Chuỗi Tràng Hạt

- 2 -

4.

 

Bà quận chúa đặt phịch giỏ hoa xuống giữa bàn rồi vừa thở vừa nói:

- Nào các bạn trẻ thân mến, mời các bạn lấy đi! Tôi muốn rằng buổi tối nay mỗi bạn đều có một bông hồng. Chúng ta sẽ gọi buổi hòa nhạc là ngày hội hoa hồng… Không, cám ơn Benni, nước chè này đã được pha cách đây hơn nửa giờ rồi, chị có yêu tôi thì xin đừng mời tôi uống. Vả lại tôi cũng không uống nước chè. Buổi trưa ngủ dậy tôi uống uytky xôđa và tôi chịu được đến bữa ăn chiều. Ô, phải chị Mary yêu quý! Tôi biết là tôi đã đến dự buổi họp quan trọng của các anh các chị về bài trừ nạn rượu, và tôi đã ký vào bản tuyên ngôn tuyệt vời ấy để khuyến khích những kẻ khác… Nhưng vừa ra khỏi buổi họp tôi đi thẳng đến bác sĩ của tôi, ông ta đã cho tôi một tờ giấy chứng nhận là tôi được phép dùng tí chút lúc nào tôi cảm thấy cần, và lúc cần đó tôi luôn cảm thấy vào buổi trưa sau khi ngủ dậy… Này, thực đấy anh Đan ạ! Trừ lúc lên sân khấu, còn thì anh không được phép mỹ miều như thế kia trong bộ flanen trắng, áo sơ mi màu hoa cà với chiếc cavát màu tím sẫm đâu nhé. Nếu tôi là bà anh, tôi sẽ bảo anh đi thay quần áo ngay. Nếu anh quay mặt đi khỏi những người quả phụ già như tôi, thì những con gà mái tơ này bị phơi ra trước bao nhiêu hiểm nguy! Im đi Tomy, mày vừa nói một câu xấu lắm đấy, không được ghen tỵ với Đan, tao còn khen ngợi mày hơn. Anh Đan này, anh vẽ cho tôi con vẹt này màu lửa nhé!

 

Người họa sĩ trẻ trong năm vừa qua đã có những bức tranh trưng bày ở Viện Hàn Lâm và gây chấn động trong giới nghệ thuật, có cái áo màu hoa cà vừa bị chỉ trích, anh ngửa đầu ra sau chiếc ghế bành, hai bàn tay chấp vào gáy, cặp mắt nâu có vẻ tinh nghịch, anh nói:

- Thưa bà quận chúa kính mến! Cháu trân trọng xin phép bà cho được bày tỏ lời từ chối của cháu. Cần phải có một Landseer để đem lại công lý cho Tomy. Vả lại xin bà cũng nên công nhận với cháu rằng đối với một thanh niên con nhà gia giáo như cháu mà lại để hàng giờ để đánh bạn với Tomy thì thật là một sự phá hoại luân thường đạo lý. Cháu xin trình bày với bà rằng công việc của cháu sẽ là… Cháu sẽ vẽ bà, vẽ bà quận chúa thân mến, cùng với cái mũ này bằng bất cứ giá nào. Từ thời cháu còn thơ ấu, cứ trông thấy cái mũ trắng bằng rơm buộc xuống cằm với những sợi dây cương đen là cháu đã phát ốm lên. Nếu cháu nghe theo bản tính tự nhiên thì cháu đã đi vùi mặt vào đầu gối chị Jên, và cháu vừa hú vừa đá hất chân lên cho đến khi nào bà nhấc cháu ra. Cháu sẽ vẽ bà với áo dài đen mà bà mặc tối qua, với cái cổ Medicis với dây đăng ten và những hạt kim cương trong bộ tóc. Tay bà cầm một cái gương bằng bạc…

 

Trong khi tả bức tranh với một giọng nói như tiếng nhạc, chàng nghệ sĩ lim dim đôi mắt và tất cả mọi người đều lắng nghe. Khi Đan phác họa bức tranh của mình bằng lời nói, người ta nhìn thấy. Và năm sau, khi bước vào Viện Hàn Lâm người ta nhận ra bức tranh đó.

“… Bàn tay trái bà cầm một cái gương, nhưng bà lại không nhìn vào đó vì, thưa bà quận chúa thân mến, không bao giờ bà soi gương, ngay cả khi bà đội cái mũ này, bà buộc những dải băng này (chị Jên, xin chị hãy nắm lấy tay tôi), không bao giờ bà cần đến gương cả. Bà cầm nó trong bàn tay trái, khuỷu tay tỳ lên cái bàn gỗ mun khảm xà cừ… Trong cái gương, cháu sẽ vẽ ánh lên con vẹt của bà một cách tỷ mỷ hoàn toàn trong tất cả mọi chi tiết. Chúng ta sẽ đặt tên cho bức tranh đó là Trầm Ngâm, bởi vì bao giờ cũng phải cho một cái nhãn vớ vẩn vào bức tranh, nhưng nếu bức tranh sẽ đi vào hậu thế, như một tác phẩm nghệ thuật danh tiếng có tên trong danh sách của Viện bảo tàng, dưới tiêu đề: “Bà quận chúa, cái gương và con vẹt”.

- Hoan hô! - Bà quận chúa hớn hở kêu lên. - Anh sẽ vẽ nhé, anh Đan, sang năm anh sẽ gửi nó lên Viện Hàn Lâm và chúng ta sẽ đến đó xem. Kìa! Simson có cái gì trong khay. Gì thế? Trời ơi! Một bức điện tín à? Có biến cố gì xảy ra vậy? Thử đoán xem nào! Tôi mong rằng có kẻ ngốc nghếch nào đó đã lỡ tàu.

 

Trong sự im lặng đầy xúc cảm, bà quận chúa bóc bức điện. Rất rõ ràng có hiệu quả đột ngột ngay. Sắc mặt bà vẫn thường đỏ chuyển sang màu tím, và cơn giận như làm bà không nói được. Jên liền đứng lên và cúi đầu trên vai bà để đọc bức điện dài. Sau đó cô bình tĩnh quay lại và ngồi xuống chỗ cũ. Cuối cùng bà quận chúa kêu lên:

- Người với ngợm! Ôi, người với ngợm! Là bạn thân mà đối xử với nhau như thế đấy! Ấy thế mà tôi đã để dành cho bà ta một chuỗi hạt ngọc tuyệt đẹp cơ đấy! Đời thuở nào lại lỗi hẹn vào giây phút cuối cùng kia chứ!...

- Thưa cô thân mến! Jên nói. Nếu như bà Vetma tội nghiệp ấy đột nhiên bị viêm thanh quản thì bà ấy chẳng thể nào hát được dù chỉ một câu, ngay cả Đức Hoàng Hậu có ra lệnh cũng vậy thôi. Bức điện của bà ấy bày tỏ nỗi ân hận chân thành.

- Jên, đừng có cãi với tôi! Và đừng có lôi Hoàng Hậu vào đây. Tôi vốn rất ghét cái thói không hợp lý này. Tại sao bà ta lại mắc cái bệnh khi mà bà ta phải đến nhà tôi để hát? Vào thời niên thiếu của tôi, người ta không biết đến những mánh khóe này. Đó là những phát minh mới như đau ruột thừa để mà phanh thịt con người ta ra. Ở thời buổi tôi người ta gọi đó là mắc bệnh đi ngoài và người ta cho uống cây đại hoàng.

