Sau khi băng bó sơ vết thương, Duy Thanh cùng bà Thúy Nga đến đồn cảnh sát gần đó để lấy lời khai. Vì đã khuya rồi, cộng với vết thương trên người, Duy Thanh được các anh cảnh sát tạm cho về nghỉ. Sáng mai anh sẽ phải lên đồn trình diện lại để làm thêm một số thủ tục khác.
Về đến nhà, rón rén từng bước chân vì sợ làm mọi người thức giấc, nhưng Duy Thanh không ngờ má Ba lại đang đứng chờ anh trước cửa phòng. Thuật lại mọi chuyện cho má nghe, anh bị má gõ mấy cái vào đầu, kèm theo những lời mắng xối xả.
“Anh định làm tôi tức chết đúng không?” Bà vừa băng bó lại vết thương cho con mình, vừa la mắng.
Anh đưa vẻ mặt tội lỗi như lúc nhỏ ra. “Con xin lỗi. Má đừng tức giận nữa.”
“Anh bảo tôi không tức sao cho được.” Bà liếc mắt. “Nếu anh cứ tiếp tục lo chuyện thiên hạ như vậy, cứ suốt ngày đánh nhau thì sớm muộn gì anh cũng nhận lấy hậu quả thôi.”
Anh nói. “Con xin lỗi, con biết rồi.”
Phải năn nỉ mãi, phải sám hối đủ điều thì má mới không la mắng anh nữa. Cũng vì má hơi to tiếng nên Minh Dũng ngủ phòng bên cũng bật dậy và chạy sang. Sáng hôm sau, anh tiếp tục tới đồn cảnh sát để làm các thủ tục khác. Cũng chính vì việc này mà anh được gặp lại Khánh Long.
Sau khi tốt nghiệp xong, Khánh Long giờ thuộc biên chế của đội hình sự và khi nghe anh thuật lại mọi chuyện, Khánh Long nhếch môi. “Mày yên tâm, tao sẽ gởi vài lời tới trại của bọn nó.”
Duy Thanh tất nhiên hiểu ngầm ý của Khánh Long là gì. Trò chuyện thêm một lúc, anh về nhà và thấy ngay Quốc Hùng đang ngồi đợi mình ở trước hiên. Anh nghĩ chắc bà Thúy Nga đã gọi cho cu cậu. Tiếp tục kể lại câu chuyện thêm một lần nữa cho Quốc Hùng, Duy Thanh lúc này mới sực nhớ.
“Mày đừng nói lại với Hạnh nha.” Anh sợ cô nàng lo lắng cho mình.
Quốc Hùng liếc mắt. “Tao biết rồi.”
Duy Thanh nghĩ với tính cách của Quốc Hùng, việc anh chàng yêu Mỹ Hạnh là do hậu quả của việc chia tay với Bảo Hân. Một trái tim tổn thương và cô đơn thì rất dễ bị phải lòng bởi một cô gái xinh đẹp, nết na hiền dịu. Với một Bảo Hân khá chảnh và ương ngạnh, thì sự đối lập về tính cách của Mỹ Hạnh, nó càng làm cho Quốc Hùng điên đảo hơn.
Và anh nghĩ chắc Mỹ Hạnh cũng biết, nên trước đây cô nàng từng xa lánh Quốc Hùng bởi những lời dị nghị yêu đương như vậy. Sớm thôi, Duy Thanh nghĩ vậy, chơi với nhau từ nhỏ nên anh biết tính cách của Quốc Hùng vốn dĩ là “cả thèm, chóng chán”, nên nếu Quốc Hùng có yêu Mỹ Hạnh đi chăng nữa, thì cũng sẽ sớm lụi tàn theo năm tháng.
Vài ngày sau, khi gặp lại Mỹ Hạnh thì Duy Thanh mới biết Quốc Hùng giữ đúng lời hứa với mình. Ngồi trong xe với anh, cô nàng liên tục hớn hở mỉm cười và kể mọi chuyện như trước kia. Nếu mà cô nàng biết anh bị thương, anh đoán cô nàng không có một cảm xúc như vậy đâu, cô nàng sẽ nhảy đựng lên, miệng liên tục mắng và tay thì không ngừng cào xé anh.
