Làm thế nào để Tồn tại và Thịnh vượng trong thế kỷ của Rồng
Một chiếc tàu dong buồm về hướng Đông,
Và chiếc khác theo hướng Tây,
Mặc kệ những cơn gió,
Bởi chính các cánh buồm,
Chứ không phải là cơn gió, Nói với chúng ta cách đi.
-Ella Wheeler Wilcox, "Những cơn gió định mệnh"
Lúc bắt đầu của cuốn sách này, chúng tôi đã cam kết sẽ cung cấp cho bạn cách tồn tại và kế hoạch hành động cụ thể. Bây giờ, lời hứa này sẽ được thực hiện thông qua việc đề cập đến các lựa chọn cá nhân, cũng như các quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp, và chính sách hành động của chính phủ để bảo vệ bạn và gia đình của bạn khỏi các sản phẩm không an toàn của Trung Quốc; và đồng thời cũng đem lại những thay đổi mang tính xây dựng cần thiết để tạo dựng nên mối quan hệ với một Trung Quốc thịnh vượng chứ không phải là một Trung Quốc nguy hiểm.
Chúng tôi tin rằng để tạo ra những thay đổi thực sự trong mối quan hệ Mỹ - Trung, chúng ta có thể bắt đầu từ những điều cơ bản. Đó là lý do mục tiêu chính của chúng tôi là thông báo rộng rãi cho công dân toàn thế giới về các mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra cho tất cả chúng ta. Chúng tôi tràn đầy hy vọng rằng một khi công chúng hoàn toàn hiểu được quy mô toàn cầu của "vấn đề Trung Quốc,", thì đây chính là thời điểm cho một thay đổi chính trị trong hòa bình mà chúng ta cần tạo ra về cải tổ chính trị mang tính xây dựng ở Washington - cũng như ở Berlin, Tokyo, Sao Paulo, và các thủ đô khác trên thế giới.
Trước khi chúng tôi liệt kê các lựa chọn cá nhân, các quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp, và cải cách chính trị, chúng tôi xin trích dẫn vài lời sáng suốt từ một số nhà tư tưởng khôn ngoan nhất thế giới. Với tất cả các nhà hoạch định chính sách đang đọc cuốn sách này, chúng tôi xin lặp lại lời khuyên của Betty Williams về việc không hành động: "Hãy ngưng ngay những lời sáo rỗng từ cuộc họp này, hãy hành động”. Với những người nghĩ rằng chúng ta quá cứng rắn với Trung Quốc, hoặc những người thấy có thể niềm lạc quan của họ về một một Trung Quốc "dân chủ hóa" lớn hơn các bằng chứng xác thực của bản chất độc tài toàn trị của nó, xin vui lòng ghi nhớ các chuẩn mực đạo đức từ Albert Camus làm lời dẫn cuốn sách này: "Công việc của người biết suy nghĩ là không đứng cùng phía với đao phủ”. Cuối cùng, với bất kỳ công dân Mỹ nào cảm thấy quá nhỏ bé và bất lực để chống lại, xin vui lòng ghi tạc từ những lời này của William James: "Cứ hành động như thể những gì bạn làm sẽ tạo ra sự khác biệt. Thực tế sẽ vậy". Và mỗi ngày, hãy cố gắng làm theo phương châm của Theodore Roosevelt: "Hãy làm những gì bạn có thể, với những gì bạn có, dù bạn ở bất cứ nơi đâu".
Chúng ta đi đến cửa hàng bán lẻ lớn như Costco, Target, Walmart hay một cửa hàng bán lẻ thuốc như Walgreens, CVS hoặc một cửa hàng tạp hóa như Kroger hoặc Safeway, và hầu như không thể mua sản phẩm nào ngoài hàng Trung Quốc. Điều này không chỉ gây bực bội, mà nó khiến chúng ta phát điên. Như chúng tôi đã minh họa, quá nhiều hàng rác rưởi và độc hại của Trung Quốc đang được nhồi nhét khắp các kệ bán lẻ của nước Mỹ. Dưới đây là một số bước cụ thể mà tất cả chúng ta có thể làm để bảo vệ chính mình.
Chúng ta không thể thay đổi hành vi mua hàng của mình cho đến khi chúng ta biết được nguyên tắc rằng sản phẩm tưởng như "giá rẻ" của Trung Quốc thực sự là không rẻ. Bên cạnh giá tiền bạn phải trả trên bảng giá, bạn cũng đối mặt với các yếu tố gây nguy cơ thương tích hoặc tử vong, tăng nguy cơ mất việc làm của bạn hoặc người quen bởi việc kinh doanh không công bằng trong chuỗi cung cấp hàng hóa Trung Quốc, và chi phí quản lý và thuế má khác mà sản phẩm của Trung Quốc không tính đến. Vì vậy, nếu đó là sản phẩm "Made in China", hãy dứt khoát đặt nó xuống, trừ khi bạn thực sự cần nó và không thể tìm thấy một sản phẩm thay thế hợp lý.
Chúng ta cũng không thể không mua các sản phẩm Trung Quốc trừ khi chúng ta biết đấy là hàng Trung Quốc. Vì vậy, tất cả chúng ta cần phải cẩn thận đọc nhãn sản phẩm. Thật không may, trong khi Hải quan Hoa Kỳ quy định phải ghi rõ mục "Xuất xứ hàng hóa" trên tất cả các sản phẩm, việc tìm kiếm dòng chữ "Made in China" trên một sản phẩm được ví giống như chơi trò "Waldo ở đâu?" Và đôi khi thậm chí đòi hỏi phải có một kính lúp. (Chúng tôi không đùa đâu). Đó là lý do tại sao các quy định về nhãn hàng yêu cầu thông tin phải được tiêu chuẩn hóa, dễ tìm, và dễ đọc, tương tự như việc nhãn hàng thể hiện thông tin dinh dưỡng hữu ích về các sản phẩm thực phẩm của nước ta. Tuy nhiên, sự lừa gạt về nhãn hàng không phải là vấn đề duy nhất chúng ta phải đối mặt trong việc cố gắng dứt bỏ các sản phẩm Trung Quốc. Chính việc này dẫn đến hành động tiếp theo của chúng ta.
Trong môi trường bán lẻ truyền thống, mục "Xuất xứ hàng hóa" trên nhãn giúp người tiêu dùng khôn ngoan trong việc lựa chọn hàng hóa. Tuy nhiên, khi càng nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua hàng trên mạng, thì việc mất đi khả năng lựa chọn càng cao và, chuyển sang gia tăng lợi ích của các nhà sản xuất vô đạo đức của Trung Quốc. Để hiểu được vấn đề, bạn chỉ cần vào trang web của Amazon. Đối với bất kỳ mặt hàng nào, bạn cũng có thể nhìn thấy mọi thông tin sản phẩm trừ nơi sản xuất. Đây rõ ràng là một lỗ hổng cần phải được thắt chặt. Luật Liên bang nên yêu cầu tất cả các nhà bán lẻ trực tuyến phải hiển thị rõ ràng mục nước sản xuất trên nhãn của tất cả các sản phẩm.
Như chúng ta biết, một số sản phẩm không hoàn toàn "Sản xuất tại Trung Quốc", nhưng chúng có khá nhiều thành phần hoặc bộ phận cấu thành sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Ví dụ, nếu các viên vitamin tổng hợp được pha trộn và đóng gói tại Hoa Kỳ, các nhà sản xuất vẫn có thể dán vào một cái nhãn "Sản xuất tại Mỹ" mặc dù các thành phần chính của sản phẩm là từ Trung Quốc. Một vấn đề tương tự tồn tại đối với những chiếc ô tô được xem là "hàng Mỹ" có thể có các bộ phận quan trọng như má phanh, lốp xe sản xuất tại Trung Quốc.
