Khi tôi lên tàu thì thấy hành lý của cái Ông Kelada kia đã chất đầy bên dưới. Tôi không thích nhìn thấy cảnh tượng ấy chút nào; cả một mớ nhãn mác trên đống quần áo, và cái rương đựng cũng to tổ bố. Ông ta lại không gói ghém cho gọn gàng những thứ vệ sinh cá nhân nữa, tôi để ý thấy rằng ông này đúng là khách hàng ruột của hãng Monsieur Coty tiếng tăm, vì ở chỗ đứng rửa tay tôi nhìn thấy nước hoa, dầu gội, và gel làm mượt tóc của ông ta bày la liệt cả ra. Những chiếc bàn chải của Ông Kelada, gỗ mun có chữ viết lồng nhau mạ vàng, đem xài được rồi đấy. Tôi chẳng ưa cái Ông Kelada này chút nào. Tôi kiếm phòng dành cho người hút thuốc. Tôi gọi một cỗ bài rồi ngồi chơi một mình. Tôi vừa bắt đầu chơi thì một gã lại gần bắt chuyện, rằng có phải tôi là …
“Tôi là Quý Ông Kelada”, ông ta nói thêm, với một nụ cười để lộ hàm răng trắng loá cả mắt, và ngồi xuống.
“À, vâng, tôi nghĩ chúng ta chung một phòng.”
“May là tôi yêu cầu như vậy. Ông chẳng thể biết được mình sẽ bị buộc phải ở chung với ai nữa. Tôi rất mừng khi nghe nói ông là người Anh. Tôi khéo léo sắp xếp để người Anh chúng ta ở chung phòng trên tàu, ông hiểu ý tôi chứ!”
Tôi chớp chớp mắt.
“Ông là người Anh?” tôi hỏi, có lẽ không mấy lịch sự cho lắm.
“Dĩ nhiên. Ông thấy tôi không giống người Mỹ, đúng không? Tôi là người Anh chính cống đấy ạ.”
Để chứng minh điều mình vừa nói là đúng, Quý Ông Kelada ấy lôi từ trong ví ra tấm hộ chiếu và phe phẩy nó một cách khiếm nhã trước mặt tôi.
Đức Vua George có lắm thần dân đến là kỳ quặc. Quý Ông Kelada người lùn tịt, vóc dáng chắc nịch, mặt láng o và nước da đen thui, có cái mũi khoằm nung núc thịt và đôi mắt rất to, sáng ngời ngời. Mái tóc đen dài của Ngài thì quăn và bóng lộn. Ngài nói tía lia tiếng Anh mà chẳng có chút Anh ngữ nào và cử chỉ điệu bộ thì cởi mở hết cỡ. Tôi trộm nghĩ rằng nếu kiểm tra kỹ lưỡng tấm hộ chiếu Anh quốc ấy thì có lẽ sẽ lộ tẩy chuyện Quý Ông Kelada trước đây ra đời dưới một bầu trời xanh hơn cái bầu trời u ám thường thấy ở nước Anh.
“Ông dùng gì ạ?” Ông Kelada hỏi tôi.
Tôi nhìn Ngài hồ nghi. Lệnh cấm rượu còn hiệu lực và trên tàu chỉ được phép mang đồ ép khô. Khi không khát thì nước ướp gừng hay nước chanh xô-đa, tôi chẳng biết mình không thiết gì hơn nữa. Nhưng Quý Ông Kelada ấy lại toét miệng cười với tôi một nụ cười phương Đông bí hiểm.
“Whisky, xô-đa, hay martini không pha, ông chỉ cần nói một tiếng là có.”
Ông ta lôi từ những cái túi tân thời của mình ra chai rượu bỏ túi rồi đặt nó lên bàn trước mặt tôi. Tôi chọn martini và bảo người phục vụ lấy cho một cốc đá cùng hai cái ly.
“Cốc-tai ngon tuyệt”, tôi nói.