Cũng chính vì sự vô tư và thản nhiên, nên Mỹ Hạnh đã vô tình kể cho Duy Thanh nghe về chuyện du học của mình. Vừa ăn Tết xong, cô và Quốc Hùng lại được chủ nhiệm khoa gọi lên để nói chuyện về học bổng. Ở lớp cô, người ta hay gọi kiểu học bổng này là “học bổng chính trị”, bởi vì nó được tạo lập ra bởi vấn đề quan hệ ngoại giao, chính trị, kinh tế của hai nước, hoặc sự liên kết của trường cô với trường kia. Ngoài việc được “đài thọ” hoàn toàn học phí, người nhận học bổng còn được chu cấp thêm phí sinh hoạt và các sự hỗ trợ khác. Tất nhiên là cô tiếp tục từ chối rồi.
Có điều Duy Thanh không nghĩ như Mỹ Hạnh, anh thấy tại vì mình nên cô nàng bỏ đi cơ hội quý giá. “Sao Sún không đi du học?”
Cô khẽ cười. “Sún không thích.”
Duy Thanh cảm thấy Mỹ Hạnh đã bỏ ra mấy năm để chờ mình, thì mắc gì bây giờ anh lại trở thành gánh nặng để cản bước cô. Cô chờ anh được, thì anh cũng sẽ chờ cô được. “Sún đi du học đi.” Anh vừa lái xe, vừa nói.
“Không.” Cô nhu miệng lên. “Đang yên đang lành, mắc gì phải đi.”
Anh ầm ờ. “Thì đi du học về dễ xin việc làm, dễ xin vào các tập đoàn lớn để làm.” Anh thuật lại những lời của cô đã nói trước kia. Khi cô giải thích việc đi du học sẽ có những lợi ích gì.
“Thôi.” Cô quay mặt nhìn ra đường. “Cần gì.” Mắc gì vì việc làm mà cô phải xa anh.
Đi du học, nói chung thì cũng dễ xin việc thật, nhưng xin việc rồi thì sẽ làm gì. Thuyền to thì sóng lớn, xin vào một công ty lớn, đồng nghĩa công việc cũng sẽ rất nhiều. Như vậy thì cô lại phải chú tâm vào công việc để kiếm tiền. Mục đích của việc kiếm tiền cũng chỉ để nuôi sống bản thân, gia đình, trang trải cuộc sống và nhiều vấn đề khác. Mà mục đích của cô chỉ đơn giản là muốn sống hạnh phúc. Vậy, nếu cô cứ đắm chìm theo những thứ ấy, thì liệu cô phải đánh đổi bao nhiêu năm để được hạnh phúc.
Tất cả những gì cô muốn chỉ là hạnh phúc. Vậy thì mắc gì cô phải bỏ anh, bỏ đi hạnh phúc hiện tại, để đi du học vì một thứ ảo huyền nào đó, mà rốt cuộc cũng chỉ muốn có được hạnh phúc trong tương lai. Quá khứ thì đã qua, tương lai thì chưa đến, hiện tại bây giờ mới là điều chân thực và tốt nhất.
“Râu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon”, người xưa đã nói như vậy, nên có mắm ăn mắm, có muối ăn muối, cô cần gì phải giàu sang, cô chỉ cần sống những ngày đạm bạc với anh trong nỗi niềm hạnh phúc là được rồi. Chưa kể là mẹ Quốc Hùng đã lên tiếng nhận cô về làm. Tương lai cô vẫn đầy sáng lạng, dù có đi du học hay không.
Hạnh phúc chả ở đâu xa cả, nó luôn thường trực trong cuộc sống hằng ngày, chỉ quan trọng là ta có nhận ra nó hay không mà thôi.
“Sún đi du học đi. Có mấy năm chứ mấy. Dễ gì mới có một cơ hội như vậy.” Duy Thanh tiếp tục khuyên nhủ.
Cô vội thoát ra khỏi suy nghĩ và liếc mắt sang. “Sao Lu cứ bảo Sún đi du học hoài vậy?” Cô càm thấy bực. “Lu thích xa Sún lắm hả?”
Duy Thanh nghe vậy thì tự biết mình không nên nói nữa. Có ai mà lại muốn xa người yêu đâu chứ. Với anh thì càng không thể, mất mấy năm nghĩa vụ, giờ bảo anh và cô phải xa nhau nữa, số phận muốn anh sống sao đây.
