Đạo Phật khởi đầu ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên và tất cả các chi hệ đều bắt nguồn từ đây. Lịch sử khởi đầu chính xác của đạo Phật còn mù mờ, mặc dù có ít lý do để nghi ngờ sự kiện rằng vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, một đạo sư thiên tài đặc biệt, có lẽ thuộc dòng họ Thích Ca ở Kapilavastic (nay là Nepal), bắt đầu thuyết pháp một phương cách mới cho một vần đề xưa cũ - vấn đề giải thoát. Có gợi ý rằng giáo lý của Ngài là phản ứng đối với nền văn hóa Bà La Môn thống trị, mà nó tập trung vào Kinh vệ đà và những nghi thức hiến tế do giai cấp giáo sĩ thực hiện. Tuy nhiên đạo Phật gây ảnh hưởng lớn lao trên đời sống văn học, tôn giáo và tri thức ở Ấn Độ trong hơn 16 thế kỷ. Nó góp phần vào việc định hình nền văn hóa Ấn Độ giáo và, suốt những thế kỷ đầu, nó tác động đến xã hội Ấn Độ (cùng với những giáo lý khác) nhiều đến nỗi người ta hiểu sai lệch về nó như là một phong trào cải cách tự giác.
Đạo Phật được công nhận là một tôn giáo khổ hạnh, được hoàng gia hết lòng bảo trợ, nhưng vào khoảng thế kỷ thứ 8 sau Jesus của Ấn Độ giáo. Những cuộc xâm lăng của Hồi giáo, bắt đầu vào thế kỷ thứ 7 và càng ngày càng mãnh liệt suốt 8 thế kỷ tiếp theo, đã làm cho đạo Phật suy thoái. Với việc đóng cửa những trường đại học lớn của Phật giáo một cách thô bạo vào cuối thế kỷ thứ 12, đạo này biến mất tại Ấn Độ.
Giáo lý Phật giáo không dành riêng cho một giai cấp hoặc một vùng đất nào. Đức Phật và đệ tử của Ngài đã sử dụng những tháng mùa khô đi hoằng pháp ở miền Bắc Ấn Độ ngày nay (trước khi đạo biến mất ở Ấn), và ở một số nước mà đạo đã bám rễ như ta có thể kể ra được là Sri Lanka, Miến Điện, Trung Quốc, Thái Lan, Triều Tiên, và Tây Tạng. Đặc biệt đạo Phật dễ bành trướng nhờ tính phổ quát trong giáo lý của Đức Phật. Giáo pháp của Ngài mời gọi mọi người, bất kể giai cấp đi theo con đường dẫn đến giác ngộ và chấm dứt đau khổ. Không nối kết với một miền đất hoặc một xã hội riêng biệt nào. Đạo Phật, nói chung, tìm cách hòa trộn vào những phong tục và tín ngưỡng địa phương, đặc biệt ở những nơi mà phong tục và tín ngưỡng sở tại đã thành nề nếp của đời sống xã hội. Điều này tạo ra cho Đạo Phật rất nhiều uy lực và linh động, và bảo tồn được cốt tủy của giáo lý.
Những tiền kiếp và lần đản sanh cuối cùng của Đức Phật
Trong hơi hai thiên niên kỷ (2000 năm) câu chuyện về cuộc đời Đức Phật được lưu truyền giữa các thế hệ Phật tử là một trong những cách giảng dạy hữu hiệu nhất về con đường của Phật giáo. Nhiều tác phẩm đã nhấn mạnh những khía cạnh khác nhau của sự kiện vĩ đại này. Thí dụ, quyển Jatakanidana viết bằng chữ Pali (khoảng thế kỷ 5 sau Jesus) đi vào nhiều chi tiết về những cuộc đời quá khứ, (tiền khiếp) của Đức Phật và quyển Buddhacharita (khoảng thế kỷ 2 sau Jesus) nói về cuộc đời (kiếp) cuối cùng của Ngài. Quyển Lalitavistaza nhấn mạnh về sự siêu nhiên, trong khi nhiều công trình uyên thâm của phương Tây tìm cách khám phá những sự thật đằng sau truyền thuyết. Tuy nhiên, tất cả các phiên bản đều có một di sản chung là cốt lõi của vấn đề được trình bày ở đây.
