tuổi. Tuy nhiên đôi khi bà ấy gọi tôi một cách thân mật là Lão già đểu cáng.

Buổi tối hôm đó người không biết sẽ nghĩ rằng bà ta chưa quá ba nhăm tuổi. Gương mặt của bà, với những đường nét rất nổi, vẫn giữ được tuổi thanh xuân. Trên sân khấu, cũng như là ngoài đời, đó là một phụ nữ tuyệt đẹp mặc dù cái mũi hơi nổi, cái miệng hơi rộng và khuân mặt hơi bầu bầu. Làn da nâu được tôn lên bởi màu son đỏ trên đôi môi rất tươi tắn. Bà ta để lộ am điệu của người tây ban nha: thoạt đầu đó chỉ là cảm giác của tôi nhưng rồi nó càng rõ nét hơn khi bà ta bắt đầu nói chuyện vào đầu bữa ăn, với một giọng đặc trưng của vùng Castella. Tôi đã cố ý làm cho bà ta thể hiện mình thật nhiều để Peter có dịp mục kích một ca sĩ opera thứ thiệt – tôi biết đó là điều duy nhất anh ta quan tâm.

Thực ra La Falterona là một phụ nữ ngớ ngẩn có những lời nói hoa mỹ nhưng hời hợt làm cho người ta thoạt đầu tưởng là bà ta rất thông minh nhưng đó chỉ là trò hề và bạn sẽ nhận ra rất nhanh chóng rằng bà ta chỉ nói lung tung và thậm chí chẳng để ý đến những gì mình nói. Tôi chắc rằng cả đời chưa bao giờ bà ta sờ đến một cuốn sách nào. Hiểu biết về thế giới của bà ta giới hạn ở những điều mà bà ta có thể đoán được qua những hình ảnh trong các tạp chí. Sự đam mê âm nhạc của bà ta chỉ là trò ba láp. Một hôm cùng đi nghe nhạc với tôi bà ấy đã ngủ từ khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc Bản giao hưởng số 5 và sau đó, trong lúc nghỉ giải lao, bà ta suýt làm tôi phì cười khi nói rằng bà ta rất thích Beethoven và chắc rằng những âm hưởng tuyệt vời của bản nhạc sẽ làm cho bà ta không ngủ được tối nay. Ít ra tôi tin bà ta ở điểm này vì bà ta đã ngủ rất say trong buổi hoà nhạc rồi thì đêm nay còn ngủ ngon làm sao được nữa.

Có một chủ đề mà La Falterona có thể nói suốt đời không bao giờ biết mệt và một khi đã bắt đầu thì không gì có thể làm bà ta chuyển chủ đề được. Tất cả các chủ đề, ngay cả những chuyện lạ lùng nhất, đều được bà lợi dụng để dẫn đến chủ đề ưa thích của mình một cách khéo léo đến kinh ngạc. Khi nói về chủ đề này bất cứ lúc nào bà ta cũng có thể trở nên hóm hỉnh, sôi nổi, triết lý, lâm ly và phong phú. Đó là cơ hội để bà ta thể hiện những tài năng của mình. Chủ đề có khả năng phát triển và biến đổi vô hạn. Chủ đề đó chính là chuyện về La Faltarona! Tôi mớm lời đưa bà ta vào đề rồi sau đó chỉ cần một vài câu đưa đẩy. Bà ta cảm thấy rất vui vẻ tối hôm đó.

Chúng tôi ăn ngoài sân hiên, ánh trăng soi sáng mặt biển dưới mắt chúng tôi. Như thể là nó cũng biết điều gì cần thiết cho hoàn cảnh, Thiên Nhiên đã ban cho chúng tôi một khung cảnh lý tưởng. Hai cây bách làm viền cho sân khấu và xung quanh là những cây cam đang độ nở hoa toả mùi hương rất quyến rũ. Không một chút gió nào khuấy động ánh sáng mờ mờ của những ngọn nến trên bàn. Ánh sáng ấy rất phù hợp với La Falterona. Ngồi giữa hai chúng tôi, rất vui vẻ, bà ta ăn rất thoải mái và thưởng thức champagne một cách hào hứng. Bà ta đưa mắt ngắm nhìn trăng. Một dải sáng bạc trải trên mặt biển.

