Thế là tôi với An đã học chung với nhau được hơn nửa tháng. Trong nửa tháng đó, tôi chỉ mới gặp má nó có một lần. Là chủ sạp vải, má nó suốt ngày ở ngoài chợ, lâu lâu mới "xẹt" về nhà một lần. Má nó người mập mạp, hồng hào, trông lúc nào cũng tất bật.
Thấy tôi tới học chung với An, má nó khoái lắm:
- Ừ, hai đứa ngồi trong nhà mà học, đừng có chạy nhảy ngoài đường nghen!
Nói xong một câu, má nó đi mất.
An bình luận:
- Má tao vậy đó, suốt ngày lu bu ngoài chợ. Nhưng má tao chìu tao lắm.
Như để chứng minh cho lời nói của mình, nó rút từ trong túi áo ra tờ giấy bạc năm trăm đồng giơ lên trước mặt.
- Tiền ở đâu vậy? - Tôi hỏi.
- Đây là tiêu chuẩn hàng ngày của tao! - An giải thích với vẻ kiêu hãnh. - Trước khi ra chợ, bao giờ má tao cũng nhét vào túi tao một tờ như thế này!
- Mày xài sao hết?
- Hết tuốt! Nhưng từ nay, tao và mày sẽ xài chung!
Nghe vậy, tôi vừa cảm thấy thinh thích, lại vừa ngường ngượng. Tôi lắc đầu:
- Thôi...
Nhưng An không để tôi nói hết câu. Nó cắt ngang:
- Không có "thôi thôi" gì hết! Còn không, tao nghỉ chơi mày ra luôn!
Tôi gặp má An một lần nhưng anh Dự của nó tôi gặp tới bốn, năm lần. Anh Dự người hơi ốm, da ngăm đen, tóc để dài phủ gáy. Mặt anh xương xương, hàng ria mép rậm rì như hai con sâu. Anh lúc nào cũng mặc quần jean, áo pun, tay đeo đồng hồ Rađdô mới tinh, lại thêm hai chiếc nhẫn vàng chóe trên các ngón tay, miệng anh luôn luôn phì phèo thuốc lá thơm và trong túi áo lúc nào cũng có sẵn một gói "555". Hóa ra chính vì vậy mà thằng An cứ bị ám ảnh bởi ý nghĩ "tao đi theo anh Dự" hoài.
Chẳng hiểu cái tổ hợp nhựa nơi anh Dự làm việc hoạt động như thế nào mà tôi thấy anh ở nhà hoài. Lần nào tới đó học chung với An, tôi cũng đều gặp anh.
Hôm gặp lần đầu tiên, anh lặng lẽ quan sát tôi từ đầu đến chân. Ánh mắt lạnh lẽo của anh khiến tôi vô cùng lúng túng. Anh hỏi:
- Em tên gì?
- Em tên Nghi! - Tôi đáp.
An xía vô:
- Nó là bạn thân nhất với em trong lớp đó. Nó đến học chung với em.
Ánh mắt của anh Dự có vẻ thân thiện hơn. Anh vỗ vai tôi:
- Vậy thì được!
Tôi không hiểu anh bảo được là được cái gì nhưng tôi không dám hỏi. Anh móc thuốc ra mời tôi:
- Em hút thuốc không?
Tôi lắc đầu. Trong lúc đó thằng An nhanh tay rút một điếu.
- Mày biết hút thuốc hả? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Tao hút hoài! - An vừa nói vừa ngậm điếu thuốc.
Tôi trố mắt nhìn nó bật quẹt, châm thuốc và nhả khói với vẻ sành sỏi. Tôi lấy làm lạ vì ở trường chẳng bao giờ tôi thấy nó hút thuốc. Chắc nó sợ bị phạt.
Đợi anh Dự đi khỏi, nó chìa điếu thuốc cho tôi:
- Mày kéo thử một hơi coi!
Tôi xua tay:
- Thôi, thôi tao không biết hút đâu!
Nó nài nỉ:
- Mày cứ hút thử đi! Ngon lắm!
Nhưng mặc cho nó nói, tôi vẫn cương quyết từ chối.
Thấy vậy, An không thèm mời tôi nữa. Nó ngồi ghểnh chân lên ghế, hút ngon lành.
- Mày hút thuốc vậy, má mày có biết không? - Tôi tò mò hỏi.
- Biết chớ! Nhưng má tao la. Chỉ có anh Dự là thoải mái với tao thôi.
