Trong bộ quần áo ngày hội: áo khoác bằng lông thú, áo gilê thêu và đội chiếc mũ cao mốt đã cũ, người đánh cá trông khác hẳn với khi bác mặc quần áo làm việc hằng ngày. Và cái vẻ buồn rầu, bối rối đã làm cho bác hoàn toàn không giống bản thân mình nữa. Hai khóe mắt đỏ ngầu chứng tỏ đêm qua bác mất ngủ.
Quả đúng như thế thật, Bác Hecsêbom xưa nay chưa bao giờ bị lương tâm cắn rứt cả; suốt đêm qua bác không chợp mắt phút nào, cứ trằn trọc mãi trên tấm nệm da. Gần sáng, bác mới chia sẻ những suy nghĩ buồn rầu của mình với Katrina cũng thao thức thâu đêm.
- Mình biết không, Katrina, tôi cứ suy nghĩ mãi về điều mà bác sĩ nói với chúng ta - Bác nói, người phờ phạc vì mất ngủ.
- Tôi cũng nghĩ mãi về chuyện đó từ lúc ông ấy đi đến giờ. - người phụ nữ ngay thẳng trả lời.
- Tôi cảm thấy ở đây có phần nào đó đúng sự thật, và chúng mình là những người ích kỷ hơn mình tưởng. Biết đâu thằng bé của ta được quyền thừa hưởng một gia sản lớn nào đó thì sao? Và nhỡ vì sự sơ suất của ta mà nó bị mất cái gia sản đó thì sao? Biết đâu suốt mười hai năm qua những người ruột thịt của thằng Êrik đã khóc than và họ có thể kiện ta một cách chính đáng là thậm chí đã không định trả lại con cho họ thì sao?
- Chính tôi cũng lo lắng về điều ấy. - Katrina thở dài đáp - Nếu mẹ của thằng bé còn sống, tội nghiệp bà ấy! Thì bà ấy đã đau khổ biết chừng nào, vì cứ tưởng thằng con mình đã bị chết chìm rồi! Tôi sẽ hình dung tôi sẽ ra sao đây, nếu như chúng ta cũng bị mất thằng Ôttô trong cảnh như thế... Chúng ta sẽ chẳng hao giờ yên lòng được cả.
- Tôi lo lắng không phải chỉ cho mẹ thằng bé không thôi. Xét trên mọi mặt thì bà ấy đã mất từ lâu rồi - bác Hecsêbom nói tiếp sau hồi lâu im lặng, thở dài sườn sượt - Lẽ nào có thể cho phép đưa một cháu bé ngần ấy đi du lịch mà lại không có mẹ theo cùng, và ai lại có thể buộc cháu vào phao cứu hộ, bỏ mặc xuống đại dương nếu như mẹ nó còn sống?...
- Điều đó cũng đúng thôi, nhưng thật ra ta chẳng biết gì cả. Thế nhỡ bỗng nhiên vì một sự kỳ lạ nào đấy bà ta cũng thoát chết thì sao?
- Có thể bà ta bị bắt cóc mất thằng bé chăng? Cái ý nghĩ ấy thỉnh thoảng lại hiện lên trong đầu tôi - bác Hecsêbom nhận xét - Lẽ nào lại có thể tin được rằng có ai đó đã không quan tâm gì đến việc thằng bé bị mất tích sao? Buộc một hài nhi vào phao cứu hộ là trường hợp hi hữu, đến mức khiến người ta có thể đặt ra mọi điều ước đoán. Mà đã vậy thì chúng la hóa ra là những kẻ tòng phạm và vô tình đã tạo điều kiện để thực hiện tội ác. Thậm chí nghĩ đến điều đó thôi cũng thấy là khủng khiếp!
- Ai mà lại nỡ buộc tội chúng ta đã nhận thằng bé làm con trai chỉ vì những ý muốn nhân từ!
