Thầy Đoàn dạy môn sử địa và thường hay bợp tai học trò, bất kể người đó là con trai hay con gái. Thầy được học trò tặng danh hiệu là “Hung Thần”. Thầy Đoàn đã dạy ở trường hơn mười năm rồi. Danh hiệu này của thầy do ai đặt ra và đặt năm nào thì không ai còn được biết gốc tích của nó nữa, nhưng riết rồi học trò không ai không biết danh hiệu Hung Thần của thầy. Thầy dò bài, học trò nào không thuộc bài thì sẽ bị bợp tai. Học trò không vẽ bản đồ địa lý cũng ăn bợp, ngồi trong lớp nói chuyện cũng ăn bợp, nhai kẹo chewing gum cũng ăn bợp. Nói chung không có chuyện gì thầy không bợp tai. Có lúc, nếu đứa học trò ngồi xa quá và thầy không muốn đi tới, thầy sẽ lấy bất cứ món gì có trên bàn để ném vào học trò đó. Không biết thầy Đoàn trước kia đã có từng là xạ thủ được huấn luyện bắn súng hay ném tiêu hay không nhưng thầy ném rất trúng và chính xác, trừ phi học trò cố tình né sang một bên. Nếu để thầy ném cho trúng người thì thôi, thầy sẽ bỏ qua tiếp tục dạy học. Nhưng nếu cố tình né khiến thầy ném trật thì thật đáng tội cho học trò đó, thầy sẽ đi đến tới tận chỗ ngồi và lần này thì dùng tay bợp thẳng sức. Riết rồi học trò không ai dám né tránh mỗi khi thầy Đoàn ném đồ vào người nữa, ai làm lỗi bị thầy ném đồ thì ráng ngồi im. Học trò lớp này truyền tai lớp kia, chúng tôi không hẹn đều làm giống nhau. Mỗi lần đến giờ sử địa trước khi thầy Đoàn lên lớp, mọi ngươi cùng nhau dọn sạch sẽ bàn thầy giáo không để món gì lại trên bàn, chỉ để lại vài phiên phấn cho thầy viết bảng. Như vậy nếu thầy Đoàn có muốn ném đồ vào học trò thì cũng chỉ là mấy cục phấn, có trúng cũng không đau lắm.
Cái tên Đoàn của thầy đã trở nên quên lãng, nếu có được nhắc tới là chỉ khi nào trước mặt các thầy cô giáo khác. Đối với học trò trong trường, danh hiệu Hung Thần mới là tên chính của thầy. Nữ sinh trong trường sợ thầy như sợ cọp. Hôm nào có ai lỡ không thuộc bài hay quên làm bài thì ngày đó người đó lo sợ phập phồng cả buổi, sợ sẽ bị gọi trúng tên lên dò bài. Thế nhưng khổ một điều, có những nữ sinh tuy ở nhà đã học thuộc bài văn vắt, nhưng khi bị gọi lên bục trả bài thì họ đã bị khiếp đảm hồn vía bay lên mây và không làm sao nhớ bài được, hoặc có nhớ thì cũng chỉ ấp a ấp úng không nói rõ câu và như thế họ lại bị ăn bợp tai đau điếng. Không phải nếu là con gái thì thầy Đoàn sẽ nhẹ tay, con gái hay con trai thầy đều đánh thẳng thừng như nhau.
Anh Quang Hùng cũng không ngoại lệ, từng là một nạn nhân ăn bợp tai của thầy Đoàn. Nghe nói anh Hùng hôm đó cùng với anh Qnang cận thì thào nói chuyện gì đó trong lớp lúc thầy Đoàn đang giảng bài, thầy tức lắm lấy phấn ném vào hai người. Anh Quang Cận biết thân nên ngồi yên nhận lãnh viên phấn chọi trúng ngay người. Anh Quang Hùng thì bướng bỉnh hơn, anh né qua một bên thế là viên phấn chọi không trúng anh. Điều này khiến thầy Đoàn nổi nóng, đang từ trên bục giảng thầy đi ngay xuống lớp tới chỗ anh Quang Hùng, bợp cho anh một bợp tai. Anh Quang Hùng đau thì không nói nhưng mất mặt với đám đệ tử trong lớp và mấy chị con gái thì nhiều. Anh ức lắm để bụng nhưng không dám nói gì. Có cãi lại thầy Đoàn cũng chỉ làm cho thầy tức thêm và đánh thêm thôi. Thấp cổ bé miệng, kiện cáo không được mà than phiền không xong, anh Quang Hùng tự mình tìm cách trả thù.
