Ba tôi có tất cả ba người em, tên nghe rất đơn giản: chú Nhì, chú Ba, chú Tư. Người ở xa chúng tôi nhất là chú Nhì. Chú ở tận một làng khuất nẻo bên Tàu. Muốn đến đấy, người ta phải dùng cáng, len lỏi qua những khu rừng rậm của tỉnh Quảng Tây mênh mông.
Từ ngày nhỏ đến bây giờ, tôi thấy chú Nhì tôi trước sau hai bận. Lần đầu trở sang Tàu, chú tôi mang theo vài trăm, số tiền tiễn hành của ba tôi tặng. Con người bí mật ấy giắt vào bao da thắt lưng cáu ghét số tiền kể trên một cách bí mật không kém. Ba tôi đối với chú có vẻ thân thiện. Mẹ tôi thì chiều chú cho có lệ, cho ra vẻ ta là chị dâu. Anh tôi và tôi cũng không thích chú lắm. Hôm chú trở lại quê, sau khi thăm chúng tôi lần thứ nhất, đưa chân chú ra ga, tôi hỏi chú:
- Chú cho chúng cháu tiền đi, chú!
Chú tôi sẽ cau mày, im lặng. Cuối cùng, muốn đỡ ngượng, chú tôi vén áo, móc trong ví da ra một hào chỉ đưa cho tôi:
- Đây cho hai đứa, để đi xe về.
Tôi thoáng thấy anh Hai tôi bĩu môi một cách rõ rệt. Nghe anh, tôi ngừng ngay cuộc tiễn chân lúc ấy, và không nói, không rằng, chúng tôi lẩn ra ngoài ga, về thẳng, để mặc chú với cái sọt quần áo to tướng. Anh Hai tôi vừa đi vừa làu nhàu:
- Thế mà mình cứ tưởng bở, ít nhất mỗi đứa cũng được dăm đồng! Nếu biết cung bực này thì thèm vào mà đi đưa, thêm tốn công.
Tôi vớ lấy dịp, hỏi luôn anh:
- Còn đồng hào đây, anh cho em nhé?
Anh tôi sực nhớ ra, bảo tôi:
- Để mua chuối tiêu, ăn chung.
- Ơ, sao anh bảo anh không thèm?
Từ đấy, chúng tôi có những ý nghĩ không tốt về một phần cái đại gia đình mất tăm trên dải đất Trung Quốc. Chúng tôi yên trí rằng chú hay bác, cậu hay mợ, tất cả cũng chỉ là những người keo kiết như nhau, như chú Nhì của tôi, không hơn, không kém. Duy có anh cả tôi là phục chú lắm. Chú tôi, dưới mắt anh, là một thi sĩ, một văn nhân. Chú thuộc lòng tứ thư, ngũ kinh, và điều này mới thật lạ, nhưng đúng, là chú lại thông thạo đủ các môn võ nữa. Chú có thể, vẫn lời anh cả tôi, nhảy vút qua một cái nóc nhà chót vót, với một cái gậy tre, với hai cái vỗ vào đôi mông thực mạnh. Người chú quý hoá của tôi đã từng chống chọi với một toán cướp sáu người. Chú thắng trận nhưng bị tẹt một bên mũi.
Chú Nhì không có tài làm giàu như ba tôi, không “thạo” tiếng Pháp như ba tôi, nhưng về cái lượng hút thuốc phiện, người trên chưa chắc đã thua gì người dưới. Chú hút mỗi ngày hai ngao thuốc phiện. Chất nhựa đen âm ỉ trong người chú, làm sạm thêm những mưu mô càng ngày càng sâu sắc. Tôi không tin, mấy cũng không tin, rằng con người hóc hiểm như thế lại có thể là một thi sĩ được. Thi sĩ, tôi đoán những người ấy phải hiền lành, ngây ngô và liều lĩnh. Đằng này, chú tôi nghĩ rất chín, làm rất lẹ, giấu tiền vào hầu bao đến không một ai liếc thấy được.