“Ồ, còn nhiều lắm, à, nếu ông quen bất kỳ người bạn nào trên tàu, hãy nói với họ ông có một vị bằng hữu, ông ta có đủ loại rượu mạnh trên thế gian này.
Cái Ông Kelada đến là khoẻ miệng. Liến thoắng nói đủ chuyện về New York rồi tới San Francisco. Bàn cãi về kịch, điện ảnh, thậm chí cả chính trị nữa. Ông ta lại là một nhà ái quốc. Ngọn quốc kỳ Anh quốc đẹp đẽ là vậy, nhưng khi nó được một quý ông nào đó tận Alexandria hay mãi tít Beirut xa xôi nâng niu, thì tôi không thể không cảm thấy nó bị mất mát đi phần nào giá trị vốn có. Quý Ông Kelada cũng cá mè một lứa quá cơ. Tôi không muốn làm ra vẻ, nhưng không thể chịu nổi khi một gã hoàn toàn xa lạ xưng hô với mình lại bỏ quên hai tiếng “Quý Ông” lên trước tên của mình. Hẳn Quý Ông Kelada cư xử không đúng lối như vậy để được thân mật với tôi. Tôi không thích Quý Ông Kelada chút nào. Tôi đã gạt bỏ đống lá bài sang một bên khi ông ta ngồi xuống, nhưng bây giờ, nghĩ đến lần gặp gỡ đầu tiên này, cuộc chuyện trò đã kéo dài quá lâu rồi, tôi lại tiếp tục chơi bài.
“Con ba trên con bốn”, Ông Kelada chen vào.
Thật không có gì tức hơn là khi bạn đang chơi bài paxiên (lối đánh bài một người – TYPN) mà bị kẻ đứng ngoài chõ mõm vào mách lẻo cho biết vị trí cần đặt quân bài bạn đã rút lên trước lúc bạn có diễm phúc tự làm điều đó.
“Lộ rồi, lộ rồi”, ông ta gào lên, “con 10 trên con bồi”.
Tôi ngừng ván bài, lòng đầy tức giận và căm ghét.
Rồi ông ta chộp lấy bộ bài.
“Ngài có thích thuật đánh bài không ạ?”
“Không, tôi ghét ba cái trò đó”, tôi đáp.
“Ồ, tôi sẽ cho ngài xem cái này”
Ông ta biểu diễn cho tôi xem tới ba trò. Một lát, tôi nói tôi sắp xuống phòng ăn tối đặt bàn ăn.
“Ồ, khỏi lo”, ông ta nói. “Tôi đã đặt chỗ cho ngài rồi. Tôi nghĩ chúng ta cùng chung phòng thì cũng có thể ngồi chung bàn ăn.”
Tôi căm ghét cái Ông Kelada.
Không chỉ ở chung phòng mà ba bữa ăn mỗi ngày tôi cũng phải ngồi cùng bàn với ông ta, thậm chí tôi không thể đi dạo một mình quanh boong tàu mà không bị ông ta bám dính theo. Thật khó có thể làm ông ta mất mặt. Ông ta chẳng bao giờ nghĩ mình bị từ chối. Mà cứ nghĩ là bạn vui mừng lắm vì gặp ông ta giống như ông ta vậy. Ở nhà mình, có lẽ bạn đã đá văng ông ta rớt xuống cầu thang rồi đóng sầm cánh cửa vào mặt ông ta cho ông ta biết ông ta không phải là người khách được đón chào. Ông ta quả là người giỏi bắt chuyện, chỉ nội ba ngày mà đã quen hết mọi người trên tàu. Ông ta rành mọi thứ. Quản lý đánh cá ngựa, tổ chức bán đấu giá, quyên góp tiền cho các giải thưởng thể thao, mở các trận đấu gôn và trò ném vòng, sắp xếp các buổi hoà nhạc và chuẩn bị cho vũ hội hoá trang. Ông ta xuất hiện mọi lúc mọi nơi. Chắc chắn ông ta là kẻ bị mọi người trên tàu ghét nhất. Chúng tôi gọi ông ta là Ông Biết Tuốt, thậm chí gọi ngay trước mặt ông ta. Ông ta lấy đó là niềm vinh hạnh. Nhưng đến bữa ăn thì ông ta mới làm phiền mọi người nhất. Chúng tôi phải khổ sở chịu đựng ông ta suốt một tiếng đồng hồ ấy. Ông ta ồn ào, cợt nhảm, khoác lác, và lý này lý nọ. Cái gì ông ta cũng rành hơn bất kỳ ai, và bạn không đồng ý với ông ta thì chẳng khác gì khạc nhổ vào tính kiêu căng tự phụ của ông ta. Ông ta sẽ không bỏ qua một chủ đề nào, dù chẳng quan trọng gì, cho đến khi nào ép được bạn theo lối suy nghĩ của ông ta mới thôi. Cái khả năng ông ta có thể mắc lỗi chẳng bao giờ xảy ra. Ông ta là cái loại biết tuốt kia mà.