Sau khi lớp anh Hùng đi cắm trại ở suối Thanh Bình về, sang đến ngày hôm sau đi học lại đa số những người trong nhóm đều quên không vẽ bản đồ địa lý để nộp. Chị Hậu sợ lắm, lỡ mà thầy Đoàn gọi tên chị thì coi như chắc chắn chị không những ăn con zero mà còn được tặng thêm cái bợp tai đau điếng. Chị Hậu sợ đến độ không muốn vào lớp học. Một số các anh chị khác cùng hoàn cảnh cũng biểu hiện sự lo sợ không kém.
Môn địa lý ngày thường vốn vẫn là môn học tẻ nhạt khô khan đối với đám học trò ham vui hơn học. Những con số về chu vi, toạ độ, dân số, khí hậu thì lại càng khó nuốt và khó nhớ. Giờ đây thêm màn phải nộp bản đồ vẽ quốc gia các nước trên thế giới, các bạn lớp anh Quang Hùng càng cảm thấy ngao ngán chán chường. Anh Hùng đột nhiên bày ra một ý kiến vừa trả thù riêng vừa trả thù chung. Anh rủ cả bọn trốn học giờ thầy Đoàn, như vậy thầy không làm sao bợp tai ai được. Tuy nhiên các bạn trong bọn đều sợ, tội không làm bài đã lớn rồi, tội cúp cua càng lớn hơn, sẽ bị gọi lên phòng giám thị, sẽ bị phạt và bị gửi giấy về phụ huynh. Anh Hùng đưa ra lập luận:
- “Tụi mày đừng lo. Một cây đũa thì dễ bẻ, cả một nắm đũa thì khó bẻ, nếu trốn học một vài đứa thì mình mới bị bắt và bị phạt còn nếu cả lớp nghỉ hết thì trường không phạt mình đâu. Nếu có phạt thì phạt cả lớp, càng vui. Lúc nó người phạt tụi mình sẽ là thầy giám thị chứ không phải thầy Hung Thần. Cùng lắm thì thầy giám thị bắt mình đi làm vệ sinh cuối tuần hay bắt ở lại trễ là cùng. Như vậy cũng còn hơn bị Hung Thần cho ăn bợp tai sưng mặt. Còn nữa, nếu thấy cả lớp đều bỏ học thầy giám thị sẽ điều tra lý do, lúc đó cả lớp đồng lòng tố tội Hung Thần thì trường sẽ biết tội ông ta. Cả lớp làm như vậy Hung Thần không trả thù cá nhân đứa nào được.”
Những bạn trong đám Thất Hiệp sau khi nghe anh lý luận thì dường như cũng bùi tai nên đã có vẻ nghiêng theo. Anh Quang Hùng được trớn, nóí luôn:
- “Từ trước tới nay không ai làm gì Hung Thần. Đã đến lúc mình phải cho ổng biết học trò tụi mình cũng có cảm giác và giá trị, không phải ai muốn đánh đập gì thì đánh.”
Ba anh Quang, Thịnh và Kỳ đều ưng thuận, đồng lòng làm theo lời khuyên làm bậy của anh Hùng, nhưng các chị thì nhát hơn nên vẫn ngần ngừ. Anh Quang Hùng tiếp tục thuyết phục:
- “Mấy bà đừng lo. Nếu về trường có truy tội ra thì mọi người cứ đổ tội cho thằng Hùng này. Xưa nay các bạn vẫn gọi thằng Hùng này là Hùng Đại Ca, thế thì lần này để đại ca lo cho.”
