Tôi ngồi giết thời gian bên ly cà phê và chăm chú đọc sách. Một lúc lâu bỗng tôi thấy có người đi lại phía mình và giọng một người đàn bà hỏi tôi bằng tiếng Mỹ:
- “Xin lỗi bà có phải người Việt Nam không?”
Tôi bỏ quyển sách đang đọc xuống, gỡ mắt kiếng ra và ngửng đầu lên nhìn. Trước mặt tôi là một người đàn bà châu Á khoảng hơn năm mươi tuổi. Bà ta trông còn rất đẹp và ăn mặc quần áo sang trọng, mắt đeo cặp kiếng mát to che hết đôi mắt khiến tôi không thể nhận ra là ai. Tôi không trả lời, chỉ gật đầu nhẹ xác nhận. Người đàn bà mỉm cười, bà bắt đầu nói sang tiếng Việt:
- “Bà trông rất giống một người tôi quen trước đây. Bà có phải em của Nguyễn Quang Hùng trước kia học ở trường trung học Bảo Lộc?”
Tôi nhìn người đàn bà một các ngỡ ngàng, khẽ gật đầu lần nữa, trong đầu tôi nhanh chóng quay ngược giòng ký ức để ráng nhớ coi người đang đứng trước mặt mình là ai. Trong khi tôi còn đang ngỡ ngàng chưa nhận ra được người đối diện, thì người đàn bà lộ vẻ vui mừng trên khuôn mặt, bà không đợi tôi mời đã kéo ghế ngồi xuống trước mặt tôi. Sau khi ngồi xuống rồi, bà ta ngồi dựa vào lưng ghế và cởi mắt kiếng ra:
- “Em có lẽ không nhìn ra chị, nhưng chị nhận ra em. Đoán coi chị là ai?”
Nghe cách xưng hô chị em của bà tôi đã ngờ ngợ đoán ra bà là ai nhưng vẫn chưa chắc chắc lắm. Tôi chăm chú nhìn khuôn mặt người đàn bà trước mặt để khẳng định xem bà ta có phải là người tôi đang nghĩ trong đầu không. Chiếc mụn ruồi duyên bên khóe môi khiến tôi nghĩ tới một người, tôi đứng bật dậy thảng thốt:
- “Chị Kim Điệp?”
Khuôn mặt người đàn bà lộ nét xúc động. Bà đứng lên và hai đứa chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Chúng tôi ôm nhau như vậy một lúc lâu, sự cảm xúc mãnh liệt trong lòng khiến chúng tôi không ai nói nên lời. Một lúc sau, cơn xúc động dường như đã lắng xuống, chúng tôi buông vai nhau và ngồi lại xuống bàn. Tôi lên tiếng hỏi một cách vui mừng:
- “Sao chị nhận ra em hay vậy?”
Người đàn bà đang ngồi trước mặt tôi chính là chị Kim Điệp. Chị chỉ sang một chiếc bàn bên góc kia quán cà phê, nói:
- “Chị vào đây ngồi bàn bên kia, nhìn sang thấy em đang đọc sách. Chị ngờ ngờ là em nhưng không dám nhận.”
- “Còn em, nếu chị không tới hỏi và nhắc thì em không thể nào có thể nhận ra chị.”
- “Chị già quá phải không? Cho nên em không nhận ra.” Chị Kim Điệp cười.
Tôi cười theo, lấp liếp câu nói của mình:
- “Đâu phải chị già. Tại lâu quá em không gặp chị. Đã vậy chị còn đeo cặp mắt kiếng lớn che mắt, làm sao em nhận ra.” Tôi nghiêng đầu ngắm nhìn chị một lúc lâu rồi bỡn cợt. “Con bướm vàng ngày xưa bây giờ tuy đã có già đi nhưng vẫn còn đẹp như thủa nào.”
Chị Kim Điệp cười phá lên:
- “Em thật vẫn không thay đổi, lúc nào cũng biết nói cho người ta vui. Đẹp gì nữa mà đẹp, đã trên năm chục tuổi rồi và đã làm bà ngoại của ba cháu ngoại rồi.”
- “Bà ngoại tóc vẫn còn đen, quần áo sang trọng đúng thời trang, trưng diện đẹp nên trông cũng còn ‘hot’ lắm.” Tôi nheo mắt tiếp tục chọc.
