Như đã nói ở chương đầu, nếu bạn làm việc hoặc học một cách thoải mái thì sẽ có kết quả tốt, hiệu suất cao hơn. Hầu hết những việc tôi làm đều như vậy, và những gì tôi chia sẻ cũng dựa theo nguyên tắc đó.
Tuy nhiên, phải thừa nhận là không phải bất cứ việc gì chúng ta cũng có thể làm cho nó thoải mái được, như việc nghe và dò script, học vocabulary, Grammar, tập lập dàn ý bài Essay… Đó đều là những việc cần thiết, nhưng nếu quá trình làm không được thoải mái thì chúng ta cũng rất dễ bỏ cuộc.
Nếu bạn nghĩ bạn có thể cố gắng “cày” các hoạt động đó 1 tiếng mỗi ngày liên tục vài tháng thì bạn không cần phải đọc tiếp bài viết này nữa. Điều này không phải ai cũng làm được, nếu bạn có khả năng “cày bừa” như vậy thì chắc chắn bạn đã tự kiếm được IELTS 7.0 từ lâu rồi.
Giải pháp hiệu quả ở đây là: Mục tiêu 15 phút.
Bạn chỉ nên đặt mục tiêu làm các việc trên trong một thời gian ngắn, và làm nhiều lần một ngày. Khoảng thời gian ngắn đó có thể dao động tùy vào từng người, có thể là 10, 15, 20 phút. Ví dụ như khi bạn bắt đầu học từ vựng thì cùng lúc đặt đồng hồ 15 phút luôn. Sau khi xong 15 phút, chuông reo thì ngưng lại, dù đang làm dở dang và chuyển qua các hoạt động “học mà chơi”. Một ngày bạn có thể có 2-3 lần 15 phút như vậy.
Lý do cách này trở nên hiệu quả là vì tâm lý của bạn khi ngồi vào bàn học là cố ép mình học càng nhiều càng tốt. Không có định mức, hay thời gian giới hạn gì dễ tạo cảm giác mông lung không biết khi nào ngừng, cứ học vậy cho đến khi nào “chán” thì thôi. Nó nguy hiểm ở chỗ đó. Vì bạn học tới khi chán bạn mới nghỉ nên lần sau, khi bắt đầu, cảm giác chán nó lại có cơ hội dâng lên làm bạn không muốn tiếp tục.
Khi đặt đồng hồ 15 phút như trên, bạn đã biết trước chính xác là 15 phút sau sẽ được “giải lao” (làm những việc “học mà chơi”), do đó cảm giác ngán cũng không còn nữa. Và thường thì “15 phút đầu” là khoảng thời gian bạn “sung” nhất, bạn nên tận dụng khoảng thời gian đó cho các hoạt động không thoải mái.