Tương quan giữa bốn kỹ năng – Reading, Listening, Writing và Speaking
Muốn viết hay thì phải đọc nhiều. Muốn nói giỏi thì phải nghe nhiều. Do đó 99% thời gian học tiếng Anh của bạn sẽ dành nhiều nhất cho việc đọc và nghe. Tôi sẽ giải thích thêm về điều này trong phần Kỹ năng Writing và Speaking.
Nhưng bạn vẫn băn khoăn tự hỏi: “Làm sao chỉ nghe và đọc mà “tự nhiên” trình Writing và Speaking cũng lên? Nghe kì vậy?” Tôi xin tạm giải thích rằng việc này không có gì kì cục nếu bạn suy ngẫm lại cách bạn đã học Writing và Speaking trong tiếng Việt.
Về Writing, trong tiếng Việt, muốn viết văn hay thì bạn làm gì? Viết nhiều? Chắc chắn là không. Muốn tả con mèo hay chẳng lẽ bạn cứ cầm bút lên, bắt tay vào viết ngay 10 bài, mỗi bài vài trang rồi tự nhiên viết hay? Việc bạn và mọi người đều làm là đọc nhiều (và một phần từ nghe). Muốn tả con mèo hay, bạn phải đọc về tả mèo – đọc văn mẫu, bài viết của người khác, cóp nhặt từ vựng hay, cách diễn đạt hay, rồi từ đó mới bắt đầu viết, áp dụng những ý hay đã đọc được vào bài viết của mình.
Kỹ năng Speaking cũng tương tự. Từ bé chắc chắn ai cũng được mớm từng tiếng gọi “Ba”, “Mẹ”, từng câu chào, từng lời cảm ơn, từng cách diễn đạt đơn giản “lửa thì nóng”, “đói ăn”, “khát uống”, “đường ngọt”, bạn nghe và bắt chước (ngoài cách này ra, không còn cách nào khác để bạn học nói tiếng Việt). Nếu để ý bạn thì sẽ thấy, trong các gia đình tri thức, ba mẹ dành thời gian gần gũi và dạy dỗ con cái nhiều thì đứa bé sẽ dùng từ ngữ thưa hỏi dạ vâng đầy đủ. Còn những bé không được ba mẹ chỉ dạy nhiều thì lời ăn tiếng nói đôi khi có vẻ hơi cộc lốc.
Tôi đã từng thấy một cô bé khoảng 4-5 tuổi trong một gia đình lao động ghé nhà chơi, thưa hỏi không biết mà đã biết nói bậy. Có gì không vừa ý, khó chịu là nói bậy. Tôi không tin là bọn nhóc 4-5 tuổi có thể hiểu được những lời bậy bạ mà chúng nói, và dùng chúng để diễn tả sự bực bội, không hài lòng của mình. Có thể cô bé tạm thời không hiểu câu ấy nghĩa là gì nhưng vẫn có thể sử dụng chúng chính xác, trong những hoàn cảnh “thích hợp”. Chỉ có duy nhất một cách giải thích là cô bé đã vô tình nghe và nhìn cảnh cãi nhau bực tức ở đâu đó, rồi bắt chước cách sử dụng những lời nói bậy đó trong “ngữ cảnh” tương tự.
Tóm lại cũng tương tự như Writing, khả năng Speaking sẽ đến từ Nghe nhiều (và một phần từ Đọc).