Của đại úy Arthur Hastings
Sĩ quan Hoàng gia Anh
Trong truyện này, tôi không chỉ kể lại những sự việc và nơi chốn tôi có liên quan và có mặt, do đó một số chương truyện được viết theo ngôi thứ ba.
Tôi xin cam đoan với độc giả rằng tôi có thể đảm bảo tính xác thực của các sự kiện trong các chương này. Nếu tôi có hơi lãng mạn trong việc miêu tả suy nghĩ và tình cảm của nhiều người khác nhau thì đó là vì tôi nghĩ tôi đã kể về họ một cách chính xác nhất. Ngoài ra, tôi cũng muốn nói thêm rằng những chương đó đều được ông bạn Hercule Poirot của tôi “duyệt” qua rồi.
Tóm lại, tôi muốn nói là nếu tôi có miêu tả dài dòng các mối quan hệ riêng tư không quan trọng lắm nhưng xuất hiện trong loạt vụ án kỳ lạ này thì đó là vì yếu tố con người và cá nhân không thể bỏ qua được. Có lần Hercule Poirot đã bảo tôi các vụ án hay làm nảy sinh ra những mối tình lắm.
Còn về việc phá vụ án A.B.C. bí ẩn này, tôi chỉ có thể nói rằng theo ý tôi Poirot đã chứng tỏ tài năng thật sự của ông trong việc xử lý một vấn đề hoàn toàn khác với những vụ ông đã phá trước đó.
Tháng 6 năm 1935 tôi về thăm nhà sau chừng sáu tháng trời ở trang trại của mình bên Nam Mỹ. Thời gian đó thật là khó khăn. Cũng như mọi người, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi suy thoái toàn cầu. Có nhiều việc ở Anh mà tôi cảm thấy phải đích thân xử lý thì mới ổn thỏa. Vợ tôi ở lại bên ấy quản lý trang trại.
Đương nhiên, một trong những việc đầu tiên tôi làm khi về tới Anh là thăm ông bạn già Hercule Poirot của tôi.
Tôi thấy Poirot sống trong một căn hộ cho thuê loại mới nhất ở Luân Đôn. Tôi chê (mà Poirot cũng đồng ý) rằng ông chọn sống trong tòa nhà này hoàn toàn là vì dáng vẻ vuông vức cũng như tầm cỡ của nó.
“Đúng thế ông bạn à, những đường nét đối xứng nhìn dễ chịu, ông không thấy vậy sao?”
Tôi nói tòa nhà quá nhiều góc vuông và lấy một chuyện đùa cũ để trêu ông rằng trong ngôi nhà siêu hiện đại này chắc người ta làm cho gà đẻ ra trứng vuông.
Poirot phá lên cười sảng khoái.
“Á, ông vẫn còn nhớ chuyện đó? Than ơi - khoa học chưa thể làm cho gà mái tuân theo thị hiếu mới, chúng vẫn đẻ trứng với đủ kích cỡ và màu sắc khác nhau thôi!” Tôi trìu mến ngắm nhìn ông bạn già. Poirot vẫn còn mạnh khỏe lắm và dường như chẳng già thêm chút nào kể từ lần gặp trước.
“Trông ông vẫn còn tinh anh lắm, ông Poirot ạ”, tôi nói. “Ông chẳng già thêm chút nào. Thiệt tình thì không thể tin được, nhưng có vẻ như ông ít tóc bạc hơn lần trước tôi gặp ông thì phải”.
Poirot nhìn tôi mỉm cười.
“Sao lại không tin cơ chứ? Đúng vậy mà”.
“Ý ông là tóc ông chuyển từ bạc sang đen chớ không phải ngược lại sao?”
“Đúng thế”.
“Nhưng mà phản khoa học quá!”
“Không hề”.
“Nhưng vậy thì rất kỳ. Có vẻ trái tự nhiên”.