Năm ba mươi tuổi, chú tôi hỏng tú tài tam trường. Chú bực dọc về nằm thở dài giữa bốn bức tường xây bằng thứ đá tảng, bắt con cháu cung đốn thuốc phiện, để nghĩ thơ. Thơ đây không phải thơ của Lý Bạch, nhưng là thứ thơ áp dụng theo thể cân đối, áp dụng trong những công việc đình đám, vui mừng hay ma chay. Và chú tôi, chung quy, chỉ là một người viết mướn.
Gia đình tôi, trừ ba tôi và cả anh tôi là những người đã ở lâu năm bên Tàu, không một ai biết tường tận về những người thân thích xa xôi hết. Họ như lìa hẳn chúng tôi, bởi họ cách xa chúng tôi quá. Đôi lúc, cái gia đình ở bên kia trùng dương lại gửi sang, để đánh thức tình thân ái của chúng tôi dậy, một vài người, một vài “chú Nhì”. Nhưng khốn nỗi, những người này lại bí mật, dè dặt quá. Thành ra tôi sống để chỉ nhận biết có ba, mẹ tôi, anh Hai tôi, và quá ra vài người gần nhất. Tôi chưa từng chiêm bao thấy khuôn mặt nào, ngoài những khuôn mặt kể trên.
Tôi thường được nghe ba tôi thuật lại cái vị trí hùng dũng của gia đình tôi ở bên Tàu: một căn nhà rộng lớn, với một khu vườn mênh mông, bao vây chung quanh là một thành tường chắc chắn dày gần nửa thước. Thêm nữa, trong nhà tôi lại có hai khẩu súng. Ba tôi kể thêm rằng nhà tôi không bao giờ bị cướp, vì linh hồn cụ tôi – chết rồi mà vẫn còn hống hách! – thường báo mộng về cho con cháu và hứa giữ gìn của cải trong họ! Nhưng dẫu có lời nói đáng tin được của ba tôi, vài năm sau, chúng tôi vẫn được tin quân Cách mệnh đến chiếm đóng căn nhà ấy như thường! Hai khẩu súng treo bên cạnh bàn thờ cụ tôi, hôm ấy, tai ác, lại không nổ được một phát nào. Chúng nó câm, vì biết cái thời kỳ làm quan của cụ tôi đã hoàn toàn bị trả lại cho đất nước Trung Hoa! Căn nhà ấy, mãi sau chú Nhì tôi mới tu sửa nó lại để làm chốn nương thân. Sửa nhà xong, chú tôi nghĩ đến cách sang Việt Nam thu tiền của ba tôi về, như tôi vừa thuật trên kia.
Họa hoằn, chú mới viết thư sang thăm ba tôi, bức thư có phong bì gạch đỏ, trên ấy tháu một hàng chữ như rồng bay. Đó là một chút lòng gửi vào trong không gian, rồi mặc cho gió cuốn, sau ba tháng, hay bốn tháng cũng không chừng, lạc lõng đến tay chúng tôi, rách, nhàu, thảm đạm. Tôi thấy ba tôi ái ngại đọc những dòng chữ đó, đọc xong đút thư dưới khay đèn, rồi không nói cho ai biết hết.
Anh tôi bảo tôi:
- Anh biết chú Nhì chả hỏi thăm ai đâu, chú ấy chỉ tiền!
Cái con người ấy chỉ tiền thật! Rồi tôi đoán chả chóng thì chầy, chú tôi sẽ lại sang đây, lại về, rồi lại sang nữa. Có điều tôi chắc chắn nhất là không bao giờ chúng tôi đưa chân chú ra ga nữa. Tôi tâm niệm, cầu khẩn cho chú đừng sang, vì thấy chú sang, chả sao, tôi cũng hơi... ghét chú.
Cách đấy một năm, ba tôi mất. Hai cái dây thép đánh về quê báo tin buồn đều bị quay trở lại. Anh cả tôi viết tiếp theo hai cái thư nữa, nhưng vẫn không thấy trả lời. Một năm rồi hai năm, rồi đến ngày tôi học lên lớp nhì. Mẹ tôi đồ rằng nhà chúng tôi ở nơi xa kia không còn ai nữa, mà có còn thì chắc cũng lang bạt xa xôi. Sự ly tận, mãi đến thời kỳ ấy, mới khiến lòng tôi buồn bã. Tôi gợi lên cái bóng người gầy yếu năm xưa, và tình thương mơ hồ đi qua không gian, đánh thức lòng nhớ mong của tôi lần đầu tiên và cũng là lần sau hết.
