Cô bé Fadette

Chương XXXI

Lúc đầu Sylvinet có vẻ hài lòng một cách ích kỷ khi nghe tin Fadette ra đi. Cậu ta nghĩ một cách hoan hỉ là từ nay cậu em sinh đôi chỉ còn yêu thương mình, không bỏ rơi mình vì bất cứ ai. Nhưng tình hình không phải như vậy. Sylvinet quả là người được Landry yêu thương nhất đời, sau cô bé Fadette; nhưng cậu em không thể vui vẻ lâu dài trong quan hệ với cậu anh, vì Sylvinet không chịu từ bỏ thái độ ghét bỏ Fanchon. Hễ Landry tìm cách nói chuyện về cô gái và thử làm cho cậu anh có chút cảm tình với nàng, là Sylvinet buồn bã, chê trách em không chịu rời bỏ một ý nghĩ làm cha mẹ đau khổ và bản thân cậu ta buồn phiền. Từ ấy, Landry không còn nói chuyện về cô gái với cậu anh nữa; nhưng không thể sống mà không nói tới Fadettc, chàng luôn luôn gặp gỡ cậu út Caillaud và chú bé Jeanet, đưa nó cùng đi dạo chơi, hết lòng dạy dỗ và an ủi nó. Mỗi khi cùng đi với đứa bé, chàng có thể bị chế giễu nếu người ta dám. Nhưng Landry không chịu để người ta làm nhục trong bất cứ việc gì; vả lại chàng lấy làm kiêu hãnh hơn là xấu hố khi biểu lộ tình cảm đối với chú em trai Fanchon Fadet, và chính qua đấy chống lại dư luận của những kẻ cho rằng ông lão Barbeau, với một thái độ khôn ngoan, đã sớm chiến thắng mối tình kia.

Một mặt, Sylvinet thấy cậu em trai không trở lại yêu thương mình như cậu từng mong ước, và chỉ còn biết ganh tị với bé Jeanet và cậu út Caillaud; nhưng mặt khác, thấy cô em Nanette từ xưa vẫn luôn luôn an ủi và khích lệ mình với những sự chăm sóc dịu dàng và những mối quan tâm dễ thương, nay bắt đầu rất vui vẻ trong mối quan hệ với cậu út Caillaud ấy, mối quan hệ được cả hai gia đình tán thành. Anh chàng Sylvinet tội nghiệp, vốn chỉ muốn độc chiếm tình cảm của người được mình y6u thương, rơi vào một tình trạng đau buồn khủng khiếp, một trạng thái não nuột khác thường, và đầu óc u uất tới mức người ta không còn biết làm gì cho cậu ta hài lòng. Cậu ta không bao giờ còn nhếch mép cười; không còn có hứng thú gì hết, không lao động được nữa, cứ yếu dần và kiệt sức. Cuối cùng, mọi người đâm lo cho tính mệnh cậu ta, vì cơn sốt hầu như không bao giờ dứt. Hễ sốt cao hơn thường ngày một ít, là cậu ta nói những câu làm đau lòng bố mẹ. Nào là mình không được ai yêu thương: trong lúc cậu ta bao giò cũng được chiều chuộng hơn tất cả trong gia đình. Nào là muốn chết, cho rằng mình chẳng dược ích lợi gì, rằng người ta nể nang mình là vì thương hại, mình ốm yếu, rằng mình là gánh nặng cho bố mẹ, và ân sủng lớn nhất Chúa lòng lành có thể ban cho họ, là làm sao cho họ thoát được cậu ta. Thỉnh thoảng, khi nghe những lời lẽ ít mang tinh thần cơ đố giáo như vậy, ông lão Barbeau nghiêm khắc quở trách con, nhưng chẳng giải quyết được gì hết. Vài lần khác, ông vừa khóc vừa thuyết phục con nhận rõ tình thương của ông. Thế là tình hình càng trở nên tồi tệ: Sylvinet khóc lóc, hối hận, xin lỗi bố, mẹ, em trai, toàn thể gia đình; và cơn sốt trở lại dữ dội hơn, sau khi để cho trái tim đau ốm yêu thương quá mức.

Gia đình lại đi hỏi thầy thuốc. Họ chẳng khuyên bảo được bao nhiêu. Qua thái độ của họ, người ta hiểu rằng hết thảy tai họa là do chuyện sinh đôi: nó phải giết chết một trong hai anh em, dĩ nhiên là người yếu đuối nhất. Người ta cũng tới hỏi ý kiến một bà thầy bói ở Clavières nổi tiếng nhất trong tổng, sau là lão Sagette đã qua đời, và bà lão Fadet giờ đây bắt đầu lẩn thẩn. Bà thầy bói bảo bà Barbeau:

- Chỉ có một cách cứu cậu con bà, ấy là cậu ta phải yêu đàn bà.

- Những chính nó không chịu được đàn bà - bà Babeau đáp - chưa bao giờ thấy có một chàng trai kiêu hãnh và ngoan ngoãn như thế. Và từ khi cậu em sinh đôi với nó bắt đầu có chuyện yêu đương, là nó chỉ một mực nói xấu những cô gái chúng tôi quen biết. Nó oán trách tất cả bọn họ về chuyện một người trong số họ (và tiếc rằng không phải là người tốt nhất) đã tước đoạt mất của nó - theo lời nó - trái tim của người em sinh đôi.

