Thành thị và gian manh
Thành này chưa phải là thị trấn lớn, nhưng cũng khá phồn thịnh.
Chợ búa, hàng quán vầy vầy.
Quán ăn, quán rượu, tự nhiên là có đông người, đủ hạng, kể cả bọn lừa đảo gian manh.
Mì ở đây thuộc loại "bình dân", mì không giòn, nước không nóng, mà mỡ lại nhiều.
Tuy nhiên, chuyện đó không thành vấn đề, vì ai không đói thì còn suy tính, chứ một khi đã đói thì nhất định "bình dân" cũng ngon như thượng hạng.
Giá như ngày thường, đừng nói chi thò đũa gắp, mà nếu tô mì như thế có đem đến để ngay trước mặt là nhất định Thư Hương sẽ khoát tay bỏ. Thế nhưng bây giờ thì chẳng những không la, trái lại còn húp sạch tô, một cọng hẹ úa vàng phân nửa cô ta cũng không chừa lại.
Đào Liễu nhìn Thư Hương một lúc rồi bật cười :
- Cái tô với đôi đũa của bọn đàn ông hôi hám mà bây giờ cô cũng không chê?
Thư Hương hơi khựng lại, nhưng rồi cũng cười theo :
- Quên... mà nè, hình như lúc đói khó nhớ lắm, phải không?
Nàng buông đũa và bấy giờ mới thấy hơi là lạ.
Bao nhiêu cặp mắt của thực khách trong quán gần như dồn cả và nàng, làm như họ đang nhìn nàng làm trò quái dị.
Thư Hương rờ rờ mặt và hỏi nhỏ Đào Liễu :
- Có dính gì không? Xem mặt ta có dính gì không?
Đào Liễu lắc đầu :
- Đâu có.
Thư Hương cau mặt :
- Chớ tại sao họ nhìn mình dữ vậy?
Đào Liễu cười :
- Có lẽ... coi chừng họ đang chọn chồng cho con gái họ đó nghe.
Bây giờ Thư Hương mới thấy bàn tay của Đào Liễu. Cô ta cầm cái gói vàng và đặt ngay trước bụng, cô ta chỉ ăn bằng một tay thôi.
Thư Hương thúc tay :
- Để cái gói lên bàn đi.
Đào Liễu hỏi :
- Chi vậy?
Thư Hương lừ mắt :
- Ngu, đi ra đường phải nhớ rằng đừng bao giờ cho người ta biết mình có của. Cứ ôm khư khư như thế là nói cho người ta biết củA mình đáng giá, làm cho thiên hạ chú ý, cứ làm như đồ bỏ mới được chứ.
Đào Liễu gật gật :
- Không ngờ tiểu thơ lão luyện giang hồ quá xá...
Thư Hương lừ mắt :
- Cái gì "tiểu thơ"?
Đào Liễu lật đật nói :
- À quên, Thiếu gia... công tử...
Thư Hương gắt :
- Cái nào một cái thôi. Thiếu gia là thiếu gia, công tử là công tử. Cái gì gọi là "thiếu gia công tử"? Ngu ơi là ngu.
Đào Liễu nhoẻn miệng cười và đặt cái gói lên bàn.
Ngay lúc đó, một gã từ bên ngoài bước vào vòng tay :
- Nhị vị mạnh giỏi.
Dáng cách của hắn trong qua là biết ngay hạng chẳng ra gì. Cặp mắt láo liên của hắn đủ biết hắn là loại không gian manh cũng thuộc dân... cà khịa.
Vốn không muốn làm quen, nhưng vì cần phải tỏ ra phong độ "lịch thiệp giang hồ" nên Thư Hương đứng dậy khệnh khạng vờ đáp lễ :
- Đa tạ.
Hắn ngồi xê xuống ngay và toét miệng cười... cà khịa :
- Xem chừng nhị vị là người mới đến đây lần thứ nhất?
Thư Hương làm vẻ hết sức thản nhiên :
- Không, đã đến nhiều lần rồi chớ. Trong thành này đâu có chỗ nào không biết.
Người ấy hỏi :
- Nhị vị từng đi đây đó, chắc biết Triệu Hùng đại ca trong thành này chớ?
Bằng vào cách nói của hắn và nhất là bằng vào hai tiếng "Đại ca" thì nhất định cái con người họ Triệu đó phải là kẻ có máu mặt trong thành này. Nếu bảo là không biết thì chẳng hóa ra mình không "lão luyện giang hồ" sao? Vì thế nên Thư Hương gật đầu bừa.