- Thì tất nhiên, bởi vì mình có làm điều gì ác với thằng bé đâu! Mình đã muốn nuôi nấng dạy dỗ nó với khả năng tốt nhất của mình kia mà! Nhưng dẫu sao thì mình cũng đã hành động một cách thiếu chín chắn. Sẽ đến lúc thằng bé có thể trách cứ chúng ta về chuyện này đấy.
- Điều đó thì khỏi lo, tôi tin là chỉ có mình tự trách móc mình điều này điều nọ mà thôi!
- Thật là kỳ lạ, cũng là chuyện thôi mà người la lại có thể đánh giá theo những quan điểm khác nhau hoàn toàn. Trong đầu tôi chưa bao giờ thoáng qua một ý nghĩ như vậy cả. Thế mà chỉ cần mấy lời của ngài bác sĩ thôi là đã làm đủ cho mình nghĩ khác đi rồi...
Những người đáng mến ấy đã suy lý như vậy đó.
Sự xuất hiện đột ngột của bác Hecsêbom cũng là kết quả cuộc nói chuyện hồi đêm của họ. Người đánh cá đã quyết định hỏi ý kiến bác sĩ làm sao khắc phục sai lầm đã phạm.
Nhưng, bác sĩ không thấy cần phải trở lại ngay với đề tài câu chuyện hôm qua. Ông tiếp bác Hecsêbom một cách thân tình. Ông bắt đầu nói chuyện với người đánh cá về thời tiết, về giá cả, coi việc bác đến đây như một cuộc thăm xã giao thông thường vậy.
Nhưng điều đó lại tuyệt nhiên không nằm trong tính toán của bác Hecsêbom muốn mau mau chuyển sang vấn đề mà bác quan tâm. Bác đã gợi chuyện về trường học của ngài Maljarius, nhưng sau đó lấy hết tinh thần và chuyển thẳng ngay vào việc.
- Thưa ngài bác sĩ - bác nói - cả tôi lẫn nhà tôi đều đã suy nghĩ thâu đêm suốt sáng về chuyện mà ngài đã nói với chúng tôi liên quan đến thằng bé. Chúng tôi chưa hao giờ nghĩ rằng chúng tôi sai lầm gì trong việc đã nuôi dạy cháu như một đứa con trai ruột. Nhưng ngài đã gợi cho chúng tôi những suy nghĩ khác, vì vậy mà tôi muốn hỏi ý kiến ngài xem chúng tôi cần sử sự ra sao đây để khỏi sai phạm lần nữa vì sự dốt nát. Ngài nghĩ thế nào, bắt đầu những việc tìm kiếm gia đình của Êrik bây giờ cũng chưa muộn chứ ạ?
- Thực hiện nghĩa vụ của mình thì không bao giờ muộn cả - bác sĩ đáp mặc dù bây giờ nghĩa vụ này có vẻ hơi phức tạp hơn trước nhiều lắm rồi. Bác có đồng ý giao nghĩa vụ ấy cho tôi không? Tôi sẵn lòng nhận việc ấy và đem hết sức ra để thực hiện, nhưng chỉ với một điều kiện: Bác giao cháu bé lại cho tôi, tôi đưa cháu theo về Xtôckhôm (trước năm 1905, Thụy Điển và Na-Uy là một quốc gia. Thủ đô Thụy Điển là Xtôckhôm cũng đuợc chính thức coi là thủ đô của Na Uy).
Có lẽ nhát côn giáng lên đầu cũng không đến nỗi làm cho bác Hecsêbom choáng váng đến thế. Bác tái người đi và luống cuống cả lên.
- Giao Êrik cho ngài?... Gửi cháu lên Xtôckhôm?... Nhưng mà để làm gì ạ, thưa bác sĩ - Bác hỏi, giọng ngập ngừng và hồi hộp.