Mỹ Hạnh thấy Duy Thanh cứ ép mình như vậy, cô thật không biết anh nghĩ gì. Tết vừa rồi, anh lo chạy xe mãi, cô đã được gặp anh đâu. Chỉ vài câu hỏi thăm qua điện thoại, nó đâu chả xá là gì. Dồn nén hết bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu cảm xúc cho đến ngày hôm nay được gặp anh, vậy mà anh không hiểu, lại nói điên, nói khùng gì không.
Sau này thì cô mới nhận ra, việc anh muốn cô đi du học, chẳng qua chỉ vì lợi ích, tư tình của anh mà thôi.
Sau vụ bực bội chuyện đi du học, nhiều ngày sau, anh chả thèm liên lạc với cô. Mọi khi lâu lâu, anh còn ghé qua ký túc xá mua sữa, hoặc mua chè cho cô. Giờ thì trông ngóng mãi nhưng cô chả thấy đâu. Buồn bực quá, cô lại phải chạy ra ngoài bưu điện gọi cho anh. Từ khi vào làm tài xế thì anh được cơ quan cấp cho một chiếc điện thoại di động, do vậy cô liền lưu sẵn trong “bộ nhớ” của mình.
Giả vờ hỏi anh vài ba câu để mở đầu câu chuyện, rồi hỏi sang công việc của anh dạo này thế nào. Anh bảo mấy bữa nay bận quá, cô nghĩ chắc anh nói thật. Vì cô nghe giọng anh nó nhỏ nhẹ lắm, không hớn hở hay vui mừng như trước kia. Không sao, tất cả những gì anh làm, chỉ vì muốn kiếm tiền để nuôi sống gia đình mà thôi, cô nghĩ mình nên thông cảm và quan tâm anh nhiều hơn.
Có điều, đó chỉ là những gì Mỹ Hạnh suy nghĩ. Về phần Duy Thanh, thực chất không những giọng nói của anh, mà đến tâm trạng và cảm xúc của anh, nó cũng buồn bã đến tuyệt vọng. Má qua đời và đó là một cú sốc vô cùng lớn với anh, một cú sốc khiến thay đổi cả cuộc đời anh sau này. Ngày Mỹ Hạnh điện cho anh, đó chính là ngày má anh “di quan”.
Trưa hôm đó là một ngày đẹp trời, nắng nhẹ, trời quang đãng và không có âm u. Anh sau nhiều ngày chạy xe Tết thì quyết định nghỉ sớm một bữa. Anh thấy má dạo này hay buồn, ít ngủ và người có vẻ mệt mỏi, nên ghé qua tiệm gà quay để mua hai con đem về nhà.
Tới đầu làng, anh mua thêm ít nước ngọt và đồ khô nữa. Khi mọi thứ đã xong xuôi, anh và các anh chị em bắt đầu dắt tay nhau ra ngoài hồ để gọi má. Từ khi đi nghĩa vụ về, anh thấy đây như là thói quen hằng ngày của má. Ngày nào cũng vậy, má thường một mình ra bờ hồ đối diện nhà, nơi có một chiếc ghế và một chiếc bàn dưới gốc cây. Má cứ ngồi ở đó và trầm ngâm nhìn dòng nước êm ả. Đã có bữa anh thử nằm ngủ ở đó, dưới bóng mát của tán cây, trên bãi cỏ êm dịu, những ngọn gió nhẹ nhè thoảng qua, nó rất dễ đưa người ta chìm vào giấc ngủ.
“Má.” Minh Dũng nói lớn.
Anh cũng kêu. “Má ơi vào ăn cơm.”
Anh khẽ cười vì thấy các chị em cũng đồng loạt kêu má. Có điều không như những hôm trước kia, má đứng dậy và đi về phía tụi anh. Hôm nay anh thấy má rất lạ, má chỉ khẽ quay đầu lại và vẫn ngồi im trên ghế.
Anh lo lắng. “Má.”
Bà nhắm mắt không đáp.
“Má ơi.” Anh lo lắng má mình phát bệnh nên liền tức tốc chạy nhanh tới. “Má.”
Tiếng kêu của Duy Thanh rất lớn, lớn đến nỗi có thể đánh động cả một không gian yên tĩnh quanh đó. Có điều dù anh có hét lớn đến đâu thì cũng không thể khiến được má của mình thức dậy. Má đã vĩnh viễn ra đi, vĩnh viễn bỏ lại anh và các anh chị em, bỏ lại tất cả mọi thứ để đi về thế giới của mình.
