Đối với một số bạn nam, anh Hùng là một thần tượng của họ. Những gì anh nói và làm đều được họ cho là hay là đúng. Họ ráng nhớ nằm lòng những lời anh nói và coi chúng như những danh ngôn. Họ bắt trước cắt tóc theo kiểu thời trang của anh, kiểu tóc để hơi dài phía sau, phía trước thì để lòa xòa rủ xuống trán. Họ còn bắt chước luôn dáng điệu của anh mỗi khi đưa tay lên vuốt tóc.
Anh Quang Hùng chưa bao giờ có bạn gái và chưa từng yêu ai, thế nhưng từ lúc vào học trường mới, không hiểu từ lúc nào anh bỗng dưng trở thành chuyên gia về tình yêu cho các bạn nam đến tham khảo. Họ hỏi ý kiến anh làm sao tán gái và làm sao hiểu được tâm lý con gái. Những lúc đó tôi thấy anh Quang Hùng tỏ dáng điệu ta đây đàn anh, đưa tay vuốt nhẹ mái tóc trước trán, hất mặt lên và nói giọng điệu sặc mùi kiếm hiệp:
- “Muốn hiểu tâm lý con gái hả? Chúng mày thật đã kiếm đúng cao thủ rồi. Ông đây đã từng quen biết bao nhiêu là con gái, ông hiểu bọn chúng như những đường chỉ tay trong tay ông.”
- “Thật sao?” Đám đệ tử trung thành của anh tròn mắt. “Hùng Đại Ca dạy cho tụi này vài tuyệt chiêu thử coi.”
Anh Quang Hùng tủm tỉm cười ra vẻ đắc ý:
- “Trong Anh Hùng Xạ Điêu, vì muốn Hoàng Thất Công truyền mười tám môn võ nghệ Giáng Long Thập Bát Chưởng cho Quách Tĩnh, Hoàng Dung đã phải bỏ bao công lao nấu nướng đãi đằng, chiều chuộng. Tụi bay muốn học mười tám chiêu đi cua gái của ông thì phải chịu khó hầu hạ ông và để ông xai khiến. Nếu ông thấy vui, ông sẽ chỉ cho từng chiêu một. “
Ngừng một lát thăm dò tình hình đám bạn đệ tử lúc đó đang ngẩn mặt khâm phục lắng nghe, anh Quang Hùng gật gù nói tiếp:
- “Nhưng thôi, hôm nay để ông dạy cho chúng mày bài học đầu tiên không tốn tiền gọi là món quà ra mắt cho tụi bay. Đây nhé hãy nhỉnh tai lên mà nghe lời vàng ngọc của ông. Mấy đứa con gái tụi nó làm tàng và điệu bộ lắm, mình càng tỏ ý theo tụi nó thì tụi nó càng làm cao, cho nên chúng mày phải chơi cái màn lơ tụi nó đi. Bước đầu tiên để gây chú ý cho mấy cô nàng là nhìn trộm mấy cô nàng một cách lộ liễu để cho mấy cô nàng biết là mình đang chú ý tới mấy cô. Nhưng một khi mấy nàng nhìn lại thì chúng mày phải quay đi làm như không có gì. Đây là một thái độ khiêu khích gợi sự tò mò, mấy cô nàng rồi sẽ theo dõi chúng mày để dò xét tình ý. Nếu tụi mày cứ lò tò tỏ ra say mê các cô nàng, các cô nàng sẽ càng làm cao, không ngó ngàng gì tới tụi mày. Ngược lại, nếu thấy chúng mày làm lơ, các cô nàng sẽ tức giận và quay ngược lại tìm cách chinh phục lại chúng mày.”
