Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu đang ở trước tòa án nào? Họ có chứng cớ để buộc tội Chúa Giê-xu không? Họ làm gì? Chúa cho họ biết gì về Ngài? Không chấp nhận Lời Chúa Giê-xu phán, họ làm gì? Hãy tưởng tượng chính bạn đang có mặt tại phiên tòa xử Chúa Giê-xu. Bạn sẽ cho lời của Ngài là phạm thượng hay là sự thật?
Chúa Giê-xu đã bị xét xử trước tòa công luận - Người ta dùng mọi quyền lực và mánh khóe xảo trá để tạo ra chứng dối hòng buộc tội Chúa, nhưng không tìm được chứng cớ nào (câu 60). Trong khi cả phiên tòa đang lúng túng thì Chúa Giê-xu cảnh cáo rằng chính họ sẽ bị xử trước phiên tòa hầu đến. Ngài cũng khẳng định với họ rằng Ngài là Con Đức Chúa Trời, là Đấng Mết-si-a được sai đến thế gian, sống giữa thế gian, để cứu chuộc thế gian bằng sự chết của Ngài (câu 64).
Ma-thi-ơ 24:1-2 ghi lại Lời Chúa báo trước sẽ có một ngày các đền thờ nguy nga mà ta thấy đây sẽ sụp đổ tan tành, không có một viên gạch nào chồng lên một viên gạch nào. Ngài lại còn nói rằng Ngài có thể phá đền thờ của Đức Chúa Trời rồi dựng lại trong ba ngày (26:61). Nhưng những người xưœ Chúa đâu có hiểu rằng Ngài tiên báo thì giờ cuối cùng Ngài chịu thống khổ vì vâng phục ý Cha là lúc mà Ngài được Đức Chúa Trời trao phó cho quyền xét xử toàn thế gian. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn một trong hai điều: Hoặc đồng ý với phán quyết tòa án của đền thờ, không thừa nhận Ngài là Đấng Cơ Đốc; hoặc long trọng công nhận Ngài là Chúa Cứu Thế của đời sống ta để rồi hiến dâng cả cuộc đời ta cho Ngài.
Ông Ma-thi-ơ viết về ông Phi-e-rơ với nhiều chi tiết, vì tác giả muốn dùng lỗi lầm của ông Phi-e-rơ để khuyến khích những ai phạm tội hãy đứng dậy, tái cam kết trung tín với Chúa. Chương Kinh Thánh trình bày sự kiên định của Chúa song song với sự chối Chúa của ông Phi-e-rơ. Ba lần Chúa bị buộc tội nhưng Ngài chẳng hề biện hộ. Ông Phi-e-rơ bị ba lần tố cáo là người của phe Chúa, nhưng ba lần ông bác bỏ lời tố cáo ấy. Lần thứ nhì ông bác bỏ mạnh hơn lần trước. Lần thứ ba càng mạnh hơn nữa. Câu 74 trong nguyên văn rất mạnh mẽ và nặng nề, ông nguyền rủa và thề rằng nếu ông nói sai thì Đức Chúa Trời hãy trừng phạt ông. Ma-thi-ơ 10:21, 22 đã cảnh cáo trước cho chúng ta về những ngày hoạn nạn sau này. Anh sẽ nộp em cho bị giết, cha sẽ nộp con... Đó là những áp lực khiến con người chối Chúa. Chúng ta may mắn ở trong môi trường không có nhiều áp lực đối với đức tin của mình, vì vậy không nên xét đoán những ai chối Chúa.
Câu chuyện về Sứ đồ Phi-e-rơ vừa là lời cảnh báo vừa là lời khích lệ chúng ta. Ông vấp ngã – chúng ta cũng thế, nhưng Chúa hiểu và tha thứ cho ông, và còn trao cho ông sứ mệnh rao giảng Phúc Âm tại những nơi khá khó khăn (28:16-20). Đây là thái độ, cách sống chúng ta cần có trong Mùa Chay này.
Cảm tạ Chúa đã tha thứ cho con và cho con cơ hội mới để sửa chữa. Xin cho con mạnh mẽ để phục vụ Ngài ở những nơi khó khăn.