Câu chuyện Phật giáo

- 3 -

Những viễn cảnh của Đạo

Đức Phật không chỉ định người kế thừa và sau khi Ngài tịch diệt lần cuối, Đạo Phật không còn quyền lực tập trung. Với thời gian và sự bành trướng đến những vùng đất khác, rõ ràng là những viễn cảnh về Phật đạo phát triển. Tuy nhiên, sự chẻ ra như thế không hề tạo nên sự ly ly khai, vì những quan điểm khác nhau đang, và đã từng, được phép hiện diện trong Đạo Phật. Sự ly khai tôn giáo hình thành chỉ khi nào có sự thay đổi lề luật tu mà vì thế chia cắt rã rời Tăng Đoàn.

Kinh Nikayas bằng chữ Pali cho biết trước khi tịch diệt lần cuối Đức Phật đã bảo các đệ tử rằng họ hãy nương dựa vào chính họ và vào Giáo Pháp, coi đó là “đảo”, nơi trú thân duy nhất của mình. Theo đó, sau cái chết của Ngài, Tăng chúng tụ hội ở Rajagriha (Rajgiz ngày nay) để ghi lại những bài thuyết pháp của Đức Phật. Đây là lần Kết Tập Thứ Nhất. Khi Tăng Đoàn phân tán đi và Phật pháp phát triển, rõ ràng những cuộc tranh cãi phát sinh. Vào thời gian Kết Tập Thứ Hai ở Vesali ( khoảng năm 330 trước công nguyên), Tăng Đoàn phân chia thành nhiều bè phái, lôi kéo nhau về các hướng.

Hình thức Phật giáo bảo thủ hơn cả là Theravada (Giáo lý Tăng già) mà ngày nay nổi trội ở các nước Sri Lanka, Miến Diện, và Thái Lan. Phái này nhấn mạnh tầm quan trọng của vị Phật lịch sử cuối cùng - Sĩ Đạt Ta Cồ Đàm - và tuyên ngôn bảo lưu giáo lý chính thống của Ngài, mà “Kinh thánh” là bộ Tam Tạng Kinh, một bộ Kinh Tạng có niên đại khoảng từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, được viết bằng chữ Pali - ngôn ngữ miền Trung Ấn - gần gũi với ngôn ngữ của Đức Phật. Phật giáo nguyên thủy Theravada nhận rõ rằng có những mục đích khác nhau cho giáo chúng khác nhau. Tuy nhiên, lý tưởng của phái này là chứng quả La Hán, một người, nhờ thiền quán, đạt giác ngộ và thoát vòng luân hồi.

Một giáo phái khác nổi lên vào khoảng thời gian lần Kết Tập Thứ Hai, mặc dù xuất xứ của nó không rõ ràng. Phái này về sau được gọi là Đại Thừa (Mahayana) và ngày nay nổi trội ở Trung Quốc, Nhật, và Tây Tạng. Không như Phật giáo Theravada mà bây giờ còn tương đối thống nhất, Phật giáo Đại Thừa gồm nhiều trường phái khác nhau, như phái Thiên Thai và Tịnh Độ của Nhật Bản. Tuy thế, Đại Thừa chưa hề lập ra qui cách tu hành riêng. Các sư sãi Đại Thừa có thể thực hành pháp cùng với các phái khác, dù rằng họ có mục đích và thị kiến khác nhau về Đạo.

Đại Thừa chấp nhận Cồ Đàm là một vị Phật nhưng nới rộng quan niệm quả vị Phật bằng cách thiết lập Thánh Tòa gồm nhiều Phật và Bồ Tát. Phái này cũng làm ra nhiều kinh sách mà các phái khác những chấp nhận là những lời dạy của Đức Phật Cồ Đàm. Nói chung, Đại Thừa khác Theravada về sự trình bày mục tiêu cuối cùng mà tín đồ cần theo đuổi. Phát triển rộng mẫu hình lý tưởng La hán - người hiến trọn cho mục đích quán nội tâm - của Theravada, Đại Thừa đưa ra Bồ Tát Đạo như là sự viên mãn tối hậu. Qua ba-la-mật “Tuệ giác” (trí tuệ) và “Từ bi”, Bồ Tát dạy dỗ người khác để họ cũng được giác ngộ. Đại Thừa coi những con đường khác đều kém Bồ Tát Đạo - có ý nói một cách xúc phạm đến “những con đường” của Tiểu Thừa (Hinayana).

Một nét đặc thù của Phật giáo Đại Thừa là quan điểm cho rằng các Phật và các Bồ Tát tiến hóa cao có thể, qua quyền lực vô biên của họ, tạo ra cõi “Phật” hoặc cõi “Thanh Tịnh Độ”. những cõi Thanh Tịnh này được xem là những thiên đàng độc nhất và hạnh phúc, mà ai được tái sinh vào đó là người thiện hảo, đã dâng hiền trọng đời cho Phật Tổ. Một sinh linh ở cõi Thanh Tịnh có thể nghe và thực hành Pháp theo sóng dẫn truyền, nên mau giác ngộ. Một trong những cõi Thanh Tịnh quan trọng nhất là cõi Tịnh Độ Tây Phương do Phật A Di Đà cai quản.

