Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 69: 69: Trừ Tịch 1

Trừ tịch.
Người của Đào gia thôn đều dậy sớm, người lớn thì bận việc, trẻ con thì mong tết nên không ngủ được.
Lý thị kéo từ trên giá xuống ít thịt khô và lạp xưởng dùng trong lúc ăn tết.


Bà mang mấy thứ này đi hầm, chỉ một lát lạp xưởng đã chín và có thể lấy ra cho nguội, tiếp theo là đậu phụ khô.
Chờ đậu phụ cũng chín lại dùng đũa cắm vào miếng thịt khô nếu xuyên qua được thì chính là đã chín.


Mấy thứ này chín rồi sẽ được vớt ra bỏ vào âu, dùng nước ấm tẩy bớt mỡ rồi bỏ vào chạn bếp.
Mấy ngày tết bọn họ không nấu thịt, muốn ăn thì thái từ chỗ này ra coi như bớt việc.


Trong nồi có một tầng mỡ thật dày, cho thêm đậu đũa, củ cải hầm lên là có một nồi thức ăn cho bữa sáng.
Cơm sáng ngày trừ tịch vẫn giống ngày thường, có cháo ngũ cốc thơm nồng ăn với củ cải và đậu đũa hầm mang mùi thịt khô.


Bọn nhỏ ngóng trông bữa tiệc lớn giữa trưa nên tâm ngứa ngáy khó nhịn, căn bản không ăn được cơm sáng.
Lý thị chỉ vào bốn cái bảo và trịnh trọng nói: “Nếu ai không ăn đủ hai bát cháo thì cũng đừng mong cơm trưa nữa!”


Bốn cái bảo chỉ đành phải đếm từng hạt gạo trong bát, mất thời gian gấp đôi ngày thường để ăn xong cơm sáng theo quy định của Lý thị.
Sau khi ăn xong Lý thị và con dâu lập tức vội vàng làm cơm cho buổi trưa.


Đào gia thôn có tập tục vào ngày trừ tịch cơm trưa sẽ cực kỳ phong phú, tới tối uống rượu đoàn viên, ăn thịt khô, đêm đón giao thừa thì ăn sủi cảo.
Mười cân thịt heo Đào Tam gia mua thì có hai cân tặng cho lão sư, còn lại tám cân một nửa băm làm thịt viên, một nửa cắt lát tẩm bột chiên giòn.


Cả hai món này đều cần trứng gà và bột khoai lang, vì thế Lý thị dứt khoát dọn bình đựng bột khoai lang vào nhà bếp.
Dầu hạt cải trong vại cũng mới ép, Lý thị đổ non nửa vào trong nồi lại dặn Trương thị đốt lửa to lên.
Lúc làm món chiên rán lửa phải lớn mới được.


Lưu thị ở bên cạnh nặn viên thịt bỏ vào nồi rán, Lý thị thì cầm rổ trúc không ngừng lật thịt viên, đợi vỏ ngoài chuyển màu vàng là vớt ra để ráo dầu.
Mẹ chồng nàng dâu phối hợp ăn ý, rất nhanh đã làm xong một âu thịt viên, một âu thịt tẩm bột chiên giòn, một âu đậu phụ chiên.


Lúc này Lý thị mới để Trương thị tắt lửa bếp.
Lưu thị nhắc nhở Lý thị: “Nương, còn đậu phộng cũng phải rang đúng không? Chúng ta cũng làm ít quẩy, nếu trong tết có trẻ con tới cửa thì phải có cái chiêu đãi chứ.”
“Ấy, tí thì ta quên mất.


Vợ Trường Quý đừng dập lửa vội, mau tới kho lúa lấy đậu phộng tới đây.” Lý thị thật sự suýt thì quên mất chuyện rang lạc với gạo làm đồ ăn vặt.
Trương thị nhanh chóng đứng dậy tới kho lúa lấy đậu phộng, Lưu thị cũng vội vàng nhồi bột chuẩn bị làm ít quẩy.


Lưu thị vừa nhồi bột vừa nói: “Nương, thịt ba chỉ bọc trứng gà và bột khoai lang đỏ chiên lên thơm thật đó, chúng ta cũng có thể dựa theo cách đó chiên đậu phộng nếm thử, vừa lúc trong âu còn thừa chút trứng gà quấy bột khoai lang chưa dùng hết.”


Lý thị nhìn nhìn hỗn hợp còn lại thì lập tức tán thành: “Cách này hay đó, để làm thử ăn xem sao, nếu ngon lại làm nhiều chút.”
Trương thị cầm đậu phộng tới vừa lúc nghe thấy đề nghị của Lưu thị thì cũng khen hay và kích động chạy đi nhóm lửa.