“Hastings à, đầu óc ông lúc nào cũng suy nghĩ tốt đẹp và không bao giờ hoài nghi. Thời gian chẳng làm thay đổi cái tính đó của ông! Ông vừa thu nạp dữ kiện vừa đưa ra kết luận cùng lúc mà không hề hay biết mình đang làm như thế!”
Tôi nhìn ông trân trối vẻ khó hiểu.
Không nói thêm lời nào, ông bạn tôi đi vào phòng ngủ rồi trở ra với một cái chai trên tay và đưa cho tôi.
Tôi cầm lấy mà vẫn chưa hiểu gì.
Trên chai ghi:
Revivit. - Mang lại màu sắc tự nhiên cho tóc của bạn. Revivit không phải là thuốc nhuộm. Có năm màu: màu tro, màu hạt dẻ, màu hung, màu nâu và màu đen.
Tôi la lên: “Poirot, té ra là ông nhuộm tóc!”
“À, cuối cùng ông cũng đã hiểu!”
“Thế đó là lý do vì sao tóc ông lại đen hơn hồi tôi về gặp ông lần trước”.
“Đúng vậy”.
Vừa hết kinh ngạc, tôi nói: “Trời ạ, chắc lần tới tôi về không chừng lại thấy ông đeo ria giả - hay là ông cũng đang đeo ria giả đấy?”
Poirot cau mày. Bộ ria luôn là điểm nhạy cảm của ông. Ông tự hào về chúng một cách cực kỳ thái quá. Câu nói của tôi khiến ông cáu.
“Làm gì có, mon ami [1]. Tôi thề với ông cái ngày ấy vẫn còn xa lắm. Ria giả ư! Quel horreur [2]!”
Ông kéo mạnh ria mép của mình để chứng minh với tôi. “À ừ, nó vẫn còn rậm rạp lắm”, tôi khen.
“N’est ce pas? [3] Khắp Luân Đôn này chưa thấy bộ ria nào có thể so sánh với bộ ria của tôi đâu đấy”.
Sự nghiệp của ông cũng thế mà, tôi thầm nghĩ. Nhưng tôi không dám nói ra, sợ lại làm ông bạn Poirot phật lòng.
Thay vào đó tôi hỏi xem thỉnh thoảng ông có còn hành nghề không.
“Tôi biết ông nghỉ hưu nhiều năm rồi...”
“C’est vrai. [4] Để trồng bí ngòi! Và rồi đột nhiên có một vụ án mạng xảy ra thế là đi tong cái vụ trồng bí ngòi. Và kể từ đó - tôi biết ông sẽ nói - tôi giống như kép chính đóng vở diễn cuối cùng! Cái vở diễn cuối cùng đó, cứ lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần rồi!”
Tôi cười xòa.
“Đúng như vậy đấy ông bạn ạ. Mỗi lần tôi nói: lần này là kết thúc rồi; thì không, lại một vụ khác xảy ra! Và phải thừa nhận tôi muốn nghỉ hưu cũng không được. Nếu mấy cái tế bào chất xám nhỏ bé không được luyện tập, nó sẽ hoen gỉ mất”.
Tôi đáp: “Hiểu rồi. Thế nên ông chỉ luyện tập chúng ở mức vừa phải thôi chứ gì”.
“Chính xác. Tôi chọn lựa rất kỹ. Bởi giờ đây Hercule Poirot chỉ tham gia những vụ án hóc búa thôi”.
“Có nhiều vụ như thế không?”
“Pas mal. [5] Cách đây không lâu tôi thoát chết trong gang tấc”.
Chẳng phải thế sao? Đúng thế.
Không nhiều lắm.
“Vì thất bại à?”
Poirot có vẻ sửng sốt. “Không, không phải. Nhưng tôi, Hercule Poirot, suýt mất mạng”.
Tôi rên lên một tiếng.
“Một tên giết người táo bạo!”
