Chẻ buồn thành gió

Chương Kết

Trà Mi thi thào vào tai Cầm Thi như sợ bà Lan nghe.

Ông Trình bảo tao bí mật đưa mày món này, độc chiêu lắm. Ổng bảo đây là quà mừng mày được ra viện.

Cầm Thi hỏi ngay:

– Cái gì vậy?

Trà Mi nheo mắt:

– Di động. Anh chàng sẽ gọi cho mày mà không sợ bị cô Lan ngăn cấm.

Cầm Thi nhìn cái di động nhỏ xíu màu xám bạc:

– Sao Trình biết mày mà đưa?

Trà Mi nói:

– Hôm qua anh chàng không được cô Lan cho vào thăm mày nên đành ngồi đồng ngoài ghế đá bệnh viện. Thấy tao từ trong phòng mày đi ra, chàng đã tới làm quen và sau đó là nhờ vã. Có một chàng bảnh như vậy mà lâu nay giấu kỹ nghen.

Cầm Thi nhăn mặt:

– Vì sao tao giấu, mày biết rồi đó.

Trà Mi trề môi:

– Bà cô Lan khó không đúng cách. Mày đâu phải con nít mà bà ấy cấm cản.

Hơn nữa, Trình là bạn anh Hòa chớ phải người cô ấy không rõ nguồn gốc đâu.

Cô Mão của tao nói Trình rất có năng lực chớ không phải tơ lơ mơ, cô Lan mày cấm là sai hoàn toàn.

Cầm Thi thở dài:

– Cô ấy cũng có lý do chớ đâu phải không.

Trà Mi gục gặc:

– Tao biết lý do mà. Một lý do không chính đáng chút nào. Nếu Trình đánh bạt được ấn tượng xấu ra khỏi tâm trí cô Lan thì lo gì thất bại.

Cầm Thi chép miệng:

– Vần đề là ở chỗ đó.

Mi đứng dậy:

– Thôi tao về. Có điện thoại, hai đứa bây tha hồ bàn mưu tính kế để giải quyết vấn đề của mình nhé.

Cầm Thi gượng đứng dậy theo Trà Mi.

Con bé gắt:

– Trời ơi, có dì Mười mở cửa rồi. Mày đưa với tiễn làm chi. Vào... vào đi!

Cầm Thi mỉm cười nhìn Trà Mi ra tới hàng hiên. Có được một nhỏ bạn như Trà Mi đúng là sướng. Nhưng bây giờ sướng nhất vẫn là được nghe nhạc chuông điện thoại reo. Có lẽ Trình sẽ cài một điệu nhạc thật êm thật khẽ để ngoài Cầm Thi ra, chẳng ai trong ngôi nhà này nghe được, nếu không sẽ lộ tẩy mất.

Bà Mười bưng ly nước vào:

– Con uống đi!

Ngay lúc đó một tiếng vang lên ngay gói nằm của Cầm Thi khiến bà Mười ngạc nhiên ngơ ngác kiếm.

– Ủa! Nhạc gì ở đâu vậy ta?

Vội vàng Cầm Thi nằm dè lên cái gối, nơi cô giấu cái điện thoại bên dưới.

Động tác của Cầm Thi qua nhanh khiến vết thương bị động đau buốt.

Cầm Thi ứa nước mắt nhưng không dám rên.

Bà Mười hốt hoảng khi thấy cô tự nhiên đổ vật xuống giường.

– Con làm sao vậy Thi?

Thi xua tay, giọng thều thào:

– Có gì đâu. Con quên là đang bi thương nên nằm xuống mạnh quá.

Bà Mười lắc đầu:

– Thật không ý tứ gì hết. Ngồi dậy uống hết phần sữa này cho dì.

Cầm Thi lại vội vàng nhổm dậy trong khi nhạc chuông điện thoại vẫn thản nhiên reo vang.

– Ai... da... đ...a...u...