— Ôi thiên nhiên mới đẹp làm sao! La Faltarona kêu lên. Thật khủng khiếp những phối cảnh mà người ta áp đặt cho chúng tôi ở nhà hát. Làm sao mà có thể hát ở trong đó được. Những phối cảnh của nhà hát Covent Garden thì tôi xin cam đoan rằng tồi tệ không đâu bằng. Lần trước khi tôi diễn Julliette ở đó tôi đã phải cương quyết với họ, nếu không có trăng thì tôi sẽ không hát.

Peter im lặng nghe như uống từng lời bà ta nói. Và bà ấy đã thể hiện mình nhiều hơn tôi mong đợi. La Faltarona đã hơi say say, không phải chỉ vì uống quá nhiều champagne mà một phần là vì đã nói quá nhiều. Nghe bà ta nói thì người ta sẽ tưởng rằng đó là một phụ nữ tội nghiệp, dịu dàng và hiền lành bị cả thế giới chống lại, rằng cuộc đời bà ta là một cuộc đấu tranh dai dẳng và gian khổ để vượt qua những trở ngại khôn lường. Các giám đốc nhà hát đối xử với bà thật tồi tệ, các ông bầu lừa gạt bà, các đồng nghiệp kéo bè phái nhằm hãm hại bà, những nhà phê bình tay sai của các kẻ thù của bà dựng lên những chuyện thật khủng khiếp và những người tình thì phản bội bà một cách bẩn thỉu. Thế nhưng bằng phép lạ của vị thần hộ mệnh và bằng sự sắc sảo của chính bản thân, bà ta đã làm cho tất cả bọn chúng bị bẽ mặt. Với một sự khoái trá và một chút ma mãnh hiện trong đôi mắt, bà ta kể rằng đã làm thất bại âm mưu của những kẻ muốn hãm hại bà ta như thế nào và cả những thảm hoạ đã đến với họ nữa. Tôi thật sự không hiểu tại sao bà ta lại dám kể ra những chuyện tai tiếng như thế. Một cách vô thức, bà ta đã tỏ ra rất đố kỵ, hằn thù, nghiệt ngã, tự kiêu ghê gớm, độc ác, ích kỷ, mánh khoé và dễ bị mua chuộc. Thỉnh thoảng tôi kín đáo quan sát Peter và rất thích thú tưởng tượng ra sự thất vọng của anh ta khi đối chiếu hình ảnh lý tưởng của nhân vật ca sĩ của mình với thực tế phũ phàng. Đó là một người phụ nữ không có trái tim. Cuối cùng, khi La Falterona chào từ biệt tôi mỉm cười quay sang Peter:

— Vậy đấy. Dẫu sao thì tôi cũng hy vọng là đã giúp cho anh hoàn thiện tiểu thuyết của mình.

— Có đấy. Anh ta hào hứng trả lời, thật đúng như những gì tôi mong đợi, thật tuyệt vời!

— Thật vậy sao? Tôi thốt lên ngạc nhiên cực độ.

— Bà ấy hoàn toàn đúng như nhân vật của tôi. Hẳn là bà ấy sẽ không tin rằng tôi đã phác thảo những nét chính của nhân vật trước cuộc gặp gỡ ngày hôm nay.

Tôi nhìn anh ta, ngạc nhiên không nói nên lời.

— Đam mê nghệ thuật! Vô tư! Bà ấy cũng có tâm hồn cao thượng mà tôi đã từng tưởng ấy. Những kẻ xấu xa, tò mò và tầm thường đặt ra những cản trở trên con đường của bà ấy nhưng bà ấy vượt qua chúng dễ dàng bằng sự cao thượng, trong sáng của mình – Peter cười thoả mãn – Cuộc đời lại bắt chước nghệ thuật, thật ngạc nhiên đúng không? Tôi nói thật đấy, chúng giống nhau đến tuyệt vời.

Tôi định phản bác nhưng lại thôi, tôi thầm nhún vai, quả thực tôi rất ngạc nhiên. Peter chỉ nhìn thấy ở La Falterona những gì anh ta nghĩ từ trước. Nhưng cũng có tí chút đẹp trong cái sai của anh ta: chất thơ. Chúng tôi đi ngủ và hai hoặc ba ngày sau đó Peter đã thấy tìm thấy một nhà trọ phù hợp và dọn đi.