Poirot trả lời: “Táo bạo thì ít mà bất cẩn thì nhiều. Chính xác là rất bất cẩn. Nhưng thôi, đừng nói chuyện này nữa. Hastings biết không, xét trên nhiều phương diện tôi xem ông như bùa hộ mệnh của mình”.
Tôi hỏi lại: “Thật ư? Như thế nào kia?”
Poirot không trả lời thẳng, ông bảo:
“Ngay khi biết ông đến tôi tự nhủ: sẽ có chuyện cho mà xem. Như thuở trước, hai đứa mình đi săn cùng nhau, chỉ hai đứa mình thôi. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì hẳn không phải là chuyện thường. Phải có điều gì đó” - Ông hào hứng vẫy tay - “Điều gì đó tao nhã - thanh lịch - tinh tế...” Ông bỏ lửng từ cuối cùng không thể diễn tả nổi ấy.
“Mèn ơi, Poirot. Người ta sẽ tưởng ông đang gọi món ăn ở nhà hàng Ritz mất”, tối nói.
“Sao người ta không thể chọn vụ án nhỉ? Đúng thật”. Ông thở dài. “Nhưng nếu được, tôi tin vào sự may mắn, vào số phận. Số phận của ông là sát cánh bên tôi và ngăn tôi mắc những lỗi lầm không thể tha thứ”.
“Những lỗi không thể tha thứ như lỗi gì?”
“Bỏ qua những chi tiết quá rõ ràng”.
Tôi ngẫm nghĩ nhưng vẫn chưa hiểu lắm.
Sau đó tôi cười nói: “Vậy siêu tội phạm này đã xuất hiện chưa?”
“Pas encore. [6] Ít ra là tôi nghĩ thế...”
Poirot ngừng nói. Ông nhăn trán vẻ khó hiểu. Tay ông bất giác xếp lại mấy vật mà tôi vô tình đẩy sai chỗ.
“Tôi cũng không chắc lắm”, ông chậm rãi trả lời.
Có cái gì kỳ lạ trong giọng nói của Poirot đến nỗi tôi phải nhìn ông ngạc nhiên.
Poirot vẫn nhăn trán nghĩ ngợi.
Đột nhiên ông gật đầu dứt khoát rồi bước tới bàn làm việc gần cửa sổ. Không cần phải nói, mọi thứ trên bàn đều được dán nhãn và xếp theo từng ngăn để ông có thể lấy những giấy tờ ông muốn bất kỳ lúc nào.
Ông chậm rãi quay lại chỗ tôi và cầm theo một bức thư đã mở. Ông đọc thầm một lượt rồi đưa cho tôi.
“Nói cho tôi biết ông sẽ làm gì với cái này, mon ami?” Poirot lên tiếng.
Tôi nhận bức thư từ tay ông, lòng gợn chút tò mò.
Thư được đánh máy trên loại giấy trắng khá dày.
Ngài Hercule Poirot, ngài tự huyễn hoặc chính mình rằng ngài có thể giải quyết những vụ án hóc búa mà bọn cảnh sát Anh đần độn tội nghiệp không làm được chăng? Hãy đợi xem ngài thông minh đến mức nào, ngài Poirot Thông Minh. Có thể ngài sẽ thấy vụ này khó nhằn đấy. Lo mà canh chừng Andover vào ngày 21 tháng này.
Kính thư, A B C
Tôi liếc qua bì thư. Địa chỉ trên đó cũng được đánh máy. Khi tôi để ý đến dấu bưu điện, Poirot nói: “Dấu bưu điện ghi WC1. Vậy, ông nghĩ sao?”
Tôi nhún vai trả lại bức thư cho ông.
“Tôi đoán là thằng điên điên khùng khùng nào đó gửi thôi”.
“Ý ông sự việc chỉ đơn giản vậy thôi à?”
“Chứ ông không thấy có vẻ điên sao?”
“À, có chứ, ông bạn”.
Giọng ông chùng xuống. Tôi tò mò nhìn ông.