Cầm Thi tự mắng thói hấp tấp bộ chộp của mình rồi mím môi lại để không tốt ra tiếng đau.

Bà Mười giậm chân:

– Trời ơi là trời! Bữa nay tâm trí con làm sao vậy?

Chuông điện thoại thôi không..... đàn nữa. Cầm Thi thở phào nhẹ nhõm. Cô chậm rãi uống từng ngụm sữa và nghe vị thơm ngọt thấm vào tận tim.

Cô buột miệng:

– Sữa ngon quá!

Bà Mười nhìn Thi đầy soi mói:

– Ngon thiệt không?

Cầm Thi gật dầu:

– Dạ thiệt!

Rồi cô nói:

– Con muốn ngủ, dì mở nhạc rồi khép cửa lại giùm con.

Bà Mười ra vẻ vừa ý:

– Ờ, ngủ đi cho mau lợi sức.

Bà Mười nhẹ nhàng khép cửa. Bài Romance thứ nhất êm êm vang lên khiến Cầm Thi bồi hồi. Lấy cái di động ra, Cầm Thi đắn đo mãi, phân vân mãi mới nhấn số của Trình.

Cầm Thi muốn ngạt thở khi nghe giọng anh trầm lắng:

– Anh đây... Em đang như thế nào hở Cầm Thi?

– Em khỏe rồi.

– Nhưng giọng nói vẫn còn yếu lắm. Em phải nhớ ăn nhiều vào.

– Tại em không dám nói to.

Trình cười nhẹ:

– Anh hiểu. Thôi thì cứ thì thầm vào tai anh. Không được gặp, nghe giọng em cũng đỡ nhớ.

– Anh nhớ em thật à?

– Còn hơn là nhớ nữa. Một thứ cảm giác thật lạ lùng, rất sâu lắng mà anh gọi là Cầm Thi, cảm giác nồng nàn anh chưa từng có với bất cứ cô gái nào.

Cầm Thi phụng phịu:

– Anh có nhiều cô gái quá nhỉ.

– Nhiều bao nhiêu cũng còn lại mình em. Duy nhất là em.

– Lấy gì để chứng minh điều đó.

Trình nói ngay:

– Thời gian. Anh sẽ chứng minh cho cả thế giới thấy anh yêu em như thế nào.

– Không cần cả thế giới đâu. Chỉ cần anh làm cô Lan xiêu lòng là đủ rồi.

Trình tự tin:

– Rồi cô Lan sẽ xiêu lòng, em đừng lo. Anh sẽ chứng minh anh không giống như chú Luận.

Im lặng một chút, Trình hỏi:

– Em có gặp lại bà Aline Chu không?

– Dạ có. Dì Quỳnh có vào bệnh viện thăm em. Em mừng vì từ giờ trở đi, em đã có người thân bên họ ngoại, nhưng em khổ tâm vì dì Quỳnh không được bên nội em hoan nghênh.

– Anh hiểu lý do... Người lớn nào cũng cố chấp, em buồn làm gì.

Cầm Thi thở dài:

– Em không biết phải làm sao nữa. Với em, hình như chưa có niềm vui nào trọn vẹn.

Nói tới đó, giọng Cầm Thi chợt nghẹn lại, Trình xót xa nghe tiếng nấc thật khẽ đang cố nén lại của cô. Anh dịu dàng bảo:

– Hãy tin anh. Từ giờ trở đi anh luôn bên em, sẽ không có gì chia cắt được chúng ta nếu em yêu anh.

Cầm Thi nhắm mắt. Cô nghe giọng mình thật lạ.

– Em yêu anh.

– Anh yêu em và rất hạnh phúc được nghe những lời vừa rồi. Đó là câu anh mong chờ từ lâu ở em.

Thi cong đôi môi xinh xinh:

– Nếu em không nói thì sao?

– Anh sẽ chờ như đã từng chờ.