Một thời gian sau cuốn sách của anh ta xuất bản và, cũng như phần lớn các tiểu thuyết thứ hai của các tay viết trẻ, cuốn sách này không được thành công lắm. Những nhà phê bình đã từng đánh giá quá cao tác phẩm đầu tay của Peter Melrose giờ lại tỏ ra khó tính một cách thái quá. Tất nhiên là viết hồi ký về những người mà ta đã biết trong thời niên thiếu là một chuyện còn sáng tác ra một câu chuyện với những nhân vật tưởng tượng lại là chuyện khác. Tiểu thuyết của Peter dài quá. Anh ta đã thả mình quá trong việc miêu tả và sự hài hước của anh ta thì vẫn thô thiển như xưa. Tuy nhiên anh ta đã rất khéo léo tái tạo thời gian và trong cốt truyện thơ mộng vẫn có cái run rẩy của niềm đam mê thật sự mà tôi đã từng rất thích trong cuốn sách đầu.

Sau bữa ăn tối ấy tôi đã không gặp lại La Faltarona trong hơn một năm liền. Bà ấy đã có một cuộc lưu diễn dài ở Châu Mỹ la tinh và chỉ trở lại nhà nghỉ bờ biển vào cuối mùa hè. Một hôm bà ta mời tôi dùng bữa tối nhẹ. Chỉ có chúng tôi và thư ký của bà ta. Đó là một phụ nữ người Anh, tên là Glaser, La Falterona đối xử với cô ấy một cách thậm tệ, luôn miệng chửi thề nhưng lại rất cần cô ta. Cô Glaser là một người kì quặc, khoảng hơn 50 tuổi, mặt nhăn nheo vàng vọt như là bị bỏ đói. Cô ta biết tất cả mọi chuyện về La Falterona, vừa tôn thờ lại vừa căm ghét bà ấy. Sau lưng bà, cô thư ký luôn sẵng sàng nhạo báng và trò nhại La Falterona trước đám hâm mộ của bà ta thì là một trong những vở hài kịch hay nhất mà tôi chưa bao giờ được xem. Thế nhưng cô Glaser lại chăm sóc bà với sự ân cần của một người mẹ. Khi thì ngọt ngào khi thì gay gắt, chính cô ta là người giúp cho La Falterona vẫn còn cư xử như một con người. Và cũng chính cô ấy là người viết những hồi ký huyễn hoặc về bà ca sĩ opera này.

Tối hôm đó La Falterona vận một bộ pyjama xanh nhạt bằng vải sa tanh (bà ta rất thích chất liệu này) và dội một mũ trùm bằng nhung xanh – có lẽ là để bảo vệ mái tóc. Ngoài một vài cái nhẫn, một vòng cổ ngọc trai, một hai vòng đeo tay và một chiếc ghim kim cương cài ngang eo, bà ta không đeo nữ trang gì khác. Bà ta có rất nhiều điều để kể cho tôi nghe về chuyến lưu diễn thành công ở Châu Mỹ La tinh. Bà ta kể không ngớt rằng chưa bao giờ giọng bà lại hay đến thế, chưa bao giờ khán giả hoan hô nhiệt liệt đến thế, các nhà hát đã được đặt trước một thời gian dài, bà ta đã kiếm được rất nhiều tiền,…

— Đúng vậy không, Glaser? Maria hỏi lớn với một giọng Nam Mỹ rất nặng.

— Nhìn chung là đúng, cô Glaser trả lời.

La Falterona có thói quen khó chịu là gọi thư ký của mình bằng tên họ. Nhưng từ lâu rồi người phụ nữ đáng thương chẳng chú tâm đến điều ấy nữa.

— Người đàn ông mà chúng ta đã gặp ai ở Buenos Aires là ai ấy nhỉ?

— Ai cơ?

— Đừng làm ra vẻ ngốc nghếch thế, Glaser! Tôi biết là cô còn nhớ đấy. Cái ông mà tôi đã từng lấy làm chồng ấy.

— Pepé Zapata, - cô Glaser trả lời cụt lủn.

— Hắn ta chẳng có xu dính túi và còn bạo gan xin tôi trả lại cho hắn chiếc vòng nạm kim cương hắn đã tặng tôi. Hắn nói đó là của mẹ hắn.

— Trả lại hắn chiếc vòng đó thì bà cũng có chết đâu. Cô Glaser nói. Có bao giờ bà đeo nó đâu.

— Trả lại? La Falterona kêu lên, bà ta ngạc nhiên đến mức chuyển sang nói giọng Anh chuẩn. Trả nó lại cho hắn ta ư? Cô điên hay sao đấy?

La Falterona nhìn cô Glaser như thể muốn cô ấy lên cơn động kinh ngay tại chỗ. Bà ta đứng dậy và rời khỏi bàn – lúc đó chúng tôi đã ăn xong.