Chính vì những mối nguy hiểm do lỗ hổng trong nhãn hàng gây ra, chúng ta rất cần những quy định luật pháp khắt khe hơn trong thông tin nhãn hàng. Ví dụ, Quốc hội nên yêu cầu tất cả các nhà sản xuất thực phẩm và thuốc men phải thể hiện rõ ràng Xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng đối với tất cả các thành phần chính của sản phẩm - và thông tin phải được thể hiện một cách tiêu chuẩn hóa và dễ đọc. Jerome Krachenfelser đã diễn đạt một cách khéo léo:
"Nếu bạn nuốt nó vào cơ thể của bạn, thì chí ít bạn cũng được quyền biết được nó từ đâu ra".
Nếu các nhà bán lẻ như Walmart, Target, và Nordstrom biết bạn muốn chọn hàng hóa thay thế cho hàng Trung Quốc, họ sẽ thay đổi nguồn cung hàng của mình. Vì vậy, hãy dành chút thời gian nói chuyện với tất cả các nhân viên bán hàng và quản lý tại các cửa hàng mà bạn thường xuyên mua sắm, và để họ biết bạn sẽ là một khách hàng trung thành hơn nữa nếu các cửa hàng cung cấp cho bạn sản phẩm thay thế.
Để gây áp lực hơn nữa lên các nhà bán lẻ và các trung tâm mua sắm đang nghiện bán hàng giá rẻ khác thường của Trung Quốc nhằm thu lợi nhuận to lớn, bạn cũng có thể chuyển sang mua hàng trực tuyến và tìm kiếm các trang web cung cấp sản phẩm không phải của Trung Quốc. Tương tự như vậy, bạn cũng có thể viết thư hoặc gửi email cho bộ phận quan hệ khách hàng của cả nhà sản xuất và lẫn các cửa hàng bán lẻ. Hãy cho Apple và Best Buy biết rằng "Được thiết kế ở California" chỉ đơn giản là không thể bao che cho "được chế tạo ở Quảng Đông".
Một khi các nhà bán lẻ nhận được thông điệp tẩy chay hàng Trung Quốc, họ sẽ bắt đầu cạnh tranh nhau không chỉ về giá cả, mà còn về Xuất xứ hàng hóa. Cuối cùng, quan trọng là điều này không phải để lên tiếng về "Sản xuất tại Mỹ", mà đúng hơn là một chiến dịch cho "Sản xuất tại Thế giới tự do". Nền thương mại tự do thực sự là nền thương mại không có tình trạng tư tưởng con buôn và bảo hộ sản xuất như của Trung Quốc. Chính các sản phẩm tuyệt vời từ các đối tác thực sự thương mại tự do như Nhật Bản, Mexico, và Đức đang cải thiện cuộc sống và góp phần vào sự thịnh vượng chung của chúng ta. Chúng ta cần những quốc gia này tham gia vào chương trình nghị sự về "thương mại tự do" và sẵn sàng bất cứ khi nào cũng có thể chia sẻ khó khăn nếu cần khi trừng phạt một Trung Quốc nặng tư tưởng con buôn và bảo hộ.
Một trong những cách chủ yếu mà Trung Quốc có kế hoạch thâm nhập thị trường ở Mỹ - đặc biệt là các mặt hàng "có giá trị lớn" như ô tô - là bán sản phẩm của mình dưới tên của các thương hiệu quen thuộc nước ngoài tạo ra những ảo tưởng hàng hóa không dính dáng đến Trung Quốc. Một trường hợp điển hình là Volvo. Công ty ô tô "Thụy Điển" trên danh nghĩa này bây giờ là hoàn toàn thuộc sở hữu của Geely Automotive ở Trung Quốc, và Giám đốc điều hành Stefan Jacoby, gần đây đã tuyên bố rằng công ty đang cân nhắc xuất khẩu xe hơi Trung Quốc đến Hoa Kỳ với nhãn hiệu Volvo đáng kính. Cũng lưu ý rằng Honda đang bán một chiếc xe hơi Trung Quốc, xe Jazz, vào châu Âu từ năm 2005. Vì vậy, một lần nữa, người mua hãy cẩn thận. Các công ty Trung Quốc với tiền mặt phong phú, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước - đang cắn xé các thương hiệu lớn của phương Tây như không cần biết đến ngày mai, và bạn sẽ phải chú ý đến báo chí tài chính để tìm hiểu về các vụ mua bán công ty.
Chúng ta chưa bao giờ là người thích kiện tụng đình đám. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng thật sai lầm khi các nhà sản xuất Trung Quốc không thể bị xét xử tại các toà án Mỹ và quốc tế, trong khi các đối thủ cạnh tranh Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản phải tuân theo pháp luật.
Một sự vô lý tương tự là các công ty Mỹ nhập khẩu các loại thuốc, thực phẩm, và các sản phẩm nguy hiểm của Trung Quốc cũng không chịu trách nhiệm. Tình huống hiện nay giảm động lực cải cách luật bồi thường bằng cách cho các công ty Mỹ điều khoản giải thoát của Trung Quốc: hãy di chuyển dây chuyền sản xuất của bạn đến một số nhà môi giới bí ẩn tại
Quảng Châu, và sau đó giả vờ bạn không biết chính xác nơi các sản phẩm của bạn được sản xuất. Đừng cười; điều này đã xảy ra. Đó là lý do tại sao chúng ta cần những điều luật rắn hơn để chỉ định lỗi thuộc bất kỳ một nhà bán buôn hay bán lẻ hàng Trung Quốc ở Mỹ phải chịu trách nhiệm vì bất cứ tổn hại nào của các sản phẩm đó đến người Mỹ. Tăng trách nhiệm giải trình sẽ buộc các nhà bán lẻ đẩy trách nhiệm trở lại nơi mà nó được sinh ra hoặc đưa ra những lựa chọn thay thế khác khi đưa hàng lên kệ của họ. Vì vậy, hãy để Nhà Trắng, Quốc Hội, và Hội đồng bang biết đã đến lúc phải tấn công các nhà buôn trung gian chuyên cung cấp hàng hóa vô bổ và chất độc của Trung Quốc.
Các chính trị gia Mỹ cần phải nhìn sáng suốt hơn về cái hộp mà các nhà bảo hộ và con buôn Trung Quốc đang nhét chúng ta vào - bởi vì nó ngày càng giống như một cỗ quan tài! Đó là lý do tại sao Quốc hội và Tổng thống phải thông báo cho Trung Quốc hiểu một cách chắc chắn rằng Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận bất cứ cuộc tấn công nào nhằm thâu tóm nền tảng sản xuất Mỹ nếu chúng không được thực hiện theo nguyên tắc thương mại tự do.
Nếu Trung Quốc từ chối buông vũ khí Hủy diệt Việc làm - vi phạm mọi quy tắc trong luật tự do thương mại - Tổng thống và Quốc hội sẽ không có lựa chọn nào khác hơn là hành động ngay lập tức. Dưới đây là những gì mà Mỹ có thể đơn phương giải giáp những vũ khí đó của Trung Quốc.
Biện pháp pháp lý hiệu quả nhất để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ và con buôn Trung Quốc là - và tránh đối đầu trực tiếp bởi vì không cần phải nêu đích danh - Quốc hội thông qua "Luật Thương mại tự do và công bằng Mỹ." Đạo luật này sẽ đặt ra các nguyên tắc cơ bản sau đây - Với các biện pháp trừng phạt cứng rắn cho những ai không tuân theo luật chơi:
Bất kỳ quốc gia nào có nhu cầu thương mại tự do về hàng hóa chế tạo với Hoa Kỳ phải từ bỏ tất cả các trợ cấp xuất khẩu bất hợp pháp, duy trì một đồng tiền có giá trị hợp lý, cung cấp bảo vệ nghiêm ngặt về sở hữu trí tuệ, nêu cao các tiêu chuẩn môi trường, sức khỏe và an toàn đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp cho thị trường toàn cầu không hạn chế năng lượng và nguyên liệu thô, mở cửa cho thị trường trong nước được tiếp cận tự do, bao gồm cả phương tiện truyền thông và các dịch vụ Internet.
