gày và đêm nối đuối nhau như thường lệ, thờ ơ trước sự đổi thay liên tục, không hay biết về sự kiến tạo và hủy diệt vẫn luôn diễn ra. Nhiều sự kiện được ôm ấp và bao bọc trong vòng tay thời gian - những sự kiện được ghi lại thành lịch sử hoặc bị chôn vùi trong ký ức những người không dám nhắc lại với người khác và thậm chí không dám nghĩ về chúng lúc ban ngày, mặc dù hầu như họ phải trả qua ác mộng mỗi đêm.
Tôi lên được năm thứ hai với điểm suýt soát. Còn Ning, nó bị đúp và phải học lại lớp mười hai. Đến lúc đó, dường như mẹ đã mệt mỏi với chuyện thúc đẩy bọn tôi. Phản ứng của bà sau khi đọc kết quả học tập của chúng tôi chỉ là ném học bạ của Ning đi và nhất quyết không nói chuyện với chúng tôi mấy ngày liền. Chỉ còn bác Ngop là để ý đến chúng tôi.
"Mẹ các cháu lúc nào chả thế. Cho mẹ ít thời gian nguôi ngoai là các cháu lại nói chuyện được với mẹ thôi mà."
"Nhưng cháu không muốn đi học nữa, bác ơi." NIng cãi lại. "Cháu đã ngán đến tận cổ rồi. Cháu ghét cái trò học vẹt này, cức học thuộc tất cả mà chả bao giờ được học cách nghĩ hay làm gì có ý nghĩa cả."
"Nào nào, nếu như cháu không tiếp tục học, làm sao cháu biết được kiến thức sâu xa đến chừng nào? Rồi thì cháu sẽ thành kẻ ngốc như bác thôi. Bác không thể tả hết là đã hối hận thế nào khi không học tốt như mấy đứa em và cuối cùng thành ra thế này. Với đầu óc của cháu, Ning à, kiến thức sẽ giúp cháu thành công trong bất cứ việc gì."
"Cháu không biết là cháu đang học vì cái gì nữa." Ning duỗi chân ra. "Ngay cả nếu cháu học, cháu cũng không được làm những gì cháu muốn bác ạ. Bây giờ không còn như trước nữa rồi."
"Tút-tút! Dĩ nhiên việc học là có lợi." Bác Ngop lấy bàn chân thúc vào chân Ning. "Ít nhất là cháu sẽ tìm được một công việc lương hậu, đủ để nuôi cả bác nữa."
"Thật ra là đúng đấy." Ning hớn hở. "Bác phải ở với cháu nhé?"
"Dĩ nhiên rồi," bác Ngop khẳng định và ôm eo Ning.
"Được rồi, cháu sẽ học vì bác," Ning thì thầm. "Cháu sẽ sống với bác."
Mặc dù bác Ngop là nguồn cảm hứng để Ning tiếp tục chăm chỉ học, bác không sống được đến ngày cô cháu gái hoàn tất việc học như bác hằng mong. Bác Ngop đã sống cả đời cho người khác: không một lần nào bác lền đấu tranh cho quyền lợi bản thân đòi lấy những gì mình mong muốn.
Jom quay lại Bangkok khi tôi đang trong học kỳ cuối cùng của năm thứ hai, và người báo tin cho tôi không ai khác ngoài Yong. Anh ta đến nói chuyện với tôi khi tình cờ gặp nhau ở quảng trường Siam. "Cậu là Béo phải không? Jom hay nhắc đến cậu lắm."
"Có tin gì của chị ấy không?"
"Cậu phải biết là cô ấy đã trở về Bangkok rồi chứ?" Anh ta nhìn tôi vẻ ngạc nhiên.
"Vậy sao?"
"Cô ấy đã thuê một căn hộ ở Pratoonarm hơn tháng này rồi."
"Anh có số điện thoại của chị ấy không?"
"Có." Yong lôi một cuốn sổ nhỏ từ trong túi áo ra. "Đây, cả địa chỉ nhà cô ấy nữa. Cậu có giấy để chép lại chứ?"
Khi đã có địa chỉ nhà Jom, tôi nhảy lên xe máy phi đến Pratoonarm. Dọc đường đi, tôi không khỏi tự hỏi bản thân liệu tôi có nên gặp lại chị và liệu tôi có thể chịu đựng nổi việc đối diện với chị trong hoàn cảnh đã khác xa ngày xưa.
"Trông cậu điềm đạm hơn, biết không?" Jom lùi lại nhìn tôi từ đầu đến chân. Ánh sáng từ hiên nhà chiếu qua mái hắt phản chiếu trong gương khiến mái tóc chị rực sáng.