Myra nghẹt thở vì cười sau chiếc mũ làm vườn cô dùng để che mặt. Đan nói thầm vào tai Jên:

- Tôi không thích người ta không hợp lý!

Nhưng Jên lắc đầu từ chối, không mỉm cười. Đột nhiên con vẹt lên tiếng kêu:

- Tomy muốn một trái phúc bồn tử!

Bà quận chúa liền ra lệnh:

- Nhân danh Chúa, cho nó một quả!

- Nhưng thưa cô, Jên đáp, nhà không có phúc bồn tử ạ!

- Không cãi nữa! - Bà quận chúa cáu kỉnh nói. - Khi nó nói phúc bồn tử là nó muốn cái gì đó, ai mà chả biết thế!

Lập tức có đến nửa tá người đi phục vụ con Tomy, Jên giả vờ không biết những dấu hiệu của Đan.

- Simon! - Bà quận chúa nói, - không cần trả lời bức điện. Vấn đề là biết làm gì bây giờ. Một nửa lãnh địa sắp kéo tới đây, theo lời mời của tôi, để nghe bà Vetma hát, mà Vetma thì còn ở Luân Đôn với cái cớ là đau ruột thừa… À không, tôi muốn nói cái mánh khóe kia. Quỷ nó bắt bà ấy đi, như con vẹt vui tính kia thường nói.

- Cái trại! - Con vẹt la.

Bà quận chúa mỉm cười và đồng ý ngồi xuống. Đan bắt đầu nói với một giọng êm dịu nhất:

- Nhưng thưa quận chúa, trong lãnh địa chưa ai biết chuyện đời bà Vetma tối nay. Đó là một điều rất bí mật, quận chúa chỉ tiết lộ vào giây phút cuối cùng. Bà Myra đã gọi nó là một bất ngờ của quận chúa.

- Hoàn toàn đúng! - Quận chúa nói. - Đó là cái gì đẹp đẽ nhất trong vấn đề. Ôi! Người với ngợm!

- Vậy là, thưa quận chúa, Đan nói tiếp, lãnh địa không biết ta chuẩn bị tiết mục gì, lãnh địa sẽ không bị thất vọng. Các vị khách của quận chúa sẽ lần lượt nghe nhau hát, thưởng thức bánh kẹo và các món giải khát. Chương trình đó vẫn cứ tồn tại, họ ra về với niềm hân hoan và say sưa về sự tinh ý của bà quận chúa vì đã biết khai thác những tài năng của địa phương.

- Làm sao bây giờ? - Bà quận chúa nhắc lại. - Vetma sẽ phải hát bài Chuỗi tràng hạt. Tôi trông cậy vào tiết mục ấy lắm. Phòng khách đã được trang trí sao cho phù hợp với bản tình ca tuyệt vời ấy, nào là những tràng hoa hồng trắng và một chữ thập đỏ to tướng ở cuối bục, Jên!

- Thưa cô gọi cháu ạ!?

- Đừng có nói câu “thưa cô” với cái giọng vụng về như thế. Cháu có ý kiến gì đóng góp với cô không?

- Người ngợm! Người ngợm! - Con Tomy bỗng la lên.

- Hãy nghe con chim thân mến này! - Bà quận chúa nói tiếp rồi đột nhiên bà trở nên vui vẻ. - Có ai cho con vẹt một quả dâu nào. Thế nào Jên, cháu có ý kiến gì giúp cô không?

 

Jên đang ngồi gần như quay lưng lại với bà quận chúa. Hai đầu gối cô bắt chéo nhau, đôi bàn tay to và ân cần khéo léo của cô ôm lấy chân, cô từ từ quay lại, cặp mắt sắc của cô, dưới cái mũ hình nấm, chăm chú nhìn bà cô, hơi có vẻ lo lắng và cầu cứu. Một nụ cười từ từ nở trên cặp môi Jên, một lát sau cô điềm nhiên nói:

- Thưa cô, tối nay cháu sẽ hát bài Chuỗi tràng hạt thay cho bà Vetma, nếu cô thực sự muốn thế.

 

Một cảm xúc ngạc nhiên sâu sắc xuất hiện trên bộ mặt các vị khách, nhưng chỉ biểu lộ một cách lặng lẽ. Trong số những người có mặt ở đây chỉ có một mình bà quận chúa đã nghe Jên hát, bà nhặt bức điện tín và cái giỏ rỗng lên nói:

- Cháu có bản nhạc ấy chưa?

- Rồi ạ! Lần vừa rồi ở Luân Đôn cháu có đến thăm bà Blanche và ở lại với bà vài giờ. Bà ấy không thích những bản tình ca mới cho lắm, chỉ bài đó là chinh phục được bà. Bà đã hát cho cháu nghe và cho phép cháu đệm đàn. Cháu cũng đã có một bản.

- Tốt lắm! - Bà quận chúa nói. - Vây là cô trông cậy ở cháu nhé! Bây giờ cô còn phải gởi cho bà Vetma tội nghiệp ấy một bức điện bày tỏ tình cảm. Chắc bà ấy sẽ buồn lắm nếu không nhận được điện của cô. Thôi xin tạm biệt các bạn trẻ, Nhớ bữa ăn chiều vào tám giờ đấy nhé và hòa nhạc vào lúc chín giờ! Ronnie cháu ngoan, hãy mang con vẹt này vào nhà kẻo thấy bà đi nó sẽ la điếc tai mọi người. Con chim đáng yêu thật.

Phần lớn các vị khách đều đưa mắt nhìn theo Ronnie đang giang thẳng cánh tay mang cái sào đậu. Trong khi đó con Tomy vừa nhào lộn tiến lại gần anh thanh niên, ghé vào tai anh thầm thì mấy điều bí mật. Bà quận chúa đi trước, tất nhiên là bà rất hài lòng về sự tiến triển của tình hình.

Có vài người quan sát Jên. Sau cùng Myra nói với cô:

- Dám nhận hát, chị Jên can đảm thật! Tôi không dám đề nghị đệm đàn cho chị. Vì tôi chỉ mới chơi được bài dưới ánh trăng bằng một ngón tay.

- Còn tôi, - Đan nói, - tôi chơi cả mười ngón, và nếu chị Jên phải hát bài Allerseelen tôi sẽ xin đệm đàn, không dám khoe khoang, tôi chơi cũng khá. Nhưng tôi đã nhìn thấy bản nhạc Chuỗi tràng hạt, tôi chưa dám lao vào đấy. Nếu buộc phải đệm đàn bản đó, tôi cũng buộc lòng phải bắt chước ông tá điền già khi người ta mời ông xơi món bánh bột gạo (pudding) đến lần thứ ba, ông phải thốt lên: “Thưa bà, tôi không thể được”.

- Thôi xin anh Đan đừng có giễu cợt nữa! - Jên nói, - anh chơi hoàn hảo phần đệm bài Chuỗi tràng hạt nếu tôi cần đến anh. Nhưng quả thực là tôi muốn tự đệm cho mình.

- A! - Myra duyên dáng nói, - tôi hiểu chị rồi. Chắc đó phải là do một nguồn an ủi khi cảm thấy sự việc không ổn, người ta có thể nhảy một đoạn hoặc cho ra một nốt la.

Hai nhà nhạc sĩ độc nhất có mặt ở đấy trao đổi với nhau một nụ cười tinh nghịch.