Kinh Jatakanidana cho biết rằng vào thời xa xưa, Phật Dipankara xuống trần gian, nơi có một người đức hạnh và trong sạch tên Sumedha. Sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng Sumedha từ bỏ những sở hữu trần tục và sống đời khổ tu. Khi tình cờ gặp Dipankara, Sumekha đi đến quyết định chính mình sẽ thành Phật, “con người tỉnh dậy” từ giấc ngủ vô minh. Quyết tâm này đã làm Ngài giác ngộ, đạt quả bồ tát. Dipankara nhận thấy rằng Sumedha cuối cùng sẽ đại giác và những Đức Phật tiếp theo đã tái xác nhận sự tiên đoán này là đúng.
Bồ Tát tái sinh nhiều lần, dưới nhiều hình thức, hoàn thiện bản thân trong mỗi kiếp, để tiến đến thành Phật. (Trong những kiếp ấy) Bồ Tát phải từ bi hơn với chúng sinh, sống đời đạo hạnh hoàn hảo, từ bỏ (sở hữu) vật chất, rèn luyện năng lực tâm linh và tinh thần, và đạt được huệ nhãn để nhận ra chân tướng sự vật. Những điều này và những điều thiện hảo khác về sau sẽ trở thành dấu ấn quí giá trong giáo lý của Ngài nói riêng và của Đạo Phật nói chung.
Trong kiếp áp chót, Bồ Tát được sinh vào cõi trời Tusita (Đâu Xuất) và Ngài sửa soạn cho lần tái sinh làm người cuối cùng. Ở đây, Ngài quan sát thế giới (trái đất), chọn người mẹ là hoàng hậu Maya, vợ Suddhodana, vua dòng họ Thích Ca ở Ca-tỳ-la-vệ. Trong đêm vị Bồ Tát đầu thai, hoàng hậu mơ thấy một con voi đụng vào bên sườn và đặt đóa hoa sen trắng vào tử cung bà và ngay lúc ấy, 10.000 thế giới (cõi giới) rung động dữ dội. Những nhà bói toán được triệu vào hoàng cung đã luận giải giấc mơ của hoàng hậu rằng bà đã có thai và sẽ hạ sinh một hoàng nam, mà nếu nối ngôi, sẽ trở thành một vị vua nổi tiếng, còn nếu tu hành, sẽ thành Phật.
Vào thời gian sắp sinh, hoàng hậu lên đường về với cha mẹ ở Devadaha. Dọc đường, khi vào nghỉ chân dưới bụi cây sal trong vườn Lâm Tì Ni, bà chuyển bụng và những cây sal nhẹ nhàng gục xuống nâng đỡ bà. Vị Bồ Tát hạ sinh ra bên hông bà - sạch sẽ và tinh tuyền, giống như một người đi xuống thang và được đặt vào lưới vàng của Trời Brahmas. Quan sát 10 phương, Ngài bước 7 bước về hướng bắc và kêu lên: “Ta là chủ tể thế giới. Đây là kiếp cuối cùng của ta. Từ nay trở đi, ta không còn tái sinh nữa”. Việc đản sinh kỳ diệu này được ghi dấu bằng niềm vui lớn lao toàn thế giới: người mù sáng mắt, người què đi được, người điếc nghe được, và người câm nói được. Chính trái đất cũng lễ mừng: biển lớn chuyển thành nước ngọt, và 5 loại sen bao phủ mặt đất.