Đạo Phật ở Sri Lanka

Theo truyền thuyết, sư Mahinda, con hoàng đế A Dục, thành lập Phật giáo ở Sri Lanka vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên. Phật giáo Sinhale (Bắc Ấn) chắc chắn là một tôn giáo lâu đời, và những công trình luận giảng Kinh Tạng Pali, như quyển Vissuddhimaga của Buddhaghosa, xuất xứ từ đảo này. Sri Lanka trở thành vương quốc Phật giáo Theravada nổi trội, với một Tăng Đoàn hùng hậu và những nhà cai trị hoằng bá Phật Pháp. Mối liên kết chặt chẽ giữa giáo chúng và Tăng Đoàn, với những tu viện được hoàng gia và thế tục bảo trợ, đã làm cho Đạo Phật trở thành quốc giáo và nền văn hóa mang màu sắc Phật giáo.

Lịch sử Đạo Phật ở Sri Lanka phản ánh quá khứ xáo động của hòn đảo này. Năm 1815, người Anh chiếm đảo (sau gọi là Ceylon - Tích Lan) và mở cửa cho các thừa sai Cơ Đốc vào truyền đạo. Phật giáo Sinhale đối lại bằng cách đặt nặng tính chất “luận lý” nhiều hơn tính chất “tôn giáo” và tự tái khẳng định mình là một sức mạnh sống động của xã hội. Sau độc lập quốc gia năm 1947, Tăng Đoàn đảm nhận những trách nhiệm chính trị và xã hội mới, và nói riêng, trở nên nối kết chặt chẽ với hệ thống giáo dục nước này.

. Cộng đồng Phật giáo

Theo truyền thống, là Phật tử có nghĩa là phải qui y Tam Bảo (triratna); Phật, Pháp, và Tăng (Đoàn). Tăng Đoàn nói trong bài này là một cộng đồng quí báu gồm những vị thánh tăng đã thực hành dạy giáo pháp. Từ này cũng chỉ một cộng đồng gồm các sư sãi và ni cô sống theo lề luật tu trì; và theo nghĩa rộng nhất, từ ấy còn có nghĩa bao gồm cả những người thế tục đã duy trì sự sống cho tăng ni bằng những vật phẩm cúng dường để nhận lại sự giảng dạy giáo pháp.

Sự thành lập Tăng Đoàn rõ ràng là một trong những thành tựu đáng chú ý nhất của Đức Phật. Tăng Đoàn tồn tại, biến dạng và phát triển cho đến ngày nay, tặng cho mỗi người cơ hội theo đuổi rèn luyện để được giác ngộ bằng cách tự hiến sống đời sống thanh thiện. Sự đeo đuổi như thế không bị đánh giá, dưới cái nhìn của Phật giáo, và một hành động vị kỷ, vì Tăng Đoàn, như một cơ cấu, vẫn duy trì Giáo Pháp trong sự vắng bóng Đức Phật, cho hạnh phúc của mọi loài.

Khởi thủy, Tăng Đoàn thiếu quyền chỉ huy tối cao vì Đức Phật đã từ chối thiết lập hệ thống cấp bậc và từ chối chỉ định người kế thừa. Quyền lực thuộc tập thể và việc ưu tiên được thực hiện theo thâm niên. Theo Đức Phật việc theo Giáo Pháp phải căn cứ vào kinh nghiệm và lý trí cá nhân, chứ không thuần túy do chỉ thị. Người học trước, giỏi hơn, dạy người mới; rồi ông này lại được ông thầy khác giỏi hơn dạy dỗ, và ông thầy lại được một đạo sư dạy... cứ thế lên tới chính Đức Phật. Ý niệm hệ cấp này chú trọng vào Tăng Đoàn: sự nổi trội trong quan hệ thầy trò được sự vắng bóng quyền lực tập trung bù lại, nhờ việc chuyển giao quyền lực theo cấp độ cá nhân.

Lúc khởi đầu một người nhận vào Tăng Đoàn chỉ bằng mấy từ đơi chí bhikku (Ô, hãy đến, sư - “Come, O monk") nhưng vì số người theo tăng lên và rộng đoàn phân tán mỏng ra, người ta đã đặt ra những luật lệ. Mọi Phật tử phải thực hành “Ngũ Giới” để trau dồi đời sống đạo đức; tăng và ni phải giữ thêm 5 giới nữa - những qui định rèn luyện gọi là pratimoksha. Năm giới thêm này là không ăn sau giờ ngọ (giữa trưa); không ca hát; không trang điểm thân thể; không sử dụng chỗ ngồi hoặc giường trên cao; và không dùng vàng, bạc. Con số những qui định trong pratimoksha biến đổi tùy theo giáo phái, nhưng thường có khoảng 150 điều. Phái Theravada có 227 qui điều cho sư và 311 qui điều cho ni. Nửa tháng một lần, cộng đoàn tụng chung những qui điều này, tạo dịp cho thành viên Tăng Đoàn, tự thú những vi phạm của mình.