– Anh đang ở đâu vậy Trình?

– Đố em biết?

– Em không biết:

– Anh đang ngồi trong quán Hoàng Lan.

– Vậy là rất gần đây.

– Nhưng anh thấy xót xa vì không được nhìn vào mắt em, cầm tay em và nhất là không được hôn em. Anh rất nhớ môi em.

Cầm Thi đỏ mặt:

– Anh thấy ghét. Chỉ toàn nói bậy.

Rồi cô hốt hoảng:

– Cô Lan về. Thôi nghen anh.

Cầm Thi giấu vội cái di động dưới gối, mắt nhắm lại như đã ngủ.

Bà Thoại Lan tằng hắng:

– Đừng làm bộ nữa. Dậy đi cô nương.

Thi quay mặt vào vách:

– Con buồn ngủ lắm.

Bà Lan gắt:

– Có chuyện cô cần nói với con đây.

Ngồi dậy, Cầm Thi nhìn bà cô bằng đôi mắt chờ đợi lẫn tò mò. Cô không đoán được bà Lan sẽ nói gì với mình. Chuyện đó có liên quan tới Trình không.

Cầu mong là không. Vì bất cứ lời nào bà Lan dành cho Trình vào lúc này cũng khiến Cầm Thi bị tổn thương.

Bà Thoại Lan nghiêm nghị:

– Cô sẽ làm thủ tục sang tên cho con những thứ cô có như ngôi nhà này, miếng đất một ngàn mét bên quận Bảy, cổ phần trong công ty với một điều kiện.

Cầm Thi bấu những ngón tay vào mền. Trái tim cô đang muốn ngưng đập vì cái ''Một điều kiện'' nghe ra ít ỏi nhưng chắc là rất rất nặng ký của cô Lan.

Im lặng như để tăng thêm phần quan trọng cho điều kiện sắp nói ra, bà Lan từ từ hỏi:

– Con đoán thử xem điều kiện của cô là gì?

Cầm Thi lắc đầu. Cô không còn tâm trí lẫn hơi sức đâu nữa để đoán như một người có máu mê cá cược, đang dự đoán để đánh cược số phận chính mình.

Bà Thoại Lan nhấn mạnh:

– Con có thể về ở với Aline Chu nếu muốn, nhưng dứt khoát phải đoạn tuyệt với Triệu Khánh Trình.

Cầm Thi nuốt nước bọt:

– Tại sao cô ghét Trình đến thế?

Bà Thoại Lan lắc đầu:

– Cô thương con chớ không ghét Trình. Cô không thể giao con cho một đứa trăng hoa như nó. Thà bây giờ con buồn vì không được như ý muốn, nhưng về lâu về dài con sẽ không khổ.

Cầm Thi buột miệng:

– Con chấp nhận khổ, miễn sao con được như ý muốn.

Bà Lan nhìn Thi, giọng khô khốc:

– Nếu vậy con hãy rời khỏi nhà cô, đó là nỗi khổ đầu tiên con nên hạnh phúc chấp nhận để đạt được điều mình muốn.

Nhếch môi, bà nói tiếp:

– Coi như con là cháu của Aline Chu chớ không phải cháu cô. Mọi quan hệ cô cháu hai mươi mấy năm ròng chấm dứt từ đây. Cứ về sống với Aline Chu.

Cô ta giàu có, tài sản kếch sù và dĩ nhiên sẽ chiều con hết ý, chớ không như cô.

Lúc nào cũng khiến con khó chịu vì không được tự do làm theo ý mình.

Cầm Thi thảng thốt nhìn bà Lan. Bà đã gài Thi vào thế bị động hết sức khó xử. Bà biết Thi không đời nào bỏ bà đề về sống với dì Quỳnh nên mới ra điều kiện nghiệt ngã như vậy. Mà ở lại với bà đồng nghĩa với việc phải chia tay Trình. Có lẽ cô Lan đã suy tính rất kỹ khi đưa ra giải pháp này để ràng buộc Cầm Thi.