Những chuyện về tiên thân Đức Phật
Quyển Jatakas (Những truyện về tiền kiếp Phật) tập hợp 547 câu chuyện về những cuộc đời Đức Phật trong quá khứ. Chúng có cùng hình thức bố cục: khởi đầu cho biết tinh thần câu chuyện và kết thúc cho biết ai là Đức Phật (lúc ấy chỉ mới là Bồ Tát). Đức Phật xuất hiện dưới nhiều dạng thể: thần, lái buôn, cướp, thủ lĩnh đoàn lữ hành, con nai, dê, và kên kên.
Những huyền thoại này, mà một số được căn cứ trên những chuyện dân gian có trước thời Phật, đã từng được người ta kể đi kể lại nhiều lần. Chúng đã hoàn toàn ăn sâu vào truyền thống của nhiều nền văn hóa và đã gây hứng khởi cho vô số tác phẩm biểu hiện nghệ thuật. Chúng rất phổ biến trong giới thế tục ở những nước thuộc Đông Nam Á.
Jatakas tán dương những đức tính của đời sống công chính để được hưởng phúc ở kiếp sau. Thí dụ trong truyện “Hầu vương Jataka”, Bồ Tát đánh lừa con cá sấu tham ăn bằng cách bảo nó rằng trái tim khỉ của Ngài đang treo trên một cây gần đấy và nhân tiện dạy cho nó một bài học về đức tính thật thà. Trong truyện nổi tiếng Vesantara Jataka, Bồ Tát dưới lốt thái tử dạy bài học về từ bỏ bằng việc xa rời tất cả, kể cả vợ con.
Cuộc đời thái tử và sự từ bỏ lớn lao
Một trong những nét nổi bật nhất của chuyện đời Đức Phật là lần tồn sinh làm người lần cuối cùng. Tuy nhiên, điều này có thể gây ấn tượng sai vì Ngài khác người thường nhiều. Là Phật có nghĩa không phải là người, cũng không phải thần thánh, mà ở ngoài bản chất cả hai. Mặc dù có sự khác biệt này, Đạo Phật gợi lại cuộc đời gương mẫu của Đức Phật suốt giai đoạn làm người, như một phương cách trình bày vấn đề cơ bản về sự hiện hữu của con người, mà giải pháp cho vấn đề ấy là giác ngộ.
Ở lần đản sinh cuối cùng, Bồ Tát được đặt tên Tất/Sĩ Đạt Ta, có nghĩa “một người có mục tiêu là sự viên mãn”. Những nhà tiên tri nhận ra ngay Ngài là một hài nhi đặc biệt. Hài nhi có 32 tướng của con người vĩ đại, có một không hai mà một số là gót chân rộng, ngón tay dài, da dẻ mịn màng, hàm răng giống sư tử, và mắt xanh. Mẹ Ngài, đã làm xong bổn phận, chết 7 ngày sau khi sinh ra Ngài và tái sinh lên tầng trời Đâu Xuất, giữa những thần thánh hạnh phúc.
Tương lai của Sĩ Đạt Ta được tiên đoán hai lần và cả hai lần đều cho biết hoặc Ngài sẽ là một vị vua tài giỏi, nổi tiếng khắp nơi vì quyền lực và tính công chính, hoặc sẽ thành Phật, khai sinh một tôn giáo để giải thoát con người khỏi vô minh. Nếu Sĩ Đạt Ta nối ngôi theo nếp nhà, Ngài sẽ trở thành vị vua vĩ đại, nhưng nếu từ bỏ thế gian, Ngài sẽ thành Phật. Người ta tấu trình với vua Suddhodana rằng để bảo đảm cho con mình theo sống đời sống vương giả tương lai, Ngài phải tránh, đừng bao giờ để thái tử chứng kiến những nỗi đau khổ của cuộc sống. Vì vậy nhà vua xây 3 dinh thự cho thái tử, cho người canh gác, vây bủa với nhiệm vụ ngăn cãn thái tử thấy được sự thật của đời người.
