Người ta xếp bàn boston, những ván bài bắt đầu và khách khứa của bá tước chia nhau ngồi trong hai gian phòng khách, trong phòng đi-văng và trong thư viện.
Bá tước xoè bài thành hình chiếc quạt, chật vật lắm mới cưỡng lại được cái thói quen đi ngủ sau bữa ăn chiều và động một tí là phá lên cười. Giới thanh mên theo bá tước phu nhân xúm xít bên chiếc dương cầm(1) và chiếc thụ cầm(2) theo lời thỉnh cầu của mọi người.
Juyly chơi trước trên đàn thụ cầm một bản nhạc có biến tấu, rồi đồng thanh với tất cả các tiểu thư khác. Juyly yêu cầu Nikolai, hai người rất có khiếu âm nhạc, hát cho cử toạ nghe một bài. Natasa được đối xử như người lớn lên rất hãnh diện, nhưng đồng thời cũng đâm ra rụt rè.
- Hát gì bây giờ? - Natasa hỏi.
- Bài "Dòng suối" - Nikolai đáp.
- Thế thì hát nhanh lên. Boris, anh lại đây. Còn Sonya đâu rồi nhỉ?
Natasa nhìn quanh không thấy cô bạn đâu liền chạy đi tìm. Vào phòng ngủ của Sonya, Natasa không thấy cô ta đâu liền chạy vào phòng trẻ. Nhưng ở đây cũng không thấy Sonya, Natasa hiểu ngay rằng Sonya đang ngồi trên chiếc rương đặt ở hành lang. Chiếc rương này là nơi các thiếu nữ nhà Roxtov vẫn thường đến ẩn náu mỗi khi có những chuyện buồn phiền. Quả nhiên Sonya, mình mặc chiếc áo dài nhẹ mỏng đang nằm phủ phục trên chiếc nệm vải sọc cáu bẩn của u già, làm cho chiếc áo nhầu nát đi, tay đang bưng mặt khóc nức nở, đôi vai trần nhỏ nhắn cứ rung lên từng đợt. Khuôn mặt phấn khởi của Natasa suốt ngày hôm nay tươi roi rói, vui như hội, bỗng biến sắc đi; mặt Natasa trở nên đờ đẫn, rồi cái cổ hơi rộng của cô rung lên, cô mếu máo hỏi bạn:
- Sonya! Chị làm sao thế? Có việc gì, có việc gì thế hở chị?
- Hu hu... u…
Cái miệng hơi rộng của Natasa mếu xệch trông xấu hẳn đi và Natasa oà lên khòc nức nở như đứa con nít, chẳng hiểu tại sao mình khóc, chẳng qua vì thấy Sonya khóc nên cũng khóc thôi. Sonya muốn ngẩng đầu lên, muốn đáp lại, nhưng không sao nói nên lời, đành lúc đầu vào đệm sâu hơn trước. Natasa ngồi lên chiếc đệm xanh, ôm choàng lấy bạn mà khóc. Sonya cố gượng nhổm dậy lau nước mắt và bắt đầu kể lể:
- Nikolai chỉ một tuần nữa là đi… giấy của anh ấy… đã gửi đến, chính anh ấy nói với mình như vậy… Nhưng dù có thế mình cũng chả khóc… (Sonya đưa cho Natasa xem một mảnh giấy nãy giờ nàng vẫn cầm trong tay: đó là mấy câu thơ Nikolai viết cho nàng)… mình chả khóc đâu. Nhưng Nikolai không thể. Không ai có thể hiểu nổi… tâm hồn của anh ấy. Và Sonya lại khóc, khóc vì tâm hồn của Nikolai cao thượng đến nhường ấy…
- Natasa sung sướng thật, mình không ganh tị đâu… mình mến Natasa lắm, mến cả Boris nữa - Sonya đã trấn tĩnh được ít nhiều nàng nói tiếp - anh ấy dễ thương lắm, hai người không có điều gì trở ngại cả. Chứ như Nikolai thì lại là anh họ mình… phải có phép, của chính đức giám mục… mà cũng chưa chắc đã được.
Với lại nếu mẹ (Sonya vẫn gọi bá tước phu nhân và vẫn xem bá tước phu nhân là mẹ) mẹ sẽ nói rằng mình làm hỏng sự nghiệp của Nikolai, rằng mình chẳng có nghĩa tình gì, mình là một kẻ vong ân, thế nhưng thật ra thì… đấy có Đức Chúa Trời chứng giám (Sonya làm dấu thánh giá), mình yêu mẹ lắm, yêu các cậu lắm chứ. Chỉ có Vera. Tại sao? Mình có làm gì cô ấy đâu? Mình biết ơn nhà Natasa lắm chứ, mình sẵn sàng hy sinh tất cả, nhưng mình có gì đâu mà hy sinh?
