Thằng Phước méc cô thật. Đúng ra thì nó báo với thằng Nhuận và thằng Nhuận báo lại với cô Nga.
Nhỏ Dạ Lan dọa tôi:
- Lần này thì chết nhé!
Tôi thanh minh:
- Chết gì! Hôm đó tụi tao học bài xong rồi mới đi chớ bộ!
Nhuận lừ mắt:
- Xong gì mà xong! Thằng Phước bảo mới ba giờ rưởi, tụi mày đã tót ra sân bóng rồi.
Hết đường chối cãi, tôi im re, trong bụng giận mình kinh khủng.
Tôi và An đang có nguy cơ bị lôi ra kiểm điểm lần nữa thì xảy ra một chuyện.
Có một buổi tối, má tôi đi làm về trể. Trong nhà hết thức ăn, má tôi sai tôi chạy đến quán dì Thẩm mua hột vịt. Muốn đến quán dì Thẩm phải đi ngang qua lò thịt. Mới nghĩ đến chuyện đó, tôi đã thấy lạnh cả sống lưng.
Sợ thì sợ nhưng tôi không dám nói ra miệng. Bởi ba má tôi chúa ghét chuyện ma quỷ. Tôi chỉ có cách từ chối khéo:
- Má kêu nhỏ Ái đi mua đi!
Má tôi nạt:
- Mày lớn mày phải đi chứ sao lại sai em!
Tôi chống chế:
- Con còn phải học bài.
Má tôi phẩy tay:
- Thôi đi, đừng có làm biếng! Lát nữa học! Chạy đi mua hột vịt có năm phút chứ lâu la gì!
Nhỏ Ái rất thông minh. Nó hiểu ngay tâm trạng của tôi, bèn lên tiếng:
- Thôi, anh với em cùng đi!
Tôi nhìn nó bằng ánh mắt biết ơn:
- Ừ, để anh đi lấy xe đạp chở em đi!
Bình thường, tôi thường "mày mày, tao tao" với nó, tự nhiên lúc này tôi "anh anh, em em" ngọt xớt.
Lúc đó khoảng tám giờ tối, trời ló trăng non. Ánh trăng lờ mờ rọi dọc con đường ngang qua lò thịt càng làm khung cảnh tăng thêm vẻ rùng rợn.
Tôi nhắm mắt nhắm mũi dấn bàn đạp, không dám liếc nganh liếc dọc. Nhỏ Ái ngồi phía sau ôm cứng lấy tôi. Nó cũng chúa nhát.
Hai anh em cứ thế lùi lũi phóng xe.
Phải đến khi ánh điện nhà dì Thẩm nhấp nháy trước mắt, tôi mới dám thở mạnh.
Lượt đi không thấy gì "ghê gớm", lượt về tôi đã thấy bớt sợ. Lúc chạy ngang lò thịt, tự nhiên tôi không cưỡng nổi ý muốn liếc thử "nó" một cái, xem có thấy "gì" không.
Thế là tôi hé mắt trông ngang.
Và tim tôi bỗng dưng thót lại như ai bóp. Rõ ràng trước mắt tôi, một bóng đen vừa lướt ngang qua bụi cây cạnh lò thịt. Tôi chớp mắt một cái, bóng đen đã biến mất.
Quên mất lời bà dặn, tôi tính kêu lên nhưng hai hàm răng cứng đờ. Thế là hồn vía lên mây, tôi cong lưng đạp như bị.... ma đuổi.
Vì tôi bất ngờ "sang số", nhỏ Ái bật ngữa ra sau suýt nữa té khỏi yên xe. Nó la chói lói:
- Anh chạy gì kỳ vậy? Té em bây giờ!
Mặc, nó la phần nó, tôi đạp phần tôi.
Hai tay ghì chặt ghi-đông, tôi nghiến răng đạp phăng phăng, chẳng còn tâm trí nào tránh mấy cái ổ gà. Chiếc xe nhảy chồm chồm như một con ngựa bất kham.
Nhỏ Ái vẫn tiếp tục la lối:
- Bể hết hột vịt bây giờ!
Thấy tôi không thèm giảm tốc độ, nó lại la:
- Anh làm gì chạy như điên vậy? Em về méc má cho coi!
Rồi thấy chẳng ăn thua gì, nó một tay ôm chặt hông tôi, một tay giữ khư khư mấy cái hột vịt, miệng thút thít khóc.