- Vậy thì - bà thầy bói, người có óc phán đoán mọi can bệnh của thể xác và tinh thần, bảo - khi nó có một cô gái, thì Sylvinet, con trai bà, sẽ yêu còn cuồng nhiệt hơn cả lúc yêu cậu em. Tôi xin báo trước với bà điều đó. Trái tim cậu ta quá tràn ngập tình cảm, và vì yêu thương cậu em sinh đôi, cậu ta hầu như quên giới tính của mình, và do vậy, vi phạm luật lệ của Chúa lòng lành là người đàn ông phải yêu thương một người đàn bà hơn cả bố mẹ, hơn cả anh chị em ruột. Nhưng bà yên tâm, không thể ít lâu nữa Tạo hóa không bảo cậu ta như vậy, dù cậu ta có lạc hậu trong ý nghĩ ấy tới đâu đi nữa; và người đàn bà cậu ta yêu thương, dù nghèo đói, xấu xí hay độc ác đến mấy, bà cũng đừng ngần ngại cưới cho cậu ta, vì xem ra, trong đời mình, cậu ta sẽ không yêu tới hai lần đâu. Trái tim cậu ta quá gắn bó với điều đó, và nếu cần có một sự thần diệu của Tạo hóa để cậu ta có thế xa rời chút ít cậu em sinh dôi, thì lại càng cần có một sự thần diệu kỳ vĩ hơn để cậu ta có thể xa rời người cậu ta có thể yêu thương sau này.

Ông lão Barbeau thấy ý kiến của bà thầy bói rất có lý và tìm cách cho Sylvinet tới những gia đình có các cô gái xinh đẹp và đứng đắn cần gả chồng. Nhưng dù đẹp trai và có giáo dục, vẻ thờ ơ và rầu rĩ của Sylvinet không làm trái tim các cô gái rung động. Họ không mảy may tỏ tình; còn cậu ta vốn rất nhút nhát, tưởng mình ghét họ do quá sợ họ. 

Ông lão Caillaud, vốn là người bạn thân và là một trong những người cố vấn tốt nhất của gia đình, bèn có một ý kiến khác:

- Tôi đã từng nói với ông bà rằng sự vắng mặt là thang thuốc tốt nhất. Ông bà nhìn Landry xem? Cậu ta yêu cô bé Fadette tới mức như điên như dại; thế nhưng, sau khi cô bé Fadette ra đi, cậu ta không mất trí khôn cũng như sức khoẻ, thậm chí ít buồn bã hơn trước kia. Chúng tôi quan sát, đã thấy hiện tượng ấy nhưng không rõ nguyên nhân. Hiện nay, cậu ta tỏ ra hết sức biết điều và phục tùng. Tình hình cũng có thể như vậy đối với Sylvinet nếu trong năm sáu tháng, cậu ta không hề gặp mặt cậu em. Tôi sẽ bàn với ông bà cách cách ly họ hết sức êm thấm. Trang trại của tôi ở Priche rất thịnh vượng; nhưng ngược lại, cơ nghiệp của tôi, về phía Arthon, thì ngày càng sa sút, vì đã gần một năm nay, người trông coi ấy bị ốm không khỏi. Tôi không muốn sa thải anh ta vốn là một con người tốt. Nhưng nếu có thể cử đến một người tử tế giúp đỡ, thì anh ta có thể bình phục dần, vì bị ốm chỉ là do quá mệt mỏi và quá dũng cảm mà thôi. Nếu ông bà đồng tình tôi sẽ cử Landry tới đấy từ nay đến hết vụ thu hoạch nho. Chúng ta sẽ cử cậu ta đi nhưng không nói với Sylvinet là Landry đi một thời gian dài; trái lại, chỉ nói là đi trong tám ngày thôi. Rồi sau tám ngày, lại bảo tám ngày khác, và cứ như thế cho tới khi cậu ta quen đi. Ông bà cứ theo lời tôi, chứ đừng chiều một đứa con ông bà đã quá chiều chuộng và để nó muốn làm gì thì làm trong gia đình.

Ông lão Barbeau có ý muốn nghe theo lời khuyên ấy, nhưng bà Barbeau thì rất sợ hãi. Bà sợ sẽ làm Sylvinet buồn và héo hon mà chết. Phải thương lượng với bà: bà muốn thử giữ Landry ở nhà mười lăm hôm để xem cậu anh, lúc nào cũng gặp cậu em, có khỏi hết bệnh không. Nếu trái lại, sức khỏe cậu ta ngày một kém sút, thì bà sẽ nghe theo ý kiến ông Caillaud.

Mọi việc dược thu xếp như vậy. Landry vui vẻ trở về Bessonnière trong một thời gian, lấy cớ là cần giúp bố đập hết chỗ lúa mỳ còn lại, vì Sylvinet yếu, không lao động được. Landry cố hết sức mình làm vui lòng cậu anh, luôn luôn gặp anh, ngủ chung giường với anh, chăm sóc anh như thể một đứa trẻ.

Ngày đầu tiên, Sylvinet hết sức vui vẻ; nhưng sang ngày thứ hai, cho rằng Landry buồn bực bên cạnh mình và Landry không sao làm cậu ta rời bỏ ý nghĩ ấy được. Ngày thứ ba, Sylvinet nổi giận khi thằng bé Cào cào tới gặp Landry mà cậu em thì không sao có can đảm đuổi nó về. Rốt cuộc, cuối một tuần, mọi người đành bó tay, vì Sylvinet ngày một thêm bất công, khó tính và ghen tị với cả chính hình bóng mình. Và người ta nghĩ tới chuyện thực hiện ý kiến của ông lão Caillaud.

Tuy không muốn đi Arthon sống giữa những người xa lạ, và vốn rất yêu mến vùng đất, công việc, gia đình mình và gia đình nhà chủ, Landry vẫn phục tùng.