Hương quản Tồn lòng dạ hiền từ, còn thằng Tý thì tánh nết siêng năng, bởi vậy thằng Tý ở được ít ngày, nó quen rồi nó hết buồn, mà bà Hương quản thấy nó thiệt thà nhậm lẹ, bà cũng đem lòng thương nó.
Hễ chừng một tháng, hoặc một tháng rưỡi, thằng Tý nhớ em, nó xin phép về thăm, thì bà Hương quản cho liền. Tuy bà dễ như vậy, mà nó không dám dễ ngươi, hễ tối nó về thì khuya nó xuống, chẳng có khi nào nó dám ở trễ.
Hương thị Tào nhờ có mười lăm đồng bạc đợ thằng Tý, nên mua đồ bán quán lại. Thời lai vận đạt, năm nay mua bán đắt, đã khỏi cụt vốn, mà mỗi bữa lại có lời đôi ba cắc, đủ cho hai ông cháu mua gạo mà ăn với nhau.
Thấy nhà đã hết nguy rồi, lại nghĩ thân cháu ở đợ mà thương, nên chừng thằng Tý ở với bà Hương quản mãn một năm rồi, ông ta mới xuống nói mà đem về. Bà chịu tánh nết của thằng Tý, nên bà biểu Hương thị Tào để nó ở luôn với bà, như muốn lấy bạc mấy chục bà cũng sẵn lòng đưa cho. Hương thị Tào hỏi lại cháu, thì thằng Tý nó đã ưa bà Hương quản, mà nó lại thương thằng Học nữa, nên nó không muốn về, tính ở thêm một năm, trước là giúp cho bà Hương quản, sau nữa giúp thêm mười lăm đồng bạc cho ông ngoại nó. Hương thị Tào thấy vậy, không nỡ làm khó, nên phải để cho thằng Tý ở nữa.
Ngày qua tháng lại thấm thoát, thằng Tý ở với bà Hương quản Tồn mới đó mà đã gần hai năm rồi. Con Quyên năm nay đã được tám tuổi, nó biết làm công việc lặt vặt trong nhà như là vo gạo, chụm lửa, rửa chén, quét nhà, ai đến mua đồ một mình nó bán cũng được, ai thiếu tiền chút đỉnh sai nó đi đòi cũng xong. Mỗi lần thằng Tý về thăm nhà, nó thấy em nó lớn lên một chút thì trong bụng nó mừng thầm, tuy nó không nói ra, song nó cũng có nghĩ riêng rằng nuôi em nó được lớn lần lần đó, cũng có công của nó chút ít.
Tiết tháng tư tháng năm, trời mưa dầm dề, mà thằng Học lại đau, nên bà Hương quản cho nó về nhà cha mẹ nó. Phần thì mắc coi trâu, phần thì chiều chiều mưa hoài, nên hơn hai tháng rồi, thằng Tý không về thăm ngoại với em nó được. Một bữa nọ con Quyên nhớ anh nó quá, nên lối xế qua, nó xin với ông ngoại nó đặng đi xuống Phú Tiên mà thăm anh nó. Hương thị Tào châu mày nói rằng:
- Cháu đi sao được. Cháu có biết đâu mà đi?
- Ảnh có chỉ xóm cho tôi. Ra khỏi đây, dòm xóm dưới đó là Phú Tiên chớ đâu. Tôi đi được mà. Xuống đó tôi hỏi thăm nhà bà Hương quản tôi vô thì gặp ảnh chớ gì.
- Cháu đi bậy một mình họ bắt chớ.
- Giống gì mà bắt, ông ngoại khéo nói hôn! Họ bắt tôi la làng họ ở tù chớ.
- Thôi, để bữa nào rồi ông dắt cháu đi với ông.
- Tôi muốn đi bây giờ. Không biết anh Hai ảnh đau hay sao, mà hổm rày lâu quá rồi không thấy ảnh về. Để tôi xuống thăm một chút rồi tôi về liền.
Hương thị Tào dục dặc không muốn cho đi. May đâu có bà hai Én, ở giồng trên, che dù đi ngang, Hương thị hỏi bà đi đâu, bà nói đi Càng Long. Hương thị tính gởi con Quyên đi với bà. Bà chịu lãnh. Con Quyên mừng quýnh, lật đật vô buồng thay mà mặc một cái áo vải đen và một cái quần vải đen mới, rồi đội một cái khăn vải trắng mà đi với bà hai Én. Hương thị Tào dặn bà hai Én xuống Phú Tiên chỉ giùm nhà bà Hương quản cho con Quyên vô, rồi chừng bà về bà làm ơn ghé đó rước giùm cho nó về với bà.
