Đối với chú chẳng có gì là nặng nhọc cả: Từ việc ngồi suốt trên thuyền đến việc làm cá tuyết đánh bắt được (đầu tiên là bỏ lưỡi - được coi là một món ăn ngon, sau đó bỏ đầu và xương và chỉ khi ấy người ta mới bỏ vào trà và qua ướp muối lần thứ nhất). Dù là việc gì Êrik cũng đảm đương chẳng những tận tâm mà còn hăng say nữa. Chú làm cho Ôttô phải ngạc nhiên về thái độ chu đáo của mình đối với mọi công việc lặt vặt trong nghề cá của họ.
- Ở thành phố thì buồn nhớ đến tiều tụy đi! Chú nhỏ chất phác nói. Còn ở đây thì chỉ cần từ bỏ vịnh ra khơi là đã cảm thấy mình sống trong môi trường thân thuộc rồi!
Nhưng khi câu chuyện vừa mới nhắc đến đề tài ấy thì Êrik lại im bặt. Vậy chứ thỉnh thoảng, không biết vì sao, bỗng chú lại bắt đầu chứng minh cho Ôttô hay, đúng hơn là với chính bản thân mình, rằng không có gì hơn cuộc sống của người đánh cá.
- Anh cũng nghĩ như vậy - Ôttô nói với nụ cười bình thản, còn Êrik tội nghiệp thì quay mặt đi, cố nén một tiếng thở dài não nuột.
Nói cho ngay, chú buồn dữ lắm khi phải từ bỏ những buổi học để chỉ làm mỗi một việc lao động chân tay. Mỗi lần những tư tưởng ấy xâm chiếm chú, bằng mọi cách chú cố xua đuổi chúng đi, giấu không cho mọi người chung quanh biết nỗi giằng xé trong lòng mình. Nhưng, bất chấp tất cả, nỗi cay đắng và xót xa vẫn không chịu rời bỏ chú. Chú chẳng thổ lộ nỗi buồn của mình với ai trên đời này hết. Chú giấu kín nó trong lòng và do vậy chỉ càng thấy đau khổ hơn. Một tai nạn bất ngờ xảy ra vào đầu mùa xuân lại càng làm cho những nỗi dằn vặt trong lòng chú gay gắt hơn.
Ngày hôm ấy có một việc cần làm là cất vào kho số cá tuyết muối đã trữ được. Bác Hecsêbom, sau khi giao cho Êrik và Ôttô việc ấy đã tự mình đi đánh cá. Đó là một ngày u ám và oi bức khác thường đối với mùa xuân ở Na Uy. Trong lúc cần cù làm việc, hai chú bé nhận thấy công việc lao động bình thường nhất trong buổi sáng hôm ấy sao mà nặng nhọc khác thường, ngay cả đến không khí cũng thấy như có thể cân được.
- Lạ nhỉ - Êrik nói - Em thấy ù tai, cứ như là bay trên khinh khí cầu cao bốn hay năm kilômet ấy.
Chẳng mấy chốc chú bị chảy máu mũi. Cả Ôttô cũng thấy có những cảm giác như thế, mặc dù không thể diễn tả một cách chính xác được.
- Có lẽ phong vũ biểu bây giờ tụt mạnh lắm - Êrik nói tiếp - Giá có thì giờ em chạy đến thầy Maljarius kiểm tra xem sao.
- Em có đủ thời gian đấy - Ôttô đáp - Em đi xem thử coi, vì anh em mình gần như xong việc rồi. Nếu em có bị chậm thì một mình anh làm hết cũng được.
- Vậy em đi nhé! Chính em cũng không biết tại sao, nhưng áp suất không khí thế này làm em lo lắm. Sao em cứ muốn bây giờ bố ở nhà thì hay quá!
Trên đường đi Êrik đã gặp thầy giáo Maljarius.
- Con đấy à, Êrik! - Thầy giáo nói - Gặp con và thấy con không đi biển thầy mừng. Nói thật, thầy đi chỉ cốt biết xem con ở đâu thôi. Trong nửa giờ qua phong vũ biểu hạ rất nhanh. Trong đời chưa có lần nào thầy thấy như vậy cả. Bây giờ phong vũ biểu chỉ bảy trăm mười tám milimet. Chắc chắn là thời tiết sắp thay đổi.