- “Bà ngoại tóc đen vì bà ngoại chịu đi nhuộm hàng tháng. Quần áo sang trọng vì bà ngoại chịu đi shopping mua đồ sale. Còn trang điểm cho nhiều để che đi những vết nhăn trên mặt.”
Sau câu nói đùa này, hai chị em tôi phá lên cười. Tuy chị Kim Điệp nói vậy nhưng tôi vẫn phải công nhận chị còn đẹp lắm. Ở vào cái tuổi trên năm mươi, chị tuy không còn đẹp như một cô gái xuân thời nhưng nét đẹp của chị là một nét đẹp quý phái của một người đàn bà đứng tuổi. Vẫn như lúc còn con gái, chị vẫn ăn mặc quần áo đắt tiền sang trọng:
- “Chị bây giờ ở đâu? Chị sang Mỹ hồi nào? Chị đang làm gì?”
- “Chị đang ở Chicago. Chị sang đây ở từ năm 1983. Chồng chị, chắc em vẫn còn nhớ, sang đây đi học và thi lấy bằng lại rồi về mở phòng mạch ở Chicago. Còn chị, có làm cái gì em, toàn ở nhà chồng nuôi, ở Việt Nam cũng vậy mà sang đây cũng vậy. Bây giờ thì ở nhà trông cháu ngoại, rảnh thì ra phòng mạch của chồng xem sét coi ổng có mèo chuột gì không.”
Tôi cười. Chị Kim Điệp nói tiếp:
- “Chị có bốn đứa con, tụi nó đều thành đạt cả rồi, đứa nhỏ nhất năm nay cũng 22 tuổi đang theo học đại học ở Cailifornia. Nhớ con, chị đi máy bay sang thăm nó.
Sau đó chị Kim Điệp kể cho tôi nghe về gia đình chị, về chồng, về các con và các cháu ngoại. Sau khi đã kể xong, chị hỏi lại tôi:
- “Nãy giờ em cứ hỏi về chị mà chị chưa nghe nói gì về em. Em bây giờ ở đâu. Chồng con ra sao? Chị tưởng lúc xưa gia đình em đi Canada?”
Tôi gật đầu xác nhận:
- “Đúng như vậy, năm 1974 tụi em theo mẹ sang Canada. Nhưng sau này em lấy chồng bên Mỹ nên theo chồng về Mỹ. Bây giờ em đang ở Texas.”
- “Bây giờ em làm gì?”
- “Em mãi gần ba mươi tuổi mới lập gia đình. Em học về chemistry và lúc trước làm trong phòng thí nghiệm của một hãng hóa học ở Canada. Sau đó một lần đi họp hội nghị ở Washington em tình cờ gặp nhà em bây giờ, lúc đó cũng đi họp. Anh ấy là người Mỹ. Tụi em quen nhau, liên lạc với nhau một thời gian rồi cặp với nhau. Sau này khi tụi em kết hôn, em theo chồng về Texas. Bây giờ thì em đã không còn làm ở phòng thí nghiệm nữa mà đã đi dạy học rồi. Lúc về Texas, em vừa đi làm vừa đi học thêm lên. Đến khi em lấy được bằng tiến sĩ về hóa học, em bỏ làm và xin đi dạy ở trường đại học cộng đồng ở Texas.”
- “Em vậy là khá lắm. Trong đám tụi mình ngày xưa có lẽ chỉ có em là đạt được ước mơ của mình. Chị nhớ em đã nói sau này em muốn đi dạy đại học.”
- “Chị nhớ dai quá. Lời em nói lúc đó mà chị cũng nhớ. Chị cũng vậy, chị cũng đạt được ước mơ của chị.”
Tôi nói và đầu óc nhớ về chuyến đi suối Thanh Bình của chúng tôi ngày nào, nơi mà chúng tôi đã kể cho nhau nghe những ước mơ của mình khi trưởng thành.
- “Ước mơ của chị ai mà làm không được, cứ ở nhà nuôi con không biết đi làm.”
- “Nhưng ít ra chị đã lấy được người thương chị và đời sống của chị được sung túc suốt đời.”
- “Nhưng không như em được tự do thoải mái, tự mình kiếm tiền, có đi đâu hay xài gì cũng không phải xin ai. Còn chị, cái gì cũng phải phụ thuộc vào chồng, muốn mua gì cũng phải xin chồng, phải xem coi mặt chồng lúc đó có vui không.”
Tôi cười không trả lời, chị hỏi tiếp:
- “Ba mẹ em thì sao?”