Sonya không nói được nữa, lại bưng mặt gục vào chiếc đệm.
Natasa đã hơi yên tâm, nhưng cứ trông sắc mặt của cô cũng thấy rằng cô ấy đã hiểu tầm quan trọng của nỗi buồn trong lòng bạn.
- Sonya! - Natasa nói, đột ngột như chợt đoán ra cái nguyên nhân làm cho Sonya buồn khổ. - Chắc sau bữa ăn Vera có nói gì với chị, phải không?
- Ừ, mấy câu thơ này chính Nikolai viết cho mình, nhưng mình có chép thêm nhiều câu nữa; Vera bắt được mấy tờ giấy chép thư ở trên bàn, cô ấy bảo sẽ đưa cho mẹ xem, lại còn bảo mình không biết ơn, rằng mẹ không bao giờ cho anh ấy lấy mình, anh ấy lấy Juyly kia. Đấy Natasa thấy không, anh ấy suốt ngày chuyện trò với cô ta. Natasa, tại sao, mình có tội tình gì đấy?
Và Sonya lại khóc não ruột hơn trước. Natasa đỡ Sonya dậy, ôm lấy nàng và mỉm cười qua nước mắt, bắt đầu dỗ bạn:
- Sonya, chị đừng tin chị Vera, đừng tin chị ạ. Chị có nhớ hôm có cả chị, cả anh Nikolai với em ngồi nói chuyện trong phòng đi-văng sau bữa ăn tối ấy mà, chị nhớ chứ? Chúng mình đã quyết định mọi việc sau này sẽ ra sao rồi kia mà. Em không nhớ rõ là ra sao, nhưng chắc chị cũng nhớ rằng hôm đó mọi việc đều được dàn xếp ổn thoả và đều có thể thực hiện được cả. Đấy như người anh em của chú Sinsin cũng lấy cô em con chú ấy, còn chị với em thì chỉ là chị em họ thôi mà. Chính anh Boris cũng bảo là có thể được lắm. Chị ạ, em nói cho anh ấy biết hết rồi. Anh ấy thông minh mà tốt lắm cơ. Thôi đừng khóc nữa chị Sonya, Chị Sonya yêu quý của em - Natasa cười, ôm hôn Sonya - Chị Vera ác lắm, kệ thây chị ấy! Rồi mọi việc sẽ ổn thoả hết cho mà xem, chị ấy không mách mẹ đâu; chính anh Nikolai bảo là anh ấy không thèm nghĩ đến Julya đâu.
Rồi Natasa hôn vào mái tóc bạn, Sonya nhổm dậy, con mèo con hoạt bát lên, đôi mắt sáng long lanh, tưởng chừng như nó sắp sửa vẫy đuôi một cái, nhảy chồm trên đôi chân mềm mại và lại chơi đùa với cuộn len như nó vẫn thường làm.
- Natasa, thật đấy chứ? Natasa dám thề với mình đó là sự thật đấy chứ? - Sonya nói, trong khi hai tay nhanh nhẹ sửa lại áo và mái tóc.
- Thật mà, em nói thật đấy mà! Natasa vừa đáp vừa sửa hộ bạn mớ tóc bướng bỉnh buột ra khỏi bím.
Và cả hai cùng cất tiếng cười.
- Thôi, đi ra hát bài "Dòng suối" đi.
- Nào, đi!
Này, chị có biết không, cái anh chàng Piotr to béo ngồi trước mặt em ấy mà, anh ta buồn cười quá đi mất! - Natasa đang đi bông dưng lại nói - Em thấy vui quá chị ạ?
Rồi Natasa chạy dọc theo hành lang.
Sonya phủi hết những mảnh lông tơ của chiếc đệm, bám trên áo và giấu bài thơ dưới lần áo lót ở phía dưới cổ, nơi có hai chiếc xương vai hơi nhô lên, rồi vui vẻ và nhẹ nhàng chạy theo Natasa qua hành lang vào phòng đi văng, sắc mặt ửng hồng. Theo lời yêu cầu của tân khách, anh em nhà Roxtov hát bài "Dòng suối" và được mọi người tán thưởng; sau đó Nikolai hát bài mới học được:
Khi vầng trăng chiếu lên trời,
Chàng buồn ngẫm nghĩ đến người chàng yêu.
