Câu hỏi suy ngẫm: Ai là tác giả Thi-thiên này? Qua Thi-thiên này ông ở cương vị nào? Trong cương vị đó mối liên hệ của ông với Chúa thế nào? Bạn có mối liên hệ nào với Chúa? Mối liên hệ đó đem đến cho bạn điều gì?
Thi-thiên 23 là bức tranh đơn sơ nhưng tuyệt đẹp về mối liên hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Nó chứa đựng những lời hứa an ủi và bảo vệ những người luôn giữ sự gần gũi với Đấng chăn giữ mình, qua đó chúng ta thấy những nhu cầu thuộc linh của mình được Chúa thỏa đáp. Thi-thiên này được viết bởi ông Đa-vít, vua người Do Thái. Ông đã chăn bầy chiên của cha mình khi là một thiếu niên. Điều lý thú là từ góc nhìn của ông Đa-vít, không phải là người chăn chiên, mà là con chiên và ông nói lên mối liên hệ của chiên với người chăn.
Để hiểu rõ mối liên hệ này, chúng ta cần biết những đặc tính của con chiên.
Trước hết, chiên là con vật cứng đầu. Chiên có khuynh hướng đi theo đường riêng nên dễ đi lạc. Giống như chiên, chúng ta thích sống theo ý mình hơn là đi theo chương trình của Đấng chăn giữ linh hồn mình. "Tôi lạc lối như con chiên đi lạc; Xin tìm kiếm tôi tớ Chúa, Vì tôi không quên các điều răn Chúa" (Thi-thiên 119:176 BDM).
Thứ hai, chiên là con vật hôi hám. Chiên không sạch sẽ. Nó không nhảy xuống nước, lăn mình trong nước, gãi hay liếm cho hết dơ. Nó để dơ bẩn cho đến khi người chăn tắm cho nó. Sự thật này cũng đúng với chúng ta là chiên của Chúa. Chúng ta không thể tự mình thanh tẩy khỏi những tội lỗi nếu không có sự tẩy rữa tội lỗi của Người Chăn Hiền Lành.
Thứ ba, chiên là con vật khờ khạo. Chiên cần sự dẫn dắt của người chăn mới có thức ăn và sự bảo vệ khỏi loài cỏ độc hại. Chúng ăn bất cứ thứ gì. Cũng vậy, nếu không có sự dẫn dắt, chăn giữ của Chúa thì bản chất tội lỗi lôi kéo chúng ta vào những sự ham muốn có hại cho linh hồn. Điều chúng ta cần là Lời của Chúa hướng dẫn mình: "Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, Là ánh sáng cho đường lối tôi" (Thi-thiên 119:105).
Tại đây, chúng ta tập trung vào Đức Chúa Trời là người chăn: "Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi." Khi ông Môi-se hỏi Danh Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô 3:14), Ngài cho biết Danh Ngài là Giê-hô-va, tiếng Hê-bơ-rơ là Yahweh: yehi: sẽ là, hove: là, và hahyah: đã là. Như vậy tên Giê-hô-va có nghĩa là "vô thủy vô chung," "tự hữu hằng hữu" (Ta đã hiện hữu, Ta hiện hữu, và Ta sẽ luôn luôn hiện hữu). Giê-hô-va là danh xưng tôn quý nhất; người Do Thái rất kính trọng nên khi đọc Kinh Thánh lớn tiếng, họ luôn luôn thay thế danh xưng Giê-hô-va bằng một tên khác. Giê-hô-va Đức Chúa Trời: Đấng tể trị muôn loài vạn vật, Đấng Toàn Năng, Đấng Toàn Tri, và Đấng hiện diện ở mọi nơi, chính Ngài là "người chăn" của chúng ta! Chữ "Đức Giê-hô-va" chỉ Đức Chúa Trời nhưng chữ "người chăn" chỉ con người. "Đấng Chăn Giữ" ông Đa-vít nói ở đây vừa là Đức Chúa Trời, vừa là người. Điều này dạy chúng ta: Đấng Chăn Giữ chính là Chúa Giê-xu, Đấng mang thần tính và nhân tính, nên Ngài xưng, "Ta là Người Chăn Hiền Lành." Hê-bơ-rơ 13:20 Ngài được gọi là "Người Chăn Lớn"; và I Phi-e-rơ 5:4 Ngài được gọi là "Người Chăn Trưởng."
Câu 1 của Thi-thiên 23 không chỉ là câu mở đầu, nhưng còn là câu chìa khóa. Mọi ý khác trong Thi-thiên này đều theo sau trọng tâm câu 1. Khi nghĩ về chiên và người chăn, điểm đầu tiên phải nói là chiên không có khả năng thỏa đáp nhu cầu của nó, nên người chăn của nó phải lo cho nó. Chiên lệ thuộc vào người chăn trong mọi nhu cầu ăn, uống, chỗ ở và sự an toàn... Người chăn thỏa đáp mọi nhu cầu của chiên.
Vì vậy, khi Chúa Giê-xu trở thành Cứu Chúa, Đấng Chăn Giữ của bạn, Ngài chịu trách nhiệm chu cấp mọi nhu cầu của bạn. Ngài là Đấng Toàn Năng, Ngài ở mọi nơi, Ngài làm mọi việc, bạn không cần lo bất cứ nhu cầu gì vì Ngài biết và Ngài sẽ làm bạn thỏa mãn.
Bạn cảm nhận gì khi Chúa là Đấng chăn giữ bạn?
Cảm tạ Chúa cho con làm chiên của Ngài, trong Ngài mọi nhu cầu con được thỏa đáp.