Tôi buồn rầu bảo anh Hai tôi:
- Chú Nhì hình như chết rồi, anh ạ.
Anh tôi lạnh lùng:
- Chú ấy còn sống nhé? Sống để rồi mang tiền về Tàu, rồi cho một hào chỉ?
Lòng tôi nghe vang một thứ gió âm u của miền sa mạc Mông Cổ, trôi qua Thiểm Tây, Cam Túc, luồn vào những khu rừng không tên của hai tỉnh Lưỡng Quảng, vượt trùng dương sang tôi, như tiếng thở dài não nùng của những linh hồn phiêu bạt. Không hiểu sao, lòng tôi rưng rưng... Tôi không yêu chú tôi thật, nhưng có cái gì, cái gì xao xuyến, huyền ảo, đã khiến tôi bâng khuâng, và tôi nhận ngay trong đó tình yêu giống nòi, gia đình, hòa lẫn với tình yêu đất nước.
Trong khi tôi buồn rất hão hờ, anh tôi vẫn nhất quyết:
- Đấy rồi xem, chậm lắm là vài tháng nữa, chú ấy lại không lò mò sang hay sao.
Vài tháng sau, chú tôi sang thật, lần này, với thêm một chiếc va li, thêm một vài nét sung sướng trên mặt. Tôi đang ngồi xếp bài tam cúc chơi, thấy chú liền reo lên:
- Chú Nhì đã sang đấy, mẹ ạ.
Mẹ tôi từ trong bếp chạy ra, khi thấy chú, thì mếu máo:
- Anh mất rồi, chú ạ.
Tôi chợt thấy như một tà thuật, ánh sáng sung sướng trên mặt chú tôi sầm lại. Trăm phần trăm đó là sự thất vọng, mà không phải lòng thương trắng trơn. Chú tôi yên lặng ngồi trên ghế, yên lặng tính toán. Mãi sau chợt nhớ ra là chưa đến thắp hương ở bàn thờ ba tôi, chú tôi nói để đỡ ngượng:
- Đâu, bàn thờ anh đâu, chị?
Sau khi nghiêng mình ba cái trước linh vị của ba tôi, con người ấy bắt đầu đưa mắt nhìn ra xung quanh... Anh Hai tôi, từ lúc nào, không thấy bén mảng gần đấy. Mẹ tôi ngồi tiếp chuyện chú, kể lể cảnh nhà sa sút trong ít lâu nay. Tôi thấy đôi phen chú tôi cau mặt lại ngẫm nghĩ. Chú không hỏi thăm chúng tôi, không hỏi thăm ai hết.
Mãi đến trưa, lúc mẹ tôi đi đâu vắng, chú yên lặng lại bên tôi, hỏi bằng một thứ giọng hết sức dè dặt của người sợ lộ chuyện bí mật:
- Cháu này, cái ấy đâu rồi?
Vừa nói, chú tôi ra hiệu bằng cách nắm tay để trước miệng. Tôi ngơ ngác không hiểu. Chú phải hỏi rõ:
- Cái dọc tẩu của ba cháu ngày xưa ấy mà!
Tôi lắc đầu:
- Cháu không biết. Hình như mẹ cháu bán đi rồi hay sao ấy!
Chú tôi thở dài một cách não nuột:
- Hoài của! Cái dọc tẩu hơn ba mươi năm!
Nói đoạn chú tôi thẫn thờ lại lục đống hành lý - một cái chăn bông, vài bộ quần áo đựng trong cái sọt mây và chiếc va li - lấy ra cái hộp sắt tây đựng những viên gì con con. Chú tôi sai tôi rót một tách nước trà, ngậm thuốc trong miệng, rồi nuốt đi.
