Chúa tàu từ giã quan Án vừa bước ra khỏi thềm, mắt ngó qua phía tay mặt, thấy Trần Tấn Thân xăm xăm đi xuống trại, Tấn Thân đi trước, tên lính theo sau. Tấn Thân ngoái đầu lại nói chuyện chi đó không biết, mà tên lính nhảy tới xô mạnh quá khiến Tấn Thân chúi lúi gần té sấp. Chúa tàu dừng chơn đứng lại xem thì thấy Tấn Thân lầm lũi đi riết, không dám nói chi hết. Tấn Thân ở đất Tân Châu oai thế cũng như ông Huyện thứ nhì, giàu sang đến bực bá hộ, nay lâm hại rồi một tên lính cơ cũng có thể húng hiếp được. Mùi đời mặn lạt, thế tục đắng cay, nghĩ rất buồn thay! Chúa tàu nghĩ như vậy rồi nhớ lúc mình hoạn nạn không ai đoái hoài, thì lòng càng chua xót, dạ càng ngẩn ngơ, bởi vậy cho nên đi riết xuống tàu, không nói chuyện chi với Trần Mừng hết.
Xuống tới mé sông thấy Tri phủ Tân Thành còn đứng đó chờ lính neo ghe sát vô mé đặng bước xuống cho dễ. Tri phủ hai con mắt đỏ chạch, còn mình mẩy thì run như thằn lằn đứt đuôi. Lúc ấy mặt trời vừa trịch bóng. Chúa tàu đi thẳng lại bến đò rồi gọi bạn tàu bơi tam bản vô rước. Chúa tàu vào phòng, mở cửa sổ ngồi ngó chừng thì thấy ghe của Tri phú cũng đậu chớ không chèo đi. Chúa tàu dòm một hồi thấy ban đầu một tên lính nhảy lên bờ rồi đi chợ, một lát thấy có một tên trạo cũng nhảy lên bờ mà đi nữa. Cách một hồi lâu có một tên trạo nữa cũng bỏ ghe mà đi. Chúa tàu rình coi thì dưới ghe im lìm dường như không có người ta vậy. Chúa tàu lật đật bước qua tam bản rồi biểu bạn bơi riết lại ghe Tri phủ.
Tam bản cặp dựa mé cột chèo mũi, Chúa tàu bước qua ghe thì trạo phu, lính tráng đều đi mất hết, dòm vô trong mui thấy có một người trùm mền rên hù hù đó mà thôi. Chúa tàu định chắc đó là quan Phủ, bèn chun vô mui, lấy tay kéo mền thì thiệt quả quan Phủ nóng vùi, nằm mê man không biết chi hết. Chúa tàu rờ trán nắm tay; quan Phủ tỉnh lại, mở mắt thấy Chúa tàu thì lắc đầu mà khóc rồi nhắm mắt lại. Chúa tàu kêu: “Quan Phủ! Quan Phủ!”. Quan Phủ mở mắt, Chúa tàu liền hỏi: “Ông biết tôi là ai đây hay không?”. Quan Phủ ráng nói: “Ông là Chúa tàu Kim Qui chớ ai”. Chúa tàu cười và lắc đầu mà nói rằng: “Ông lầm rồi. Tôi là Lê Thủ Nghĩa, con của Lê Thủ Thành ở Tân Châu đây. Cách mười bốn năm trước ông ăn của thằng Trần Tấn Thân năm chục quan tiền, rồi ông hại tôi bị án chung thân, ở nhà cha mẹ với em tôi rầu buồn chết lúc đó, ông nhớ hay không? Nay tôi trả thù đa, nói cho ông biết”.
Quan Phủ nghe mấy lời vùng tốc mền ngồi dậy la lớn lên rằng: “Bớ người ta! Thủ Nghĩa nó muốn giết tôi đây nè, bớ …”
Chúa tàu lấy tay chỉ ngay quan Phủ mà nói rằng: “Đừng la vô ích, để tôi nói chuyện cho ông nghe. Tôi có thèm giết ông đâu mà sợ. Nếu tôi muốn giết ông, tôi xin với quan Thượng ngài làm tội nặng thì ông phải chết, cần gì tôi phải giết. Không, tôi không thèm giết ông đâu. Thiệt, bây giờ tôi là thằng tù trốn mà tôi đố ông lên ông thưa làm sao cho quan họ bắt tôi đa. Trong tỉnh nầy quan dân ai cũng đều biết tôi là Chúa tàu Kim Qui, ông nói ai tin, mà ông bị tôi kiện, bây giờ ông đi thưa tôi thì sao họ cũng nói ông đặt điều, họ càng ghét ông hơn nữa”.