Tu sĩ từ bỏ tất cả của cải trần thế, chỉ giữ đồ dùng cá nhân tối thiểu (một bình bát, 3 cà sa, một dây lưng, một dao cạo và một cây kim). Theo truyền thống, họ sống đời vân du khất thực, chỉ ở yên một chỗ suốt 3 tháng mùa mưa. Sư sãi sống nhờ lòng từ thiện của bá tánh để có thực phẩm, quần áo, chỗ ở, và thuốc men. Bị trục xuất chỉ trong trường hợp đặc biệt tệ hại, mặc dù sư hoặc ni luôn luôn có thể ra khỏi Tăng Đoàn nếu muốn.

Tăng Đoàn có vai trò cực kỳ quan trọng trong Đạo Phật, như là người bảo vệ và duy trì Giáo Pháp. Vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, Tăng Đoàn Theravada phân biệt sư nghiên cứu kinh sách và sư bảo tồn Kinh sách. Điều cốt tủy của Phật giáo ít ra là trong phái Theravada, luôn bận rộn với việc bảo tồn Giáo Pháp qua hệ cấp của một cộng đồng trách nhiệm hơn là dựa vào những cơ cấu quyền lực chính trị. Đây là một trong những nét quan yếu làm Phật giáo khác những tôn giáo khác, những tôn giáo tham gia tích cực - thực ra là quản lý - vào đời sống qua những lễ lạc và nghi thức. Phật giáo không có kiểu để dính chặt vào một nơi chốn hoặc một xã hội, thế nên trên đường phát triển nó có thể đồng tồn một cách hòa hợp với những tín ngưỡng bản xứ, đặc biệt với những tín ngưỡng có truyền thống liên quan đến tập tục xã hội. Ở Nhật, chẳng hạn, được biết có người lúc sinh ra là tín đồ Thần Đạo nhưng lúc chết là Phật tử - một việc nói lên khía cạnh giải thoát của Phật Pháp.

Sự quan hệ giữa Tăng Đoàn và thế tục biến thiên nhiều theo những giáo phái khác nhau. Sư phái Theravada không dùng tiền hoặc kiếm sống bằng một nghề, nhưng dựa hoàn toàn vào những vật cúng dường của giáo chúng. Mặt khác, ở những nước như Trung Quốc và Nhật Bản, nơi Phật giáo Đại Thừa nổi trội, người ta được biết một số tu viện thu vén nhiều của cải và quyền lực chính trị.

Kinh Tạng và Kinh Sách

Sau khi Đức Phật tịch diệt, công tác bảo tồn giáo lý của Ngài bắt đầu. Các đệ tử họp lại Kỳ Kết Tập Thứ Nhất ở Rajagriha (Rajgiz ngày nay) để lập ra một phiên bản chính thức những bài thuyết pháp về Giáo Pháp và luật (vinaya - những luật lệ tu trì). Như thường sự lúc bấy giờ, phiên bản không được viết ra, mà được ghi nhớ và truyền miệng. Để bảo đảm tính nhất quán của Giáo Pháp, cách diễn tả theo mẫu, cách nhắc lại, cách đánh số thứ tự, và các cách ghi nhớ khác được kết hợp. Ngoài ra, những sư được phân nhiệm chuyên ghi nhớ những phần của giáo lý.

Kinh Tạng Pali, do Phật giáo Theravada bảo tồn, là tác phẩm duy nhất hoàn chỉnh, được viết bằng ngôn ngữ Ấn Độ. Xuất xứ ở Sri Lankda khoảng thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, nó được viết bằng chữ Pali, một thổ ngữ miền Trung Ấn, gần với ngôn ngữ Magadhi - có lẽ là ngôn ngữ nói của Cồ Đàm. Kinh Tạng gồm 3 Tạng Kinh (Tipitaka) đều được coi là “lời của Đức Phật”. Tam Tạng Kinh gồm khoảng 29 công trình riêng rẽ, được sắp xếp theo chủ đề: bộ sưu tập về kỹ thuật tu hạnh (vinaya-pitaka); những bài giảng thuyết của Đức Phật (suha pitaka) kể cả “5 sưu tập”; và những giáo lý cao hơn (Abhidamma pitaka). Tam Tạng Kinh và những bài luận giảng về nó là những tác phẩm chủ yếu của Phật giáo Theravada và Pali trở thành ngôn ngữ chung của nền văn hóa Phật giáo Đông Nam Á, gần gũi với tiếng Latinh thời trung cổ của châu Âu. Những bản ghi chép cổ xưa khác của những giáo lý này tồn tại như những bản dịch, đa số được coi là những phần Kinh Tạng của Trung Quốc và Tây Tạng. Người ta tin rằng những Kinh sách thuộc Kinh Tạng Pali là lời của Đức Phật, nhưng khoảng thế kỷ thứ hai trước công nguyên, một loại Kinh Tạng Phật giáo khác xuất hiện, cũng tự cho là dẫn lời trực tiếp từ Đức Phật. Có lẽ nó xuất phát từ sự tưởng tượng của những nhà sư nào đó và rõ ràng nó đại diện một thiểu số mà một khuynh hướng không tuân phục. Trước tình trạng xuất hiện tràn lan của kinh “thánh”, những kinh mới được sản xuất bằng chữ viết tay. Những kinh sách viết tay được trọng vọng mà người ta nói rằng nhiều quyển do Đức Phật cất giấu đợi đến đúng lúc mới truyền ra. Được viết bằng thứ chữ pha trộn giữa thổ ngữ Trung Ấn và chữ Sankrit (Phạn), chúng được nói đến một cách tổng quát là “Kinh Đại Thừa”.

