Chân trời cũ

Ngày lên đường

Thế rồi tôi nhất định bỏ cái tỉnh nhỏ của tôi từ đấy.

Tôi nhất định đi lính, nhất định bắt chước những bạn đồng học của tôi. Họ, một phần lớn, đã khoác lên mình bộ quần áo mầu vàng nhợt, vượt đến một nơi cách đây hàng nghìn dậm. Tiếng hát của buổi từ biệt còn văng vẳng trong tai tôi, thứ tiếng hát mỗi lần cất lên, người nghe có cái cảm tưởng được ngửi thấy mùi thuốc súng, được sống một ít cái không khí ở chiến trường.

Họ đã đi rồi. Chân trời bình yên khép lên họ.

Bây giờ đến lượt tôi.

Ròng rã trong bao nhiêu ngày trời, trong óc tôi hằn một cái dấu hỏi: đi hay ở?

Sau cùng tôi bằng lòng đi.

Tôi tâm niệm, giữ gìn cái ý định ấy cho nó khỏi phai, cho nó khỏi lạt.

Tôi không dám nhìn mẹ tôi, vì sợ những nếp nhăn trên má người.

Tôi sợ không dám chơi với ai nữa.

Tôi cầu cho cuộc đời vẫn cũ như cuộc đời, để đừng có cái gì mới hết.

Tôi sẽ hăng hái đi như các bạn, bởi quanh tôi, ở đây, gió đã vàng lắm rồi, và mùa thu của cuộc đời đã lại.

Tàu chỉ còn một chuyến nữa. Số lính kén có chừng.

Tôi hỏi tôi:

- Về nước ta sẽ làm gì? Ta yếu lắm!

Rồi tôi tự trả lời lấy:

- Quét chuồng ngựa. Lau giầy cho ba quân. Làm được tất, làm là tốt rồi.

Tôi chưa đi đâu bao giờ, nên nói đến đi đâu, tôi vẫn cảm động.

Một giang hồ ám ảnh tôi từ hồi nhỏ, ngày tôi bắt đầu cầm cái thước dò đường trên tấm bản đồ năm châu. Tôi ao ước sang Marseille, sang Manille, Hương Cảng, sang Lào, sang Cao Miên. ở đấy, tôi cũng tin chắc rằng cảnh tượng đẹp đẽ, sung sướng hơn ở tỉnh nhà.

Tôi mơ ước được làm bồi tầu thủy, được theo về xứ sở của họ, những người Pháp giàu lòng nhân từ. Tôi biết cả giá tàu sang Pháp, từ trên “pont” (1), đến hạng nhất, bằng cách mày mò, thóc mách riêng.

Nơi xa, nơi xa với tất cả những tuổi trẻ như tôi, nơi xa vẫn có một sức quyến rũ say đắm. Tôi nhớ mãi cái mầu trời xanh biếc, sắc nước lam tươi, chen vào giữa là những cánh buồm trắng chấm lửng một cách nên thơ trong mấy bức ảnh bày rải rác ở các cửa hiệu.

Tôi phải đi.

Tôi phải sống.

Đời tôi phải khác thế này.

Và cơ hội tốt nhất đã đến.

Nhưng tôi mới có mười lăm tuổi.

Tôi băn khoăn không hiểu vì sao được đi là thú, tôi lại ngại ngần giữa lúc nên đi. Vì mẹ tôi chăng? Vì nước Nam yêu quý chăng? Có lẽ. Những ruộng đất, đồi núi của xứ Trung Kỳ bình yên như thế này, ai xa mà không nhớ được!

Tôi thấy là một sức mạnh quá đầu óc tôi, sự rời bỏ một người mẹ hằng nựng nịu tôi, hôn hít tôi, hằng chia bùi, sẻ ngọt với tôi.

Thêm nữa, trời ban cho cái óc mộng, tôi đã trót làm thơ cái tình sâu rộng ấy lên, và biến nó thành tình yêu đất nước.

“Mẹ.”

Thực không còn gì có nghĩa bằng người ấy nữa. Người ấy to quá, rộng quá, tuy tất cả sự có nghĩa chỉ là cái thân hình tiều tụy, bọc bằng chiếc áo vá vai. Ngày mai đã là ngày lên đường, mà hôm nay, tôi chưa sửa soạn gì hết. Tôi đờ đẫn cả người. Tôi bâng khuâng như vừa để mất đi một cái gì thân thiết lắm. Và lúc tôi khép mắt lại để không trông thấy, không tưởng tượng gì nữa, thì hồn tôi chợt nhận biết một cảnh sắc lưu luyến hằng ngày: cảnh quê mùa, đồng áng.