Về đến nhà rồi, tôi vẫn chưa hoàn hồn. Vội vàng bật chống xe đánh "tách" một cái, tôi phóng vù qua cửa. Chiếc xe mất thăng bằng, ngã đánh rầm.
Má tôi bước ra:
- Tụi mày làm cái gì ầm ầm vậy?
Rồi thấy nhỏ Ái đang sụt sịt, má tôi hỏi liền:
- Sao khóc vậy con?
Trong lúc tôi đang lui cui đỡ chiếc xe lên thì nhỏ Ái kể tội tôi:
- Ảnh chạy xe ẩu quá chừng, con sém té mấy lần. May mà không bể hột vịt!
Má tôi cốc tôi một cái:
- Hư này! Đã bảo bao nhiêu lần rồi mà không nghe! Có ngày té lọi cẳng cho coi!
Rồi quay qua nhỏ Ái, má tôi dỗ:
- Thôi nín đi! Có vậy mà cũng khóc!
Tôi đi theo nhỏ Ái, tay xoa xoa đầu ngay chỗ vừa bị cốc vừa rồi. Nỗi hoảng hốt vẫn chưa rời bỏ tôi.
Đợi cho má tôi xuống bếp, tôi khều nhỏ Ái:
- Nè, nè! Tao nói cái này cho nghe nè!
Thấy tôi thì thầm, nó cũng thì thầm theo:
- Gì vậy?
Tôi kề miệng sát tai nó:
- Khi nãy tao thấy ma.
Nhỏ Ái xô tôi ra:
- Thôi đi! Đừng có xạo!
Tôi nghiêm mặt:
- Thật mà! Tao thấy rõ ràng!
Nó hỏi lại, giọng không tin:
- Ở đâu?
Tôi lại hạ giọng:
- Ở lò thịt! "Nó" lấp ló ở trong bụi cây!
Nhỏ Ái xanh mặt nhưng nó cố làm ra vẻ cứng:
- Thôi đi! Anh đừng có dọa em!
Tôi nhún vai:
- Tao xạo mày làm gì! Khi nãy mày không thấy tao chạy muốn vắt giò lên cổ sao!
Đến đây, nhỏ Ái tin tôi nói thật. Nó đưa tay ôm mặt, miệng lắp bắp:
- Eo ôi! Em sợ quá!
Từ khi vào nhà đến giờ, tôi đã bớt hoảng. Bây giờ vẻ sợ hãi của nhỏ Ái khiến tôi thấp thỏm trở lại. Ánh sáng và không khí quen thuộc trong nhà không thể nào xua tan được cảm giác tệ hại đó.
Tôi đứng sát vào nhỏ Ái, vừa trấn an nó vừa trấn an mình:
- Mình ở trong nhà mà sợ gì!
- Biết đâu "nó" nấp ngoài cửa! - Nhỏ Ái lo lắng.
Tôi lấm lét nhìn ra cửa:
- Chắc không có đâu!
- Sao anh biết?
- Tao đoán chừng vậy thôi.
Giọng điệu lừng khừng của tôi chẳng giúp nhỏ Ái an tâm được chút nào. Nó nắm chặt tay tôi:
- Làm sao bây giờ?
Tôi chợt nhớ ra:
- Lại hỏi bà thử coi!
Bà không có dưới nhà.
- Chắc bà ở trên gác!
Tôi nói và cùng nhỏ Ái trèo lên căn gác gỗ. Quả nhiên, bà tôi đang ngồi loay hoay vá quần vá áo trên đó.
Thấy tôi và nhỏ Ái thò đầu lên, bà ngừng tay, hỏi:
- Sao các cháu không ngồi học bài mà chạy lên đây?
Thay cho câu trả lời, hai đứa tôi chạy lại ngồi gần kề bên bà. Tôi nói nhỏ:
- Bà ơi, cháu vừa thấy... ma bà ạ!
Bà tôi vội vàng nhắm mắt:
- Mô phật! Cháu thấy ở đâu?
- Ở lò thịt bà ạ!
Bà tôi rầy:
- Vào giờ này cháu đi ngang qua đó làm gì?
- Má cháu sai cháu đi mua hột vịt mà lại!
Bà tôi nhíu mày vẻ không bằng lòng:
- Được rồi, bà sẽ nói má cháu đừng sai các cháu đi đêm nữa. Buổi tối đi ra ngoài không nên!
Nhỏ Ái nãy giờ vẫn chưa hết lo âu.