Chúng tôi ngồi ở bàn của bác sĩ. Ông Kelada thì dĩ nhiên có cơ hội thể hiện mình, vì ông bác sĩ lười nhác, trong khi tôi dửng dưng lạnh nhạt, ngoại trừ một ông cũng ngồi ở đó tên là Ramsay. Ông này cũng thuộc loại giáo điều mà ba hoa như Ông Kelada, cũng đang rất bực mình trước thói kiêu căng của gã đến từ miền đông Địa Trung Hải. Họ tranh luận vô cùng gay gắt và không tìm ra được điểm dừng.
Ông Ramsay công tác cho Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Kobe. Ông ta quê ở vùng Trung tâm phía bắc Hoa Kỳ, là một kẻ to xác, mập chảy mỡ, nứt da, chật ních cả bộ đồ may sẵn. Ông ta trên đường quay trở lại tiếp tục công tác, sau khi bay về New York thăm rồi đưa mụ vợ phải ở nhà cả năm trời nay cùng đi. Bà Ramsay người nhỏ thó, cư xử thân mật và vui tính. Lãnh sự quán trả lương khá bèo, bà thường ăn vận rất đơn giản, nhưng biết cách. Bà ấy tạo được ấn tượng về sự nhã nhặn, giản dị. Tôi không nên dành cho người đàn bà này sự quan tâm đặc biệt, tuy nhiên bà ta sở hữu một phẩm chất mà có lẽ rất phổ biến trong giới phụ nữ, dù ngày nay không còn dễ dàng bắt gặp ở lối đối nhân xử thế của họ nữa. Bạn không thể nhìn bà ta mà không bị cái đức khiêm nhường của bà ta lôi cuốn. Đức tính ấy chiếu rọi vào bà ta như bông hoa trên tấm áo choàng vậy.
Vào một buổi tối, cuộc trò chuyện trong bữa ăn ngẫu nhiên trôi về chủ đề những viên ngọc trai. Có nhiều bài báo viết về ngọc trai nuôi do người Nhật khéo léo làm, và ông bác sĩ bình luận rằng chắc hẳn họ sẽ làm giảm bớt giá trị của ngọc trai tự nhiên. Chúng vốn rất đẹp, chẳng mấy mà trở nên hoàn mỹ. Ông Kelada, như thường lệ, lao ngay vào chủ đề mới. Ông ta khoe với chúng tôi tất cả những hiểu biết về ngọc trai của mình. Tôi không tin ông Ramsay rành rẽ ngọc trai, nhưng ông này không thể kiềm chế nổi ý định có cơ hội là làm cho cái gã đến từ miền đông Địa Trung Hải bẽ mặt, và trong 5 phút, chúng tôi ngồi giữa trận chiến ngôn từ nóng rát. Trước đây tôi từng thấy Ông Kelada gay gắt, mồm miệng tía lia nhưng chưa bao giờ thấy ông ta bức xúc, lồng lộn lên như lúc này. Sau cùng ông Ramsay nói gì xúc phạm đến ông Kelada khiến ông ta đập mạnh xuống bàn và quát tháo ầm ĩ:
“Hừ, tôi phải rõ những gì tôi nói chứ. Tôi đi Nhật chuyến này là để nghiên cứu vấn đề ngọc trai Nhật Bản. Tôi là người trong nghề và không có kẻ nào trong nghề mà không nói cho ông biết những gì tôi đã trình bày về ngọc trai. Tôi biết tất cả những loại ngọc trai quý nhất trên trần gian, và những gì tôi chưa biết về ngọc trai thì không cần phải biết”.