Các bạn anh Quang Hùng tấm tắc khen bài học cua gái thứ nhất này là hay và họ nhắc nhau sẽ thực hành. Tôi nghe mà chỉ muốn cười. Anh tôi xưa nay có quen bạn gái với ai bao giờ đâu, anh chưa bồ với ai và cũng chưa yêu ai, sao lại tỏ ra sành sỏi kinh nghiệm về tâm lý con gái như thế. Nếu như anh Hùng quả thật có hiểu biết về tâm lý con gái và cua gái, những kinh nghiệm đó hoàn toàn là do đọc từ sách vở hoặc là từ bao nhiêu năm sống chung với mẹ và tôi chứ chẳng phải kinh nghiệm cua gái gì của bản thân anh. Tuy vậy, những lời anh Quang Hùng nói vẫn khiến các bạn anh phục lăn và họ càng coi anh là thần tượng của họ.
Trong số những người bạn trong lớp, anh Quang Hùng chơi thân nhất với một nhóm bạn bẩy người. Nhóm bạn bẩy người này tự đặt cho nhau một danh hiệu nặng mùi kiếm hiệp là Thất Hiệp, dựa tên theo nhóm Giang Nam Thất Hiệp trong chuyện Kim Dung “Anh Hùng Xạ Điêu”. Nhóm Thất Hiệp này ít gọi nhau bằng tên một chữ, họ thường gọi nhau bằng cả tên lẫn họ hoặc gán cho nhau những biệt danh. Thí dụ như họ gọi anh Quang Hùng là Nguyễn Quang Hùng hay Hùng Đại Ca, gọi anh Trịnh Xuân Quang là Quang Cận vì anh đeo cặp kính cận thị dầy cui, gọi anh Trần Bá Kỳ là Kỳ Triết Học vì anh hay lên giọng giảng triết lý, gọi anh Bùi Thịnh là Thịnh Ú vì anh hơi tròn trịa mập mạp. Về phiá con gái, nhóm bạn thân của anh gồm có chị Nguyễn Thị Hậu là Hậu Mít Ướt vì chị hay khóc, chị Trần Thúy Hồng là Hồng Chạp Phô vì nhà chị bán quán chạp phô và chị Vũ Kim Điệp là Bướm Vàng vì Kim Điệp có nghĩa là bướm vàng. Ngoài biệt hiệu Hùng Đại Ca của nhóm Thất Hiệp tặng, anh Quang Hùng còn có một biệt danh nữa được các bạn khác trong lớp đặt cho, đó là Hùng Đểu. Họ nói anh nói câu nào ra sao nghe cũng thấy đểu hết. Anh Hùng lúc đầu cảm thấy giận vì bị gán cho tên này, nhưng không lâu sau thì nghe quen tai nên không giận nữa. Anh biết các bạn không ác ý và ngay chính anh, anh cũng công nhận cách anh nói chuyện về con gái có hơi đểu thật.
Lúc ở Sài Gòn anh em chúng tôi đi học đều mặc đồng phục. Học sinh ở Sài Gòn, Hocon trai mặc áo sơ mi trắng, quần xanh dương đậm, con gái thì mặc áo dài trắng, quần đen. Trường trung học ở thị trấn nơi anh em chúng tôi mới vào học cũng mặc đồng phục giống y như vậy, nhưng vì là xứ lạnh cho nên đồng phục còn có thêm áo len xanh dương đậm cho nam sinh và áo len tím hoa cà cho nữ sinh. Đến ngày thứ Hai là ngày chào cờ thì các học sinh, cả nam lẫn nữ, đều phải mặc quần trắng.
Các học trò ở gần trường thì đi bộ đi học, các học trò ở xa cách đó bẩy tám cây số, chẳng hạn như vùng Tân Thanh, Tân Phát, thì đi học bằng xe đạp. Một điều mà tôi chưa từng bao giờ thấy khi ở Sài Gòn đó là học sinh dân tộc thiểu số. Trong trường còn có các học sinh dân tộc thiểu số đi học. Những học sinh dân tộc thiểu số này đều ở trong những vùng rừng núi rất xa thành phố, mỗi ngày họ phải đạp xe đạp mấy tiếng mới tới trường. Những nữ sinh dân tộc thiểu số không phải mặc đồng phục áo dài hay quần đen quần trắng như nữ sinh dân tộc kinh chúng tôi, họ có thể mặc váy sà-rông đi học.
