Lưu thị chọn chút dưa đã ngả màu vàng nhạt để Đại Bảo và Nhị Bảo mang tới bên giếng múc nước rửa sạch.
Hiện giờ bốn thằng nhóc con đã học bơi thành thạo vì thế người lớn trong nhà cũng không quản nghiêm nữa.
Đương nhiên một thiếu niên đã 12-13 tuổi mà vẫn bò đến cạnh giếng nước nghịch thì chính hắn cũng sẽ thấy ngượng ngùng.
Đại Bảo xách một thùng nước nhỏ, Nhị Bảo thì bưng rổ dưa chuột, Nữu Nữu ôm cái bình đi theo phía sau anh trai.
Trong bình là con châu chấu bằng trúc, Nữu Nữu bướng bỉnh một hai muốn ôm bình tới bên giếng đổ nước vào bình.
Lưu thị không lay chuyển được nàng thì chỉ cười mắng một câu: “Đồ bướng bỉnh!” sau đó để mặc nàng đi.
Ba người đến cạnh giếng nước ở thôn tây thì vừa lúc Nha Nha cũng đang ở đó rửa rau.
Nữu Nữu vui vẻ đi qua đưa cái bình có đựng con châu chấu bằng trúc cho Nha Nha xem.
Nha Nha vừa thấy đã nói: “Đản Đản cũng có một con châu chấu thế này, giữa trưa nay hắn nháo nhào lên đòi ông nội bện cho hắn! Cái này là tam gia bện cho muội à?”
Nữu Nữu cười khanh khách thừa nhận: “Nha Nha tỷ, đây là Đản Đản đưa cho muội đó! Ông nội muội có biết bện đâu!”
Nha Nha cười nói: “Tam gia đan sọt tre tốt thế mà lại không biết bện cái thứ đồ chơi này ư?”
“Đúng vậy, đúng vậy, muội cũng thấy kỳ quái nhưng ông nội quả thực không biết bện!” Nữu Nữu đáp.
“Nếu Đản Đản cho muội thì muội cầm mà chơi!” Nha Nha nói.
“Nha Nha tỷ có muốn ăn dưa chuột không? Muội lấy cho tỷ một quả, vừa giòn vừa ngọt!” Nữu Nữu nói.
“Được, chờ ta rửa rau xong lại ăn!” Nha Nha cười đáp.
Lúc này Đại Bảo đã múc được một thùng nước thế là Nhị Bảo bưng rổ dưa tới.
Hai anh em nghiêm túc rửa dưa chuột, còn Nữu Nữu thì thò qua lấy nước giếng rửa rửa mu bàn tay.
Chỗ dính nước dưa chuột sờ lên quả nhiên khác những chỗ còn lại thế là nàng vui vẻ nói với anh trai: “Đại ca, nhị ca, các huynh mau sờ sờ xem! Cảm giác thật sự không giống nhau!”
Đại Bảo và Nhị Bảo vươn ngón trỏ quệt quệt vài cái trên mu bàn tay Nữu Nữu và đồng thanh nói: “Không thấy khác gì!”
Nữu Nữu thất vọng chạy tới khoe với Nha Nha.
Tiểu cô nương lúc nào cũng thích đẹp, mà da Nha Nha lại thiên về màu lúa mạch nên nàng cũng muốn bản thân trắng hơn một chút.
Hai người thì thầm to nhỏ, mãi tới khi Đại Bảo và Nhị Bảo gọi thì Nữu Nữu mới chạy tới chọn một quả dưa đưa cho Nha Nha.
Trên đường về nhà Nữu Nữu nhớ ra đã quên mất cái bình đựng con châu chấu và muốn chạy về lấy nhưng Đại Bảo không cho mà để nàng ở lại đợi với Nhị Bảo còn hắn sẽ quay lại lấy bình.
Đây là lý do Nữu Nữu thích ra ngoài với anh trai nhất vì nàng chẳng cần phải làm gì cả.
Chờ Đại Bảo thu lại cái bình rồi thì anh em ba người mới tiếp tục đi về nhà.
Từ xa bọn họ thấy Tam Bảo đang chạy đuổi theo Hoàng Hoàng như bay.
Tam Bảo chạy không lại Hoàng Hoàng nên nhanh chóng bị ném lại một khoảng xa.
Hoàng Hoàng quay đầu nhìn thấy hắn bị bỏ lại thì cũng dừng bước và thè lưỡi dài ra thở hồng hộc.
Chờ Tam Bảo chạy tới nơi nó mới quay đầu chạy tiếp.
Đại Bảo nói với Nhị Bảo: “Xem ra vẫn là Tam Bảo hiểu Hoàng Hoàng, nó căn bản không phải già rồi mà là quá béo, quá lười!”
Nhị Bảo cười gật đầu.