Bằng cách thông qua luật này, Quốc hội vừa có thể bảo vệ hệ thống thương mại tự do quốc tế và đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài của nền kinh tế Mỹ. Đạo luật này sẽ không mang tính "bảo hộ" - điều mà chắc chắn các nhà biện hộ Trung Quốc sẽ gắn mác cho nó. Thay vào đó, nó chỉ đơn giản là biện pháp thông thường và phòng vệ chính đáng khi đối mặt với xâm lược kinh tế của Trung Quốc.
Nhà yêu nước vĩ đại người Mỹ, Ben Franklin đã nói "Tất cả chúng ta phải liên kết cùng nhau, hay chắc chắn chúng ta sẽ bị kết liễu riêng rẽ." Đó là lý do vì sao hành động phê duyệt đạo Luật Thương mại tự do và công bằng của nước Mỹ phải liên kết với châu Âu, Brazil, Nhật Bản, Ấn Độ và các nạn nhân khác của chủ nghĩa con buôn và bảo hộ Trung Quốc để cùng nhau khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới buộc Trung Quốc phải tuân thủ đầy đủ các điều khoản của đạo luật.
Chỉ với sức mạnh của số đông, Hoa Kỳ và những đối tác khác mới có thể thành công trong việc đưa Trung Quốc từ một kẻ làm giàu theo kiểu "lợi mình hại người " hòa nhập thực sự với cộng đồng các nước thương mại tự do.
Nếu chúng ta được yêu cầu phải đưa ra một vấn đề bức xúc nhất trong quan hệ Mỹ - Trung, chúng ta sẽ phải nói đến việc gắn cố định tỷ giá đồng nhân dân tệ với đô la Mỹ. Một đồng tiền thả nổi là yếu tố cơ bản để tự động điều chỉnh dòng chảy thương mại và ngăn chặn kiểu thặng dư thương mại triền miên mà Trung Quốc đang được hưởng trong quan hệ với nhiều đối tác thương mại.
Tuy nhiên, chúng ta đồng ý với những người biện hộ cho Trung Quốc rằng chính phủ Trung Quốc không phản ứng tích cực với áp lực trực tiếp. Do đó, ít nhất là đối với vấn đề tiền tệ, lựa chọn tốt nhất để có được một đồng tiền được định giá tương đối hợp lý có thể là biện pháp "ngoại giao con thoi" tối mật.
Trong công việc cực kỳ cấp thiết này, Nhà Trắng cần ngay lập tức cử một phái viên để thông báo với đảng Cộng sản Trung Quốc rằng: Hoa Kỳ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc coi Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ trong cuộc họp Kiểm điểm chính sách tài chính tiếp theo và áp đặt các mức thuế quan chống trả nếu Trung Quốc không tự nâng giá trị đồng bản tệ lên một mức hợp lý.
Trong những thảo luận về việc này, phái viên Mỹ phải giải thích rõ là Hoa Kỳ mong muốn việc cải cách tiền tệ là "ý tưởng của Trung Quốc", không phải là của Hoa Kỳ; và không bao giờ Hoa Kỳ muốn Trung Quốc "mất mặt" về vấn đề này. Chính vì thế mà sứ mạng này phải được tiến hành hoàn toàn bí mật.
Tuy nhiên, phái viên Mỹ cần cho đối phương hiểu rõ là sau hơn bảy năm thảo luận về vấn đề này, nước Mỹ đã hết sự kiên nhẫn về mặt chính trị, và hết thời gian về mặt kinh tế. Tất nhiên, nếu Trung Quốc không hành động kịp thời, Bộ Tài chính phải tiếp tục đi tới việc coi Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ và áp đặt các loại thuế phòng vệ để đưa đồng nhân dân tệ lên giá trị hợp lý.
Quá nhiều các nhà quản lý Mỹ khi có quyết định chiến lược chuyển cơ sở sản xuất và công ăn việc làm sang Trung Quốc đã luôn không đánh giá đầy đủ một loạt những rủi ro. Rủi ro dễ thấy là bị mất sở hữu trí tuệ của công ty do bị đánh cắp hay qua các chính sách của Trung Quốc ép buộc chuyển giao công nghệ và bắt buộc phải chuyển cơ sở nghiên cứu và phát triển sang đất Trung Quốc.
Ngoài việc mất sở hữu trí tuệ của công ty, các rủi ro khác bao gồm từ căn bệnh tham nhũng, ô nhiễm nghiêm trọng, hay thiếu nguồn nước trong tương lai cho đến mức độ bảo hộ to lớn như Vạn lý Trường thành của Trung Quốc. Trong bất kỳ đánh giá toàn diện nào đối với rủi ro kinh doanh, các nhà quản lý cũng phải thừa nhận thực tế sau:
Nếu có một nước mà Hoa Kỳ có thể có xung đột vũ trang trong vòng mấy thập kỷ tới, đó chắc chắn là nước Trung Quốc đang tăng cường vũ trang nhanh chóng. Và nếu bạn là một nhà giám đốc kinh doanh đang dự định chuyển sản xuất ra nước ngoài, liệu bạn có muốn bỏ toàn bộ trứng vào cái giỏ Trung Quốc khi xung đột như vậy có thể xuất phát từ Đài Loan, Tây Tạng hay tranh chấp lãnh thổ ở biển Nam Trung Hoa hay vì quyền tiếp cận dầu mỏ Trung Đông?
Từ đó các nhà quản lý Mỹ đang định chuyển kinh doanh sang Trung Quốc cần bỏ cặp kính mầu hồng ra và thực hiện đánh giá toàn diện hơn nữa. Một cái nhìn tỉnh táo như vậy đối với những rủi ro thực liên quan tới việc chuyển các hoạt động kinh doanh sang Trung Quốc sẽ giúp tạo ra làn sóng mới đưa kinh doanh trở về với nước Mỹ, Brazil, Nhật Bản, châu Âu, và các thị trường mới nổi bên ngoài Trung Quốc.
Nếu các giám đốc kinh doanh của Mỹ muốn hiểu rõ hơn về nghệ thuật chống lại chủ nghĩa con buôn và bảo hộ kiểu Trung Quốc, họ không cần nhìn đi đâu xa mà hãy học công ty Nucor Steel như một ví dụ do tổng giám đốc Dan Di Micco đặt ra. Ngoài việc điều hành một trong những công ty thành công và tiên tiến nhất thế giới về mặt sáng tạo công nghệ, DiMicco bỏ ra thời gian đáng kể trên các diễn đàn công cộng để thuyết phục cho cải cách thương mại thực sự với Trung Quốc. Bằng cách đó, DiMicco cung cấp một đầu mối phản công mạnh mẽ chống lại hành vi ngây thơ hoặc thậm chí phản bội của các giám đốc như Tổng giám đốc của GE Jeffrey Immelt và Jack Allen của Westinghouse.
Như Ủy ban Mỹ-Trung đã kiến nghị mạnh mẽ, chính phủ Mỹ cần “giúp các công ty Hoa Kỳ chống lại những mưu toan của nhà cầm quyền Trung Quốc ra lệnh hay bắt buộc các công ty công nghệ cao nước ngoài phải tiết lộ thông tin nhậy cảm về sản phẩm của mình để đổi lại quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.” Chính phủ Mỹ cũng phải giúp các công ty chống lại việc bắt buộc phải chuyển cơ sở nghiên cứu và phát triển sang Trung Quốc như là điều kiện để có thể gia nhập thị trường Trung Quốc. Cả dân tộc chúng ta đang tự đẩy mình vào những thập kỷ phát triển trì trệ do nhường công nghệ của mình cho Trung Quốc, và điều này phải chấm dứt! Vì tầm quan trọng của vấn đề này, chúng ta cũng phải cân nhắc đến đạo luật có thể ngăn chặn các công ty của chúng ta ký kết với Trung Quốc các điều khoản yêu cầu chuyển giao công nghệ làm điều kiện để tiếp cận thị trường.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước Mỹ là từ các công ty hàng đầu thế giới của chúng ta trong lĩnh vực giải trí, truyền thông, và Internet. Việc mạnh tay kiểm duyệt của Trung Quốc đối với phim ảnh, truyền hình, và Internet, cùng với sự hỗ trợ ngầm cho nạn phổ biến ăn cắp bản quyền là sự tấn công hàng loạt vào thương mại tự do. Trong khi Facebook bị cấm hoàn toàn tại Thượng Hải, công ty Ren Ren đối thủ từ Trung Quốc lại nhận được sự chào đón nồng nhiệt ở Hoa Kỳ và được niêm yết giá trị 500 triệu USD trên NASDAQ. Điều đó rất sai trái!