- “Ông Bill chồng mẹ em mất lâu rồi. Sau khi ông chết, em bảo lãnh cho mẹ và anh Hùng sang Mỹ với em. Bây giờ bà cụ đã trên bẩy mươi rồi, ở với anh Hùng, không làm gì cả, chỉ ở nhà và đi chùa thôi. Bà cụ thấy em lấy chồng Mỹ nên ngại con rể, về ở với con trai, dù gì con dâu cũng là người Việt Nam. Lúc cha ruột em mất ở Việt Nam, tụi em không về được. Mấy năm sau tụi em mới về thăm mộ ông cụ.” Tôi thở dài buồn bã. “Năm 1974 tụi em bước chân ra đi cũng là lần cuối cùng tụi em gặp mặt ông cụ. Sau đó tụi em chỉ liên lạc với ông cụ bằng thư từ thôi. Sau này ông cụ chết vì ung thư phổi, ông cụ hút thuốc nhiều quá.”
- “Em về thăm mộ năm nào?”
- “Mấy năm sau khi ông cụ mất tụi em mới về thăm mộ. Tụi em có gặp bà vợ hai của ông cụ và hai đứa con trai. Họ bây giờ nghe nói đã chuyển sang làm khách sạn du lịch ở Đà Lạt. Ông cụ trước khi chết có viết di chúc để một nửa tài sản cho anh em tụi em. Nhưng tụi em bên này cũng khá giả rồi tụi em cũng không muốn chia trác làm gì. Vả lại đa số tài sản của ông cụ là đất đai, tụi em có lấy về cũng không đứng tên được. Cho nên tụi em cho luôn hai con trai bà hai.”
Chị Kim Điệp từ nãy giờ vẫn chưa hỏi thăm đến anh Quang Hùng, tuy anh mới là bạn học thân của chị. Tôi nhắc:
- “Anh Quang Hùng cũng đang ở Texas. Chị biết đó, chỉ có ba mẹ con, em đi rồi ảnh và mẹ buồn nên ảnh nói em bảo lãnh sang Texas xin việc và ở lại luôn.”
Nghe tôi mở lời, chị Kim Điệp lúc này mới hỏi:
- “Quang Hùng bây giờ ra sao? Vợ con thế nào?”
- “Anh Quang Hùng làm kỹ sư cơ khí. Anh ấy đang làm cho một hãng ở Texas. Em không biết nên nói rằng anh ấy đa tình hay lận đận, quen bao nhiêu cô cuối cùng lớn tuổi mới lấy được một cô ở Texas. Vợ anh ấy làm nghành kế toán. Anh ấy bây giờ có hai con. Nhà anh ấy cũng ở gần nhà em lắm. Hai anh em tụi em vẫn thân nhau như ngày xưa, tuần nào cũng thay phiên đến nhà nhau ăn uống. Chồng em là người Mỹ nhưng được cái dễ tính, để vợ muốn làm gì thì làm. Từ ngày sang nước ngoài anh Hùng đã không còn cao ngạo hay ăn nói ngông nghênh như ngày xưa. Anh đã trở nên chững chạc, nghiêm túc và đạo mạo. Không biết sự thay đổi này là do trưởng thành hay do mất mát.”
Chị Kim Điệp im lặng trầm ngâm, chị có lẽ đoán ra sự mất mát mà tôi vừa nói:
- “Em chắc muốn ám chỉ chuyện Minh Châu?”
Tôi gật đầu. Câu hỏi của chị Điệp làm tôi thấy ngậm ngùi. Tôi im lặng một lúc mới lên tiếng:
- “Tội nghiệp con bé, em nghe nói chừng hai năm sau khi tụi em đi khỏi, nó bị tử nạn trên chuyến xe đò về Sài Gòn. Lúc đi ngang qua đèo Bảo Lộc, xe bị lật đèo chết hết cả xe.”
- “Lúc Minh Châu qua đời chị còn ở Saigòn. Nghe tin nó chết ai cũng thương. Anh Hùng của em chắc đau lòng lắm.”
- “Sau năm 1975 tụi em mất liên lạc với Minh Châu. Mãi đến khi được gửi thư thông thương năm 1977 tụi em mới liên lạc được với gia đình dì Hai, lúc đó tụi em mới hay tin.”
Chị Kim Điệp thở dài:
- “Tội nghiệp con bé chết lúc còn trẻ quá.” Chị ngừng một lát hỏi tiếp. “Anh Hùng của em đón nhận tin này như thế nào?”