Nàng còn nghĩ đến ta nhiều,
Lòng nàng đáp ứng bao điều ước mơ.
Thụ cầm run rẩy tiếng tơ,
Đôi tay huyền diệu thẫn thờ gọi ta,
Bao lời mong ước thiết tha,
Một hai ngày nữa, chẳng xa thiên đường"
Em ơi mong đợi thêm thương,
Chàng không còn sống nơi dương thế này.
Nikolai hát chưa dứt mấy câu cuối thì trong gian phòng lớn nam nữ thiếu niên đã sửa soạn khiêu vũ và trên bao lơn hoà nhạc đã nghe thấy tiếng chân đi lại của các nhạc công bấy giờ đang bắt đầu ho húng hắng.
Piotr ngồi trong phòng khách, miễn cưỡng tiếp chuyện Sinsin.
Muốn biết ý kiến của một người vừa ở ngoại quốc về, Sinsin nói với Piotr về một câu chuyện chính trị mà Piotr rất chán ngán. Mấy người khách khác cũng lại gần góp chuyện. Khi âm nhạc cử lên, Natasa đi vào phòng khách và đến cạnh Piotr, đỏ mặt vừa cười vừa nói:
- Mẹ tôi bảo cho mời ông ra khiêu vũ.
- Tôi sợ đi nhầm vũ hình(3) mất, - Piotr nói, - Nhưng nếu cô vui lòng chỉ báo cho…
Và Piotr đưa bàn tay phốp pháp ra chìa thấp xuống cho cô con gái mảnh để cầm lấy.
Trong khi các đôi khách nhẩy dàn thành vũ hình và các nhạc công so dây đàn, Piotr ngồi xuống với cô bạn nhẩy bé nhỏ của mình.
Natasa thấy sung sướng toàn vẹn: cô được khiêu vũ với một người lớn, với một người ở ngoại quốc về. Cô ngồi một chỗ thật rõ cho mọi người đều thấy và nói chuyện với Piotr như một người lớn. Tay Natasa cầm một cái quạt mà một cô tiểu thư vừa trao cho cô. Cô chọn một kiểu ngồi thật đỏm dáng (chả biết cô học được kiểu ngồi này ở đâu và từ bao giờ), rồi phe phẩy chiếc quạt và cười tủm tỉm sau chiếc quạt, nói chuyện với ông bạn nhẩy.
Bấy giờ bá tước phu nhân đi ngang thấy vậy liền trỏ Natasa nói:
- Xem con bé này hay chưa kìa, các ngài xem…
Natasa đỏ mặt cười phá lên.
- Ô hay! Sao mẹ lại cứ… Có gì là lạ đâu?
Giữa chừng điệu vũ Scotland thứ ba có tiếng kéo ghế trong phòng khách, là nơi bá tước và bà Maria Dmitrievna đang đánh bài với số lớn các thượng khách và các vị có tuổi. Ngồi lâu đã mỏi, họ đứng dậy vươn vay, bỏ ví tiến vào túi rồi đi ra phòng khiêu vũ.
Bà Maria Dmitrievna và bá tước đi trước; cả hai người sắc mặt đều vui tươi. Bá tước khuỳnh tròn cánh tay ra cho bà Maria Dmitrievna vịn, tư thế có vẻ kính cẩn và hài hước, trông như trong một điệu vũ ba lê vậy. Bá tước người rất thẳng, một nụ cười ranh mãnh và ngang ngạnh soi sáng gương mặt; và khi vũ hình cuối cùng của điệu Scotland vừa nhảy xong, ông liền đưa tay về phía các nhạc công vỗ mẫy cái rồi nói vọng lên bao lơn, bảo người chơi vĩ cầm đầu phường:
- Này Xemion! Anh biết điệu Đanilô Cupơ chứ?
Đó là điệu vũ ưa thích nhất của bá tước, ông nhảy điệu này từ thời còn trẻ. (Điệu Dannilô Cupơ thật ra là một vũ hình của điệu Anh Cát lợi)
- Kìa xem ba kìa? - Natasa thét vang cả phòng khiêu vũ (cô ta quên bẵng đi rằng mình đang khiêu vũ với người lớn). Rồi cúi mái tóc quăn xuống sát đầu gối. Natasa cười khanh khách, tiếng cười ròn rã vang dội khắp phòng.