Sau câu nói đầy nghĩa khí đó anh Hùng đã hoàn toàn thu phục được lòng của mọi người trong đám. Sau đó họ đi dụ hết những bạn còn lại trong lớp. Lập lại những lời lẽ như anh Hùng đã nói, nhóm Thất Hiệp đã nhanh chóng thuyết phục được hết cả lớp cúp cua giờ địa lý. Lớp của thầy Đoàn là giờ thứ hai, do đó ngay sau khi giờ học đầu chấm dứt tất cả mọi người trong lớp anh Hùng chia nhau ra từng toán nhỏ lẻn ra khỏi trường. Trước khi đi, anh Hùng đi ngang qua lớp tôi, gọi tôi đến thì thầm nói cho tôi biết kế hoạch của lớp anh để tôi nếu không thấy anh cũng khỏi lo. Lúc đó đang giờ nghỉ giải lao, tôi đang đứng ở cửa lớp và Minh Châu cũng có mặt ở đó, nghe tôi kể về kế hoạch của anh Hùng mắt nó sáng lên:
- “Cha, chuyện làm này nghe hấp dẫn đó nghe, cả lớp trốn học đi chơi, Tao chưa thấy ai làm vậy bao giờ.” Nó quay sang rủ rê tôi. “Ê, ngàn năm một thủa sao mình không đi theo? Tao đoán họ chắc sẽ có nhiều mục thú vị.”
Tôi từ chối không muốn đi. Tôi xưa nay chưa bao giờ cúp cua, lúc nào cũng là học sinh gương mẫu, chuyện này với tôi là chuyện không chấp nhận được. Nhưng sau một hồi Minh Châu nài nỉ ỉ ôi quá tôi cũng siêu lòng nghe theo bạn, trong lòng mang hai cảm giác lẫn lộn vừa lo sợ vừa thích thú hồi hộp.
Hai đứa chúng tôi vội vã vào lớp lấy cặp, Minh Châu mặt giả vờ đau đớn, nó nói với anh trưởng lớp:
- “Ông Thành, tui đau bụng quá chịu không nổi, tôi nhờ nhỏ này đưa tôi về nhà uống thuốc, nói dùm với thầy giáo giờ sau dùm tui. Chừng vài tiếng tụi tui quay về lại.”
Thành trưởng lớp nhìn tôi, nhưng tôi chỉ đứng im không nói gì. Tôi thật không biết phải nói sao, nói dối thì tôi thấy ngượng miệng, nói thiệt thì sẽ làm bể mánh Minh Châu. Tôi chỉ đành xài chiêu thức ‘không hỏi không nói’. Thấy tôi không lên tiếng, Thành trưởng lớp tưởng tôi đồng lòng, vả lại nhìn khuôn mặt nhăn nhó đóng kịch y như thật của Minh Châu thật khó ai không tin được:
- “Ừ hai bạn đi đi để tui nói cho. Uống thuốc xong nếu thấy khỏe thì quay lại.”
Minh Châu gật đầu cám ơn Thành trưởng lớp rối rít, nó nhanh chóng kéo tôi đi ra cửa, vừa đi vừa thì thào:
- “Đi nhanh đi mày, tao sắp phì cười đây, bể mánh bây giờ.”
Tôi lấy tay nhéo bạn:
- “Tao nghĩ mày sau này đi làm nghệ sĩ đóng kịch như Kim Cương là đúng nghề. Trông y như thật.”
Hai đứa tôi cười khúc khích chạy nhanh ra cửa đuổi theo đám bạn anh Hùng. Ra đến đường muồng vàng chúng tôi đã bắt kịp bọn anh. Thấy hai đứa tôi anh Hùng ngạc nhiên.
- “Hai con bé này cũng cúp cua theo à? Có biết chết là gì không? Đi về đi học ngay.”
Minh Châu cãi lại:
- “Mấy người cúp cua thì được, tụi này cúp cua thì không cho.”
- “Nhỏ mà đã bày đặt trốn học.”