- “Anh đau buồn lắm. Cả năm trời anh giữ nỗi đau buồn trong lòng. Anh không nói hay tâm sự với ai nhưng em biết anh buồn lắm.” Tôi ngừng một lát rồi nói tiếp. “Trong đời anh Hùng, ngoài vợ của anh ra, em nghĩ có hai mối tình thơ mà anh ấy sẽ không bao giờ quên. Một người anh ấy yêu nhưng lại không dám yêu, đó là chị. Còn một người anh ấy dám yêu nhưng lại không giữ được, đó là Minh Châu.”
Chị Kim Điệp nghe tôi nói mà im lặng không nói gì. Chị cúi đầu nhìn xuống ly cà phê của mình, tay cầm muỗng quậy cà phê một cách thẩn thờ. Không biết chị đã thấy gì trong ly cà phê của chị, không biết chị có thấy một bóng hình của ai đó trong đáy ly để chị có thể nhớ về một cuộc tình xa xưa, giống như những lời thơ của nhà thơ Trần Quang Dũng:
“Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mưa”
Có lẽ chị Kim Điệp đã không thấy bóng dáng anh Quang Hùng trong đáy ly cà phê nhưng thấy anh trong đáy trái tim chị, nơi mà bao năm qua chị đã chôn vùi và quên đi giữa đời sống hàng ngày. Tôi tự hỏi trong mấy chục năm qua, trong lòng chị còn chút vương vấn gì với anh của tôi không. Tôi hỏi dò dẫm.
- “Anh của em nếu nghe nói em gặp được chị, chắc anh ấy mừng lắm. Ngoại trừ anh Quang Cận ra anh ấy chưa gặp lại ai từ ngày tụi em rời Việt Nam.”
- “Gặp em chị mừng lắm, chị mong hai chị em mình sẽ liên lạc với nhau trong những thời gian sắp tới. Nhưng chị chưa chuẩn bị tinh thần để gặp lại anh của em. Như em đã nói, chị là một trong những mối tình thơ mà anh ấy yêu quý. Có lẽ trong đầu óc của anh ấy vẫn còn hình ảnh của chị là một cô nữ sinh xinh xắn mười bẩy mười tám tuổi ngày nào. Chị sợ khi gặp một bà già như chị bây giờ thì mộng đẹp ngày xưa của anh ấy sẽ vỡ tan. Ngay cả chị cũng vậy, xưa nay trong lòng của chị vẫn mang trong lòng hình bóng Quang Hùng, một cậu học sinh trung học đẹp trai, thông minh và láu lỉnh. Chị thật chưa chuẩn bị tinh thần để gặp môt ông già tóc muối tiêu, da nhăn nheo.”
Tôi phá lên cười về cách suy nghĩ của chị Kim Điệp. Tôi ngắm nhìn người phụ nữ trước mặt. Đã trên năm mươi tuổi chị chưa phải là đã già, nhưng chị nói đúng, trước mặt tôi bây giờ không còn một nữ sinh Kim Điệp xinh đẹp ngây thơ như ngày xưa với váy mini skirt và tóc dài cột đuôi nữa. Trước mặt tôi bây giờ là một phụ nữ đứng tuổi, thân hình đã không còn nét thon thả, quần áo tuy sang trọng nhưng đã mang vẻ già giặn, khuôn mặt vẫn còn mang nét đẹp nhưng không còn là nét đẹp của tuổi thanh xuân. Chị nói đúng, có lẽ họ không nên gặp nhau. Hãy để trong lòng hai người họ một ấn tượng đẹp đẽ của mối tình thơ đẹp năm nào, để họ mãi thần tượng lẫn nhau và thương nhớ về nhau. Gặp nhau rồi mối tình thơ ngày xưa sẽ tan vỡ và họ sẽ không còn gì để mà nuối tiếc để mà vấn vương trong những ngày còn lại cuộc đời họ.
Chị Kim Điệp đổi đề tài quay sang chọc tôi:
- “Em đi rồi, người ta mới biết có mấy chàng thất tình ngẩn ngơ.”
Tôi tròn mắt ngạc ngạc nhiên:
- “Ai vậy chị? Em là con bé lọ lem có ai thèm thương.”