Vì trường bao gồm cả đệ nhất cấp (từ lớp sáu tới lớp chín) và đệ nhị cấp (từ lớp mười đến lớp mười hai) nên học sinh rất đông, Đa số các cấp lớp đều học buổi sáng, số các cấp lớp còn lại phải học buổi chiều. Học sinh buổi chiều đi học thường bị buồn ngủ. Cấp lớp của tôi và của anh Hùng may mắn đều được xếp vào buổi sáng.
Đời sống học trò tỉnh lẻ thì êm đềm và giản dị hơn học sinh thành phố Sài Gòn. Học sinh ở đây thân thiện hơn và giàu tình cảm hơn. Hai anh em tôi đã gia nhập thế giới mới này một cách ngỡ ngàng xa lạ, nhưng sau đó chỉ trong một thời gian ngắn, với sự thân thiện của bè bạn chung quanh chúng tôi đã nhanh chóng làm quen với môi trường. Anh Hùng đã trở nên thân thiết với nhóm Thất Hiệp của anh và tôi cũng đã có bạn gái thân, điều mà chúng tôi đã không có trong những ngày sống thay đổi ở Đà Lạt hay Sài Gòn.
Chừng hơn một tháng sau khi nhập học, một buổi trưa tháng Mười, sau khi đi học về và ăn cơm xong anh Quang Hùng rủ tôi:
- “Cuối tuần này nếu em có rảnh thì lên trường phụ anh làm tập san. Tụi anh có hai nhóm, một nhóm sẽ tập văn nghệ và nhóm kia thì làm tập san.”
Vì cũng không có gì bận rộn trong ngày cuối tuần, tôi nhận lời anh ngay lập tức, vả lại đây cũng là thói quen. Xưa nay hai anh em tôi rất gần gũi nhau, từ những ngày chúng tôi còn ở Sài Gòn, sau giờ học tôi lúc nào cũng đi theo anh. Mẹ tôi vì đi làm cả ngày nên anh Quang Hùng được giao trách nhiệm coi em. Anh thương tôi lắm, đi đâu cũng dẫn tôi đi theo, ngay cả khi đi chơi với các bạn trai của mình. Tôi nhớ có lần anh đi chơi đánh bi với mấy tên con trai bên xóm kế bên, anh chơi gian lận sao đó nên bị mấy tên con trai bên đó đuổi đánh. Anh vừa chạy vừa lôi tôi theo nhất định không bỏ em gái mình lại. Nếu không có tôi, chắc anh đã cao bay xa chạy mất rồi, nhưng vì lo kéo theo tôi nên hai anh em chạy rất chậm, thế là anh bị tụi xóm bên đánh một trận tơi tả. Về nhà mẹ hỏi tại sao anh bầm mặt sứt trán, hai anh em cùng nhau nói láo nói anh bị té. Mẹ không tin câu chuyện, nói rằng những vết bầm không giống như té, nhưng vì có tôi nói thêm nên sau đó mẹ cũng không tra hỏi gì hơn.
Tuổi thơ của tôi đã trôi qua như vậy, tôi không có bạn gái để chơi búp bê hay chơi làm nhà như những bé gái cùng lứa.Tuổi thơ của tôi là đi theo anh trai mình chơi những trò chơi con trai như thả diều, tạt ống bơ, bắn ná hay bắn bi. Tôi nhớ chúng tôi cũng hay đi bắn thằn lằn nữa. Anh Hùng và các bạn lấy đấy sét nặn thành những viên bi nhỏ, rồi nhét vào ống nhựa thổi bắn thằn lằn. Anh cũng dắt tôi nhập cùng các bạn trong xóm đi hái trộm mận nhà mấy người xóm khác. Tôi được giao nhiệm vụ đứng trước cửa ăn cà rem, nhưng mục đích thật sự là canh chừng xem chủ nhà có ai ra không. Anh Quang Hùng và mấy anh bạn kia lấy cây sào dài đóng thêm một cây đinh ở đầu và treo vào đó một ống lon. Các anh thọc cây hái cho mận rớt vào ống lon. Nếu khi nào tôi thấy có người ra thì sẽ làm bộ hát lên và các anh sẽ biết thế mà chạy. Anh Quang Hùng dạy các bạn đồng lõa của anh một cách hào hiệp rằng có ăn cắp trái cây thì ăn cắp ở xóm khác, đừng ăn cắp xóm mình, mình là người cùng xóm phải có lòng thương yêu đoàn kết với nhau.