Nó hỏi:
- Giờ có sao không bà?
- Có sao cái gì?
- Ma ấy mà! "Nó" có rượt theo mình không?
- Sao cháu lại hỏi vậy?
Nhỏ Ái rùng mình:
- Cháu sợ "nó" nấp ngoài cửa.
Bà tôi lắc đầu:
Không có đâu! Oan hồn thường lảng vảng quanh chỗ nó ở, ít khi nào đi xa!
Nghe vậy, hai đứa tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhỏ Ái lại cẩn thận hỏi:
- Bây giờ thì tụi cháu phải làm gì đây hở bà?
Bà tôi cười:
- Thì đi học bài đi chứ làm gì!
Đang nói, bà tôi vội nghiêm mặt lại:
- Nhưng hai cháu nhớ đừng kể cho ai nghe chuyện này đấy.
- Dạ, tụi cháu không nói đâu!
Nói xong, tôi và nhỏ Ái trèo xuống khỏi thang gác.
Ngồi vào bàn xong, nhỏ Ái từ từ lấy lại bình tĩnh và bắt đầu kê tôi:
- Vậy mà anh bảo thầy Việt nói không có ma!
Tôi lúng túng:
- Thì thầy Việt nói vậy, tao có biết đâu.
- Chẳng lẽ thầy Việt nói sai?
- Tao chẳng biết! Ngay cả ba má mình cũng bảo là không có ma.
Nhỏ Ái thở ra:
- Chắc tại ba má chưa thấy ma bao giờ.
Ngẫm nghĩ một hồi, nó đề nghị:
- Hay là anh kể cho ba má biết đi!
Tôi gạt ngang:
- Thôi đi! Đừng xúi dại! Mày muốn tao bị ăn đòn hả?
Nó nheo mắt:
- Lớn rồi mà sợ ăn đòn!
Tôi nổi nóng:
- Mày ngon thì mày đi nói đi!
- Thôi, em chẳng dám đâu!
Nó rụt cổ lại y con rùa. Thật chưa thấy ai nhát như nó, chỉ được mỗi cái tài xúi bẩy người khác!
Tối đó vừa chui vào giường là tôi với nhỏ Ái kéo chăn trùm kín mít, ngay cái mũi để thở cũng không dám để hở ra ngoài.
Sáng hôm sau tới lớp, quên phắt lời bà tôi dặn, tôi đem chuyện gặp ma kể cho tụi bạn nghe.
Hưng nhí buông thõng một tiếng:
- Xạo!
- Thiệt mà!
- Hôm trước thằng An vô trỏng có thấy gì đâu!
- Nhưng mà tao thấy.
Nhỏ Trầm Hương nhận xét:
- Hay là Nghi bị hoa mắt?
Tôi tức mình:
- Chẳng hoa mắt gì hết! Tao thấy rõ ràng. "Nó" đi lơ lững cách mặt đất cả thước.
Thật ra lúc đó tôi chỉ thấy một cái bóng mờ mờ, nhưng vì tụi bạn không tin nên tôi phải bịa thêm cái màn "lơ lững" cho nó có sức thuyết phục.
Hưng nhí trố mắt:
- Như Mai-ca vậy hả?
Tôi gật đầu:
- Ừ, y hệt Mai-ca.
Nó tỏ vẻ băn khoăn:
- Hay đó là người từ hành tinh khác đến?
Trầm Hương bĩu môi:
- Đến đâu không đến, lại đến lò thịt!
Tôi phản đối giả thuyết của Hưng nhí:
- Không phải đâu! Nếu là người từ hành tinh khác đến thì cả thành phố phải sáng lòa như trong phim Mai-ca vậy chứ!
- Ừ hén!
Hưng nhí gục gặc đầu rồi lại thắc mắc ngay:
- Như vậy chẳng lẽ đó là ma?
Tôi gắt:
- Thì tao đã bảo là ma mà lại!
Thình lình Hưng nhí đổi giọng:
- Làm gì có ma! Thầy Việt đã bảo rồi! Chắc là mầy bịa!
Trầm Hương hùa theo:
- Đó là chuyện nhảm nhí, hoang đường!
Đúng là đứa a dua, nó lặp lại y lời thầy Việt nói bữa trước.
- Tụi mày không tin thì thôi!
Tôi nổi giận buông thõng một câu rồi bỏ đi.
Chỉ có An là tin lời tôi. Nó đúng là thằng bạn tốt.