- “Chị không nói ra nhưng có lẽ em trong lòng đã đoán ra ai. Con gái nhạy cảm những chuyện này lắm. Người thứ nhất thì quá rõ ràng ai mà không biết, đó là Quang cận, còn người thứ hai có lẽ chỉ có em biết, đó là Khiêm Thủ Quân.”
Tôi cười, vẫn không xóa hết sự ngạc nhiên nhiên của mình. Anh Quang Cận thì quả thật tôi đã đoán ra, nhưng anh Khiêm thì tôi thật tình không biết:
- “Vậy sao? Anh Quang thì em còn đoán được, anh Khiêm thì em chịu thua.”
- “Ừ, sau này ai cũng ngạc nhiên chuyện Khiêm Thủ Quân yêu thầm em. Em đi rồi nó buồn, bày đặt đi uống rượu, không biết uống nên say ói tùm lum rồi chính miệng nó khui ra.”
- “Rồi bây giờ anh Khiêm ở đâu rồi?”
- “Chị nghe nói nó sau này về miền tây lấy vợ rồi ở luôn dưới đó. Sau này không thấy quay về thị trấn nữa.”
- “Cũng may là anh Khiêm không tỏ tình với em lúc còn ở đó, nếu không em lại mang trong lòng một mối tình thơ nhức nhối cả đời.”
Chị Kim Điệp nheo mắt nhìn tôi. Cái nheo mắt cổ hủ của chị đã bao năm qua vẫn chưa thay đổi.
- “Em thật là lạ. Có phải mọi chuyện trong đời em, em sẽ không làm nếu em nghĩ nó sẽ không có kết quả?”
- “Có lẽ em hơi thực tế, chuyện gì làm cũng tính toán. Nếu thấy chuyện gì không có kết quả, em sẽ không làm.”
- “Ngay cả chuyện tình yêu?”
- “Ngay cả chuyện tình yêu.”
- “Em không để cho trái tim mình tự do yêu ai sao?”
- “Tự do yêu là một chuyện, có nên tiến tới tình yêu đó hay không thì là một chuyện khác.”
- “Em có nghĩ em làm như vậy sẽ mất đi nhiều cơ hội có được những mối tình yêu đẹp.”
- “Em sợ bị đau khổ. Những cuộc tình làm cho người ta nhớ suốt đời thường là những cuộc tình ngang trái lỡ làng. Em thà không yêu.” Tôi cười khi nhớ lại một vài giai thoại lúc nhỏ, nói tiếp. “Lúc trước anh Quốc Dũng cứ nghêu ngao với triết lý tình yêu của mình ‘Yêu thì khổ, không yêu thì lỗ, thà khổ sướng hơn lỗ’. Có lẽ triết lý yêu của em là ngược lại.” Tôi nhân dịp này hỏi thăm sang những bạn khác của anh Hùng “Chị có biết tin tức gì của mấy người trong nhóm Thất Hiệp không?”
- “Chao, mấy mươi năm nay chị mới nghe có người nhắc tới cái tên Thất Hiệp này. Có, chị vẫn liên lạc với chị Nguyễn thị Hậu. Chị ấy vẫn ở tại thị trấn. Bây giờ hai vợ chồng chị mở quán ăn. Chị Hồng cũng vẫn ở đó, mở tiệm bán phụ tùng xe. Quang cận thì chị không được tin tức gì của nó. Những năm thập niên bẩy mươi chị còn gặp nó ở Sài Gòn, nhưng sau khi chị đi sang Mỹ rồi thì chị mất liên lạc luôn với nó. Thịnh Ú đang ở bên Úc đã có vợ con. Còn Kỳ Triết Học thì nghe nói đang ở Sài Gòn. Nghe nói nó nhận thầu từ mấy công ty ngoại quốc may hàng quần áo, bây giờ rất giàu. Kỳ nó đã vượt qua cái ải nghèo.”
- “Thật ra anh Quang Cận là người duy nhất hai anh em tụi em liên lạc được. Anh ấy đang ở bên Pháp, có sang Canada thăm tụi em một lần. Sau đó khi tụi em đã định cư ở Mỹ anh cũng sang thăm một lần nữa, đi dự đám cưới của anh Quang Hùng.”
Chị Kim Điệp nhìn tôi cười châm chọc:
- “Nó sang tới Canada mà không tỏ tình với em à? Sao lại để em lấy chồng mãi bên Mỹ? Ai mà không biết nó mê em.”