Anh khóc thét lên cùng các anh chị em. Má còn quá trẻ kia mà, sao má lại bỏ anh và mọi người đi được. Anh chưa thể làm gì được cho má, chưa mua được cho má thức ăn ngon, quần áo đẹp, chưa có thể chở má đi dạo, anh chưa làm gì được cho má hết, kể cả việc chưa thể báo hiếu và làm tròn nghĩa vụ, bổn phận của một người con.
Ngày đám tang của má, rất, rất đông các anh chị em, bà con cô bác, bạn bè, những người thân thiết và mang ơn của má tụ về từ khắp nơi. Tang lễ được tổ chức trong ba ngày và cả ba ngày đó, từ ngày đến đêm, người tới đi tang rất nhiều. Xe cộ của quan khách xếp thành một dãy dài và chật cả đường đi.
Anh và cả Minh Dũng, hai người cứ ngơ ngẩn như người mất hồn và cả ngày chả thèm ăn uống gì. Đêm đến, anh cứ ngồi bên cạnh tựa vào quan tài của má, như cái cách trước giờ anh tựa vào người má để nũng nịu.
Sáng ngày di quan, bà Kim Xuân bay từ thành phố H về dự tang. Bà tới gặp Duy Thanh. “Cô là Kim Xuân, em của cô Kim Hạ…”
Anh biết người phụ nữ này là ai nên liền chen ngang. “Con biết cô là ai.” Đây là người em gái của bạn má, người giúp đỡ rất nhiều cho má và cả cô nhi viện.
Bà Kim Xuân ầm ờ. “Trước lúc má con mất vài ngày, má con có điện thoại cho cô và nhờ cô giúp đỡ cho mấy con.” Bà nhìn Duy Thanh. “Đặc biệt là con.” Bà hỏi. “Con cần cô giúp đỡ gì không?”
Anh lắc đầu. “Dạ không.” Anh khẽ cười. “Các em con cần sự giúp đỡ hơn là con.”
“Chuyện đó thì cô biết. Cô đã đứng ra lo thu xếp một số việc.” Bà nói. “Giờ chỉ còn mình con.” Bà gợi ý đưa Duy Thanh vào thành phố H. “Con có muốn…”
“Dạ cái con muốn.” Anh cười đau khổ. “Con sợ chỉ có trời đất mới giúp được.” Anh muốn má mình sống lại, nếu được, anh có thể đánh đổi bản thân mình để đổi lấy má, dù chỉ là một vài năm.
Di quan xong, anh cùng mọi người về lại nhà và tập trung ngồi lại với nhau. Anh Duy Nhân với chị Ngọc Minh đứng ra đọc lại những lời di ngôn của má cho mọi người nghe. Trong đó gồm những việc như vòng hoa, liễn và các vật dụng tang ma khác như hương đèn, đều không được để lại nhà. Tất cả đều phải đem lên nghĩa trang để đốt cùng với quần áo và các vật dụng của má.
Sẽ không bàn thờ nào của má được để ở nhà. Điều này chứng tỏ má đã dự tính từ trước, vì cách đây không lâu, má đã dọn dẹp hết tất cả bàn thờ trong nhà và đem sang chùa “ký linh”. Tất nhiên mọi người nghe xong đều ngạc nhiên hết thảy. Thấy mọi người ồ lên như vậy, Duy Nhân liền nói đó là ý nguyện của má.
Nói xong thì Ngọc Minh cũng tiếp lời, rằng cô nhi viện sẽ là của chung và việc này sẽ được chị đại diện làm việc với bên luật sư. Ngoài những việc đó ra thì má còn có lời căn dặn cho từng người, riêng Duy Thanh thì má không nói một lời nào, vì anh được má gởi riêng một bức thư.
Tối đó Duy Thanh và Minh Dũng sang phòng má để ngủ. Hai anh em trải chiếc chiếu dưới dất và nằm cạnh nhau. Đợi Minh Dũng ngủ say, anh ngồi dậy lấy thư ra đọc. Dưới ánh trăng phảng phất qua hiên, anh cố kìm nén nước mắt khi đọc từng chữ của má để lại cho mình.