Nghe tôi kể xong, nó hỏi:
- Lúc đó là mấy giờ?
Tôi nhíu mày:
- Tao không nhớ. Khoảng bảy, tám giờ gì đó.
- Mày thấy "nó" đi ra hay đi vô lò thịt?
Tôi cố nhớ:
- Hình như là... đi vô.
Ngẫm nghĩ một lát, An chép miệng:
- Lạ quá!
Tôi ngạc nhiên:
- Lạ cái gì?
- Cách đây năm, sáu bữa tao cũng thấy một bóng người quanh quẩn ở lò thịt.
Tôi hồi hộp:
- Ban ngày hay ban đêm?
- Cũng ban đêm.
Tôi thấp giọng:
- Thì đúng là "nó" rồi chứ gì nữa!
An nhìn tôi:
- Ma hả?
- Ừa.
An bặm môi:
- Tao nghĩ là không phải! Tao không tin có ma!
Tôi khịt mũi:
- Chứ theo mà, "nó" là ai?
An đáp gọn lỏn:
- Người ta.
Tôi trố mắt:
- Giờ đó ai tới lò thịt làm gì?
- Tao không biết.
Tôi "xì" một tiếng:
- Không biết mà cũng nói!
Không để ý sự châm chọc của tôi, An nói với vẻ trầm ngâm:
- Chắc là có gì ám muội.
Tôi nhún vai:
- Mày chỉ giỏi tưởng tượng!
An không đáp. Lát sau, nó vỗ vai tôi:
- Tối nay tao với mày đi rình thử coi!
Tôi sửng sốt:
- Rình ở lò thịt hả?
- Ừ.
- Thôi đi, đừng có điên!
An nheo mắt:
- Mày sợ hả?
Tôi thú nhận:
- Ừ, tao sợ.
- Sợ gì! Tao cùng đi với mày mà!
- Nhưng mà tao vẫn sợ. Rủi "nó" là ma thật thì chết!
An lớn tiếng:
- Tao đã bảo là không phải ma mà!
Tôi vẫn ngại:
- Nhưng nếu như "nó" là ma thì sao? Ai biết được chuyện đó!
Thấy không lay chuyển được tôi, An đổi chiến thuật:
- Mày đem theo bịch nước tiểu.
- Chi vậy?
- Có vậy mà cũng không biết! Ma thường sợ những thứ ô uế. Nếu "nó" là ma thật, mày tung bịch nước tiểu ra, "nó" chạy mất.
Đúng rồi! Tôi sực nhớ có lần bà tôi cũng nói như vậy. Đi đêm gặp ma, cỡi quần tè một bãi, ma biến liền. Đúng là một thứ vũ khí lợi hại. Tuy vậy, tôi vẫn chưa yên tâm:
- Tao vẫn thấy sờ sợ làm sao! Hay là mình rũ thêm Hưng nhí?
An giơ hai tay lên trời:
- Ối trời! Cái thằng nhát như thỏ, đi theo chỉ tổ vướng cẳng!
Quả thật, Hưng nhí còn nhát gan hơn tôi gấp bội mặc dù nó luôn miệng bảo là không có ma. Hôm trước, tôi năn nỉ đến gãy lưỡi mới rũ được nó đi giám sát thằng An chui vô lò thịt. Lại phải cam kết "đứng xa xa", nó mới chịu đi. Nhưng dù sao tối nay đi rình ở lò thịt, có nó bên cạnh cũng đỡ sợ hơn là chỉ có tôi và An.
Thấy Tôi có vẻ ngần ngừ, An lại nói:
- Mỗi đứa đem theo một con dao cho chắc ăn.
Tôi gật đầu:
- Ừ, tao sẽ đem theo giàn ná.
Thấy tôi bắt đầu tỏ ra hăng hái, An sáng mắt lên:
- Còn tao, tao sẽ đem theo cây đèn pin.
Thế là mọi chuyện đã được quyết định. Tôi không hiểu tại sao rốt cuộc tôi lại bị lôi cuốn vào "trò phiêu lưu" này của An. Có lẽ cái "tinh thần lành mạnh" của nó đã tạo nơi tôi một cảm giác an tâm và tin cậy.
Trước khi chia tay, An dặn:
- Tối nay khoảng tám giờ, mày ra trước cổng đợi tao nghen!
- Ừ.
Tôi trả lời nó mà lòng còn phân vân: Có nên rút lui lại quyết định của mình hay không?