Ô hay! Nước Nam đẹp đến như thế này ư? Ngày thường tôi có thấy nước Nam “mẹ” như lúc này đâu!

Một Tổ quốc.

Hai Tổ quốc.

Cái trên là cha tôi.

Cái dưới, mẹ.

Tôi nắm tay lại, nói như người quyết định:

- Đi là đi!

Đi là đi? Dễ như thế à? Không, đi là... nhớ!

Tôi để rơi một giọt nước mắt cho bạn tôi trông thấy. Hắn cười:

- À, thằng này nó khóc, anh em ạ. Hay nhớ mẹ thì ở nhà!

Tôi vội gạt nước mắt, cãi:

- Ơ! Người ta ngáp mà lại!

Sự chế giễu của bạn làm tôi hăng lên, không bịn rịn nữa. Nhưng không bịn rịn nữa thì tôi lại xấu hổ. Tôi nhận rõ rằng trong đám người quả quyết kia, tôi là người thiếu quả quyết nhất. Tôi sắp được giang hồ rất phải lúc, cái giang hồ nhiễm đầy vẻ hào hùng, phóng thái. Quê hương của tôi gọi tôi, cái đất nước mà tất cả mọi tấm lòng tôi còn đều phải thương nhớ đến.

Xưa kia, lòng tôi đôi phen náo nức, muốn cao lên, cao lên theo lá cờ vui mừng trước gió, nó là cái dấu hiệu một tình yêu khác dào dạt trong tôi.

Xưa kia, tôi từng mơ ước một cuộc đi đến mục đích, tốt đẹp như bây giờ.

Đi là sống.

Tôi cần phải đi, và đây rồi, ngày lên đường đã lại.

*

* *

Tôi vừa xếp valise, vừa gạt nước mắt.

Tôi làm cái công việc ghê gớm ấy vào một đêm khuya khoắt, lúc cả nhà tôi ngủ rồi, sau khi nói dối mẹ tôi là ra Nam thăm người bạn. Tôi nghĩ chỉ còn cách nói dối ấy là tiện, vì mẹ tôi chắc cũng không nỡ giận tôi nữa, một khi tôi ở xa.

Mẹ tôi bằng lòng cho tôi đi, nhưng ái ngại dặn:

- Con mau mà về nhà, đây mẹ cho thêm một đồng nữa mà tiêu vặt.

Trước sự tử tế trắng trợn của mẹ tôi, tôi suýt òa lên khóc, và chực nắm lấy áo người mà nói: “Không, con nói dối, con đi lính đấy, mẹ ạ”.

Cũng may lúc ấy, mẹ tôi bận hàng, để tôi có đủ thì giờ trở vào nhà, vừa đi vừa sùi sụt.

Tôi chọn những cái quần áo còn lành lặn bỏ vào trong valise, và chất thêm vào đấy ít cuốn tiểu thuyết chữ Pháp. Tôi đau đớn như người vừa phạm lỗi nặng, khi tôi nghe, từ gian phòng bên đưa lại, tiếng thở dài não nuột trong giấc ngủ của mẹ tôi.

Xếp hành lý xong, tôi bí mật trao valise cho thằng nhỏ, dặn nó mang lại nhà bạn trước vì tôi cần phải đi với vài cái quần áo cho người nhà đỡ nghi.

Sáng mai...

Ánh bình minh chưa bao giờ nhợt nhạt, sầu muộn đến thế. Tôi chống mắt thức, chờ giờ tầu, nên tiếng gà gáy thứ nhất vọng vào lòng tôi một nỗi buồn thăm thẳm. Rồi tiếp đến rạng đông diễu cái cảnh huyền ảo bên ngoài.

Sáng ấy, không hiểu sao mẹ tôi lại dậy sớm hơn mọi ngày. Từ dưới bếp, người lệ khệ mang lên một thau nước nóng, thả bơi ở giữa chiếc khăn mặt bông trắng tinh. Người còn tự rót nước cho tôi uống nữa. Lúc ấy, đã sáu giờ sáng. Chỉ còn một tiếng đồng hồ nữa là tầu chạy, là tôi đi.

- Kìa con không ra ga đi thì vừa?