- Tất nhiên rồi! - Jên nói, - điều đó rất có ích lúc cần.

- Cùng lắm thì tôi cho chị nốt la chứ sao! - Đan nói thêm.

- Tôi cũng tin như thế! - Jên đáp. - Anh lúc nào cũng đùa được. Nhưng một lần nữa tôi muốn tự mình lo liệu lấy.

- Chị có thấy rằng lên được giọng trong căn phòng rộng lớn như thế này là rất khó không?

Đan nói với vẻ hơi lo lắng, Jên hoàn toàn là người bạn gái của anh, thấy bạn bị thất bại anh không thể vui lòng. Cũng cái nụ cười kín đáo đã soi sáng cặp mắt của Jên lúc cô đề nghị thay bà Vetma lướt trên môi. Jên nhìn quanh mình. Phần lớn các vị khách đã phân tán thành những nhóm hai ba người, nhóm ra sông, nhóm về nhà. Chỉ còn lại Jên, Đan và Myra. Cặp mắt của Jên có vẻ nghịch ngợm lúc gặp ánh nhìn lo âu của Đan. Cô trả lời câu hỏi của anh:

- Vâng, tôi biết! Nhưng âm hưởng của gian phòng lại rất là tuyệt và tôi đã học được cách phóng đại giọng của tôi rồi. Có lẽ anh không biết, quả thực anh làm sao mà biết được, tôi có cái lợi là đã làm việc ở Paris với bà Marchesi và đã luyện tập ở Luân Đôn với con gái bà ta, một người có tài. Do đó tôi biết cách phóng âm.

Những điều này Myra đều mù tịt, tiếng tăm của bà giáo sư thanh nhạc bậc nhất thời bấy giờ cũng chẳng có ý nghĩa gì với Myra. Nhưng Đan đứng phắt lên nói:

- Chị nói vậy tôi đủ hiểu rồi! Ngay cả bà Vetma cũng là học trò của bà Marchesi trứ danh.

- Chính vì thế tôi quen biết Vetma. Hôm nay tôi ở lại đây là để đệm đàn cho bà ta mà lỵ

- Tôi hiểu! - Đan nói. - Nhưng thường chị vẫn thích đệm cho người khác hát.

Nụ cười của Jên lại xuất hiện:

- Tôi thích hát, nhưng thấy người đệm đàn có ích hơn.

- Rất đúng! - Đan nói. - Nhiều người hát được, nhưng rất ít người đệm được đàn.

Myra quay bộ mặt lờ đờ về phía Jên, hỏi:

- Chị Jên, chị biết hát, chị hát những bản tình ca, thế tại sao đã từ lâu bà quận chúa không để chị hát cho chúng tôi nghe?

- Vì một lý do buồn thảm. Chị cũng đã biết, con trai bà quận chúa đã chết, mới cách đây có tám năm, một thanh niên đẹp trai và có tài. Nó và tôi đã thừa hưởng được của ông chúng tôi năng khiếu về âm nhạc. Hai chúng tôi đã cùng nhau say sưa học nhạc. Nó đã hứa hát cho một dàn nhạc từ thiện ở Luân Đôn trong dịp nghỉ lễ Noel. Nó vừa bị cúm mà đã phải ra ngoài trời sớm quá để giữ lời hứa. Bệnh tái phát, kèm theo chứng bệnh sưng phổi, năm ngày sau nó mất. Bà cô tôi phát điên lên vì đau đớn, và từ đó bà không thể không đau đớn mỗi khi thấy tôi chơi nhạc. Rất hiếm khi tôi dám chơi đàn và hát ở đây.

- Nhưng tại sao lại không ở nơi khác? - Đan hỏi. - Chúng ta thường ở với nhau trong cùng một nhà, thế mà tôi không biết là chị biết hát cơ đấy.

- Tôi không biết nhiều, - Jên chậm rãi trả lời. - Âm nhạc bày tỏ hộ tôi nhiều vấn đề quá… như Thánh của các vị Thánh trên bàn thờ trong linh hồn chúng ta. Và vén màn lên không phải là dễ.

- Màn sẽ vén lên tối nay! - Myra nói.

- Phải, - Jên nói có vẻ như tiếc rẻ, - tôi nghĩ là thế.

- Và chúng ta sẽ đi qua bên kia, - Đan nói.

Bóng cây trải dài trên thảm cỏ. Đồng hồ điểm sáu giờ chiều. Myra đứng lên, những tia nắng của buổi hoàng hôn chiếu thẳng vào người chị, chị giơ hai tay lên quá đầu. Chàng họa sĩ ngắm cái bóng duyên dáng và mềm mại của thân hình chị. Myra ngáp rồi nói:

- Ôi! Ở đây thú vị quá, thế mà tôi phải về buồng để giam mình vào hai bàn tay người hầu. Jên! Chị nên cảnh giác khi còn kịp. Đừng bao giờ bắt đầu xoa bóp mặt mũi, sẽ trở thành nô lệ nó và hao phí mất nhiều thời gian trong ngày. Để mặc quần áo, tôi phải lên buồng từ lúc bảy giờ, và bây giờ thế là phải bỏ phí mất cái khoảnh khắc thú vị này.

- Có điều gì xảy ra thế? - Jên hỏi. - Tôi chẳng hiểu cách thức như thế nào cả.

- Không thể đi vào chi tiết được, nhưng nếu bây giờ mà tôi không đi tìm chị hầu phòng của tôi, tôi sẽ rất khó chịu vào lúc ăn tối và trong buổi dạ hội tối nay, tôi có cảm giác mình già đi đến mười tuổi.

- Chị vẫn cứ là xinh đẹp lắm rồi! - Jên nói một cách thành thật. - Tại sao chị lại sợ phải xuất hiện đúng với tuổi của mình?

- Bạn thân mến ơi! Một người đàn ông có cái tuổi mà người ấy cảm thấy nó, còn người đàn bà thì lại ở chỗ cái tuổi ấy biểu lộ ra.

- Tôi cảm thấy tôi lên bảy, - Đan nói.

- Anh thì có vẻ mười bảy. - Myra cười nói.

- Tôi hai mươi bảy đấy. - Đan nói, - thế mà bà quận chúa gọi tôi là đứa trẻ con lố bịch. Chị Myra này, nếu phải rút ngắn cái lễ nghi bí mật đang đợi chị mà lại làm giảm mất một phần sắc đẹp của chị tối nay thì xin mời chị đi ngay cho, nếu không chị sẽ làm hỏng buổi tối nay của tôi, tôi sẽ khóc nấc lên đấy, mà bà quận chúa thì lại rất ghét cảnh tượng đó.

Lúc đi qua, Myra đập nhẹ vào vai Đan bằng cái mũ làm vườn cầm ở tay và nói:

- Im lặng trẻ ranh! Ai bảo nghe những lời tâm sự của tôi với Jên. Anh sẽ phải vẽ chân dung tôi vào mùa thu này đấy nhé. Sau đó tôi sẽ bỏ cái món xoa bóp, tôi sẽ đi du lịch và lúc trở về tôi sẽ là một bà già rồi.

Myra ném lời đe dọa đó qua vai mình và đi xa dần.

- Chị ấy xinh quá nhỉ! - Đan nói. - Tôi tự hỏi có cái gì thành thật trong lời chị ấy nói với chúng ta không?