Anh Hùng bắt chúng tôi quay về lớp học lại nhưng Minh Châu nhất định không nghe. Cuối cùng các anh chị trong lớp phải nói vào:
- “Thôi, hai cô nhỏ đó đã lỡ ra tới đây rồi, cho họ đi luôn đi.”
Được các bạn trong lớp nói xin cho, anh Quang Hùng mới bằng lòng cho hai chúng tôi đi theo. Hôm đó mọi người rủ nhau vào nhà chị Hậu chơi. Nhà chị Hậu cách trường học không xa, sau nhà chị có vườn trái cây lớn lắm, cả bọn bàn tính về đó ăn một chầu mít và sầu riêng.
Chúng tôi đã có những giờ phút vui vẻ ở trong vườn trái cây nhà chị Hậu. Mấy anh con trai thì trèo cây làm dáng khôi hài như những con khỉ hái mít, mấy chị con gái ở dưới đất chỉ cho họ trái nào có thể hái được. Sầu riêng thì chúng tôi không phải hái, trái sầu riêng khi chín tới sẽ tự rụng vào ban đêm. Mấy đứa con gái chúng tôi đi chung quanh vườn lượm sầu riêng rụng đem vào nhà xẻ ra ăn. Anh Hùng không quen ăn sầu riêng, anh nhăn mặt bịt mũi than giống trái gì mà thúi quá. Các bạn trai không tha cho anh, họ đè anh ra nhét sầu riêng vào miệng anh.
- “Lạc thú thế gian là được ăn sầu riêng, mày không ăn thì uổng phí cuộc đời.”
Anh Hùng la bai bải, vừa chạy vừa phun phì phì sầu riêng từ trong miệng ra.
- “Lạc thú gì thì tao chưa thấy, chỉ biết nó có mùi giống như mấy thằng mày đang bụng đầy hơi mấy ngày rồi xịt… gió.”
Mấy chị con gái ồn ào phản đối nói anh Hùng ăn nói nham nhở quá. Anh Hùng cười lớn rồi chạy vào nhập bọn với những bạn đang xẻ mít. Mọi người dường như không còn nhớ tới trường học là gì nữa. Thầy Đoàn và những cái bợp tai nẩy lửa của thầy đã không còn trong đầu của bất cứ ai, chúng tôi cười giỡn và chọc ghẹo nhau om sòm.
Chơi ở nhà chị Hậu chừng hơn một tiếng đồng hồ thì mấy chị trong lớp nhắc phải quay về trường lại. Mấy anh con trai than van rằng vui quá họ không muốn về và muốn nghỉ luôn cả ngày. Thế nhưng mấy chị thì muốn quay lại học hai giờ học còn lại. Họ nói họ chỉ tẩy chay giờ thầy Đoàn thôi chứ không có ý định nghỉ luôn mấy giờ kia. Mấy anh con trai vì vậy đành phải nghe lời và cả bọn cùng nhau dọn dẹp, lên đường về lại trường, vừa đi vừa tiếc rẻ những giây phút vui chơi ngắn ngủi. Chị Hậu đề nghị vui như vậy thì chúng tôi nên họp nhau lại một lần nữa ở nhà chị vào ngày Chủ Nhật, mọi người hoan hỉ tán đồng.
Chúng tôi căn giờ để về trường, khi về tới nơi thì cũng vừa lúc giờ giải lao giữa hai giờ học. Lúc đó cả trường đã xôn xao bàn tán chuyện cả lớp 11C1 cúp cua giờ thầy Đoàn. Mấy học trò của những lớp bên cạnh tò mò nhìn sang lớp anh Hùng xem câu chuyện sẽ chuyển biến ra sao. Giống như mọi người đã đoán, ngay sau khi học trò lớp anh Hùng về tới, thầy giám thị đã tới tận lớp. Tuy giờ tiếp đó là giờ toán, thầy giám thị nói với thầy dạy toán nhường giờ để thầy nói chuyện với cả lớp về chuyện cúp cua. Lúc đó tôi và Minh Châu cũng đã về lớp của mình. Vì chỉ có hai đứa vắng mặt và xưa nay vẫn là học trò ngoan của lớp nên chúng tôi không bị nghi ngờ gì. Lớp anh Hùng thì lại khác, thầy giám thị làm dữ lắm. Thầy hăm sẽ mời phụ huynh lên nói chuyện và phạt nặng các học sinh. Anh Hùng đứng ra nhận tội cho cả lớp, anh nói anh là người chủ mưu xúi dục và xin tội cho mọi người. Thầy giám thị dẫn một mình anh Hùng về phòng giám thị nói chuyện riêng, thầy để cả lớp được tiếp tục học giờ toán.