- Tôi sẽ giải thích cho bác nghe ngay bây giờ. Thằng bé khiến tôi chú ý không phải chỉ vì bề ngoài của nó khác hẳn đi những bạn bè chung quanh. Trí thông minh lanh lợi, nhưng năng khiếu khoa học thể hiện rõ rệt của cháu khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Ngay từ trước khi được biết về sự xuất hiện không bình thường của Êrik ở Nôrôê, tôi đã tự nhủ rằng nếu để cháu bé tài năng ấy ở một trường làng, cho dù là học với một thầy giáo như Maljarius đi nữa, thì cũng sẽ là một tội lớn lắm. Bởi vì ở đây thiếu thốn nhiều thứ để giúp cháu phát triển những năng khiếu hiếm có của mình. Không có viện bảo tàng, không có sách giáo khoa, thư viện, không có bạn bè trình độ phát triển tương đồng với cháu. Đó là lý do khiến tôi quan tâm đến Êrik và tìm hiểu lại lai lịch của cháu. Từ lúc còn chưa biết lai lịch của cháu, tôi đã rất muốn cho thằng bé được học đến nơi đến chốn... Và bây giờ đây, dĩ nhiên là bác đã hiểu vì sao khi bác kể tỉ mỉ cho tôi nghe hết về cháu thì ý nghĩ ấy lại càng thôi thúc tôi hơn. Đương nhiên là những sự quan tâm của tôi về cháu không thể hạn chế ở việc tìm kiếm cha mẹ của cháu... Tôi thấy chẳng cần phải nhắc lại với bác làm gì, bác Hecsêbom ạ, rằng đứa con trai nuôi của bác xuất thân từ một gia đình quyền quý và giàu có. Không nhẽ bác lại muốn tôi trả lại cho gia đình cháu, nếu như may mắn tìm ra được gia đình ấy, một đứa trẻ được nuôi dạy trong những điều kiện ở nông thôn và không được học hành đến nơi đến chốn, để cháu cách biệt quá đáng với môi trường mới của cháu sao? Điều ấy ít ra cũng là phi lý, mà bác lại là người đầy đủ lương tri để đồng ý với những kết luận của tôi...
Bác Hecsêbom cúi đầu. Bất giác hai hàng lệ lớn ứa ra trong đôi mắt bác và chảy trên hai gò má rám nắng của bác.
- Nhưng, như vậy là buộc chúng tôi phải mãi mãi chia ly nhau rồi, - bác nói. Chưa biết liệu thằng bé có tìm được một gia đình khác không, nhưng ngôi nhà thân yêu của mình thì nó bị mất. Ngài đòi hỏi ở chúng tôi, ở tôi và vợ tôi quá nhiều, thưa ngài bác sĩ... Bởi vì thằng bé đang sống hạnh phúc với chúng tôi kia mà. Tại sao ngài không để cháu ở lại đây, trong khi chưa đảm bảo được cho cháu một tương lai sáng sủa hơn?
- Bác nói cháu sống hạnh phúc? Thế liệu bảo đảm rằng cả sau này nữa cháu cũng sẽ được như vậy không? Và bác có tin chắc rằng khi lớn lên cháu sẽ không phải phiền trách gì về việc mình được cứu sống chứ? Là một người trí thức và có học - mà Êrik hoàn toàn có trở thành người như vậy, cháu sẽ bị mòn mỏi ở Nôrôê đấy, bác Hecsêbom ạ!
- Ô thôi, thưa ngài hác sĩ, cuộc sống của chúng tôi mà ngài rất coi thường ấy, nó hoàn toàn phù hợp với chúng tôi. Có gì mà không thích hợp với thằng bé nào?