Tôi ngây thơ hỏi chú:
- Chú đau bụng à? Mẹ cháu có thuốc đấy, để cháu lấy cho nhé?
Chú tôi lắc đầu, rồi lại nằm ở giường, mơ mộng. Tôi biết không hỏi chú thêm được điều gì nữa, nên chạy ra tìm anh tôi mà bảo:
- Anh ạ, chú Nhì đau bụng đấy.
Anh tôi ngạc nhiên:
- Thật à?
- Em thấy chú tiêu mấy viên thuốc gì đen đen với nước.
Anh tôi vụt cười:
- Mày dốt lắm! Chú ấy nuốt sái thuốc phiện đấy. Nhà ta làm gì còn giàu như ngày xưa để lúc nào cũng có bàn đèn trong nhà.
Chú tôi sống như ma xó. Chú lặng lờ đi hết vào buồng lại ra vườn, mắt như tìm một thứ gì, óc như suy một điều gì. Quang cảnh nhà tôi đã buồn, bóng con người bí mật ấy hắt lên cái váng tàn lại càng làm hằn rõ nỗi yếm thế vây bọc chúng tôi. Mẹ tôi biết ý chú, nên đi mượn một cái bàn đèn về. Quả nhiên, chú tôi hơi vui thật. Đôi mắt thâm và sâu của chú long lanh lên khi thấy cháy ngọn lửa con thân yêu, khi thấy bén mùi nhựa dễ chịu. Nhà tôi, từ đấy, đỡ được ít phần tịch mịch, tuy chịu thiếu thốn thêm ra, vì mỗi ngày mẹ tôi phải chạy vài hào chỉ thuốc phiện cung chú.
Một hôm, tự nhiên tôi thấy mất chú Nhì. Tôi chạy ra vườn rồi lại lên nhà, tôi lại ra vườn. Sau hết, ghé mắt nhìn vào chuồng tiêu, tôi vẫn không thấy con người kỳ dị ấy.
Tôi rối rít bảo mẹ tôi:
- Chú Nhì không biết đi đâu rồi, mẹ ạ. Hay là chú ấy bỏ về Tàu?
Mẹ tôi lạnh lùng:
- Dễ mà về được! Ai cung cấp thuốc phiện cho!
Khi tôi chạy ra đường, thì gặp chú đương đi lẩn lút ở một phố huyện vắng, mồm nhai nhồm nhoàm, và tay cầm một quả chuối bóc dở. Tôi đứng lại, lắc đầu nghĩ thầm:
- Cứ thế này rồi còn khá chán!
Chú tôi ăn xong chuối, giở đến gói kẹo lạc lấy ở hầu bao ra. Tôi đi rình theo sau, nhưng vì vô ý bước mạnh quá, làm chú quay lại. Tôi hỏi chú trước:
- Chú đi đâu đấy chú? Sao chú không rủ cháu đi cho vui?
Chú tôi ngậm ngay miếng kẹo lại, nói rất mau vì sợ nó rơi:
- Đi chơi!
Tôi không có ý nghĩ xin kẹo của chú, vì tôi biết có xin, chú tôi không cho là thường. Ai cấm được người nghiện tham ăn, cũng như ai nỡ trách người nghiện lười tắm. Anh Hai tôi ghét chú tôi là có lý lắm. Cái lý ấy, mãi đến bây giờ, tôi mới tìm ra.
Chú tôi còn sống với chúng tôi ngót một tháng nữa. Và sau khi nhận biết là vốn liếng nhà tôi không còn gì, chú mới ngỏ ý trở về. Mẹ tôi hốt hoảng giữ lại:
- Ấy chết! Chú ở chơi với các cháu ít lâu nữa đã.
Giọng mời của mẹ tôi rất thành thực. Là vì người chắc rằng chú tôi thế nào cũng hỏi một món vãng phí lớn. Chú tôi bảo:
- Chị có định cho thằng út về Tàu với tôi không?
Mẹ tôi lắc đầu:
- Chú tính về làm gì cho thêm tốn kém. Để sau này lớn lên nó sẽ tìm cách về thăm nhà cũng được.