- Tôi chẳng có ý kiến gì. - Jên nói, - đó là những vấn đề mà tôi hoàn toàn dốt nát.

- Chắc cũng có đúng đôi chút, nếu không chị ấy đã chả dám nói ra với chúng ta.

- Ôi! - Jên vội vàng nói. - Anh lầm rồi, Myra thành thật một cách kỳ lạ, kể cả với những nhược điểm của mình. Chị ấy được một nền giáo dục khác thường, bao giờ cũng bị đối xử như một con cừu đen giữa một bầy anh chị em đông đúc và bị bà mẹ bỏ rơi. Khi ngài Ingleby xin cưới chị ấy làm vợ, ngài không thể làm thế nào cho người trong gia đình chị hiểu được mình vì bà mẹ quá ngạc nhiên. Cuộc hôn nhân đó là một chùy giáng lên đầu bà mẹ.

- Con mụ phù thủy già! - Đan nói. - Tại sao người ta lại cho phép một con người như thế được mang tên là mẹ? Chúng ta có những người mẹ dịu hiền và hoàn hảo, chúng ta cần phải đề xuất ra một đạo luật để người ta khỏi làm nhục danh từ “người mẹ”.

Jên im lặng. Cô biết câu chuyện cảm động về Đan và bà mẹ góa của anh, cô biết sự sùng bái của người con đối với kỷ niệm tôn kính ấy. Cô quý mến Đan khi anh tiết lộ điều bí mật trong trái tim dưới một bề mặt xã giao, và cô cũng không hề cho anh biết là về phần mình cô cũng chưa bao giờ được bập bẹ cái tên dịu dàng đó.

Đan đứng lên và vươn dài cái bóng lịch lãm của anh. Jên nhìn anh. Cái đẹp thể xác cũng làm cô xúc động nhưng không thể ảnh hưởng đến sự quý trọng của cô đối với bạn bè. Trong số này Đan không phải là người cô ưa chuộng nhất. Anh lớn tuổi hơn nhưng đồng thời tính tình anh rất trẻ, nhiều khi Jên thấy anh như đứa trẻ con. Tuy vậy, người ta không thể có hai ý kiến khác nhau về con người anh, và lúc này đây Jên nhìn anh với lòng mến phục của một nghệ sĩ.

Đan tuy chải chuốt trong sắc phục nhưng không có vẻ lên mặt. Vì bị ánh mặt trời chiếu vào mắt, anh không nhận thấy cái nhìn của Jên, anh mỉm cười nói:

- Chị Jên này, họ về hết cả rồi kìa! Đã từ lâu tôi muốn được thoải mái nói chuyện với chị. Tôi đang buồn, chẳng biết làm gì, chị lại đây, chúng ta xuống bờ sông và lấy một chiếc thuyền. Mãi tám giờ mới đến bữa ăn và tôi tin chắc rằng để đóng vai Vetma, chị chỉ cần thay quần áo trong nửa giờ là cùng, tôi đã có dịp thấy chị chỉ cần có mười phút. Chúng ta có đủ thời gian đến bãi giữa, và chúng ta có thể vừa chèo vừa nói chuyện…

Nhưng Jên không đứng lên, cô nói:

- Anh Đan thân mến! Anh sẽ chẳng còn hơi sức đâu mà nói chuyện sau khi đã chèo một quãng đường như thế với trọng tải của một người to lớn như tôi! Vả lại tôi cũng chẳng phải là người phụ nữ chịu ngồi yên trong thuyền, tôi thích chèo, và vì đã chơi golf cả ngày hôm nay rồi, tôi không còn thích món ấy nữa. Thế rồi anh cũng chẳng thích thú gì ngắm nhìn tôi trong suốt chặng đường bơi...

Đan ngả người trên ghế, duỗi hai tay về phía sau và nhìn Jên với cặp mắt sáng như anh đã nhìn bà quận chúa. Anh dịu dàng nói:

- Trông chị có vẻ buồn bực thế nào ấy, và khó chịu nữa, sao vậy?

Jên chìa tay ra cho anh và nói:

- Bạn thân mến, anh quả là có tâm hồn đáng quí. Tôi không muốn có cái vẻ khó chịu nữa. Thực tế là tôi không ưa những buổi hòa nhạc của bà quận chúa, và tôi cũng cảm thấy không một chút vui thích nào khi phải đóng cái vai bất ngờ ấy.

- Tôi thấy, - Đan nói, - giọng đầy thiện cảm. Thế tại sao chị lại tình nguyện?

- Cần phải thế anh ạ. Bà cô tôi thật tội nghiệp, bà không mấy khi yêu cầu tôi điều gì, và cặp mắt bà đầy vẻ van lơn. Anh không biết rằng người ta mong muốn được làm một cái gì đó cho người của mình. Tôi sẵn sàng đánh giày cho bà nếu bà muốn. Ở đây hết tuần này đến tuần khác mà cứ như cách biệt nhau, thật là nặng nề. Nếu cặp mắt kiêu hãnh của bà một lần nào đó yêu cầu tôi, liệu tôi có từ chối được không?

- Không, tất nhiên là chị không thể từ chối. Chị chả nên băn khoăn về cái trò chơi lố lăng bất ngờ ấy làm gì. Tôi không hề nghi ngờ là chị hát hay hơn rất nhiều so với bất kỳ ai trong bọn họ, nhưng họ chẳng biết thế đâu. Phải có một Vetma chính cống mới thức tỉnh được họ. Họ sẽ nhận thấy rằng Chuỗi tràng hạt là một bản tình ca thật đẹp, sẽ vỗ tay tán thưởng chị không quá mức, sẽ chỉ có thế thôi. Chị chẳng nên bực bội mà làm gì.

Jên có vẻ suy nghĩ rồi nói:

- Với lại, anh Đan này, tôi không thích phải hát trước một cử tọa loại này, như phải trao tâm hồn mình cho họ. Tôi rùng mình khi nghe bản tình ca ấy, tuy nhiên vào lúc cần thiết, tôi không thể không đem hết sức mình. Tôi sẽ cố quên thính giả. Anh để tôi kể anh nghe một bài học mà bà Blanche đã dạy tôi. Tôi hát bài hát Ấn độ của Bemberg, lời cầu nguyện say sưa của một phụ nữ Ấn Độ với Brahma. Tôi bắt đầu: “Brahma! Thượng Đế của các tín đồ!” Tôi hát câu ấy như tôi hát đồ rê mi. Brahma chẳng là gì với tôi cả. Thế là bà Blanche quát lên một cách nghiêm nghị: “Dừng lại! A! Chị là người Anh, Brahma là ông Thánh. Có thể không phải là Thánh của chị cũng như của tôi, nhưng là Thánh của ai đó, Thánh của bài hát này. Hãy nghe đây. Bà ngẩng đầu lên hát: “Brahma, Thượng Đế của các tín đồ, thầy của các thành phố thánh!” Cả bộ mặt đẹp của bà ánh lên một niềm thành kính có thể xuyên thẳng vào trái tim mọi người. Tôi không bao giờ quên được bài học ấy. Từ đó tôi không bao giờ hát bài hát nào nhạt nhẽo nữa.

- Tốt lắm! - Đan nói. - Tôi rất thích lòng nhiệt tình trong tất cả các hình thức nghệ thuật. Tôi không bao giờ muốn vẽ một bức chân dung mà tôi không mến người tôi vẽ.

