hắng thua trên chiến trường thường phản ánh chất lượng của thông tin tình báo thu được. Trong chiến tranh Việt Nam, cả hai phía đều tận dụng mọi cơ hội để thu thập tin tức tình báo. Thông tin liên tục được thu thập, phân tích và đánh giá. Mục đích cuối cùng là biết được càng nhiều càng tốt về khả năng chiến đấu của kẻ thù – về sức mạnh, điểm yếu, chiến lược, kế hoạch, chí khí, v.v.
Nhiều khi thông tin thu được là rất chính xác; nhưng đôi lúc thì không. Phía có được thông tin chính xác sẽ dễ dàng đối phó với kẻ địch; thông tin không chính xác, ngược lại, sẽ gây ra thảm họa cho những ai tin vào nó. Nhưng đó là tất cả những điều phải có của trò chơi tìm hiểu kẻ thù và sử dụng tin tức tình báo để chiếm ưu thế.
Câu chuyện của Đại tá Trần Văn Sáng đáng quan tâm vì ba lẽ. Trước hết, nó xảy ra vào giai đoạn đầu của cuộc chiến khi Hà Nội nỗ lực tìm hiểu khả năng chiến đấu của quân Mỹ. Thứ hai, đấy là một mẩu thông tin kỳ lạ nhất được thu thập trên chiến trường và được sử dụng như một tin tức tình báo có giá trị. Thứ ba, đấy là một phương cách tình cờ cho phép Bắc Việt về lâu dài có thể đánh giá một cách chính xác điểm yếu trong cái vẻ ngoài hùng dũng của lính Mỹ. Vào thời điểm mà thông tin ấy được thu thập, Bắc Việt đang nóng lòng muốn biết đâu là “gót chân Achilles” của đối phương. Họ đã tìm ra, và qua đó tái tạo lại sự tự tin về khả năng đánh bại một lực lượng mạnh hơn mình.
Cuối năm 1965, quân của Đại tá Sáng đụng độ với một trong những đơn vị xuất sắc nhất của quân đội Mỹ, Sư đoàn Không vận 1011, tại Plei Me. Sau một trận đánh và sau khi Sư 101 rút đi, lực lượng của ông Sáng lập tức lục soát chiến trường. Thủ tục này nhằm tìm kiếm những vật khả dĩ có thể cung cấp thông tin tình báo mà kẻ thù đã để lại.
Cuộc tìm kiếm thu được kết quả lạ lùng – một con búp bê bơm hơi, mà khi thổi phồng lên thì giống hệt hình phụ nữ.
Phát hiện như thế thoạt tiên có vẻ vô giá trị. Tuy nhiên, có một sĩ quan tình báo Việt Nam lại nghĩ khác. Theo ông, con búp bê bơm hơi có thể cho thấy nội tâm của các binh sĩ thuộc loại tinh nhuệ nhất bên phía Mỹ - đặc biệt là khả năng chịu đựng của họ khi tham gia một cuộc chiến dai dẳng.
Từ cuộc sống của mình, ông Sáng thấy người Việt Nam hầu như sống cả đời trong chiến tranh. Lịch sử khắc nghiệt ấy tạo cho binh lính Việt Nam khả năng chịu đựng vô hạn. Các lực lượng chiếm đóng tại Việt Nam – dù là người Nhật Bản, người Pháp hay người Mỹ - đều đã cướp đi của người lính Việt Nam rất nhiều thứ, không chỉ tuổi trẻ mà cả cơ hội xây dựng gia đình. Ngay cả những người đã thành hôn cũng phải sống xa nhà và gia đình. Tuy nhiên, người lính Việt Nam sẵn sàng hy sinh tất cả những điều này – bởi vì không có cái giá nào là quá đắt cho mục tiêu thống nhất đất nước. Người ta sẵn sàng chấp nhận xa cách lâu dài cho tới ngày chiến thắng cuối cùng.
Viên sĩ quan tình báo Việt Nam đánh giá rằng con búp bê bơm hơi nằm trên chiến trường cho thấy người lính Mỹ không thể hy sinh những điều mà người lính Việt Nam sẵn sàng hy sinh. Không giống như binh lính Việt Nam để lại người thân yêu ở hậu phương để chiến đấu tới ngày chiến thắng, lính Mỹ, vốn thường chỉ có thời gian phục vụ một năm tại Việt Nam, không thể làm được điều ấy. Đối với viên sĩ quan tình báo nọ, con búp bê bơm hơi là bằng chứng về một điểm yếu – rằng người lính Mỹ không thể phục vụ một năm tại Việt Nam nếu không có người vợ hoặc bạn tình “nhân tạo” ở bên cạnh. Tâm trí của người lính Mỹ tập trung vào ngôi nhà và gia đình của mình hơn là chiến đấu và chiến thắng. Đây là điều cần phải được lợi dụng – và tất cả những gì người Việt Nam cần làm đó là phải kiên trì. Một khi cuộc chiến kéo dài, người Mỹ sẽ mất ý chí chiến đấu.
Người Việt Nam tin rằng, trong tinh thần người Mỹ vắng bóng lòng quyết tâm để đi đến cùng cuộc chiến – và điều này cần được khơi ra. Con búp bê bơm hơi, chiếc bật lửa với hình phụ nữ khỏa thân vốn được sử dụng rộng rãi trong quân đội Mỹ, tất cả đều cho thấy người Mỹ quá bận tâm với những gì họ đã để lại hậu phương mà không bận tâm tới tiền tuyến. Trong khi lính Mỹ chỉ nghĩ tới ngày rời Việt Nam, người Việt Nam lại chỉ nghĩ tới việc đánh đuổi lính Mỹ. Từ góc độ của người Việt Nam, hai chiều hướng tinh thần ấy hợp lại sẽ tạo nên chiến thắng cho Hà Nội.
Kể từ đó ông Sáng và đồng đội không còn coi người Mỹ là những chiến binh bất khả chiến bại. Ngược lại, họ nhận thấy ở người Mỹ những gã trai dễ tổn thương, đang ngày đêm hướng về gia đình và người thân – lối suy nghĩ làm yếu đi khả năng thực hiện nhiệm vụ đặt ra trước mắt họ.
Đó là lần đầu tiên ông Sáng nhận thấy rằng người Mỹ có thể bị đánh bại.
_______________________________
1. Thường gọi là Sư đoàn dù 101, một sư đoàn nổi tiếng thiện chiến của quân đội Mỹ. Được thành lập từ Thế chiến thứ nhất là một sư đoàn bộ binh, đến năm 1942 thì chuyển thành sư đoàn dù và có nhiều công trạng nổi bật trong Thế chiến thứ hai.