Con Quyên ra đi thì lòng mừng khấp khởi, miệng chúm chím cười. Tuy nó mặc đồ vải bô, song mặt nó trắng tươi, môi nó đỏ lòm, gò má nó tròn vìn, chơn mày nó nhỏ mứt, bàn tay nó dịu nhỉu, tướng đi nó khoan thai, bởi vậy đi dọc đường ai gặp nó cũng ngoái đầu lại mà ngó rồi hỏi thầm rằng: “Con nhà ai ở đâu, coi bộ thì nghèo mà ngộ nghỉnh quá vậy kia”.
Xuống tới cửa nhà bà Hương quản Tồn, bà hai Én nói với con Quyên rằng: “Đây nè, nhà bà Hương quản là nhà nầy đây. Cháu vô đó, để bà đi xuống Càng Long rồi chiều bà về bà ghé bà rước nghe hôn”.
Con Quyên bước vô cửa ngõ, thì trong bụng hồi hộp, nên nó đứng lại mà ngó chừng bà hai Én. Bà hai Én đi được ít bước rồi, bà day lại thấy con nhỏ dụ dự, bà mới nói rằng: “Phải mà, vô đi”.
Con Quyên nghe đốc, nó bớt sợ, nên bước tới mà cặp mắt ngó láo liên, có ý kiếm coi anh nó có đứng đâu đó hay không. Nó vô tới giữa sân mà không thấy ai hết, duy có một con gà cồ đương bươi đống rơm và kêu lúc túc, rồi một con gà mái dắt một bầy gà con áp chạy lăng xăng. Nó không biết ai mà hỏi thăm anh nó, nên nó dục dặc, ngóng cổ mà dòm vô nhà. Có một con chó vàng nằm núp đâu trong cửa không biết, thình lình chạy ào ra, rồi xốc tới sủa vang rân. Con Quyên sợ chó cắn, nên la tiếng bài hãi.
Con Ngói ở nhà sau, nghe tiếng cho sủa lật đật chạy lên. Nó bước ra cửa, ngó thấy con Quyên nó không biết là con ai, nó la chó nín rồi hỏi nó rằng:
- Vô đây chi? Đi bậy chó cắn thì chịu lấy đa.
- Không biết có anh Hai tôi ở nhà hôn chị?
- Anh Hai mầy là ai?
- Anh Tý ở với bà đây.
- À ạ? Thằng Tý! Mầy là em nó phải hôn?
- Phải.
- Hỏi nó làm gì?
- Tôi kiếm đặng thăm ảnh.
- Không có nó ở nhà. Nó thả trâu ăn ngoài ruộng, tối nó mới về.
Con Quyên nghe nói như vậy thì ngẩn ngơ, không biết liệu lẽ nào. Nó vừa muốn trở ra lộ ngồi mà chờ anh nó, thì kế bà Hương quản bước ra hỏi rằng: “Giống gì vậy?”. Con Ngói day lại thưa với bà rằng có em thằng Tý đến kiếm nó. Bà Hương quản ngó ra ngoài sân, thấy con Quyên thì bà cười và nói rằng: “Đâu, vô đây coi nào. Trong thế hổm nay thằng Tý lâu về, nên nó xuống thăm chớ gì. Vô biểu đây”.
Con Quyên nghe bà kêu thì nó riu ríu bước lên thềm. Con chó vàng chạy theo ngừ ngừ, làm cho con Ngói sợ nó cắn con nhỏ, nên bước xuống đạp trên lưng con chó một cái, nó la ẳng ẳng rồi xụ đuôi chạy tuốt ra chuồng trâu.
Bà Hương quản vô nhà ngồi têm trầu mà ăn. Con Quyên đứng xớ rớ ngoài hàng ba, không dám vô. Bà sai con Ngói ra dẫn nó vô cửa rồi bà hỏi nó rằng:
- Mầy kiếm thằng Tý chi vậy?
- Thưa, kiếm ảnh đặng thăm ảnh.
- Ông ngoại mầy biểu mầy đi phải hôn?
- Thưa không. Tôi xin với ông ngoại tôi đặng tôi đi.