Thầy giáo Maljarius chưa kịp nói hết câu đã nghe tiếng ào ào từ xa vọng lại kèm theo tiếng rú báo hiệu điềm chẳng lành. Bầu trời vừa mới đây chỉ có lớp mây màu tím giăng đầy ở phía Tây, thế mà đùng một cái đã tối sầm hết lại. Rồi sau một thoáng yên lặng, lá cây, rơm rạ, cát, đá mảnh - tất cả đều bị một cơn gió giật cuốn bốc lên trên không. Cơn bão đang đến gần.
Đó là trận bão mạnh ghê gớm, ống khói nhà, cánh cửa sổ và thậm chí ở một số nơi cả mái nhà cũng đều bị cuốn đi như những cọng cỏ. Nhiều nhà bị hư hại, nhiều kho tàng bị sụp đổ, nhưng trong vịnh, ngay khi bão biển mạnh nhất cũng vẫn bình yên, như mặt nước dưới giếng vậy.
Cơn bão đã hoành hành suốt cả giờ. Sau đó, bị các sườn núi Na Uy cản lại, nó chuyển sang hướng Nam, về phía lục địa châu Âu, quét đi tất cả mọi thứ trên đường. Trong các bản tin khí tượng, trận bão ấy được ghi nhận là một trận gió xoáy mạnh nhất có sức tàn phá lớn nhất đã tràn qua Đại Tây Dương từ trước đến nay.
Ở thời đại chúng ta (ở đây nói đến những năm sáu mươi của thế kỷ 19), những đợt di chuyển của không khí mang tính chất thảm họa như vậy được người ta thông tin bằng điện báo. Phần lớn các cảng ở châu Âu được thông báo kịp thời bằng công văn hỏa tốc đã báo tin ngay về trận bão sắp đến cho các tàu đang chuẩn bị rời bến hoặc neo yếu. Nhờ vậy, những thiệt hại về người do bão gây ra có phần nào bớt đi. Nhưng, tai nạn ở các làng chài và ngoài biển khơi do ở xa những cảng lớn thì nhiều vô kể. Tổng cục hàng hải Pháp Veritas và Tổng cục hàng hải Anh Lôiđa đã ghi lại được ít nhất bảy trăm ba mươi vụ đắm tàu do bão gây nên.
Ý nghĩ đầu tiên của gia đình Hecsêbom, cũng như hàng trăm gia đình đánh cá khác trong ngày hôm ấy tất nhiên là chú ý đến những người đi biển. Bác Hecsêbom thường hay đi về bờ biển phía Tây của một hòn đảo khá lớn cách cửa vịnh hai hải lý. Đúng nơi ấy trước đây bác đã tìm thấy Êrik. Căn cứ vào chỗ bão không ập đến ngay, nên có thể hy vọng rằng bác đã tìm được nơi trú ẩn, ngay cả khi thuyền bị hất lên bãi cát. Những, Êrik và Ôttô lo cho bác quá, đến mức không thể đợi đến chiều mới khẳng định điều phỏng đoán của mình.
Ngay khi mặt biển trong vịnh vừa lặng sóng, Êrik và Ôttô liền hỏi mượn người hàng xóm một chiếc thuyền và quyết đinh đi tìm bố. Thầy giáo Maljarius đã hẹn hai chú cho thầy đi cùng. Cuối cùng, họ đã rời bến. Bà Katrina và Vanđa ra biển, lo lắng nhìn theo.
Gió đã yếu trong vịnh, nhưng vẫn tiếp lục thổi từ hướng tây.
Muốn đi qua lối hẹp để ra khơi chỉ có thể bơi bằng mái chèo, mất hơn một giờ.
Đến chỗ hẹp nhất họ đã đụng phải chướng ngại bất ngờ. Ngoài đại dương bão vẫn hoành hành như cũ. Sóng đập vào hỏn đảo nhỏ án ngữ lối vào vịnh tạo thành hai luồng nước. Sau khi vòng qua chướng ngại họ cho thuyền theo dòng nước lao vút vào lối ra khơi như lao vào một cái phễu khổng lồ. Trong những điều kiện như vậy thì chả nên nghĩ đến chuyện ra khơi mà làm gì. Ngay đến cả tàu thủy cũng phải khó khăn lắm mới đi được, huống hồ một chiếc thuyền mỏng manh chèo ngược gió. Chẳng còn cách gì hơn là trở về Nôrôê và chờ đợi.