Để đảm bảo Trung Quốc không được lợi từ chiến tranh kinh tế kiểu trấn lột đó, Quốc hội cần thông qua đạo luật ngăn cản bất kỳ công ty truyền thông và Internet nào của Trung Quốc tham gia vào việc kiểm duyệt được niêm yết và gọi vốn từ thị trường chứng khoán Mỹ.
Chúng ta phải chấm dứt việc giả vờ cho rằng việc các công ty dầu khí, viễn thông, hay khai mỏ khổng lồ có sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc mua đối thủ ở Mỹ, Canada, hay Australia sẽ tạo ra giá trị thực nào đó cho người tiêu dùng hoặc cổ đông. Ngược lại, chúng ta phải nhận ra các công ty nhà nước của Trung Quốc được nuôi nấng trong môi trường độc quyền, lớn lên nhờ lợi nhuận của những kiểu thương mại không công bằng, có quyền tiếp cận các khoản tài chính ưu đãi khổng lồ, và tất cả được điều hành bởi thành phần ưu tú của đảng cộng sản với ý đồ khóa chặt thị trường và phong tỏa các nguồn tài nguyên trên thế giới. Trong khi một số tổng giám đốc Mỹ sung sướng khi bán được những tài sản quốc gia của chúng ta cho các cán bộ tư bản nhà nước của Bắc Kinh để kiếm những đồng tiền ăn liền thì những vụ mua bán đó thậm chí không hề có ích chút nào cho quyền lợi quốc gia.
Hãy hiểu thật rõ về vấn đề này: Trung Quốc không bao giờcho phép một công ty phương Tây mua bất cứ công ty Trung Quốc nào trong lĩnh vực "công nghiệp chiến lược"- bao gồm máy bay, ô tô, năng lượng, tài chính, công nghệ, tài nguyên thiên nhiên, và gần như là tất cả mọi thứ phức tạp hơn việc bán dạo bánh mỳ kẹp thịt băm và gà rán.
Vì mối đe dọa chiến lược từ các chính phủ nước ngoài chiếm quyền kiểm soát các công ty tư nhân ở Mỹ, Quốc hội Mỹ cần thông qua đạo luật ngăn cản các công ty tư nhân trong nước tiếp nhận các lời đề nghị từ các doanh nghiệp nhà nước, dù đó là doanh nghiệp Trung Quốc, Nga, hay gì đi nữa.
Phần lớn lỗi trong việc phá hủy cơ sở sản xuất của nước Mỹ thông qua việc chuyển hàng loạt ra nước ngoài có thể đổ trực tiếp lên các thế hệ của Nhà Trắng. Từ 2001 đến 2008, Tổng thống George W. Bush chắc chắn đã có chỗ dựa để đứng lên chống lại Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc là những kẻ mù quáng về ý thức hệ trong bộ máy của ông ta không cho phép ông ta hiểu sự khác biệt giữa thương mại tự do và thương mại công bằng. Kết quả là, bộ máy thiểu năng của Bush chẳng làm gì cả ngoài việc đặt ra cuộc chiến chống khủng bố trong khi tư tưởng con buôn và bảo hộ của Trung Quốc cướp đi một cách hệ thống một phần công ăn việc làm trong nền kinh tế và thôn tính từng công ty một.
Trong một sự tương phản rõ rệt, Tổng thống Barack Obama chắc chắn đủ thông minh để hiểu vấn đề - ông đã tranh cử với quan điểm tấn công vào chủ nghĩa con buôn của Trung Quốc và nắm vững vấn đề. Nhưng vấn đề của Obama lại là ở chỗ ông có vẻ như không có chỗ dựa để thực hiện những hành động cần thiết.
Xin lỗi vì sự nói thẳng, nhưng cái mà chúng ta cần bây giờ là một lãnh đạo với cả trí óc và chỗ dựa - một dạng Winston Churchill, không phải là Neville Chamberlain. Barack Obama có thể phù hợp nếu ông ta hiểu được thông điệp - còn nếu không, kỳ bầu cử 2012 sẽ cho nước Mỹ một cơ hội khác để tìm ra một Tổng thống dẫn chúng ta ra khỏi miền đất chết hậu công nghiệp mà nước Mỹ đang tiến vào dưới sự tàn phá của vũ khí hủy diệt việc làm do Trung Quốc chế tạo.
Chúng ta đã thấy là Trung Quốc vận hành một mạng lưới gián điệp hung hãn nhất tại Hoa Kỳ và các lữ đoàn tin tặc Đỏ thường xuyên tấn công mạng máy tính của cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ. Chúng ta cần nhận ra những mối nguy hiểm hiển hiện của những kiểu "chiến tranh không tiếng súng" để đứng dậy chống lại chúng. Chúng ta cũng phải liên tục tự hỏi mình: Tại sao chúng ta lại buôn bán nhiều thế với một đất nước tiến hành công tác gián điệp hung hãn chống lại chúng ta?
Một phần lớn các nguồn lực dành cho cộng đồng tình báo Mỹ - CIA, FBI, và những tổ chức to lớn khác như Cơ quan An ninh quốc gia - tiếp tục được đổ vào cuộc chiến gần như vô tận chống khủng bố. Điều đó chẳng có gì là ngạc nhiên vì mối đe dọa của một số nhóm Hồi giáo cực đoan muốn sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt là một khả năng đáng sợ.
Tương tự như vậy, chúng ta cũng phải đối mặt với một sự thật hiển nhiên: thậm chí ngay cả khi Trung Quốc đang tăng cường vũ trang một cách nhanh chóng và tích lũy hàng trăm vũ khí hạt nhân, họ vẫn tiến hành chiến tranh gián điệp và chiến tranh mạng chống lại đất nước chúng ta. Để chống lại mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu ngang với khủng bố đó, chúng ta cần cải tổ nhân lực triệt để và đẩy mạnh những nỗ lực dành riêng cho chống tình báo Trung Quốc - và phối hợp công việc đó với những đồng minh của chúng ta tại châu Á, châu Âu, và Mỹ Latin.
Trong khi mỗi khoản chi bổ sung khó mà được phê duyệt trong thời buổi cắt giảm ngân sách nghiệt ngã hiện nay, cuối cùng, chúng ta sẽ có được cái mà chúng ta trả tiền hay không trả tiền cho nó. Khi cân nhắc các chi tiêu này, chúng ta phải nhận thức là những thiệt hại cho sức khỏe nền kinh tế của chúng ta do riêng tình báo công nghiệp Trung Quốc gây ra chắc cũng đủ biện hộ cho những chi phí tưởng là to lớn dành cho công tác phản gián chống lại đe dọa Trung Quốc.
Một gián điệp đóng góp cho khả năng của Trung Quốc phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến về mọi khía cạnh cũng nguy hiểm như một binh sĩ Trung Quốc ấn nút bắn vũ khí đó. Đó là lý do tại sao tòa án, hội đồng xét xử và các công tố viên của chúng ta cần nghiêm túc hơn nhiều đối với vấn đề gián điệp Trung Quốc; và bất kỳ kiểu làm gián điệp nào cũng phải bị truy tố mạnh tay.
Về mặt hình phạt thích hợp, công dân Mỹ làm gián điệp cho Trung Quốc là tội phản quốc - tội cao nhất chống lại đất nước. Tội đó phải bị trừng phạt bằng án chung thân và, trong những trường hợp liên quan đến bí mật quân sự và quốc phòng, phải dẫn đến án tử hình.