Tôi không đáp, lẳng lặng cắp gói quần áo ra đi. Mẹ tôi ngờ là tôi dỗi vì có ít tiền nên gọi lại cho thêm mấy hào. Đã trót bước đi, tôi không thể nào quay lại được nữa, nên chối:

- Đã, con có đủ rồi ạ.

Giọng tôi nói run run qua bóng tối mờ mờ. Mẹ tôi đứng lặng nhìn tôi, nhưng chiếc xe tay đã chạy.

Chúng tôi có tất cả năm người đồng lòng đi.

Theo chương trình đã định, chúng tôi lấy vé tàu ra Hà Nội, rồi từ ở đấy, lên thẳng Vân Nam. Chúng tôi sẽ sống chết với nhau, chúng tôi sẽ làm đủ mọi cách để đến khi về, mặt mày được vinh dự.

Đưa chân chúng tôi hôm ấy, độ mươi người, hầu hết là bạn bè cùng lớp, những tâm hồn sôi nổi nhất, mà cũng chóng nguội lạnh nhất. Chúng tôi mặc quần áo vàng học sinh, mạnh dạn và cố lấy vẻ tươi trẻ.

Còn mười lăm phút nữa thì tàu chạy. Trong chúng tôi, lác đác có vài ba cái mặt trở nên nằng nặng, vài cặp mắt hơi chớp.

- Huýt! Huýt! Sình... Sình!

Tiếng còi và máy của tầu chở than làm chúng tôi, không hẹn nhau, cùng giật mình. Lấy vé xong, tôi vừa xách valise ra sân ga, thì có người bạn bảo tôi;

- Mẹ anh kia kìa!

Mẹ tôi thật!

Tôi vội vàng giấu chiếc valise đi, rồi chạy ra đón người. Tôi chắc mẹ tôi đã được mách về cuộc hành trình của tôi, nên tôi lo lắm. Nhưng sự thực thì mẹ tôi chưa biết gì hết. Tôi muốn khóc lên mà thú tội với người, vì tôi không còn một phần nhỏ can đảm nào bỏ đi trước những vết nhăn chằng chịt trên mặt người nữa.

Mẹ tôi đưa ra một cái gói gì to bọc bằng nhật trình, rồi bảo tôi:

- Con bỏ quên đôi giày “săng đan” này, nên mẹ phải chạy lên đưa cho con.

Mẹ tôi đã “chạy” lên thực, cố nhiên là chạy trên đôi chân gầy yếu, vì sợ tốn tiền xe, đưa cho tôi đôi giày mà người biết là tôi thích đi nhất. Tôi cầm đôi giày mà ứa nước mắt.

Tôi đã quyết định về sự đi của tôi rồi. Tôi đã quyết định bằng cách... ở lại!

Không một lời nói, tôi đến giằng chiếc valise ở tay bạn lại, và trong khi các bạn nhốn nháo ra sân ga, tôi cũng nhốn nháo... trở về.

Mẹ tôi ngạc nhiên bảo tôi:

- Sao con không đi với các anh cho vui?

Tôi lắc đầu:

- Để hôm khác con đi cũng được.

*

* *

Câu chuyện trên, mãi đến hai năm sau, mẹ tôi mới biết. Mẹ tôi biết, rồi mẹ tôi cười, rồi mẹ tôi đánh yêu tôi mà bảo:

- Mày chả về mà làm quan cho mẹ nhờ!

Các bạn tôi cũng không đạt được đến mục đích. Họ nản chí ở dọc đường. Có kẻ xuống Nam, có người gan liền theo tàu đến Hà Nội rồi đáp ô tô trở về.

Gặp lại nhau, chúng tôi chỉ cười, cười với nước mắt, và không ai bảo ai, cùng lẳng lặng đẩy câu chuyện trên kia vào dĩ vãng.

*

* *

Hôm nay, một buổi chiều không nắng, không mưa, một buổi chiều nhàn tĩnh.

Tôi đứng trên một dốc phố vắng, đưa mắt nhìn toán người từ xa lại với màu áo tôi thường khoác ngày xưa, ngày mà tôi đã suýt một lần về nước.

Gió chiều lên lành lạnh. Qua màu áo cũng bạc, cũng cũ ấy, cái màu áo xông lên mùi Á Đông, tự nhiên, tôi cảm thấy ai hoài, chua xót.

Hình như từ phương xa đương trôi về lòng tôi một buổi chiều tận thế...

Chú thích:

(1) Boong tàu.

Rút từ tập truyện ngắn Chân trời cũ.

Nhà xuất bản Nguyễn Hà, Hà Nội, 1942.