Đã đến giờ bác Hecsêhom thường đi biển về. Nhưng, chẳng thấy bác, cũng như nhiều ngư dân khác đã ra khơi đánh cá hôm đó đâu cả. Đúng ra, nên giả thuyết rằng một trở ngại không lường trước nào đó đã ngăn cản tất cả họ trở về bờ vịnh, hơn là nghĩ đến nỗi bất hạnh mà một mình bác Hecsêbom gặp phải. Buổi tối hôm ấy, trong mỗi gia đình thiếu vắng người thân đều cảm thấy một bầu không khí nặng nề. Rồi, đêm đã qua, mà những người đi vắng vẫn chưa về, nỗi lo âu lại càng tăng lên, bao trùm khắp làng chài. Người nhà bác Hecsêbom không ai đi nằm cả. Im lặng và đau buồn, mọi người ngồi gục đầu bên bếp lò cho qua những giờ phút chờ đợi khắc khoải.
Về tháng ba, trên các vĩ độ ấy trời sáng muộn. Nhưng, dẫu sao một ngày mới bắt đầu quang đãng và nắng ráo. Gió đã đổi hướng, và bây giờ đã có thể hy vọng ra khơi. Khi cả một đoàn thuyền được tập trung từ khắp vùng Nôrôê đã sẵn sàng đi tìm kiếm thì ở vịnh thấy xuất hiện những chiếc thuyền chài và chẳng bao lâu chúng đã vào đến bờ. Tất cả những ngư dân đi biển trước khi có trận gió xoáy đều đã trở về, chỉ trừ có một mình bác Hecsêbom.
Không ai có thể thông báo được điều gì về bác cả. Việc bác không cùng về với mọi người lại càng làm tăng thêm nỗi lo âu, bởi vì tất cả đều đã phải vật lộn với bao nhiêu thử thách. Một số bị bão hất vào bờ, còn thuyền của họ bị chìm nghỉm. Những người khác đã kịp lánh vào vùng biển tránh bão, chỉ có mấy người may mắn lúc nguy hiểm nhất vẫn còn ở trên cạn.
Mọi người quyết định cả đoàn thuyền đi tìm bác Hecsêbom ngay. Thầy giáo Maljarius vẫn không thay đổi ý định tham gia đoàn tìm kiếm cùng với Êrik và Ôttô. Cả con chó Klaas giống Grơnlan mà bác Hecsêbom có lần đi ra mũi Farvel đã mang về cũng được phép đi cùng.
Sau khi ra bến ngoài khơi, đoàn thuyền tỏa ra nhiều hướng: một số đi về bên trái, số khác thì đi về bên phải để khảo sát bờ của rất nhiều hòn đảo nhỏ nằm rải rác gần vịnh Nôrôê, cũng như dọc theo suốt cả vùng duyên hải Na Uy.
Đến giữa trưa, y hẹn, các thuyền lại gặp nhau ở điểm phía Nam của vịnh: Rõ ràng vẫn chưa tìm thấy dấu vết bác Hecsêbom đâu. Vì ý kiến chung cho rằng tìm kiếm đã kỹ mà không có kết quả, nên mọi người đi đến kết luận đáng buồn là không còn cách nào khác đành phải trở về vậy.
Nhưng, Êrik không muốn chịu thua và từ bỏ bất kỳ niềm hy vọng nào một cách nhanh chóng như thế. Chú tuyên bố rằng các đảo Nam đã được xem xét rồi, bây giờ chú muốn khảo sát các đảo Bắc. Do thầy giáo Maljarius và Ôttô ủng hộ đề nghị của chú, nên các ngư dân đồng ý cho họ dùng chiếc thuyền nhẹ nhất và rất tiện lợi cho việc luồn lách để đi tìm bác Hecsêbom một lần cuối cùng. Sau khi chúc cả ba người thành công, các ngư dân quay về Nôrôê.
