Câu Thơ Yên Ngựa

Chương 2

Docsach24.com

hái Úy vui vẻ đặt chân lên bậc thang gác, quay đầu nhìn lại. Từ đôi mắt xếch đen nháy đến thân hình hộ pháp của phò mã toát lên một niềm hân hoan hồn nhiên gần như của trẻ thơ. Tấm thịnh tình chân thực và chất phác ấy làm Thái Úy thấy ấm lòng. Vừa lên khỏi cầu thang, phò mã đưa bàn tay to bè, vụng về nắm lấy tay Thái Úy dắt vào gian giữa. Phò mã trân trọng tự tay rót nước mời khách rồi hối hả lui vào nhà trong.

Thân Cảnh Phúc là đời phò mã thứ ba của triều Lý. Họ Thân trước kia nguyên họ Giáp là một cự tộc có thanh thế lớn nhất ở Châu Lạng, chiếm giữ vùng đất cực kỳ quan yếu nối liền phía Bắc với kinh thành Thăng Long. Con đường thông lộ duy nhất từ đất Tống sang kinh đô Đại Việt, bị chặn đứng ngay ở địa cầu châu này với hai đèo ải hiểm ác: ải Quyết Lý và ải Giáp Khâu tức ải Chi Lăng.

Con mắt định quốc sắc bén của vị vua đầu sáng lập nên triều Lý đã sớm nhận thấy chốn này là địa thế yết hầu của tổ quốc. Lý Thái Tổ đã đem con gái mình gả cho động chủ Giáp Thừa Quí. Chữ Giáp và chữ Thân viết gần giống nhau. Ngọn bút của Lý Thái Tổ chỉ cần nhích khẽ một nét sổ lên phía trên là lập tức họ Giáp đã đổi thành họ Thân, xóa nốt vết tích man động cho phò mã.

Cuộc kết thân có tính chất chiến lược này được hai họ giữ gìn vun đắp từ đời này sang đời nọ. Con Thân Thừa Quí là Thân Thiệu Thái nối cha làm châu mục. Năm Kỷ Tỵ, vua Lý Thánh Tông lại gả công chúa Bình Dương cho Thân Thiệu Thái. Đến lượt con trai của Thiệu Thái và Công chúa Bình Dương là Thân Cảnh Phúc lại được vua Lý Thánh Tông kén làm phò mã. Năm Bính Ngọ, Cảnh Phúc lấy công chúa Thiên Thành.

Riêng trong cuộc hôn nhân thứ ba này, hình như có chút gì vướng mắc không được song suốt như hai lần trước. Nghe đâu con trai lớn của quan Thái Bảo Nguyễn Châu phải lòng công chúa. Không ai biết công chúa Thiên Thành có đáp lại mối tình này ở trong gang tấc nào. Và cũng trong chừng mực nào, Thái Úy Lý Thường Kiệt có đưa bàn tay mình ra tháo gỡ sợi chỉ hồng ấy? Người ta chỉ thấy Thái Úy đích thân đưa tiễn kiệu hoa công chúa về làm dâu nhà họ Thân trước cặp mắt liếc xéo đến khó chịu của quan đại thần Nguyễn Châu. Còn phò mã Thân Cảnh Phúc thì vẫn mang bên lòng cái ân lớn của Thái Úy, người đã có công tạo dựng nên chuyện lứa đôi cho mình…

Thái Úy nhấp từng ngụm nước lão mai ngát mùi hương mộc. Qua làn khói mờ bốc lên từ trong chiếc chén men nâu, Thái Úy ngắm năm gian nhà rộng, sàn lót ván chò bào nhẵn, nước gỗ đã sẫm màu. Ông chợt mỉm cười vì một ý nghĩ ngộ nghĩnh không đâu bỗng len qua đầu óc. Ừ nhỉ! Chắc hẳn trong đời làm dâu của mình, ba nàng Công chúa họ Lý thuộc ba thế hệ kế tiếp nhau chở về đây cái phong thái thanh lịch của nếp sống kinh thành.

Rặng đào xanh mởn với những lối đi mát rượi trong vườn cây trĩu quả kia chắc có sự nhìn đến của cả ba nàng. Còn cái khay trắc nạm vân xà cừ đựng trong lễ cưới công chúa Thiên Thành thì khỏi phải đoán. Nhưng còn những chậu hoa hồng quế đặt ngoài hiên và cả cái ô cửa tròn chạy triện phủ sa ở gian mé tả… Tiếng sột soạt của loại vải thô còn mới, cắt đứt dòng suy nghĩ miên man của Thái Úy. Công chúa Thiên Thành trong bộ áo gai đại tang đã bước ra theo sau là phò mã.