Gật đầu không vẫn thấy còn chưa đủ "lão luyện", nàng lại nói thêm :
- Kể ra thì cũng không quen nhiều lắm, chỉ có vài lần nhậu nhẹt với nhau thôi.
Người ấy mừng ra mặt :
- À như vậy thì là quen rồi. Tôi đây, Thiết Thủ đây, em của Triệu đại ca.
Và hắn vụt khom mình xuống, nói nhỏ :
- Đã là chỗ quen biết, tôi có chuyện này không thể không nói cho nhị vị biết...
Thư Hương điềm đạm :
- Vâng, xin cứ nói.
Thiết Thủ nhìn quan bằng con mắt chuột lắc của hắn và thấp giọng hơn :
- Địa phương này phức tạp lắm, đủ hạng người hết, cái thứ cướp giật thì đầy đường.
Nhị vị có tiền hoặc có đồ vật đáng giá thì phải cẩn thận mới được nhé.
Đào Liễu vừa dợm tay định giữ lấy cái gói, nhưng Thư Hương lừ mắt và quay lại cười nới với Thiết Thủ :
- Không có gì, cái này chỉ có mấy quần áo lót và khăn tắm mà, không có gì đáng giá cả.
Thiết Thủ cười, hắn chầm chậm đứng lên cười cười :
- Tại hạ vì chỗ quen biết nên nói với nhị vị...
Hắn đứng lên thật chậm và nói cũng thật chậm, nhưng tay hắn thật nhanh, hắn chộp lấy cái gói và co giò chạy thẳng...
Thư Hương cười khẩy.
Nàng đã nhìn thấy cách chạy của gã lưu manh, bằng vào dáng điệu ăn cắp vặt đó, nàng có thể chấp hắn chạy trước năm dặm.
Đào lão gia đã đặt tên con gái là Thư Hương, giống y như người bán cháo lòng đi ăn hủ tiếu của hàng kế cận, vì ông ta vốn là bậc thế gia trong võ lâm, ông ta đã thành danh mấy đời và bây giờ, kể cả sản nghiệp, ông ta thuộc hàng vọng tộc, ông ta thừa biết cái hay cái dở của võ lâm và đã chán ngấy rồi.
Mặc dầu thường nhật cũng vẫn còn giao thiệp, nhưng chẳng qua vì là chỗ bạn bè cũ chứ thật tình thì ông không muốn con mình đi theo hướng đó, nhất là đứa con một lại là gái. Ông ta không muốn con mình lăn vào vòng nguy hiểm, ông ta muốn con gái mình theo nẻo "Thư Hương". Đó là nguyên nhân ông chọn tên cho con gái, và cũng là lý do ông không cho con đi ra ngoài giao thiệp.
Tuy nhiên, vốn là con nhà võ, không nhiều cũng ít, Thư Hương cũng có học lem nhem, đối võ lâm cao thủ thì nàng không thể đánh lại, nhưng đối bọn con gái bình thường, nàng thuộc vào tay có hạng.
Nhất là đối với thân pháp của tên Thiết Thủ này, nàng coi như đứa con nít.
Chính vì thế mà nàng không vội.
Nàng lại mừng thầm là mới ra đường lại gặp ngay một tên quá tầm thường, nàng sẽ có cơ hội để thiên hạ "lé" chơi.
Nhưng tiếc một điều là cơ hội đó bị người khác hớt ngang.
Thiết Thủ chạy ra chưa khỏi cửa quán, thì gã bị người thộp lại.
Người đó là một gã đại hán cao lớn dềnh dàng, bắp tay chắc nịch, nhất là vết thẹo ngang mặt của gã đã làm cho Thiết Thủ bủn rủn tay chân...
Người mặt thẹo vung tay xáng cho hắn một tát xiểng niểng, thế nhưng hắn không dám kêu một tiếng, hai chân hắn rụng rời.
Người mặt thẹo trầm giọng :
- Mang trả lại cho người ta, con chó!
Thiết Thủ một tay cầm gói vàng, một tay vò vò bên má, đi về phía bàn của Thư Hương.
Gã mặt thẹo cũng bước theo, hắn vòng tay nói :
- Tại hạ họ Triệu, tên này là anh em của tại hạ, đã được dạy dỗ rất nhiều nhưng chứng nào tật nấy, xin nhị vị niệm tình bằng hữu tha thứ cho.