Chừng một tiếng sau, thầy giám thị quay lại và thông báo tha không báo cáo cho phụ huynh nhưng phạt cả lớp sáng Chủ Nhật tuần đó phải đến trường làm vệ sinh. Bị phạt nhẹ như vậy cả lớp ai cũng thở ra nhẹ nhõm. Nhưng anh Hùng thì lại khác, lúc thầy giám thị tới tuyên bố như vậy thì anh vẫn còn bị giữ lại trên văn phòng chưa được thả ra. Có chị nói lúc anh Hùng bị dẫn lên văn phòng, chị hình như thấy có cả thầy Đoàn bước vào trong đó. Bạn bè cũng thương và lo cho anh Hùng, họ không biết chuyện gì đã và đang xẩy ra trong căn phòng đang đóng cửa đó. Bỗng nhiên anh Hùng trở thành một anh hùng của lớp 11C1, một anh hùng đã dám xả mình đứng ra nhận tội cho mọi người.
Đến giờ tan học, học trò trong trường đã vể cả rồi nhưng anh Hùng vẫn chưa được thả ra, mấy người bạn trong nhóm của anh lo lắm. Họ nán lại trường, đứng lòng vòng trước cửa phòng thầy giám thị chờ anh ra. Tôi và Minh Châu cũng ở lại chờ anh. Mãi một lúc lâu cửa phòng thầy giám thị mới mở, chúng tôi thấy thầy Đoàn bước ra trước nhất, khuôn mặt thầy vẫn khó đăm đăm như ngày thường. Đi ngang qua đám chúng tôi, thầy không nhìn ai. Chúng tôi thấy thái độ thầy Đoàn như vậy càng đâm lo. Dám tổ chức trốn học lớp Hung Thần như vậy, anh Hùng quả đáng tội chết, kỳ này thầy Đoàn trả thù thì không cách nào gỡ kịp. Chị Hồng than thở:
- “Quang Hùng kỳ này tiêu tán đường rồi, Hung Thần mà ra tay trả thù thì chỉ có trời cứu.”
Anh Bá Kỳ càng thê lương hơn:
- “Chắc nãy giờ ở chỏng Hung Thần đã đánh tra tấn thằng Hùng nhừ tử, có ra được khỏi phòng đó thì cũng chỉ là cái xác bầy nhầy. Kỳ này thằng Hùng làm tử sĩ vong thân vì tụi mình rồi.”
- “Ôi, thằng Hùng thật là vĩ đại, nó có thua gì những anh hùng dân tộc ngày xưa. Nó dám xả thân cho bạn bè.” Anh Thịnh Ú nói thêm.
Mấy người con gái không nói gì nhiều nhưng ai cũng tỏ vẻ lo lắng ra mặt, nhất là chị Kim Điệp. Cuối cùng thì anh Hùng cũng bước ra khỏi phòng thầy giám thị, chúng tôi chạy bao quanh lấy anh xem anh ra sao, có đúng là đã bị tra tấn khủng khiếp như mấy anh con trai đã diễn tả không. Thế nhưng anh Quang Hùng dường như không mất đi một sợi tóc. Anh điềm đạm bước ra, sau đó không quên quay lại chào thầy giám thị ra về. Chúng tôi bước đi theo anh. Trên đường, mọi người hỏi chuyện anh tới tấp, cố tìm hiểu xem chuyện gì đã xẩy ra trong mấy giờ đồng hồ anh bị nhốt trong phòng với thầy giám thị và thầy Đoàn. Anh Quang Hùng cảm thấy thích thú lắm vì được mọi người quan tâm. Anh càng làm già, không trả lời gì, chỉ vừa đi vừa tủm tỉm cười. Mãi một lúc sau anh mới chịu nói:
- “Thằng Hùng này đã dám rủ các bạn trốn học thì thằng Hùng này sẽ chịu lấy một mình. Các bạn lo lắng làm gì.”