"Thật tốt là chị vẫn giữ tóc dài," tôi nói nhỏ.
"Có vẻ đó là thứ duy nhất chị còn lại." Tiếng cười khẽ của Jom có gì đó chua xót.
"Con trai chị thế nào rồi?" Tôi đặt tay lên cái ghế gấp màu đỏ ở giữa tôi và chị.
"Đáng yêu lắm." Mắt chị sáng bừng tự hào. "Như một giấc mơ thành hiện thực ấy."
"Em bế thằng bé được không?" Tôi giơ tay ra như thể cố nắm giữa một thứ đang tuột đi.
"Nó vừa ngủ mất rồi." Giọng chị phảng phất vẻ bảo vệ ích kỷ. "Cậu không vội về chứ?"
"Có chuyện gì với... mẹ con chị thế?"
"Không có gì cả." Jom cười nhưng đôi mắt buồn xo. "Chị là một con ngỗng không thể đẻ trứng vàng nữa rồi." Chị nhún vai. "Vậy thôi."
"Đó là tất cả những gì gã đàn ông đó nhìn thấy ở chị sao?" tôi hỏi, trong lòng kinh hãi.
"Chị chưa từng đổ lỗi cho anh ta, hay cho bất kỳ ai." Jom đưa tay vuốt tóc, mặt vẫn ngẩng cao. "Anh ta và chị quyết định sống cùng nhau. Chị chưa bao giờ mong muốn gì ngoài việc có người thực sự hiểu mình. Nếu anh ta muốn nhiều hơn thế thì đấy là chị không biết. Chị còn không muốn nghĩ về chuyện đó. Có lẽ chị đã tự dối mình, nhưng ngay cả như vậy, chị chưa từng lừa anh ta hay ai khác."
"Thế bây giờ chị định sao?"
"Chị định làm gì ư?" chị nhăc lại. "Tại sao chị phải làm gì chứ?"
"Chị định sống ra sao? Chị định nuôi con chị như thế nào?" Tôi bước lên đứng ngay trước mặt chị. Chúng tôi nhìn thẳng vào nhau một lúc trước khi cùng quay đi.
"Chị đã nuôi bé từ lúc lọt lòng và chắc là vẫn có khả năng tiếp tục như vậy trong tương lai. Ít ra chị biết chắc là bé sẽ hiểu về cuộc sống hơn chị, xét cái kiểu chị đã được dạy dỗ."
Tôi thở dài. "Chị cũng đã trưởng thành lên nhiều, Jom ạ, đến mức em gần như không thể nhớ được trước đây trông chị như thế nào."
"Cả hai chúng ta đều đã lớn rồi." Jom đưa tay ra vỗ vai tôi nhẹ nhàng. "Quá khứ là quá khứ. Ta không cần phải nhớ đến những gì không đáng nhớ, và không cần phải nghĩ trước điều gì nếu như đó chỉ là một giấc mơ trống rỗng không bao giờ thành hiện thực." Jom thoáng mỉm cười trước khi nói với cái giọng quen thuộc: "Chị không tự nghĩ ra điều đó đâu - một người bạn đã viết vào quyển lưu bút của chị rất lâu rồi, và chị đã học thuộc nó, mặc dù chả bao giờ nhớ được tác giả là ai."
Tôi không bao giờ quay lại gặp Jom sau hôm ấy. Tôi chỉ biết được rằng chị đã tìm được việc làm ở một công ty của bạn bố mình và sống một mình với con trai, nhất quyết không dây dưa với bất cứ ai, kể cả bố đứa trẻ, người cố gắng quay lại với chị, và Yong, người vẫn luôn chung thủy với chị.
Jom quay lại Anh khi tôi đang học năm thứ tư. Trước khi đi, chị mời tôi đi ăn ở một nhà hàng nhỏ trên đường Seelom.
"Cậu sắp tốt nghiệp rồi." Chị tựa vào thành ghế trong khi dùng dĩa nghịch xa lát trên đĩa mình. "Nhiều khi chị thấy thời gian trôi qua quá nhanh. Chị vẫn có thể hình dung ra cậu, tròn như quá bỏng, xách vĩ cầm đi dọc con đường kèn hồng, đã bao nhiêu năm rồi hả Béo?"
"Có lẽ sáu hay bảy năm/" Tôi nhìn chằm chằm vào đầu dĩa của chị.
"Chị nghĩ là nhiều hơn thế." Jom lật lại ký ức. "Nhưng kệ quách đi. Nghĩ về chuyện đó chỉ phí thời gian thôi."