- Tôi hoàn toàn không coi thường cuộc sống ấy đâu - Nhà bác học đáp lại một cách nóng nảy. Tôi yêu và quý trọng lao động hơn ai hết! Bác Hecsêbom, lẽ nào bác lại có thể nghĩ rằng tôi khinh miệt cái môi trường mà bản thân tôi đã sinh ra ở đó? Cha tôi và ông tôi cũng đều là những người đánh cá như bác cả. Chính vì nhờ sự chu đáo của các cụ mà tôi được học, tôi có thể hiểu được cái công ơn ấy mới thật là vô giá, và tôi muốn giúp cho thằng bé được tận hưởng những gì cháu được quyền hưởng. Bác hãy tin vào tôi, tôi quan tâm chỉ vì lợi ích của cháu mà thôi.
- Ai mà biết Êrik được hưởng những lợi lộc gì khi ngài biến nó trở thành một con nhà quý tộc không phải dùng đôi tay của chính mình để mà kiếm sống? Thế nhỡ ngài không tìm thấy gia đình của cháu thì sao? Điều ấy hoàn toàn có thể như vậy lắm, bởi vì đã mười hai năm trôi qua rồi còn gì! Thế thì chúng ta chuẩn bị cho cháu một tương lai như thế nào đây? Thưa ngài bác sĩ, ngài hãy tin rằng nghề biển hoàn toàn xứng đáng với một con người tốt và không thua kém một công việc nào khác cả! Cái boong tàu chắc chắn ở ngay dưới chân mình, làn gió mát làm tung mái tóc, mẻ lưới trúng đầy cá tuyết… và người dân chài Na Uy chẳng hề sợ gì, cũng chẳng hề phụ thuộc vào ai cả! Ngài bảo rằng một cuộc sống như thế sẽ không mang lại hạnh phúc cho Êrik ư? Tôi xin phép không tán thành điều đó! Bởi vì tôi biết rõ thằng bé. Tất nhiên nó yêu sách vở, nhưng, hơn hết trên đời này, nó yêu biển! Có thể nghĩ rằng nó nhớ biển đã từng chao đưa chiếc nôi của nó như thế nào, và chẳng có viện bảo tàng nào trên thế giới có thể thay thế được biển đối với Êrik đâu .
- Ở Xtôckhôm chúng tôi cũng có biển, - bác sĩ mỉm cười nói. Ông miễn cưỡng mủi lòng trước lời phản đối kiên quyết xuất phát từ tình yêu của người đánh cá.
- Vậy thì cuối cùng ngài muốn gì? - người đánh cá nói tiếp, hai tay khoanh trước ngực - Ngài có đề nghị gì, thưa ngài bác sĩ?
- Thế là chúng ta đã đi đến điều quan trọng nhất… Chính bác cũng thấy rằng cần làm một điều gì đó. Tôi đề nghị như sau, Êrik năm nay mười hai tuổi, sắp mười ba rồi. Những khả năng của cháu không có gì đáng nghi ngờ ngờ cả. Cháu xuất thân từ một gia đình nào, không quan trọng. Tạm thời chúng ta hãy quên nguồn gốc của cháu. Cháu xứng đáng được tạo điều kiện để đào sâu và mở rộng kiến thức của mình. Điều ấy bây giờ khiến chúng ta quan tâm hơn cả. Tôi, như bác biết đấy, là người có của mà không có con. Tôi xin nhận tạo mọi sự cần thiết cho cháu: sẽ thuê những thầy giáo giỏi nhất và tìm mọi cách để cho cháu tiến bộ. Chúng ta cần ấn định thời hạn hai năm...Trong khoảng thời gian ấy tôi sẽ cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được: Tiến hành những cuộc tìm kiếm, đăng thông báo trên các báo, cố bằng mọi cách để tìm được cha mẹ cháu. Và nếu trong vòng hai năm tôi không đạt được mục đích ấy? Bây giờ ta giả sử rằng sẽ tìm được cha mẹ cháu. Tất nhiên là chúng ta sẽ để cho họ quyết định xem sau đó cần làm gì nữa. Trường hợp ngược lại thì tôi sẽ trả Êrik cho bác. Cháu lúc đó đã mười lăm tuổi, cháu sẽ được thấy và hiểu biết nhiều và khi ấy sẽ đến lúc nói cho cháu biết sự thật về gốc tích của cháu. Dựa theo những lời khuyên bảo của chúng ta và kinh nghiệm của thầy giáo, cháu sẽ có đủ ý thức để tự chọn cho mình một con đường đời . Nếu cháu muốn ở lại làm người đánh cá thì tôi cũng sẽ không ngăn cản điều đó. Nếu cháu muốn học tiếp mà cháu chắc chắn là xứng đáng với điều ấy, tôi sẽ giúp cháu học nốt và chọn nghề thích hợp với năng khiếu của cháu. Lẽ nào bác lại không đồng ý rằng đây 1à một cách giải quyết hợp lý?