Lúc ăn cơm chiều Tam Bảo cảm giác còn mệt hơn cái kẻ đi gánh phân cả ngày.
Cái tay cầm bánh ngô của hắn run rẩy cực kỳ khoa trương, miệng hắn thì tuyên bố với người nhà: “Từ ngày mai trở đi tự cháu sẽ cho Hoàng Hoàng ăn, phải giảm khẩu phần của nó lại.
Cháu còn muốn tự mình mang theo nó chạy vòng quanh thôn vài vòng.”
Lý thị cười nói: “Vượng Tài là do con đón về, đương nhiên là phải do con quản!”
Tam Bảo trợn trắng mắt nói: “Bà nội, Hoàng Hoàng như vậy bà phải chịu toàn bộ trách nhiệm.
Mỗi ngày bà cho nó ăn toàn khoai lang đỏ thẫm nên nó càng lớn càng béo, càng lười.
Bà nhìn meo meo đi, nó cuộn người một cái là thành quả bóng, trước kia nó có thể sinh 6, con mèo con nhưng giờ nó sinh được có ba con, đây đích thị là vì quá béo!”
Lưu thị trừng mắt nhìn Tam Bảo một cái ý bảo hắn phải chú ý giọng điệu khi nói chuyện với người lớn.
Lý thị cũng trợn trắng mắt nói: “Bí đỏ và khoai lang đỏ còn có thể nuôi Đại Hoa và Hoàng Hoàng béo như thế còn bây ăn bao nhiêu thịt mà không béo ra được tí nào là sao? Còn dám nói bà nội nữa!”
Lưu thị bất đắc dĩ nhìn nhìn Trường Phú thế là Trường Phú cười cười ý bảo: Kệ đi, mau ăn cơm!
Đào Tam gia chịu không nổi lập tức gõ tẩu thuốc lên bàn, “Một kẻ không kính trên, một người không nhường dưới! Còn không mau ăn cơm đi!”
Lý thị và Tam Bảo vẫn âm thầm trợn trắng mắt sau đó im lặng ăn bánh bột ngô.
Nữu Nữu căn bản không chịu ảnh hưởng mà vẫn quy củ ngồi trên ghế, muốn ăn cái gì thì gắp cái đó, thoạt nhìn vừa văn nhã lại hào phóng!
Sau khi ăn xong lao động chính trong nhà Đào Tam gia đều xuống ruộng bận việc.
Chờ mạ ngoài ruộng cao bằng cái đũa thì cũng tới lúc thu hoạch lúa mạch.
Người một nhà đông nên thu hoạch lần này cũng không mệt, cứ thế một hơi cắt xong hơn phân nửa.
Hôm nay mùng năm tháng năm Đào Tam gia sớm mang theo con cháu cắt một mảnh lúa mạch sau đó mới về nhà ăn cơm sáng.
Cơm sáng xong ông cũng không sắp xếp thu hoạch tiếp mà tính toán nghỉ tạm một ngày ăn xong tết Đoan Ngọ.
Lý thị vẫn ra ruộng rau hái hai quả bí đỏ về chuẩn bị làm bánh bao bí đỏ thịt khô như năm vừa rồi.
Lưu thị ở trong bếp vội vàng nhồi bột.
Trương thị mới mang thai hơn hai tháng nên bụng chưa lộ rõ, nàng ấy ngồi trong sân lột tỏi.
Lúc này nghe thấy tiếng lừa hí thế là nàng lập tức ngẩng đầu lên thấy Vương Thuận mang theo mấy bao giấy dầu đứng ngoài rào tre buộc lừa!
Trương thị nhanh chóng gọi Nữu Nữu và Tứ Bảo đang hái hành ở trong vườn: “Nữu Nữu, Thuận thúc của cháu tới kìa, mau đi gọi ông nội đi?” Sau đó nàng quay qua chào hỏi Vương Thuận: “Vương Thuận huynh đệ, mau vào ngồi đi! Tứ Bảo, mau mang cái ghế ra đây cho Thuận thúc ngồi!”
Tứ Bảo đưa hành trong tay cho Nữu Nữu rồi nhanh chóng đi lấy ghế.
Nữu Nữu thì cầm hành tới hậu viện gọi Đào Tam gia.
Lúc này ông đang sửa chuồng gà, có mấy thanh trúc bị lệch khiến gà chui ra ngoài.
Nghe nói có khách tới thế là Đào Tam gia nhanh chóng rửa tay đi tới sân trước.
Nữu Nữu thấy trên bếp vừa lúc có nước sôi thì pha một ấm trà và mang ra ngoài.
Đào Tam gia đón Vương Thuận vào chính phòng thế là Nữu Nữu cũng mang theo ấm trà vào đó nói, “Thuận thúc uống trà nhé!” Nói xong nàng rót một chén trà đưa qua sau đó lại rót chén khác đưa cho ông nội.