- Mầy nhớ thằng Tý lắm hay sao, nên xuống thăm nó?
- Dạ, thưa nhớ.
- Nó thương mầy hay không mà mầy nhớ nó?
- Dạ, thương chớ.
- Mấy mấy tuổi?
- Thưa, tám tuổi.
Bà Hương quản ngồi nhắm con nhỏ một hồi bà thấy gương mặt nó ngộ nghỉnh, nghe cách ăn nói nó dạn dĩ, bà thương nên bà hỏi nữa rằng: “Mầy muốn ở đây với anh mầy hôn? Như chịu ở, thì tao nói với ông ngoại mầy đặng tao mướn luôn mầy nữa? Sao? Chịu hôn?”
Con Quyên đã lột cái khăn xuống mà cầm trong tay, chừng nó nghe bà Hương quản hỏi như vậy thì nó đưa một cái chéo khăn vô miệng mà cắn, day mặt ngó ra ngoài sân, không biết phải trả lời thế nào. Bà Hương quản cứ theo hỏi nó chịu ở hay không hoài, túng thế nó phải nói rằng:
- Tôi ở rồi bỏ ông ngoại tôi ở nhà một mình hay sao?
- Vậy chớ mầy ở nhà lại có ích gì?
Con Quyên cười mà không chịu nói nữa. Bà Hương quản ngó nó một hồi nữa, rồi bà kéo gối nằm trên ván và nói với nó rằng: “Mầy ở với tao, thì tao may áo tốt quần tốt cho mà bận, tao cho ăn bánh ăn trái. Mầy sung sướng tấm thân, mà lại được gần anh mầy, khỏi nhớ nó nữa. Mầy ở lâu rồi không biết chừng tao mua bông tai, tao mua vòng đồng, tao mua kiềng, mua cà rá tao cho đeo. Chịu ở hôn?”
Con nhỏ cứ chúm chím cười hoài, không chịu mà cũng không từ. Bà Hương quản chắc nó chịu rồi, nên bà kêu con Ngói và biểu rằng: “Dắt nó ra đàng sau nó chơi, đặng chiều thằng Tý về, anh em nó thăm nhau”.
Con Ngói thấy con Quyên dễ thương, nó muốn cho con nọ ở đặng đỡ tay chưn cho nó, nên nó cho ăn ổi, ăn mận, nó theo o bế dụ dỗ cho con nọ chịu ở.
Đến chiều, con Quyên đương ngồi trong bếp mà coi con Ngói nấu cơm. Bà hai Én đi Càng Long về, bà ghé kiếm đặng dắt nó về. Bà Hương quản không cho nó về. Bà lại nói với bà hai Én rằng: “Thím về ghé nói giùm với Hương thị Tào sáng mai xuống tôi biểu. Còn con nhỏ nầy nó xuống thăm anh nó, mà nó chưa gặp thì về sao đặng. Thôi, thím về đi, để nó ở đây, nhớ ghé nói giùm với Hương thị Tào một chút nghe”.
Bà hai Én ra về chừng một lát, thì con Quyên nghe ngoài lộ có tiếng hát om sòm. Nó biết tiếng hát đó là tiếng của anh nó nên lật đật chạy ra đứng chỗ cây mận mà dòm. Bà Hương quản thấy vậy tức cười, nên bà bước lên nhà trên, có ý rình coi anh em nó gặp nhau, cách mừng thể nào.
Thằng Tý ngồi trên lưng trâu, đã quẹo vô cửa ngõ rồi mà cũng còn hát. Con Quyên vừa thấy anh nó thì nó đâm đầu chạy ra kêu rằng: “Anh Hai! Anh Hai!”. Thằng Tý nghe kêu, liền ngó vô. Nó thấy em nó thì nó nín hát và hỏi rằng: “Ủa, em! Em xuống hồi nào đó? Đi với ai?”.
Con Quyên ra tới sân, mà nó sợ trâu, nên đứng xa đáp rằng:
- Tôi xuống từ hồi xế tới giờ.
- Xuống chi vậy?
- Xuống thăm anh chớ chi.
- Em đi với ông ngoại phải hôn?
- Không. Tôi đi với bà Hai.
- Bà Hai nào?
- Bà Hai ở giồng trên.
- Em vô nhà chơi, để qua lùa trâu vô chuồng rồi qua vô.