- Hợp lý lắm!...Thưa ngài bác sĩ, ngài đã nói lên điều rất thông thái! - Bác Hecsêbom thốt lên - Thế mới gọi là bác học được chứ. - Bác vừa lắc đầu vừa nói tiếp - Thuyết phục được một người thất học chả khó khăn gì cả. Nhưng tôi biết nói thế nào với nhà tôi tất cả những điều ấy?... Thế ngài muốn khi nào đưa thằng bé đi theo?
- Ngày mai! Tôi phải về Xtôckhôm ngay, không thể hoãn thêm một ngày nào nữa.
Bác Hecscbom buông ra tiếng thở dài y như một tiếng nức nở bị dồn nén lại.
- Ngày mai...nhanh quá vậy! - Bác nói - Biết làm sao bây giờ, cái gì phải đến thì chẳng thể đừng được. Tôi về bàn tính với nhà tôi đã.
- Tốt lắm, bác cũng nên hỏi thêm ngài Maljarius xem. Bác hãy tin rằng ngài ấy cũng sẽ tán thành ý kiến của tôi đấy.
- Ồ, tôi không nghi ngờ điều đó - người đánh cá đáp với nụ cười buồn rầu, bắt tay bác sĩ và ra về đắm mình trong suy nghĩ.
Buổi tối, bác sĩ Svariênkrôna lại đến nhà bác Hecsêbom. Ông gặp cả nhà đang sum họp, nhưng không còn cảm thấy không khí hòa thuận và yên vui của ngày hôm qua nữa. Người cha lặng lẽ ngồi xa bếp lò một chút, đôi bàn tay không quen nhàn rỗi thõng xuống. Bà Katrina ôm chặt Êrik vào lòng, hai mắt bà đẫm lệ. Chú bé hồi hộp trước sự biến đổi bất ngờ của số phận, hai má nóng ran, cái nhìn buồn rười rượi. Chú lấy làm tiếc phải chia tay với tất cả những gì mà chú yêu quí, và chú không biết là mình vui mừng hay đau xót nữa. Cô bé Vanda chui đầu vào đầu gối cha. Chỉ còn thấy hai bím tóc dài vàng óng của cô bé xõa xuống đôi vai gầy guộc mảnh dẻ. Ôttô xúc động không kém mọi người trước cuộc chia tay sắp đến với Erik: cậu không rời đứa em nuôi của mình một bước nào.
- Sao mà cả nhà buồn rười rượi thế này! - bác sĩ đứng ngoài cửa kêu lên - Thấy nét mặt các bạn đau khổ tôi cứ tưởng Erik sắp phải ra đi, tham gia một cuộc thám hiểm xa xôi và cực kì nguy hiểm nào đó không bằng. Không có gì đáng buồn rầu cả các bạn ạ! Vì Xtôckhôm đâu có phải ở một bán cầu nào khác, và chú bé đâu phải đi luôn! Chú sẽ thường xuyên viết thư về, tôi tin chắc như vậy. Bởi vì cũng đã có nhiều cậu bé xa gia đình để đi học các trường trung học đấy thôi! Sau hai năm, Êrik sẽ trở về với các bạn, lớn khôn và có học thức. Chú sẽ thay đổi về mọi mặt nhưng chỉ có tốt hơn lên mà thôi. Thật thế, đừng nên buồn bã. Các bạn hiểu cho rằng đó là điều tất nhiên thôi!