Quan Phủ run lập cập, liếc mắt dòm cùng trước mũi sau lái nghe. Chúa tàu cười rồi tiếp rằng: “Lính với trạo đều đi lên chợ hết, dưới ghe bây giờ còn có một mình ông với tôi mà thôi. Có ai đâu mà chứng được. Vậy thì ông ngồi tử tế, tôi nói chuyện cho ông nghe”.
Quan Phủ ngồi thở dài rồi bệu bạo rằng:
- Cái thời của tôi đã hết rồi, tự ý chú em nó thương thì tôi nhờ, còn hại thì tôi chịu, chớ biết sao bây giờ.
- Tôi là người ngay mà vì ông với thằng Trần Tấn Thân âm mưu hại tôi đến nỗi bị án chung thân, ở nhà cha mẹ chết hết, nhà cửa tan hoang, bởi vậy cho nên tôi bước chưn ra khỏi ngục thì hầm hầm quyết trả cho được cái thù riêng, làm cho ông với thằng Tấn Thân cũng bị đày bị lưu như tôi vậy, tôi mới vừa lòng. Chẳng dè nay tôi thấy ông sợ sệt quá, trong lòng tôi bất nhẫn.
- Tội nghiệp tôi quá chú em ơi! Tôi già đã gần sáu mươi tuổi rồi, nay mai gì cũng chết. Vậy xin chú em nó thương giùm…
- Ông là người gian, mà ông biểu tôi thương. Hồi trước tôi là người ngay mà tôi lạy ông, tôi xin ông thương, lại kiếm chuyện hại tôi?
- Tôi bị thằng Trần Tấn Thân nó nói quá nên tôi mới làm quấy như vậy, chớ phải tôi thù oán chi chú em hay sao.
- Mình làm quan sao lại đi nghe lời đứa tiểu nhơn làm chi?
- Bởi vậy mới có chuyện!
- Thôi, bây giờ tôi biết ông ăn năn rồi, tôi cũng không muốn hại ông làm gì.
- Tội nghiệp tôi mà!
- Tôi hỏi thiệt ông, vậy chớ bạc của Trần Mừng đó ông lấy bao nhiêu, còn ông chia cho thằng Tấn Thân bao nhiêu?
- Thiệt hồi đó tôi có biết khách Trần Mừng gởi bạc bao nhiêu ở đâu. Nó nói với tôi rằng: Trần Mừng gởi bốn mươi nén, nó biểu tôi tính thế đặng đoạt bạc ấy. Ban đầu tôi không chịu, nó nói riết, tôi mới bày mưu cho nó, rồi nó đem đưa nó cho tôi có hai chục nén, chớ phải tôi lấy hết hay sao.
- Ông thấy hay chưa? Mưu với đứa tiểu nhơn hại như vậy đó! Mà bây giờ ông muốn gỡ tội cho ông hay không?
- Cha cha! Nếu chú em có lòng nhơn cứu giùm tôi phen này thì tôi đội ơn ngàn ngày.
- Có lẽ khi ông cũng có nghe chớ? Tôi có làm một việc đại ơn trong tỉnh này, bởi vậy cho nên từ quan Thượng cho tới quan Bố, quan Án ai cũng đều vị tôi hết thảy. Bây giờ tôi muốn gỡ tội cho ông không khó chi đâu. Song tôi giao với ông như vầy: “Nếu tôi nói mà nghe lời tôi, thì tôi mới chịu xin giùm cho ông”.
- Chú em nó muốn biểu làm sao cũng được hết.
- Tôi không biểu việc chi khó đâu ông sợ; tôi muốn ông viết một tờ bẩm nói rằng năm Bính Thân, lối tháng ba, ông ngồi Tri huyện Đông Xuyên, ông nghe lời đứa tiểu nhơn nó kẻ vô kẻ ra nên ông có nghi cho tên Lê Thủ Nghĩa theo đạo Thiên Chúa, ông bắt nó giải qua tỉnh, quan tỉnh thẩm xét không kỹ, nên kêu án nó tù chung thân. Nay ông nghe chắc lại thì hồi đó ông nghi lầm, mà quan trên kêu án cũng lầm. Vậy ông xin quan trên thẩm án đó lại mà tha tên Thủ Nghĩa kẻo oan ức nó tội nghiệp, ông viết phúc bẩm rồi ông đi với tôi đưa lên cho quan Án. Tôi cấm ông một điều nầy là như quan trên có hỏi tên Thủ Nghĩa bây giờ ở đâu thì ông đừng có chỉ tôi, ông nói nó vượt ngục đã ba năm nay, nghe nói bây giờ nó trốn ở trong rừng phía bên Tân Châu. Lúc nầy nhằm mùa thu, chánh là lúc quan đương thẩm án. Hễ ông đưa phúc bẩm đó rồi tôi sẽ gỡ tội cho ông.