Cái chuyện thằng An ngủ một mình trong lò thịt hôm trước, hôm sau là tôi kể cho anh Dự nghe. Tôi kể như là kể một chuyện ly kỳ, nhằm quảng cáo cho thằng bạn có "tinh thần lành mạnh" của mình.
Tôi tưởng nghe xong anh Dự sẽ khen nó. Không dè ảnh trợn mắt, nạt lại hai đứa tôi:
- Sao tụi mày chơi ngu vậy? Đứa nào bày ra cái trò ngốc này?
Thấy ảnh nổi nóng, hai đứa tôi im re.
Anh Dự dằn giọng:
- Đã có bao nhiêu người đi vô trong đó rồi không trở ra, tụi mày có biết không?
Tôi ấp úng:
- Em đâu có biết!
An phân trần:
- Nhưng em vô trỏng mà đâu có sao!
Anh Dự đập bàn:
- Mày còn cãi nữa hả? Tại mày chưa tới số thôi. Lần sau mà còn như vậy thì đừng hòng sống sót!
Trước khi bỏ đi, anh Dự còn chỉ tay vào hai đứa tôi:
- Từ giờ về sau, tao cấm hai đứa mày bước chân vô lò thịt, kẻo có chuyện gì xảy ra người ta lại trách tao sao không bảo trước. Hừ, hết người ghẹo sao mà đi ghẹo ma!
Còn lại hai đứa, tôi ngó An:
- Sợ chưa mày?
An "hừ" một tiếng:
- Sức mấy mà sợ! Tao cóc tin có ma!
- Anh Dự bảo có kìa!
- Kệ ảnh!
Tự nhiên tôi cảm thấy khoái An dễ sợ. Chơi với một đứa bạn gan lì như nó thật là thic h!
Nhưng "tinh thần" của thằng An chỉ "lành mạnh" trong mỗi chuyện đó thôi, chứ còn trong chuyện học tập thì tinh thần nó chẳng lành mạnh tí nào.
Từ hôm bắt đầu học chung với nhau tới nay, hai đứa hầu như chẳng học được bao nhiêu.
Hôm đầu tiên, An học hành còn có vẻ nghiêm túc. Nó sắm một cuốn tập mới tinh, bao bìa đàng hoàng. Ở trang đầu tiên, nó còn nắn nót kẻ dòng chữ "vở học ở nhà" bằng mực đỏ, trông rất khí thế.
Hai đứa ngồi vào bàn. Tôi giở thời khoá biểu ra coi, thấy ngày mai có môn số học, bèn kêu nó đem tập toán ra, ôn lại bài mới nhất: "Nhân và chia các số gần đúng".
Nó lật tập loạt soạt một hồi rồi trố mắt:
- Đâu phải bài "Nhân và chia"! Bài "Cộng và trừ" chớ!
- Cộng và trừ các số gần đúng là bài tuần trước!
Nó lại lật tới lật lui, xoay ngang xoay dọc cuốn tập cả buổi rồi lại ngước nhìn tôi:
- Cái bài đó nó trốn đâu mất tiêu rồi!
- Thôi đừng có giễu hề nữa. Đưa cuốn tập tao coi!
Tôi giật cuốn tập trên tay An và giở ra. Đúng là không có bài học vừa rồi. Bài sớm nhất trong tập nó là bài "Cộng và trừ các số gần đúng" học tuần trước.
Điều đó khiến tôi ngạc nhiên:
- Bài "Nhân và chia" đâu?
An chép miệng:
- Bữa đó tao nghỉ học.
Nó tính bịp tôi nhưng mà đâu có được. Tôi nghiêm mặt:
- Xạo đi mày! Bữa đó mày có đi học đàng hoàng.
An ngồi bên cạnh tôi nên hôm nào nó nghỉ học là tôi biết liền. Làm sao nó qua mặt tôi được! An cũng biết vậy, nên thấy tôi lật tẩy, nó cười giả lả:
- Bữa đó tao quên chép bài.
- Chép bài mà quên!
Tôi nguýt nó một cái và tiếp tục kiểm tra cuốn tập toán của nó. Té ra nó không chỉ "quên" một bài mà "quên" tới ba, bốn bài. Dò cuốn tập toán thiếu gần phân nửa bài học trong chương trình của nó, tôi ngán ngẩm:
- Học như mày thì không biết bao giờ mới "cùng tiến" với người ta nổi.
An tỉnh bơ:
- Thì từ từ tao đuổi theo chứ lo gì!