Sau đó anh quay sang nói với các anh trong băng Thất Hiệp một cách nặng mùi kiếm hiệp:
- “Tao đã được tụi bay tôn làm đại ca thì phải làm sao cho đúng tác phong đại ca. Thôi đi, đừng lải nhải những lời thường tình nhi nữ nữa.”
Những lời nói của anh Hùng càng làm đám bạn của anh phục anh sát đất. Họ càng lên tiếng khen ngợi anh. Càng thương anh họ càng căm ghét Hung Thần.
- “Có một ngày mình sẽ trả món nợ này với Hung Thần.” Anh Thịnh Ú nói.
- “Thôi đi, oán thù gì mà trả. Thật ra thầy Đoàn cũng không phải là người xấu như mình nghĩ đâu.” Anh Hùng gạt đi.
Mọi người đang nói xôn xao, thấy anh Hùng nói vậy đều ngạc nhiên nhìn anh. Anh Hùng giải thích.
- “Thật ra người xin thầy giám thị đừng báo cho phụ huynh và đừng phạt mình nặng chính là thầy Đoàn.”
- “Tao không tin ổng là người tốt như vậy.” Anh Kỳ tỏ vẻ nghi ngờ. “Ổng làm vậy là để giả nhân giả nghĩa che mắt thiên hạ.”
- “Không phải đâu.” Anh Hùng tiếp tục. “Trông thầy có vẻ thật tình. Thầy không làm gì tao, chỉ hỏi lý do tại sao tụi mình trốn học giờ thầy. Tao có sao nói vậy kể cho thầy nghe. Nói từ trước tới giờ thầy đánh tụi mình dữ quá nên tụi mình sợ. Thầy nghe xong có vẻ ngạc nhiên lắm. Có lẽ những gì thầy làm từ trước tới nay là không có ác ý. Thầy chỉ là nóng tính thôi. Thầy giám thị cũng không la tao. Thầy nói, kỳ sau nếu lớp có vấn đề gì với thầy cô giáo thì phải lên báo với nhà trường, đừng tự mình giải quyết như vậy.”
- “Rồi mấy ổng tha cho mày hả?”
- “Tha gì mà tha. Có tội thì vẫn phải bị phạt. Tao bị phạt nặng. Cả lớp chỉ bị phạt có sáng Chủ Nhật làm vệ sinh, tao bị tới bốn Chủ Nhật lựng. Đã vậy nguyên một tháng, mỗi ngày nửa tiếng sau khi tan học phải ở lại phụ thầy Đoàn, thầy sai gì làm đó.”
Không ai để ý, nhưng tôi nhận ra cách xưng hô của anh Hùng. Anh đã không còn gọi thầy Đoàn là Hung Thần nữa.
Anh Hùng làm đúng theo như bị phạt, mỗi sáng Chủ Nhật anh lên trường làm vệ sinh trong trường. Anh đi lượm rác trong sân, quét sạch các hành lang các lớp học và lau văn phòng họp thầy cô. Học trò lớp của anh tuy chỉ bị phạt có một ngày, nhưng vì thương anh Hùng cho nên ba Chủ Nhật còn lại nhóm Thất Hiệp của anh cũng vẫn lên trường phụ anh làm vệ sinh. Thật ra tôi thấy bị phạt làm vệ sinh như vậy đối với họ lại càng là cái cớ cho họ có dịp đi chơi. Khi gặp mặt nhau như vậy họ vui không thua gì đi picnic, vừa làm việc họ vừa phá phách chọc ghẹo nhau như lệ thường. Phụ giúp anh Hùng làm vệ sinh trường cho mau chóng, bọn họ lại kéo nhau vào nhà chị Hậu ăn trái cây.