Thư Hương nhật ra người này đúng mẫu mực của "giang hồ hiệp nghĩa" mà lại nhiều khí phách, nàng vội mỉm cười :
- Đa tạ bằng hữu, của đã không bị mất thì cũng không nên lo lắng, xin bằng hữu bỏ qua.
Gã mặt thẹo lừ mắt nhìn Thiết Thủ :
- Còn chưa chịu bái tạ sự rộng lượng của nhị vị công tử hay sao?
Thiết Thủ lật đật vòng tay mọp mình lí nhí không ra tiếng.
Rõ ràng là hắn chưa hết điếng hồn.
Thư Hương hỏi :
- Huynh đài họ Triệu, vậy chắc là Triệu đại ca trong thành này?
Gã mặt thẹo vòng tay :
- Không dám, không dám nhận hai tiếng "Đại Ca".
Thư Hương vòng tay :
- Nghe danh đã lâu, nay gặp mặt thật là hạnh ngộ, xinh thỉnh đại ca ngồi.
Nàng cố sửa giọng điệu cho cao và cách vòng tay nghiêng mặt cho đúng "phong cách giang hồ".
Gã mặt thẹo khoát tay :
- Không không, bàn tiệc này xin cho tại hạ được phép thanh toán với chủ quán.
Xin nhị vị niệm tình cho tại hạ có hận hạnh làm tròn bổn phận "thổ địa" một phen, gọi là để làm quen...
Thư Hương nói nhanh :
- Đâu được, đâu được... xin chờ khi khác...
Nàng cho tay vào gói định lấy bạc, không ngờ lại chụp kéo ra một chuỗi ngọc làm cho đôi mắt của gã mặt thẹo chớp chớp. Hắn nói nhanh :
- Đừng, thứ này không thể xài như thế được. Nếu nhị vị cần thì tại hạ xin đưa đi đổi.
Và hắn lại vỗ ngực đồm độp :
- Nói thật không phải khoe, chớ toàn thành này không có một ai dám tính chuyện lôi thôi với bằng hữu của họ Triệu đây đâu.
Thật ra trong gói đâu có bạc. Đào Liễu vì để phòng hờ đường xa, nàng chỉ mang toàn thứ ngọc thạch đắt tiền.
Thư Hương vừa định nói lời cảm tạ để theo đi đổi bạc, nhưng ngay lúc ấy nàng lại thấy một người áo xanh đeo kiếm bước vô trừng trừng nhìn gã mặt thẹo và lớn tiếng :
- Lão Lục, bây giờ lại làm tới cái chuyện mạo danh ta để làm bậy đó phải không?
Gã mặt thẹo tự xưng "Triệu đại ca" bây giờ bỗng như trái banh xì hơi, hắn vòng tay đến mọp mình :
- Tiểu nhân không dám, mong Triệu đại gia...
Hắn mọp mình càng lúc càng thấp, và cuối cùng, hắn luồn qua mấy bàn đông khách dông luôn.
Bây giờ thì đôi mắt to tròn của Thư Hương càng tròn hơn. Nàng không còn biết chuyện ra sao.
Nhưng người trung niên đeo kiếm đã vòng tay :
- Tại hạ họ Triệu, tên tục là Hùng. Nhờ ơn bằng hữu trong thành này thương tình gọi cho vui là "Đại ca", nhưng thật thì tại hạ không dám đảm nhận như thế.
Bây giờ thì Thư Hương đã rõ rồi. Chính con người bây giờ mới là "Triệu đại ca", còn cái tên mặt thẹo ra tuồng "hiệp nghĩa" hồi nãy chỉ là... thứ giả.
Triệu Hùng lại nói :
- Tên mặt thẹo khi nãy là một tên bịp bợm nổi tiếng trong thành này, trước đây cũng đã thường mạo danh tại hạ để lừa gạt. Nhiều người không biết, may không chút nữa là nhị vị đã mắc bẫy rồi.
Thư Hương đỏ mặt lắp bắp :
- A... không, vừa rồi cái gói đồ của chúng tôi bị người giật. Chính vị ấy đã lấy lại giùm cho...
Nàng vốn là con người không có tánh vong ơn, mặc dầu biết tên đó mạo danh, nhưng dầu gì thì hắn cũng có làm nghĩa với nàng. Nàng phải nói ra sự thật đó.