— Chúng ta hãy ra ngoài đi. Nếu như tôi không phải là người rất kiên nhẫn thì tôi đã cho cô ta thôi việc từ lâu rồi.

La Falterona và tôi đi ra ngoài còn cô Glaser thì ở lại trong nhà. Chúng tôi ra ngồi ngoài hiên nhà. Trong vườn có một cây thông tuyết rất đẹp, những cành cây đen nổi rõ trên bầu trời đầy sao. Biển ngay gần sát dưới chân chúng tôi yên ả tuyệt vời. Đột nhiên La Falterona giật mình:

— Tẹo nữa thì tôi quên. Glaser, thật là ngớ ngẩn, tại sao cô ta lại không nhắc tôi cơ chứ? Tôi rất giận ông đấy.

— Ồ thế thì tôi phải mừng vì bà đã chỉ nhớ ra chuyện ấy sau bữa ăn đấy.

— Anh bạn của ông và cuốn sách của anh ta!

— Anh bạn nào và cuốn sách nào? Tôi không hiểu La Faltarona muốn nói đến chuyện gì.

— Đừng có giả vờ như thế! Anh bạn trẻ láu cá, dáng vẻ dị dạng mặt láng bóng ấy. Anh ta đã viết một cuốn sách về tôi.

— A, tôi nhớ rồi. Peter Melrose. Nhưng người trong truyện của anh ta không phải là bà đâu.

— Này đừng có mà gạt tôi. Anh ta đã dám gửi sách cho tôi.

— Chắc là bà đã lịch sự trả lời anh ta.

— Ông tưởng rằng tôi có thời gian viết cho tất cả những người gửi cho tôi những cuốn sách vớ vẩn của họ hay sao? Có lẽ là Glaser đã trả lời anh ta. Ông không có quyền mời tôi đến ăn tối với anh ta như thế. Tôi đã đến chỉ vì tôi nghĩ ông muốn gặp tôi. Tôi thật không ngờ mình đã bị lợi dụng như vậy. Thật đáng buồn nếu như người ta không còn có thể tin vào phép lịch sự của ngay cả những người bạn thân nhất nữa. Tôi sẽ không bao giờ ăn tối cùng ông nữa đâu. Không bao giờ, không bao giờ!

Cảm thấy rằng La Falterona đang sắp sửa nổi giận ghê gớm tôi vội vàng ngắt lời bà ta trước khi quá muộn:

— Coi nào, bà bạn thân mến, bà hiểu sai rồi. Trước hết nhân vật ca sĩ opera, tôi đồ rằng bà muốn nói đến nhân vật ấy…

— Thế chẳng lẽ ông tưởng tôi nói đến nhân vật cô hầu hay sao?

— Được rồi. Nhân vật nữ ca sĩ đã được phác thảo trước cuộc gặp gỡ của chúng ta và hơn nữa cô ta cũng chẳng giống bà chút nào cả.

— Sao lại không? Tất cả bạn bè đều đã nhận ra tôi. Đó đúng là bức chân dung của tôi mà.

— Marie! Tôi phản đối.

— Tôi tên là Maria và ông biết rất rõ điều đó. Nếu gọi tôi như thế quá khó đối với ông thì hãy gọi tôi là Bà Falterona hay Công Chúa.

Tôi làm ra vẻ không nghe thấy gì.

— Thế bà đã đọc cuốn sách đó chưa?

— Tất nhiên là rồi chứ. Tất cả mọi người ai cũng bảo là cuốn sách đó nói về tôi.

— Nhưng nhân vật trong truyện mới chỉ hai mươi tuổi.

— Những phụ nữ như tôi không có tuổi.

— Cô ấy rất giỏi âm nhạc, hiền như chim bồ câu, tốt như bánh mì, thật thà trung thực, vô tư. Bà nghĩ rằng bà là như thế sao?

— Thế ông thấy tôi thế nào?

— Nghiệt ngã, tàn nhẫn, mưu mô và ích kỷ, thời nay chẳng còn ai như bà.

Bà ta ném cho tôi một câu chửi thề mà bình thường một người phụ nữ có giáo dục không bao giờ nói đối với một người đàn ông, mặc dù có nhiều tật xấu, nhưng cũng không bao giờ làm mất danh dự của mẹ mình. Tuy nhiên, mặc dù ánh mắt bà ta có loé lên một chút tôi không cảm thấy là bà ta nổi giận. Bà ta đã coi lời tôi vừa nói như là một lời khen.

