Vài trăm trang sách chỉ có thể phác họa trong chừng mực nào đó bề mặt những khó khăn của một thời bao cấp. Những bài viết, những câu chuyện chưa kể hết nỗi cơ cực, gian truân đè nặng lên toàn xã hội trong những năm tháng đó. Nhưng dường như có ai đó muốn phơi bày một định kiến rằng có một lớp người được ưu đãi bởi chế độ A1, A, B, C đã bảo vệ và duy trì cơ chế bao cấp trong một thời gian quá dài.
Người viết bài này cũng có những năm tháng được tiêu chuẩn C, rồi B và cả tiêu chuẩn A, dẫu chưa phải là A1, cũng có thể xếp vào tầng lớp được ưu đãi trong thời bao cấp. Nhưng cũng nhờ vậy mà biết một phần nào căn nguyên của chế độ bao cấp, hơn nữa lại được theo dõi cuộc đấu tranh gian khổ của chính những người được hưởng chế độ A1 đẩy lui từng bước, tiến tới chiến thắng tư duy và cơ chế bao cấp.
Trước hết phải thừa nhận rằng chế độ bao cấp bắt nguồn từ một ý tưởng cao đẹp mong cho tất cả mọi người đều có cơm ăn áo mặc, được học hành và được chăm lo sức khỏe. Người ta mang hoài bão bằng một lực lượng vật chất nghèo nàn vừa có thể tập trung công sức để xây dựng và bảo vệ đất nước, vừa dần dần cải thiện đời sống cho nhân dân. Chế độ bao cấp được hình thành từ ý tưởng cao đẹp đó và nó đã phát huy tác dụng, thực sự thành công trong thời kỳ chúng ta tập trung sức người sức của cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Đất nước thống nhất, kẻ thù bị đánh bại, cũng với ý tưởng cao đẹp đó người ta lại nuôi hy vọng trong một thời gian không quá dài thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế, xây dựng một đất nước độc lập, giàu mạnh, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Ước vọng đó càng được nuôi dưỡng bởi hào quang chiến thắng, khí thế dời non, lấp biển của những ngày sau mùa xuân năm 1975 và cả năm 1976 tươi đẹp.
Thực tế phũ phàng, 2 tỷ đôla được viện trợ mỗi năm không còn, dự trữ nhà nước không đủ nuôi sống đất nước vài tuần, nhiều năm liền mất mùa liên tiếp. Suốt những năm chiến tranh, hai miền Nam Bắc nhận không dưới một triệu tấn lương thực viện trợ mỗi năm nay không còn. Và 30 năm chiến tranh giải phóng vừa kết thúc thì cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước ở hai đầu biên giới không dưới 10 năm, lại bắt đầu. Khó khăn chồng chất!
Nhớ mãi những dòng chứa chan tình người của một đồng nghiệp nữ nước ngoài trong một bài viết về Việt Nam năm 1979: “Người Việt Nam thiếu cả gạo và bột mỳ đang phải siết chặt thắt lưng, ép cái dạ dày lép kẹp của mình để đem những tấn gạo cuối cùng giúp nhân dân nước láng giềng vượt qua nạn diệt chủng”.
Giữa tháng 4/1978, anh Nguyễn Duy Trinh phải thay mặt Ban Bí thư điện yêu cầu các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Hà Bắc nỗ lực cung ứng lương thực cho Hà Nội, sao sớm có được một nửa khẩu phần gạo hoặc tối thiểu được khoảng 40% gạo trong khẩu phần lương thực. Điện nói rõ tháng 3/1978, Thủ đô chỉ được 30% gạo trong khẩu phần lương thực và sang tháng 4/1978 dân Hà Nội sẽ không còn được như tháng 3, trong khi các thực phẩm thông thường như rau, đậu phụ, mỡ, cá cũng không đủ để bán theo tem phiếu.