Sĩ Đạt Ta Cô Đàm là một thanh niên tài giỏi và độc đáo, Ngài có sức hấp dẫn vô biên và vượt trội những người cùng thời về tài năng và kiến thức.
Sống trên nhung lụa với tất cả những thú vui cuộc đời trần thế, Ngài không biết gì về nỗi đau đớn không tránh được của kiếp người. Quyển Buddhacharita mô tả một cách chi tiết và gợi cảm của không khí quanh Ngài, thí dụ, giọng ca êm đềm và âm nhạc truyền cảm của đám vũ nữ và những nhà hát lộng lẫy thích lụp mọi mùa.
Việc cưới Da Du Đà La tuyệt đẹp lúc thái tử 29 tuổi cho thấy chàng hình như sẽ theo con đường vương nghiệp mà chưa hề nghi ngờ có một thực tế rất khắc nghiệt bên ngoài cung đình đầy lạc thú. Tuy nhiên, một ngày kia chàng muốn nhìn thấy cảnh quan bên ngoài phạm vi cung thất. Cố can ngăn thái tử nhưng thất bại, vua cha lệnh thành phố dẹp bỏ bất cứ cái gì có thể làm thái tử khó chịu. Trong 4 lần du ngoãn, Phật giáo gọi là “Tứ Cảnh” (The Four Sights), Sĩ Đạt Ta gặp người già, người bệnh, người chết và, cuối cùng, một tu sĩ khổ hạnh đang tìm kiếm con đường vượt qua đau khổ xúc động sâu xa bởi cuộc gặp gỡ thứ tư này, thái tử thề từ bỏ đời sống vương giả và tìm ra chân lý về kiếp người.
Hạ quyết tâm như vậy, Sĩ Đạt Ta trở về hoàng cung và được tâu trình là công nương (vợ Ngài) đã hạ sinh một hoàng nam. Không thể cảm thấy hạnh phúc vì việc này, thái tử nói: “Một cái gông cùm (rahula) đã xuất sinh”. Tiếp theo, vua ban chiếu chỉ đặt tên cháu nội là La Hầu La. Tại nội dinh, tất cả cố gắng làm vui thái tử đều thất bại. Ngài không còn chú ý vào những thú vui giác quan nữa mà ngủ ngay trên ghế. Nửa đêm tỉnh giấc, nhìn những ca nhi và vũ công xinh đẹp nằm đây đó trong phòng, thái tử thấy họ giống những thây ma và điều này làm tinh thần chàng đau đớn. Quyết tâm thực hiện sự “xả bỏ lớn lao” ngay đêm đó, thái tử ra lệnh Chandaka sửa soạn yên cương cho Kanthaka, con ngựa quí của chàng. Trước khi rời dinh, chàng vào phòng vợ. Đứng ở ngưỡng cửa, ngửi mùi hoa nhài, tim chàng tràn ngập tình yêu mến. Chàng thấy Da Du Da La tuyệt đẹp đang ngủ, tay đặt lên La Hầu La. Chàng cảm nhận sự thôi thúc muốn ẵm con lên lần cuối, nhưng không dám vì sợ rằng sẽ làm vợ con thức giấc, gây trở ngại cho sự ra đi của mình.
Trong những hoàn cảnh thông thường, rời thành là chuyện không thể làm được. Hàng trăm lính võ trang gác tại những cổng lớn. Nhưng một thần linh nhẹ nhàng mở cửa thành trong khi những thần khác che lấp tiếng vó ngựa Kanthaka và làm cho dân thành say ngủ. Được các thần linh theo phù trợ, Sĩ Đạt Ta, Chandaka và (ngựa) Kanthaka vụt thoát đi tới sông Anoma, và Bồ Tát ra lệnh Chandaka quay về triều báo vụ việc cho gia đình Ngài. Không chịu nổi sự biệt ly với chủ, Kanthaka chết ngay tại đấy, và được thác sinh về cõi trời Tavatimsa, cõi trời của “33 thần thánh” (Thirty-three Gods).