Đúng lúc và đặc biệt với sự bành trướng của Đạo Phật về hướng bắc và đông bắc châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Tây Tạng), những kinh sách này đạt được địa vị quan trọng và trở thành nền tảng cho toàn bộ giáo lý mới, mà một số trong đó đã được căn cứ trên một quyển, hoặc một bộ sưu tập kinh nào đó. Hiện nay đang tồn tại khoảng 600 quyển, chưa bao giờ được sắp xếp thành hệ thống liền lạc. Ngoài những kinh quan trọng của Đại Thừa, những kinh khác đã làm phát sinh ra nhiều giáo phái. Thí dụ, kinh Ba-la-mật Tuệ giác (Perfection of Wisdom sutras) phát sinh ra phái Madhyamaka triết học; kinh Liên hoa (Lotus sutra) có một số người theo; kinh Avatamsaka lắp ghép là nền tảng của phái Hoa Nghiêm ở Trung Quốc; kinh Sukhavati là công cụ phát triển của phái Tịnh Độ (Pure Land) Nhật Bản.

Ngoài kinh sách, Đạo Phật còn có một số lượng khổng lồ những công trình phê bình và những luận thuyết không phải của Đức Phật mà là do những thi sĩ và đạo sư học giả làm ra. Những tác phẩm này có trong mọi giáo phái Phật giáo và nhiều phần được sử dụng như kinh sách. Chúng gồm những sách chú giải, sách về tâm lý, sách về triết học, sách văn học và thơ - đa số được viết bằng ngôn ngữ Pali, Sankrit (Phạn), Trung Quốc, Nhật, và Tây Tạng.

. Kinh Liên Hoa (Lotus Sutra)

Kinh Liên Hoa là một trong những sách thuyết giảng phổ biến và hấp dẫn nhất của Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt ở Trung Quốc và Nhật Bản. Những phần xưa nhất hiện còn, được viết bằng tiếng Phạn, có lẽ được soạn thảo vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Nó là một tác phẩm hay và mạch lạc, được trình bày bằng văn vần và văn xuôi (người ta thường cho rằng phần văn vần (thơ) có trước phần văn xuôi.

Đức Phật truyền kinh Liên Hoa tại đỉnh Kên Kên gần Rajagriha trước một số đông đảo đệ tử và đạo sư. Dùng nhiều ẩn dụ, Ngài giảng rằng chỉ có một phương tiện đi đến giải thoát, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng khôn khéo phương tiện giảng dạy và hoàn thiện tuệ giác. Vai trò của tinh thần, tính “không”, và từ bi được nhấn mạnh trong Bồ Tát Đạo.

Kinh Liên Hoa được cho là có quyền lực thần thông nội tại và những ai biểu dương những truyền bá kinh này sẽ có công đức lớn.

La Hán, Bồ Tát và những Đạo sư khác

Ngoài Phật Cồ Đàm và các vị Phật khác, Phật giáo công nhận rất nhiều sinh linh tiến hóa cao. Một số trong họ là con người, một số chỉ biểu hiện họ như là người, số khác chỉ tồn tại trong thiền định xuất thần hoặc hình dung. Có vị dạy pháp và có vị thọ nhận, có vị được nhiều, vị được ít giáo phái tôn thờ.

Suốt cuộc đời Đức Phật, nhiều đệ tử đạt đến giác ngộ trước sự hiện diện của Ngài. Họ đã diệt được ngọn lửa tham, sân, si, đạt niết bàn, thoát vòng luân hồi sinh tử. Những vị La hán này hợp thành Tăng Đoàn Tôn Quí (Noble Sangha) là một phần trong Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng mà Phật tử qui y và tiêu biểu cho lý tưởng của phái Theravada. Vì họ thọ lãnh, chứ không phải tự mình tìm ra giáo pháp, nên họ không phải là Phật hoàn toàn.

Trong số La hán có Xá lợi Phất, nổi tiếng về trí tuệ và tài giảng dạy; Mục Kiền Liên, nổi tiếng về sức mạnh tinh thần và thiền định; và A-nan-đà, thị giả của Đức Phật, nổi tiếng về trí nhớ trong việc đọc lại giáo pháp của Đức Phật ở cuộc Kết Tập I, An-nan-đà cũng nổi tiếng về việc lập ra hệ sư nữ.