Tôi bực mình, gắt:
- Mày thì lúc nào cũng từ từ!
Cuối cùng, tôi đành phải lấy cuốn sách "Số học và đại số" ra chỉ cho nó học.
Nhưng càng hướng dẫn cho An học, tôi càng kinh hoàng nhận ra trước nay nó chẳng bao giờ học bài. Đầu óc nó trống rỗng, không chứa lấy một chữ. Tôi giảng trước nó quên sau, giảng sau nó quên trước. Điều đó khiến tôi đâm nản. Tôi thở dài:
- Đầu mày giống cục đá quá!
Nó sờ đầu nhận xét:
- Mềm hơn cục đá chớ!
Đang bực mình nhưng nghe nó pha trò, tôi cũng phải phì cười.
Rốt cuộc tôi phải giảng lùi lại bài trước. An vẫn không hiểu nổi. Tôi lại lùi thêm một bài nữa. Nó vẫn ngơ ngơ ngác ngác. Tôi thở hắt ra một cái và lùi tuốt tới bài đầu năm học, bài "Tỉ lệ thức".
Thằng An thấy tôi hết chỗ lùi rồi nên nó đành phải cố nghe tôi giảng bài. Để giúp cho nó phân biệt được ngoại tỷ và trung tỷ của một tỷ lệ thức, tôi phải mất gần nửa tiếng đồng hồ và tiêu tốn mất mấy lít mồ hôi chứ không phải ít.
An vừa học vừa nhăn nhó. Nếu nó là nhỏ Ái thì tôi đã cốc nó u đầu từ lâu rồi.
Nửa tiếng đồng hồ tiếp theo, tôi giảng cho An về cách hoán vị các số hạng. Lần này, đầu óc nó bớt chậm chạp hơn khi nãy, nó hiểu bài nhanh hơn. Tôi để ý thấy nếu An chịu học, tức là chịu chú ý, thì có lẽ nó chẳng kém ai. Nhưng nói chung là nó rất lơ là. Nhiều lúc tôi giảng muốn đứt hơi, xong hỏi nó:
- Mày hiểu rồi chứ?
Nó lắc đầu:
- Chưa.
Tôi đỏ mặt tía tai:
- Trời ơi, tao nói khô nước miếng vậy mà mày không hiểu! Chớ đầu óc mày nãy giờ để đâu?
Nó chỉ ra cửa sổ:
- Tao để ở ngoài kia. Nãy giờ tao mắc coi hai con gà đá lộn! - Chợt nó reo lên - Kìa, kìa! Nó lại đá nữa kìa!
Tôi dòm ra. Có hai con gà đang đá nhau thật. Thế là trong thoáng mắt, tôi quên béng cả chuyện dạy dỗ lẫn nỗi tức tối trong lòng mà lại... noi gương thằng An, ngẩn người xem đá gà một cách say sưa.
Hai "thầy trò" vừa xem "đấu võ đài" vừa bình luận rôm rả:
- Con gà tía có cú song phi ác liệt!
- Nhưng con kia lẹ hơn. Nó tránh được hết.
- Chỉ được cái tránh đòn. Nó đâu tấn công được miếng nào!
- Cần quái gì tấn công! Nó dụ cho con gà tía hao sức.
- Sức mấy mà hao sức!
- Hao!
- Không hao!
Thằng An gân cổ cãi khiến tôi nổi sùng:
- Thôi đi học bài tiếp đi!
Nó nhe răng cười hì hì:
- Hết giờ rồi!
Tôi giật mình liếc đồng hồ trên tường. Đã năm giờ kém năm.
Trong khi tôi ngẩn người ra thì An hớn hở thu xếp tập vở. Nó nhận xét:
- Buổi đầu tiên học chừng đó là đủ rồi.
- Có chút xíu mà kêu đủ! - Tôi lầm bầm.
Nó cười nhăn nhở:
- Phải để dành! Bữa nay mày đòi học hết, mai mốt lấy gì mà học!
Tôi ngồi im không trả lời. Nhưng đến khi An mở tủ lạnh lấy ra miếng đu đủ vàng lườm thì mặt mày tôi rạng rỡ hẳn lên:
- Ngon không mày?
- Hết sẩy!
Nó bê nửa trái đu đủ ra đặt giữa bàn khiến tôi cứ nhấp nhổm trên ghế.
Buổi học chung đầu tiên giữa tôi và An kết thúc một cách "ngọt ngào" như vậy.