“Nữu Nữu! Đi tìm xem Đại Bảo và Nhị Bảo chạy đi đâu rồi?” Đào Tam gia nói.
Nữu Nữu vâng một tiếng rồi đi ra ngoài.
Vương Thuận vui tươi hớn hở nói với Đào Tam gia: “Tam thúc, cháu mang cho thúc ít tin tức tốt.
Việc thúc nhờ cháu hỏi lần trước đã có chuyển biến rồi!”
Đào Tam gia cười nói: “Vậy ta phải cảm tạ cháu thật tốt mới được! Cháu giúp ta một việc lớn như thế.”
Vương Thuận nói: “Tam thúc, trước ngài cứ nghe cháu nói đã rồi nghĩ kỹ sau.
Nếu thích hợp thì lần họp chợ sau ngài mang hai đứa nhỏ lên trấn trên tìm cháu.”
Đào Tam gia gật đầu nói: “Vậy cháu nói đi xem sao.”
“Thúc đã nghe nói về Duyệt Lai Phạn Quán ở trấn trên rồi đúng không? Hiện tại việc làm ăn ở đó ngày một thịnh vượng, nhưng Vương trướng phòng trong tiệm lại ngày một già yếu, thân thể không còn được tốt như trước.
Phan chưởng quầy muốn mời một tiên sinh trướng phòng khác giúp ông ấy chia sẻ gánh nặng nhưng đã mời vài người đều cảm thấy không thích hợp.
Tam thúc cũng biết mỗi một vị tiên sinh trướng phòng đều có thủ đoạn riêng, Phan chưởng quầy và Vương trướng phòng làm việc nhiều năm nên đã sớm quen thuộc lẫn nhau.
Lúc này có một người khác chen vào khiến hai người họ quả thực không thích ứng được.
Lúc nghe thấy tin này cháu đã tới gặp Phan chưởng quầy nói ra ý tưởng của mình, muốn đề cử một đứa nhỏ có thể tính toán, có thể viết làm học trò của Vương trướng phòng.” Vương Thuận nói xong thì uống một ngụm trà.
Đào Tam gia hỏi: “Phan chưởng quầy nói như thế nào?”
“Lúc ấy Phan chưởng quầy không nói gì, chỉ nói là sẽ suy nghĩ nhưng mãi không thấy có hồi âm.
Sau đó cháu nghe nói ông ấy lại mời một vị tiên sinh khác nên cháu nghĩ chắc không được rồi.
Nhưng ai biết mới qua mấy ngày Phan chưởng quầy lại tới tìm cháu nói là muốn gặp đứa nhỏ cháu định tiến cử.” Vương Thuận nói, “Lúc ấy cháu vui vẻ lôi kéo ông ấy ngồi xuống rồi kể Đại Bảo tính toán sổ sách giỏi thế nào, lại hiểu chuyện lễ phép như thế nào! Phan chưởng quầy cũng là người rõ ràng, ông ấy nhẫn nại nghe xong vẫn kiên trì muốn đứa nhỏ tới Duyệt Lai Phạn Quán xem qua đã, lại để Vương trướng phòng kiểm tra một lần!”
Đào Tam gia gật đầu, với Đại Bảo ông vẫn có tin tưởng lớn vì thế hỏi tiếp: “Thật là làm phiền cháu rồi.
Thế không biết chuyện của Nhị Bảo thì thế nào?”
Vương Thuận cười tủm tỉm nói: “Nhị Bảo thì thúc cứ yên tâm đi, vừa lúc cháu có quen một người bạn có thân thích mở y quán, chính là Hồ thị y quán có tiếng ở trấn trên.
Hồ lang trung y thuật cao minh, mỗi ngày người tới tìm ông ấy xem bệnh nối liền không dứt.
Chẳng qua Hồ lang trung đã tìm mấy học đồ mà tụi nó đều không chịu được khổ.
Nếu Nhị Bảo có thể chịu được cực nhọc này vậy có thể thử một lần, qua ba năm sẽ được Hồ lang trung đích thân truyền thụ kiến thức, sau đó có thể tự lập môn hộ, tự đảm đương!”
Đào Tam gia gật đầu và hỏi tiếp về việc ăn ở.
Vương Thuận lại đáp: “Chỗ y quán có bao ăn ở, mỗi tháng sẽ có một chút tiền công, nhưng học đồ cũng không được trả nhiều lắm.
Cụ thể nhiều ít thế nào thì phải gặp gỡ Hồ lang trung rồi qua khảo nghiệm thì mới hỏi được.
Còn tiểu nhị của khách điếm Duyệt Lai chắc chắn là được bao ăn ở, nếu muốn đi theo Vương trướng phòng thì đương nhiên phải được ăn ở tại chỗ.”.