- “Có, anh ấy có tỏ tình với em khi đến thăm tụi em ở Canada, nhưng tụi em thấy hoàn cảnh tụi em lúc đó không thích hợp, do đó cả hai đều hoan hỉ tiếp tục làm bạn. Sau này anh lấy vợ bên Pháp, người Việt Nam, từ đó không thấy sang thăm tụi em nữa. Cách đây vài năm gia đình anh Hùng có sang Pháp thăm anh ấy.”
- “Lúc em về Việt Nam có ghé thăm Bảo Lộc không?” Chị Kim Điệp đổi hướng câu chuyện.
- “Có, nhưng đã đổi khác quá nhiều không còn nhận ra. Những bãi đất trống và những đồi trà ngày xưa bây giờ đều là nhà cửa phố xá xầm uất. Ty bưu điện đã không còn, người ta xây bưu điện ở chỗ khác lớn hơn. Sân banh ngày xưa mấy ảnh hay đá banh cũng bị dẹp đi. Rạp chiếu bóng Hoàng Huê giờ là những nhà lầu. Những bụi hoa hướng dương trồng bên hồ không còn gốc tích gì hết. Trường của mình vẫn còn, nhưng giờ đây chỉ là trường cấp hai. Người ta xây trường cấp ba mới to cao hơn ở chỗ khác.”
- “Ừ, chị cũng đã về lại thăm trường, cảnh còn đó mà người còn đâu. Ngoại trừ ngôi trường này, mọi cảnh trí khác dường như đã hoàn toàn thay đổi.”
Hai chị em tôi ngồi tâm sự với nhau một hồi lâu thì tôi phải lên máy bay. Chúng tôi thật có quá nhiều chuyện để hỏi han tâm sự, những giây phút ngắn ngủi qua thật không đủ cho chúng tôi kể lể hết mọi chuyện. Chúng tôi trao đổi địa chỉ email cho nhau và đứng lên chia tay. Chúng tôi ôm nhau thật chặt, thật lâu, trong lòng dạt dào tình cảm. Tôi xách túi xách đi về hướng terminal để lên máy bay, còn chị Kim Điệp vẫn ngồi lại quán cà phê chờ chuyến bay của chị.
Khi ngồi lên máy bay rồi, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay thả hồn vào mông lung. Tôi nhìn những áng mây trời bay lơ lửng trên những rừng cây lá vàng ở phía xa và đưa hồn trở về những ngày xưa ở thị trấn. Những tháng ngày sống ở đó là những tháng ngày vui tươi nhất trong đời anh em chúng tôi, nơi đó chúng tôi đã có những tình bạn thắm thiết và những kỷ niệm êm đềm khó quên.
Tôi nhớ về Minh Châu với đôi mắt đen sâu long lanh. Đôi mắt đó khi nhìn thẳng vào người đối diện sẽ làm người ta luống cuống. Nó là con bạn tôi chơi thân nhất trong thời niên thiếu. Lúc trước Minh Châu lúc nào cũng sợ anh Hùng sẽ phụ tình nó và làm nó đau khổ. Nhưng thật ra cuối cùng chính nó mới là người phụ tình anh tôi. Minh Châu đã chết, cái chết của nó đã để lại trong tim anh Quang Hùng vết thương nhức nhối không lành và để trong lòng tôi nỗi thương tiếc ngậm ngùi.
Tôi nhớ về anh Khiêm Thủ Quân, người con trai dáng cao với mái tóc cắt ngắn và đôi mắt nâu, về những buổi đi câu cá của chúng tôi và về tiết lộ bất ngờ của chị Điệp. Tôi không ngờ anh Khiêm ngày xưa lại có tình ý với tôi như vậy. Thật ra lúc xưa tôi cũng từng có những giây phút xôn xao khi ở bên cạnh anh, tôi đã từng thấy bâng khuâng nhớ khi không gặp anh ở cầu thủy tạ. Nhưng rồi lúc đó hai đứa tôi chỉ đối xử với nhau như bạn. Nếu tôi đã ở thị trấn được lâu hơn, chúng tôi có thể đã có một kết cuộc khác, có thể chúng tôi đã bước xa hơn tình bạn.