Bà Katrina đứng dậy. Trong toàn bộ phong thái của bà người ta cảm thấy toát ra cái ưu điểm bẩm sinh riêng có của người phụ nữ nông dân các nước phương Bắc.
- Thưa ngài bác sĩ, có thượng đế chứng giám cho, tôi xin đa tạ ngài về tất cả những gì ngài làm cho Êrik của chúng tôi - bà nói - nhưng không nên trách chúng tôi buồn vì chuyện cháu ra đi. Ông Hacsêbom nhà tôi đã giảng giải cho tôi biết việc chia li là cần thiết. Tôi buộc phải nghe theo, nhưng ngài đừng yêu cầu chúng tôi coi chuyện này một cách dễ dàng và không có xót xa.
- Mẹ ơi, nếu con đi mà làm cả nhà phải buồn thì con chả đi đâu! Erik kêu lên.
- Không, không đâu con của mẹ - người đàn bà đôn hậu đáp lại, ôm chặt lấy chú bé. Học thức sẽ có lợi cho con và bố mẹ không có quyền lấy mất của con cái đó! Con trai của mẹ, con hãy cảm ơn ngài bác sĩ, ngài muốn làm cho con trở thành nhà bác học, và con hãy cố gắng lấy sự chuyên cần của mình để chứng tỏ rằng con biết quí trọng sự quan tâm của ngài bác sĩ như thế nào.
- Sao bác lại nói thế, sao bác lại nói thế! - Bác sĩ nói, cặp mục kỉnh của ông như bị mờ đi một cách kì lạ - Các bạn muốn tôi cũng phải động lòng chăng? Tốt hơn hết chúng ta hãy nói đến các công việc của chúng ta đã. Hai bác biết đó, sáng sớm mai chúng tôi phải ra đi rồi, liệu hai bác có kịp chuẩn bị mọi thứ không? Nói "mọi thứ", ý tôi muốn nói chỉ những thứ cần thiết nhất thôi. Chúng tôi sẽ đi xe trượt tuyết đến Berghen, còn ở đó sẽ chuyển sang tàu hỏa. Cần đưa cho Êrik mang theo ít quần áo thôi, còn lại đến Xtôckhôm cháu sẽ có...
- Đồ đạc sẽ được chuẩn bị xong xuôi. - bà Hecsêbom trả lời một cách đơn giản - Kìa, Vanda, bác sĩ vẫn đang phải đứng kia- bà nói thêm với vẻ ân cần rất mực Na Uy.
Cô bé vội vàng kéo chiếc ghế bành lớn làm bằng gỗ sồi láng bóng mời bác ngồi.
- Hai bác đừng ngại, tôi phải đi ngay đây. - bác sĩ nói - Maljarius đang đợi tôi đến dùng bữa tối. Thế nào, Flika (cách xưng hô với thiếu nữ ở Thụy Điển) - ông đặt tay lên mái tóc vàng hoe của cô gái, hỏi - Cháu không giận tôi lắm về chuyện tôi mang anh cháu đi đấy chứ?
- Không ạ, thưa ngài bác sĩ. - Vanđa trả lời một cách nghiêm chỉnh - Êrik lên đó sẽ được sướng hơn. Ở làng cháu đây anh ấy chả có gì để làm cả.
- Thế vắng anh, cháu có nhớ không?
- Nhớ nhất là những lúc vắng anh ấy trên bờ biển ạ. - cô bé nói với vẻ đăm chiêu. - Cả những con hải âu cũng nhớ, cả biển, cả căn nhà này cũng vắng vẻ... Nhưng mà Êrik sẽ vui. Anh ấy sẽ có nhiều sách, sẽ trở thành bác học.