Từ bỏ đời vương giả vàng son, Bồ Tát dùng kiếm cắt búi tóc mình, quăng vào không khí, nguyện rằng: “Nếu ta sẽ thành Phật, búi tóc sẽ đứng yên trên trời; nếu không nó sẽ rơi xuống đất”. Với con mắt thiêng liêng, thần Indara, chúa tể các thần linh, nhìn thấy hành động ấy nên đã hấng/hứng búi tóc của Bồ Tát bằng cái hộp nạm ngọc. Thần Brahma tặng Bồ Tất 3 áo cà sa, một bình bát, và những vật cần thiết cho một nhà sư gồm một dao cạo, một cái kim, một bình đựng nước và một dây lưng. Giờ đây Sĩ Đạt Ta bắt đầu con đường tìm giải thoát mà ở cuối đường Ngài sẽ đạt đại giác và hoàn toàn dập tắt được ngọn lửa của sự đau khổ.
Tứ cảnh
Thái tử Tất Đạt Đa đi du ngoạn ra ngoài thành bốn lần với tên đánh xe ngựa Chandaka và “4 cảnh” mà Ngài chứng kiến đã đưa Ngài đến việc từ bỏ thế gian trần tục - một khúc quanh gay gắt trong đời Ngài.
Trong lần du ngoạn thứ nhất, Sĩ Đạt Ta thấy một người yếu đuối phải chống gậy. Chandaka giải thích rằng đó là một người già và sự già nua là số phận của tất cả sinh vật, kể cả thái tử. Biết việc này, vua cha tăng gấp đôi số lính gác quanh thái tử và tăng số lượng người làm trò vui.
Lần thứ hai, Ngài gặp một người bị bệnh hành hạ đau đớn. Chandaka cũng tâu trình rằng sự bất hạnh này có thể tấn công tất cả chúng sinh, kể cả thái tử.
Lần thứ ba, Ngài thấy một xác chết và Chandaka lại tâu giảng về bản chất và ý nghĩa của sự chết.
Tại cung thất, Sĩ Đạt Ta tâm ra sầu muộn, không thể vui được với những trò giải trí, giống như “con sư tử bị mũi tên tẩm độc xuyên qua tim”. Ngài không thể hiểu được làm sao con người an vui hoặc cười được trong khi già, bệnh và chết tồn tại trong đời. Nhiều năm sau này Ngài sẽ dạy rằng những đau khổ như thế luôn hiện hữu và sẽ đưa ra một giải pháp cho vấn đề oan khiên ấy.
Trong lần du ngoạn cuối cùng, Sĩ Đạt Ta trông thấy một nhà sư bưng bình bát đi khất thực. Nhờ Chandaka, Ngài biết được nhà sư đã từ bỏ đời sống gia đình và tiến hành đời sống tu trì khổ hạnh để kiếm tìm sự thật và hạnh phúc. Từ lúc này, Sĩ Đạt Ta quyết tâm làm giống như vậy.
Giác ngộ - cuộc chiến đấu và phần thưởng
Là thái tử, Sĩ Đạt Ta Cồ Đàm sống cuộc đời cực kỳ xa hoa, nhưng sự giàu sang ghê gớm ấy không thể giải thoát Ngài khỏi tái sinh, già, bệnh, và chết (sinh, lão, bệnh, và tử). Vì thế, Ngài dứt bỏ mọi lạc thú thế tục và cắt đứt những ràng buộc với xã hội, lang thang qua rừng nùi tìm kiếm sự giải thoát. Tăng ni hiện vẫn còn theo gương Đức Phật, thực hành việc xả bỏ như thế. Đức Phật hiểu rằng việc dứt bỏ tự nó không thể mang lại sự chấm dứt khổ đau. Tuy nhận thức rằng có thể gặt hái được nhiều từ cuộc sống đơn giản của người tu hành khổ hạnh, nhưng Ngài dạy rằng lối thu hành xác quá đáng không dẫn đến con đường giải thoát.