Tính ngoan cường của Êrik thật đáng khen. Khoảng hai giờ chiều, khi chiếc thuyền thoi đi qua một hòn đảo nhỏ cách bờ không xa lắm, con Klaas bỗng sủa ầm ĩ lên. Chưa kịp giữ lại, nó nhảy ào xuống nước và bơi thẳng vào những dải đá ngầm. Êrik và Ôttô vung mạnh mái chèo, lao thuyền theo hướng ấy. Chẳng mấy chốc, hai chú bé thấy con chó sau khi bơi vào đảo đã nhảy chồm và rít lên quanh một vật đen đen nào đó trông như một xác người nằm sóng soài trên tảng đá xám.
Hai chú bé nhanh chóng cho thuyền cập bờ.
Quả nhiên, trên đó có một người đang nằm thật, và đó là bác Hecsêbom! Toàn thân bác máu me, nhợt nhạt, cứng đờ, lạnh lẽo, không thấy thở nữa, có thể là đã chết! Con Klaas khẽ rít lên và liếm tay bác.
Động tác đầu tiên của Êrik là quỳ xuống trước cái xác cứng đờ và áp tai vào ngực bố:
- Bố còn sống! Em nghe thấy tiếng tim còn đập! - chú bé kêu lên.
Thầy Maljarius cầm tay bác Hecsêbom định bắt mạch, nhưng đã lắc đầu với vẻ nghi ngại. Tuy nhiên, thầy đã quyết định áp dụng mọi cách cấp cứu mà người ta thường hay làm đối với những trường hợp tương tự như thế này. Thấy cởi chiếc thắt lưng len to ra, xé làm ba mảnh, và cả ba người cùng chà mạnh vào ngực, chân và tay người đánh cá.
Chẳng mấy chốc đã thấy rõ ràng cái cách đơn giản ấy có tác dụng làm cho máu lưu thông trở lại. Tim bác Hecsêbom đập mạnh hơn, ngực bác đã phập phồng và hơi thở yếu xuất hiện. Cuối cùng, bác Hecsêbom đã tỉnh lại và rên một cách tội nghiệp.
Thầy giáo Maljarius và cả hai chú bé cẩn thận nâng bác Hecsêbom dậy, vội vàng đưa lên thuyền. Khi họ đặt bác nằm lên lớp đệm làm bằng vải buồm, bác mở mắt ra.
- Nước! - bác thều thào.
Êrik kề bình rượu vào môi bác. Bác tộp một ngụm nhỏ. Qua cái nhìn thân thiết và biết ơn của bác có thể đoán rằng đến bây giờ bác mới nhận rõ mình lâm nạn. Nhưng, bị đuối sức quá, bác thiếp đi mê man.
Những người cứu bác thấy tốt nhất là nhanh chóng đưa bác về nhà, nên đã cùng nhau mạnh tay chèo. Họ nhanh chóng đến cửa vịnh và nhờ thuận gió, nên chả mấy chốc đã về đến Nôrôê.
Bác Hecsêbom được đặt lên giường, băng bằng các gạc lá thuốc của miền núi, uống nước thịt hầm đặc, và đến lúc ấy bác mới thực sự tỉnh lại. Bác không bị chấn thương gì nặng, nếu không kể chỗ bắp tay bị gãy xương và toàn thân bị những vết tím bầm, sây sát. Thầy giáo Maljarius yêu cầu mọi người không hỏi chuyện để bệnh nhân được yên và khỏi mệt. Bác Hecsêbom bắt đầu ngủ ngon giấc.
Mãi đến ngày hôm sau bác mới nói được và kể đôi điều về sự việc đã xảy ra với bác:
Bác đã bị gió xoáy cuốn đi vào đúng lúc bác căng buồm để trở về Nôrôê. Bão hất bác vào dãy đá ngầm, thuyền bị vỡ tung ra từng mảnh và bị gió cuốn vèo ngay đi. Chính bác định tránh cú đòn này, nên đã kịp lao xuống biển ngay trước lúc xảy ra tai nạn trong tích tắc mà thôi. Chỉ nhờ một sự kỳ lạ mà bác Hecsêbom đã không bị va vào đá. Khó khăn lắm bác mới vào được bờ và thoát khỏi những con sóng. Người mệt nhoài ra, một tay bị gãy, toàn thân bị tím bầm và sây sát, bác Hecsêbom ngã lăn ra đất và bây giờ thậm chí không thể nhớ lại hai mươi giờ đồng hồ ấy đã trôi qua như thế nào và chính xác lúc nào thì cơn rét run dữ dội đã làm cho bác ngất đi.