Lý thị rửa sạch đậu phộng bỏ một ít vào bọc với trứng gà và bột khoai lang sau đó bỏ vào nồi rán lên, vỏ ngoài xốp giòn, quả thực ăn ngon.


Vì thế Lý thị vui vẻ chia đậu phộng làm hai phần, một phần bọc bột rán gọi là đậu phộng chiên, giống thịt chiên! Còn một phần kia vẫn rang như bình thường, cho thêm chút muối là xong.
Đại Bảo lại kéo mấy cái đuôi thò vào trong bếp, Lý thị cho mỗi đứa một nắm đậu phộng chiên.


Cả đám chưa ăn cái này bao giờ nhưng ăn xong đều cười tủm tỉm nói ăn ngon.
Ăn xong tụi nó định xin thêm nhưng Lý thị không cho, nói là ăn no đậu phộng tới trưa không ăn được cơm thế là cả đám lại hậm hực đi ra.


Lúc này, cái kẻ mới vừa thành thân mấy ngày là Vĩnh Thịnh mang theo la hưng phấn đi gõ khắp nơi thông báo: Đêm nay giờ Dậu một khắc mọi người đúng giờ đến từ đường liên hoan, đồ nhắm rượu tự chuẩn bị, cơm tẻ trong tộc cung cấp.
Vĩnh Thịnh thông báo xong cho Đào Tam gia lại qua nhà Đào Ngũ gia thông báo.


Vĩnh Thịnh và Trường Chính mới cưới vợ không lâu thế là hai tên anh em này vội kéo nhau ra một chỗ vắng và thần bí giao lưu một lúc mới ai về nhà nấy, mặt đều đỏ lựng lên.
Lúc Vĩnh Thịnh đi ngang qua cổng nhà Đào Tam gia lại bị mấy cái bảo nhảy ra dọa rơi cả la trong tay.


Đại Bảo hỏi: “Vĩnh Thịnh ca, sao mặt huynh đỏ thế?”
Vĩnh Thịnh ấp úng vài câu sau đó tẩu thoát.
Mấy đứa nhỏ nghi hoặc nhìn chằm chằm hắn, Tam Bảo lẩm bẩm nói: “Chắc chắn là Vĩnh Thịnh ca trộm trứng gà của nhà Ngũ nãi nãi rồi!”


Đại Bảo lại không tin, nhưng cũng nghĩ không ra nguyên nhân gì khác nên hắn cũng lười đoán.
Vừa lúc Đào Tam gia bưng một bát hồ nhão đi ra dán câu đối nên bọn nhỏ lập tức bu tới vây quanh ông nội hóng hớt.


Trường Phú quát: “Bu lại làm gì? Mau tránh ra tí đi, ông nội mấy đứa còn không mở được câu đối ra kia kìa.”
Đào Tam gia vừa hừ hừ hát vừa mở câu đối trong tay ra quét hồ lên đó rồi cùng Trường Phú mỗi người cầm một đầu đứng bên khung cửa khua tay múa chân.


Trường Quý đứng ở xa quan sát xem câu đối đã chỉnh chưa, một khi lệch hắn nhanh chóng chỉ ra tới khi câu đối thẳng mới thôi.
Đào Tam gia sẽ dùng tay nhẹ vuốt phẳng câu đối dán lên cửa.
Bọn nhỏ cũng bắt chước và đứng ở chỗ Trường Quý bắt đầu chỉ vớ chỉ vẩn.


Vừa nói bên trái cao tụi nó đã sửa miệng bảo bên phải cao, Đào Tam gia tức thổi râu bảo Trường Quý đuổi mấy con khỉ con đi không cho quấy rối.
Trường Quý cũng chiều con chiều cháu nên chỉ cười và mặc kệ, chẳng qua hắn cao giọng hơn để Đào Tam gia lấy ý kiến của mình làm chuẩn.


Bảy cái cửa của tiền viện đều được dán câu đối xuân, Đại Bảo và Nhị Bảo biết một ít chữ nên có thể đọc được.
Đại Bảo chỉ một vế trên đọc: “Tiếng pháo ngàn thanh tiễn năm cũ”, Nhị Bảo sẽ đọc nửa vế dưới: “Hoa mai một đóa đón xuân sang”.


Tam Bảo hưng phấn chỉ vào một câu đối và reo lên: “Đại! Đại! Cháu biết chữ này, đây là chữ đại!”
Đào Tam gia cười nói: “Hoành phi có bốn chữ mà con chỉ biết có một chữ “đại” thôi hả, thế ba chữ còn lại là gì?”