Hơn nữa, nếu bất kỳ gián điệp Trung Quốc nào bị bắt tại nước Mỹ, chúng cần bị giam lại và gần như là ném chìa khóa đi - bởi vì chỉ có trừng phạt nặng như vậy mới giảm bớt được hoạt động gián điệp trên đất nước chúng ta. Và nên biết là bất cứ gián điệp Mỹ nào bị bắt ở Trung Quốc sẽ phải chịu số phận tàn bạo hơn mọi thứ mà hệ thống tư pháp của chúng ta có thể đưa ra.
Chính phủ Trung Quốc rõ ràng không cho phép khách du lịch, sinh viên, hay các giám đốc kinh doanh đi lại tự do trên mọi miền Trung Quốc, và họ áp đặt hạn chế chặt chẽ đối với nhiều loại khách thăm, bao gồm cả nhà báo và những người làm phim tài liệu. Trong khi đó Hoa Kỳ cho phép gần như là bất cứ công dân Trung Quốc nào xin thị thực đều được đi lại tự do trong nước chúng ta. Điều này cần phải chấm dứt ngay!
Do đó, như một phần của nỗ lực chống gián điệp, cần kiểm soát bất cứ ai đến từ Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc xin thị thực. Trong khi đại đa số khách Trung Quốc đến trong hòa bình, có thừa đủ mật vụ trong đám đông đó, đủ để buộc phải có sự phòng ngừa nghiêm túc hơn.
Liệu điều đó có là "phân loại chủng tộc"? Tuyệt đối không. Đó là phân loại "nước xuất xứ", và điều này cần phải làm bởi chính Trung Quốc đã chứng tỏ là nước hung hăng nhất trên thế giới trong việc xuất khẩu gián điệp sang Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Obama đã kêu gọi có một chính sách toàn diện hơn về an ninh mạng, và điều này chỉ có lợi mà thôi. Hòn đá tảng của chính sách này phải là việc coi bất kỳ cuộc tấn công mạng nào do nhà nước tài trợ là hành động chiến tranh, phải chịu sự trả đũa bằng kinh tế, chính trị, và nếu cần cả quân sự. Hơn nữa, chúng ta cần phải hoàn toàn trung thực về điểm xuất phát của những cuộc tấn công mạng đó và đáp trả trực tiếp.
Về mặt này, đã quá lâu, chúng ta cho phép đảng Cộng sản Trung Quốc nấp đằng sau những lý do lố bịch là những hành động tin tặc xuất phát từ mạng Internet kiểm duyệt và giám sát gắt gao nhất trên thế giới là ngoài tầm kiểm soát của Đảng. Hãy tin chúng tôi: Nếu những tin tặc đó đang phát tán những đoạn video quay cảnh đàn áp tàn bạo ở Tây Tạng hay những cuộc mít tinh ủng hộ dân chủ ở Thượng Hải, hay những người theo Pháp Luân Công ở Thành Đô, cảnh sát mạng của Trung Quốc có thể và sẽ tìm ra và ngăn chặn ngay - gần như là vĩnh viễn. Như vậy, cần phải chấm dứt trò chơi đố chữ và gọi tin tặc Trung Quốc là tin tặc được nhà nước Trung Quốc bảo trợ.
Chúng ta cũng tin là việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho những nạn nhân của tin tặc Trung Quốc phải là một phần của bất cứ chính sách toàn diện về an ninh mạng. Tương tự như vậy, Quốc hội Mỹ, cùng với EU, Quốc hội Nhật Bản, và các cơ quan lập pháp khác trên toàn thế giới phải ra các đạo luật đòi hỏi bồi thường cho các công dân, công ty chịu thiệt hại từ các vụ tấn công của tin tặc nước ngoài. Để cho việc bồi thường có hiệu lực, những đạo luật đó phải cung cấp cơ chế mạnh để tịch biên tài sản của các công ty bị phát hiện có tham gia vào tấn công mạng - trường hợp như việc tham gia của một công ty viễn thông lớn của Trung Quốc vào cuộc tấn công chúng tôi đã mô tả ở Chương 10.
Từ quan điểm chiến lược, không có sự khác biệt thật sự nào giữa một nhà máy điện bị tên lửa Trung Quốc phá hủy hay một nhà máy bị làm tê liệt bởi tin tặc Trung Quốc. Cả hai mối đe dọa đều có thực. Cả hai đều cần được dự tính và có biện pháp chống lại.
Một khi ngay trong cả thời gian được gọi là "hòa bình" tin tặc Trung Quốc đã tấn công và thăm dò liên tục các cơ quan Mỹ thì việc cấp thiết phải làm là phát triển một "công tắc ngắt Trung Quốc" để có thể cắt liên kết Internet nước Mỹ ra khỏi tất cả các địa chỉ IP Trung Quốc trong trường hợp có chiến tranh mạng tổng lực. Nhưng đó không phải là tất cả.
Nhiều cuộc tấn công mạng của Trung Quốc được thực hiện từ các máy chủ và máy tính cá nhân bên ngoài Trung Quốc mà đã bị các lữ đoàn tin tặc Đỏ chiếm quyền sử dụng. Điều đó có nghĩa là cần có công tắc ngắt mức hai để cách ly hoàn toàn các cơ sở then chốt của hạ tầng nước Mỹ - các công ty công ích, ngân hàng, các công ty quốc phòng - khỏi mạng Internet.
Thảo luận chính trị về hệ thống cực kỳ cần thiết này chắc chắn sẽ bao gồm các luận cứ đầy ý nghĩa về tự do ngôn luận và các quyền tự do công dân. Rõ ràng là bất cứ giải pháp nào phải được thiết kế với tác động nhỏ nhất lên trao đổi thông tin dân sự và tuyệt đối không được hạn chế tiếp cận đến báo chí truyền thông. Tuy nhiên, đáng tiếc là đe dọa bên ngoài đối với tự do của chúng ta hiện thực hơn các câu chuyện mưu toan tưởng tượng trong nước; và nếu chúng ta tin tưởng ở chính phủ của mình với một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, chúng ta cũng cần có khả năng tin là chính phủ đó có thể có hành động đúng lúc để bảo vệ đất nước chúng ta khỏi cuộc tấn công mạng tổng lực từ bên ngoài.
Cũng giống như chúng ta gọi một tin tặc Trung Quốc là tin tặc Trung Quốc, chúng ta cần gọi gián điệp là gián điệp và công khai trừng phạt Trung Quốc cho hành vi gián điệp thù địch. Chúng ta phải thể hiện rõ là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, Ấn Độ, và Liên minh châu Âu sẽ không tiếp túc ngoảnh mặt đi trong khi các điệp viên của Bắc Kinh ăn cắp công nghệ của chúng ta, phá hoại các cơ quan của chúng ta, và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh mạng của ngày tận thế. Nếu CHND Trung Quốc muốn làm ăn với chúng ta, họ sẽ phải cư xử như là họ thuộc về cùng một câu lạc bộ của các nước có thương mại tự do và bình đẳng.
Chúng ta không thể quay lưng lại với thực tế: tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trên cơ sở bào mòn nền tảng sản xuất của nước Mỹ đang là nguồn tài chính cho việc leo thang quân sự của Trung Quốc nhanh hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đó là sự tăng cường nhiều mặt của cỗ máy chiến tranh trên không, dưới đất, trên biển, trong không gian mạng và trong vũ trụ mà sắp tới sẽ đe dọa ưu thế quân sự của Mỹ. Chúng ta cần phải nhận ra và chống lại mối đe dọa đó; và khi làm việc đó, chúng ta phải luôn tự hỏi mình: Tại sao chúng ta lại mua nhiều sản phẩm của Trung Quốc đến vậy nếu như lợi nhuận từ sản phẩm đó được dùng để mua vũ khí nhắm vào đầu chúng ta?
Như nguyên tắc chiến lược đầu tiên, Hoa Kỳ phải nhận ra là Trung Quốc đang đưa Hoa Kỳ vào cùng một vai trò như nước Đức phải đối mặt với Hoa Kỳ thời Tổng thống Roosevelt trong Thế chiến thứ II. Hoa Kỳ thắng nước Đức quốc xã không phải nhờ công nghệ vượt trội mà nhờ sức mạnh áp đảo của bộ máy công nghiệp.