Cầm Thi ứa nước mắt, cô cố nén lòng khi bà Lan gằn từng tiếng:

– Con nghĩ sao?

Cầm Thi im lặng. Lâu lắm cô mới nói:

– Sự có mặt của con trên đời này là sự có mặt bất đắc dĩ, không được ai mong muốn. Con tồn tại bao nhiêu năm là bấy nhiêu phiền lụy cho cô. Nếu con chọn Trình con sẽ xa cô, và ngược lại. Sống như thế thật đau khổ vì phải mất mát bởi chính sự lựa chọn của mình. Tốt hơn hết, con đừng nên tồn tại nữa. Nếu con chết, không ai phải buồn vì sự lựa chọn của con.

Bà Lan quát:

– Nói bậy! Vì một đứa không đáng mà đòi chết sao? Không ngờ con tệ như vậy.

Cầm Thi nói:

– Con không biết thế nào là đáng, thế nào là không. Chỉ biết nếu phải ép mình theo như điều kiện của cô, con sẽ chết.

Bà Lan buột miệng:

– Vậy thì chết đi.

Cầm Thi quay mặt vào vách, môi mím chặt, cô không muốn khóc và cũng không muốn cô Thoại Lan biết nước mắt cô đang ràn rụa.

Ngay lúc đó, Cầm Thi nghe giọng bà Mười giận dữ:

– Cô đúng là độc ác khi nói như vậy. Không biết ngày xưa cậu Luận đã có lỗi gì với cô. Mà cho dù cậu ấy có lỗi gì đi chăng nữa, thằng Trình cũng không liên quan.

Bà Lan nạt đùa:

– Chị đừng chen vào chuyện của cô cháu tôi.

Bà Mười đỏ mặt tía tai:

– Cô chẳng có quyền gì để cấm tôi hết. Tôi phải nói vì tôi không muốn Cầm Thi bị rơi vào hoàn cảnh mẹ nó trước kia.

Ngừng lại một chút để thở, bà Mười nói dõng dạc như một lời buộc tội.

– Ngày xưa, chính cô đã cướp Luận của Diễm Chi rồi cũng chính cô khiến Diễm Chi có con với cậu Vĩnh Sang.

Mặt tái mét, bà Lan ấp úng:

– Chị.... chỉ nói bậy!

Bà Mười vẫn ong óng mồm:

– Lẽ ra tôi đã giấu kín chuyện này nhưng tại cô o ép Cầm Thi quá tôi mới nói ra. Chính Diễm Chi lúc sắp sinh Cầm Thi đã khóc với tôi rằng cô đã chuốc rượu cho anh trai mình say rồi đưa cậu ấy vào phòng Diễm Chi. Một con bé yếu đuối như Diễm Chi làm sao chống cự lại một thanh niên khỏe mạnh lại đang say.

Cầm Thi như ù đặc cả hai tai. Cô run lẩy bẩy như bị sốt rét. Hai hàm cứng ngắc, Cầm Thi cố gắng lắm mới thốt nên lời:

– Dì đừng nói nữa.

Nhưng và Mười vẫn tiếp tục kể tội bà Lan:

– Cô làm thế để Diễm Chi không còn mặt mũi nào đeo đuổi Luận, cho dù đó là đeo đuổi đơn phương trong tuyệt vọng. Cô đâu ngờ kết quả đã không như cô muốn, Luận bỏ cô để vượt biên với người khác. Thảm khốc hơn là cái chết của Diễm Chi và sự ra đời của Cầm Thi. Chính cái chết của Diễm Chi đã khiến cô luôn dày trong tội lỗi. Cô nuôi Cầm Thi chẳng qua vì muốn chuộc tội mà thôi.

Cô không muốn nó yêu Trình cũng vì sự ám ảnh tội lỗi mình đã gây ra hồi xưa...