— Thế còn chuyện chiếc vòng ngọc lục thì ông giải thích thế nào? Ông sẽ lại chối là không phải là ông nói cho anh ta biết ư?

Câu chuyện chiếc vòng ngọc lục là như thế này:

La Falterona đã từng có một mối tình say mê với một hoàng tử một nước lớn và vị hoàng tử đã tặng bà ta một chiếc vòng ngọc lục rất có giá trị. Một buổi tối họ cãi nhau, đã có những lời không hay và khi vị hoàng tử nói đến chiếc vòng La Falterona giật nó ra và ném ngay vào lửa. Thấy vậy, hoàng tử, vốn bản tình rất keo kiệt kêu lên hốt hoảng và vội vàng quỳ xuống bới than để tìm chiếc vòng. La Falterona kinh bỉ nhìn ông ta lăn bò dưới đất. Bà ta cũng rất keo kiệt nhưng lại rất coi thường tính tiết kiệm của người khác.

Rồi bà ta kết thúc câu chuyện bằng một câu khẳng định:

— Sau chuyện đó tôi không thể nào yêu ông ta được nữa.

Peter Melrose đã rất thích giai thoại đó và đã đưa vào tiểu thuyết của mình.

— Tôi đã gửi gắm cho ông bí chuyện của tôi và tôi chưa bao giờ kể nó cho ai khác. Không ngờ ông lại phụ sự tin tưỏng của tôi. Ông và cả anh bạn của ông nữa thật quá đáng, tôi không thể nào bỏ qua chuyện này được.

— Nhưng tôi đã từng thấy bà kể chuyện này ra cả hơn chục lần rồi. Hơn nữa, Florence Montgomerie đã kể chuyện tương tự giữa bà ấy và hoàng tử Rudolf. Đó là một trong những giai thoại mà bà ta thích nhất. Lola Montez cũng nói như thế về mình và Chúa vùng Baviere và tôi dám chắc rằng Nell Gwyn và vua Charles II cũng vậy. Câu chuyện này xưa như trái đất rồi.

La Falterona hơi sững lại nhưng lấy lại bình tĩnh rất nhanh chóng:

— Chyện xảy ra nhiều lần thì cũng có gì lạ đâu. Ai mà chả biết rằng phụ nữ thì đam mê còn đàn ông thì keo kiệt. Nếu ông không tin thì tôi có thể cho ông xem chiếc vòng ấy. Tất nhiên là tôi đã phai cho sửa lại nó.

— Trong chuyện của Lola Montez thì đó là một chuỗi ngọc trai - tôi châm biếm - chắc là nó đã bị hỏng nặng rồi.

— Ngọc trai ư? - Bà ta kêu lên với một nụ cười rất tươi như thường lệ - Tôi đã kể cho ông nghe về Benjy Reseinbaum và cái vòng ngọc trai chưa? Ông có thể lấy nó để viết một chuyện ngắn đấy.

Benjy Reisenbaum là một người vô cùng giàu có và tất cả mọi người đều biết rằng ông ta đã là người tình của La Falterona trong một thời gian dài. Ngôi nhà sang trọng mà bà ta đang ở cũng chính là do ông ta mua.

— Ông ta đã tặng tôi một chiếc vòng cổ rất đẹp, khi đó tôi đang diễn ở Metropolitan, New York. Sau đó đã cùng về Châu Âu với tôi. Ông không biết ông ấy phải không?

— Không.

— Nhìn chung ông ấy rất tử tế nhưng lại có máu ghen kinh khủng. Trên tàu đi về chúng tôi đã cãi nhau to chỉ vì có một sĩ quan trẻ người Ý đã đi cạnh tôi mà ông ấy thấy là gần gũi quá. Chúa cũng biết rằng tôi là người dễ tính nhất trên đời nhưng dẫu sao thì tôi cũng nhất định không thể để một gã đàn ông ngược đãi tôi được. Tôi phải giữ danh dự của tôi chứ. Tôi đã đuổi ông ta đi, ông hiểu ý tôi chứ, và ông ta đã dám tát tôi! Chẳng cần nói ông cũng biết được lúc đó tôi tức như thế nào. Tôi giật ngay chiếc vòng đeo trên cổ và ném xuống biển. "Cái vòng đó trị giá năm mươi nghìn đô la đấy" - ông ta lắp bắp. Tôi thực sự khinh thường ông ta. "Giá của nó là tình yêu của tôi dành cho ông đấy!" tôi nói rồi quay gót ngay.