Anh Quang Hùng thương tôi hơn bất cứ thứ gì trên đời, anh chỉ hơn tôi hai tuổi nhưng xử sự đối với tôi như một người lớn. Có ai cho món ăn gì anh cũng nhịn, để dành đem về nhường cho tôi ăn. Anh lúc nào cũng bảo vệ tôi không cho ai bắt nạt và còn dẫn tôi đi theo anh khắp nơi không rời bước.
Quay lại chuyện làm tập san cho lớp, hôm anh Hùng rủ tôi đi theo là chỉ còn khoảng ba tháng là đến tết Nguyên Đán. Theo như truyền thống, trường tổ chức thi văn nghệ tất niên. Các lớp có thể tham dự thi đua và biểu diễn các bộ môn như hợp ca, tốp ca, đơn ca, múa và kịch. Ngoài văn nghệ, trường còn tổ chức thi bích báo và tập san. Các lớp đệ nhị cấp sẽ thi làm tập san. Các lớp đệ nhất cấp sẽ thi làm bích báo. Tập san và bích báo của các lớp sẽ được trưng bày ở hành lang mỗi cấp lớp cho mọi người thưởng thức. Kết quả trúng giải sẽ được công bố vào đêm văn nghệ tất niên trước tết âm lịch. Trong đêm văn nghệ, các lớp sẽ biểu diễn thi đua những màn biểu diễn của lớp mình. Kết quả cuộc thi văn nghệ cũng sẽ được tuyên bố vào phần kết thúc. Giám khảo là các thầy cô giáo trong trường.
Hôm đó khi hai anh em tôi đến trường thì các bạn của anh Quang Hùng đã có mặt ở đó. Vì là cuối tuần nên lớp học để trống, các anh chị dùng lớp học để tập văn nghệ và làm tập san. Nhóm văn nghệ của anh Hùng có khoảng mười người và nhóm tập san chừng ba người, cộng thêm tôi. Các bạn trong nhóm Thất Hiệp đều rủ nhau tham dự và hầu hết đều gia nhập ban văn nghệ. Chỉ có anh Quang Cận là tham gia vào nhóm tập san. Tôi được các anh chị trong nhóm tập san giao cho nhiệm vụ đọc bài và sửa lỗi chính tả của các bài viết. Anh Hùng đánh đàn guitar hay, cho nên lãnh phần đệm đàn cho cả nhóm hát. Họ tập dợt ba tiết mục, một hợp ca, một hài kịch ông táo về trời và một song ca giữa anh Hùng và chị Kim Điệp.
Tôi ngồi ở trong góc lớp phụ với anh Quang Cận đọc các bài viết cho tập san. Anh Quang Cận là một người nhỏ nhắn gầy còm. Cặp kính cận to và nặng trên mắt cứ trệ xuống mũi làm cho anh phải thường xuyên đưa tay đên sửa kiếng cho đừng rớt. Anh ít nói hơn những bạn trong nhóm và là người anh Hùng của tôi thân nhất và thương nhất. Anh Hùng nói anh thương cái tính hiền lành chân thật của anh Quang, còn anh Quang thì mến anh Hùng qua cách cư xử đàn anh hào phóng. Hai người hai tính cánh nhưng họ thương nhau và thân với nhau hơn ai hết. Mỗi lần nhìn anh Quang, tôi lại liên tưởng đến nhân vật Tý Cận trong những tập chuyện tranh Xì Trum (Smurf) của nhà văn Peyo. Lúc bấy giờ Xì Trum là loạt chuyện hoạt hình mà các thiếu niên đều say mê. Nhân vật Tý Cận là một trong những nhân vật tý hon trong làng Xì Trum. Trong chuyện, Tý Cận thường không được các tý trong làng ưa thích vì anh ta hay lý sự cùn và lúc nào cũng lên giọng nói đạo đức triết lý. Thế nhưng đối với độc giả ngoài đời, Tý Cận là một nhận vật đáng yêu mà ai cũng ưa mến. Tý Cận biểu hiện cho sự chân thật, hiền lành, đạo đức và tín nhiệm.