Triệu Hùng cười :
- Đâu có phải. Tên Thiết Thủ là đồng bọn với hắn, chúng toa rập nhau để lừa nhị vị đó. Hắn làm thế là để cho nhị vị tín nhiệm hắn. Lúc đó là hắn sẽ ra tay.
Thấy Thư Hương ngơ ngơ, Triệu Hùng lại cười cười :
- Thật ra thì cái ngữ đó ai mà không thấy biết, bằng vào đôi mắt sắc bén của nhị vị, tự nhiên đâu phải hạng như Thiết Thủ mà chạy thoát?
Thư Hương thở dài :
- Đúng là chuyện chưa gặp là chưa biết. "Đi một tất đàng, học một sàng khôn"!
Và nàng vụt cao hứng ngang :
- Chỉ nhìn qua mà Triệu đại ca biết được võ công của chúng tôi sao?
Triệu Hùng cười :
- Chẳng những biết nhị vị có võ công, mà còn biết đúng là cao thủ. Chính vì thế nên tại hạ mới quyết ý kết giao, chứ nếu không thì đâu có can thiệp làm chi.
Thư Hương chợt cảm nghe vô cùng khoan khoái, vừa mới xuất hành là đã có thể kết giao với giang hồ hảo hán, nàng lập tức vòng tay :
- Đa tạ Triệu đại ca có lòng tưởng đến. Xin mời, mời Triệu đại ca ngồi.
Triệu Hùng nhìn quanh :
- Thật không phải dám chê, nhưng chỗ này phức tạp lắm, ồn ào, đâu phải là chỗ bằng hữu tương giao. Nếu nhị vị không phân cao thấp thì tại hạ xin thỉnh đến tệ xá đàm đạo cho vui.
Đã thuộc nằm lòng câu "Tứ hải giai huynh đệ", Thư Hương đâu lại từ chối dịp may như thế?...
Giang hồ hiệp nghĩa, trừ những bậc "vọng tộc" như Đào gia, hầu hết đều đạm bạc.
Nhà của Triệu Hùng cũng không lớn lắm, tiền viện vừa phải, trong phòng bày biện cũng đơn sơ. So với y phục đắt tiền của hắn không được xứng.
Thư Hương không thấy gì kỳ cả. Nàng còn cho đó là chuyện đương nhiên.
Con người hào phóng qua dáng cách của "Triệu đại ca", nếu có tiền thì cũng kết giao trang trải cho bằng hữu, chớ đâu phải hạng chỉ biết lo cho chính mình sang cả?
Nàng tuy không thấy, nhưng đã thường nghe, người như Triệu đại ca này thuộc loại người "bốn biển là nhà", không phải bận bịu về gia quyến.
Triệu Hùng nói :
- Nhị vị nếu không có chuyện gì cần kíp lắm thì xn ở lại đây vài hôm. Tại hạ sẽ thỉnh tất cả bằng hữu trong thành này lại giới thiệu cho nhị vị biết. Khi nào có dịp ghé ngang qua đây hay những vùng phụ cận, nhị vị chỉ cần nói một tiếng với bất cứ ai thì sẽ có người chu đáo vẹn toàn.
Thật còn gì hơn nữa? Đã quyết tâm biết đó biết đây, đã quyết tâm gặp những "nhân vật lớn" mà có dịp được quen biết bằng hữu đông như thế này thì quả là đạt được ước nguyện một cách quá dễ dàng.
Thư Hương mừng rơn :
- Như thế thì hay biết là bao nhiêu. Tiểu đệ xuất môn lần này mục đích là để được kết bạn đông đảo đấy mà.
Đào Liễu ngứa miệng chen vô :
- Nhưng chỉ ngại phiền cho Triệu đại gia quá đi chớ?
Sợ lỡ cơ hội, Thư Hương lừ mắt :
- Đối với Triệu đại ca mà nếu chúng ta làm ra khách sáo chẳng hóa ra phụ lòng tốt của đại ca sao?
Triệu Hùng bật ngón tay cái ra trước mặt và cười sang sảng :
- Đúng rồi, nói như vậy là hạng nhất rồi. Là bậc nam nhi hào phóng, bậc khảng khái anh hùng, phải như thế mới phải mặt tu mi chớ!
Hay, "nam nhi hào phóng", "khảng khái anh hùng", "phải mặt tu mi"... hay!