Cầm Thi gào lên:

– Làm ơn cho con yên...

Dứt lời, cô nức nở khóc. Khóc thật to như trẻ con chớ không cần giữ ý. Bà Mười cũng hù hụ khóc theo trong lúc bà Thoại Lan đổ phịch xuống ghế như một cái xác.

Thì ra đằng sau sự thật này còn chứa cả sự thật khác. Giờ thì Cầm Thi đã biết thật chính xác nguyên nhân để mình được hiện hữu trên cuộc đời này.

Ông nội đã không nói đúng hết mọi sự. Có thể tại đây ông biết chưa tận tường sự thật, cũng có thể ông muốn giấu Cầm Thi tội lỗi của con gái mình.

Nhưng dù thế nào ngay lúc này Cầm Thi cũng có cái nhìn khác đối với cô Thoại Lan.

Giọng Thi bật lên với tất cả đau đớn:

– Con sẽ rời khỏi dây. Cô hãy xem như con đã chết. Con sẽ về sống với dì Mười như ngày xưa mẹ con đã sống.

Lảo đảo, Cầm Thi bước xuống đất. Cô có cảm giáo hụt chân và rơi tõm vào vực sâu mù khơi. Cô nghe giọng bà Mười thất thanh gọi tên mình, nhưng cô không sao đáp lại và tiếng gọi càng lúc càng xa, càng xa...

Cầm Thi bỏ chân không và chậm rãi bước dọc bờ cát phẳng lặng, ẩm mát.

Triều đang xuống, biển như xa hơn và hoang vắng hơn khiến Cầm Thi cảm nhận thật rõ nổi cô đơn của mình.

Vùng biển còn khá hoang sơ này là quê của bà Mười. Thi đã về đây như một cách trốn đời, trốn người.

Ở đây ngoài vùng phủ sóng nền cái di động nhỏ xíu của Trình chỉ là món dồ chơi của trẻ con. Cầm Thi mân mê, ngắm nhìn nó mỗi ngày, nhưng không liên lạc được với cái thế giới cô đã bỏ đi.

Vết thương bên ngoài, sát trái tim Cầm Thi đã lành. Nơi đó giờ có một vết sẹo nhỏ, vẫn còn đau đau mỗi khi chạm tới, nhưng vết thương vô hình sâu tận cùng trái tim cô thì mãi còn tươi nguyên. Cầm Thi vẫn hụt hẫng khi nghĩ tới cô Lan, mẹ ba mình và người đàn ông cô chưa biết mặt là ông Luận.

Thi liên tưởng tới một câu. Cô đã nghe đâu đó:

“Khi yêu, người ta trở nên thánh thiện”. Vậy mà có người khi yêu lại trở thành ma quỷ.

Cầm Thi thoáng rùng mình, cô vòng tay trước ngực và thèm được úp mặt vào ai đó. Khi yêu cô trở nên đơn độc như bây giờ. Ở Sài Gòn, Trình đang trở nên thế nào? Anh có giống ông chú Luận của mình không?

Cầm Thi nhắm mắt, cô nghe hơi gió mằn mặn nồng nồng của biển đang len vào mũi. Cái bao la của biển trời khiến tâm hồn cô rộng mở hơn, nhưng cũng từ sự mênh mông bát ngát của trùng khơi ấy Cầm Thi lại đau đáu một nỗi niềm về thân phận nhỏ nhoi và ngắn ngủi của kiếp nhân sinh.

Ngay lúc đó, cô nghe có người gọi tên mình. Mở mắt Cầm Thi tìm nhưng làm gì có ai ngoài những dấu chân bỏ lại phía sau của chính cô.

Cầm Thi nuốt tiếng thở dài. Cô đang nhớ Trình quá mức, giá như anh xuất hiện ngay bây giờ nhỉ?