Lúc đó, ý nghĩ về anh Quang và nhân vật Tý Cận trong Xì Trum làm tôi mỉm cười. Anh Quang nhìn tôi lạ lùng:
- “Em có gì mà cười thích thú vậy?”
- “Ô, không có gì. Em đang lắng nghe mấy anh chị đóng kịch ông táo về trời. Thấy cũng khôi hài.”
Tôi đỏ mặt nói lấp liếm, sợ anh Quang đoán được những ý nghĩ trong đầu. Anh Quang nhìn ra giữa lớp, lúc đó anh Quanh Hùng đang đọc đoạn sớ kể tội chủ nhà.
- “Ừ, thằng Hùng đóng vai ông táo cũng thấy tếu. Nhưng anh thấy cho nó đóng mấy vai gian hợp hơn. Cái mặt nó trông đểu.”
Hai đứa chúng tôi cười khúc khích vì lời bỡn cợt này. Thấy anh Quang và tôi đang thì thầm nói cười, anh Hùng ngừng đóng kịch, bước tới chỗ chúng tôi:
- “Hai đứa đang nói cười gì đây? Phải thằng Quang Cận đang tán em gái ông không?” Anh vỗ vai anh Quang cận nói giọng kẻ cả. “Nhưng không sao, mày thì ông yên tâm, ông giao em gái cho mày canh giữ. Ông biết mày không dám tán em gái ông đâu.” Sau đó anh quay qua các bạn còn lại trong lớp. “Nhưng những thằng còn lại thì ông không tin được. Này, ông báo trước, đứa nào nhào vào tán em gái ông thì ông bẻ răng, em gái ông không phải để cho chúng mày tán đâu nhá.”
Trong khi anh Quang Cận khoái chí cười tủm tỉm thì các anh khác nhao nhao lên phản đối. Họ phản đối không phải là vì họ muốn tán tôi, nhưng vì cách anh Hùng cảnh cáo họ như vậy. Mấy anh trong lớp nháy mắt nhau, họ hè nhau túm lấy anh Hùng, đè anh xuống thọc lét.
- “Thằng này bố láo, mày dám coi thường bọn ông, để bọn ông làm thịt mày rồi đem em mày ra bán đấu giá.”
Anh Hùng bị cả bọn đè xuống thọc lét, anh vừa cười vừa la bai bải:
- “Tụi mày dám? Ông có chết cũng về làm ma bắt chúng mày.”
Nghe anh nói, các bạn nam càng không tha và càng càng thọc lét cho anh cười. Các chị trong lớp lúc đó tuy không theo phe nào nhưng đứng vỗ tay cười la hét inh ỏi, tạo thành một quang cảnh ồn ào. Ngay lúc đó có một vài nam sinh từ lớp khác bước vào, dẫn đầu là một nam sinh dáng cao, tóc cắt ngắn, khuôn mặt sáng sủa. Anh nam sinh dẫn đầu này vừa cười vừa nói bằng giọng ôn hòa vui vẻ:
- “11C1 làm gì mà ồn ào quá vậy, xin lịch sự một chút được không? Giữ yên lặng cho lớp bên, chúng tôi cũng đang tập văn nghệ.”
Anh Quang cận thì thầm vào tai tôi:
- “Sắp có chuyện coi rồi. Hai con cọp sắp đụng trận.”