Ngày nay, thế trận đã đảo lại bởi vì giờ đây Trung Quốc có thể cho xuất xưởng hàng đoàn tàu, xe tăng, và phi cơ từ các nhà máy của mình. Vì ưu thế về số lượng vũ khí của Trung Quốc có thể chôn vùi ưu thế về chất lượng vũ khí của Mỹ - giống như sức mạnh vật chất của nước Mỹ đã thắng Đức quốc xã – chúng ta cần phải khôn ngoan và có đầu óc hơn trong chiến lược quân sự.
Đã thành quy luật, chúng ta phải cấp thiết tăng “hiệu quả sử dụng vốn” từ tổ hợp công nghiệp quân sự già nua, tốn kém của chúng ta. Hệ thống mua sắm vũ khí hiện nay tạo ra các hệ thống vũ khí đắt khủng khiếp, luôn vượt mức ngân sách, luôn chậm tiến độ, và thường có trục trặc.
Cùng thời gian đó, chúng phải nhận ra là khi Trung Quốc chạy đua vũ trang nhanh chóng thì khả năng dễ bị tổn thương của chúng ta chỉ có tăng lên. Do đó, nếu chúng ta một ngày nào đó phải đối đầu với Trung Quốc trong chiến tranh lạnh đang leo thang, thì thời điểm là bây giờ. Chúng ta cần phải công khai nêu Trung Quốc bằng tên khác với sự tăng trưởng hòa bình và nghiêm túc tự hỏi tại sao quy chế “tối huệ quốc” lại thuộc về một nhà nước đang là mối đe dọa quân sự hàng đầu của chúng ta.
Từ quan điểm chiến lược, các lãnh đạo chính trị và quân sự nước Mỹ phải nhận ra là với tiền đầy túi Bắc Kinh sẽ thích đẩy Hoa Kỳ vào vai trò giống như Liên Xô đã đối mặt với nước Mỹ dưới thời Ronald Reagan vào những năm 1980. Trung Quốc biết rõ là chính quyền Reagan đã chôn vùi Liên Xô bằng cách lôi kéo vào chạy đua vũ trang dẫn đến kiệt quệ Liên Xô – và tạo ra sự sụp đổ của các chế độ cộng sản trên toàn thế giới.
Ngày nay, lại một lần nữa, thế trận đã đảo lại. Trung Quốc với hàng ngàn tỷ đô-la dự trữ ngoại hối, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, quân sự hóa chóng mặt, sẽ rất muốn lôi kéo nước Mỹ đang cạn kiệt tài chính vào một cuộc chạy đua vũ trang nhằm đánh sập nền tài chính nước Mỹ. Chính thực tế này đòi hỏi Mỹ phải vừa khôn khéo vừa có định hướng chiến lược - cũng như có hành động chủ động ngăn ngừa sự tăng trưởng quân sự chớp nhoáng của Trung Quốc.
Theo đề xuất của Ủy ban Mỹ - Trung, Lầu Năm góc phải báo cáo hàng năm về khả năng của quân đội Mỹ chống lại một cuộc tấn công trên không và bằng tên lửa của Trung Quốc vào các căn cứ khu vực và lên danh sách các bước cụ thể để có thể sống sót sau cuộc tấn công đó. Ủy ban cũng đã yêu cầu bên quân sự "tăng cường tương tác với các đồng minh ở Tây Thái Bình Dương" và "mở rộng mối quan hệ đến các nước khác ở châu Á để thể hiện sự cam kết liên tục của Mỹ đối với khu vực." Xây dựng các mối liên minh mạnh với ba nước có thể là mục tiêu của Trung Quốc trong tương lai - Nhật Bản, Ấn Độ, và Việt Nam - là một phần quan trọng của chiến lược này.
Nhà lý thuyết quân sự nổi tiếng người Phổ Karl von Clausewitz đã từng nói "Chiến tranh là sự tiếp diễn của chính trị, nhưng bằng các phương tiện khác." Ngày nay, cũng theo tư duy đó, chúng ta cần nhận ra là việc Trung Quốc xây dựng quân đội nhanh chóng là sự tiếp diễn trực tiếp của tăng trưởng kinh tế, và một phần quá lớn của tăng trưởng đó là nhờ gây thiệt hại cho Hoa Kỳ.
Đó là vì sao chúng ta cuối cùng phải hiểu là cách tốt nhất để tước bỏ vũ khí hủy diệt việc làm của Trung Quốc không phải là "giữ công ăn việc làm của chúng ta" - mặc dù điều này cũng rất quan trọng. Thay vì thế, cách tốt nhất để đối đầu với những mánh khóe thương mại không công bằng của Trung Quốc là phòng vệ quốc gia:
Nếu chúng ta nhường cơ sở sản xuất cho bọn con buôn Trung Quốc trong khi chúng ta vẫn tiếp tục cấp tài chính cho tăng trưởng của Trung Quốc bằng cách mua sản phẩm của họ và chịu thâm hụt thương mại khổng lồ, tất cả những gì chúng ta, những người tiêu dùng, đang làm là đảm bảo cái chết cuối cùng của chính mình.
Như chúng tôi đã minh họa chi tiết, gót giày Trung Quốc đang duyệt binh trên toàn lục địa châu Phi và tiến tới Mỹ Latin tìm cách độc chiếm các nguồn năng lượng và nguyên liệu thô cho cỗ máy công nghiệp của Trung Quốc. Cho đến nay, đế chế thực dân mới này đang mở rộng mà hầu như không gặp phải sự thách thức nào.
Đẩy lùi cơn thủy triều của chủ nghĩa thực dân Trung Quốc chắc chắn không phải là việc dễ dàng. Nhưng mọi hành trình đều bắt đầu từ những bước đi nhỏ bé, ít ra chúng ta có thể bắt đầu một số bước để đối phó với thách thức toàn cầu của Trung Quốc.
Đây là một trong những câu hỏi luân lý quan trọng của thời đại, mà mỗi cá nhân chúng ta, với tư cách là công dân Mỹ, cần phải liên tục tự chất vấn mình và các chính trị gia: Tại sao Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ và Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc vẫn giữ im lặng trong khi “kẻ buôn thảm” Trung Quốc tiếp tục sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Liên hiệp quốc như một cái lá bài mặc cả cho việc tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nguồn nguyên liệu thô tại các quốc gia lèo lá như Iran và các chế độ độc tài quân sự như Sudan và Zimbabwe? Các hành vi thương mại thô bỉ của Trung Quốc nhằm xây dựng một đế chế thực dân cần phải được thẳng thắn lên án không chỉ bởi nước Mỹ mà cả thế giới – từ Âu sang Á đến Mỹ Latin, đặc biệt là cả châu Phi vốn đã phải hứng chịu hậu quả của chiến lược phủ quyết tàn bạo và man rợ của Trung Quốc.
Chúng ta cần cải tổ và tăng cường nhân sự cho các cơ quan đã và đang giúp thực hiện chính sách "quyền lực mềm" của chính phủ Mỹ. Các cơ quan này này bao gồm ngành Ngoại giao, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Tổ chức hòa bình, và nhiều đơn vị Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ ở các khu vực đóng quân.
Một phần trong cuộc cải tổ ngành ngoại giao Mỹ là chúng ta cần theo dõi sát các hoạt động của Trung Quốc trên toàn thế giới. Sự theo dõi này phải tiến hành từ nguồn thông tin cơ sở trên toàn cầu. Vì vậy, từng thành viên trong số gần 300 sứ quán, lãnh sự, phái đoàn ngoại giao trên toàn thế giới cần phải bổ sung cho mình ít nhất một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc. Nói rộng hơn, trọng tâm mới này giúp chúng ta xây dựng một đội ngũ chuyên gia phân tích Trung Quốc cốt lõi trong các cơ quan ngoại giao và tình báo Mỹ.