Nhớ lại thời kỳ đó, tình hình thành phố Hồ Chí Minh cũng không hơn bao nhiêu. Nhiều anh em thúc giục tôi bay ra Hà Nội phản ánh tình hình với các đồng chí lãnh đạo cao cấp. Ra Hà Nội lại càng thấy khó, nói gì nữa và nói với ai. Anh Đổng Ngạc biết chuyện, gọi lên gặp anh Ba. Không ít lần tôi báo cáo thông tin với đồng chí Tổng Bí thư, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy anh Ba ngồi yên, nghe mà như không nghe, không hỏi lại mà cũng không ngắt lời. Cảm thấy không nên nói thêm, tôi rút lại: Ra Hà Nội thấy tình hình cũng không dễ dàng và chắc chắn Trung ương đã có đầy đủ thông tin, tôi chỉ muốn được nghe ý kiến của anh. Anh Ba đứng dậy. Anh nói nhẹ nhàng mà tôi chưa bao giờ thấy: “Thế anh bảo Trung ương phải làm gì đây, tôi phải làm gì đây! Các đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm bên Đảng và bên Chính phủ đều có mặt tại chỗ. Khó khăn thì phải tìm cách tháo gỡ, ngồi mà kêu cực, trông chờ ai cứu mình”. Anh trở lại cách nói thường ngày, cao giọng và nhanh, phân tích gọn tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, tình hình một bộ phận cán bộ quan liêu, biến chất, tiêu cực, nhũng nhiễu gây phiền hà cho dân. Rồi anh bảo tôi: Trở lại ngay trong đó, trách nhiệm của anh là phải nắm thông tin tình hình biên giới Tây Nam. Còn các vấn đề lương thực, đời sống ta sẽ có cách tháo gỡ dần. Nhưng nhớ nhé, chừng nào chưa có 21 triệu tấn gạo, 1 triệu tấn thủy sản và nửa triệu hécta cao su, chưa có 500 triệu rúp - đôla xuất khẩu thì chừng đó còn chưa yên.
Như vậy đó, tình hình những năm 1977-1978 đè nặng tâm trí của lớp người thuộc tiêu chuẩn A1. Dẫu họ chưa quá già yếu, mỗi bữa cũng chỉ ăn nổi lưng chén cơm hoặc một tô cháo. Mãi nhiều năm sau này tôi vẫn chịu ám ảnh bởi các con số 21 triệu tấn gạo, 1 triệu tấn thủy sản và 500 triệu rúp - đôla xuất khẩu, những ước mơ thật quá nhỏ bé của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thời đó.
Trở lại miền Nam, theo anh Năm Trường Chinh đi tới các điểm “vượt rào”, người ta thấy nhà lãnh đạo vốn được coi là nhà lý luận có tính nguyên tắc cao, nghiêm túc và chặt chẽ lại lắng nghe với thái độ đồng tình, khuyến khích. Anh Năm trực tiếp xem và nghe một “chuyên gia thử gạo”, bằng mắt và tay mà xác định chính xác chất lượng gạo. Anh hoàn toàn tán thành đề xuất trả mức lương cao gấp mấy chục lần so với mức mà đơn vị đang trả cho chuyên gia đó.
Tại 155 Hiền Vương mà nay là 155 Võ Thị Sáu diễn ra một cuộc Hội thảo về “Bù giá vào lương” do anh Chín Cần thuyết trình (được anh Năm Trường Chinh bật đèn xanh). Anh Tố Hữu còn phải dặn: “Không được làm rầm rộ, mà nhớ chưa viết, chưa nói công khai khi tập thể Bộ Chính trị và Trung ương chưa có quyết định chính thức”.
Rõ ràng là từ nhu cầu của đời sống xã hội, lợi ích thiết thực của nhân dân cả ở nông thôn và thành phố, mới có tình hình nông nghiệp miền Bắc “làm chui”, thành thị miền Nam “vượt rào”. Nhưng mỗi điểm “làm chui” và “vượt rào” đều có đèn xanh của những A1, vì vậy mới có Khoán 100, Khoán 10 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6.
Tháng 8/1979, giữa lúc đang phải tập trung lực lượng giúp bạn Campuchia, Trung ương khóa IV mở Hội nghị lần thứ 6. Tuy nội dung Hội nghị chỉ bàn về tình hình và nhiệm vụ, phương hướng phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương, nhưng Trung ương đã thẳng thắn phê phán việc xây dựng kế hoạch không xuất phát từ thực tiễn, còn tập trung quan lieu, chưa kết hợp được kế hoạch với thị trường, chính sách cụ thể thì gò bó, cứng nhắc không khuyến khích sản xuất phát triển, quản lý nặng về hành chính, quan liêu, bao cấp, không đảm bảo quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các ngành, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, không chú ý vận dụng các quy luật kinh tế!