Khoảng 200-300 năm sau khi Phật tịch diệt, một quan điểm mới về lý tưởng Phật giáo bắt đầu xuất hiện. Không vừa lòng với sự giới hạn ở mức La Hán, quan điểm mới này đặt Bồ Tát là lý tưởng cao nhất của mọi người. Bồ Tát là chúng sinh quyết tâm trở nên Phật giác ngộ hoàn toàn và nguyện nỗ lực giúp những loài có tri giác đạt được giải thoát. Những sinh linh từ bi này xuất hiện nổi trội trong Phật giáo Đại Thừa. Thực ra, nét đặc biệt nhất của Đại Thừa có thể là việc cổ vũ Bồ Tát đạo như phương tiện giải thoát.

Bồ Tát đạo là con đường dài và gian khổ, thường được mô tả phải qua 10 giai đoạn và nhiều kiếp, rồi sau cùng mới đắc quả Bồ Tát. Như vậy Đại Thừa có thể có rất nhiều Bồ Tát vì dọc theo những giai đoạn tu những sinh linh tri giác có thể được Bồ Tát độ trì. Thí dụ, một Bồ Tát tiến hóa cao có thể tạo ra “những cõi Phật” mà con người có thể mong ước được tái sinh lên đó nhờ lòng chí thành và công chính.

Quan niệm Bồ Tát đôi khi kết hợp với lý thuyết “Tam Thân” của Phật (Trikaya). Lý thuyết này khẳng định rằng hình thể tối hậu của Phật quả và bản chất thật của sự vật là “Pháp Thân”. Pháp Thân từ từ hiển lộ do hai thân kia: “Hóa Thân, một hình hài vi tế mà chỉ những người tiến hóa cao trên đường tu đạo mới nhận biết được; và “Báo Thân”, thân xác thường, ai cũng trông thấy. Theo lý thuyết này, Cồ Đàm chỉ là Báo Thân, mà sự xuất hiện (hiện thân) cuối cùng là Phật tính. Các Bồ Tát khác, là những Hóa Thân, cũng có thể dạy pháp và can thiệp qua Báo Thân.

Những Bồ Tát quan trọng trong Đại Thừa gồm có Avalokiteshvara; Manjushri tiêu biểu trí tuệ và thường được biểu hiện cầm một cây kiếm dùng chặt đứt dòng vô minh; Di Lặc “Đấng Yêu Thương”, là vị Phật Tương lai, sau khi đắc Phật quả, sẽ gửi Báo Thân xuống trái đất để dạy đáo pháp.

Những đại đạo sư Phật giáo khác đôi khi được nối kết với Bồ Tát và thậm chí được coi là hiện thân của Bồ Tát. Một trong những vị này là Nagarjuna, Viện trưởng Viện Phật học Nalanda ở thế kỷ thứ hai sau Jesus. Nagarjuna được coi là người sáng lập phái Madhymaka, trường phái triết học Phật giáo hoạt động mạnh ở Ấn Độ. Phái này ảnh hưởng nhiều đến một số phái của Phật giáo Trung Quốc và Nhật Bản (như Den) và ngày nay vẫn cường thịnh ở Tây Tạng.

. Avalokiteshvara, Bồ Tát của tình thương

Avalokiteshvara, vị “Thần Nhìn Xuống” chúng ta với lòng thương xót, là một trong những Bồ Tát phổ cập của Đại Thừa. Được kính thờ như là hiện thân của tình yêu thương, Ngài thường được biểu hiện với 11 đầu và 1000 tay, tất cả được sử dụng để phân phát sự cứu độ. Avalokiteshvara là thị giải của Phật A Di Đà cai quản cõi Thanh Tịnh phương Tây. A Di Đà là một trong những Đức Phật quan trọng nhất, cư ngụ ỡ những “Cõi Phật” khác nhau trong Phật giáo Đại Thừa, Avalokiteshvara tìm nhiều cách để cứu giúp, ít nhất bằng cách hiện thân dưới nhiều hình thái: đệ tử, nhà sư, thần linh. Tara, một Bồ Tát nữ quan trọng của Phật giáo Ấn - Tây Tạng, được sinh ra từ một giọt nước mắt thương xót của Ngài và Đại Lai Đạt Ma đôi khi được coi là thối thân của Avalokiteshvara.

. Den và Phật giáo Nhật Bản

Trong nhiều hình thức Phật giáo được thực hành ở Nhật, Den có vẻ quen thuộc nhất với phương Tây, mặc dù Den chỉ chiếm không đến 10 % Phật tử Nhật đương thời. Có lẽ chính khía cạnh “nghệ thuật” của Den đã hấp dẫn những người phương Tây nhạy cảm, hoặc có lẽ chính tính chất trực tiếp và hài hước đã mê hoặc một nền văn hóa tẻ nhạt với sự phức tạp tôn giáo. Một phần sự cuồng nhiệt của phương Tây đối với Den nằm ở chỗ nó được trình bày như là một con đường dễ hiểu và dễ truyền thông để nói chuyện về giác ngộ, một con đường có “một ý nghĩa tốt đẹp và chẳng có nghĩa gì cả, tức khắc cảm thấy lâng lâng và đầy vui sướng”, như nhà bình luận phương Tây Alan Wahs (1915-1973) đã giảng giải.