Quả nhiên tất cả những người trong phòng khiêu vũ đều tươi cười nhìn về phía ông già vui tính đứng bên cạnh bà bạn nhảy oai nghiêm là bà Maria Dmitrievna, vốn cao hơn ông. Bá tước khuỳnh tròn hai cánh tay đung đưa theo nhịp đàn, nhích hai vai lên, cluay gót chân giẫm nhẹ xuống sàn, miệng mỉm một nụ cười mỗi lúc một thêm nở rộng trên khuôn mặt tròn trĩnh để chuẩn bị cho các khán giả xung quanh khỏi bị bỡ ngỡ trước những sự việc sắp diễn ra.
Những âm thanh vui tươi, rộn rã và đầy sức lôi cuốn của điệu Đanilô Cupơ, giống như một điệu Trepak(4) ngông cuồng rộn rã, vừa nổi lên, thì ở tất cả các khung cửa hiện ra những khuôn mặt tươi cười của các gia nhân, một bên là đàn ông bên kia là dàn bà, đến xem vị chủ nhân chơi. Từ một khung cửa vang lên giọng nói bô bô của u già:
- Ông nhà là một con phượng hoàng chứ không phải vừa.
Bá tước nhảy rất giỏi, nhưng bà bạn nhẩy của ông ta thì lại không biết và không hề có ý muốn nhẩy giỏi, cái thân hình đồ sộ của bà cứ thẳng đơ ra, hai cánh tay lực lưỡng buông thõng xuống (bà đã đưa túi thêu cho bá tước phu nhân cầm hộ); chỉ có khuôn mặt nghiêm nghị nhưng rất đẹp của bà là có vẻ đang khiêu vũ. Những cái gì mà cả tấm thân tròn trĩnh của bá tước biểu hiện ra trong khi nhảy, thì ở bà Maria Dmilrievna chỉ được biểu hiện trên khuôn mặt mỗi lúc một thêm tươi cười và cánh mũi phập phồng của bà. Nhưng nếu bá tước mỗi lúc một cao hứng khiến cho các khán giả phải say mê vì những bước quay bất ngờ và khéo léo và những bước chân nhún nhảy một cách mềm mại, thì bà Maria Dmitrieva chỉ cần ra sức rất ít trong khi nhích vai hay khuỳnh tay lúc chuyển mình, hay giẫm chân xuống sàn, cũng đủ gây nên một ấn lượng.
Không kém phần đặc sắc, được mọi người tán thưởng mãc dầu bà có mọt thân hình to lớn và tính tình bao giờ cũng ngtliêm khắc. Điệu vũ môi lúc một thêm rộn rã. Các đôi bạn nhảy đối diện không phút nào khiến đườc người "ta chú ý đến và thậm chí cũng không hề cố gắng như vậy Mắt mọi người đều đổ dồn về phía bá tước và bà Maria Dmitrievna. Natasa kéo ống tay áo và vạt áo từng người bắt họ phải xem ba mình nhẩy tuy họ đã dán mắt vào đôi bạn nhẩy kia. Trong những khoảng hở giữa hai vũ hình, bá tước vừa thở hổn hển vừa vẫy tay ra hiệu quát bảo các nhạc công cử nhạc nhanh hơn. Bá tước quay cuồng xung quanh bà Maria Dmitrievna mỗi lúc một nhanh thêm, nhanh hơn nữa, nhanh lên mãi, mỗi lúc một thêm hùng hổ, hùng hổ thêm nữa, hùng hổ thêm mãi, khi thì bước trên đầu gót chân, khi thì quay gót, và cuối cùng dẫn bà bạn nhẩy về chỗ, bước một bước nhẩy cuối cùng, đưa chân sau lên, cúi mái tóc ướt đẫm mồ hôi và khuôn mặt tươi cười xuống và giang tay ra thành một đường vòng, giữa tiếng vỗ tay như sấm và tiếng cười huyên náo của mọi người, nhất là của Natasa. Hai người bạn nhẩy dừng lại, thở hổn hển và lấy khăn mùi soa ra lau mồ hôi.
- Thời chúng ta khiêu vũ như vậy đấy, bà bạn ạ! - bá tước nói.
- Hoan hô Đanilô Cupơ! - bà Maria Dmitrievna, vừa nói vừa thở nặng nhọc từng hơi dài vừa xắn tay áo lên.
Chú thích:
(1) Loại đàn có phím ở thế kỷ 17, 18 tiền thân của đàn dương cầm sau này (clavencin).
(2) Loại đàn có nhiều dây căng trên mặt một cái khung hình tam giác dựng đứng
(3) Điệu vũ dân tộc của Scodland đã trở thành một điệu vũ thời thượng ở thế kỷ 19.
(4) Điệu vũ cổ của nông dân Nga.