— Bà đã hành động thật dại dột.

— Tôi đã không thèm nói chuyện với ông ta trong suốt hai tư giờ đồng hồ. Ông ta đã phải quỳ xuống nì nèo xin lỗi mãi. Về đến Paris, việc đầu tiên à ông ta đến cửa hàng Cartier mua cho tôi một chiếc vòng khác cũng đẹp không kém.

Quay sang tôi với một nụ cười tinh quái bà ta nói tiếp:

— Ông nói tôi ngốc nghếc đúng không? Thực ra tôi đã gửi chiếc vòng thật ở một ngân hàng New York bởi tôi biết rằng mùa sau tôi sẽ lại quay trở lại. Chiếc vòng mà tôi vứt xuống biển chỉ là đồ nhái thôi.

Bà ta phá lên cười vui như một đứa trẻ. Những trò đùa như vậy luôn làm cho bà ta rất thích thú.

— Đàn ông các ông thật khờ khạo - bà ta vừa lấy lại hơi vừa nói - ông cũng tưởng tôi đã vứt cái vòng thật ư?

La Falterona lại phá lên cười. Bà ta thực sự rất vui. Và khi thôi cười bà gọi vọng vào nhà:

— Tôi muốn hát, Glaser, hãy đệm đàn cho tôi đi.

Tiếng Glaser trả lời:

— Sao lại hát bây giờ? Bà vừa mới ăn no xong mà.

— Đồ phù thuỷ! Hãy im miệng đi, tôi nói cô chơi nhạc cơ mà.

Không có tiếng cô Glaser trả lời và một lát sau cô ta bắt đầu chơi mấy nhịp dạo đầu của một bản cantat của Schumann - một bài dễ hát và tôi nghĩ rằng cô Glaser đã cố ý chọn bài này. La Falterona bắt đầu hát, ban đầu chỉ hát nho nhỏ rồi, khi cảm thấy giọng mình vẫn ổn, bà ta bắt đầu hát thoải mái hơn. Bài hát kết thúc. Cô Glaser cảm thấy La Falterona rất vui và vẫn muốn hát tiếp. Luc đó bà ta đang đứng dựa vào cửa sổ quay lưng lại phía phòng khách, ngắm nhìn mặt biển lấp lánh và bóng cây thông tuyết in lên bầu trời. Buổi tối thật êm đềm và thơ mộng. Cô Glaser nhấn tiếp vài nốt nhạc. Tôi khẽ rùng mình và La Falterona cũng hơi giật mình và khi nhận ra nốt nhạc tôi cảm thấy như bà ta trầm lắng xuống:

“Nhẹ nhàng và êm dịu, anh ấy cười

Như đôi mắt anh ấy mở."

Đoạn nhạc viết về cái chết của Yseult. Chưa bao giờ La Falterona hát nhạc của Wagner, có lẽ do sợ phải gắng sức nhưng có lẽ bà ta đã hát đoạn này trong các buổi biểu diễn rồi. Mặc dù rằng lúc này bà chỉ có tiếng piano trong vắt làm nhạc đệm nhưng, trong khung cảnh thơ mộng của đêm nay, tiếng hát thật tuyệt vời. Âm hưởng tuyệt diệu của đoạn nhạc tràn vào không gian tĩnh lặng, giữa bầu trời đầy sao và lan ra trên mặt nước. Chất giọng của La Falterona thật tuyệt vời, mặn mà và trong vắt, bà đã hát với cảm xúc sâu lắng, với biết bao thiết tha và với một cái gì đó rất đẹp nhưng rất buồn làm cho trái tim tôi vỡ ra vì xúc động. Khi La Falterona ngưng hát tôi cảm thấy họng mình ứ nghẹn và nhận thấy dòng nước mắt đang chảy tràn trên mặt bà. Tôi không muốn nói gì và La Falterona cũng đứng im lặng lẽ ngắm nhìn mặt biển.

Thật là một phụ nữ đặc biệt! Lúc đó, ngay cả với tất cả những tính xấu kinh khủng của bà ấy, tôi cảm thấy bà ấy dễ mến hơn biết bao so với cái hình mẫu lý tưởng mà Peter Melrose đã xây dựng lên. Mọi người vẫn trách tôi thường dễ cảm thông với những người xấu trên mức có thể chấp nhận được. Đúng là bà ta có đáng ghét, nhưng thật quyến rũ biết bao!