Từng câu nói y như những đóa hoa nở rộ trong lòng của Thư Hương. Nàng cười rạng rỡ.
Con người lịch duyệt như Triệu đại ca mà vẫn tôn kính nàng, vẫn coi trọng nàng, vẫn không nhận ra nàng là gái giả trai thì chắc chắn trên đời này ai cũng phải thấy nàng là bậc "tu mi nam tử".
Làm sao nàng lại không thích thú?
Thư Hương bỗng đâm ra phục mình ngang, nàng cảm thấy có lẽ bẩm sinh nàng quả là bậc kỳ tài. Chỉ mới lần đầu xâm nhập giang hồ mà đã lập nên kỳ tích, giá như đừng có ai, chắc nàng đã "cốc" lên đầu Đào Liễu một cái vì sự do dự của cô ta lúc ban đầu. Nếu nàng không cương quyết thì có phải cái "kỳ tài" của nàng sẽ bị mai một đi chăng?
Triệu Hùng lại nói :
- Lão đệ bình thủy tương phùng, đồng thanh tương ứng, không cần phải biết nhau lâu, lão đệ cần gì cứ nói với đại ca một tiếng... À, phải rồi, may không quên, để đại ca bảo bầy trẻ mang đến ít bạc. Lão đệ đi đây đi đó phải mang bạc nén trong người mới tiện...
Thư Hương khoát khoát tay :
- Không không, Triệu đại ca, tôi có vòng ngọc kim cương nhiều mà...
Nàng bỗng dỏ mặt và nói liền theo :
- Đây là của em gái tôi, nó dư không xài, tôi định sẽ đổi ra bạc mà mấy bữa rày chưa đổi đó chứ.
Triệu Hùng nghiêm nghị :
- Lão đệ nói như thế là không phải rồi. Mới vừa nói không nên khách sáo đây, thật tình không phải đại ca đối riêng với lão đệ đâu, thiếu gì, bất cứ anh em nào ở đâu xa đi ngang qua đây, cho đại ca biết là đại ca lo cho chu đáo ngay, "Tứ hải giai huynh đệ" mà.
Chính đại ca đây cũng vậy chớ, hồi trước, khi đại ca còn trẻ tuổi, cũng lang bạt giang hồ như lão đệ bây giờ, đại ca cũng phải cho bậc đàn anh chu cấp.
Hắn đứng lên và nói :
- Nhị vị lão đệ ngồi đây nghe, đại ca đi lại ngân hàng lấy và mua rượu luôn. Mình phải nhậu một bữa túy lúy để đánh dấu ngày gặp tri kỷ ý hợp tâm đầu...
Hắn đi ra cửa rồi lại quay trở vào. Hắn lấy chìa khóa mở cửa tủ đựng sát vách trong và nói :
- Những gì của lịnh muội lão đệ mang cất vào đây. Tại nhà đại ca thì không sợ một ai cả, nhưng cẩn thận là đức tính cần yếu cho hững kẻ "hành hiệp giang hồ", nhất là của riêng của lịnh muội, chúng ta càng phải giữ gìn.
Đúng là mẫu người thuộc loại "đại ca", cái gì đối với bạn bè đều chu đáo. Hắn bỏ gói đồ vào tủ khóa lại cẩn thận, trao chìa cho Đào Liễu và cười cười :
- Xem mặt là biết liền, lão đệ này tính cẩn thận lắm, sau này có thể làm Đại Quản Gia cho một gia trang đồ sộ được đấy. Cất chìa khóa nghen.
Thư Hương định khoát tay, nhưng Đào Liễu đã đón lấy chìa khóa nhét kỹ vào mình.
Sau khi Triệu Hùng đi khuất khỏi cửa rồi, Đào Liễu nói nhỏ :
- Tiểu thơ, tôi thấy cái gã "Triệu đại ca" này chắc không phải "giang hồ hành hiệp" gì đâu, không hiểu lão định làm gì...
Thư Hương cười :
- Đúng là con nít, người hào phóng như vậy mà ngươi còn không tin thì không biết tin ai đây.
Đào Liễu nói :
- Nhưng cái gói của mình...
Thư Hương nói :
- Gói đồ cát trong tủ đó. Chìa khóa mình giữ đây. Vậy mà chưa yên lòng à?
Đào Liễu nhếch nhếch môi nhưng rồi lại làm thinh.