Tôi nhớ về anh Quang Cận và cuộc đời bình thản giản dị của anh ở Pháp, về chị Hậu và chị Hồng với cuộc đời nơi thị trấn nhỏ ở từ ngày sanh ra cho tới nay. Anh Thịnh và anh Kỳ đều có cuộc đời riêng và mỗi người ở một nơi. Chị Kim Điệp ở Mỹ với một cuộc đời mà chị đã thấy trước và chọn sẵn cho mình. Còn tôi và anh Quang Hùng, sau những năm tuổi thơ lận đận sống từ nơi này sang nơi kia, rút cuộc cuối cùng anh em tôi cũng có nơi để an thân lập nghiệp. Chị Kim Điệp nói đúng, trong tất cả các bạn ngày xưa đi suối Thanh Bình và kể cho nhau nghe về những ước mơ của mình, có lẽ chỉ có tôi là may mắn đạt được ước nguyện. Cuộc đời bể dâu thăng trầm, mỗi con người một số mạng không ai biết trước được.
Tôi nhớ về cha tôi và những năm cuối cùng của cuộc đời ông. Ngày anh em tôi bước chân rời khỏi đất nước cũng là lần cuối cùng chúng tôi được gặp mặt ông. Những năm sau đó vì đất nước chưa thông thương, Việt Kiều chưa về nước được, chúng tôi chỉ viết thư thăm ông thường xuyên. Ông bị bịnh ung thư phổi và qua đời mười lăm năm sau đó. Lá thư cuối cùng ông gửi cho chúng tôi đã nói lên nỗi thương tiếc của ông khi không có dịp gặp lại anh em chúng tôi. Ông bày tỏ cho chúng tôi biết ông đã thương chúng tôi như thế nào. Lá thư viết cho mẹ thì mang nặng lời tự than trách. Mẹ là mối tình đẹp và là người đàn bà cha yêu nhất trong đời. Cha tôi nói lúc trước ông không bao giờ hề có ý định bỏ mẹ. Khi mẹ bỏ ra đi, ông không còn làm gì được hơn, lúc đó dì Lan đã có con và hăm dọa sẽ tự tử chết cả hai mẹ con nếu cha bỏ bà ta. Hai bên, bên nào cũng là con, ông chỉ mong sao ông có thể thương yêu cho con của cả hai bên. Thế nhưng cha tôi đã không có can đảm để làm một sự lựa chọn cho bản thân mình, chính mẹ tôi đã đứng ra làm một sự lựa chọn trong mối tình tay ba này. Tôi tội nghiệp cho cha tôi, yêu hai người đàn bà một lúc không phải là điều may mắn hay sung sướng như những người đàn ông khác thường nghĩ. Với cha tôi, cái giá mà ông phải trả để yêu hai người đàn bà một lúc trong đời là mất đi người đàn bà mà ông yêu quý nhất và những đứa con mà cho đến khi chết ông cũng không được gặp mặt lại.
Về phần dì Hai tôi, mẹ tôi đã bảo lãnh cho cả gia đình dì sang Canada, chỉ trừ chị Phượng. Chị Phượng lúc đó đã kết hôn và đã có con với anh Lâm nên không được đi theo. Gia đình dì Hai đi rồi gia đình chị Phượng dọn về Nha Trang ở. Anh Quốc Dũng, Quốc Trung và chị Bích Dung đều đã lập gia đình ở Canada. Gia đình hai cậu tôi thì vẫn ở Sài Gòn. Sau này thì dì Hai cũng bảo lãnh gia đình chị Phượng qua Canada luôn. Tôi nghĩ về chị Phượng, cuối cùng đã tìm được người đàn ông thật tình thương chị và mang hạnh phúc lại cho chị. Anh Lâm tuy không học thức cao như anh Tuấn nhưng anh thương yêu và lo lắng cho chị hơn. Tôi không biết trong lòng chị Phượng còn thương yêu hay oán ghét gì anh Tuấn hay không, nhưng nghe nói hai vợ chồng chị sau này không còn liên lạc gì với anh Tuấn nữa, cho dù anh Lâm trước kia là bạn thân của anh Tuấn. Có lẽ như vậy cũng tốt, gặp nhau làm gì chỉ khiến cho cả ba thêm khó chịu. Tôi nghĩ chị Phượng là người hiền lành và chị đã tha thứ cho người tình phụ của chị từ lâu lắm rồi. Khi gặp chị Phượng tôi tế nhị không bao giờ hỏi hay nhắc chuyện của anh Tuấn. Chuyện đau buồn đã qua rồi hãy để cho chị quên đi.