Tôi không hiểu anh Quang nói gì, thì thầm hỏi lại:
- “Cọp gì? Sao lại đụng trận?”
- “Thằng này là Khiêm Thủ Quân lớp 11D1. Nó xưa nay vẫn được mọi học trò cùng cấp ưa thích và tôn sùng. Từ ngày có thằng Hùng về đây, sự chú ý đã được chia bớt qua bên thằng Hùng. Hai thằng ghanh và kình nhau. Một rừng mà có hai cọp hỏi sao không nẩy lửa.”
Lúc đó các bạn anh Hùng ngừng tay và đứng dãn ra. Anh Hùng lồm cồm đứng lên sửa tóc lại cho ngay ngắn rồi bước tới. Đang vui vẻ ôn hòa, thấy anh Hùng, anh con trai lớp kia đổi thái độ ngay, giọng nói cũng khác đi:
- “Ồ. Thì ra có Hùng Đểu ở đây. Đáng lẽ ra mình cũng nên biết.”
Nghe câu nói châm chọc này anh Hùng không nhịn được, hùng hổ bước tới:
- “Biết gì? Lớp ai nấy ở, mày sang đây làm gì?”
- “Lớp mấy người ồn ào quá, không ai chịu nổi.”
- “Không phải giờ học, tụi tao không cần phải giữ yên lặng.” Anh Hùng vênh mặt.
- “Vậy đâu được.” Anh con trai cao giọng. “ Sống phải tôn trọng người chung quanh, yêu cầu mấy người đừng làm phiền gây ồn ào.”
Anh Quang Hùng không chịu lui mà anh Khiêm cũng không nhường bước, hai người đối đáp qua lại một hồi thiếu điều muốn nhào vào đánh lộn. Các anh chị của cả hai lớp phải vào can họ mới thôi. Trong khi các anh lớp bên kia kéo anh Khiêm Thủ Quân đi, anh Hùng vẫn đứng lại trong lớp hùng hổ nói anh không sợ ai bắt nạt, lớp anh có tự do muốn làm gì thì làm. Các bạn trong lớp không muốn sanh sự với ai, họ tự động nhỏ tiếng và khuyên anh Hùng bỏ đi. Sau đó cả bọn quay lại tiếp tục tập dượt.
Tôi vẫn còn thắc mắc muốn tìm hiểu thêm nên hỏi tiếp anh Quang Cận:
- “Họ kình nhau dữ vậy hả?”
Anh Quang Cận gật đầu:
- “Ừ, hôm nọ xém đục nhau trên sân banh rồi. Lúc đó hai thằng đá cho hai đội khác nhau, không biết vô tình hay cố ý thằng Hùng đá trúng chân Khiêm Thủ Quân cho nên Khiêm nó thù, nó đá lại. Hai thằng đá chân nhau qua lại một hồi thì nóng máu đè nhau ra sân. Lúc đó không có mấy bạn trong hai đội kéo ra thì hai thằng đục nhau te tua rồi.”
- “Sao khi không lại ra nỗi này? Ai đúng ai sai?”
- “Ai cũng sai đầy mình. Đã vậy, thằng Khiêm chắc cũng thích Kim Điệp, bởi thế trước mặt Con Bướm Vàng, hai con cọp càng dương oai. Đạn nổ, miểng dăng mình đứng gần oan mạng.”
Tôi nhăn mặt khi nghe kể về thái độ của anh mình nhưng không khỏi không phì cười vì cách nói dỡn của anh Quang. Những giờ còn lại sau đó không ai nhắc gì về sự việc mới xẩy ra nữa. Các anh chị trong lớp tiếp tục tập văn nghệ và tôi tiếp tục phụ phần tập san.
Những cuối tuần của những tháng kế tiếp chúng tôi đều đặn họp nhau lại như vậy để hoàn thành tờ tập san và tập dợt văn nghệ. ‘Hai con cọp’ thỉnh thoảng vẫn gườm nhau nếu hai lớp tình cờ tập dợt chung giờ.