Thư Hương không chú ý đến Đào Liễu, nàng chắp tay đi lại trước hiên nhà và thả lần ra sân. Nàng thấytrong trong khu nhà này có đến mười mấy gia đình ở liền nhau như những phố hẹp, giăng phơi quần áo ngang dọc, những y phục, giặt phơi cũ sì cũ mốc.
Hình như họ toàn là dân làm mướn, làm thuê. Liếc vào từng gian nhà, cung cách ở của họ hình như có phần cùng cực.
Bây giờ đã gần chính ngọ rồi, mà có người còn cởi trần tập võ, đánh đu, nhảy sào, vung xích. Có mấy cô gái còn đang chảy tóc dưới thềm... Thư Hương nghĩ ngay họ là đám "Sơn Đông Mãi Võ"...
Xế bên góc, có một lão già mù đang luyện ngón Độc Huyền, bên cạnh có cô gái đứng tựa bên rào mân mê cành "tương tư thảo".
Thư Hương biết lão già đó chuyên nghề hát dạo, còn cô gái chắc con cháu gì của lão và hình như cô ta đang... mơ mộng, cành "tương tư thảo" nàng đang cầm trên tay dám là của cậu nào mới quăng vào cho cô ta để... gợi tình.
Nghĩ đến chuyện gợi tình, Thư Hương bất giác nhìn cô gái mấy lần, cô ta vội cúi mặt và giấy cành "tương tư thảo" ra phía sau lưng.
Thư Hương bỗng đâm sợ quay sang hướng khác.
Rất có thể cô ta đã để ý mình rồi, vì thế nên cô ta mới giấu cành "tương tư thảo", không dám để mình thấy cô ta có tình nhân.
Nàng sợ ngang, vì không khéo cô ta "mê" thật thì... nguy hiểm.
Ngoài những nhân vật ấy ra, trong tường của khu nhà chung đó có nhiều đứa trẻ chơi ngoài sân cát, mũi chảy lòng thòng.
Khu nhà thật lao xao có nhiều gian đặt bếp nấu ngay hiên trước, có một bà bụng bầu đang nổi lửa, mặt mũi kèm nhèm, bụng của bà ta chắc cũng phải chín tháng gì rồi, bụng càng nặng chừng giờ sau sẽ đẻ đến nơi.
Bà mẹ của mụ ta ngồi kế bên càu nhàu, bảo mụ ta lười biếng, lầm bầm vừa lấy cái khăn dơ lốm đốm lau mồ hôi trên mặt cho mụ ta.
Thư Hương bỗng nghe lòng cảm khái trước cái sinh hoạt chật vật mà đầm ấm này.
Nàng nghĩ như thế mới đúng là gia đình thân thiết. Nàng chưa hưởng được cảnh đó bao giờ vì nàng giàu quá, chưa muốn thì vật đã có rồi, không còn biết đến cảm giác thèm thuồng gì nữa.
Nàng chợt thấy người thiếu phụ mang thai sao mà đẹp quá. Mồ hôi mụ ta đượm dài chân tóc, hai má ửng hồng rạng rỡ. Tuy không có đồ trang sức, tuy không có y phục lòe loẹt, nhưng chắc chắn mụ đang yêu đời lắm.
Thư Hương nhìn cuộc sống của họ mà nôn nao, nàng nhớ tới cuộc sống trong "lồng son" của nàng mà phát ngán, tức vì không thoát ra cho sớm để tìm lấy cơ hội sống y như họ...
* * * * *
Bếp lửa hừng hừng và nồi cơm đã cạn rồi.
Lão già ngưng đàn, ngồi hút thuốc. Cô gái khi nãy ngồi xuống đấm nhè nhẹ trên lưng lão.
Chắc cô ta là con gái của lão già mù, dáng cách của cô ta biểu lộ sự thương yêu trìu mến đối với người cha tàn tật.
Đào Liễu đi lần ra nói nhỏ :
- Sao lâu quá mà Triệu đại ca vẫn không về?
Thư Hương lơ đãng nói :
- Có lẽ còn lo đi lãnh bạc, đông người phải chờ đợi lâu chứ.
Đào Liễu nói :
- Tôi nghi lão chuồn quá!
Thư Hương lừ mắt :
- Người ta chưa lấy của mình một xu nào thì chuyện chi lại chuồn, nói tầm bậy.
Đào Liễu nhếch nhếch môi nhưng lại bỏ đi vô không nói.