- Thế còn cô bé gái bé bỏng dễ thương của ông anh cũng sẽ mừng cho ông anh chứ, có phải thế không, cháu? - Bác sĩ nói và hôn lên trán cô bé. Và cô bé sẽ tự hào về ông anh, khi ông anh trở về chứ? ... Thế có nghĩa là mọi sự đã ổn thỏa rồi! Còn bây giờ tôi phải vội đi đây! Tạm biệt!
- Thưa ngài bác sĩ - Vanđa vụng về nói với ông - cháu muốn xin ngài một điều ạ.
- Cứ nói đi, flika.
- Ngài nói là ngài sẽ đi bằng xe trượt tuyết. Cháu muốn xin phép ba mẹ cháu để đưa ngài đến trạm bưu điện đầu tiên ạ.
- Thật là tiếc? Bởi vì tôi đã hứa điều đó với Regnilđa, con gái viên quản lý của tôi mất rồi.
- Chị ấy đã nói cho cháu biết như thế rồi ạ. Regnilđa nhường chỗ cho cháu nếu được ngài cho phép.
- Trong trường hợp như vậy thì cháu chỉ còn xin phép bố mẹ nữa thôi.
- Bố mẹ cháu đồng ý ạ.
- Thế có nghĩa là tôi cũng đồng ý. - Bác sĩ đáp và đi ra.
Sáng hôm sau, chiếc xe trượt tuyết dừng lại trước cửa nhà bác Hecsêbom. Như đã quyết định từ tối hôm qua,Vanđa ngồi chễm trệ trên ghế xà ích, cương chắc trong tay. Cô bé có nhiệm vụ đánh xe đến làng bên, còn ở đó bác sĩ sẽ đổi ngựa và tìm cô xà ích khác, rồi từ đấy đi thẳng đến tận Berghen. Dĩ nhiên là bất kỳ một khách nước ngoài nào cũng sẽ đều ngạc nhiên trước người xà ích lạ thường như thế. Nhưng đó là phong tục ở Thụy Điển và Na Uy. Đàn ông cho rằng làm những việc như vậy là mất thì giờ vô ích, nên thường giao việc điều khiển ngựa cùng những yên cương nặng nề cho trẻ em mười - mười hai tuổi được huấn luyện kỹ việc này từ khi còn nhỏ.
Bác sĩ đã nằm sâu trong xe, cuốn mình trong chiếc ảo bằng lông. Êrik ngồi bên Vanđa, âu yếm chia tay với bố và anh trai. Hơn bất kỳ lời lẽ nào, sự buồn rầu của họ nói lên một cách hùng hồn rằng họ đau khổ biết bao nhiêu khi phải xa chú bé. Còn nói về bà Katrina ít kềm chế được hơn thì bà dặn đi dặn lại chú qua hàng nước mắt:
- Con đi nhé, con trai bé bỏng. Đừng có bao giờ quên những điều bố mẹ đã dạy con nhé. Hãy trung thực và dũng cảm! Đừng có bao giờ giả dối! Hãy làm việc sao cho tốt hơn! Bao giờ cũng phải giúp người yếu hơn con nhé! Còn nếu con không tìm được hạnh phúc mà con xứng đáng được hưởng thì con hãy trở về với bố mẹ và con sẽ tìm thấy nó ở đây!...
Vanđa giật dây cương, con ngựa phóng nước đại, nhạc ngựa rung vang. Tiết trời lạnh lẽo, chiếc xe trượt băng băng trên con đường nhẵn bóng như gương. Mặt trời nhợt nhạt vừa nhú khỏi chân trời, chảy lên mặt đất phủ đầy tuyết một màu vàng dịu dàng. Mấy phút trôi qua, và Nôrôê đã khuất lại đàng xa.