Bây giờ, khi tính mạng của bác không còn bị đe dọa nữa, bác nuối tiếc chiếc thuyền đã mất và than phiền về cánh tay bị bó nẹp cứng đờ. Rồi sẽ ra sao đây, nếu như, giả dụ sau tám hoặc mười tuần ngồi không, bác sẽ lại có một cánh tay khỏe mạnh? Chiếc thuyền là tài sản duy nhất của gia đình thì đã bị gió cuốn mất tiêu rồi còn đâu? Đi làm thuê cho ai ở cái tuổi của bác cũng không phải dễ gì. Ừ, mà tìm việc ở đâu kia chứ? Bởi vì những người đánh cá ở Nôrôê không cần người giúp việc, còn nhà máy dầu cá thì đã giảm bớt số công nhân.
Bác Hecsêbom sau khi khỏe lại, tay còn băng bó, ngồi trên chiếc ghế bành lớn và đắm mình trong những suy nghĩ buồn bã như vậy.
Trong khi chờ đợi ông chủ gia đình bình phục hoàn toàn, cả nhà đã ăn hết những thứ dự trữ. Họ đã ăn đến chỗ cá tuyết muối còn lại được một ít trong kho, nhưng tương lai thì u ám, không biết rồi đây mọi chuyện sẽ ra sao.
Những điều băn khoăn và những nỗi lo âu chẳng bao lâu đã làm cho những ý nghĩ của Êrik có một hướng khác. Trong hai ba ngày đầu, tình cảm tràn ngập lòng chú mạnh mẽ hơn cả niềm vui. Bởi vì nhờ lòng thủy chung vô hạn của chú mà bác Hecsêbom đã được cứu sống, và chú, không thể không tự hào mỗi khi bà Katrina hay Vanđa thỉnh thoảng lại nhìn chú với cái nhìn biết ơn như muốn nói với chú rằng:
"Êrik yêu mến, trước đây, bố đã cứu con trên biển, còn bây giờ thì đến lượt mình, con đã giành lại được bố khỏi nanh vuốt của tử thần".
Tất nhiên, đó là phần thưởng cao nhất, mà chú chỉ có thể ước mơ, khi chú quyết định bước vào cuộc đời khổ cực của người đánh cá. Và thực ra chú có quyền nhủ mình rằng trong chừng mực nào đấy chú phải báo đền công ơn đối với gia đình đã nuôi nấng chú, về tất cả ân huệ mà gia đình đã dành cho chú. Còn gì có thể an ủi chú và củng cố sức mạnh tinh thần của chú hơn thế nữa?
Nhưng, gia đình ấy sau những ngày chia sẻ một cuộc sống không lấy gì làm sung túc, bây giờ đây đang bị cảnh đói nghèo đe dọa. Chú có quyền gì làm cho gia đình thêm vất vả nữa? Chẳng lẽ chú lại không có trách nhiệm làm mọi cách để giúp đỡ gia đình hay sao? Êrik hiểu rất rõ đó là trách nhiệm của chú. Chú chỉ còn thấy lúng túng trong việc chọn cách thể hiện trách nhiệm ấy nữa thôi. Liệu chú đi Berghen xin làm thủy thủ thiếu niên trên một chiếc tàu nào đấy có được không? Hay là giúp đỡ gia đình bằng cách nào khác nữa?
Một hôm, chú đã tâm sự những điều băn khoăn của mình với thầy giáo Maljarius. Sau khi lắng nghe hết mọi nhẽ của chú, thầy đồng ý nhưng kiên quyết bác bỏ kế hoạch của Êrik định đi biển làm thủy thủ thiếu niên.
- Thầy có thể hiểu, mặc dù rất tiếc về điều đó - thầy nói - Thầy hiểu em quyết định ở lại đây để chia sẻ số phận với bố mẹ nuôi. Nhưng thầy sẽ không bao giờ tán thành ý định của em xa gia đình để đi làm một nghề mà không thấy mở ra trước mắt em triển vọng gì cả, trong khi bác sĩ Svariênkrôna tạo cho em điều kiện để học rộng và có địa vị thích đáng trong xã hội!