Chú tôi được dịp tiếp theo khôn khéo:
- Cũng chả tốn mấy. Từ đây đi Hải Phòng mất độ 14 đồng, kể cả tiền ăn uống. Từ Hải Phòng đi Móng Cái rồi đáp thuyền buồm về tất cả độ 50 đồng.
Tôi thấy mẹ tôi có vẻ lo lắng:
- Những năm mươi đồng kia à chú?
- Thế là hà tiện, hoang ra, vài trăm!
Từ đấy, chú tôi vừa nằm hút thuốc phiện, vừa đợi món tiền vãng phí lớn kia để về Tàu. Mẹ tôi thì chạy ngược, chạy xuôi, hết mắng đầy tớ, lại đến gắt với chúng tôi. Đôi lúc, chú tôi, đỡ ngang dọc tẩu, mắt lim dim, tai hướng cả xuống dưới nhà, hỏi tôi:
- Mẹ cháu làm gì mà gắt dữ thế?
Tôi đáp:
- Mẹ cháu mấy hôm nay hình như buồn rầu nên gắt luôn.
Tôi thấy chú đặt dọc tẩu lại chỗ cũ, chép miệng:
- Việc gì mà phải buồn! Cứ đưa ra là hết chứ gì!
Tôi biết chú nóng ruột lắm, mà mẹ tôi thì cứ dùng dằng. Nửa tháng sau, số tiền vãng phí mới dồn đủ. Chú tôi tiếp lấy tiền, khẽ thở dài:
- Còn anh thì làm gì đến nỗi chật vật như thế này!
Mẹ tôi chêm vào:
- Phải, còn anh thì đã chẳng phải chạy chọt thế!
Từ hôm được tiền cho đến hôm ra về, chú tôi không cần nói chuyện với tôi nữa. Mỗi lúc tôi có mon men lại với chú, thì chú bảo nhẹ:
- Đi ra ngoài chơi, không nóng chết!
Hôm ra đi, chú tôi xét lại hành lý và các vật dụng rất cẩn thận. Đến khi thấy rằng mọi thức vẫn y nguyên, chú tôi chào mẹ tôi và chúng tôi:
- Chị ở lại nhé. Các cháu nữa, chóng ngoan, rồi bao giờ chú sang, chú mua bánh cho.
Mẹ tôi bận không ra ga được, nên sai anh Hai tôi và tôi đi tiễn.
Hai chiếc xe gỗ lăn bánh trên con đường cái quan, qua cánh đồng, rồi đến ga. Chúng tôi chia nhau ngồi làm hai toán: chú tôi với cái sọt và chiếc va li, anh tôi với tôi. Tôi lắng tai nghe từng tiếng bánh gỗ, long lở và rời rạc, như cái thanh thế đã đến lúc tàn của nhà tôi. Thỉnh thoảng, một cơn gió thổi tạt qua cánh đồng, cùng lúc đem theo lên một nỗi gì như xa xôi, bát ngát...
Chú tôi, lúc ấy, đã kéo sụp chiếc mũ dạ tàng xuống để che ánh nắng chiều vàng vọt và hình như khe khẽ thở dài...
Tôi hỏi anh tôi, để chế bớt sự im lặng nặng nhọc giữa ba người:
- Sao anh bảo anh không thèm đi tiễn chú Nhì nữa kia mà?
Anh tôi nói rất ơ hờ, nhưng rất ý vị:
- Trước khác, bây giờ khác. Bây giờ ba chúng mình đã mất rồi!
Bây giờ ba chúng tôi đã mất rồi. Cái người chú kia, dẫu keo kiệt, dẫu hóc hiểm, nhưng là cái bóng tàn còn sót lại ở một chi họ gần nhất, và cũng bắt đầu xa nhất của chúng tôi, như bóng chiều dần tan trên cánh đồng rộng rãi...
Lần đầu tiên, khói tàu hỏa che lấp bóng chú Nhì, ngừng lại trong mắt tôi, lâu lắm.
1-1941
Chân trời cũ,
Nhà xuất bản Á Châu, Hà Nội 1946.