Má bảo, nếu má chết, người má lo nhất chính là anh. Nuôi anh từ nhỏ, má biết rõ anh có một tâm hồn lương thiện. Lúc nào anh cũng vì người khác, mà không bao giờ nghĩ đến bản thân mình. Chính vì thế nên cuộc đời anh sẽ luôn nhận lấy sự đau khổ, bởi vì có nhiều người, họ chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mình là chính, hơn là nghĩ về người khác. Do vậy người ta sẽ không bao giờ nghĩ tới cảm xúc, hay những gì anh đã thầm lặng hy sinh.
Tốt là như vậy, nhưng má cũng phê bình và chỉ trích anh rất nhiều trong thư. Má bảo “tâm” anh không có kiên định, tiền hậu bất nhất, dễ bị lung lạc bởi hoàn cảnh, cảm xúc và các yếu tố ngoại lai. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, má không muốn anh phải thế. Má muốn anh phải làm chủ bản thân của mình, phải có sự kiên định và luôn hướng về cái tốt. Gần bùn mà không hôi tanh mùi bùn, má muốn anh trở thành một đóa hoa sen mọc giữa bùn lầy.
Hơn hết, má bảo anh không được đánh nhau nữa, vì trước gì anh cũng phải nhận lấy hậu quả của nó. Đánh hơn người ta thì anh đi tù, đánh thua thì anh nhập viện, chả có lợi ích nào mang lại từ việc đánh nhau cả. Gây nhân nào thì gặt quả ấy, nếu mà anh không nghe lời má, thì má có linh thiêng cũng không thể nào cứu giúp được anh.
Cuối thư, má bảo anh phải lo cho Minh Dũng. Đó là điều duy nhất má yêu cầu anh giúp. Má bảo Minh Dũng vốn bị bệnh từ bé, không như anh, Minh Dũng rất yếu ớt, nhất là về phổi. Do vậy, nếu sau này anh có điều kiện, hãy giúp đỡ Minh Dũng chữa bệnh thay cho má, điều mà má chưa làm được lúc còn sống.
Gấp thư lại, anh cắn môi, vò đầu ngồi khóc một mình. Sợ phát thành tiếng nên anh liền đưa tay lên miệng cắn chặt. Té ra là má đã biết trước mình chết, nên má mới âm thầm sắp xếp mọi chuyện như vậy. Từ việc liên hệ với cô Kim Xuân, nói chuyện với anh Duy Nhân, cho đến dặn dò chị Ngọc Minh.
Lẽ ra thì anh phải biết mới đúng. Thời gian gần đây má luôn u sầu một mình. Ngày nào má cũng ra bờ hồ, đêm đến thì má chăm sóc cho từng em mà không chịu đi ngủ. Chưa kể là má hay căn dặn anh này nọ, thậm chí có lúc nửa đêm, anh giật mình thấy má ngồi trong phòng mình và đưa mắt nhìn anh. Sao anh có thể vô tâm như vậy được nhỉ.
Lúc nào trong đầu anh cũng chỉ nghĩ về việc kiếm tiền. Rồi khi có tiền thì lại nghĩ nên mua gì cho Sún, nghĩ nên dẫn Sún đi đâu và đưa Sún đi ăn gì. Trong khi má anh ngày càng cận kề cái chết thì anh lại dửng dưng.
“Sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi”, câu nói quả là không sai. Giờ đây có tiền trong người rồi thì sao, anh có thể dẫn má đi ăn, hay mua gì đó cho má được không. Phải như lúc đó, anh không cần biết má sắp chết cũng được, anh chỉ cần quan tâm má một chút thôi, một chút chút thôi cũng được, để giờ ngồi đây, anh có hối hận cũng chả để làm gì.
Ở đời cũng vậy, đôi lúc vì quan tâm đến một vấn đề nào đó, mà ta vô tình, vô tâm bỏ quên những người ở bên cạnh, bỏ quên gia đình thân yêu hoặc những người quan trọng với mình. Để rồi một ngày, ta vô tình đánh mất họ, hoặc vấp phải một sự cố nào đó, ta mới chợt nhớ đến và bắt đầu cảm thấy hối tiếc.
“Má ơi.” Anh liên tục gọi thầm trong miệng.
Nhiều ngày sau, không khí ở cô nhi viện vẫn tang tóc như hôm nào. Tuy ai nấy đều buồn bã và không còn cười đùa như mọi khi, nhưng việc gì qua thì cũng phải qua, đám tang xong thì mọi người phải trở lại cuộc sống bình thường như trước kia. Người đi học phải tiếp tục đi học, người đi làm thì vẫn phải đi làm.