Chúa tàu nói vừa dứt lời, kế có một tên lính trở xuống ghe, chun vô mui đưa cho quan Phủ một gói thuốc tán. Quan Phủ uống thuốc rồi liền lấy giấy mực ra mà viết tờ bẩm. Quan Phủ viết, Chúa tàu ngồi coi từ chữ. Nhờ uống gói thuốc tán đó nên quan Phủ đổ mồ hôi, bớt nóng lạnh. Tờ bẩm viết xong, Chúa tàu lấy đọc lại, rồi hai người dắt nhau trở lên dinh quan Án, quan Phủ trao tờ bẩm cho quan Án, quan Án xem rồi liếc quan Phủ mà nói rằng: “Ngài biết ăn năn rồi hay sao nên đi xin tội cho người khác đây? Ngài ăn năn trễ quá!”. Chúa tàu rước mà đỡ lời nói rằng quan Phủ đã ăn năn lắm và xin quan Án thương giùm tội nghiệp, rồi day lại biểu quan Phủ xuống ghe mà nghỉ.
Quan Phủ xá quan Án rồi đi xuống ghe. Chúa tàu ở lại mới tỏ rằng hồi trưa mình có qua ghe viếng quan Phủ thì thấy quan Phủ nóng lạnh nằm vùi, mình lấy lời dịu ngọt mà dọ hỏi thì thiệt quả tên Thân nó sang đoạt của Trần Mừng, nó lo cho quan Phủ có hai chục nén mà thôi, chớ không phải quan Phủ lấy hết. Chúa tàu lại nói quan Phủ bây giờ ăn năn lung lắm, nhớ những việc nào mình làm quấy hồi trước thì lo sợ nên khóc nghe rất thảm thiết. Chúa tàu có nghe quan Phủ thuật lại chuyện hại Lê Thủ Nghĩa như vậy nên mới xúi làm tờ phúc bẩm mà xin quan trên thẩm án lại kẻo tên Thủ Nghĩa hàm oan tội nghiệp. Rốt hết Chúa tàu mới xin quan Án làm tội Trần Tấn Thân mà thôi, còn quan Phủ già cả, xin bao dung cho ổng hồi hưu đặng thong thả ngày già, chớ làm tội ổng, thì sợ ổng rầu chết tội nghiệp.
Quan Án liền dạy Kinh lịch lục kiếm tờ bẩm của Tri huyện Đông Xuyên hồi trước và kiếm coi hồi trước xử Thủ Nghĩa về tội chi. Kinh lịch lục hai ngày mới ra rồi đưa cho quan Án xem. Quan Án xem xét xong rồi bèn đòi mấy người trưởng lão bên Tân Châu qua mà hỏi coi hồi trước Lê Thủ Nghĩa có theo đạo Thiên Chúa hay không. Mấy người trưởng lão đều nói Thủ Nghĩa học nho giỏi, nhơn vì có gây thù oán với Trần Tấn Thân nên tên Thân nó kiếm chuyện mà nói vô nói ra với quan Huyện, quan Huyện không tra xét cho minh bạch, chạy tờ nói oan cho Thủ Nghĩa, chớ Thủ Nghĩa chẳng hề có theo đạo Thiên Chúa bao giờ.
Quan Án tra một vụ thành hai, mà tìm được sự oan ức của Thủ Nghĩa, là người ngay mà bị kẻ bất lương ám hại, thì ngài mừng rỡ vô cùng, nên lật đật lên án đặng có dưng cho quan Tổng đốc phê chuẩn.