Trong khi đi tìm giác ngộ, Bồ Tát gia nhập một nhóm 5 tu sĩ thực hành những hình thức khắc nghiệt nhất, mong đạt được thấu thị nội tâm.
Cùng với họ, Cồ Đàm học cách chịu đựng sự tự hành xác nặng nề nhất, trở nên yếu đuối và èo uột do nhịn đói và đau đớn. Ngay cả 32 dấu vết tốt của tướng pháp đã có từ lúc sinh ra cũng hầu như biến mất. Bồ Tát, người đã từng biết lạc thú lớn lao nhất, giờ đây trải qua điều ngược lại.
Cuối cùng, Ngài nhận thức rằng không thu hái được gì từ sự khổ hạnh tột bậc: Thần Indra đã chỉ cho Ngài thấy rằng dây của một cái đàn lute qua căng sẽ đứt và nếu quá chùng thì không chơi được; chỉ khi lên dây đúng mức, nhạc cụ mới hiệu quả. Hiểu ra rằng con người cũng cần sự cân bằng như thế, Cồ Đàm quyết định chấm dứt đời sống khổ tu quá mức, bắt đầu tắm rửa và ăn uống. Thấy sự thay đổi này, 5 bạn cùng tu bỏ Ngài, tin rằng Ngài đã bại trận và vì thế không xứng đáng với họ.
Sau 6 năm trải qua nhiều kinh nghiệm, Cồ Đàm quyết định tạo riêng cho mình một con đường trung dung giữa hai thái cực buông thả và hành xác. Trên bờ sông Nairanjana, Ngài nhận sữa gạo do một cô gái trẻ tên Sujata cúng dường. Ngài biết sự giác ngộ đã gần đến vì đêm trước Ngài trải qua 5 giấc mơ báo trước. Thế nên, Ngài chia chỗ sữa gạo và Sujata đã cúng dường thành 49 ngụm, mỗi ngụm cho một ngày, mà Ngài biết hết số ngày này, Ngài sẽ giác ngộ.
“Hùng khí như một con sư tử”, Ngài tiến về phía cây mà sau này có tên Bồ đề, ở Bodh Gaya. Sau khi quan sát bốn phương, Ngài ngồi dưới gốc cây theo tư thế kiết già và thề rằng không di chuyển cho đến lúc đạt giác ngộ cuối cùng và hoàn toàn.
Hiếm khi Bồ Tát thành Phật, mà nếu có, thì sự kiện như thế sẽ gây ra những âm ba lan truyền khắp tất cả các cõi giới. Cảm thấy Cô Đàm sắp thoát khỏi quyền lực của mình, Chúa quỉ Mara tụ tập tâm binh để kéo Bồ Tát rời chỗ ngồi dưới gốc cây. Cuộc đối đầu sau đó, mà Mara bị đánh bại một cách ngoạn mục, là một trong những câu chuyện quan trọng của truyền thống Phật giáo.