Jên mỉm cười. Câu chuyện đang hướng theo đúng mong muốn của cô. Cô nói:

- Anh bạn trẻ thân mến! Anh lần lượt yêu mến biết bao là người. Còn chúng tôi, những người bạn cũ của anh xứng đáng có chỗ trong trái tim anh thì lại sợ rằng anh không bao giờ yêu vì một mục đích tốt đẹp cả….

- A! Chị cũng giống như những người khác. - Đan cười nói. - Vậy chị cho rằng yêu mến và khâm phục nhất thiết là hôn nhân à? Thế mà tôi cứ ngỡ rằng chị có những ý nghĩ hợp lý hơn, đàn ông hơn kia đấy.

- Các bạn của anh đã quyết định anh phải lấy vợ. Anh chỉ có một mình. Anh lại có một ngôi nhà tuyệt diệu. Anh đang bị hư đi bởi các cô gái dại dột chạy theo anh. Tất nhiên chúng tôi biết rằng vợ anh phải là một trang tuyệt sắc. Nhưng mỗi một giai nhân mới mà anh vẽ chân dung có vẻ như có đủ mọi sự hoàn hảo và có thể anh lấy nàng, lẽ ra chỉ vẽ nàng, những người như thế cứ tiếp tục có.

Đan hình như cân nhắc trước câu nói đó, lông mày cau lại. Anh đáp:

- Sắc đẹp, nói tóm lại là cái bề ngoài, tôi nhìn thấy nó và tôi chiêm ngưỡng nó, tôi ham muốn nó và tôi vẽ nó. Khi tôi đã vẽ xong, tôi đã làm cho nó thành của tôi rồi, tôi nhận thấy rằng tôi không cần giữ nó làm gì nữa. Trong thời gian tôi vẽ người phụ nữ, tôi tìm tâm hồn nàng để biểu lộ nó lên mặt vải. Và chị Jên, chị có biết không, tôi phát hiện ra một vấn đề: một người phụ nữ đẹp không phải bao giờ cũng có một tâm hồn đẹp.

Jên giữ im lặng, cô không muốn thảo luận chút nào về tâm hồn những phụ nữ khác. Đan nói tiếp:

- Tôi thấy có một người thật là hoàn hảo. Mùa thu này tôi sẽ vẽ chị ấy. Tôi có một niềm tin là tâm hồn chị ấy cũng đẹp như sắc đẹp của chị ấy.

- Ai đấy? - Jên hỏi.

- Chị Flaoe, vợ bác sĩ Đêrych.

- Vợ bác sĩ Đêrych à! - Jên kêu lên.

- Vâng! Chị ấy thật là mê hồn. - Đan nói vẻ trang nghiêm. - Không được phép nói đến danh từ hoàn toàn, chị Jên có biết không, một sắc đẹp hoàn toàn làm cho tôi đau khổ.

- Tôi thấy vợ một người khác không có tác động ấy đối với anh.

- Bạn thân mến! - Đan ngạc nhiên kêu lên. - Không thể có vấn đề vợ người khác trong tình cảm này được. Một cánh đồng đầy hoa dưới ánh mặt trời đang lên cho tôi cảm giác như thế. Khi nào tôi vẽ xong chân dung của chị ấy, khi nào tôi đã thừa nhận sắc đẹp của chị ấy, như mắt tôi đã nhìn thấy chị ấy, tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm. Cho đến bây giờ tôi chỉ có thể vẽ chị ấy trong trí nhớ. Đến tháng Mười này chị ấy sẽ ngồi mẫu cho tôi.

- Vẽ trong trí nhớ? - Jên hỏi.

- Vâng, tôi đã vẽ rất nhiều bằng trí nhớ. Khi nào tôi nhìn thấy một khuôn mặt, một ánh mắt nào làm cho tôi hiểu được cái gì đó sâu xa hơn, tôi có thể để ra hàng tuần phác lại khuôn mặt đó qua trí nhớ. Có rất nhiều những thể nghiệm xuất sắc của tôi được tiến hành theo kiểu đó. Sự sùng bái sắc đẹp là một vấn đề tôn nghiêm đối với tôi.

- Một vấn đề tôn nghiêm không có Chúa. - Jên góp ý.

- Ô không! Mọi cái đẹp chân chính đều xuất phát từ Chúa và trở về với Chúa. Một người bạn cũ của tôi nói rằng bệnh tật xuất phát từ con quỷ. Tôi không bao giờ tin và những năm cuối cùng của đời mẹ tôi đã cho tôi biết sự đau khổ có thể trở thành một ân huệ đối với những người khác và phải được chịu đựng với niềm vinh quang cao nhất của Chúa. Nhưng tôi phải công nhận rằng mọi cái đẹp chân chính đều có nguồn gốc thiêng liêng, do đó vấn đề sùng bái cái đẹp đối với tôi là một vấn đề tôn nghiêm. Không có cái gì xấu lại hoàn toàn không đẹp, không có cái gì đẹp lại không thực sự xấu.

Mỉm cười nhìn Đan tắm trong ánh nắng buổi chiều tà, Jên thấy Đan là mẫu mực của một vẻ đẹp nam giới. Nhưng không phải là con người tự kiêu tự đại, anh có thể tha hồ nói về một vấn đề như vậy với người phụ nữ ít được thiên nhiên ưu đãi về sắc đẹp trong số những người bạn gái của anh, và trong đó có cô, trớ trêu thay, điều này lại có thể làm cho Jên thấy vui. Cô liền cất tiếng hỏi:

- Anh Đan này, vậy là những người không có sắc đẹp đồng thời cũng thiếu luôn cả đạo đức phải không anh?

- Thiếu sắc đẹp không phải là xấu. Tôi hiểu được điều này từ khi tôi còn là một em bé. Một hôm mẹ tôi dắt tôi đi nghe một giáo sĩ trứ danh giảng đạo. Thoạt nhìn thấy ông ta, tôi cho rằng ông là người xấu xí nhất mà tôi chưa từng thấy, tôi trông ông có cái vẻ của một con đười ươi ghê tởm và tôi lo sợ lúc ông đứng lên và nhìn chúng tôi. Nhưng đến khi ông bắt đầu nói, bộ mặt ông như biến đổi hẳn. Lòng tốt và nguồn cảm hứng của ông làm khuôn mặt ông sáng lên trông như một thiên thần. Không bao giờ tôi còn thấy ông xấu nữa. Cái đẹp của tâm hồn ông tỏa ánh sáng ra ngoài làm thay đổi thể chất. Mặc dù còn rất bé, tôi cũng đã hiểu được như thế. Lẽ tất nhiên vẻ xấu của những đường nét không thể thay đổi được, nhưng nụ cười thần tiên đã rọi sáng chúng. Chắc chắn đó không phải là loại khuôn mặt mà người ta mong muốn được nhìn thấy hàng ngày trước mặt mình trong những bữa ăn, và như vậy đối với tôi, tôi xin thú thật, là một nỗi thống khổ… Từ thời ấy, con người ông giáo sĩ là một dẫn chứng cho tôi thấy lòng tốt không bao giờ xấu được, tình yêu thiêng liêng và nguồn cảm hứng tỏa sáng những nét không đồng nhất và ban cho chúng một sắc đẹp nhất thời, những kỷ niệm tồn tại mãi.