Từ đó, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa IV) quyết định đổi mới công tác kế hoạch hóa, xóa bỏ những chính sách, quy định bất hợp lý, mở rộng quyền chủ động của các ngành, địa phương và cơ sở (cả quốc doanh, tập thể và cá thể), trong sản xuất, kinh doanh nhằm làm cho sản xuất "bung ra" để có thêm nhiều hàng hóa cho xã hội. Như vậy là từ năm 1979, Đảng ta đã có quyết định đầu tiên về đổi mới, đã phê phán cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp và cho phép “bung ra” trong sản xuất, kinh doanh
Thời điểm đó, chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ càng siết chặt, những định chế của Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) ngày càng chặt chẽ, điều đó có nghĩa là sự hỗ trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em không còn như trước. Và cũng năm 1979, Bộ Chính trị đã phải có không ít quyết định về tăng cường lực lượng vũ trang, lập Quân khu thủ đô, thành lập thêm Quân đoàn 5 ở Quân khu I, Quân đoàn 8 ở Quân khu II, quân sự hóa cảng Hải Phòng…
Tuy nhiên, tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 đã tạo không khí cởi mở giảm bớt được một số khó khăn cho các cấp, các ngành và cơ sở.
Nhân nói vì sao tại Hội nghị toàn ngành ở Đà Nẵng năm 1983, lãnh đạo TTXVN khẳng định về cơ bản đã thực hiện hạch toán kinh tế toàn phần và tạo tiền đề cho phương án xây dựng hãng thông tấn báo chí phi chính phủ bên cạnh hãng thông tấn thông tin nhà nước. Tái hiện “hai trong một”, trong thời kỳ chiến tranh (VNTTX và TTXGP là “hai trong một”). Dự án xây dựng thêm hãng thông tấn báo chí đối ngoại phi chính phủ để lại có “hai trong một" (VNA và Vinapress) trong thời bình.
Bước phát triển mới của TTXVN từ cuối những năm 1978-1979 cũng thoát thai từ sự “vượt rào”, từ “bung ra” theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6, từ sự ủng hộ chính thức (và không chính thức) của nhiều đồng chí A1. TTXVN đã được phép thành lập nhiều doanh nghiệp: ảnh, in, giấy, sản xuất, sửa chữa, nâng cấp thiết bị thông tin và cả một công ty tổng hợp bao gồm tất cả các ban biên tập, các tờ báo. TTXVN cũng có lực lượng đi làm lúa ở Cà Mau, trồng màu ở Gia Lâm theo phong trào chung. Nhưng cái mà cán bộ, công nhân viên của TTXVN tập trung làm là tạo ra những nguồn thu nhập từ ảnh, từ tin, báo, kể cả báo ảnh. Họ chỉ sản xuất được giấy pơ-luya nhưng nộp giấy pơ-luya cho Ủy ban kế hoạch nhà nước để đổi lấy giấy in báo trong kế hoạch. Nếu được bật đèn xanh thì cuối những năm 1980, họ đã có cơ sở sản xuất giấy láng cao cấp.
Lấy TTXVN làm ví dụ để chứng minh rằng: Khi Đảng có cơ chế dù là mới hé mở, các cơ sở đã có thể năng động vươn lên tự cứu lấy mình. Ngay trên địa bàn của một tỉnh như Long An, sau khi thực hiện bù giá vào lương, tỉnh đã làm thử việc tính giá thành đầy đủ trong một số xí nghiệp quốc doanh, đạt kết quả vững chắc, sản xuất được vững mạnh, đời sống công nhân ổn định, nhân dân lao động thực sự làm chủ sản xuất và phân phối. Nhà nước nắm được hàng, tiền, quản lý thị trường, hạn chế biến động xấu về giá cả. Nhiều địa phương cũng áp dụng cách làm đó của Long An.