Mara tấn công Bồ Tát bằng 9 loại vũ khí cơ bản nhưng không ăn thua gì: gió lốc tan đi; đá lăn và những ngọn giáo phóng đến biến thành hoa sen; những đám mây cát, tro và bùn biến thành gỗ đàn hương thơm phức; cuối cùng bóng tối đen như mực bị vô hiệu trước ánh sáng chói lọi của Bồ Tát. Tức giận, Mara quay về phía Ngài, đòi chỗ ngồi ấy. Cồ Đàm trả lời: “Ngươi không thực hành thập thiện, không thuộc về thế giới, không tìm kiếm tri thức và tri kiến thật, nên chỗ này không có nghĩa gì cho ngươi. Chỉ một mình ta mới có quyền ngồi đây”. Nổi khùng lên, Mara phóng chiếc đĩa có cạnh sắc như dao về phía Ngài, nhưng cái đĩa biến thành vòng hoa phía trên đầu Ngài. Rồi Cồ Đàm thách đố Mara: nếu Mara tin rằng Ngài được quyền chiếm chỗ ngồi ấy, Ngài sẽ chứng tỏ kỳ công của Ngài, Mara quay sang đám thủ hạ yêu ma hỏi ý và chúng chấp nhận. Mara bèn yêu cầu Bồ Tát chứng nghiệm. Cồ Đàm đưa tay phải chỉ xuống đất, và nói: “Hãy để trái đất chứng quả của ta”. Ngài dứt lời, trái đất rền vang sấm sét, rúng động vũ trụ và tất cả bọn quỉ chạy trốn. Thậm chí con voi khổng lồ của Mara, tên Girimekhala, quì xuống trước mặt vị Phật sẽ thành.
Sau khi Mara bại trận, các thần linh tụ về quanh Cồ Đàm trong khi Ngài nhập định. Ở Ấn Độ, đêm chia thành nhiều “canh giờ”.
Canh thứ nhất, Bồ Tát trải qua bốn giai đoạn thiền. Giải phóng khỏi gông cùm ý thức, Ngài có thể thấy rõ những tiền kiếp của mình, mà qua chúng Ngài thu nạp được tri thức.
Canh hai, Ngài phóng huệ nhãn vào vũ trụ và thấy toàn bộ cõi giới, rõ ràng như được phản chiếu từ tấm gương không một tỳ vết. Ngài thấy những cuộc đời bất tận của muôn loài tùy theo công đức - karma, nghiệp - của chúng. Một số may mắn, số khác đau khổ; một số xinh đẹp, số khác xấu xí - nhưng tất cả không ngừng xoay vần trong vòng sinh, diệt không cùng (luân hồi).
Canh ba, Ngài hướng thiền vào bản chất thật và quan yếu của thế gới. Ngài thấy tất cả mọi sự vật thăng trầm liên tục ra sao và một sự vật luôn luôn phát sinh từ một sự vật khác như thế nào. Hiểu được luật nhân quả thuộc Lý Duyên Khởi này, cuối cùng Ngài nắm được yếu lĩnh phá vỡ vòng luân hồi bất tận và cùng với tri thức này, Ngài đạt đến toàn bích. Người ta nói rằng Ngài trở nên tĩnh tại như đám cháy mà lửa đã lụi tàn.
Canh tư, cũng là canh cuối cùng trong đêm, lúc bình minh hé rạng, Ngài đại giác và đạt niết bàn, dập tắt hoàn toàn lửa tham, sân, si trước kia đã từng trói buộc Ngài vào vòng tái sinh và đau khổ. Ngay giây phút thành Phật, toàn bộ tri thức của Ngài kết tinh trong Tứ Diệu Đế (4 Chân Lý Quí Giá), chân lý về sự khổ. Chân lý về nguyên nhân đau khổ; chân lý về chấm dứt đau khổ; chân lý về con đường dẫn tới chấm dứt đau khổ.
Mặc dù có nhiều bài viết về đêm giác ngộ của Đức Phật với những chi tiết khác nhau, vẫn có sự đồng nhất hoàn toàn về Tứ Diệu Đế. Có thể nói được rằng, chúng chứa đựng toàn bộ giáo lý của Đức Phật, và theo đó, của Đạo Phật và mức độ hiểu biết chúng là dấu chỉ sự tiến bộ trên đạo bộ (đường đạo): hiểu Phật giáo tức là phải trau dồi và nhận biết Tứ Diệu Đế. Chỉ có một vị Phật mới có được sự hiểu biết rốt ráo và hoàn toàn ý nghĩa vi tế của chúng - cái ý nghĩa tương đương với giác ngộ và niết bàn