- Tôi hiểu, - Jên nói, - kinh nhiệm có trong giờ phút tốt đẹp như vậy đối với anh rất có ích. Nhưng chúng ta hãy trở lại vấn đề quan trọng là khuôn mặt mà anh ước mong có hàng ngày trước mặt anh trong bữa ăn. Không thể là của chị Flaoe, cũng như không thể là của chị Myra, nhưng anh cũng biết rằng chỉ một bộ mặt xinh đẹp mới có được cái vinh dự ấy.

- Xin chị đừng nói đến tên ai! - Đan vội nói. - Tôi có một phản kháng rất mạnh khi thấy đưa tên một thiếu nữ vào loại chuyện này.

- Tốt thôi! Tôi xin tôn trọng tính chu đáo của anh. Anh đã làm cho người phụ nữ này nổi danh vì bức họa của anh, và người ta nói rằng đến mùa thu này anh sẽ kết thúc nó hoàn hảo hơn. Đan ạ! Anh cũng biết rằng anh thán phục người phụ nữ đó lắm. Cô ấy xinh đẹp và duyên dáng. Bản thân anh cũng là độc đáo trong giới của anh, cần phải có một người phụ nữ đặc sắc. Tôi không biết dư luận của các bạn anh có ảnh hưởng ngần nào đến anh, nhưng chắc chắn là anh sẽ rất thú vị thấy các bạn anh tán thành người đẹp của anh dưới lá cờ có nhiều sao.

Đan cầm túi thuốc lá, lấy ra một điếu rồi vân vê nó trong mấy ngón tay, vẻ mặt mơ màng.

- Anh cứ hút đi, - Jên nói.

- Cám ơn! - Đan nói, rồi im lặng một lát. - Vì tình nghĩa thắm thiết nên chị mới cất công suy nghĩ và nói với tôi tất cả điều này. Tôi có thể tỏ lòng biết ơn bằng cách giải thích với chị những khó khăn của tôi không? Bản thân tôi chưa bao giờ suy xét kỹ, nhưng tôi có thể giải thích cho chị được.

Lại im lặng một lúc lâu nữa, Đan hút thuốc, Jên chờ đợi. Một sự im lặng thắm thiết đầy hứa hẹn. Sau cùng Đan nói:

- Hai người đàn bà đáng kể trong cuộc đời tôi, hình thành một lý tưởng đối với tôi mà tôi không thể nào quên được. Một là mẹ tôi, một kỷ niệm thiêng liêng. Người kia là bà Mac, người vú già đã nuôi tôi từ hồi còn nhỏ và bây giờ là quản gia, đồng thời là cố vấn cho tôi. Lòng trung thành và tận tụy của bà làm tôi nhớ đến hình ảnh thân yêu của người mà tôi cảm thấy thiếu thốn lúc tôi đã trở thành một con người. Mac hiện nay đang ở lâu đài Gleneesh, mỗi khi tôi về đấy, bà bao giờ cũng là người đầu tiên tôi trông thấy lúc cửa lâu đài mở. Tôi tưởng như tôi mới lên bảy tuổi, tôi nhảy lên ôm cổ bà. Lúc đó, chị Jên chả thích đâu, nhưng bà Mac thì thích lắm. Ngày mà tôi sẽ đưa người yêu của tôi về và giới thiệu với bà ấy, cặp mắt già nua của bà chắc chắn là sẽ nhìn cô ấy với mọi điều tốt lành. Trái tim bà chỉ mong muốn được mến yêu và phục vụ cô ấy. Nhưng tôi muốn rằng bà sẽ thấy vợ tôi xứng đáng với ý nghĩ của bà và của tôi: một người nối dõi được mẹ tôi. Đã nhiều lần, khó mà tin được, ý nghĩ về Mac đã ngăn tôi lại và tôi chịu một ảnh hưởng gần như quyết định đến số phận tôi. Đã hơn một lần, tôi nghe thấy tiếng nói của người xưa kia đã dìu dắt những bước đi chập chững của tôi: “Thế nào, cậu Đan, đây là người mà cậu chọn để thay thế bà nhà thân yêu của chúng ta đấy à?” Chắc chắn đây là một điều đáng nực cười đối với phần đông các bạn thân của tôi, nhưng bà Mac là một hiện thân sống của của lương tâm tôi, khi mà tôi không quá mù quáng trong say đắm, hoặc nó không bị cùn đi vì sùng bái sắc đẹp. Trái lại, bà ấy thấy đó là điều bắt buộc đối với vợ tôi, tôi biết thế. Chị Jên ạ, thật là kỳ dị, tôi lại đi kể hết cho chị nghe tất cả. Đó là những điều mà tôi chỉ vừa mới đề cập đến với bản thân, và lần đầu tiên tôi cho nó một hình dáng. Lòng tốt của chị đã làm tôi xúc cảm, những lời khuyên của chị chứng tỏ tình bạn chân thành.

Đan thôi không nói nữa và sự im lặng tiếp theo đó làm Jên bàng hoàng, cô thấy như đứng trước một bức tường khó mà trèo qua được, bên phải bên trái đều không có lối thoát. Khó mà trả lời được những điều tâm sự bất ngờ ấy. Lòng tin của Đan làm cô xúc cảm và sự xúc cảm bao giờ cũng làm Jên khó nói nên lời. Những điều tâm sự làm cô phát hiện thấy Đan hoàn toàn mới, và đùng một cái cô hiểu anh như chưa bao giờ hiểu trước đây. Cô không tìm thấy gì khác hơn là nói:

- Tôi mong được biết bà già Mac.

Cặp mắt nâu của Đan sáng lên niềm vui sướng:

- A! Tôi rất muốn chị biết bà ấy, và tôi mong rằng chị sẽ có dịp đến lâu đài Gleneesh. Chị sẽ được thưởng thức phong cảnh từ sân nhà đến tận dãy núi tím. Chị Jên này, chị cho biết tôi có thể tổ chức được “một cuộc họp bạn chọn lọc” vào tháng chín này không? Tôi có thể mời bà quận chúa đến chủ tọa. Vậy là chị sẽ đến nhé. Và chị muốn mời bạn bè nào tùy thích. Có thể ta sẽ mời cả “người đẹp dưới cờ nhiều sao” và bác cô ta cũng sẽ đến một thể. Và người ta sẽ thấy bà Mac nghĩ thế nào về cô ta…

- Tốt lắm, tôi rất vui lòng. Và đúng ra mà nói, Đan ạ, cô thiếu nữ ấy có một tâm hồn rất tế nhị. Anh còn có thể làm hơn được không? Bề ngoài như vậy là hoàn toàn rồi và chắc chắn là tâm hồn cũng phù hợp…Vâng, cứ mời chúng tôi, ta sẽ xem điều gì sẽ xảy đến.

- Thế là thỏa thuận rồi nhé! - Đan sung sướng reo lên. - Và rồi xem bà Mac sẽ có ý kiến thế nào về bà bác.

- Không quan trọng đâu, - Jên nói một cách quả quyết. - Khi anh đã cưới cô cháu rồi thì bà bác lên đường về Mỹ thôi.

- A! Tôi cầu Chúa cho bố mẹ cô ta không phải là triệu phú.

- Cũng chẳng ích gì đâu! Người Mỹ rất dễ thương, ta phải tha thứ cho họ về những bạc triệu của họ.

- Tôi muốn cô Pôlin và bà bác có mặt ở đây kia đấy. Nhưng họ sẽ đến nhà chị Myra và đợi tôi ở đấy vào ngày thứ ba. Chị có đến đấy không, chị Jên?