Tam Bảo vò đầu nói: “Ông nội, chờ qua năm vào học đường cháu sẽ biết nhiều chữ hơn!”
Đào Tam gia cười gật đầu, “Đại Bảo, con nói cho Tam Bảo xem mấy chữ này đọc thế nào?”
“Năm thìn đại cát!” Đại Bảo thì thầm.
Tam Bảo vỗ tay, reo lên: “Cháu biết, sang năm là năm thìn!”


Nói xong hắn làm động tác con khỉ vò đầu thế là Đào Tam gia cười mắng: “Năm thìn mà con học con khỉ làm gì?”
Tam Bảo nói năng hùng hồn đầy lý lẽ: “Cháu chưa thấy rồng bao giờ, mới chỉ thấy con khỉ!”
Tứ Bảo cũng đi theo học con khỉ nhỏ vò đầu.


Đào Tam gia thấy thế thì cười lớn rồi mang theo con trai tới hậu viện dán câu đối, trên chuồng heo không cần câu đối, chỉ cần dán “Lục súc thịnh vượng” là được.
Dán xong câu đối xuân thì cơm trưa cũng xong, đây là bữa cơm phong phú nhất trong một năm.


Trước khi dùng cơm người của Đào gia thôn có tập tục tế tổ, không khác tiết Thanh Minh là mấy.
Các nhà đều bưng theo một ít thức ăn mang tới trước mộ tổ tiên nhà mình tế bái.
Đào Tam gia dùng cái rổ nhỏ bưng một đĩa thịt khô, một đĩa lạp xưởng và xương sườn.


Trường Phú cầm một bánh pháo, Trường Quý mang nến thơm và tiền giấy, Nữu Nữu quá nhỏ nên bị Lưu thị giữ ở nhà còn bốn cái bảo đều đi theo viếng mộ.


(Hãy đọc thử truyện Sau khi mất nước ta gả cho kẻ chân đất của trang Rừng Hổ Phách) Đào Tam gia đặt tế phẩm lên rồi dâng hương và cùng con cháu dập đầu, hóa vàng mã chờ tổ tiên hưởng cơm canh rồi mới đốt pháo.


Tiếng pháo vang lên bùm bùm khắp nơi, ngày thường nghĩa địa âm u tĩnh lặng nhưng hôm nay cũng coi như náo nhiệt.
Người sống tới cuối năm cũng không quên người đã khuất, sau khi tế tổ xong mọi người sẽ mang lễ về nhà.


Tế phẩm mang về sẽ được chia cho mọi người trong nhà ăn, người của Đào gia thôn tin những tế phẩm này mang theo chúc phúc của người đã khuất nên người nhà ăn xong sẽ được tổ tiên phù hộ, thân thể khỏe mạnh, bệnh tật tiêu tai.
Trong nhà Lý thị và con dâu đã dọn đầy bàn đồ ăn và rượu.


Một bát thịt viên, một bát thịt rán, một bát đậu phụ chiên, một đĩa thịt xông khói, một đĩa thịt khô, một đĩa xương sườn khô, một đĩa lạp xưởng, một đĩa đậu phụ khô, một đĩa đậu phộng tẩm bột rán, một âu canh gà hầm nấm, một nồi cơm khô, một bầu rượu và mười một chén rượu nhỏ.


Một bữa cơm này gần như đều là món ăn mặn, để khao một năm gian khổ, cũng là kỳ vọng với năm sau.
Đào Tam gia tự mình cầm bầu rượu rót cho hai đứa con trai, vợ và hai đứa con dâu, còn bọn nhỏ chỉ uống nước trà.


Ông bưng chén rượu trịnh trọng nói: “Đây là một ngày cuối cùng của năm mão, từ ngày mai chính là một năm mới.


Năm nay nhà ta cần cù lao động, đổi lấy một bàn đầy thức ăn và rượu này, mặc kệ năm sau mùa màng thế nào ta tin tưởng chỉ cần gia đình an ổn là vạn sự sẽ hưng thịnh, chỉ cần chúng ta đoàn kết là ngày tháng sẽ càng tốt hơn!” Đào Tam gia lại nhìn mấy đứa nhỏ và nói: “Sang năm Tam Bảo cũng sẽ vào học đường, có thể đọc sách biết chữ là may mắn trong đời này, bao nhiêu người muốn có cơ hội mà không được.


Nếu đã có cơ hội này thì các con phải biết quý trọng, ông không cầu các con phải gia quan tiến tước, chỉ nguyện các con hiểu rõ lý lẽ, biết tiến biết lùi!”


Đào Tam gia nói xong lại nhìn mấy đứa nhỏ cái hiểu cái không và cười nói: “Mỗi năm đều là những lời này, nghe cũng phiền, thôi cả nhà cạn chén!”.