Mái hiên bên kia cơm đã nhắc xuống rồi, một người đàn ông vạm vỡ mình trần từ ngoài ngõ đi vào. Có lẽ ông ta đã phải trọn một ngày lao lực.
Đám trẻ mình đầy cát đất cũng chạy vô, có lẽ mùi cơm chín đã kêu gọi chúng.
Một gia đình quây quần trên manh đệm rách, hai con chó ốm ngồi châu mõ chực xương.
Người đàn ông sề xuống bên người thiếu phụ có thai, kín dáo rờ vào bụng vợ thì thầm...
Người thiếu phụ lườm hắn, nhưng cả hai cùng cười âu yếm.
Gia đình nghèo mà có quá nhiều vui vẻ, Thư Hương càng trông càng thích thú.
Triệu đại ca vẫn chưa về.
Bây giờ thì Thư Hương đã nghe thấy băn khoăn, nàng quay lại thấy Đào Liễu từ trong nhà xăn xái đi ra, dáng điệu của cô ta hình như xớn xát...
Vừa đến chỗ Thư Hương đứng là cô ta dậm chân :
- Chết rồi...
Thư Hương cau mày :
- Cái gì? Mắc tiểu rồi phải không?
Đào Liễu lắc đầu :
- Không phải, cái gói...
Thư Hương nói :
- Trong tủ chớ đâu.
Đào Liễu nói :
- Không có, cái tủ trống trơn.
Thư Hương nhướng mắt :
- Chính tay ta bỏ vô khóa mà?
Đào Liễu nói :
- Vậy mà bây giờ không có. Tôi mới mở coi đây nè.
Thư Hương lật đật đi vào.
Quả nhiên, cái tủ trống không.
Vậy thì cái gói ở đâu? Không lẽ mọc cánh bay đi? Không...
Đào Liễu vừa thở vừa chỉ chỉ :
- Cái tủ sát tường có ba mặt và trên nóc trống trơn...
Cô ta dậm chân nói luôn một hơi :
- Nhất định lão họ Triệu đã lên lấy dông rồi, tôi đã nói mà không chịu nghe...
Thư Hương mím miệng chạy nhanh ra sân.
Nhà nào cũng đã ngồi vào mâm cơm, chỉ còn mấy gã đại hán còn đang tập luyện, có người đang xách nước ngoài giếng trước sân.
Thư Hương bước ra hỏi :
- Triệu đại ca đâu? Các vị có biết đâu không?
Gã đại hán ngẩng mặt lên :
- Triệu đại ca là ai? Chúng tôi ở đây không biết người đó.
Thư Hương chỉ tay vào nhà :
- Cái vị ở trong nhà đó mà, chòm xóm với chư vị mà? Các vị không biết sao?
Gã đại hắn lắc đầu :
- Gian nhà đó bỏ trống đã mấy tháng rồi đâu có ai ở. Hồi sáng sớm này mới có người đến thuê và trả có nửa tháng tiền phòng. Chúng tôi chưa biết tên lão là gì.
Thư Hương sửng sốt. Đào Liễu ngẩn ngơ.
Chợt phía trong có người hỏi :
- Ai hỏi Triệu đại ca đó?
Người đó đi ra và tay hãy còn cầm cây roi, hình như đang luyện võ.
Thư Hương bước lại hỏi :
- Tôi hỏi thăm đây, chẳng hay lão huynh có biết chăng?
Người ấy gật đầu :
- Biết chớ, người trong thành này, bất cứ ai có làm ăn bên ngoài đều biết cả.
Thư Hương mừng quá nói :
- Nhờ lão huynh giúp giùm nghe, làm ơn đưa tôi đi gặp Triệu đại ca một chút.
Người ấy nhìn Thư Hương và Đào Liễu từ đầu đến chân :
- Các ngươi là...
Thư Hương rước nói :
- Chúng tôi đều là bằng hữu của Triệu đại ca.
Người ấy cười cười :
- Đã là bằng hữu của Triệu đại ca, thì cần gì phải nói chuyện ân nghĩa, tôi sẵn xe kìa, lên tôi đưa đi.
Chếch qua một khuôn sân, có cỗ xe đang đậu, người đánh xe nói :
- Triệu đại ca đang uống rượu với một bằng hữu, tôi vì bận việc nên bỏ về đây.
Cỗ xe chạy khá nhanh, người đánh xe quả là tay lão luyện, chỉ quanh quanh một lúc là dừng lại trước một gian nhà cũ kỹ...