Sau sự việc lần đó, thầy Đoàn đã bớt đánh học sinh rất nhiều, thái độ của thầy đã bớt cay nghiệt hơn khi lên lớp. Những ngày anh Hùng bị phạt ở lại trường cho thầy sai việc đã tạo cho anh cơ hội nói chuyện và gần gũi với thầy hơn. Theo như anh kể thái độ của thầy đánh học trò hoàn toàn là do tính nóng nảy của thầy. Từ ngày chuyện cúp cua của cả lớp xẩy ra và sau lúc ở trong phòng giám thị mấy giờ đồng hồ nghe anh Hùng lên án, thầy tỉnh ngộ nhận thức được sự sai quấy của mình. Thầy sau này dặn học trò hễ khi nào thấy thầy lên cơn nóng giận thì nhắc cho thầy nhớ để thầy sửa.
Anh Quang Hùng càng lúc càng trở nên thân thiết với thầy Đoàn. Sau khi một tháng thời hạn bị phạt phải ở lại sau giờ học cho thầy sai đã qua rồi, anh vẫn tiếp tục ở lại trường mỗi ngày giúp thầy các việc sổ sách. Thỉnh thoảng anh còn đến nhà thầy giúp mấy việc nặng nhọc quanh nhà. Hai thầy trò trông ra tâm đắc và thân thiết lắm. Thầy Đoàn ít giao thiệp với ai, tính khí khó khăn của thầy khiến thầy không có bạn bè gì nhiều. Học trò không ai đến thăm bao giờ. Thầy sống lặng lẽ cô độc một mình trong căn nhà nhỏ. Anh Hùng càng ngày càng hiểu và thương thầy. Mãi sau này nghe anh kể chúng tôi mới biết thầy Đoàn thật ra mang bịnh xương không chữa được. Thầy thường hay bị đau đớn và chính những cơn đau này đã khiến thầy trở nên ghắt ghỏng khó chịu, không làm chủ được mình. Thuốc chữa bịnh xương và thuốc giảm đau mắc tiền, lương thầy giáo trung học không đủ cho thầy mua thuốc uống mỗi ngày, cho nên thầy chỉ phải cố chịu đựng những cơn đau hàng ngày.
Anh Hùng thương thầy lắm, xưa nay dù có nghèo không tiền xài anh cũng chưa bao giờ xin tiền ai. Thế nhưng lần này vì thầy Đoàn anh về nhà hỏi tôi mượn tiền.
- “Anh biết em xưa nay vẫn để dành tiền cha cho. Em cho anh mượn một ít anh mua thuốc cho thầy.”
Tôi moi heo lấy hết tiền đưa cho anh, tôi nói tiền này cha cho, anh cũng có phần. Anh không lấy hết, chỉ lấy một nửa phần của anh, còn thì trả lại cho tôi.
Anh Khiêm Thủ Quân đã có cái nhìn khác về anh Hùng của tôi. Gặp nhau ở nhà thủy tạ, anh Khiêm nói với tôi:
- “Sau đêm văn nghệ và chuyện thầy Đoàn, anh nghĩ thằng Hùng quả thật có bản lãnh. Nó tuy cao ngạo, ăn nói ngông nghênh và hơi ‘đểu’ nhưng nó có thực tài và có lòng.”
Tôi mừng thấy anh Khiêm đã không còn ghét hay chống đối anh tôi nữa. Tôi chọc anh:
- “Như vậy anh từ nay sẽ chịu để thua chị Kim Điệp cho anh Hai em một cách tâm phục khẩu phục rồi phải không?”
Anh Khiêm cốc lên đầu tôi:
- “Tâm phục khẩu phục thì có, nhưng nhường Kim Điệp cho nó thì nhất định không.” anh ngừng một lát chờ xem phản ứng của tôi, sau đó mới nói tiếp. “Bởi vì từ trước đến giờ anh không hề có ý theo đuổi hay dành dựt con bướm vàng với thằng Hùng.”