Tôi nghĩ về mẹ tôi và những năm còn lại của cuộc đời bà. Sau khi đã vất bỏ cái quá khứ tình yêu đau buồn của mình lại sau lưng, mẹ tôi đã sống trọn tình trọn nghĩa với ông Bill. Hai mươi mấy năm chung sống với ông Bill còn dài hơn vài năm làm vợ cha tôi, tình nghĩa vợ chồng của mẹ và ông Bill có lẽ còn gắn bó hơn với cha thôi. Tôi nghĩ trên thực tế ông Bill mới là người chồng trọn đời của mẹ. Mẹ tôi đã ở với ông và chăm sóc cho ông tận tình trong những ngày ông về già nằm liệt trên giường bịnh và đã ở bên ông cho đến cuối cuộc đời khi ông nhắm mắt ở nhà thương. Tôi kính trọng ông Bill, ông đã đem lại cho mẹ con chúng tôi một tình người thắm thiết và những chuỗi ngày sống sung túc êm đềm. Tuy hai anh em tôi chưa bao giờ gọi ông một tiếng cha, nhưng trong lòng chúng tôi ông đã thật là một người cha đáng kính thứ hai. Tình cảm của mẹ tôi đối với ông Bill là tình cảm chân thật. Mẹ tôi kính trọng ông và yêu thương ông. Tình yêu của mẹ với ông trong mấy mươi năm không phải là tình yêu thắm thiết đam mê như mẹ đã từng yêu cha tôi, nhưng đó là tình yêu được xây trên nền tảng của sự tôn trọng và biết ơn.
Tôi nghĩ về anh Hùng và những mối tình thơ của anh thủa trước. Có lẽ giờ đây anh đã thật sự chôn đi những cánh phượng tình thơ của mình như trong bài thơ anh làm ngày nào. Anh đẹp trai lại hoạt bát, tuy những năm anh em tôi ở nước ngoài con gái Việt Nam thật có hiếm hoi, nhưng anh tôi vẫn không thiếu các cô yêu thương. Anh đã từng trải qua ba bốn cuộc tình nữa để cuối cùng đã gặp và cưới chị dâu tôi, cũng là người người Việt Nam.
Anh Quang Hùng ít ra đã không đi theo bước chân cha tôi. Sau khi lấy vợ, anh đã chôn đi những tình cảm cũ trong lòng, nhắm mắt lại với những cám dỗ của đàn bà chung quanh để sống đời sống một người chồng, người cha mẫu mực, yêu vợ thương con. Lòng uất hận đối với cha tôi đã tạo cho anh một quyết tâm anh sẽ không bao giờ nối gót đi con đường cha tôi đã đi qua. Những cuộc tình đã đi qua trong đời anh, anh có còn nhớ hay không chỉ có anh mới biết. Nhưng tôi biết những cuộc tình anh đã trải qua ở xứ người không ai có thể thay thế được mảnh tình thơ anh đã có với Minh Châu và chị Kim Điệp ở vùng thị trấn nhỏ ngày nào. Ở Texas, những ngày đẹp trời anh Hùng thường dẫn hai con của anh ra công viên thả diều. Ở bên Mỹ diều làm bằng vải dù, anh Hùng không còn phải lấy tre để làm diều như ngày xưa. Thế nhưng có một điều anh không bao giờ quên làm, điều mà tôi nghĩ anh đã học lại từ một người lúc trước, anh lúc nào cũng không quên viết tên của những người thân trong gia đình lên trên cánh diều. Tôi đoán khi anh nhìn lên cánh diều bay trên cao, anh có lẽ đang nghĩ về ánh ráng chiều tà của buổi thả diều năm nào.
Tôi nhắm mắt lại nghe tâm hồn bâng khuâng. Cuộc đời như một giòng sông, nước sông trôi qua đi rồi không bao giờ còn quay được, nước chảy rẽ vào những nhánh sông như những lối rẽ trong cuộc đời.
Tôi mở máy laptop mang theo và nối vào Internet ở trên máy bay, tôi không thể đợi để nói cho anh của tôi biết về cuộc gặp gỡ vừa rồi.
“ Anh Hai
"Anh không thể đoán ra hôm nay em đã gặp được ai ở phi trường. Em nghĩ nếu có đố, anh chắc chắn cũng sẽ thua. Nếu anh còn nhớ câu thơ này thì anh sẽ biết người em vừa gặp là ai.
Con bướm vàng ngày xưa sắp bay xa rồi
Tôi đem cánh phượng chôn tình thơ tuổi mới lớn.
"Hẹn gặp anh cuối tuần.
Em
Quỳnh Vân”
HẾT