Đây là một tin thú vị cho chúng tôi, vì ông Kelada, luôn mồm luôn miệng, nhưng chưa bao giờ tiết lộ cho ai biết ông ta kinh doanh cái gì. Chúng tôi chỉ nghe phong thanh rằng ông ta đi Nhật cho vài mối làm ăn liên quan đến thương mại thì phải. Ông ta nhìn quanh bàn vẻ đắc thắng.
“Họ chẳng bao giờ có được ngọc trai nuôi mà một chuyên gia như tôi đây lại không thể phát biểu liền hay sao”. Ông ta chỉ vào chuỗi ngọc trai bà Ramsay đang đeo. “Thưa bà Ramsay, nhớ lời tôi nha, chuỗi ngọc bà đang đeo sẽ không bao giờ mất giá đến một xu so với hiện tại đâu.”
Một nụ cười thoảng qua khuôn mặt bà.
Bà Ramsay trong phong thái giản dị đỏ mặt lên một chút và lén giấu chuỗi ngọc vào trong áo.
Ông Ramsay ưỡn người về phía trước. Ông ta quăng cái nhìn vào chúng tôi và kèm theo một cái cười nhạt.
“Chuỗi ngọc của bà Ramsay nhà tôi đẹp chứ?”
“Tôi nói rồi” Ông Kelada trả lời. “ Chu choa, tôi từng tự nhủ, những viên ngọc trai ấy đúng là chất lượng trên cả tuyệt vời”.
“Tôi không tự mua nó. Tôi muốn ông nói cho biết nó giá khoảng bao nhiêu?”
“Úi trời, trên thị trường đâu đó thì khoảng độ 15 ngàn đô la. Nhưng nếu mà mua ở Đại lộ 5 thì cỡ 30 ngàn đô cũng không lấy gì làm ngạc nhiên đâu”.
Ông Ramsay cười đáng sợ.
“Ông sẽ ngạc nhiên lắm đấy khi nghe rằng bà Ramsay nhà tôi mua nó ở một cửa hàng trước hôm chúng tôi rời New-York một ngày với giá 18 đô la.
Ông Kelada đỏ mặt bừng bừng lên.
“Tầm bậy tầm bạ. Không những nó là hàng thật, mà còn là hàng “độc” xưa nay tôi chưa từng thấy”.
“Ông muốn cá không? Tôi cược 100 đô la với ông rằng nó là đồ rởm”
“Chơi thì chơi”
“Ôi, Elmer, anh không thể đánh cá về một cái mình biết chắc chắn thế được.” Bà Ramsay nhỏ nhẹ.
Trên môi bà nở một nụ cười và giọng bà nài nỉ nhẹ nhàng.
“Sao lại không? Nếu có cơ may kiếm tiền dễ dàng như vậy, anh là thằng ngu mới từ chối nó.”
“Nhưng làm sao xác minh được?” Bà ấy hỏi tiếp. “Đó chỉ là lời nói một phía chống lại những lời của ông Kelada”
“Cho phép tôi kiểm tra chuỗi ngọc, và nếu là đồ rởm thì tôi sẽ nói cho mọi người rõ ngay lập tức. Tôi có thể chấp nhận mất 100 đô la kia mà”. Ông Kelada quả quyết.
“Cởi nó ra, em yêu. Cho quý ông này xem thoải mái nếu ông ta muốn.”
Bà Ramsy thoáng chút do dự. Bà ta đặt tay lên cái móc.
“Tôi không tài nào cởi ra được”, bà ta nói. “Ông Kelala phải nghe những gì tôi nói chứ.”
