Tôi có một cậu bạn học chung đại học. Hắn đậu vào trường ở mức mấp mé điểm sàn, 13 điểm. Hắn lười. Hắn đi học không phải để học mà là để gặp bạn bè, đàn đúm. Điểm đại học hắn cũng mấp mé giữa trượt và đỗ vì hắn hầu như không bao giờ học bài trước ngày thi 2 ngày.
Nhà hắn giàu, dư sức học ACET đến già. Nhưng hắn không học trung tâm, vì thấy không vui. Lúc nào tôi cũng thấy hắn ăn và chơi. Điểm IELTS của hắn là 7.0 (hắn phải thi IELTS để đi học nước ngoài).
Nghe rất khó tin phải không. Người thì cố cày cuốc “nghiêm túc” nhưng được 6.5 còn chật vật. Người thì chơi suốt nhưng lại có 7.0 ngon lành. Thế là thế nào?
Thực sự thì lý do hắn có được 7.0 rất đơn giản, hắn tiếp xúc với tiếng Anh rất nhiều. Dĩ nhiên là vì lười nên hắn chẳng động chạm gì tới các nguồn tiếng Anh “nghiêm túc” cả. Tiếng Anh của hắn đến chủ yếu là từ game (nguồn thích, và có thể là nguồn cần nữa).
Game đối với hắn không phải chỉ là niềm yêu thích nữa mà là đam mê. Hắn có thể chơi 7-8 tiếng mỗi ngày liên tục. Hắn không chỉ chơi game giải trí, hắn còn muốn khám phá, tìm hiểu cặn kẽ về game đó.
Có thể bạn sẽ thấy khó tin vì nghĩ game thì có bao nhiêu tiếng Anh đâu để mà tiếp thu. Nếu để ý bạn sẽ thấy có những game có tình tiết, cốt truyện rất có chiều sâu, phức tạp, và… dài, không khác gì một cuốn tiểu thuyết cả (như Final Fantasy). Càng về sau các game càng có đầu tư cốt truyện hơn nữa. Đây là một nguồn tiếng Anh đáng kể (nếu bạn là người chơi hay tò mò).
Khi chơi game, hắn còn hay sử dụng hướng dẫn (Walkthrough) nữa, dĩ nhiên là bằng tiếng Anh. Walktrough cũng là một nguồn tiếng Anh khổng lồ. Walktrough trung bình của một game Final Fantasy là khoảng 200-300 trang A4. Và dĩ nhiên hắn không chơi mỗi một game.
Nói cụ thể như vậy để thấy việc hắn lấy điểm 7.0 cũng không phải là động trời. Điểm từng kỹ năng của hắn là Reading 7.0, Listening 7.5, Writing 6.5 và Speaking 7.0.