Thằng Tý nhảy xuống lùa trâu vô chuồng. Con Quyên đứng ngó coi bộ nó vui vẻ lắm. Thằng Tý nhốt trâu xong rồi mới chạy lại nắm tay em nó mà dắt vô nhà sau, anh em nói chuyện lăng líu vui cười, bà Hương quản dòm thấy biết anh em nó thương yêu nhau lắm.
Thằng Tý hỏi lại mới hay bà Hương quản muốn mướn luôn con Quyên, nên không cho nó về mà lại nhắn ông ngoại nó xuống cho bà nói chuyện.
Tối lại bà Hương quản lên nhà trên mà ngủ. Có một mình con Ngói ở trển với bà thôi, còn bạn bè khác đều ngủ ở nhà sau. Thằng Tý dắt con Quyên lại bộ ván nhỏ dựa vách mà nằm.
Trời chuyển mưa từ hồi tối mà mưa không được, đến bây giờ thình lình ngoài hè hột mưa đổ ào, ngọn gió thổi vụt vụt. Con Quyên lạ nhà, lại nghe giông mưa nó sợ, nên nằm khít một bên anh nó rồi hỏi nhỏ anh nó rằng:
- Bà biểu tôi ở dưới nầy nữa, ở được hôn anh?
- Sao lại không được. Bà tử tế lắm.
- Mình ở hết, rồi ông ngoại làm sao?
- Ờ, nếu ở hết dưới nầy, thì ông ngoại ở nhà có một mình. Để mai ông ngoại xuống coi ông ngoại tính làm sao. Nếu ông ngoại chịu cho ở, thì em ở, có qua đây không sao đâu mà sợ, xưa rày em ở nhà, em có đi chơi đi bời gì hay không?
- Không.
- Ờ, đừng có đi chơi, nghe hôn em. Má hồi trước cũng tại đi chơi nên mới chết đó, nói cho em biết.
Hai đứa nói chuyện mới tới đó, kế con Ngói bước xuống kêu con Quyên và nói rằng: “Bà biểu mầy lên nhà trên mà ngủ với tao. Đi cho mau”.
Con Quyên dụ dự, muốn ở nhà dưới mà ngủ với anh nó. Thằng Tý sợ trái ý, bà Hương quản rầy, nên thôi thúc em nó đi, cực chẳng đã con Quyên phải lên nhà trên.
Sáng bữa sau thằng Tý lùa trâu đi ăn. Bà Hương quản bắt con Quyên ở trên nhà với bà hoài. Bà sai nó đi lấy trầu, đi múc nước, lấy chổi quét ván, hốt bỏ xác cau. Nó làm coi nhậm lẹ, gọn gàng, bà thấy như vậy thì vừa ý lắm.
Đến trưa Hương thị Tào xuống. Con nhỏ thấy ông ngoại thì nó chạy ra mừng. Bà Hương quản chào hỏi, biểu lấy trầu ăn, rồi bà nói rằng: “Tôi thấy con nhỏ nầy, sao tôi thương nó quá. Hôm qua tôi không cho nó về. Tôi nhắn chú xuống đặng tôi nói với chú để cho nó ở luôn với tôi, được hôn? Nó ở có anh có em vậy nó vui. Chú để nó ở nhà thì nó đi chơi chớ có ích gì”.
Hương thị Tào ngồi lặng thinh, không biết sao mà trả lời. Bà Hương quản bèn nói tiếp rằng: “Chú Hương cũng biết gia đạo của tôi, nên tôi chẳng giấu làm chi. Tôi có hai đứa con, mà con lớn thì có chồng xa, cả năm nó mới về thăm một lần, còn thằng nhỏ thì nó hoang đàng tôi giận tôi đuổi nó đi mất mấy năm nay. Tôi ở nhà có một mình buồn quá, nên tôi muốn có một đứa con gái nhỏ ở hủ hỉ, coi têm trầu pha nước cho tôi vậy mà. Tôi coi bộ con nhỏ nầy được, nên tôi muốn nuôi nó như con cháu trong nhà. Vậy để tôi cho chú ít chục đồng bạc làm vốn mà buôn bán. Chú để nó ở với tôi, tôi may quần áo cho nó bận, tôi sắm vòng sắm kiềng cho nó đeo. Ở gần một bên đây, chú có nhớ thì chạy xuống thăm nó, hoặc tôi cho nó về thăm chú, xa xắc gì đó mà sợ”.