Về vụ Trần Mừng bị giựt bạc ngài nghĩ rằng: Trần Tấn Thân chịu có lãnh mà cất giùm một trăm bốn chục nén bạc cho Trần Mừng, mà lãnh rồi từ ấy đến nay không có trả lại cho nguyên chủ. Tấn Thân khai bạc ấy Tri huyện Đông Xuyên lấy hết, khai thì khai như vậy chớ chẳng có chứng cớ chi. Tri huyện khai không biết vụ Trần Mừng gởi bạc cho Tấn Thân và chẳng có xét nhà bắt buộc Tấn Thân, chẳng có lấy bạc chi hết, việc vô bằng cớ nên chơn giả khó phân minh. Tuy vậy mà việc xét đã rõ ràng: tên Thân có giữ bạc cho khách Trần Mừng rồi sau lại bày chuyện mà nói quan xét nhà lấy hết bạc, đặt điều mà nói quan đón bắt Trần Mừng, ấy là những mưu gian dùng mà làm cho Trần Mừng sợ, bỏ bạc mà đi đặng có lấy của ấy. Đã vậy mà sai hai tên bạn trong nhà đưa Trần Mừng đi rồi, lại sợ chúng nó nói bậy mà lậu việc, nên ở nhà đến quan cáo gian chúng ăn trộm đồ, ấy là cố tâm sang đoạt của người, đến nỗi làm hại kẻ vô tội, thiệt Trần Tấn Thân lòng tham lam mà dạ lại độc ác nữa.
Quan Án thẩm như vậy nên định phạt Trần Tấn Thân đòn một trăm trượng, đồ[1] năm năm, lột phẩm bá hộ và tịch ký tài sản đặng bán lấy bạc mà trả lại cho Trần Mừng đủ một trăm bốn chục nén, như còn dư thì giao lại cho vợ con tên Thân dùng.
Còn Tri phủ Tân Thành, nguyên Tri huyện Đông Xuyên, làm quan không ơn đức mà cũng không oai nghi, bởi vậy cho nên kẻ dưới không kính mến mà lại không kiêng vì, mới dám cáo mình dùng quyền mà hà lạm. Tuy lời cáo không bằng không cớ, nhưng mà làm quan dường ấy thể diện mất hết rồi, theo tội lẽ thì phải cách chức mới vừa, song nghĩ vì Tri phủ dày công giúp nước thâm niên, nên dung chế cho hồi hưu an nghỉ.
Quan Án kết án vụ sang đoạt của Trần Mừng rồi, lại làm thêm một tờ bẩm vụ Lê Thủ Nghĩa bị hàm oan. Trong tờ bẩm ngài xin quan Thượng dưng sớ về triều mà xin hủy án cho Thủ Nghĩa. Giấy tờ làm xong rồi, quan Án mới cho lính xuống tàu mời Chúa tàu lên dinh đặng đưa Chúa tàu xem trước, Chúa tàu thấy quan Án xử y như lời mình xin thì trong bụng mừng rỡ vô cùng liền đứng dậy tạ ơn, rồi quan Án ôm hết giấy đem luôn hai chục nén bạc của tên Thân và dắt Chúa tàu lên dinh quan Tổng đốc.
Quan Tổng đốc xét rồi phê y như lời của quan Án phân đoán và dạy quan Án lãnh coi thi hành. Ngài gởi án ra Kinh và gởi luôn vụ hàm oan của Lê Thủ Nghĩa mà xin Triều đình hủy án cũ. Chúa tàu tạ ơn quan Tổng đốc rồi từ giã mà xuống tàu.
Quan Án về dinh cho đòi Tri phủ Tân Thành lên mà dạy trở về làm việc bổn phận, đợi chừng nào có bổ tri phủ khác đến rồi sẽ nghỉ. Ngài lại sai lính dắt Trần Tấn Thân lên đọc án cho nó nghe, rồi dạy đem xuống khám. Các việc xong rồi ngài mới biểu Kinh lịch viết tờ dạy Tri huyện Đông Xuyên tịch ký tài sản của Trần Tấn Thân bán lấy một trăm bốn mươi nén bạc đem qua tỉnh đặng ngài trả lại cho tiên cáo, còn bao nhiêu thì giao lại cho vợ con tên Thân.
Trần Mừng chẳng có lòng mong đòi bạc gởi cho Trần Tấn Thân lại được, may nhờ có Chúa tàu mà bạc trả lại đủ một trăm bốn mươi nén, thì lòng chẳng xiết nỗi mừng nhưng mà nghĩ vì mình mang ơn Chúa tàu đã nhiều, mình đã nguyện theo giúp đỡ Chúa tàu trọn đời, đã vậy mà Chúa tàu lại tin cậy nên giao hết vàng bạc cho mình giữ, thế thì mình cũng không lấy một trăm bốn mươi nén bạc này làm gì, bởi vậy Trần Mừng lãnh bạc rồi đem xuống tàu đưa hết cho Chúa tàu chớ không chịu lấy, Chúa tàu chẳng để ý đến tiền bạc, nhân Trần Mừng đưa bạc thì Chúa tàu biểu đem cất rồi thôi, chớ không nói lấy, mà cho Trần Mừng cũng không nói cho.