Trên tầm vĩ mô, dẫu đã có Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (1979) và một số chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, nhưng những năm tiếp sau cho đến Đại hội V năm 1982 và những hội nghị Trung ương khóa V, vẫn chưa tạo ra được chuyển biến cơ bản trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Lý do khách quan rất lớn: Dự trữ ngoại hối cạn kiệt, nguồn viện trợ không hoàn lại còn chút ít không đáng kể, nợ đến hạn không trả nổi, dân số lại tăng nhanh, hậu quả chiến tranh còn đè nặng, nhu cầu quốc phòng, an ninh không giảm, bao vây cấm vận siết chặt. Dẫu một số công trình công nghiệp, giao thông, thủy lợi bước đầu có đóng góp cho nền kinh tế và mức tăng lương thực, thực phẩm có vượt lên chút ít nhưng vẫn chưa đủ để tự trang trải cho mức sống thấp, nói gì đến tích lũy. Liền 6 năm, cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp bị phê phán ở mọi hội nghị nhưng vẫn chưa thể xóa bỏ ngay được. Bởi lẽ tập trung quan liêu, bao cấp là cái dễ nhận biết. Nhưng căn nguyên của nó là điều rất khó thống nhất nhận định, từ đó những biện pháp tháo gỡ khó đạt tới hiệu quả, thậm chí có những biện pháp tháo gỡ thiếu chuẩn xác lại dẫn đến những tác hại khôn lường. Điển hình là việc thực hiện chính sách thay đổi về giá, lương, tiền đã làm đảo lộn sản xuất và đời sống của toàn xã hội vào nửa cuối năm 1985. Nhớ lại, tháng 6/1985, trong phát biểu của mình về phương án giá, lương, tiền trình Hội nghị Trung ương lần thứ 8, đồng chí Trường Chinh đã thẳng thắn phê bình về cách tính giá đó. Đồng chí cho rằng toàn bộ các phép tính nêu trong phương án đều trở nên thừa, thậm chí trở nên vô nghĩa, chẳng khác nào đặt câu hỏi “Hãy tính giá mua thóc biết rằng giá đó là 10 đồng/kg”. Đồng chí cho rằng định giá 10 đồng/kg thóc là do ta nặn ra ngay từ đầu chứ không phải là kết quả tính toán dựa trên thực tế. Định sẵn 10 đồng trong khi giá mua thóc bình quân ở đồng bằng Bắc bộ là 22 đến 25 đồng/kg, miền Trung 18-22 đồng, đồng bằng sông Cửu Long là 14-16 đồng. Nếu định giá 10 đồng thì tự nhiên lại hình thành chính sách hai giá.
Lẽ ra phải tổng kết việc bù giá vào lương trước khi ban hành chính sách mới về giá, lương, tiền theo đề nghị của đồng chí Trường Chinh, chúng ta lại nôn nóng chủ quan thực hiện các bước đi không đồng bộ về giá, lương, tiền, đẩy cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội của đất nước tới mức báo động đỏ.
Nền kinh tế đứng bên lề của sự sụp đổ, buộc chúng ta phải truy tìm căn nguyên của những sai lầm, của bệnh duy ý chí, buộc chúng ta phải có tư duy lý luận mới về những bước đi đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ.
Trước những thử thách sống còn của đất nước, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đã phải trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh, với phương pháp cách mạng sáng tạo và độc đáo của Người. Tư duy mới về lý luận soi sáng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã dẫn tới tư duy kinh tế mới được phản ánh sâu sắc trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội VI của Đảng, năm 1986. Chính sách đổi mới toàn diện được mở đầu từ Đại hội VI mới thực sự xóa bỏ từ gốc cơ chế quan liêu, bao cấp. Nhưng cũng phải trải qua hai kỳ đại hội, với sự nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta từng bước hoàn thiện đường lối đổi mới và cho đến năm 1996, những đường nét cơ bản của cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được hình thành tương đối rõ nét, cùng những thành tựu đạt được, chúng ta mới khẳng định: đất nước về cơ bản đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Đã 21 năm trôi qua kể từ Đại hội VI. Hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Đại hội X. Mong bạn đọc cùng chia sẻ một khái niệm “bao cấp xã hội” toàn diện và rộng rãi. Một nhà nước, nhất là nhà nước của dân, do dân và vì dân thì không thể và không bao giờ quên trách nhiệm “bao cấp xã hội” (trợ cấp xã hội). Khi trước mắt ta còn tới năm, bảy triệu người khuyết tật trên mình còn mang nặng hậu quả chiến tranh và không dưới 20 triệu nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn đang sống dưới mức nghèo khổ và bao người ốm đau, bệnh tật không đủ tiền lo chữa bệnh, đành rằng có thể từng bước xã hội hóa từng phần nhưng trách nhiệm của Nhà nước đối với những đối tượng nói trên là rất lớn.
Đỗ Phượng
Nguyên Ủy viên TW Đảng,
Nguyên Tổng Giám đốc TTXVN