“Ông hơi nghiêm trọng hóa vấn đề rồi, Poirot à”.
“Ông bạn ơi, một kẻ điên thì càng cần phải được xem xét nghiêm túc. Người điên rất nguy hiểm”.
“Ừ, đương nhiên. Đúng thế... Tôi đã không nghĩ đến điều đó. Nhưng ý tôi là chuyện này có vẻ như trò đùa ngu ngốc. Có lẽ là một kẻ thích chè chén chân tám chân chín nào đó”.
“Comment? [7] Chín à? Chín gì?”
“Không có gì. Thành ngữ ấy mà. Ý tôi là thằng cha đó bị xỉn. Mà không, trời ạ, ý tôi là một gã say rượu ấy”.
“Merci, [8] Hastings. Tôi biết từ “xỉn” rồi. Như ông nói đấy, chắc không có vấn đề gì nghiêm trọng thật...”
Ngạc nhiên trước giọng điệu chưa thỏa mãn của Poirot, tôi gặng hỏi: “Chứ ông nghĩ là có à?”
Poirot lắc đầu vẻ hoài nghi nhưng không nói gì thêm.
Tôi lại chất vấn: “Thế ông đã làm gì với lá thư đó?”
“Còn làm gì nữa chứ? Tôi đưa cho Japp. Ông ấy cũng nghĩ như ông - một trò chơi khăm ngu ngốc - Japp bảo thế. Ở Scotland Yard, ngày nào họ cũng nhận được những thứ tương tự. Tôi cũng từng thế...”
“Nhưng ông xem bức thư này là chuyện nghiêm túc?”
Poirot chậm rãi trả lời.
“Có điều gì đó ở bức thư này mà tôi không thích, Hastings ạ...”
Dù không muốn nhưng giọng điệu của ông càng thúc giục tôi.
“Vậy ư? Điều gì?”
Poirot lắc đầu, nhặt lá thư lên rồi cất lại vào hộc bàn.
Tôi hỏi: “Nếu ông coi là chuyện nghiêm túc, sao ông không làm gì cả?”
“Tôi lúc nào cũng là người ưa hành động! Nhưng tôi có thể làm gì cơ chứ? Cảnh sát quận đã xem bức thư và họ cũng không coi là chuyện nghiêm túc. Không có dấu vân tay trên đó. Không có một manh mối nào để đoán ra kẻ viết thư”.
“Vậy thực ra chỉ là bản năng của ông mách bảo thôi sao?”
“Không phải bản năng, Hastings à. Bản năng là một từ dở. Mà là kiến thức và kinh nghiệm của tôi chỉ ra rằng có gì đó bất ổn ở lá thư này...”
Poirot hoa tay múa chân khi không diễn đạt được bằng lời, rồi lại lắc đầu.
“Có thể là tôi chuyện bé xé ra to. Dù sao cũng không làm gì được ngoài chờ đợi”.
“Ừ, ngày 21 là thứ Sáu đấy. Biết đâu có một vụ cướp lớn xảy ra gần Andover...”
“À, nếu được thế thì dễ chịu biết nhường nào...!”
“Dễ chịu ư?” Tôi trợn mắt. Dùng từ đó trong hoàn cảnh này thì lạ quá.
“Một vụ cướp có thể ly kỳ chứ sao mà dễ chịu được!” Tôi phản đối.
Poirot lắc đầu quầy quậy.
“Hiểu lầm rồi, bạn tôi ơi. Ông không hiểu ý tôi. Nếu là một vụ cướp thì đỡ quá vì nó loại bỏ được nỗi ám ảnh khác trong tôi”.
“Ám ảnh về cái gì kia?”
“Giết người”, Hercule Poirot đáp.
Chú thích:
[1] Ông bạn.
[2] Thật là khủng khiếp!
[3] Chẳng phải thế sao?
[4] Đúng thế.
[5] Không nhiều lắm.
[6] Chưa.
[7] Gì cơ?
[8] Cám ơn.