Chúng ta cũng không thể bỏ qua sự đóng góp của các doanh nghiệp cho việc triển khai quyền lực mềm của nước Mỹ. Sự thực là nhiều giám đốc Mỹ tự coi mình là những người yêu nước, và chúng ta cần lôi kéo các công ty có hoạt động ở nước ngoài hành động như như đại sứ của đất nước chúng ta.
Tất cả chúng ta đã và đang được nghe tin tức từ đài phát thanh Hoa Kỳ ở mọi ngõ ngách thế giới, và chính chúng ta cũng biết đến quyền lực của thông tin này. Chúng ta cũng biết tầm quan trọng của các cơ sở như trung tâm Hoa Kỳ cung cấp thư viện và các chương trình văn hóa trong việc cảm hóa trái tim và tâm hồn người dân ở các nước đang phát triển.
Về Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, chúng ta nên hiểu một thực tế là truyền hình vệ tinh vô cùng phổ biến tại các cùng nông thôn Trung Quốc, nơi những ngôi nhà nông thôn bằng gạch mộc 200 năm tuổi vẫn thò ra những chảo vệ tinh lớn. Vì thế, điều quan trọng là phủ sóng sóng truyền hình vệ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ tới lãnh thổ Trung Quốc. Có thể tận dụng hệ thống vệ tinh địa tĩnh sẵn có ở châu Á. Nếu người Trung Quốc phản đối, chúng ta cần nói cho họ biết đó là cách chúng ta thực hiện một phần điều khoản “tiếp cận thị trường” mà họ đã ký với Tổ chức Thương mại Thế giới.
Phương Tây có lẽ cũng xem xét các phương thức chủ động cung cấp dịch vụ máy chủ proxy miễn phí cho công dân Trung Quốc. Dịch vụ này sẽ cho phép người dùng internet bên trong Vạn lý Hỏa thành có thể thoải mái khám phá "thế giới mạng thực sự".
Khi xem xét các phương thức như vậy, cần nhớ rằng nước Mỹ vẫn còn là ông vua cực mạnh trong truyền thông và marketing trên thế giới. Với khả năng của chúng ta, thật ngạc nhiên khi chúng ta đã hoàn toàn thất bại trong việc tận dụng khả năng đó để quảng bá hiệu quả các giá trị dân chủ của chúng ta ra nước ngoài.
Chúng ta đều cổ súy thế giới đa ngôn ngữ như hiện nay, nhưng thật vô cùng thiển cận trong thế kỷ 21 nếu nhiều trường trung học cứ tiếp tục yêu cầu học sinh phải đáp ứng các yêu cầu ngoại ngữ với những khóa học tiếng Pháp và tiếng Đức chứ không phải tiếng Hoa phổ thông. Thực tế, tiếng Hoa cần phải được dạy ngay từ khi đầu cấp tiểu học. Đó là cách chúng ta đáp lại kẻ thù, và đó là hệ thống giáo dục của chúng ta. Vì vậy, hãy vận động hội đồng nhà trường thay đổi cho phù hợp. (Khi bạn tham gia vận động, hãy cố gắng làm cho họ thay thế viết tay uốn lượn bằng chữ đánh qua bàn phím).
Ngay sau khi nhận chức Ngoại trưởng, Hillary Clinton thông báo cho cả thế giới là Mỹ sẽ không gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền. Từ đó không có lời lẽ khinh xuất nào được nói về vấn đề này.
Sự thật là: Chúng ta cần một cuộc "cách mạng hoa nhài" ở Trung Quốc – trong hòa bình hay không hòa bình – để hoặc là giải thoát nhân dân Trung Quốc khỏi sự đô hộ của đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc làm cho lãnh đạo đảng Cộng sản nới lỏng bàn tay cai trị chuyên chế đối với đất nước đông dân nhất thế giới. Trong thực tế, hạn chế lời nói và áp lực về những vi phạm nhân quyền như Ngoại trưởng Clinton đã làm đang đưa Trung Quốc đi sai hướng và làm cho cả thế giới đang phát triển có cảm giác – hy vọng là cảm giác sai – là phương Tây ngầm đồng ý với chế độ Bắc Kinh và nhãn hiệu chủ nghĩa tư bản nhà nước chuyên chế của họ.
Nước Mỹ và các nước khác trên thế giới phải tiếp tục tạo áp lực lên Trung Quốc yêu cầu tôn trọng những quyền con người cơ bản, bao gồm tự do ngôn luận, tự do lập hội, tụ tập và thờ cúng, cùng với quyền tự do lập tổ chức tại chỗ làm việc và quyền tự quyết về sinh đẻ.
Hoa Kỳ phải sẵn sàng đứng ra bảo vệ quyền lợi của các dân tộc bản địa như những người ở Tây Tạng, Nội Mông, và tỉnh Tân Cương; và điều này bao gồm cả việc kêu gọi ngừng ngay lập tức các chiến dịch thanh trừng sắc tộc đang xảy ra ở những "khu tự trị" giả tạo của Trung Quốc.
Chiến dịch phân tán đầu tư chống lại các công ty Nam Phi đã rất thành công trong việc lật đổ chế độ phân biệt chủng tộc. Chúng tôi đề nghị chiến thuật tương có thể cũng hiệu quả đối với đất nước phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài như Trung Quốc. Hãy thực hiện công việc của mình bằng cách không đầu tư vào các công ty Trung Quốc, các quỹ đầu tư tương hỗ, hay thậm chí các quỹ tăng trưởng "nước đang phát triển" đang mua đầy các cổ phiếu của Trung Quốc.
Thực ra, bạn sẽ làm lợi cho mình bằng cách giảm sự phụ thuộc vào một nền kinh tế đầy rủi ro, tham nhũng, không minh bạch, với bong bóng bất động sản lúc nào cũng muốn vỡ. Nếu bạn muốn chơi quân bài tăng trưởng kiểu Trung Quốc, ít nhất hãy làm điều đó ở một khoảng cách bằng cách cân nhắc đầu tư vào các công ty và đồng tiền của các nước có tài nguyên phong phú như Australia và Brazil và cũng đang tăng trưởng nhanh như Trung Quốc.
Có quá nhiều "viên gạch" ảo đã được đặt xuống để xây nên "Vạn lý Hỏa thành" được chế tạo ở Hoa Kỳ bởi những công ty tiếng tăm nhất – trong đó có Cisco là điển hình cho vấn đề này. Đã quá đến lúc chúng ta phải chấm dứt tội đồng lõa và chính sách hai mặt kiểu này. Quốc hội phải thông qua đạo luật hạn chế xuất khẩu bất kỳ sản phẩm phần mềm hay phần cứng mà có thể bị các chế độ chuyên chế dùng để kiểm duyệt Internet và các hệ thống viễn thông.
Trong những vấn đề chúng ta đã bàn luận, sự cạnh tranh để thiết lập quyền lực trong không gian trên cao có thể có tác động lớn nhất đến tương lai con em chúng ta. Việc đảm bảo cho con em chúng ta sẽ không phải chịu đựng cơn ác mộng của Tổng thống Lyndon B. Jonson "ngủ dưới ánh trăng cộng sản" buộc phải có hành động nhanh chóng ngay lập tức.
Với chương trình vũ trụ công cộng đang tan vỡ và ngân sách liên bang bị khủng hoảng, cần có những ý tưởng mới mẻ hoàn toàn.
Sự hỗ trợ của chính phủ đã là cực kỳ quan trọng để bắt đầu xây dựng nhanh chương trình vũ trụ của chúng ta sau khi xuất hiện vệ tinh Sputnik. Tuy nhiên, từ sau thành công của chương trình Apollo, rủi ro đạo đức của việc chi tiêu ngân sách cộng với cách thu vén ngân sách cho khu vực bầu cử của các nghị sĩ đã tạo ra thị trường gần như độc quyền của các nhà khổng lồ hiệu quả thấp trong ngành vũ trụ và để lại cho chúng ta sự quan liêu trong ngành thăm dò không gian. Họ chỉ dám rụt rè đến những nơi con người đã khám phá nhiều lần rồi - với một chi phí khổng lồ.