- Có chứ! Trước hết tôi sẽ đến nhà bác sĩ Đêrych mấy ngày đã. Nhưng tôi đã hứa với Myra sẽ đến Shenatone vào cuối tuần này. Tôi thích ở đây lắm. Đó là một cặp uyên ương cân xứng.

- Tất nhiên rồi, - Đan nói. - Bất kỳ ai cũng có thể trở thành một cặp uyên ương với một người vợ như Myra.

- Lại “hình dung pháp” rồi! - Jên kêu lên. - Nhưng tôi hiểu anh định nói gì. Myra là một nhân vật thắm thiết, anh chỉ việc vẽ chân dung chị ấy nhanh lên để rồi không còn nghĩ đến chuyện ấy nữa và còn được tự do cho Pôlin.

Đồng hồ điểm bảy giờ. Đàn quạ bay quanh những cây du to lớn rồi trở về tổ, Jên đứng lên nói:

- Thôi, chúng ta về. Tôi rất vui lòng về cuộc nói chuyện của chúng ta hôm nay. Cám ơn Đan về tất cả những gì anh đã nói với tôi.

Lúc về buồng riêng, Jên nhận thấy còn nhiều thì giờ tự do trước khi phải thay quần áo. Cô liền mở quyển nhật ký thân thiết của mình ra và ghi lại câu chuyện với Đan. Sau đó cô kéo chuông gọi người phòng vào mặc quần áo, chuẩn bị cho bữa ăn tối và buổi hòa nhạc sau đó.

 

5.

 

- Chị Jên! A! Chị đây rồi, đến lượt chị rồi đấy. Đang đến bài cuối cùng. Sau đó bà quận chúa ra tiết lộ chuyện viêm thanh quản, mong rằng bà đừng nói là bệnh đau ruột thừa. Rồi thì tôi sẽ ra giới thiệu chị. Chị đã sẵn sàng chưa?

Đan với danh nghĩa trưởng trò đã đi tìm Jên ngoài sân và đứng trước mặt chị trong ánh sáng dịu của những chiếc đèn tàu. Bông hoa cẩm chướng đỏ rực cài ở cúc áo, và đôi bít tất lục đồng màu điểm thêm vẻ lịch sự cho bộ đồ dạ hội của anh.

Ngồi lút trong chiếc ghế mây, Jên ngước nhìn anh và mỉm cười với bộ mặt lo lắng đang nhìn mình.

- Tôi đã sẵn sàng! - Jên đáp và đứng lên. - Mọi việc ổn cả chứ? Công chúng có tốt không?

- Tuyệt, - Đan nói, - và bà quận chúa vui lắm. Những cái đinh của buổi dạ hội đã đến. Bản nhạc của chị đâu?

- Cảm ơn, tôi thích chơi thuộc lòng, như thế tránh được vấn đề khó chịu là cứ phải lật trang.

Hai người đi vào buồng hòa nhạc, đứng sau một tấm bình phong và một tấm màn, rất gần bậc lên bục. Đan thì thầm:

- Hãy nghe xem, bà quận chúa đang nói gì kìa! “Cháu gái tôi có lòng tốt nhận đi vào đấu trường” có nghĩa là chỉ trong vòng hai phút nữa chị lên bục. Giá mà bà ấy nói in ít đi sẽ tốt hơn cho chị, nhưng cũng chẳng cần, họ được chuẩn bị để say mê với tất cả những gì họ sắp được nghe. Đấy, bệnh đau ruột thừa. Tôi đã nói với chị rồi mà. Tội nghiệp cho bà Vetma, miễn là họ đừng có đăng lên báo. Trời ơi! Bà ấy lại phát triển sang những bệnh mới rồi. Thôi thì cũng cho chúng ta được ít phút hoãn binh này. Này chị Jên! Lúc nãy người ta chế giễu tôi về khả năng âm nhạc, nhưng tôi có thể chơi phần đệm cho chị nếu chị muốn… Không à! Tùy chị thôi. Nhưng chị nên nhớ là phải có một giọng thật khỏe thì mới làm cho người ta nghe được trong một cái phòng như phòng này, và trong phòng thì chật ních người. Bây giờ đến lượt chúng ta đây rồi, bà quận chúa đã kết thúc bài quảng cáo. Lại đây, cẩn thận bậc cuối cùng nhé. Sau tấm màn sao mà tối đen thế này!

Đan đưa tay ra giúp Jên trèo lên bục và cô đã thấy mình đứng trước một đám đông thính giả trong phòng hòa nhạc của lâu đài. Vì Jên chỉ có một mình trên bục nên thân hình cô vốn cao lại có vẻ cao lớn hơn lúc bình thường. Cô mặc một chiếc áo dạ hội bằng vải đen mềm, cổ đeo chuỗi hạt ngọc.

Lúc Jên xuất hiện, người ta tò mò nhìn cô, đón chào cô bằng những tiếng vỗ tay kín đáo và dè dặt. Tên Vetma trên chương trình đã gợi lên nhiều hy vọng lớn lao, nhưng đây lại là cô Jên, cô có thể có một số tài năng nào đó, nhưng làm sao mà hát thay cho Vetma được! Một cử tọa tốt hơn có thể dành cho Jên một sự đón tiếp nồng nhiệt hơn để tán thưởng sự cố gắng của cô và chúc cô thành công. Nhưng công chúng Overdene, trái lại, biểu lộ vẻ ngạc nhiên bằng sự đón tiếp lạnh nhạt và kém tin tưởng vào khả năng của cô.

Jên mỉm cười niềm nở với các thính giả. Cô ngồi vào đàn dương cầm, ngắm nghía một dây những cành hoa hồng trắng và hoa cẩm chướng đỏ, rồi không có giáo đầu gì khác, cô bập ngay vào đoạn mở đầu trên các phím đàn và cất tiếng hát.

Giọng hát sâu xa và tuyệt vời tràn ngập căn phòng. Thính giả lặng im một cách kính cẩn. Từng âm thanh một thấm sâu vào im lặng, ngân nga bằng một giọng hát hiền dịu và ngọt ngào, làm cho những trái tim thờ ơ cũng phải ngạc nhiên vì bị cảm hóa. Những ai có thể thưởng thức được một cách mạnh mẽ đều rùng mình trước sức cám dỗ của âm nhạc:

Những giờ phút em trải qua với anh, hỡi tâm hồn yêu mến,

Đối với em là những chuỗi hạt ngọc;

Em lần từng hạt, từng hạt một….

Chuỗi tràng hạt của em…Chuỗi tràng hạt của em…

Nhẹ nhàng, kính cẩn, dịu dàng, những câu cuối cùng này được tung vào trong không gian, mang theo biết bao là kỷ niệm, cộng hưởng trung thành của một trái tim phụ nữ với sự hồi tưởng lại những giờ phút dịu dàng của quá khứ.

Cử tọa nín thở. Người ta đang nghe đây không chỉ là một bản tình ca, mà là những tiếng đập của trái tim, mỗi một tiếng đập nghe xót xa đến độ làm nước mắt phải trào ra.