Nhưng, thầy Maljarius đã giấu không nói cho chú biết rằng, thầy đã gửi cho bác sĩ Svariênkrôna một lá thư, quyết định nói cho bác sĩ biết gia đình Êrik đã bị những thiệt hại nặng nề như thế nào do trận xoáy ngày ba tháng ba gây ra. Bởi vậy thầy giáo không lấy gì làm ngạc nhiên khi sang ngày thứ tư thầy đã nhận được trả lời của bác sĩ. Nội dung bức thư ấy thầy đã cho bác Hecsêbom biết ngay.
Đây là những gì đã viết trong thư:
“Xtôckhôm, ngày 17 tháng Ba
MALJARIUS thân mến của tôi!
Tôi xin tỏ lòng biết ơn chân thành đối với anh về việc anh đã báo cho tôi biết những thử thách khắc nghiệt mà bác Hecsêbom đáng kính của chúng ta đã phải vượt qua do cơn gió xoáy ngày 3 tháng này gây nên. Tôi lấy làm sung sướng và tự hào biết rằng trong cơn thiên tai ấy, Êrik đã tỏ ra là một thanh niên dũng cảm và một đứa con trung hiếu đúng như bản chất của cháu. Anh sẽ nhận được trong thư này một tờ ngân phiếu 500 curon mà tôi muốn nhờ anh thay mặt tôi trao cho Êrik. Anh nói với cháu rằng nếu số tiền này không đủ để mua ở Berghen một cái thuyền chài tốt nhất, thì cháu bảo ngay cho tôi biết. Tôi muốn cháu đặt tên cho cái thuyền ấy là "Cintia" và tặng nó cho bác Hecsêbom để tỏ tấm lòng của đứa con đối với bố. Còn sau đó, khi việc ấy đã thực hiện xong, thì Êrik, nếu như cháu muốn nghe lời tôi, cần phải trở về Xtôckhôm và tiếp tục việc học hành. Chỗ dành cho cháu trước đây trong ngôi nhà của tôi vẫn để nguyên đó. Và nếu cần phải có thêm lý lẽ gì để thuyết phục cháu trở lại đây thì tôi xin nói thêm là hiện giờ tôi đã có một số tin tức cho phép hy vọng khám phá điều bí mật vế nguồn gốc của cháu. Maljarius thân mến, tôi vẫn là người bạn trung thành và chân thực của anh.
R.v. Svariênkrôna - bác sĩ y khoa”
Ta có thể đoán một cách dễ dàng bức thư ấy đã được đón nhận với niềm vui như thế nào. Khi chuyển món quà của mình cho Êrik, bác sĩ muốn qua việc đó chứng tỏ rằng ông rất hiểu tính của người đánh cá già. Dễ gì bác Hecsêbom đã đồng ý nhận chiếc thuyền do bác sĩ trực tiếp gửi tặng. Nhưng làm sao bác lại có thể từ chối một chiếc thuyền mang tên "Cintia” để ghi nhớ sự xuất hiện của Êrik trong gia đình của bác? Nhưng, ngược lại, việc Êrik sắp ra đi làm cho cả nhà rầu rĩ. Dù không nói ra, nhưng ai cũng chỉ nghĩ đến điều đó thôi.
Êrik trong trạng thái buồn vui lẫn lộn: đương nhiên, chú muốn làm theo ý của bác sĩ và như vậy là chú thực hiện được nguyện vọng thiết tha của mình, nhưng đồng thời chú lại không muốn làm cho bố mẹ nuôi đau khổ.
Vanđa đã giúp chú phá tan sự im lặng nặng nề.
- Anh Êrik - cô bé nói, giọng âu yếm và nghiêm trang - anh không thể trả lời từ chối bác sĩ, vì như thế là chẳng những tỏ ra vô ơn, mà lại còn tự bó mình! Vị tri của anh là đứng giữa các nhà bác học, chứ không phải là giữa những người dân chài! Em đã nghĩ đến những điều đó từ lâu. Nhưng nếu chưa ai dám nói ra thì em nói!
- Vanđa nói đúng! thầy giáo Maljarius mỉm cười nói.
- Đúng, Vanđa nói đúng! - bà Katrina nhắc lại, nước mắt sụt sùi. Và thế là Êrik lại ra đi lần nữa.