Rõ ràng Den có ảnh hưởng rất lớn trên nên văn hóa Nhật Bản: đạo đức và kỹ thuật của nó được các chiến binh Samurai và các người luyện võ ứng dụng; tính đơn giản của nó truyền cảm hứng cho thơ Haiku; sự mời gọi của nói đối với thiên nhiên và vẻ đẹp đã kích thích kiến trúc và hội họa; tính trang trọng của nó được tìm thấy trong thực hành Trà đạo, và tinh thần của nó được bảo tồn trong loại hình kịch nghệ Noh. Tuy nhiên, Den còn có nhiều điều hơn thế, và Đạo Phật ở Nhật lại có nhiều điều hơn cả Den nữa.

Được người Triều Tiên truyền bá vào nước Nhật ở thế kỷ thứ sáu sau Jesus. Đạo Phật được tầng lớp cai trị người Nhật nồng nhiệt đón nhận như là một phương tiện để ổn định và khai hóa một nước đã rách nát vì tranh chấp và phong kiến. Suốt 5 thế kỷ tiếp theo, Đạo Phật được giới quí tộc bảo tồn và hoàng gia bảo trợ, đặc biệt suốt thời kỳ Nara (710-84 sau Jesus) với việc hoàng đế Shomu xây dựng quốc tự khắp nước. Những phái Phật giáo nổi trội suốt thời kỳ này, kể cả phái Thiên Thai, đều mang hình thức Đại Thừa Trung Quốc, đặt trên cơ sở Phật giáo Ấn Độ. Mặt khác, Den, từ Trung Quốc dụ nhập sang Nhật vào thế kỷ 12, đã tiến hóa thành một lối đặc thù của người Nhật. Không giống những trường phái Phật giáo Nhật Bản khác, Den là truyền thống tu hạnh, không tán dương kinh sách, cũng không thờ phụng và cầu nguyện, mà chú trọng vào kỷ luật đạo đức và thiền định.

Từ “Den” bắt nguồn ở chữ “ch'an” Trung Quốc và chữ ch'an lại phát sinh ở chữ Phạn dhyana (jhana trong tiếng Pali, khoảng 470-453 sau Jesus) khai sinh Den và về sau đem nó vào Trung Quốc. Cứ năm mới ở Nhật là người ta bán tượng Bồ Đề Đạt Ma màu đỏ tươi. Những tượng này không có cẳng chân vì tương truyền do ngồi thiền lâu quá, Ngài đã rụng mất hai chân. Truyền thuyết cũng nói rằng Bồ Đề Đạt Ma đã cắt bỏ hai mí mắt trừng phạt mình về tội ngủ thiếp đi lúc thiền và rằng cây trà đã mọc ra từ hai miếng mí mắt ấy.

Có hai trường phái Den khác biệt nhau ở Nhật mà cả hai đều xuất phát từ sự giảng dạy của những nhà sư nối dòng từ Bồ Đề Đạt Ma và cuối cùng, từ chính Đức Phật. Den Lâm Tế do Eisai (1141-1215) lập ra vào cuối thế kỷ 12, nổi tiếng về việc sử dụng công án. Công án là một đề “bí hiểm”, không có đáp án rõ rệt, được sử dụng chuyển trí não bắt được “hoát nhiên giác ngộ” (đốn ngộ). Bề ngoài, ngữ cảnh của công án có vẻ vô lý, vô dụng, nhưng bên trong, nó hình thành một phần trọng yếu của việc luyện Den. Âm thanh vỗ hai tay gợi mở một công án nổi tiếng: vậy tiếng vỗ một tay thì sao? Thì là gì? Ông thầy đặt ra cho tu sinh Den những vấn đề như thế. Tu sinh có thể mất nhiều năm suy tư ý nghĩa một công án. Khi sư phụ thỏa mãn đáp án của đệ tử, ông sẽ cho công án khác. Công án dẫn dắt một người tìm kiếm những kiến giải mới và người ta nói rằng việc “giải” công án liên quan đến một bước nhảy tinh thần. Den là cổng vào giác ngộ, và công án là “kẻ dẫn đường. Tuy nhiên, trong ngôn từ của một công án nổi tiếng thì, “nghe đây, khi không có cổng, để tôi bảo anh đi qua cách nào”.