Cúi xuống nhặt chiếc vỏ ốc trắng tinh, Thi chạm môi thổi những hạt cát bám quanh rồi ngắm nghía những vòng xoáy tròn của nó. Cầm Thi lại nghe có người gọi tên mình lần nữa. Cô vội quay vào và thấy Trình đang đứng dưới gốc bàng đỏ lá.

Thảng thốt niềm hạnh phúc, choáng ngợp nỗi bất ngờ, Cầm Thi như chôn chân một chỗ. Cô chớp mắt liên tục vì sợ mình bị ảo giáo. Nhưng đúng là Trình rồi. Anh đang lao về phía cô bằng tốc độ ào ạt của bão.

Chỉ tích tắc thôi, Cầm Thi đã thấy mình trong vòng tay Trình, mặt cô vúi vào ngực anh êm ái đến nao lòng.

Trình hôn lên tóc cô, giọng khản đi:

– Rất mừng đã gặp lại em.

Cầm Thi nghe mạch máu đập loạn xạ, hơi ấm của Trình lan tỏa khắp người cô khiến gió như nóng hơn. Nhớ nhung, khao khát đã bị kiềm chế quá lâu cả ở hai người nay tuôn ra như thác. Cầm Thi nhón chân lên đón đôi môi Trình đang tìm môi cô. Môi hai người dính chặt vào nhau, nhưng vẫn chưa thôi vơi hết nhớ thương.

Tự dưng Cầm Thi thấy nghẹn ngào. Cô mong thời gian dừng lại để được nép mãi vào Trình như thế này.

Rời môi Thi, Trình nhìn cô và nói:

– Anh yêu em! Anh không thể tưởng tượng ra cuộc sống không có em sẽ tiếp nối như thế nào. Bởi vậy anh nhất quyết phải tìm cho bằng được em.

Cầm Thi khoan khoái trong vòng tay Trình, cô thì thầm vào tai anh:

– Bằng cách nào anh đã tìm được em?

Trình hóm hỉnh – Bằng cách để trái tim lên tiếng thay cho điện thoại. Thì ra trái tim người ta là một thiết bị dò tìm tuyệt vời nhất. Nhờ nó, anh đã tìm ra em.

Cầm Thi phụng phịu:

– Anh lấp lửng hoài. Ghét!

Trình hôn phớt lên chót mũi cô:

– Anh ao ước được em ghét hoài như vầy.

Một lần nữa, Thi để môi Trình cuốn môi mình đi. Cô biết không có nỗi đau ngọt ngào nào mà người ta hy sinh tất cả để được nó hơn tình yêu. Không rời khỏi Trình, Cầm Thi để anh dìu mình vào trong bằng những bước bồng bềnh.

Hai người ngồi xuống gốc bàng cổ thụ đầy lá rụng đỏ cả một vùng cát.

Trình trầm giọng:

– Khi biết em đã bỏ đi với dì Mười, anh thật sự bị sốc vì điện thoại gọi không được. Anh vừa giận, vừa thương, vừa lo nên phone cho Hòa liên tục để hỏi về em. Khổ sao Hòa cũng chẳng khá hơn anh, cậu ta không tin tức gì, đã vậy cả gia đình cũng đang rối vì cô Thoại Lan.

Cầm Thi hỏi ngay:

– Cô Lan như thế nào:

Trình ậm ự:

– Chuyện cô Lan để nói sau, giờ anh thích nói về chúng mình hơn.

Cầm Thi làm thinh. Trình nói tiếp:

– Anh nóng ruột tưởng muốn điên lên được. Hỏi ai, ai cũng bảo không biết em ở đâu. Thế là anh về xóm Chài hỏi thăm vì anh nhớ có lần có người ở đây khoe là cùng quê với dì Mười. Số anh cũng may nên người đó đã đưa anh tới nơi. Lúc nãy thấy anh, dì Mười còn phải giật mình kinh ngạc. Người xưa nói:

“Thương nhau mấy núi cũng trèo”, quả là không sai. Nếu phải tát cạn biển để tìm em, anh cũng tát.