Hương thị Tào đứng dậy chắp tay thưa rằng: “Thưa bà, bà thương cháu tôi, bà muốn như vậy thì tôi đội ơn bà lắm. Cháu tôi nó ở dưới nầy thì sung sướng tấm thân nó. Nó ở với tôi thì nó chơi chớ mới bây lớn mà biết làm việc gì. Ngặt vì tôi làm như vậy, thì e sợ miệng thế gian họ nói con rể tôi chết, để hai đứa con lại cho tôi, tôi đợ một đứa, còn một đứa tôi bán mà ăn, nghe cũng kỳ quá”.
Bà Hương quản cười và đáp rằng:
- Chú sợ như vậy cũng phải. Mà họ nói sao nói, thây kệ họ, miễn là chú không có bụng như vậy thì thôi, sợ làm sao? Tại tôi muốn, chớ phải chú đem đi bán hay sao mà chú ngại?
- Thưa bà, như bà muốn con Quyên ở với bà, thì tôi để nó ở, song tôi không nỡ lấy đồng tiền nào hết, nếu bà thương nó bà cho nó quần áo đặng nó mặc cho lành lẽ thì cũng đủ rồi.
- Tự ý chú. Như chú ngại không lấy tiền, để tôi sắm đồ cho con nhỏ cũng được. Bữa nay sẵn có chú xuống đây, thôi để tôi nói chuyện thằng Tý với chú luôn thể. Nó còn ở vài tháng nữa thì đủ. Tôi muốn nói với chú để nó ở luôn với tôi, chừng nào nó khôn lớn rồi chú sẽ đem về lo vợ cho nó đặng nó làm ăn, chớ bây giờ nó còn nhỏ quá, chú bắt nó về làm gì. Chú để nó ở với tôi, bắt đầu năm tới tôi cho chú hai mươi bốn đồng, thủng thẳng nó lớn thì tôi cho nó thêm tiền lần lần. Tôi biết xét công cho bạn bè trong nhà lắm, chớ không phải hẹp hòi như người ta đâu. Tôi thấy tánh ý nó tôi thương, nên tôi không muốn nó thôi. Chú thử hỏi nó coi ở với tôi có cực khổ gì không thì biết.
- Thưa bà, thuở nay nó thường nói nó mến cái đức của bà lắm, chớ nó có phiền bà chi đâu.
- Chú để nó ở luôn với tôi, chừng mười chín, hai mươi tuổi nó cưới vợ rồi, tôi để đất cho nó làm kiếm cơm mà ăn.
- Bà thương con nhà nghèo côi cút, nên bà tính như vậy, thiệt tôi cảm ơn bà không biết chừng nào. Đã biết hễ nó ở với bà thì tôi có tiền tôi ăn, mà điều làm như vậy thì tội nghiệp thân nó quá.
- Để chiều nó về, chú hỏi coi nó chịu ở nữa hay không thì biết.
- Tôi biết ý cháu tôi. Hễ hỏi thì nó chịu ở liền. Nó thấy tôi nghèo nó muốn giúp đỡ tôi. Năm trước nó nói quá nên tôi mới đem mà cho nó ở với bà, chớ có phải tại tôi muốn đợ nó đâu. Bây giờ thêm con em nó ở đây, sợ tôi bắt nó về nó cũng không thèm về nữa chớ.
- Thôi, để nó ở với tôi. Chú có cần dùng tiền bạc đặng mua lúa gạo mà ăn, hoặc mua đồ đạc mà bán thì nói cho tôi biết, tôi đưa trước cho. Muốn mấy chục cũng được, đừng có ngại chi hết.
- Thưa bà, lúc nầy tôi chưa túng.
- Ờ như có tiền thì thôi, chừng nào có túng thì xuống đây tôi đưa cho.
Bà Hương quản kêu con Quyên mà nói rằng: “Ông ngoại mầy chịu để mầy ở dưới nầy với bà rồi đó. Để sáng mai bà dắt đi chợ Vũng Liêm bà mua đồ về may quần áo cho mà bận. Bữa nào có nhớ ông ngoại, thì bà biểu thằng Tý nó dắt đi về thăm, không sao đâu mà sợ”.