Phái Den thứ hai là Tào Động, do Đại Sư Dogen (1200-1253) cổ vũ tăng và tục sống đời sống đơn giản. Dogen dạy một hình thức thiền gọi là Zezen ("thiền ngồi") mà qua người luyện có thể đạt được giác ngộ từ từ tiệm ngộ, chứ không bất chợt như kiểu của phái Lâm Tế. Dogen là một trong những nhân vật danh tiếng nhất trong lịch sử tôn giáo Nhật Bản. Những tác phẩm triết học của Ngài là nền tảng cho tư tưởng Den và tu viện do Ngài sáng lập - Eihei-gi - là một trung tâm Den quan trọng cho đến tận bây giờ. Phái Den Tào Động tỏ lòng tôn kính kinh sách và gương đời Đức Phật lịch sự Sĩ Đạt Ta Cồ Đàm. Đặt nặng kỷ luật, tự chủ và thực hành thiền, phái Den Tào Động có lẽ có tính “triết học” và nghệ thuật hơn phái Den kia.

Có nhiều câu chuyện liên quan đến tính nghiêm khắc của việc học Den. Thí dụ, người ta kể rằng khi một tu sinh của Sengai, thiền sư cũng là họa sĩ kiệt xuất thế kỷ 19, xin thầy cho xuất tu, liền bị thầy đấm mạnh lên đầu. Hễ nhắc lại lời thỉnh cầu là chú tiểu lại bị đấm. Cuối cùng chú nài nỉ một tì kheo giúp đỡ. Vị này thưa với Sengai và được Ngài bảo đảm sẽ cho phép chú tiểu xuất tu. Tuy thế, khi đi gặp để cảm ơn sư phụ, chú lại bị thầy cho một cú đấm. Tì kheo bạch Sengai phải chăng Ngài đã đổi ý, không muốn cho chú tiểu bỏ tu nữa. Sengai trả lời: “Không phải. Đó chỉ là cái đấm từ giã vì ta biết rằng chú này sẽ giác ngộ, và khi y trở lại, ta sẽ không có thể đấm y nữa”.

Giáo phái Phật giáo Thiên Thai và Tịnh Độ

Năm 805 sau Jesus, tức là khoảng hai thế kỷ kể từ khi Phật giáo được truyền bá vào Nhật Bản, sư Saicho từ Trung Hoa trở về với một hình thức Phật giáo mới gọi là Thiên Thai. Phái này chú tâm vào kinh Liên Hoa, coi như là giáo pháp cuối cùng và hoàn hảo của Đức Phật. Từ lúc khởi đầu, phái Thiên Thai theo kiểu chiết trung, hấp thu cả những thực hành thiền và những giáo pháp bí truyền xuất phát từ Tantra (Mật Tông). Phái này có có địa vị trung tâm của Phật giáo Nhật Bản, đã lập trung tâm tu hành cũng là Học viện Phật học trên núi Hiei, gần Tyoto. Nhiều thế hệ sư tài giỏi đã thụ huấn tại chùa Enryaku-gi ở núi Hiei. Hiện nay phái Thiên Thai vẫn chiếm 1/3 số Phật tử Nhật Bản.

Một loại Phật giáo khác phát triển suốt triều đại Kamakura (1185-1333). Cuộc chiến ác liệt nổ ra vào thời này làm nhiều người tin rằng, những ngày cuối cùng của thời đại thảm khốc đã bắt đầu. Kết quả là giáo phái Phật giáo bản xứ nổi lên, làm say mê tất cả mọi tầng lớp, kể cả đám quần chúng ngu tối. Một trong những phái này là phái Tịnh Độ thuộc Đại Thừa, được lập ra giúp mọi người đạt được giải thoát trong những ngày cuối cùng (mappo). Phái Tịnh Độ (Jodo shin) trở thành một lực lượng quân sự và phong kiến hùng mạnh ở Nhật khoảng thế kỷ 15 và hiện vẫn còn hoạt động tích cực.

Phái Tịnh Độ trông nhờ chủ yếu vào Đức A Di Đà, chủ tể “cõi Thanh Tịnh”. Cõi này là nơi tái sinh của phạm thiên và, theo phái Tịnh Độ ai muốn lên được cõi này chỉ việc niệm danh hiệu A di Đà. Tất cả các điều khác coi như thừa, kể cả thực hành tu trì - yếu tố thông thường nối kết các phái Phật giáo khác với nhau. Tu sĩ có thể kết hôn và sinh con. Phái Tịnh Độ về cơ bản khác với các phái khác nhưng vẫn thuộc Phật giáo do có những nguồn gốc văn hóa và tâm linh chung.

. Đạo Phật ở Tây Tạng

Các nhà truyền giáo Ấn Độ đầu tiên đến Tây Tạng truyền bá Đạo Phật vào thế kỷ 7 sau Jesus, nhưng sau hai thế kỷ, ảnh hưởng của nó suy giảm do hỗn loạn chính trị và tôn giáo. Được tái nhập vào thế kỷ 11, Đạo Phật từ đấy trở nên trung tâm của văn hóa và xã hội Tây Tạng.

Phật giáo Tây Tạng là một hình thức Đại Thừa, có nhiều trường phái và cách thực hành. Một mặt, đặc tính bí truyền và nhiều nghi thức của nó bắt nguồn từ Mật Tông Ấn Độ, một phái Phật giáo “huyền bí”, kết hợp giữa tư tưởng Phật giáo và Ấn Độ giáo. Mặt khác, sự tu dưỡng tinh vi và có hệ thống của nó đã bị ảnh hưởng bởi những phái có trình độ của Ấn Độ.