Vừa gặp Thái Úy, những giọt nước mắt tích tụ từ bao giờ bỗng nhiên trào ra, lăn qua đôi gò má đầy đặn của công chúa rồi lã chã rơi xuống sàn gỗ. Thái Úy bối rối cố đoán trong giọt nước mắt khóc thương phụ hoàng ấy có phần nào hờn duyên chăng. Còn phò mã vội vã đưa tay – đôi bàn tay thô kệch rõ ràng chỉ để cầm côn kiếm hơn là quen vuốt nếp áo vợ - vụng về đỡ lấy lưng công chúa.

Nhưng cơn xúc động nào mãnh liệt đến đâu cũng phải qua nhanh. Đối với công chúa Thiên Thành, phút giây này càng qua nhanh không phải vì những lời an ủi thường tình của Thái Úy mà chính vì bản tính ít đa cảm của nàng.

Không để cho phò mã kịp chen vào được một lời, công chúa bắt đầu liến thoắng hỏi thăm Thái Úy về sức khỏe của những người thân quen rồi dần dà hỏi đến cách ăn mặc của các vị phu nhân trẻ tuổi ở kinh thành.

Nhìn vào khuôn mặt bầu bĩnh tươi tắn mỗi lúc mỗi hồng mởn lên của người thiếu phụ, Thái Úy bỗng thấy trong người nhẹ nhõm – “Thì ra mình cũng mát tay đấy chứ” - Thái Úy vừa nghĩ thầm vừa trả lời những câu hỏi tíu tít như tiếng chim đang hót quanh nhà…

Đột nhiên công chúa vỗ tay reo lên: “-Hay quá! Thái Úy lên đây vừa dịp ngày “Hội Tre Nước”. Cứ ba năm mới hội một lần. Vui đáo để”. Rồi nàng quay lại phía chồng, nheo mắt nhoẻn nụ cười ranh mãnh:

- “Phò mã phải mời cho được Thái Úy đi xem hội đấy!”.

 Cuộc vấn an công chúa kết thúc sau khi Thái Úy hứa nhận lời mời sẽ cùng công chúa đi dự hội.

Nếu ai đó tò mò theo dõi Thái Úy từ lúc rời khỏi kinh thành thì đến đây đã có thể nghĩ rằng chuyến đi thăm viếng này của Thái Úy quả là một cuộc nhàn du. Nhưng chỉ cần người ấy nghiêng tai nghe lén được vài câu giữa Thái Úy và Thân phò mã thì họ sẽ nghĩ khác ngay.

Trong căn mật thất im ắng, Thái Úy chú tâm vào câu chuyện. Rõ ràng phò mã đã cố gắng hạ thấp giọng, nhưng tiếng nói của viên hổ tướng vẫn rền vang khắp gian phòng. Khi phò mã dứt lời, Thái Úy vẫn trầm lặng như đang lắng nghe tiếng con ong mật vo ve đập cánh vào tấm màn sa treo trước mặt. Dường như để Thái Úy thật yên lòng, phò mã nói thêm:

- “Gã là cháu ruột một viên tướng rất tin cẩn của tiên phụ xưa”.

Một thoáng hài lòng làm dịu gương mặt thường ngày vốn trang nghiêm của Thái Úy.

- Tráng sĩ ấy tên gì?

- Tên là Thiết Nỗ ạ!

“Thiết Nỗ!” Thái Úy lặp đi lặp lại như cố gõ vào ký ức xem đã từng nghe vang lên tên tuổi này chưa. Phò mã lo lắng hỏi:

- Thái Úy thấy thế nào ạ?

- Khá đấy phò mã ạ! Đúng là phò mã đã tìm ra được một nhân tài.

Niềm hoan hỉ rạng dần kéo giãn những vết nhăn trên vầng trán rộng và làm giọng Thái Úy thêm phần xởi lởi:

- “Phò mã đã cất được cho lão phu một mối lo vì lâu nay thiếu người đảm nhiệm, Phò mã ạ! Nước ta nhỏ nhưng voi ta to. Biết dùng thì nó rất có lợi cả thế thủ lẫn thế công trong chốn trận mạc. Ta đã có bộ binh, thủy binh, kỵ binh. Bây giờ chưa có đội tượng binh mạnh trấn giữ ở hai cửa ải Quyết Lý, Chi Lăng, lão phu vẫn chưa thật yên lòng”.

- “Nhưng thưa Thái Úy, lâu nay biên cương vẫn chưa có gì động tĩnh…” Phò mã bỏ lửng câu nói, đôi mắt xếch ngước nhìn Thái Úy, phân vân chờ đợi. Thái Úy thong thả đứng lên:

- Phò mã còn nhớ Tiêu Chú không?