Đã đến lúc phải biến sự độc quyền của chính phủ trong ngành vũ trụ thành ngành công nghiệp tư nhân và để cho cả bên dân sự lẫn quân sự được hưởng lợi từ các động lực thị trường vốn đã luôn phục vụ tốt cho đất nước. Không phải kỵ binh của tướng Custer đã chinh phục miền Tây nước Mỹ mà chính những người khai mỏ, chủ trang trại gia súc, những đoàn xe và đường sắt đã làm nên chiến công đó. Một container chứa đầy những phi hành gia chính phủ bay quanh trái Đất ở khoảng cách còn gần hơn là từ Boston đến New York không phải là cách chúng ta tiến đến những chân trời mới.
Thực ra, giảm chi phí thám hiểm không gian là điều mà các công ty mới năng động như SpaceX, Scaled Composites, Sierra Nevada, và XCOR đang làm. Thậm chí còn hay hơn khi tư duy thiết kế vũ trụ tự do, vận động không ngừng là điều mà các doanh nghiệp nhà nước to lớn của Trung Quốc không thể bắt chước và giới lãnh đạo chuyên chế thích kiểm soát của Trung Quốc không bao giờ cho phép thứ tư duy đó - mặc dù các gián điệp và tin tặc Trung Quốc chắc chắn sẽ cố gắng ăn cắp các công nghệ mới phát minh ra. Do đó, chúng ta cần phải đẩy mạnh ưu thế công nghiệp tư nhân Mỹ trong lĩnh vực sống còn này.
Vì những lý do đó, giám đốc NASA Charles Bolden đã kêu gọi các công ty tư nhân nhanh chóng tiếp nhận những chức năng trần tục hơn như "vận tải vũ trụ" và cung cấp "tiếp cận tin cậy và thường xuyên đến quỹ đạo thấp vòng quanh trái Đất." Bàn giao những chức năng trần tục đó cho doanh nghiệp tư nhân sẽ cho phép NASA quay trở về với những thách thức khám phá vũ trụ hấp dẫn hơn. Mục đích này được hỗ trợ bởi ngân sách của Tổng thống Obama cung cấp thêm 6 tỷ USD cho NASA để phân bổ chuyên cho việc thuê dịch vụ phóng tên lửa của tư nhân. Chúng ta cần ngăn chặn những nỗ lực của Quốc hội muốn nhấn chìm kế hoạch này, họ đang chống lại tư nhân hóa và muốn đưa NASA trở lại chương trình buồn ngủ với những công việc xã hội hóa.
Trung Quốc đang sản xuất ra nhiều gấp 10 lần số nhà khoa học và kỹ sư so với Hoa Kỳ; và đất nước của chúng ta đang tụt lại xa phía sau trong lĩnh vực này. Chúng ta cần nhân đôi những nỗ lực của mình ở cấp cá nhân, gia đình, công ty, và chính phủ để thu hẹp khoảng cách đang ngày càng rộng này bằng cách động viên thế hệ trẻ trở thành kỹ sư và nhà khoa học, bằng cách cung cấp tài chính thích hợp, xây dựng các cơ sở, và tạo cơ hội cho lớp trẻ.
Theo đó, các học bổng, chương trình cho vay sinh viên, các quỹ giáo dục phải được điều chỉnh thích hợp để nhấn mạnh vào Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, và Toán học - những môn học STEM. Cùng lúc đó, các bậc phụ huynh cần động viên con em mình theo đuổi những ngành nghề khoa học công nghệ (STEM). Giới truyền thông cũng có thể đóng góp phần của mình bằng cách tạo ra các thông điệp và các nhân vật điển hình về những đứa trẻ thông minh đã làm những điều to lớn để thúc đẩy nền văn minh. Tương tự, các công ty cũng có thể tham gia bằng cách công khai thưởng cho những kỹ sư hàng đầu của mình giống như họ nâng niu lòng tự trọng của những người bán hàng giỏi nhất với những bữa tối phần thưởng và chuyến đi nghỉ ở miền nhiệt đới.
Sau khi đọc xong quyển sách này, bạn có thực sự nghĩ chương trình không gian của Trung Quốc sẽ dành cho sự tốt đẹp của thế giới? Sự thật là chúng ta phải tính đến việc Trung Quốc sẽ bắt đầu chiếm đoạt tài nguyên vũ trụ giống hệt như họ đang vẽ ra toàn bộ biển Nam Trung Quốc là khu vực ảnh hưởng và tuyên bố lãnh hải Nhật Bản có tiềm năng lớn về tài nguyên là lãnh thổ đặc quyền của Trung Quốc.
Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ phải bắt đầu đặt ra tuyên bố chủ quyền đối với các tài nguyên vũ trụ như mặt Trăng khi chúng ta còn đủ mạnh để làm điều đó. Chúng ta cũng phải tuyên bố chủ quyền đối với các thiên thạch giàu tài nguyên như thiên thạch Eros và những điểm có thể chiếm được như tiểu hành tinh Ceres, sao Hỏa, và các điểm Lagrange trên quỹ đạo. Khi các nước khác la ó phản đối về việc "chiếm đất" của chúng ta, hãy mời họ đến bàn đàm phán và thiết lập một hệ thống công bằng cho phép tự do kinh doanh, tự do suy nghĩ, và con người tự do có thể mang thừa kế của loài người đến các vì sao chứ không phải là nước tư bản nhà nước Trung Quốc chuyên chế và đàn áp.
Trong khi mỗi hành động cá nhân, quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp, và những cải cách chính phủ đã được đề xuất trong chương này sẽ cải thiện đáng kể triển vọng là quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ phát triển thịnh vượng chứ không phải là ăn bám lẫn nhau, cái mà cả thế giới đang cần là điều chỉnh thái độ chung.
Đã quá lâu, chúng ta ở phương Tây đã chờ đợi nền kinh tế tăng trưởng của Trung Quốc có thể biến đổi một chế độ chuyên chế tàn bạo thành một đất nước dân chủ, tự do và cởi mở. Chúng ta đã chờ đợi qua cuộc tàn sát ở quảng trường Thiên An Môn, các chiến dịch thanh trừng sắc tộc ở Nội Mông, Tây Tạng, và Tân Cương; sự phát triển của cỗ máy tuyên truyền hoàn thiện nhất thế giới và sự kiểm duyệt nghẹt thở đối với Internet; việc bán tràn ngập thị trường thế giới những sản phẩm nguy hiểm chết người; sự tàn phá cơ sở sản xuất của nước Mỹ; sự ô nhiễm quy mô lớn những tài sản chung toàn cầu; sự tấn công liên tục của một mạng lưới gián điệp tinh vi lên những mục tiêu quân sự và công nghiệp; và sự nổi lên của lực lượng vũ trang viễn chinh năm thứ quân đủ khả năng một ngày nào đó sẽ áp đặt những đòi hỏi vô lý về chủ quyền lên toàn cầu – và không nghi ngờ là cả vũ trụ.
Chúng ta không được phép chờ đợi thêm. Thực ra đã muộn để tất cả chúng ta cùng đối đầu Trung Quốc – thậm chí khi chúng ta phải đối đầu với chính những hy vọng giả tạo là bằng cách nào đó, ngược với tất cả những gì chúng ta chứng kiến, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ mang tính hòa bình.
Và ở đây cũng không cần phải nhắc lại trong khi chúng ta tiến hành xử lý từng vấn đề một, từ chủ nghĩa con buôn của Trung Quốc và sự an toàn sản phẩm đến biến đổi khí hậu, nhân quyền, và hợp tác quân sự, thì làm việc với Trung Quốc ở bất kỳ cấp nào cũng sẽ cần luôn đề cao cảnh giác. Đồng thời cần tuân thủ chặt chẽ lời khuyên của Ronald Reagan từ thời chiến tranh lạnh về đàm phán với Liên Xô. Vì tiền sử thâm nho của Trung Quốc từ trước đến nay, với Bắc Kinh, chúng ta phải "nghi ngờ và liên tục kiểm tra lại" một cách thích hợp.