"Chị còn nhớ cái quán cóc không?" Tôi ngẩng đầu nhìn vào mắt chị.
"Tất nhiên." Chị cười, mắt lấp lánh. "Hồi đấy tụi mình phát điên lên với bài hát của Jim Croce ấy, ờ, nó tên là gì nhỉ?"
“Bài hát của chúng ta," tôi khẽ đáp.
"Bài hát của chúng ta," chị nhắc lại và ngân nga. Gần đúng giai điệu, nhưng không hẳn.
"... Hồi đó cậu muốn thành họa sĩ." Chị vẫn còn nhớ đến vậy.
"Đúng." Tôi gật đầu. "Chị còn trêu em, nói là em sẽ là thằng họa sĩ béo nhất nước."
"Chị nói vậy thật sao?" Jom bật cười hỏi.
"Ờ," tôi cố nhớ lại. "Em nghĩ chính chị nói vậy mà."
"Thật có quá nhiều thứ con người ta muốn làm và rồi không bao giờ làm, muốn trở thành và rồi không bao giờ thành." Jom nâng cốc nước lạnh nhấp một ngụm.
"Bao giờ chúng ta mới gặp lại nhau?" tôi hỏi mà không nhìn vào chị.
"Phải lâu nữa, như mọi khi thôi, Béo à." Jom điềm tịnh nói. "Lâu lắm.
Jom không bao giờ quay lại Thái Lan sau khi chuyển đến Anh lần ấy. Không ai nghe tin tức gì về chị từ đó, ngoài những tấm thiệp không địa chỉ người gửi từ Anh hoặc một đất nước nào đó ở châu Âu mỗi lần Tết đến.
Chương 44
ôi vẫn nhớ ngày nhận bằng đại học. Đó là ngày duy nhất mà cả nhà hỗn loạn như có lễ lạt. Mẹ dậy từ bốn giờ sáng, phăm phăm gõ cửa phòng tôi và Ning, rồi bảo chúng tôi dậy chuẩn bị quần áo. Còn bác Ngop thì bận nấu một nồi cháo tôm to đùng. "Cháu phải đi lại cả ngày hôm nay đấy, Nat. Ăn gì chắc bụng hẵng đi. Nhưng nhìn nó đi! Một thằng đàn ông lớn đùng mà ngồi ngậm thìa như trẻ con vậy!"
"Nat không ngồi ngậm thìa, bác ạ: anh ấy đang ngủ ngồi đấy. Cháu chả hiểu vì sao mẹ lại vội vàng gọi chúng cháu dậy như vậy." Ning không bao giờ bỏ lỡ cơ hội chọc ngoáy mẹ.
"Ồ vâng! Mẹ mà không gọi thì hai đứa mày sẽ ngủ quên suốt sáng thôi," mẹ vặn lại, nhưng với vẻ mặt tươi cười, dấu hiệu chắc chắn rằng bà đang rất vui. "Hôm nay là ngày quan trọng, một trong những ngày quan trọng nhất của đời người. Chúng mày luôn coi nó như chuyện đùa, thế nên mày mới chả đi đến đâu cả. Nat, mày có nghe mẹ nói không?"
"Có mà mẹ." Tôi đặt thìa xuống bát cháo. "Chỉ cần gọi con dậy lúc mẹ nói xong nhé."
"Nghe nó kìa!" Mẹ quay qua bác Amorn. "Cái thái độ kiểu đấy thì em còn biết nói gì nữa?"
"Em gieo nhân nào thì gặt quả ấy, em biết mà," bác Amorn mỉm cười đáp trong khi chấm tẩu. "Mẹ nào con nấy."
Bác Amorn lái chiếc Chevrolet Behemoth cũ ra ngoài đậu bên đường, rồi ngồi nhả những vòng khói mỏng trong lúc chờ mẹ chạy tới chạy lui, mỗi lúc quên một thứ. Ngay cả Ning cũng thay quần áo khoảng mười ba lần.
"Thực ra em muốn mặc cái chân váy ren trắng cơ. Trông nó hợp với lễ tốt nghiệp," nó cố bào chữa. Nhưng sau nhiều lần thay ra mặc vào, nó quyết định mặc đồng phục đại học.
"Sao không mặc cái váy trắng em nói?" tôi bảo nó khi cuối cùng nó cũng xuống nhà.
"Chẳng hợp gì cả." Nó cười khúc khích đoạn mở cửa ngồi vào ghế sau với tôi. "Trông quá tầm thường, như kiểu bọn phù dâu nhà quê ấy."