Con Quyên ngó ông ngoại nó trân trân, nửa muốn ở đây cho gần anh nó, mà nửa sợ bỏ ông ngoại ở nhà một mình quạnh hiu, nên nó lặng thinh, không biết sao mà nói. Hương thị Tào thấy như vậy mới nói rằng: “Bà thương cháu, bà muốn như vậy, thôi cháu ở đây với bà. Ông cũng để thằng Tý nó ở luôn với cháu. Có nó đó, không sao đâu mà cháu sợ. Lâu lâu ông xuống ông thăm, hay là cháu có nhớ thì xin phép với bà về trển chơi. Cháu chịu hôn?”.
Con Quyên gặc đầu, mà ứa nước mắt.
Bà Hương quản cầm Hương thị Tào ở chơi, đến chiều thằng Tý về, bà kêu mà hỏi nó thì nó cũng chịu ở nữa. Nó nói rằng: “Tôi ở với bà hoài, ở tới lớn rồi sẽ về”. Bà Hương quản gắn bó quá, mà hai đứa cháu cũng thuận theo bà, Hương thị Tào không biết nói sao cho được, nên phải cho hai đứa nhỏ ở.
Từ đây con Quyên được bà Hương quản yêu mến, nên phận nó sung sướng vô cùng, còn thằng Tý, tuy là ở đợ, song nó được ở chung với em nó một nhà, nên nó chẳng việc chi làm buồn lo nữa, duy nó thương ông ngoại già cả vào ra quạnh hiu, sớm tối một mình mà thôi.
Bà Hương quản thiệt là tử tế. Con Quyên mới chịu ở với bà bữa trước, thì qua bữa sau bà mua cho nó một đôi bông tai nhỏ, một cái lược cài, một cái khăn lụa màu bông hường. Bà biểu thợ bạc đo tay mà làm cho nó một chiếc vòng trơn với một chiếc đồng bánh ú. Bà lại mua một cây lãnh, một xấp lụa đem về, lãnh thì bà cắt may quần, còn lụa thì bà may áo dài, áo vắn đủ thứ cho nó bận.
Bà không cho nó làm việc chi khác trong nhà, bà dặn nó ngày như đêm phải ở xẩn bẩn bên bà, đặng bà sai nó têm trầu, rót nước, thay ống nhổ, cạo bình vôi cho bà mà thôi. Tối thì nó nói chuyện thỏ thẻ cho bà nghe, trưa thì nó nhổ tóc ngứa cho bà ngủ.
Tuy con Quyên chưa đủ trí khôn, song nó thấy bà Hương quản thương yêu nó, cho nó mặc quần lãnh áo lụa, cho nó đeo vòng vàng, cho nó bánh nó ăn, cho nó mền nó ngủ, thì nó cảm ân nghĩa của bà, nó quyết ráng sức làm cho vừa lòng bà, bà dặn việc gì thì nó làm y lời, chẳng hề dám để sai sót.
Có một đêm, bà buồn không biết chuyện gì mà nói, bà bèn hỏi thăm con Quyên về việc cha mẹ nó. Chẳng hiểu thằng Tý có dặn trước nó hay không, mà nó nói mẹ nó ngủ ban đêm bị ăn trộm lén vô nhà đánh chết, còn cha nó đi sông lớn bị chìm ghe chết trôi. Nó giấu biệt, không chịu nói tới Hương hào Hội, mà cũng không chịu nói cha nó đạp mẹ nó té bể đầu. Mà nó nói chuyện cha mẹ nó, thì sắc mặt nó coi sầu thảm lắm, dường như đau đớn mà nhắc tới mẹ cha. Bà Hương quản thấy vậy bà động lòng, nên từ đó về sau, bà không hỏi tới chuyện ấy nữa.
Bà Hương quản ít con, không có cháu, nên bà thấy con Quyên ngộ nghĩnh bà thương, nghĩ chẳng lạ gì. Mà bà thương nó, khác hơn thương mấy đứa ở trong nhà, bà nuôi nó mới được năm bảy tháng, thì bà cho nó ăn một mâm, ngủ một mùng với bà, đi đâu bà cũng dắt nó theo, ở nhà thì bà không rời nó một giây phút. Người lạ họ không biết gốc tích con nhỏ, ai thấy cách bà đối đãi với nó như vậy thì cũng tưởng nó là con cháu ruột của bà.
Cô hai Phiên, là con gái của bà, về thăm ngó thấy bà nuôi con Quyên, cô cũng vui lòng, cô không ngăn cản chi hết.