Duy Thanh cũng vậy, sau nhiều ngày nằm dài ở nhà để suy nghĩ thì anh đã phần nào xốc lại được tinh thần. Cách duy nhất giữ má lại bên cạnh anh, cách duy nhất để báo hiểu với má, đó là làm theo những gì má căn dặn. Anh phải đi làm kiếm thật nhiều tiền để giúp đỡ cho gia đình và chữa bệnh cho Minh Dũng.
Nhân tiện việc lấy lại xe, anh đánh lên trên trường đại học K để đón luôn Mỹ Hạnh về nhà. Lúc má mất, anh phải đánh xe lại xuống phố để tạm thời đưa cho người khác lái, giờ anh đi làm lại nên phải xuống lấy xe.
Mỹ Hạnh nghe Duy Thanh nhắn với Quốc Hùng chiều nay sẽ lên đón cô, nên từ lúc trưa, cô đã sửa soạn xong mọi thứ và ra trước cổng để đứng chờ. Ngồi trong xe, cô tiếp tục chương trình như trước kia, cô kể đủ các thứ cho anh nghe. Có điều cô thấy hôm nay anh lạ lắm, mọi khi cô kể cái gì, anh cũng cười và đôi lúc chem vào vài lời. Giờ thì anh đột nhiên lạnh lùng chả nói lời nào. Cô thấy anh chả có một cái gì gọi là tương tác với cô cả, chỉ ầm ờ như cho có lệ. Trông cô chả khác nào như đang độc thoại tâm sự với chính bản thân mình.
Tất nhiên với Duy Thanh, từ khi má mất, người anh bỗng chùng xuống hẳn. Tính anh cũng trở nên lãnh đạm và ít nói hơn. Tất cả đều vì anh cố kìm nén và dồn hết mọi tâm tư vào trong lòng. Điều này vô tình gây ra một việc vô cùng nguy hiểm, đó là vì anh cứ dồn nén xuống, nên lâu ngày nó sẽ trở thành như một quả bom nổ chậm, chỉ cần đụng phải “điểm” là địa ngục sẽ mở toang.
Nhưng trước khi việc đó xảy ra thì bây giờ, việc anh thay đổi cảm xúc như vậy, nó vô tình gây ảnh hưởng đến Mỹ Hạnh. Khi trở về nhà, cả buổi tối cô nằm trên giường và không ngừng nghĩ về anh. Cô cố gắng nhớ lại tất cả những gì về anh trước đây, những biểu hiện của anh, những cảm xúc, cách trò chuyện và cô nhận ra là anh thật sự rất khác. Hình như anh đã thay đổi và không còn là anh của ngày xưa nữa.
“Chị chưa ngủ à?” Mỹ Dung bất ngờ đi vào phòng.
Mỹ Hạnh vội thoát ra khỏi suy nghĩ. “Em mới đi chơi về hả?”
Không như cô, Mỹ Dung được mẹ giới thiệu vào xí nghiệp ở xã để làm. Có hai đứa con gái, cộng với việc Mỹ Dung học không được giỏi nên mẹ cô đã giữ Mỹ Dung ở lại nhà, mà không cho xuống thành phố.
“Dạ.” Mỹ Dung ngồi xuống giường chị mình. “Anh Thanh đỡ buồn chưa chị?”
Cô không hiểu. “Buồn gì?”
“Thì buồn chứ buồn gì?” Mỹ Dung thản nhiên nói.
Cô ngạc nhiên vì sao em mình lại hỏi Duy Thanh như vậy. “Sao ảnh phải buồn?” Rồi cô chợt nhớ lại cảm xúc ngày hôm nay của Duy Thanh. Mà sao em cô lại biết.
Thấy chị mình như vậy, Mỹ Dung không tránh khỏi bất ngờ. Cô nàng chỉ tay vào chị mình và ngầm đoán. “Đừng nói với em là chị không biết má anh Thanh mất nha?”
Cô nghe xong mà chết lặng. “Em nói gì?” Người cô run lên.
“Vậy là chị không biết thật?” Mỹ Dung mở to mắt ra. “Anh Thanh không nói với chị sao?”
Má Ba mất, Mỹ Hạng sửng sốt không nói nên lời.