Thoáng chốc, tôi ngờ ngợ có điều gì đó không hay sẽ xảy ra, nhưng tôi không rõ phải diễn đạt ra sao nữa.
Ông Ramsay đứng bật dậy.
“Để anh cởi nó cho.”
Ông ta cầm sợi dây đưa cho Ông Kelala. Người đàn ông đến từ miền đông Địa Trung Hải lấy cái kính lúp trong túi ra và săm soi tỉ mỉ kỹ càng. Một nụ cười đắc thắng lan đều trên khuôn mặt đen bóng của ông ta. Ông ta trả lại sợi dây. Chuẩn bị lên tiếng. Bất ngờ ông nhìn thấy nét mặt của bà Ramsay. Vẻ mặt ấy càng ngày càng trắng bệch đi như thể bà ta sắp ngất xỉu vậy. Bà ấy nhìn trừng trừng ông ta bằng đôi mắt hoảng loạn và mở rất to. Đôi mắt ấy chan chứa sự van nài mà tuyệt vọng; điều ấy quá lộ liễu, tôi không rõ tại sao ông chồng bà ta không thấy.
Ông Kelala chết lặng, miệng ngoác ra. Mặt đỏ tía tai. Bạn dường như có thể cảm nhận được nỗ lực mà ông ta đang gắng thực hiện là kiềm chế bản thân mình.
“Tôi lầm rồi”, ông ta nói. “Quả là hàng giả mà làm như thật vậy, nhưng tất nhiên, ngay khi tôi dùng cái kính của mình, tôi phát hiện ra ngay nó không phải là đồ thật. Tôi cho rằng cái giá 18 đô la là quá đắt cho cái thứ chết tiệt này.”
Ông ta móc túi lấy tờ bạc 100 đô la. Đưa cho ông Ramsay mà không thốt ra lời nào.
“Có lẽ vụ này sẽ dạy cho ông biết là đừng bao giờ quá kiêu ngạo nữa nha, ông bạn trẻ của tôi” Ông Ramsay vừa nói vừa giựt lấy đồng bạc kia.
Tôi để ý thấy đôi bàn tay ông Kelala đang run lên.
Câu chuyện loang ra cả con tàu, quả là tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, và tối hôm đó ông ta nhận được biết bao nhiêu là lời đàm tiếu. Thật là khéo diễu nhau khi “Ông Biết Tuốt” bị bắt tại trận. Nhưng bà Ramsay sớm cáo lui về phòng riêng nghỉ bởi chứng đau đầu nó hành.
Sáng hôm sau tôi thức dậy và cạo râu. Ông Kelala vẫn nằm trên giường rít thuốc. Bỗng nhiên có tiếng xào xạo nho nhỏ rồi tôi thấy một bao thư được từ từ đẩy vào ở dưới cánh cửa. Tôi mở cửa nhìn ra xa. Không có ai cả. Cầm bao thư lên, thấy địa chỉ người nhận là ông Kelala, chữ viết dạng khối. Tôi mang đưa cho ông ta.
“Ai thế này?” Ông ta mở nó ra. “Ối trời!”
Ông ta lấy ra khỏi bao thư, không phải một lá thư, mà là tờ 100 đô la. Ông ta ngẩng lên nhìn tôi và lại đỏ mặt. Ông ta xé bao thư vụn ra rồi đưa cho tôi.
“Phiền ông bỏ chúng ra cửa sổ giùm cái.” Tôi làm theo lời ông ta, rồi cười nhìn ông ấy.
“ Có ai muốn bị đem ra làm trò hề đến nhục mặt đâu kia chứ,” ông ta nói.
“Chuỗi ngọc ấy là ngọc thật đúng không?
“Nếu tôi có một cô vợ bé bỏng, dễ thương, tôi sẽ không để nàng ấy phải ở New York cả năm trời trong khi mình ở tận Kobe đâu.”
Bấy giờ tôi hoàn toàn không còn ác cảm với ông Kelala nữa. Ông ta móc cái ví ra và cẩn thận cất tờ 100 đô la đi.