Và giọng hát ấy đã phát ra những dòng đầu tiên một cách bình thản, nay lại cất lên trong một cung bậc cao hơn, nhanh hơn, hãi hùng và đau đớn:

Mỗi giờ một hạt ngọc, mỗi hạt ngọc một câu kinh…

Để làm dịu một trái tim đau đớn vì sự vắng mặt,

Em đếm từng hạt ngọc, cho đến hạt cuối cùng

Và ở đó

Treo một thập giá

Bốn câu cuối cùng được phát ra bằng một giọng rất mạnh mẽ và say sưa, như truyền điệu vào các thính giả. Trong khoảng thời gian tạm ngưng sau đó, người ta có thể đo được cường độ của tác động đã xảy ra.

Nhưng một phút sau giọng hát lại tiếp tục với một âm điệu biểu lộ niềm hăng say không bao giờ giảm sút, không sợ một khổ đau nào:

Ôi, những kỷ niệm thiêu đốt và an ủi!

Ôi, kết thúc nhỏ nhoi và hối hận chua xót!

Em hôn từng hạt ngọc và em thử học cách

Hôn cái Thập giá…. Hôn cái Thập giá!

Trong cách Jên hát câu “em hôn từng hạt ngọc” có một niềm ngọt ngào khó tả, biểu lộ sự say mê yếu ớt của một mối tình rất phụ nữ, rất trong sáng, rất đẹp đẽ, rất dịu dàng, mà người hát như bị lu mờ đi.

Cách đệm đàn, bắt đầu với một hòa âm, kết thúc với một nốt độc nhất, Jên bấm vào nó một cách chậm rãi, như luyến tiếc, rồi cô đứng lên, toan rời khỏi dương cầm thì tiếng vỗ tay nổi lên như sấm, Jên lưỡng lự, ngừng một lát, nhìn các thính giả và như có vẻ ngạc nhiên vì nhìn thấy họ ở đây. Rồi một nụ cười sáng trên cặp mắt và chuyển xuống cặp môi. Cô đứng một lát ở giữa bục, hơi ngượng nghịu, gần như bị dọa nạt, rồi quay đi. Mọi người kêu lên: “Nữa đi! Nữa đi!” và Jên đã bước xuống một bậc.

Bên dưới, đằng sau sân khấu trong bóng tối, một bất ngờ mới đang đợi cô, lạ lùng hơn cả sự nhiệt thành của các thính giả.

Dưới chân bục. Đan đứng đấy, mặt tái nhợt như xác chết và cặp mắt sáng như hai ngôi sao. Anh đứng yên lặng cho đến khi Jên bước tới gần anh. Thế là anh chộp lấy hai vai cô và buộc cô phải quay lại nửa vòng. Và bằng một giọng áp chế mà tiếng rung của nó làm Jên phải kinh ngạc và ngước mắt nhìn anh trong im lặng. Anh nói:

- Chị phải quay lại, quay lại lên trên kia và tiếp tục nữa đi. Từ đầu đến cuối, từng nốt một, từng câu một. Đừng có đứng đấy mà đợi nữa. Tôi nói chị quay lại đi! Chị không hiểu rằng cần phải như thế à?

Jên nhìn cặp mắt sáng ngời của anh và thấy có cái gì như xin lỗi về sự cộc lốc của lời nói đầy vẻ mệnh lệnh. Không nói một câu, Jên lại lên bậc, đi qua bục và ngồi vào đàn.

Jên cảm nhận một thể nghiệm mới và kỳ lạ. Chưa bao giờ trong đời, cô lại phải thi hành một mệnh lệnh mà không dám cãi lại. Hồi còn bé, các bà vú nuôi cô đã phát hiện ra rằng muốn cô nghe theo thì phải có những cách thức hoặc những lời kêu gọi cảm động đối với những tình cảm tốt đẹp của Jên, và tính cách ấy cho đến nay vẫn không hề thay đổi. Đến bà quận chúa cũng phải nói với Jên “nếu cháu thích”. Đằng này thì một chàng thanh niên nước da tái, cặp mắt nồng nàn, không một chút lễ nghi, đã bắt cô phải quay lại, đã ra lệnh cho cô phải trèo lên bục, phải hát bài tình ca một lần nữa, và cô đã tuân theo.

Tiếng vỗ tay vẫn còn tiếp diễn, lại tăng lên gấp bội khi thấy Jên quay lại, nhưng cô ngồi xuống không nghĩ gì về thính giả.

Trong thâm tâm, Jên đã không định hát bài Chuỗi tràng hạt một lần nữa. Trong danh mục của cô còn nhiều bài khác. Các thính giả đang chờ, tại sao lại làm cho họ thất vọng?

Cô bắt đầu một khúc dạo tuyệt diệu của Handel. Nhưng trong khi chơi, ý thức của cô lại xen vào. Không, khi trở lại để hát không phải cô vâng phục tính ngông cuồng của một đứa trẻ bị xúc động, mà là theo ý muốn của người đàn ông bị cảm xúc một cách sâu sắc, và cảm xúc đó không hẳn đã bình thường.

Đan xúc động đến độ quên mất cả phong thái lịch sự của mình, điều làm người ta kính trọng anh. Trong khi Jên chơi khúc dạo của Handel, người ta tưởng như cả một dàn nhạc đáp lời kêu gọi của những ngón tay cô. Cô nhận thức được câu “chị phải” của Đan, và cảm thấy cần phải làm theo. Dạo hết khúc nhạc, cô ngừng một lát rồi lại cho nổi lên đoạn mở đầu của bản Chuỗi tràng hạt và nghe theo lời Đan, cô cất tiếng hát:

Những giờ em trải qua với anh, hỡi tâm hồn yêu mến….

Lúc Jên bước xuống bục, Đan vẫn đứng im lặng phía dưới, mặt anh vẫn cứ tái xanh, nhưng cặp mắt anh không còn vẻ phiền não chưa nguôi đã buộc Jên phải vâng phục. Lúc này một ánh sáng kỳ diệu soi sáng hai người, một thứ ánh sáng thân thương làm Jên phải hồi hộp vì chưa bao giờ được nhìn thấy. Cô mỉm cười, từ từ bước xuống và đưa hai bàn tay cho Đan với một cử chỉ thân mật và duyên dáng, Đan tiến lại, nắm lấy tay Jên và giữ trong bàn tay mình.

Sau một giây im lặng, Đan nói bằng một thứ giọng ngân vang:

- Chúa tôi! Ôi, Chúa tôi!

- Đan! Đừng nên nói suông câu đó!

- Suông? Ô không! Chưa bao giờ tôi nói đúng đắn hơn “Mọi tài năng hoàn hảo đều từ trên Trời xuống”. Khi những lời nói không đủ để ngợi ca một tài năng, chị lấy làm lạ thấy tôi phải kêu gọi đến Chúa sao?

Jên trịnh trọng nhìn vào cặp mắt Đan, và một vẻ vui sướng ánh lên trong cặp mắt cô.

- Vậy là anh hài lòng về bản tình ca của tôi chứ?

- Hài lòng về bản tình ca của chị ư? - Đan nhắc lại, - tôi không biết nữa.

- Thế tại sao lại có những lời tâng bốc ấy? - Jên cười hỏi.

- Vì rằng, - Đan nói rất khẽ, - chị đã vén tấm màn lên và tôi đã bước qua ngưỡng cửa.

Anh còn giữ hai bàn tay Jên trong tay anh, lúc nói những câu sau cùng này anh nhẹ nhàng lật chúng lên và cúi xuống trịnh trọng hôn vào hai lòng bàn tay, rồi bỏ chúng xuống, anh biến đi và để Jên một mình đi ra ngoài sân.