Câu hỏi bất ngờ làm phò mã sửng sốt đứng bật dậy. Làm sao phò mã có thể quên được Tiêu Chú, một viên biên quan khét tiếng lợi hại của nhà Tống, trước đây đã từng gây ra bao sóng gió ở chốn biên thùy. Phò mã thảng thốt đáp:

- Dạ, có nhớ!

- Nhưng điều cần nhớ nhất là hắn am hiểu đất nước ta như lòng bàn tay của hắn.

Hai tiếng bàn tay bỗng làm vang lên trong hồi ức những lời của thân phụ xưa… Năm Quí Tị, khi Nùng Trí Cao bị đội quân kị của tướng Địch Thanh đánh bại phải rút tàn quân chạy về đạo Đặc Ma, chính tên Tiêu Chú đã đích thân đưa quân theo vào tận sào huyệt, bắt cho được mẹ và con của Trí Cao mang về. Và từ đấy, theo như lối nói thân phụ phò mã, hắn ung dung ngồi tại Ung Châu, ngang nhiên thò bàn tay móng dài và nhọn như móng ó qua vùng biên giới, cào khoắng từ châu Quảng Nguyên đến châu Lạng Giang, với dã tâm gieo rắc bất hòa giữa hai nước. Hắn đã làm cho vua Thánh Tông nhiều phen nổi trận lôi đình, phải đem quân dàn thành hai tay thước, gõ vào trại Cổ Vạn và động Tứ Lẫm, bắt hắn phải rụt tay lại. Nhưng cái gõ đau nhất đối với Tiêu Chú là của tướng Thân Thiệu Thái, bố của phò mã. Thiệu Thái đã kéo quân tiến một mạch qua châu Tây Bình thẳng đến trại Vĩnh Bình, chém đầu viên đô giám Tống Sĩ Nghiêu bắt sống chỉ huy sứ Dương Bảo Tài làm chấn động cả một vùng Ung Châu. Trong gia phả của dòng họ Thân, đây là trang oanh liệt nhất. Chính vì việc ấy mà Tiêu Chú bị bãi chức.

Nhưng việc cũ đã xảy ra cách đây non một giáp rồi. Vì vậy phò mã bỡ ngỡ hỏi: -“Thưa Thái Úy, Tiêu Chú đã bị đình thần nhà Tống cách chức từ lâu rồi kia mà!

- “Hắn đã được ông vua mới vừa phục chức cho hắn.

Phò mã suýt bật lên một tiếng kêu kinh ngạc:

- “Hắn đã trở về ngồi ở Ung Châu rồi ư?

- “Không, hắn ngồi cao hơn. Hiện hắn ở Quế Châu kiêm chức Kinh lược sứ Quảng Tây”.

Phò mã lặng đi giây lâu không nói. Tên tuổi Tiêu Chú như một bóng ma bỗng dưng từ đâu hiện về làm quấy đảo đầu óc của phò mã. Việc dùng lại Tiêu Chú đã làm lộ rõ tâm địa của vua Tống. Nhưng câu hỏi cũ vẫn lay hoay ở trong đầu phò mã. Làm sao lâu nay biên cương vẫn chưa hề động tĩnh… Như thầm đoán được ý nghĩ của phò mã, Thái Úy nhẹ nhàng nói tiếp:

- “Nên nhớ Tiêu Chú là một viên trí tướng rất thức thời. Hắn còn đang rình rập đợi vận hội may mắn hơn lần trước”. Hai người cùng nhìn sâu vào mắt nhau, giọng Thái Úy trầm xuống khẩn thiết:

- “Phò mã biết đấy. Tiên hoàng sớm qua đời. Tự quân còn thơ bé. Lòng đình thần chưa yên. Mà Hoàng Thái hậu Thượng Dương nắm quyền nhiếp chính lại chỉ thấy cái chóp vương miện trên đầu mình chứ không nhìn rộng ra non sông đất nước. Phò mã ơi! Gánh nặng này biết sở cậy vào ai? Không hiểu xúc động vì nặng tâm tình trong lời nói của Thái Úy hay vì linh cảm được những việc trọng đại sắp xảy ra, phò mã bất giác phục xuống nắm tay Thái Úy, ngẩng mặt lên khảng khái:

- “Trọng phụ ơi! Nếu có việc gì trọng phụ cần đến thì Cảnh Phúc này không dám tiếc mạng sống để đền đáp tấm lòng tiên vương và không hổ thẹn với vong linh của tiên phụ”. Thái Úy vội khom mình nâng phò mã dậy và như vừa cất được gánh nặng trên lưng, Thái Úy trút ra một hơi thở dài nhẹ nhõm.

Đúng lúc ấy, từ bên ngoài, ba tiếng khánh vọng vào lảnh lót. Không đợi Thái Úy phải hỏi, phò mã kéo tay Thái Úy nói khẽ:

- “Thiết Nỗ đã đến xin ra mắt trọng phụ đấy”.