Còn bác Ngop thì dù tôi có cầu xin đến đâu cũng không chịu đi với chúng tôi. "Dù có phải chết bác cũng không đi. Bác chưa bao giờ thích đám đông cả. mà có khi bác lại làm điều gì đó ngớ ngẩn khiến cả nhà mất mặt thôi. Thà để Ning kể lại sau còn hơn."
Bố và Waeo đã ở trước cửa hội trường đại học. Ning và tôi nhào ra khỏi ô tô chào bố, mặc mẹ quay đi bước về hướng khác.
"Chúc mừng con." Bố vòng tay qua vai tôi ôm chặt. Hơi ấm từ người bố vẫn làm tôi ấm lòng như bao năm trước.
"Bố..."
"Con có nhớ cái ngày con bảo mẹ bắt con học Luật vì con trượt Sinlaparkorn không?"
"Có ạ." Tôi gật đầu.
"Hôm nay, bố không chắc là có nên vẫn giận mẹ con vì đã làm vậy với chuyện học của con không."
"Nhưng con vẫn không thích Luật," tôi thú nhận.
"Ta không cần phải thích tất cả những gì ta làm." Bố giơ tay gõ đầu tôi. "Cứ làm hết khả năng của con là tốt lắm rồi."
"Đây mới là cái khó khăn nhất." Ning xen vào với một giọng quá trang nghiêm khiến tất cả chúng tôi lăn ra cười.
Tôi không biết bố đi về lúc nào, nhưng khi tôi cố tìm ông giữa sự hỗn loạn của người người nhà nhà chụp ảnh trước cửa hội trường, bố đã đi mất.
Tôi vẫn luôn giữ gìn cẩn thận chiếc đồng hồ cát Jom tặng. Mặc dù bụng nó đã nứt và mờ, hai đầu gỗ cũng bắt đầu nứt vỡ, những hạt cát vẫn chảy xuống mỗi khi tôi lật ngược nó lại.
Tôi vẫn hay tự hỏi mình câu hỏi cũ ấy, rằng nếu tôi có thể giữ thời gian đứng yên, liệu tôi có thể có được tất cả những gì mình mong ước - những ngày đêm trong căn nhà cũ bên sông nơi mẹ ngồi ôm hai đứa tôi đợi bố về cho đến khi mặt trời lặn bên kia khúc quanh của con sông, để lại chúng tôi trong bóng tối cô đơn đáng sợ, hay cái khoảng thời gian đầy ắp tiếng cười và trò vui mà tôi, Porm, Chai, và Eik đã có cùng nhau... Tôi vẫn còn nhớ những ngày chúng tôi đi bộ trên con đường rợp bóng cây kèn hồng; những ngày nắm tay nhau làm thành một đoạn xích để một đưa với ra rìa đầm lầy hái đài sen rồi chia nhau ăn; những ngày túm cặp của nhau không cho đứa nào lên xe buýt trước; và tất cả những ngày Jom cùng tôi sánh bước, khoác trên vai hộp đàn đến quán cóc, nơi mà chúng tôi sẽ nhét hàng đống xu vào máy hát nghe "Chai thời gian" hết lần này đến lần khác.
“Nếu cất được thời gian trong chai
Điều đầu tiên tôi mong được làm
Là chắt chiu dành dụm từng ngày
Cho tới khi vĩnh hằng trôi qua
Chỉ để dành trọn chúng bên em
Nếu có thể khiến tháng ngày kéo dài bất tận
Nếu lời nói có thể biến ước ao thành hiện thực
Tôi sẽ lưu giữ mỗi ngày như báu vật
Và vẫn mãi như vậy
Tôi sẽ dành trọn chúng bên em
Nhưng dường như chẳng bao giờ đủ thời gian
Để làm hết những điều mình muốn
Một khi ta nhận ra mình khao khát điều chi
Tôi đã tìm kiếm đủ lâu để hiểu rằng
Em chính là người
Mà tôi muốn đồng hành qua thời gian
Nếu tôi có một chiếc hộp chỉ dành cho ước nguyện
Và những giấc mơ không bao giờ thành hiện thực
Chiếc hộp đó sẽ chẳng có gì đâu
Ngoài ký ức
Về cách em đáp lại những ước nguyện kia.”
Bài hát ấy vẫn vang vọng trong tâm trí tôi như thể sẽ không bao giờ kết thúc, dù cho máy hát có chuyển sang đĩa khác.
Tôi chậm rãi ngẩng đầu lên hít thở thật sâu trước khi cất bước một mình trên con đường kéo dài hút tầm mắt, con đường sẽ đưa tôi đến với đám đông và bao mờ mịt phía trước.
Hết