Hai nhân vật, Padmasambhava và Atisha, có ảnh hưởng lớn trên sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng. Là một du tăng Mật Tông kiêm chuyên gia về pháp thuật và đạo sư huyền bí, Padmasambhava được vua vời vào đặt nền móng cho tu viện Tây Tạng đầu tiên tại Sam-yay vào thế kỷ 8 sau Jesus. Ngài đã khuất phục được đám quỉ địa phương phá hỏng kế hoạch xây dựng và đặt chúng dưới sự giáo hóa của Phật Pháp. Ngài cũng lập Nying ma pa Order, một trong bốn phái chính của Phật giáo Tây Tạng. Vừa là một đao sư Mật Tông vừa là người thiết lập trật tự tu hạnh, Padmasambhava tượng trưng hai khuynh hướng trong Phật giáo Tây Tạng và được tôn kính cho đến nay. Có thể nói trường hợp Atisha (982-1054 sau Jesus) giống như vậy. Ngài đến Tây Tạng năm 1042 sau Jesus. Atisha là một nhà sư trí thức người Bengal đã từng đi rất nhiều nơi và nổi tiếng khắp Ấn Độ về sự uyên bác của Ngài. Ngài đòi hỏi kỷ luật tu trì, nhấn mạnh sự quan trọng của đời sống độc thân của tăng lữ, nhưng Ngài cũng đem kiến thức mới mẻ vào việc nghiên cứu và thực hành kinh sách và Mật Tông. Ngài nhấn mạnh việc sùng bái Bồ Tát Avalokiteshvara và tầm quan trọng của những thực hành đạo đức Phật giáo qui ước.

Một số đạo sư khác (Lạt Ma) hoạt động ở Tây Tạng suốt giai đoạn này, mỗi vị kết hợp và hòa trộn những giáo lý khác nhau. Qua thời gian, những trường phái khác xuất hiện, nổi tiếng với sự ưu việt về tâm linh, và đôi lúc cả chính trị của họ. Sự đa dạng này làm trỗi lên một truyền thống Phật giáo mạnh mẽ, luôn luôn sáng tạo. Giáo chúng Tây Tạng đa số muốn tìm cách hòa nhập những giáo pháp khác nhau thành một tổng thể liền lạc và điều này dẫn đến việc nảy sinh những tác phẩm bình luận và các tài liệu khác, được bảo tồn kỹ lưỡng cùng với kinh sách cổ điển. Phiên bản Tây Tạng của Kinh Tạng Phật giáo hoàn thành vào thế kỷ 14 và vì Phật giáo Ấn Độ bị hủy diệt vào cuối thế kỷ 12 sau Jesus, nên tài liệu của Tây Tạng trở thành những nguồn quan trọng nhất của thánh thư Phật giáo.

Vào thế kỷ 16, dòng Geluk (Geluk Order), thường được biết đến là dòng “Mũ Vàng”, được sự ủng hộ của những người cai trị Mông Cổ trên đất Tây Tạng, đã chế ngự nhà vua (Tây Tạng) và tranh đua với dòng Karma-pa. Vào thế kỷ 17, người Mông Cổ dựng lên Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 (1617-1682) làm người lãnh đạo Tây Tạng đứng ngoài tranh chấp và từ đây quyền lực chính trị hoàn toàn vào tay tôn giáo. Cho đến giữa thế kỷ 20, các Đạt Lai Lạt Ma đóng bản doanh tại thủ đô Lhasa, Tây Tạng. Họ cai trị đất nước lâu đài Lhasa.

Năm 1950, quân đội Trung Quốc chiếm Tây Tạng, tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở đây. Dùng lối cai trị thực dân, đặc biệt suốt thời Cách mạng Văn hóa (1966-1972) Trung Quốc tìm cách quét sạch Đạo Phật ở Tây Tạng, phá hủy khoảng 6000 tu viện. Nhiều người Tây Tạng phải lánh nạn ở Ấn và các nước phương Tây.

. Đạt Lai Lạt Ma

Từ thế kỷ thứ 17, Đạt Lai Lạt Ma là người lãnh đạo quốc gia và tinh thần của Tây Tạng và được kế vị bởi sự tái nhập thể. Sau khi Ngài chết, người ta tìm kiếm hậu thân của Ngài, thường ở trong thân một bé trai. Trước khi trưởng thành, một vị nhiếp chính được chỉ định thay thế. Tất cả các Đạt Lai Lạt Ma có mối liên hệ đặc biệt với Avalokiteshvara. Một số vị khẳng định họ là hiện thân của Đức Bồ Tát thương xót, số khác nói rằng họ xuất sinh từ Ngài hoặc là người được ơn phúc của Avalokiteshsava.

NGUYỄN SINH (TP.HCM/VietNam)