Cầm Thi tủm tỉm cười, khiến Trình hơi quê. Anh ấm ức:

– Sao lại cười? Bộ anh nói gì sai sao?

Thi vênh mặt lên:

– Em có phải tôm cá, ốc cua đâu mà anh đòi tát cạn biển để tìm em.

Trình say đắm nhìn Cầm Thi:

– Em là con ốc nhỏ của riêng anh.

Dúi vào tay Trình cái vỏ ốc vừa nhặt lúc nãy, Cầm Thi nói:

– Vậy em tặng anh đó.

Săm soi cái vỏ ốc, Trình bảo:

– Dễ thương lắm! Anh cố cất nó thật kỹ:

Cầm Thi tựa cầm lên vai Trình:

– Anh có biết tại sao em rời khỏi nhà cô Lan không?

Trình gật đầu:

– Anh vừa nghe dì Mười nói lý do.

Giọng Cầm Thi nghèn nghẹn:

– Anh có biết em rất buồn, rất hẫng không?

– Anh biết.

– Thế anh nghĩ gì?

Trình bóp nhẹ nhưng ngón tay Thi, trầm ngâm một hồi, anh mới nhỏ nhẹ nói:

– Tuổi trẻ là tuổi bồng bột và dễ mắc sai lầm nhất. Cô Lan cũng đã có một thời trẻ như chúng ta. Cô Lan từng yêu và đau khổ vì yêu nên mới có hành động sai trái.

Cầm Thi nói:

– Nếu nói một cách công bằng thì cô Lan quen và yêu Luận sau mẹ em. Mẹ em không hận cô Lan thì thôi, sao cô lại cô thể nghĩ ra một chuyện kinh khủng như vậy. Kinh khủng tới mức em có cảm giác mình nhơ nhớp, dơ bẩn vì được sinh ra từ một tội ác.

Trình trầm giọng:

– Nhưng cô Lan đã rất ân hận. Cô cấm đoán em và anh chẳng qua cô sợ ba chị em gái của gia đình em rơi vào bi kịch của cô ngày xưa.

Cầm Thi buột miệng:

– Đâu phải ai cũng nghĩ ra những trò như vậy.

Trình dịu giọng:

– Em vẫn còn giận cô Lan à?

Cầm Thi cầm một hòn đá nhỏ ném ra xa:

– Em thất vọng vì cô Lan đã dạy em bao nhiêu điều để làm người tốt. Càng nghĩ em càng không chịu nổi, bởi vậy thà em đừng gặp cô Lan. Mãi mãi đừng gặp lại cô Lan Trình ôn tồn:

– Không nên cực đoan như vậy. Vị tha và bao dung sẽ khiến tâm hồn em nhẹ nhõm hơn.

Cầm Thi im lặng. Một lát sau, cô hỏi:

– Em phải làm sao đây khi em không phải người rộng lượng.

Trình nhìn Thi:

– Em nên về nhà chăm sóc cô Lan.

Thi lắc đầu:

– Vào lúc này em chưa làm được điều đó.

Trình vỗ về:

– Cô Lan đang rất cần em. Sau khi em bỏ đi, cô Lan đã suy sụp hoàn toàn.

Cô ấy đã trở thành người khác với mái tóc gần như là bạc trắng.

Cầm Thi thảng thốt:

– Tóc bạc trắng à? Anh có quá lời không khi cô Lan luôn tự hào với mái tóc đen huyền của mình. Nếu có bạc cũng dăm bảy sợi thôi.

– Em không tin anh thì về gặp cô Lan sẽ biết. Hôm tới thăm cô Lan, anh thấy cố ấy già đi hằng chục tuổi, mắt thâm đen vì mất ngủ, thần sắc rất kém, trông cô tội lắm. Chắc cô Lan sụt cũng năm, sáu ký.

Cầm Thi có vẻ nao núng vì những gì vừa được nghe, nhưng vẫn nói cứng:

– Tại cô ấy thôi, chớ em có trách móc hay lên án cô ấy đâu.

– Hành động bỏ đi của em còn hơn lên án hay trách móc mấy chục lần.

Cầm Thi kêu lên:

– Vậy em là người có lỗi à?

– Con cái đôi khi cũng buồn phiền cha mẹ, nhưng nếu quay lưng luôn vào những lúc cha mẹ cần mình thì hạng người đó không ra gì.

Trình nhìn ra xa tít tận nơi biển tiếp giáp trời rồi thản nhiên nói tiếp:

– Có thể em ngụy biện rằng cô Lan không phải mẹ em, rằng em đang bị sốc.

Vì những chuyện của quá khứ, nên chưa thể quay về, nhưng dù vì lý do nào anh thấy cũng không thuyết phục được anh.

Cầm Thi xua chân cho cát lấp những cái hang nhỏ xíu của dã tràng. Cô giận vì những lời thẳng thắn vừa rồi của Trình.

Dĩ nhiên Trình biết điều đó. Anh hạ giọng:

– Anh là người thích nói thẳng. Dẫu biết em sẽ buồn. Anh yêu em. Tình yêu không chỉ là mật ngọt. Đôi khi yêu, người ta cũng cần nếm chút mật đắng để thấu đáo hơn về lẽ đời. Cầm Thi là cô gái có tâm hồn trong sáng, trái tim nhân hậu. Anh tin mình không lầm khi nói lời yêu em.

Cầm Thi chớp mi. Cô xấu hổ nhưng thật sự hạnh phúc khi có được người đàn ông như Trình. Anh đúng là chỗ dựa cho cuộc đời vốn nhiều bất hạnh của Thi.

Giọng Trình âm âm lẫn vào tiếng sóng:

– Cô Lan bảo anh tìm em rồi đưa em về cho cô ấy. Anh đã hứa sẽ làm được.

Cầm Thi hỏi gặng:

– Lỡ em không chịu thì sao?

– Thì thôi. Anh không đủ tài đức để làm người em yêu và yêu em.

Cầm Thi dài giọng:

– Anh được cô Lan tin tưởng nhỉ?

Trình đắc ý:

– Đương nhiên. Cuối cùng cô Lan cũng tâm phục khẩu phục trước tình yêu chân chính của anh, nếu không dễ gì cô ấy giao cho anh trọng trách tìm em rồi đưa em về. Giờ em nghĩ thế nào về những điều anh vừa nói?

Cầm Thi nói:

– Thật ra suốt thời gian qua, em suy nghĩ nhiều lắm. Em hiểu ra rằng:

“Không ai bằng lòng với số phận của mình dù kẻ đó là hoàng đế” Mẹ đã chết khi cho em cuộc sống, em phải sống sao cho mẹ hài lòng chứ.

Trình mỉm cười. Đứng trước biển người ta thường bao dung, rộng lượng và đứng trước biển người ta cũng thấy mình nhỏ bé với đất trời.

Anh và Cầm Thi bất quá chỉ là hai con ốc nhỏ giữa mênh mông biển dâu đời người, nhưng lại là hai con ốc biết suy nghĩ, biết yêu thương. Anh tự hứa sẽ yêu thương và chăm sóc Cầm Thi bằng tất cả máu tim mình.

Nắm tay Thi, anh bảo:

– Về thôi em. Cô Lan đang chờ.

Cầm Thi vịn vào anh để đứng dậy. Biển xôn xao như muôn đời vẫn xôn xào.

Đã có những ngày sóng xô biển động nhưng đâu rồi cũng vào đấy. Trình tin biển của riêng Cầm Thi đã qua rồi giông bão.

Hết